Thấy Hiên có vẻ ngạc nhiên, hắn giải thích:
- Đời người học đi học lại cũng chỉ có từng ấy chữ, từng ấy sách, chỉ có số ít hiền tài đỗ đạt. Còn lại thì một là vùi xuống giấc mộng khoa cử mà kiếm cơm bằng mấy nghề như bói toán, bốc thuốc, dù sao cũng gọi là có chút ít hiểu biết, hai là cứ đi con đường cũ mãi, không biết đến khi nào thì thành danh.
Ánh đèn vàng vọt tưởng như soi rõ cả sự thinh lặng đang choán lấy gian phòng. Dù không phải số phận của ai trong số hai người họ, nhưng không khí cứ vậy mà lắng xuống một cách khó tả. Dè dặt một lúc, nàng không kìm được mà hỏi:
- Thật sự là... uổng phí như vậy sao?
Nguyên Trừng giật mình. Suýt chút nữa hắn còn tưởng mình đang nghe nhầm sang một thanh âm nào xa xăm lắm.
"Uổng phí như vậy sao?"
Hồi còn trẻ dại, hắn cũng từng hỏi cha mình như thế. Vì với người tiến quan bằng con đường khoa cử, một khi không thành danh, tưởng như mọi công sức dùi mài kinh sử sẽ đổ sông đổ bể.
Trong một giây khắc, len qua hết thảy những hoài niệm chắp vá, những loang lổ suy tư, Nguyên Trừng chợt quay sang Hiên:
- Ngươi có muốn học không? Ta sẽ dạy.
Thoáng chốc, Hiên còn tưởng mình nghe nhầm, lời nói ra còn nghe vẻ run run:
- Đức ông đang nói thật ạ?
- Có gì mà không thật? - Hắn đáp chẳng chút chần chừ.
Hiên vẫn cảm thấy lời đề nghị kia thực sự là chuyện không dễ thực hiện, chẳng may mà không đi đến đâu thì quả là lãng phí thì giờ. Dường như cũng cảm nhận được sự đắn đo của nàng, hắn nói thêm:
- Muốn xem có uổng phí hay không, phải thử một lần mới rõ được.
Hiên đứng lặng một lúc, những giọt mực đọng trên nghiên cũng dần khô, chỉ còn đôi nét loang dưới ánh nến nhàn nhạt. Giọng nàng trở nên phân vân:
- Nhưng... đức ông bận trăm công nghìn việc, lại đúng lúc cần nghỉ ngơi điều độ. Con cảm thấy...
Hắn ngắt lời:
- Ta làm lúc rảnh rang là được. Không cần dài dòng, chuyện này thì ta sẽ tự có cách sắp xếp.
- Ơn huệ của đức ông, con xin...
Hiên vừa định khuỵu gối thì hắn đã lập tức nhấc cánh tay của nàng lên. Hiên giật bắn mình, trong khi giọng hắn đều đều:
- Đợi viết cho thạo thì tạ ơn cũng chưa muộn. Chỉ sợ ngươi học được một hai buổi đã muốn cất hết sách vở thôi.
Hiên chẳng biết đáp lại gì nữa, nàng hiểu rằng chỉ có việc thực sự chuyên tâm vào chuyện thi thư, ngày ngày không ngưng nghỉ thì mới đền ơn hắn. Nguyên Trừng cũng im lặng, gấp từng tờ giấy trên bàn lại, nhẹ nhàng gật đầu với những nét vừa viết.
Hiên cầm lấy cây bút, cẩn thận lau, từ tốn sao cho đầu cọ vẫn nguyên hình dạng cũ. Nàng nói:
- Đức ông cứ để con thu dọn nốt.
Những ngày sau đó, trong thư phòng của Nguyên Trừng, có một góc con con để đặt thêm một nghiên mực khác. Mọi thứ không cầu kì nhưng vẫn rất tươm tất và nghiêm chỉnh. Hắn chọn thật kĩ rồi đưa mấy quyển sách ra trước mặt nàng:
- Thường học trò vỡ lòng sẽ bắt đầu với Tam Tự Kinh (11), mấy cái "nhân chi sơ tính bản thiện", ngươi từng nghe qua chưa?
Hắn nói đến đâu, nàng gật gù tới đó, nhưng dù có cố đến mấy thì tâm trí vẫn không sao dồn vào lời hắn mãi được. Nguyên Trừng thấy Hiên phân tâm thi dừng lại, hỏi:
- Chưa gì đã bắt đầu thấy hối hận rồi sao?
Lời Hiên tần ngần:
- Thưa... con... con có được phép hỏi cái này không ạ?
Nguyên Trừng đặt cuốn sách trên tay xuống, đáp:
- Để biết thì còn cách nào khác ngoài hỏi đâu. Ngươi nói đi.
- Tước hiệu của đức ông... - Hiên đề cập một cách dè dặt. - "Vệ vương", "vệ" nghĩa là "bảo vệ" hay sao ạ?
Nguyên Trừng gật đầu, vừa giảng giải, vừa chấm bút để viết từng nét trên giấy. Khoảnh khắc đó, hắn không sao ngăn được kí ức ngày trước ùa về trong tâm trí:
"Con đã muốn làm cây tùng chống nâng xã tắc, thì chữ 'Vệ' này, ta tặng con."
Bao nhiêu lời tin tưởng gửi gắm khi đó, bấy nhiêu sự vững chãi trên nét bút Nguyên Trừng lúc này. Nàng thấy hắn luận giải say sưa, bèn thỏ thẻ:
- Con... con cũng muốn biết làm sao để viết tên mình.
Đến đây, Nguyên Trừng chợt dừng bút. Hắn bật cười:
- Thì ra là muốn hỏi cái đó sao? - Hắn gõ một cái vào đầu nàng. - Lần sau không cần vòng vo như vậy, hiểu chưa?
Hiên xoa đỉnh đầu, ngại ngùng vâng dạ. Nguyên Trừng hỏi:
- Nhưng "hiên" trong tên ngươi nghĩa là gì trước đã, khi đó mới biết phải viết ra sao.
Nghe xong, nàng trở nên dè dặt, trầm ngâm một chút rồi mới thưa, phút chốc thấy giọng mình sắp lạc đi:
- Con chỉ biết là ngày trước, hồi lâu rồi, mẹ nuôi nhận con bên bậc cửa... nên...
Nguyên Trừng vươn tay ra lấy một tờ giấy rồi chậm rãi trải ra án gỗ:
- