Nó chẳng dám nói cho mẹ biết rằng nó đang buồn. Bởi lẽ, nó sợ cái buồn của mình sẽ gây ra nỗi buồn của mẹ. Thế rồi, buồn đau của nó cứ ở đó, trơ ra như đá, như một khúc xương chèn ngang cổ họng - nhổ ra chẳng được, nuốt xuống cũng không xong.

Trong khoang ghe tối mờ, thằng Được xoay mặt tránh xa em gái đang chơi nhà chòi ở khúc đầu ghe. Nó nằm đó, vắt tay lên trán, mắt nhìn đăm đăm lớp ván gỗ đã bạt màu. Cảm giác tròng trành quen thuộc này làm nó hơi nguôi ngoai sự bức bối trong lòng. Nó thở dài, rồi bàng hoàng nhớ lại: chính điều này là nguồn cơn gây ra sự hằn học của mình. 

Gia đình nó ở trên một cái ghe cũ được truyền lại từ thời ông nội. Trên ghe có đầy đủ các loại đồ: từ mùng, mền, chiếu, gối, đến dầu, muối, gạo, đường,... Tất thảy những thứ cần cho sinh hoạt thường ngày, trên ghe đều có. Thằng Được hay cùng em gái gọi cái ghe này với cái tên thần kỳ là Bụt - trong “bụng” Bụt, chẳng thiếu thứ gì. Hằng ngày, cha nó sẽ lái Bụt chạy xuôi theo các con kênh, con rạch ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng lại tắp vào các phiên chợ nổi, chạy dọc theo các con sà lan và rao bán hàng cho ai có nhu cầu. Vì lẽ đó mà cuộc sống của gia đình nó gắn liền với cảnh nay đây mai đó như bao người thương hồ [1] khác; nó thì chẳng có lấy một người bạn thân thiết để chơi trò đá gà, bắn bi, đẽo lon hay bắt trốn. Nó có em gái. Nhưng thằng Được chán cái cảnh phải ngồi ôm búp bê cùng em gái lắm rồi. Nó thèm chơi một trò xứng với đàn ông con trai. Mà những trò hay ho đó thì không dành cho đứa sống trên ghe như nó!

Tiếng còi hơi nhập cùng tiếng máy dầu chạy cành cạch làm đầu nó rối bời. Trong cơn chán ngán, nó bỗng nghe thấy tiếng động cơ phát ra hơi khác lạ, kèm thêm âm thanh phành phạch nặng nề. Thằng Được nhanh chóng ngồi dậy, vọt lên nóc hỏi cha mình, “Dính rác rồi hả cha?”

“Mày lấy cho cha cây dao tầm bức.” Cha nó không trả lời câu hỏi ấy mà yêu cầu nó làm việc. Thế là nó lại tức tốc trèo xuống, cầm lấy cây dao bếp của mẹ đem đến buồng lái cho cha. Tiếng máy dầu yếu dần, sau lại kêu xình xịch vài tiếng rồi phun khói đen, tắt ngúm. Mẹ nó ở đầu ghe cầm sào tre chống xuống nước, khẽ khua nước cho đầu ghe giữ thẳng, không đụng vào bờ.

Nhỏ Hạnh chui ra từ cái nhà chòi giăng bằng mền, ôm gấu bông lửng thửng bò lên mui, “Sao vậy cha?”

“Bà mẹ, thằng nào giăng cái lưới cá ngang sông rồi bỏ quên đếch gỡ!” Cha nó vừa cầm dao cắt tấm lưới đang quấn chặt vào chân vịt máy, vừa chửi lẩm bẩm. 

“Ai cho mày tự trèo lên? Lỡ té xuống sông là không ai dừng lại vớt mày lên đâu!” Được nhăn mặt, kéo tay gấu bông, “Đi xuống.” 

Đợi nó vừa kéo vừa lôi em xuống dưới khoang, cha nó đã đề máy chạy một lần nữa. Bà Xinh thôi chống sào, trở lại ngồi ở cửa khoang, tiếp tục chằm nón lá. Thằng Được xua em gái vào căn nhà chòi của riêng nhỏ, còn mình thì ngồi xuống gần mẹ. Nó chăm chú nhìn đôi tay mẹ thoăn thoắt ghim từng mũi kim vào mặt trong chiếc nón lá như bị thôi miên. Dưới mũi kim của bà, hình dáng một bông sen chậm rãi hình thành. 

“Đẹp quá mẹ.” Nó cười, vỗ tay cho mẹ mình. 

Ngoài thu nhập từ ghe hàng, mẹ nó còn nhận chằm nón để kiếm thêm,. Thỉnh thoảng lại nhận đồ từ một vài nhà thân quen rồi đi bán giúp, cũng được trả tiền. Trong mắt nó, mẹ là một người biết đủ mọi thứ! 

“Nhưng sao mẹ không thêu hình bên ngoài? Hình đẹp mà thêu ở bên trong, ai mà nhìn thấy?” Nó cầm một chiếc nón đã hoàn thiện, khẽ ướm lên đầu mình thắc mắc.

“Hình đẹp thêu ở mặt ngoài, gặp nắng, mưa, bụi bặm, sao mà giữ lâu? Cái đẹp ở bên trong thì mới dài lâu được.” Bà Xinh cười, kiên nhẫn trả lời. Chiếc nón lá mười sáu nan mà bà cầm gọn hơ. Các lớp lá cọ xếp kín mít, được cố định lại dưới các mũi kim đều tăm tắp. Bà Xinh uốn hai cọng trúc kẹp vào nan cuối cùng của nón. Thằng Được nghe mẹ bảo đấy là đang “nức vành”, cốt để vành nón được tròn trịa và chắc chắn hơn. 

Trước câu trả lời ấy của mẹ, thằng Được đáp “dạ” rồi lủi ra đầu ghe ngồi. Nó thấy không đồng ý với mẹ lắm. Theo nó, cái gì đẹp thì nên để cho mọi người cùng ngắm nghía. Dẫu có phai tàn, cũng chẳng sao. Trần đời, làm gì có thứ nào trường tồn theo năm tháng? Nhưng nó không nói với mẹ. Nó ghét bị gọi là “ông cụ non”. Ông cụ non, thằng mập, thằng lùn,... nó ghét mọi cái danh xưng người ta gán cho mình, cả cái tên của nó. Được cái gì? Nó có được gì đâu?

Chẳng ai nghe thấy tiếng lòng của nó. Đám lục bình vẫn nhởn nhơ trôi. Mũi ghe vẫn rẽ sóng chạy ào về phía trước. Dường như, chỉ có cảm xúc của nó là bị bỏ lại đằng sau. 

Ghe chạy qua một cây cầu khỉ [2] cao ngất, rồi dừng lại trước nhà thằng Thắng. Mẹ nó vừa cầm sào chống để ghe từ từ cặp bờ, thằng Thắng đã loắt choắt chạy ra. Nó “xì” một hơi chán ghét, quay người vào khoang ghe ôm ra hai chồng nón đưa cho mẹ. Mẹ thằng Thắng là đại lý nón lá ở đây, bà hay thuê người có tay nghề mang dụng cụ về chằm nón và gửi lại thành phẩm cho bà, tiền thuê tính theo số lượng, và mẹ thằng Được là một trong số những người được thuê. Nó từng hỏi vì sao mẹ không tự mình làm, tự bán, có khi lại kiếm được nhiều hơn. Nhưng mẹ nó nói phần bảo quản lá rất khó khăn, tiền mua vào cũng đắt, tính ra, chẳng lời lãi bao nhiêu. Thế nên mẹ nó nhận và làm cho mẹ thằng Thắng. 

Ghe vừa dừng, thằng Thắng đã chạy tót xuống cầu cặp mé sông, nhướn người muốn leo lên ghe. 

“Ê! Mày mà trèo ngang mũi ghe, cha tao đánh mày nhừ xương. Tới đó đừng có mà khóc!” Được chống hông, ngửa cổ quát lên. Với những người thương hồ, bước ngang mũi ghe là một điều cấm kỵ.

Thắng bĩu môi. Cậu chẳng sợ gì thằng Được, nhưng cha thằng Được thì khác. Cứ thử nhìn vết sẹo dài bên thái dương của ông ấy là biết. Nghe đồn đâu, cái sẹo ấy là do đâm chém mà ra… 

“Tao đã trèo lên đâu!” Thắng rút chân về, đứng khúm núm trên cầu. Cậu nhìn sang đầu ghe, nơi ấy vẽ một cặp mắt [3] rất sinh động. Đôi mắt tròn vo, tròng đen tuyền, nhãn lại trắng phếch. Kết hợp cùng lớp sơn đỏ kéo dài sang tít hai bên như cái má. Nom rất khí thế! 

Cậu thích mê cái ghe này, cũng thích cuộc sống được chu du đó đây của thằng Được. Cứ mỗi khi mở mắt thức dậy, cậu lại có thể ngắm nhìn một khung cảnh khác. Thắng đã sớm chán ngấy cảnh tượng quanh xóm rồi. Nhưng dù cậu có nài nỉ thế nào, cha mẹ cậu cũng không chịu sống cuộc sống sang chảnh trên ghe như gia đình thằng Được. 

“Mấy hôm nay nhà mày có chạy ngang chợ nổi không? Thằng Cường bảo trên sông chợ nổi có một đoàn ca cổ hát bùi tai lắm!” Thắng hớn hở hỏi thăm. 

“Nhà tao đi ban ngày. Hình như ban đêm mới có đoàn ca cổ…”

“Thế có chạy ngang Xóm Lưới không? Hè này con Ngoan về quê ngoại nó ở bên Xóm Lưới.”

Thằng Được gãi đầu ấp úng. Nó cũng chẳng biết Bụt nhà mình có chở nó ngang qua Xóm Lưới chưa. Bởi khi ở trên ghe, nó chỉ nằm trong lườn, nằm trước đầu ghe, nằm trong buồng lái chỗ cha ngồi cầm máy,... nó nào có biết mình đã đi qua đâu, đang ở đâu, hay sắp sửa về đâu. Cái ghe này cũng chẳng phải do nó cầm lái.

“Mày hỏi nhiều quá.” Nó thẹn, nạt thằng Thắng một cách cộc lốc. 

“Có hỏi được cái gì đâu? Cái gì mày cũng không biết! Hay mày đổi với tao đi này? Mày lên sống với mẹ tao, tao ở trên ghe nhà mày?” Thắng nói xong, vỗ tay bồm bộp như thể tâm đắc lắm. 

Đổi với thằng Thắng ư? Được nhíu mày suy nghĩ. Nhưng rất nhanh sau, nó lắc đầu nguây nguẩy: “Thôi. Tao không thèm. Đổi với mày, mày ăn hiếp em tao thì sao. Đi chỗ khác chơi đi.”

“Xí. Thế thôi! Tao cần chắc!” Thắng ngoe nguẩy lên bờ rồi chạy sà vào đám con trai đang tụ họp chơi tống lon ở gần đấy. Được mỏi mắt trông theo. Nó nhìn mà thèm. Chẳng biết đến khi nào mới tựu trường, để nó không phải ở trên ghe cả ngày thế này nữa. 

Bà Xinh đã giao nón xong. Lúc này, bà ôm một đống nào lá, nào khung, lững thững đi về ghe. Được bước xuống cầu, rịt ghe sát lại cho mẹ dễ bề bước lên. 

“Hạnh! Lấy cho bà Tám hai cái võng dù.” Mẹ nó chưa lên đến ghe, đã réo em gái nó lấy võng.

“Dạ!” Hạnh ngoan ngoãn đáp lời rồi lúi húi mở túi lấy hai cái võng mang ra.     

Thế là chạy ròng rã cả sáng, nhà nó bán đi được hai cái võng dù. 

“Sao mình không xây nhà rồi ngồi một chỗ bán hả mẹ? Ai cần thì người ta lại mua. Cứ chạy kiểu này con chả thấy bán được bao nhiêu.” Được tặc lưỡi tiếc rẻ. Trong lúc vô ý, nó đã để lời trong lòng trôi tuột ra khỏi miệng. 

Bà Xinh lên ghe, chống sào đến gần giữa sông. Cha nó nổ máy, thế là ghe lại chạy. Chỉ sau khi mũi ghe vững vàng rẽ sóng đi tới, bà mới nhăn mày đáp lại nó: “Bán ghe rồi nhà mình ra bụi chuối ngủ hay sao? Đến đó một cục đất cũng không có mà cạp.”

“Nhưng con không thích sống trên ghe nát. Con muốn có nhà trên bờ. Ghét cái ghe này lắm!” Nó trề môi, nói với giọng hờn dỗi. 

Thằng Được đề ra yêu sách xong mới len lén nhìn mẹ. Nó bắt đầu cảm thấy hối hận. Đã lâu rồi nó mới lại thấy vẻ mặt này của mẹ mình: hai đầu chân mày bà nhíu lại, môi bạnh ra, mắt nhìn nó trân trân, “Đi vào trong nằm sấp xuống!”, bà khẽ gằn giọng.

“Sao mẹ lại đánh con?” Nó run run. Dù rõ là sợ hãi, nó vẫn quyết chí nói cho xong. Đau ngắn còn hơn đau dài. Mẹ thương nó như thế, biết đâu nếu thấy nó khóc, mẹ sẽ suy nghĩ lại. “Con không chịu đâu! Con muốn có nhà!” 

