Sáng hôm sau, Zenon lên đường du ngoạn, đúng như ý nhân ngãi trăm năm nài nỉ. Suốt buổi sáng, đầu óc gã liên tục hiện lại khoảnh khắc cặp đôi vỡ oà ngày hôm qua. Sở dĩ tấm thân gã còn phơi được chút sương là vì sự ấy. Từng cho rằng nỗi lo lắng của Petra gây ra nhiễu sự nơi tâm lặng, nhưng rồi gã lại hoá kẻ hàm ơn. Cách nàng xẻo thịt chồng, nhồi vào đó lời khấn nguyện về một tương lai hạnh phúc trường cửu, khi và chỉ khi gã đánh thắng cừu địch ngáng đường đến công danh làm tâm tư gã rối bời, móc nối định mệnh cả hai vào nhau. Trong những ngày tháng sau này của gã có nàng và ngược lại. Không ai trong số bọn họ dám sống lãng du, vỗ ngực tự hào rằng hạnh phúc của mình là loại bỏ hoàn toàn đối phương. Thành thử chàng trai gật gù đồng ý mang gánh nặng kẻ sẻ nửa con tim cho bạn đời. Xong sao nữa? Làm gì tiếp theo nhỉ? Đi đâu đây? Bên ngoài Lạp Khắc trải dài tới tận miền miên viễn, đợi khi bắp chân rụng hẳn khỏi cẳng chưa khám phá hết. Rồi họng người sẽ cạn khô. Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, nhân ảnh đơn độc bỗng hoá nhỏ nhoi. Sau đó, cái chết là không thể tránh khỏi. Chắc nên chèo kéo ai đó cùng nghĩ tiếp với mình. Nghĩ đoạn thi sĩ Zenon đánh thư đến thành Xyemis, mời gọi chàng trai “bằng mặt không bằng lòng” tham gia trên chuyến hành trình kỳ quặc.
Endymion Katopodis. Người tình trong mộng của Petra Zenon. Thi sĩ trác lạc của Lạp Khắc.
Thoạt trông, chàng rắn rỏi như bức tượng tạc Thần Chiến Tranh Itrasil. Các thớ cơ săn ghép thành lồng ngực phập phồng dưới tấm áo trắng phau. Chiếc mũi thẳng đặt ngay ngắn chính giữa gương mặt. Ngay trên chiếc cằm trũng rãnh là bờ môi tráng mỏng, được Nữ Thần Sắc Đẹp phết lên lớp sơn hoa hồng. Hàng mày kiếm rậm che chắn cho cặp mắt tiệp màu với bạn cũ, trông sắc sảo hơn, Từng lọn tóc xoăn quấn vào nhau, rủ xuống ngang bờ vai u thịt bắp, bọc lấy khuôn mặt vuông vắn chữ điền, các góc cạnh rõ ràng, bén tới mức đầu ngón tay vô tình chạm vào cũng rỉ máu.
Sở dĩ gã đánh bạo mời chàng nhập hội lãng du là bởi khắp nước Lạp Khắc này, chỉ có chàng từng thân cận với gã, mà chuyến này đi một mình thì đâm ra chết dở giữa trời lạ. Ít nhất, nếu Katopodis mê ám nương hình bóng bạn cũ, ắt sẽ có hai cái xác được tìm thấy bên cạnh nhau, hoặc mắt long lên sòng sọc, hoặc nhắm nghiền chịu phận. Chết cũng phải kéo địch chết cùng, không phải một lý do chính đáng gì cho cam.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đôi bên hội ngộ sau thời gian dài xa cách, Zenon đã đoán trước chuyến du ngoạn rồi sẽ tiễn cả niềm vui sướng bao năm ra ngoài khơi.
“Hân hạnh được gặp anh, anh Zenon. Ta nghe vợ anh kể rất nhiều về anh.” Vừa nói, chàng vừa chìa tay ra, toan bắt mặt mừng với khách quý. Trái với mong đợi, người kia chỉ trơ mắt, để mặc bàn tay thon dài buông thõng xuống bắp đùi.
Hân hạnh được gặp anh, anh Zenon. Mẹ thằng điên, gã rủa thầm. Vẻ ngoài đạo mạo không giấu được bản chất rục muỗng của tên trưởng giả. Chàng vờ híp mắt cười để khiến quá khứ thôi trở về dập tắt hào quang. Nhưng Zenon đã chứng kiến đủ rồi. Chưa ra khơi, nhưng đáy hồn đã lộng gió. Mưa dông bão tố khuấy động trạng thái tĩnh lặng vốn có, tựa hồ muốn trào cả ra ngoài. Chúng lệnh cho bàn tay chàng trai tóc thẳng hãy ngừng nhân nhượng mà bóp chặt lấy chiếc cổ thơm. Gã khinh thường tất thảy những gì thuộc về Katopodis. Cỗi rễ của bi kịch nằm trong lồng ngực chàng, nơi trái tim đỏ hỏn đẩy đưa máu về các cơ quan. Miễn là chàng còn sống, Zenon sẽ còn mắc chứng bi thương. Gã không thấy gì ở chàng, ngoài một con rắn độc cố dụ dỗ nhân quần sa ngã. Chưa ai biết bí mật đó của chàng, trừ người bị chàng hại (và cũng chẳng rõ liệu họ còn sống hay chăng). Lại nữa rồi… Nhịn đi, nhịn đi… Giết Katopodis bây giờ sẽ đẩy gã xuống dòng nước biển sau lưng. Trả thù cần cả trí khôn lẫn tài bày mưu.
Zenon không nhớ chuyện của sau đó, có lẽ là đôi bên im lặng một hồi trước khi chậm rãi lên thuyền. Đúng hơn là “lẻn vào”, bởi gã cạn tiền và nhờ vả địch thì mất mặt thay, đâm ra gã bày kế quá giang một chuyến tàu chở hàng hoá tới Xuân Phong, đất nước trung hưng nhờ mở rộng trồng trọt cây lạ quả ngon. Nhân lúc thuỷ thủ bận rộn chất từng thùng gỗ khẳm lên thuyền, họ đánh liều nhảy lên boong, nương hình bóng đống hầu tránh cái nhìn xoi mói từ bao con kỳ đà khác. Katopodis dẫn gã vào một khoang chứa hàng còn trống, và cũng sẽ không bao giờ đầy.
Mới ngày đầu mà đã sóng gió. Theo nghĩa đen. Khi màn đêm buông xuống, chừng nửa buổi sau khi ra khơi, chiếc thuyền chếnh choáng đấu chọi muôn vàn cơn sóng dữ. Sấm sét chớp nhoáng nổ trên mặt nước, đánh sượt qua buồm, suýt thì gây ra đốm sáng toả bừng cơn nóng hổi. Các ngọn nước cao, hung dữ vồ vập bấu lấy mạn thuyền, không để thuỷ thủ đoàn ngơi nghỉ phút nào. Nỗi kinh khiếp đánh những con người ra sức kéo căng buồm ngã ngửa ra sau. Hầu vượt qua cơn bão, họ buộc phải tiếp tục đứng dậy chiến đấu.
Trong khoang bỏ trống, có nhân ảnh thao thức lắng nghe biển gào. Gã bắt đầu thấy hối hận vì vội vã rời khỏi nhà mà không mang theo nhiều cuộn giấy để viết cho phỉ nguyền, thành thử tâm trạng chán chường càng lúc càng xâm lấn hồn. Hầu như gã chỉ ngả lưng trên sàn gỗ, để tiếng chân lọc cọc, tiếng người quát mắng nhau vọng ngược vào tai. Sự buồn chán bắt đầu tra tấn gã bằng nhục hình kinh khủng nhất: nằm im, không có giấy để viết, địch thủ ở cạnh bên. Cuộc đời thi nhân nào bị bó buộc trong bốn bức tường, mà họ nỗ lực vượt qua sự vô thường, nhàm chán của hiện thực mà tìm đến bến đỗ nghệ thuật. Nhưng sẽ chẳng ai dám phá bỏ ranh giới nếu họ thiếu niềm tin hay dụng cụ (bút và giấy là hai ví dụ). Chỉ để các hình ảnh chạy trong đầu thì hoá ra lại dở, bởi nó dễ bị thời gian, hiện thực bào mòn. Mặc dầu nghệ sĩ đã cố gắng níu giữ chúng bằng cả trái tim, anh ta vẫn khó lòng địch lại trời đất. Hơn nữa, việc khách đi lậu tìm nguồn cảm hứng ngoài khoang là bất khả thi. Lỡ may gã bị phát hiện (tạm lờ sự thật rằng họ còn chuyện sống còn để quan tâm), cá sẽ rỉa sạch thây. Rốt cuộc Zenon đành phải chấp nhận số phận bị kìm kẹp, không bởi vai chồng, mà bởi vai nghèo hèn.
Bão tố gieo mầm mống nỗi táng đởm kinh hồn vào thể xác lẫn tinh thần thuỷ thủ đoàn độ chừng hơn ba tiếng, khoảng thời gian đủ dài để nước mắt đọng lại trên khoé mắt, tay chân rụng rời. Giữa đàn đống nhiễu sự, một tiếng động kinh khiếp đả động đến tâm hồn chán chường của thi sĩ ưu tư. Nó giống đứa con dị chủng giữa khúc hát sứ giả địa ngục và tràng cười quái đản, từng đợt âm cao chói tai vang tới tận chân trời, doạ gã giật mình ngồi thẳng dậy. Cặp mắt màu lá tươi đảo quanh tìm thủ phạm, song không thấy ai, kể cả Katopodis. Có vẻ chàng vẫn đương yên giấc nồng. Giả phỏng chàng cũng chịu chung khổ hình, thì bóng dáng chàng phải lấp ló trước mắt gã rồi. Vậy chỉ có mình Zenon nghe được thanh âm kinh hoàng ấy ư? Gã dần cảm nhận được nỗi khiếp đảm trước thiên nhiên hung dữ từ bên ngoài truyền vào da thịt. Thứ gì đương thử thách giới hạn chịu đựng của gã thế? Thần linh trừng phạt gã chăng? Rồi gã nghe thấy họng mình tự nỉ non những câu rền rĩ, nài nỉ vụn vặt: “Đừng… tránh ra… cút đi” mà không thể kiểm soát nổi. Bản năng sinh tồn là thứ đương táng đởm kinh hồn, há chẳng phải gã. Sao mà Zenon căm hận quân yếu đuối nhà gã quá!
Trong lúc thi sĩ oán trách bản thân, âm vang càng ngày càng rõ, tới độ nghe thành từng câu từng chữ. Chất giọng cao vút, khàn khàn văng vẳng từ trong đầu vọng ra.
“Khặc khặc, đừng sợ hãi ta đến thế. Ta vẫn là nhà ngươi thôi. Hoá ra ngươi sợ chính mình à?”
Đến nước này, gã bịt chặt tai lại, xem như chút phản kháng (bất lực) cuối cùng. Ấy thế mà cũng đành chào thua trước sức mạnh vô thường của nó.
“Ta ở bên trong ngươi, hỡi dân thành Daxlir. Ta biết ngươi từ khi ngươi sinh ra, biết cả vợ ngươi, cả những bí mật ngươi hằng che giấu. Ta còn biết vì sao ngươi muốn giết Katopodis, biết câu trả lời ngươi tìm kiếm về vợ ngươi. Ấy mà ngươi vẫn chối ta. Ta cho ngươi thêm hai lần hội ngộ để đáp lại ý tốt của ta, bằng không, sẽ chẳng có bến bờ nào dành cho ngươi.”
