CHÍ ANH HÙNG
-
Sáng tácPhong Anh
Tên: Chí anh hùng
Tác giả: Phong Anh
Thể loại: Cảm hứng lịch sử, truyện ngắn, hư cấu, kỳ ảo
Tình trạng: Đã hoàn thành
Bối cảnh: Năm 1282 - 1285, giai đoạn nhà Trần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần hai.
Sơ lược nội dung:
Ý tưởng chính lấy cảm hứng từ hình tượng Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng hai câu thơ trong "Đại Nam quốc sử diễn ca":
“Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.”
Gia đình ông quan tri huyện Phạm Đình Thạch ở Thanh Liêm, châu Lý Nhân [1] vốn thuộc dòng dõi võ tướng, có công lớn từ thời vua Trần Thái Tông. Qua vài lần cơ duyên đưa đẩy, ông và vợ trở thành chỗ thân cận với Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng [2]. Được sự giúp đỡ tận tình của chàng, ông Thạch đã cùng chàng đến tìm gặp giáo thụ Lê Tần [3], nhờ thầy chỉ dạy, bảo ban ái nữ nhà mình khi gửi nàng lên kinh đô học chữ.
Phạm Đình Thư, con gái duy nhất của ông tri huyện, là một thiếu nữ xinh đẹp nhưng tính tình cổ quái. Lên bảy tuổi, vì đem lòng ngưỡng mộ Hai Bà Trưng năm xưa dẹp yên nhà Hán, lại có chí khí sánh ngang với đấng nam nhi, nàng tiểu thư này ngoài việc học tập kinh sách còn rất hăng hái rèn luyện võ nghệ, những mong khi thành tài sẽ được cất nhắc gia nhập đội quân Thánh Dực Dũng Nghĩa [4].
Năm 1285, quân Nguyên - Mông phát động tấn công vào Đại Việt lần thứ hai. Dưới sự dẫn dắt của vua tôi nhà Trần cùng các tướng lĩnh tài ba như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão… nhân dân cả nước đã chung sức đồng lòng, tiếp tục đứng lên chống giặc ngoại xâm. Mang theo tinh thần quật cường, ý chí sắt đá và lòng yêu nước không gì lay chuyển, những chiến binh nhà Trần từ khắp các mặt trận, bất kể già hay trẻ, gái hay trai, đều không tiếc thân mình xông pha chiến trường, quyết tâm bảo vệ non sông.
Đứng trước đại cục của đất nước, rốt cuộc nàng Thư cũng tìm thấy cho mình một cơ hội.
-
Chú thích:
1, Thanh Liêm, châu Lý Nhân: Châu Lý Nhân gồm 6 huyện: Thanh Liêm (Thanh Liêm hiện nay), Bình Lục (Bình Lục hiện nay), Cổ Bảng (Kim Bảng hiện nay), Cổ Lễ (một phần Lý Nhân), Lý Nhân (Lý Nhân hiện nay), Cổ Giả (một phần Lý Nhân hiện nay). Địa danh nhắc trong truyện cũng là quê hương của danh tướng Trần Bình Trọng.
2, Theo thiết lập truyện, gia đình tri huyện là đồng hương, có mối giao tình sâu đậm với vị tướng này.
3, Lê Tần: hay Lê Phụ Trần, là một danh tướng thời Trần, giữ chức Ngự sử trung tướng tri Tam ty viện sự, sử sách không ghi chép cụ thể về năm sinh, năm mất của ông.
4, Thánh Dực Dũng Nghĩa: nhiều ghi chép cho biết họ là những người không gốc gác, mồ côi, cùng đinh, bần cùng trong xã hội. Trong đạo quân này còn có những người từng là trộm cướp, tội phạm vì lý do nghèo khó. Họ được triều đình trưng dụng, đào tạo, cấp bổng lộc ngang bằng với cấm quân (Thánh Dực quân). Là đội quân thiện chiến, một phần do Trần Bình Trọng chỉ huy.
0 bình luận