Nhỏ Hạnh ló đầu ra từ cái cái mền giăng cao, lấp ló nhìn anh trai mình vùng vẫy tay chân ăn vạ. Mẹ nó không xuôi theo. Chỉ nghe một tiếng “xẹt”, bà đã rút được cái roi mây vắt trên vách xuống. Roi mây đập một tiếng “chát” xuống đầu ghe. Bà quát: “Nằm xuống!” 

Thằng Được thôi cãi lời. Nó đứng im đó, ngơ ngác mấy giây rồi ngửa đầu khóc rống. Tiếng nó vang cả bờ sông yên tĩnh, vậy mà mặt lại tuyệt nhiên không hề có lấy một giọt nước mắt. Bà Xinh kéo tay nó, ép nó nằm xuống đầu ghe. Được nghe thấy tiếng roi mây xé gió vút lên. Nó co người lại, nhắm mắt chờ một cơn đau xé thịt. Nhưng không. Chỉ nghe thấy mặt ghe sát bên mông nó lại bị đánh một cái “chát”, rồi giọng mẹ nó lại nạt lên.

“Tội mày đáng mấy roi?” 

“Mẹ đừng đánh con! Con đau!” Lúc này, nước mắt của nó mới thực sự chảy xuống. Nước mắt, nước mũi, lục đục chảy dài trong tiếng nấc nghẹn ngào. 

“Cơm mày ăn, áo mày mặc là từ cái ghe này mà ra. Mày học ở đâu cái thói hỗn hào này? Mày còn nói trống không với mẹ phải không? Mày ăn học để hành xử như vầy hả Được?” 

Nó lắc đầu nguây nguẩy. Đôi môi run từng đợt, song lại chẳng thể bập bẹ lấy một lời. Lý trí nó bảo “thôi”, nhưng bụng dạ lại chai lì chẳng chịu. Nó vừa sợ cái roi, lại vừa muốn cứng đầu để được như ý nguyện.

“Mẹ con bà làm gì đấy?” Cha nó khàn giọng hỏi. Cái câu hỏi mà chẳng dùng để hỏi. Nó tin là cha đã thấy và nghe không sót thứ gì từ đầu chí cuối. Ông gằn giọng thế là để nó biết ông đang nhìn và thấy rất phiền tai. Nó cần nín dứt ngay lập tức. 

“Mày nín khóc ngay. Không là mẹ đánh.” Bà Xinh nhỏ giọng lại, răn đe một câu rồi xua tay đuổi nó vào khoang. Nó lững thững bò vào chỗ nằm quen thuộc, ấm ức thút thít từng tiếng. Sóng vỗ vào mạn ghe, cái ghe chao đảo từng đợt. Nó nằm trên ghe như cọng rau nằm trong chảo sắt, hết đẩy sang bên này lại bị lật bên kia. 

*

*  *

Chạy hết một con rạch, ghe nhà nó chỉ bán được một ít đồ. 

Trời đã gần trưa, bà Xinh kêu nhỏ Hạnh ra đầu ghe coi chừng - thấy ai trên bờ gọi hay vẫy tay thì báo cho cha nó dừng ghe lại bán. Còn bà thì lui cui ở đuôi ghe vo gạo nấu cơm. 

Một chiếc vỏ lãi bán trái cây chạy gần sát lại bên ghe Bụt. 

“Có bán hột quẹt không cháu ơi?” Người đàn ông trên vỏ cất cao giọng hỏi. Thằng Được nằm nghiêng đó. Nó nghe thấy tiếng hỏi của người đàn ông, tiếng cái máy đuôi tôm chạy lạch cạch trong dòng nước, và cả tiếng em gái nó nhanh nhảu đáp lời: “Dạ có! Ba cái mười ngàn á chú!”

Nó nhổm người ngồi dậy định ra bán đồ. Nhưng sau khi thấy mẹ mình vừa lau tay vào vạt áo, vừa bước ra ngoài, nó lại nằm xuống. 

“Chú bán dừa bao nhiêu một chục?” Mẹ nó chỉ vào buồng dừa rồi lấy ba cái hột quẹt mới đưa ra. Sóng làm cái ghe chao đảo, mà chẳng hề gì, chú bán trái cây đã vịn chặt vào cây sào của nhà nó.

“Chị mua uống hay bán lại? Mua sỉ thì tui để giá nhập cho.” Chú cười phô trọn cả hàm răng. Vết nắng mưa ham đọng lại bên khóe mắt cũng nhăn tít lại theo nụ cười xởi lởi. 

“Tui mua cho sắp nhỏ uống thôi chú. Một chục trơn [4] thì bao nhiêu?”

“Bảy mươi lăm ngàn, chị hén?”

“Ui. Bảy chục là được rồi ông ơi.”

Chú lại cười mà chẳng hề hằn học vì bị trả giá. Qua đống đồ đạc xếp gọn trong khoang, thằng Được chỉ thấy chú đẩy vành nón tai bèo lên, gật đầu cái rụp: “Coi như tui chịu lỗ quầy này hen. Chị mua gì nữa không? Ổi nhé? Ổi ngọt lắm nè. Tui mới nhập sáng nay thôi.”

Bà Xinh xua tay từ chối. Bà móc tiền từ cái túi nhỏ độn ở lưng quần ra, lấy quầy dừa trong tiếng cảm ơn của chú rồi chống sào. Chú bán trái cây khom lưng đề máy. Cái vỏ lãi xé nước chạy đi phăng phăng, bỏ lại bọt trắng xóa trong tiếng rao hàng lảnh lót. 

Trong những âm thanh ồn ào không ngớt ấy, thằng Được nằm chỏng chơ đến khi trưa trời. Bà Xinh đã dọn cơm lên nóc ghe. Cha nó tắt máy neo ghe vào dưới gốc một cây mù u chi chít quả. Nhỏ Hạnh cũng từ mũi ghe trèo lên nóc. Cả nhà đã quây quần chuẩn bị ăn cơm, chỉ duy có nó là nằm thu lu một góc. 

Thằng Được méo miệng, kéo cái mền lên trùm kín đầu. Nó quyết chí sẽ giận mẹ một lần lâu thật là lâu. 

Vừa nghĩ xong, giọng mẹ nó lại chợt vang lên bên tai: “Đi lên ăn cơm.” 

