book

Đời thương hồ

5
Đã hoàn thành    44    0   

Cái đời gạo chợ nước sông, long đong chẳng biết phải về nơi đâu. 

2 bình luận

  1. Sương Trang
    9/25/2024 11:18:08 AM
    Giọng văn của Mèo vẫn luôn khiến mình dễ chịu khi đọc vì sự mộc mạc và thân thuộc, năm sao cho Đời Thương Hồ của Mèo nhooo 💖
  2. Mèo Mùa Hạ
    9/26/2024 10:32:18 AM
    cảm ơn embe Sương Trang nhiều (⁠ ⁠ꈍ⁠ᴗ⁠ꈍ⁠)
  3. Mèo Mùa Hạ
    10/14/2024 2:50:23 AM
    Mình xin ghi lại review của bạn Ngân Hà dưới phần bình luận này cho xôm ạ (⁠≧⁠▽⁠≦⁠).
    Như thường lệ, hôm nay mình sẽ viết một bài nhận xét cho tác phẩm tiếp theo. Tác phẩm “lên sóng” ở tuần này là truyện ngắn “Đời thương hồ” của bạn Mèo Mùa Hạ. Do truyện của bạn đang tham dự một cuộc thi trên Truyện nhà Ong nên mình cũng không muốn tiết lộ quá nhiều về nội dung của tác phẩm này mà chỉ khái lược vài nét đặc trưng.


    Toàn bộ câu chuyện “Đời thương hồ” không tập trung vào những người làm nghề buôn bán trên sông nước, mà xoay quanh một đứa trẻ tên Được. Nó sinh ra và lớn lên trên chiếc ghe do ông nội truyền lại cho cha, cùng cha mẹ lênh đênh trên sông nước để lo kế sinh nhai. Sâu trong thâm tâm nó là một nỗi buồn khôn tả, khi phải sống cô đơn, chẳng có bạn có bè. Đó là căn nguyên thúc đẩy mọi mâu thuẫn trong truyện, tạo nên cuộc cãi vã giữa Được và mẹ, gây ra sự mâu thuẫn trong chính nội tâm của đứa trẻ này. Và sau bao nhiêu sự việc, nó mới nhận ra đâu là điều bản thân cần nhất.


    So với những truyện ngắn chú trọng vào một cốt truyện ấn tượng với những cú twist khét lửa, những thông điệp chấn động khiến độc giả giật mình thì phần cốt truyện của “Đời thương hồ” lại khiêm tốn hơn hẳn. Nhưng điều đó không có nghĩa là câu chuyện này không thu hút, ngược lại, câu chuyện đã hút mắt người xem ngay từ những dòng đầu tiên. Đó là nhờ đâu? Theo quan điểm của mình, phần lớn công lao đến từ giọng văn của bạn tác giả. Những câu văn được trau chuốt cẩn thận của bạn mượt mà, dân dã, dịu êm. Hãy nhìn vào cách câu chuyện bắt đầu:


    “Nó chẳng dám nói cho mẹ biết rằng nó đang buồn. Bởi lẽ, nó sợ cái buồn của mình sẽ gây ra nỗi buồn của mẹ. Thế rồi, buồn đau của nó cứ ở đó, trơ ra như đá, như một khúc xương chèn ngang cổ họng - nhổ ra chẳng được, nuốt xuống cũng không xong.


    Trong khoang ghe tối mờ, thằng Được xoay mặt tránh xa em gái đang chơi nhà chòi ở khúc đầu ghe. Nó nằm đó, vắt tay lên trán, mắt nhìn đăm đăm lớp ván gỗ đã bạt màu. Cảm giác tròng trành quen thuộc này làm nó hơi nguôi ngoai sự bức bối trong lòng. Nó thở dài, rồi bàng hoàng nhớ lại: chính điều này là nguồn cơn gây ra sự hằn học của mình. “


    Không khí truyện được dựng lên rất tốt thông qua việc miêu tả nỗi buồn của đứa trẻ tên Được. Ấy là còn chưa kể đến việc tác giả đã khéo léo mô tả sự chật hẹp, bức bối của không gian trên chiếc ghe nhỏ nhắn này. Rất nhiều từ láy đã được sử dụng trong những câu văn trên, tuy vậy, không một từ nào tỏ ra ngông nghênh thu hút sự chú ý từ người đọc. Ngược lại, tất cả chúng đều khéo léo nép mình trong những câu văn dài và duyên dáng, âm thầm mô tả tâm tư của cậu bé tên Được kia.


    Chọn viết về cuộc đời của những người làm nghề thương hồ là một lựa chọn hay, nhưng mình nghĩ rằng Mèo Mùa Hạ cũng đã rất can đảm khi đặt bút thách thức đề tài ấy. Bởi trước đấy, đã có một truyện ngắn khai thác chất liệu này và đạt được thành công vang dội: truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Sự trùng lặp ở nội dung đề tài bao giờ cũng khiến độc giả dễ dàng gợi nhớ, liên tưởng, thậm chí là so sánh. Cùng là bối cảnh miền Tây sông nước, cùng là những chiếc thuyền lênh đênh bất kể tháng ngày, cũng là những cuộc đời còn bỏ ngỏ, chẳng rõ mai này sẽ ra sao. Đẹp, thơ nhưng buồn. Dường như, cái buồn u uất, cái buồn ám ảnh đã dai dẳng bám riết những mảnh đời bé mọn từ thuở họ bắt đầu lênh đênh trên dòng nước vậy. Phải thú thật, chính mình trong lúc đọc cũng đã nghĩ về Nương khi mắt đang theo dõi những chuyển biến nội tâm của cậu bé Được.


    May mắn thay, tác giả Mèo Mùa Hạ đã xây dựng tốt nhân vật Được. Vừa già dặn vừa hồn nhiên, cậu đã làm “Đời thương hồ” thêm khác biệt so với bậc đàn chị ra đời trước. Cậu bé đã khiến cho câu chuyện mang mác buồn ánh lên đôi chút hồn nhiên của trẻ thơ. Để rồi, xuyên suốt câu chuyện, cảnh sắc và con người miền Tây lần lượt hiện lên. Đó là những con sông trải dài muôn lối, là những con người vừa giản đơn, hồn hậu, chất phác nhưng cũng có đa đoan, phức tạp.


    Nhịp truyện theo mình vừa phải, không quá nhanh cũng không quá chậm. Với một câu chuyện có phần cốt truyện nhẹ tênh như thế này, tác giả không vội trần thuật về sự việc mà chú trọng vào việc khám phá tâm hồn của các nhân vật qua từng câu văn. Nên người đọc như mình rất vui lòng thả hồn theo những câu văn êm ả như nước sông trôi, trầm tư ở những khoảng lặng để suy ngẫm trước những thắc mắc mà cậu bé Được đề ra. Mình cũng kịp hiểu cho tấm lòng của những người cha, người mẹ làm nhiều hơn nói.


    Tựu trung lại, với mình, “Đời thương hồ” là một truyện ngắn đáng để xem bởi vì nó đã khơi gợi được nhiều cảm xúc bên trong người đọc. Cái kết lưng chừng của tác phẩm càng khiến mình phải suy tư, nghĩ ngợi nhiều hơn. Rất mong Mèo Mùa Hạ sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới và mang đến cho độc giả nhiều truyện ngắn đặc sắc hơn, bạn nhé!