Gió thôi rít gào, giọng nói biến mất. Ngay khi bao suy tư đương chới với trong vũng hoảng loạn, can phạm nhẫn tâm bỏ mặc chúng tại nơi khoang tàu tịch liêu*. Một đêm khủng khiếp đã qua rồi. Sắc xanh lá gom hết tất cả rành rành đằng trước chôn trong lòng, bâng khuâng trừng vào khoảng không. Gã vẫn chưa hết bàng hoàng. Giọng nói quái quỷ hoành hành bên trong đầu hãy còn lắng đọng nỗi niềm khó gọi thành tên. Quả thật gã ngờ vực công việc vợ làm suốt khoảng thời gian nghiêng ngả hậu thất bại. Làm thế nào nàng mang thịt về đều đặn được? Làm thế nào áo chiton họ mặc mỗi ngày mỗi lúc một đẹp? Nhưng bấy giờ gã mải mê vùi đầu vào sự đau khổ của bản thân mà quên mất rằng gã vẫn đương sống, dưới tư cách là chồng, là phân nửa gia đình họ Zenon. Liệu có nên đánh liều tin tưởng một thứ vô thực, hay nên tìm bằng cớ buộc tội Petra bằng chính đôi tay mình?
Đầu óc rối bời cả lên, không suy nghĩ nào truy ra kết quả. Huống hồ nó có thể chỉ là một cơn ác mộng đen tối. Quan trọng là lễ hội thần Yladir đến quá gần để thoả chí nghiêng ngả, trong khi chưa có cuộn giấy nào chi chít chữ. Và gã chọn tạm ngừng công cuộc nghĩ suy.
Tuy nhiên, làm thế khiến gã bỗng cảm thấy bất an về chuyến hành trình chính mình chọn. Gã sẽ lênh đênh trên biển bao lâu nữa? Liệu có đất liền nào chờ đón gã chăng? Hôm nay là khởi đầu hay kết thúc? Tại sao bất chợt gã lại hoài nghi những việc đã qua? Là do hôm qua ư? Nếu phải, vậy gã vừa nghe thấy tiếng ai? Thần linh hay ác quỷ? Thần nào, quỷ gì? Mà có lẽ khả năng cao là ác quỷ. Thần linh hiếm khi nào đoái hoài tới bầy con, trừ phi chúng đắc tội với Ngài.
Lucifer.
Tự gã, một người gốc Lạp Khắc, cũng cảm thấy rằng đầu óc lại hiện ra cái tên ngoại đạo ấy giữa vô vàn bóng dáng khả dĩ khác.
Hoặc giả giọng nói kia đích thị thuộc về Lucifer, thì thi sĩ càng có lợi. Là kẻ không tin vào đạo Công Giáo, chắc chắn ác quỷ kia sẽ sớm thoái thác việc thưởng ngoạn con mồi cho đồng loại khác thế giới. Thông thường nó sẽ chọn những con chiên lạc bầy hòng chia rẽ đức tin của Thượng đế với nhân quần.
Cũng không có nghĩa là gã thật sự an toàn. Một kẻ đương bấp bênh dễ vướng vào ngàn rắc rối dọc đường đi, và càng nhiều khả năng vấp ngã.
Nỗi bất an ấy theo gã lâu dài, miễn là nước xanh còn phủ đến tận chân trời, và đương nhiên là còn Katopodis phá bĩnh, tỷ như một hôm biển gầm rú nhẹ.
“Anh chưa ngủ sao?”
Chắc nhìn mặt ngươi khiến ta dễ ngủ hơn quá, Zenon nhủ thầm. Trong lòng thi sĩ gợn lên một sự ngờ vực khôn lường với mọi cử chỉ chàng thể hiện ra ngoài.
“Petra kể rằng anh mắc chứng khó ngủ kinh niên. Ta tin rằng ngậm chút thảo dược này sẽ khiến anh dễ ngủ hơn.”
Rốt cuộc mối quan hệ giữa vợ và cừu địch là gì vậy? Thân thiết hơn bạn tri âm, ngọt ngào hơn tình đôi lứa chăng? Nếu không phải thì hà cớ gì chàng luôn miệng nhắc tới Petra như một thói quen cũ rích?