“Không”, nó muốn nói thế. Nhưng ngẫm lại cái cảnh cây roi mây quất vùn vụt, lại sờ cái bụng đói meo của mình, nó chỉ chần chừ hai giây, rồi bật dậy vào giây thứ ba. Thằng Được chậm chạp theo sau lưng mẹ ngồi xuống bên mâm cơm nóng hổi. Cơm trưa gồm một tô canh chua bông súng, một chảo thịt rim mặn và một dĩa gỏi xoài khô cá lóc. Được khẽ ngước mắt nhìn mẹ mình. Bởi chẳng rõ là trùng hợp hay chăng, trên mâm cơm toàn món mà nó thích. Thằng Được gắp một đũa bông súng, lại kê chén lên và cơm vào trong miệng. Nó cúi gằm mặt, nhìn trân trân mấy tấm gỗ trước mắt. Cổ họng nó nghẹn ứ, hạt cơm bỗng trở nên khô khốc, đắng nghét. Nó thấy lòng mình khó chịu khôn nguôi. Cảm giác đó có lẽ là ân hận, nó nghĩ. Cảm giác ân hận kéo đến muộn màng khi nó vẫn được mẹ quan tâm sau khi nó vừa cãi lời mẹ. 

Mẹ không bao giờ nói xin lỗi. Lời xin lỗi với mẹ có lẽ cũng khó nói như những lời yêu thương thắm thiết. Vậy mà cứ sau mỗi trận đòn roi, mẹ lại lặng lẽ nấu một bữa cơm toàn món nó thích rồi gọi nó ra ăn. Tình thương của mẹ chẳng hiểu sao lại lạ kỳ như thế.

Trong phút chốc, trên bàn cơm chỉ còn lại tiếng cái muỗng của nhỏ Hạnh va vào chén khe khẽ, tiếng cha nó dùng vá múc canh, và tiếng lao xao của những tán lá xanh xanh vung vẩy trên bờ.

“Ít hôm nữa ghé ngang nhà sách để mua sách cho thằng Được. Sắp vào học rồi.” Bà Xinh ngồi bệt xuống rồi co một bên chân lên. Mái tóc đen dày được búi gọn sau đầu. Bà nói bằng giọng nhẹ nhàng. Khác hoàn toàn với cái giọng cao chót vót khi chửi thằng con mình lúc nãy.

Cha nó im lặng lùa cơm. Sau khi nuốt sạch đũa rau, ông mới chầm chậm hỏi thằng Được, “Mày có muốn lên bờ ở với bà ngoại không? Ở với ngoại thì gần trường. Nhà nội thì xa hơn. Mày phải đi bộ. Hoặc tao mua cho một chiếc xe đạp. Năm trước mày đòi mua xe gì đó?” 

Thằng Được ngậm một họng cơm, bàng hoàng trợn mắt. Nó quên luôn cả chuyện phải nuốt cơm xuống để trả lời cha mình. Nhưng chưa để nó kịp lên tiếng, bà Xinh đã chau mày gạt đi.

“Thôi. Nó quậy như giặc. Đã đẻ ra thì cố mà nuôi. Để nó sang quậy hai má. Ai mà chịu nổi.”

Thằng Được nghe thế thì trề môi. Nó tự thấy mình cũng thuộc hàng ngoan ngoãn. Năm vừa rồi nó còn được cô giáo trao phiếu Cháu ngoan Bác Hồ cơ mà!

Cha nó nhíu mày. Vết sẹo xấu xí nom càng thêm dữ tợn. 

“Cái ghe này… hồi đó ông ba ổng [5] đưa đò dọc [6].” Thằng Được thấy cha mình nheo mắt. Đôi mắt ông mờ đi, dại ra, cứ như thể đã chìm vào một miền ký ức xa xăm mà nó không thể với tới.

“Ông đưa khách từ đây đến dưới tận miệt thứ. Cứ bốn giờ sáng là đò bắt đầu chạy. Khách nghe tiếng còi thì vẫy tay, vẫy nón mà kêu. Ông ba với bà má gặp được nhau, cũng là nhờ nghiêng nón lá gọi đò.” 

Thằng Được ít khi nghe cha kể chuyện. Thế là nó quên béng cả việc cha muốn mua xe đạp cho mình.

“Cái ghe này đi với ông cả đời. Trước lúc xuôi tay cũng tỉ mẩn dặn dò tui phải bảo dưỡng cho kỹ.” Giọng ông nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút sau một tiếng thở dài.

Bà Xinh nhìn thằng Được. Chẳng biết phải làm sao cho phải. 

Theo ý của chồng bà, cái ghe là vật cuối cùng mà cha ông truyền lại. Bà đã biết chuyện này từ lâu. Và cũng biết nhờ gắn bó với cái ghe, vợ chồng bà mới có kế sinh nhai, lay lắt qua ngày. Đối với sở nguyện của thằng con, bà mắng thế, rồi cũng ao ước thế. Các cụ đều dạy an cư rồi lập nghiệp. Đã thế trong nhà chỉ có một người đàn ông, mỗi đêm neo ghe đậu nơi vắng người, bà cũng bồn chồn, bụng dạ không yên. Nhớ lại, cái thẹo của chồng bà cũng ra đời từ một trận bắt cướp cách đây độ mười năm. Dù ngày nay trị an tốt hơn xưa, cảnh cướp bóc chỉ còn nằm lại trong ký ức, nhưng có lẽ sự sợ hãi ấy vẫn ghim chặt ở tâm trí như thuở đầu tiên.

“Cái ghe này từng đi xa lắm hả cha?” Thằng Được tò mò.

“Chỗ nào mà nó không đi được? Đi tới mút chỉ [7] Cà Mau đó thay.”

Được trầm trồ. Thế mà cái ghe lại oai hơn cả nó! Nó còn chưa đến Cà Mau lần nào… Hơn hết, cái ghe này còn ở cạnh ông nội lâu đến thế. 

Trong trí nhớ lờ mờ của Được về một thời đã qua, hình ảnh của ông nội gắn liền với dáng đi hơi cúi về phía trước, hai tay bắt chéo sau lưng. Mỗi lúc gặp mặt, ông lại cười hớn hở đánh mông nó rồi dúi vào tay nó mấy trái chuối, trái cam ông vừa hái xuống. 

Chợt. Nó thấy lòng bùi ngùi khó tả. 

Bữa cơm kết thúc. Vấn đề thằng Được sẽ sống ở đâu - tiếp tục theo cha mẹ ở dưới ghe, hay sống nhờ nhà nội, nhà ngoại - bị bỏ dở tại đó.

Thằng Được trở về khoang nằm sau khi đã dọn dẹp xong chén đũa. Hạnh đã tháo hết mấy sợi dây buộc góc mền, xếp gọn gối nằm và đồ chơi của mình lại. Nhìn nhỏ, có ai đoán được nhỏ còn chưa vào lớp Một đâu? Theo lời của bà Xinh, nhỏ Hạnh còn ngoan hơn thằng anh nó cả trăm lần.

