check_circle

Tập thơ chủ đề Gánh đời trĩu nặng, thương một bờ vai

Nhiều tác giả

Đã hoàn thành

108
18



Tập thơ



Tập thơ


Chẳng rõ tự bao giờ, bộ quang gánh, bao gồm một chiếc đòn gánh và một đôi quang đặt ở hai đầu của chiếc đòn gánh, đã trở thành biểu tượng của văn hoá Việt Nam, đại diện cho hình ảnh những người bà, những người mẹ, những người chị chịu thương chịu khó, sớm hôm tần tảo, lam lũ vì cuộc sống mưu sinh hằng ngày.


Trong một lần đến thăm Việt Nam, hình ảnh người bán hàng rong với chiếc quang gánh trên vai đã để lại ấn tượng không thể phai nhoà trong lòng nhà văn Mỹ Edith Shillue. Đời quang gánh đã được bà khắc hoạ vừa thơ mộng vừa sinh động qua câu văn:


“A vendor carries on her shoulder the most romantic thing in the East – a shoulder pole. She gently swings herself out of an alley.” (quoted from Country, published by University of Massachusetts Press in 1997).


“Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất phương Đông – cái đòn gánh. Bà nhẹ nhàng nhún nhảy bên phải, bên trái, đi ra khỏi ngõ.”

(Trích từ Đất nước – NXB Đại học Massachusetts – 1997).


HIVE đã từng rất tán thưởng cũng như đồng ý với cách miêu tả độc đáo này, rằng nét đẹp dung dị của bộ quang gánh là hình ảnh vô cùng lãng mạn trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, khi đã trưởng thành hơn, khi đã thấu hiểu thế nào là sự khắc nghiệt của cuộc sống, HIVE đã có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về “vật lãng mạn nhất phương Đông” này.


Đối với HIVE, người phụ nữ Việt Nam, dù trong thời phong kiến hay xã hội hiện đại, đều mang trên vai những gánh nặng vô hình ngay từ ngày họ được sinh ra. Những định kiến xã hội, những quan niệm không bình đẳng đối với phái nữ từ ngàn xưa vẫn còn kéo dài dai dẳng đến bây giờ. Chúng trói buộc họ vào những nỗi nhọc nhằn và buồn tủi bất tận.


Ngày nay, tuyên ngôn của người phụ nữ hiện đại “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” vô hình trung đã trở thành “gánh nặng kép” đè nặng lên đôi vai gầy guộc của họ. Vậy nên đôi quang gánh đâu chỉ là gánh lúa, gánh rau, gánh hàng rong mà chúng ta thường vẫn nghĩ. Mỗi người phụ nữ đều mang trên vai một chiếc đòn gánh không hình không dạng, và một đôi quang chất đầy trách nhiệm cũng như bổn phận với việc gia đình, xã hội. Cho dù họ đảm đang và giỏi giang chẳng kém cạnh gì nam giới, nhưng câu hỏi “Xã hội đã thực sự công bằng với họ hay chưa?” vẫn còn bỏ ngỏ. Thế thì còn đâu sự lãng mạn của chiếc quang gánh khi HIVE chỉ nhìn thấy những đôi vai đang oằn đi vì sự nặng trĩu của bộn bề lo toan.


“Hai ru Út ngủ cho ngoan

Kĩu cà kĩu kịt, nắng loang trên đầu.

Thương em giấc ngủ chẳng sâu

Chông chênh đôi gióng dãi dầu gió sương.

Theo Hai qua khắp nẻo đường

Tiếng rao vang vọng phố phường muôn nơi.

Út ơi, vai chị rã rời

Đỡ đần cha mẹ gánh đời em thơ.”

(Gánh chữ H – BTV Cỏ May Vương Áo)


“Sao thương quá những đêm dài thao thức

Ngoại cặm cụi làm mấy vò nước tương

Ông đi rồi cuộc sống thêm cơ cực

Bảy đứa con mãi thiếu thốn tình thương.

Mẹ thường kể Ngoại chẳng bao giờ khóc

Dù vai gầy in hằn dấu thời gian

Gánh nước tương nuôi đàn con ăn học

Gánh cuộc đời đi qua những gian nan.”

(Gánh chữ S – BTV Cỏ May Vương Áo)


Hình ảnh đôi quang gánh trong những câu thơ trên có thể chỉ còn là mảnh ký ức xa xôi về làng quê truyền thống Việt Nam. Thế nhưng thỉnh thoảng HIVE vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh này trên phố phường thành thị. Điều HIVE trăn trở là cho dù có đồng cảm thế nào, cảm thấy xót xa và đau lòng ra sao, HIVE vẫn không thể nhìn thấy hết được những gánh nặng cuộc sống của người phụ nữ. Vì vậy, HIVE rất mong có thể đọc được những dòng thơ chia sẻ về chiếc quang gánh hữu hình và vô hình ấy qua cách suy nghĩ của bạn. Sự chia sẻ này là để mọi người cùng nhau thấu hiểu, yêu thương và trân trọng người phụ nữ Việt hơn vì đôi khi “Viết về sự hy sinh, tảo tần và tình yêu thương vô bờ bến của người phụ nữ như con dao hai lưỡi. Chúng ta sẽ không biết mình ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của họ hay đang trói buộc họ vào những bức tường, chiếc cọc vô hình, có dát vàng vào tường vách và cọc sắt thì bị giam giữ chúng cũng không thể gọi là tự do.” (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư).




Cùng tác giả

Bình luận

Chưa có bình luận nào.