“Từ khi nào anh gọi vợ ta là Petra?”
Chột dạ, Katopodis gãi đầu sửa sai.
“À, ý ta là nàng Zenon. Xin lỗi, ta thất lễ quá rồi.”
Đoạn, chàng cười xuề xoà, xoè tay ra cho bạn xem. Bên trong đó là một nắm những cây thuốc không rõ tên, không biết đến từ đâu, nhưng theo Katopodis, chúng hoàn toàn vô hại, thậm chí lại còn tốt cho giấc ngủ. Nhận lấy thảo dược từ người đối diện (như một phép lịch sự nửa vời), gã trừng
“Anh chưa trả lời câu hỏi của ta.”
Ngập ngừng một lúc, chàng đáp:
“Lúc bọn ta tình cờ quen biết nhau vào nửa năm trước, nàng đã cho phép ta gọi nàng bằng tên. Khoan hẵng nghi ngờ, có lý do cả đấy: nàng muốn giữa bọn ta không có khoảng cách về địa vị, mà chỉ là bạn bè ngang hàng thôi.”
Xưa giờ gã hiếm khi nghe mối duyên bạn hẩu giữa đàn ông và đàn bà, trừ phi nàng lâm bệnh tùng thiếu, đành đoạn trao thân trinh bạch cho nhà thổ. Đó là loại đàn bà gã khinh thị nhất, trước cả đám lệnh ái, công chúa bắc bậc kiêu kỳ. Quân chỉ biết thoả mãn bản ngã đê hèn thì xứng đáng bị trâu bò giẫm đạp. À, còn bọn hetaira. Nói kiểu khúc chiết thì các nàng cao sang hơn hạng chị em nhà thổ, bởi quyền lựa chọn người đàn ông của đời mình mà không cần ràng buộc thân xác nằm gọn trong tay. Chẳng phải vợ lẽ, cũng chẳng phải gái điếm, vị thế của hetaira trên đất Lạp Khắc bị phụ thuộc vào khả năng tán gẫu cùng phu quân hờ, tri thức các nàng vươn gần tầm kiệt xuất tới đâu. Zenon tô cho hetaira chút ít sự khả kính nhất định, nhờ tài nghệ kiệt xuất trong một vài lĩnh vực. Song, gã vẫn không thích lấy một cô làm vợ. Thi sĩ nên sánh đôi cùng trinh thục. Nghệ thuật bắt buộc phải thanh nhã, nghệ sĩ bắt buộc phải thanh cao. Cốt cách anh mục nát thì văn chương anh cũng mục nát.
Xuất kỳ bất ý Zenon sực tỉnh khỏi dòng suy nghĩ, lấy lý do là chứ há chẳng phải do mình nghi kỵ điều xấu cho vợ.
“Bình thường nàng ít khi cho ai gọi mình là Petra cả. Có lẽ nàng thừa hiểu mình nên tôn trọng chồng.”
Khoảng cách giữa Katopodis và Zenon càng bị dời ra xa, đặc biệt là sau câu nói cạnh khoé vừa rồi. Hảo cảm hoàn toàn tan biến sạch sẽ, mặc kệ một trong hai hoài công dán từng mảnh vỡ lại với nhau. Gã bắt đầu hối hận về việc đã đánh thư mời địch thủ du ngoạn cùng mình. Diễn biến rắc rối hơn gã dự liệu. Giá chàng đừng cố hàn gắn mối quan hệ đã hoá tàn tro thì nó đã không tệ đến vậy. Gã sẽ chỉ thấy chàng là tên đạo đức giả đốn mạt, chuyên hút nỗi sầu muộn của người khác về xây lâu đài đức quảng đại.
Nữa rồi. Giọng nói đó. Nó cười khằng khặc. Mà cái giọng cười này quen thấy lạ. Hình như của Katopodis, cái đợt chàng khoe mẽ với gã về chuyện lên bảng vàng. Nó nhại lại, hẳn là thế. Sao nghe khó chịu thế nhỉ?