“Anh Hai treo trái banh ở chỗ khác đi? Em không nhìn thấy con bìm bịp ngoài kia.” Hạnh chỉ vào trái banh thằng Được bỏ trong túi lưới, treo lủng lẳng trước ô cửa sổ nhỏ. Đấy là báu vật của thằng Được. Nó sợ trái banh bị dơ. Thế là cứ treo lên như thế từ hồi mua về tới nay. 

“Không thích.” 

“Anh cứ để trái banh ở đó làm sao mà thấy được cảnh đẹp bên ngoài? Chán òm!” Nhỏ bĩu môi, ôm lấy gấu bông chạy bình bịch ra đầu ghe ngồi. Thằng Được “xí” một tiếng rồi nằm dài xuống. Nằm một lát, nó vò đầu, khẽ đứng dậy đẩy trái banh ra xem bên ngoài có cái gì hay mà em mình cứ nhìn tít cả mắt như thế. Nó giơ tay tháo sợi dây thừng, trái banh rơi bộp xuống lườn, nảy lên vài lần rồi nằm im thin thít trong góc. Ánh sáng phút chốc len vào từ ô cửa to bằng hai bàn tay, chiếu sáng cả một nửa khoang ghe. Thằng Được ghé đầu lại, liếc mắt nhìn ra ngoài. Trời đứng nắng, gió cũng biệt tăm. Những tán cây mù u xanh xanh đứng lặng người dưới tiết trời đổ lửa. Nắng xuyên qua tán lá, lấp lánh như đôi mắt của ông nội khi cười. 

“Bây giờ… nội đã lên Thiên đàng chưa nhỉ?” 

Nó lặng nhìn trái mù u rơi bộp xuống sông chỉ vì một cơn gió lùa ngang. Nước sông đục màu phù sa văng lên một khoảng bằng cánh tay. Chỗ trái mù u rơi xuống bị lõm thành một cái hố nhỏ. Song, lại nhanh chóng được san lấp. Nước đã làm đầy nhau. Khi cơn gió qua đi, mặt sông lại trở về dáng vẻ bình lặng vốn có.

*

*  *

Chiều. Ghe hàng chạy qua đầu doi [8], ghé vào xóm quen. Tiếng kèn hơi mới kêu ba tiếng, đã có người chạy xuống mé sông vẫy tay.

“Sao hôm qua không thấy vợ chồng bây đi ngang?” Ghe chưa cập bờ, dì đã hỏi han không dứt.

“Có mà dì? Bữa nào mà tụi con không đi ngang đây.”

“Tao có nghe tăm hơi gì đâu? Mày không bóp kèn dữ vô.” Dì tặc lưỡi, ra chiều không vừa ý. “Nhưng gạo Lài thơm bây bán bao nhiêu một ký?”

“Mười lăm ngàn, dì.” 

Dì chống hông, giọng hào sảng, “Thế cân cho tao năm ký.”

Thằng Được nhanh nhẹn tìm cái bao nhỏ, cầm miệng bao cho mẹ trút gạo vào cân. 

“Bà dì mua gì nữa không? Mẹ con mới nhập cà phê thơm lắm.” Vừa cầm bao, thằng Được vừa líu ríu. “Chỉ châm có một phin mà thơm muốn nứt cả cái ghe!”

Dì cười run người trước cái miệng tía lia của nó, hỏi: “Ông chủ nhỏ bán bao nhiêu một bịch cà phê?”

“Tám mươi ngàn thôi dì ạ. Mua hai bịch con chỉ lấy dì một trăm sáu. Một trăm sáu, thế là chưa bằng một con vịt! Quá rẻ!” 

“Thôi. Tui hết tiền rồi ông tướng.” Dì xua tay chối từ. Đoạn lại quay sang nói với bà Xinh: “Thằng này có khiếu bán buôn. Giỏi. Sau này có khi nó nối nghiệp vợ chồng bây!”

Mặt nó nóng ran, miệng khoái chí mỉm cười. Lần đầu tiên nó nghe ai đó nhận định mình có tài. Cái tiếng “tài” sao mà mát tai đến thế. Nó bắt đầu nghĩ ngợi vẩn vơ: giả mà cha lại truyền cái tiệm tạp hóa di động này cho nó, nó có phát triển được thành cái ghe hai tầng không? Loại ghe hai tầng và bay bay trên mặt nước cứ như tàu bay của siêu nhân ấy!

*

*  *

Ở miền Tây, chẳng riêng gì trên bờ mới có chợ. Chợ trời, chợ chồm hổm diễn ra ở mặt đất, còn mặt sông thì lại có chợ nổi, chợ trôi.  

Lúc cái ghe nhà thằng Được chạy đến chợ nổi, mới hơn tám giờ sáng, nhưng chợ đã vãn người. Giờ họp chợ diễn ra sôi nổi nhất phải rơi vào khoảng bốn đến sáu giờ sáng. Từ ô cửa nhỏ bên lườn ghe nó có thể xem được cảnh các tàu ghe neo đậu san sát trên sông. Cứ thế thì chẳng ai biết ai bán gì để mà mua. Bởi thế, người ta trước tiên nhìn cây bẹo [9] dựng cao chỗ mũi ghe tìm thứ hàng mình muốn mua, sau mới nhìn đến cái ghe để làm đích đi chèo tới. 

Cái ghe đậu cạnh ghe “Bụt” là của một chú bán dưa hấu. Thằng Được leo lên nóc ghe ngồi với cha mình. Nó nhìn cả khoang ghe chứa đầy dưa của ghe bên cạnh mà xuýt xoa không ngớt. Một ngày nào đó, nó cũng muốn cái ghe nhà mình có nhiều đồ, đồ chất lên cao thật cao thế này.

“Dưa ngọt không anh?” Có người tấp xuồng ba lá đến hỏi.

“Ông này. Dưa tui bán chả lẽ tui kêu không ngọt? Nhưng ông cứ đi khắp cái chợ này, hỏi danh ông Tư Dưa Hấu, tui đố ông tìm ra một người chê dưa tui không ngọt! Mua về, bổ ra, gặp dưa xanh hen, bở hen, mang lại đây tui đền gấp đôi!”

Người nọ cười, lại ríu rít hỏi giá, lựa dưa. Cả mặt sông cũng xôn xao những lời rao hàng, lời trả giá. Gần đó, các ghe bán thịt cá, rau dưa, đến các món nấu sẵn như bún riêu, hủ tiếu, ngược xuôi tấp nập. Một cô gái độ chừng ba mươi, đầu đội nón lá rộng vành, hai tay nhịp nhàng đẩy cây chèo, miệng lảnh lót mời chào món hủ tiếu Nam Vang ngon ngọt. 

Gia đình chú Tư Dưa Hấu cũng sống trên ghe. Thằng Được ngại ngùng bắt chuyện với thằng con trai trên ghe đó - nó đoán là con chú Tư. 

“Nhà mày thường chỉ bán ở đây thôi hả?”

“Bán cho mối, bán sỉ thì ở đây. Còn đâu chạy dọc đường, bán cho hết nếu còn dư ít.” 

“Thế mày ở trên ghe có thấy buồn không?”

“Buồn. Mà cũng vui.” Thằng nhỏ gật đầu tấm tắc. “Bữa trước nhà tao mới dừng lại đình cúng lễ rước Bà. Linh đình lắm. Hồi đó ở xóm tao không có vụ này. Nhờ được đi ghe vậy mà tao mới biết.”

“Nhưng ở trên ghe làm gì có bạn mà chơi?”

“Có ba má tao đấy thay? Tao ngồi trong buồng lái nghe ba kể chuyện. Hoặc không thì xuống khoang xếp dưa hấu với má. Ôi! Nhà đầy việc. Có chán cái nổi gì đâu?” 

Thằng Được bối rối gãi đầu vì suy nghĩ lạ. Kế đó, thằng nhỏ lại thì thầm, “Tao lại đang sợ sau này tao chẳng còn được đi. Ba má tao chắc định bán cái ghe rồi.”

“Bán hả?” Thằng Được trợn tròn mắt.

“Ừ. Cái nghề thường hồ này, nay đây mai đó, dãi nắng dầm sương. Cực thấy mồ. Có cơ hội, ba mẹ tao lại muốn làm việc trên bờ. Với cả… mấy năm nay khách càng ngày càng ít. Mày không thấy sao? Người ta chẳng còn chuộng mua đồ trên sông như hồi trước.”

Thằng Được nghĩ về những lời nói đó đến tận khi trời đổ nắng.  

Bữa rày dẫu không đi ngay lúc chợ đông, nhưng nhà nó vẫn bán ra được rất nhiều đồ. Phần lớn là dầu, muối, gạo, bánh trái và rượu đế. Thế mà còn gặp được chú Út, em trai của cha nó.

Nó nhớ như in lời nói ấy của chú, cả cái mặt buồn xo qua làn khói thuốc mỏng tanh. “Nhà em gửi con bé Ngoan ở nhà má cho nó đi học rồi. Để nó theo tụi em, học bữa đực bữa cái, mất nhiều hơn là được.” 

“Dạo này con nhỏ phải học hai ba buổi, anh chị à. Hồi đó mình đâu có học dữ vậy hen? Học một buổi còn quay về rước nó được, chứ hai ba lượt một ngày, tính ra ghe nhà vợ chồng em chỉ chạy bán được loanh quanh trong xóm. Kiếm được mấy đồng đâu? Thế nên em gửi con cho má. Vậy cũng đỡ khổ nó. Ráng vài năm nữa, có ít vốn, nhà em lại lên bờ mà sống…”

Cái đời gạo chợ nước sông, long đong chẳng biết phải về nơi đâu. 

Theo ba thằng Được từng giãi bày, “nghề nào cũng có cái khó riêng”. Nghề thương hồ dẫu được đi đây đi đó, nhưng cũng đâu ai lạ gì mấy cái cảnh chìm ghe, đụng tàu. Như chú Tư Dưa Hấu đã vỗ đùi kể một cách hăng say, “Tối đó, lúc chú lò dò đi súc miệng thì gặp con cá sấu nổi đầu. Cái miệng nó há bự bằng cái thúng!” Thằng Được chẳng rõ ông nói chơi hay là nói giỡn, nó đi ghe mấy năm ròng, có gặp được cái đuôi con cá sấu nào đâu? Mà dẫu không gặp, thì lời chú Tư cũng làm nó thấy hơi ơn ớn.

Cha mẹ nó rì rầm cả đêm hôm đó ở mui ghe. Nó không nghe rõ được cha mẹ bàn gì, nhưng khi trời sáng, mẹ nó cho hay một tin động trời: hay là, nó cũng về nội ở để đi học cho dễ.

Thằng Được bất ngờ. Hết bất ngờ, lại hoang mang. Vậy là nó cũng có thể tìm bạn chơi như nó vẫn mong mỏi. Thế mà chẳng hiểu sao, nó lại không thấy vui cho lắm. Đặc biệt là khi nhỏ Hạnh ngồi kế bên đang rưng rưng nước mắt.

“Mày khóc cái gì?” Nó nạt cộc lốc.

“Không cho anh Hai ở nhà bà nội đâu! Bác Hai đánh anh đó! Bác dữ lắm! Em thấy bác đánh em Dừa rồi!”

Thằng Được rùng mình, mày nhăn tít lại.

“Khùng quá! Đánh đập gì đâu? Anh ở với nội để đi học mà.” Bà Xinh nhỏ giọng dỗ dành. Bàn tay bà khẽ vén mái tóc mai của Hạnh ra sau vành tai, rồi chùi hột nước mắt lăn dài trên má của nhỏ. Bà nội cũng đã đồng ý khi cha mẹ nó gọi điện thưa. Thế là chuyện thằng Được sẽ ở đâu đã được quyết định xong xuôi từ đó. Bà Xinh bắt đầu dọn quần áo cho thằng con mình. Bà lấy một cái túi da sạch sẽ, gấp từng bộ quần áo của con trai xếp vào. Sách vở của nó được bỏ vào cặp, đặt gọn một góc ghe.

“Qua nhà nội, phải ngoan. Đồ đạc phải bỏ cho ngăn nắp. Không được bày rồi bắt bác Hai dọn, nghe chưa?” 

Nó ngồi xếp bằng, nghe mẹ chậm rãi dặn dò từng điều. Chẳng hiểu sao nó lại thấy mủi lòng. Nó không thích nghe mẹ nói những lời này một chút nào.

“Đi học về thì phải lo làm bài, học bài. Không được ham chơi. Mẹ điện mà nghe nội mắng vốn là mẹ đập gãy chân mày. Còn nữa, không được kén ăn. Mẹ có nói với bác Hai mày bị dị ứng tôm rồi, nhưng trước khi ăn mày cũng phải tự xem lại. Có khi bận quá, bác lại quên…”

“Thế mẹ ở luôn với con đi. Mẹ nhắc nhiều quá, con không nhớ nổi.”

“Cha bây.” Bà chạm ngón tay vào đầu nó, khẽ bật cười. “Mẹ đi với mày, còn em mày với cha mày thì sao?”

“Vậy con thì sao?” Nó tròn mắt hỏi lại. “Mẹ không thương con hả mẹ?”

Chữ “thương” nó nói ra một cách dễ dàng, gọn hơ, nhưng vào tai người khác, chữ “thương” lúc này lại mang theo lửa. Cháy rụi cả ruột gan.