Phải rồi, một kẻ đem lòng hờn ghen thì sẽ thấy giọng người khác cười trong quang vinh là thứ ung nhọt nơi lỗ tai. Khi ta phải nếm ba lần trái đắng, mỗi lần mỗi vị đắng khác nhau, trong khi bạn tri âm đội lên đầu vòng nguyệt quế, hẳn ta sẽ không thấy gì ngoài sự đố kỵ khôn lường, dẫu thực sự muốn vui thay phần người ta. Mâu thuẫn trong tâm hồn gieo mầm mống sự chết rục dần dà, ăn sống tấm lòng bao dung với tha nhân. Từ dưới đống đổ nát mọc lên cái cây kịch độc hăm he hút sạch sinh khí từ thiện căn nuôi lớn manh tâm. Ta đâm thù oán kẻ thù không đội trời chung vì dám làm ta khốn đốn. Do hắn tất, tại hắn ác. Giá hắn đừng cướp mọi thứ khỏi ta thì đã chẳng ra nông nỗi này. Ước chi hắn chưa từng tồn tại. Như thế, ngai vàng thi sĩ toàn bích chắc chắn thuộc về ta. Dung nhan ta bỗng trở nên diễm tuyệt. Ta tiếp tục đặt ra hàng trăm, hàng ngàn “nếu như”, bao gồm chém chết con-người-kia. Mang trọng tội là phần chắc, ta thừa nhận, song le cũng khó lòng thoái thác.
Ta khóc trong mớ ảo tưởng do bản thân tạo ra. Vùi mặt giữa hai đùi, ta. Phớt lờ các cử chỉ an ủi vụn vặt, như vỗ lưng, thầm thì lời đường mật, chỉ còn ta cô đơn giữa biển lớn.
Thời gian thấm thoát lợn lờ qua mắt. Rốt cuộc đã sắp tới ngày thuyền cập bến, nhưng phải vượt qua cửa ải sóng dữ trước đã. Lần cuối cùng đôi bạn gặp bão thì không may mắn như thế. Ông trời vừa gặp trận buồn thương, trút hết lên những đứa con khổ sở. Vô tình (chẳng biết có hữu ý hay chăng), ông tạo ra lớp màn che chắn cho một thảm kinh rúng động lòng người.
Nhân lúc cả hai đương ngủ, một con bạch tuộc khổng lồ đã quấn chặt lấy thân tàu, cố dìm nó xuống đại dương tưởng chừng vô đáy. Đừng nhắc đến thuỷ thủ đoàn, bởi họ chắc chắn đã bị nó hất văng từ lâu. Katopodis, một kẻ trượng nghĩa ngu ngốc, đã đập vỡ thùng hàng gần mình nhất, rồi chạy lên boong, dùng nó đâm liên tiếp vào một chiếc xúc tu quấn quanh buồm. Ắt chàng tưởng mình đương là anh hùng giải cứu thế giới, mà rốt cuộc lại hoá kẻ ngốc tự hại mình. Con bạch tuộc tức giận, dồn hết sự chú ý vào chàng. Mắt nó long lên sòng sọc, chiếc xúc tu bị chàng tấn công quẫy mạnh, quật chàng tới suýt ngã khỏi tàu. Chưa dừng lại ở đó, nó dùng cái “chân” lặn dưới biển xuyên ngang người chàng, rồi luồn lại vào chính khoang chàng ở, sau cùng lôi cả con thuyền xuống cùng. Là người thông minh hơn, Zenon đã bơi ngang qua xác Katopodis để ra ngoài, dùng xác thuyền làm vật cản tầm mắt. Chỉ có gã còn sống.
Cậu ta chết không phải lỗi của mình. Một gã đàn ông bình thường như mình không thể đánh nổi quái thú, ừ, thật vậy.
*tịch liêu: tịch mịch và hoang vắng
Bình luận
Chưa có bình luận