Hạnh khóc ré lên. Nhỏ khóc còn to hơn khi nhỏ bị anh trai mình giành kẹo. Bà Xinh im lìm một lúc. Bà chẳng biết phải đáp gì, chỉ thở dài, nhỏ giọng lẩm bẩm một câu “cái thằng này” rồi khẽ cúi đầu lau nước mắt. Bên ngoài, ghe vẫn chẻ đôi ngọn sóng mà đi. Những hành trình không có điểm dừng làm người ta hoang mang, rối bối. Nhưng có đôi khi chính điểm dừng đã biết rõ ràng cũng khiến người ta bối rối, hoang mang. Điển hình nhất là một điểm dừng khác hoàn toàn sở nguyện của chính mình, mà người ta lại như con bê bị cột trên cây sắt - chỉ có thể nằm im ngoi ngóp hơi tàn.

Vậy là lần này, khi từ chợ nổi về, thằng Được sẽ ở nhà bà nội. Nói khác đi, đây có thể là lần cuối nó được xem khung cảnh ghe xuồng tấp nập ngược xuôi như thế. 

Nó đi ra đầu ghe rồi gối tay nằm dài ở đó. Trước mắt nó là bầu trời chiều đã ủ đẫm ánh hoàng hôn đỏ lửa. Tiếng nước chảy ngược bên tai như một tiếng đàn bầu réo rắt. Nó cáu gắt, đập cái “bộp” lên con muỗi đang ngúng nguẩy trên bắp đùi của mình. Con muỗi chết. Tay và đùi nó cũng đau âm ỉ. Mất mà cứ như đã được. Được rồi, lại cũng như đã mất đi nhiều. 

Nó nằm im như tượng. Độ chừng nửa tiếng sau, mẹ nó mới ngửa cổ giục nó đi vào, “Vào nhà mà nằm. Ngoài ấy sương gió, bệnh vào lại khổ!”

Nhà.

Nó nghe mẹ gọi cái ghe này là nhà.

Chợt, như có một ý nghĩ xóa tan đám mây mù vất vưởng trong trí óc của nó bấy lâu nay. Nó kề tay lên ngực, cố vỗ về trái tim đang đập liên hồi.

Nhà. Phải rồi. 

Nhà mới là thứ nó nên quý nhất. 

Thằng Được bật người ngồi dậy, chảo đảo chạy ào vào nhà. Hai tay nó vung vẩy như đôi cánh của một chú vịt mới tập đi, miệng kêu liên hồi: “Mẹ ơi! Cha ơi! Út ơi! Con muốn ở nhà của mình thôi! Ở nhà thôi, cha mẹ ơi!”

Bà Xinh hoảng hồn ôm lấy đứa con đang chạy sà đến bên cạnh mình. Ông Phúc, cha nó, đang cầm máy dầu cũng ngạc nhiên ngó xuống. Hạnh ngồi trong góc nhà ôm gấu bông bật cười khúc khích: “Anh Hai lớn rồi còn khóc nhè!”

Thằng Được càng khóc tợn. Nó lặp đi lặp lại câu nói muốn ở nhà, đầu lại cứ dụi vào áo của mẹ. Bà và ông nhìn nhau, khẽ nhíu mày rồi thở dài khe khẽ. Bà vuốt lưng thằng Được, ôn tồn dỗ dành: “Thôi. Nín đi con.” Bà ngập ngừng một lúc rồi nghẹn ngào, “Con không muốn đi thì thôi.”

Bởi nếu con muốn, nhà luôn ở đó để con trở về.

Ngày tàn dần, rồi chết gí dưới những bờ tre gai góc. Hai bên bờ sông lần lượt lên đèn. Ông Phúc đưa tay bật đèn, ngôi nhà di động thoáng chốc ngập tràn ánh sáng. 

-

Chú thích:

[1] thương hồ: nghề nghiệp chỉ những người buôn bán trên sông

[2] cầu khỉ: một loại cầu được xây dựng hết sức đơn sơ, với cột chống, thanh ngang, có cây có tay vịn, có cây không. Tất cả được dựng bằng gỗ, thân cây dừa, cây tre…

[3] con mắt ghe: có nhiều cách lý giải về ý nghĩa của con mắt ghe. Có người cho rằng mắt ghe như mắt cá, để ghe có thể thấy đường mà đi, tránh nguy hiểm. Theo luồng ý kiến khác, vẽ mắt như “thuồng luồng”, hay “chim ó” để tránh bị các loài thủy quái quấy phá. Đối với người thương hồ, mắt ghe là một biểu tượng đặc biệt, vẽ mắt ghe là “khai nhãn” cho ghe. Vì lẽ đó mà người ta kiêng kỵ chạm vào mắt ghe, đặc biệt là người lạ. Mỗi vùng, mắt ghe sẽ có những đặc điểm khác nhau. Những người thợ lành nghề khi nhìn vào mắt ghe có thể đoán được ghe thuyền đến từ vùng nào.

[4] chục trơn: ở miền Tây, một chục thì gồm có “chục trơn” - tức là 10, và “chục có đầu” - tức là 12, 14, 16… Ở các nơi bán sỉ, gọi “một chục” mà không nói gì thêm tức là bán một chục có đầu.

[5] ổng: ông ấy

[6] đò dọc: đò chạy dọc các sông, có khi là từ tỉnh này sang tỉnh khác. Phân biệt với “đò ngang”, chỉ đưa từ bờ sông này sang bờ sông kia.

[7] mút chỉ cà tha (khẩu ngữ): chỉ nơi xa xôi với khoảng cách mơ hồ, không xác định

[8] doi: dải phù sa dọc ở sông hay cửa sông; dải đất lồi ra do đất cát tạo thành; phần biển có mực nước nông hơn so với các vùng xung quanh 

[9] cây bẹo: ở chợ nổi miền Tây, hễ ai bán gì thì treo thứ ấy lên sào rồi dựng cao lên. Như ghe bán chuối thì treo nải chuối, bán dừa thì treo quả dừa. Nhưng có thứ “treo mà không bán”, như quần áo của chủ ghe phơi; “bán mà không treo”, như bún, phở, cà phê; “treo cái này, bán cái khác”, khi nhìn thấy ghe treo một tấm lá dừa hay một tàu lá lợp nhà thì tức là người ta đang bán ghe chứ không phải bán lá. (Trích lược từ Vinpearl, “Cây bẹo chợ nổi Cái Răng - Nét văn hóa độc đáo miền Tây sông nước”)


Bình luận

  • avatar
    Sương Trang
    Giọng văn của Mèo vẫn luôn khiến mình dễ chịu khi đọc vì sự mộc mạc và thân thuộc, năm sao cho Đời Thương Hồ của Mèo nhooo 💖
  • avatar
    Mèo Mùa Hạ
    cảm ơn embe Sương Trang nhiều (⁠ ⁠ꈍ⁠ᴗ⁠ꈍ⁠)
  • avatar
    Mèo Mùa Hạ
    Mình xin ghi lại review của bạn Ngân Hà dưới phần bình luận này cho xôm ạ (⁠≧⁠▽⁠≦⁠).
    Như thường lệ, hôm nay mình sẽ viết một bài nhận xét cho tác phẩm tiếp theo. Tác phẩm “lên sóng” ở tuần này là truyện ngắn “Đời thương hồ” của bạn Mèo Mùa Hạ. Do truyện của bạn đang tham dự một cuộc thi trên Truyện nhà Ong nên mình cũng không muốn tiết lộ quá nhiều về nội dung của tác phẩm này mà chỉ khái lược vài nét đặc trưng.


    Toàn bộ câu chuyện “Đời thương hồ” không tập trung vào những người làm nghề buôn bán trên sông nước, mà xoay quanh một đứa trẻ tên Được. Nó sinh ra và lớn lên trên chiếc ghe do ông nội truyền lại cho cha, cùng cha mẹ lênh đênh trên sông nước để lo kế sinh nhai. Sâu trong thâm tâm nó là một nỗi buồn khôn tả, khi phải sống cô đơn, chẳng có bạn có bè. Đó là căn nguyên thúc đẩy mọi mâu thuẫn trong truyện, tạo nên cuộc cãi vã giữa Được và mẹ, gây ra sự mâu thuẫn trong chính nội tâm của đứa trẻ này. Và sau bao nhiêu sự việc, nó mới nhận ra đâu là điều bản thân cần nhất.


    So với những truyện ngắn chú trọng vào một cốt truyện ấn tượng với những cú twist khét lửa, những thông điệp chấn động khiến độc giả giật mình thì phần cốt truyện của “Đời thương hồ” lại khiêm tốn hơn hẳn. Nhưng điều đó không có nghĩa là câu chuyện này không thu hút, ngược lại, câu chuyện đã hút mắt người xem ngay từ những dòng đầu tiên. Đó là nhờ đâu? Theo quan điểm của mình, phần lớn công lao đến từ giọng văn của bạn tác giả. Những câu văn được trau chuốt cẩn thận của bạn mượt mà, dân dã, dịu êm. Hãy nhìn vào cách câu chuyện bắt đầu:


    “Nó chẳng dám nói cho mẹ biết rằng nó đang buồn. Bởi lẽ, nó sợ cái buồn của mình sẽ gây ra nỗi buồn của mẹ. Thế rồi, buồn đau của nó cứ ở đó, trơ ra như đá, như một khúc xương chèn ngang cổ họng - nhổ ra chẳng được, nuốt xuống cũng không xong.


    Trong khoang ghe tối mờ, thằng Được xoay mặt tránh xa em gái đang chơi nhà chòi ở khúc đầu ghe. Nó nằm đó, vắt tay lên trán, mắt nhìn đăm đăm lớp ván gỗ đã bạt màu. Cảm giác tròng trành quen thuộc này làm nó hơi nguôi ngoai sự bức bối trong lòng. Nó thở dài, rồi bàng hoàng nhớ lại: chính điều này là nguồn cơn gây ra sự hằn học của mình. “


    Không khí truyện được dựng lên rất tốt thông qua việc miêu tả nỗi buồn của đứa trẻ tên Được. Ấy là còn chưa kể đến việc tác giả đã khéo léo mô tả sự chật hẹp, bức bối của không gian trên chiếc ghe nhỏ nhắn này. Rất nhiều từ láy đã được sử dụng trong những câu văn trên, tuy vậy, không một từ nào tỏ ra ngông nghênh thu hút sự chú ý từ người đọc. Ngược lại, tất cả chúng đều khéo léo nép mình trong những câu văn dài và duyên dáng, âm thầm mô tả tâm tư của cậu bé tên Được kia.


    Chọn viết về cuộc đời của những người làm nghề thương hồ là một lựa chọn hay, nhưng mình nghĩ rằng Mèo Mùa Hạ cũng đã rất can đảm khi đặt bút thách thức đề tài ấy. Bởi trước đấy, đã có một truyện ngắn khai thác chất liệu này và đạt được thành công vang dội: truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Sự trùng lặp ở nội dung đề tài bao giờ cũng khiến độc giả dễ dàng gợi nhớ, liên tưởng, thậm chí là so sánh. Cùng là bối cảnh miền Tây sông nước, cùng là những chiếc thuyền lênh đênh bất kể tháng ngày, cũng là những cuộc đời còn bỏ ngỏ, chẳng rõ mai này sẽ ra sao. Đẹp, thơ nhưng buồn. Dường như, cái buồn u uất, cái buồn ám ảnh đã dai dẳng bám riết những mảnh đời bé mọn từ thuở họ bắt đầu lênh đênh trên dòng nước vậy. Phải thú thật, chính mình trong lúc đọc cũng đã nghĩ về Nương khi mắt đang theo dõi những chuyển biến nội tâm của cậu bé Được.


    May mắn thay, tác giả Mèo Mùa Hạ đã xây dựng tốt nhân vật Được. Vừa già dặn vừa hồn nhiên, cậu đã làm “Đời thương hồ” thêm khác biệt so với bậc đàn chị ra đời trước. Cậu bé đã khiến cho câu chuyện mang mác buồn ánh lên đôi chút hồn nhiên của trẻ thơ. Để rồi, xuyên suốt câu chuyện, cảnh sắc và con người miền Tây lần lượt hiện lên. Đó là những con sông trải dài muôn lối, là những con người vừa giản đơn, hồn hậu, chất phác nhưng cũng có đa đoan, phức tạp.


    Nhịp truyện theo mình vừa phải, không quá nhanh cũng không quá chậm. Với một câu chuyện có phần cốt truyện nhẹ tênh như thế này, tác giả không vội trần thuật về sự việc mà chú trọng vào việc khám phá tâm hồn của các nhân vật qua từng câu văn. Nên người đọc như mình rất vui lòng thả hồn theo những câu văn êm ả như nước sông trôi, trầm tư ở những khoảng lặng để suy ngẫm trước những thắc mắc mà cậu bé Được đề ra. Mình cũng kịp hiểu cho tấm lòng của những người cha, người mẹ làm nhiều hơn nói.


    Tựu trung lại, với mình, “Đời thương hồ” là một truyện ngắn đáng để xem bởi vì nó đã khơi gợi được nhiều cảm xúc bên trong người đọc. Cái kết lưng chừng của tác phẩm càng khiến mình phải suy tư, nghĩ ngợi nhiều hơn. Rất mong Mèo Mùa Hạ sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới và mang đến cho độc giả nhiều truyện ngắn đặc sắc hơn, bạn nhé!
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}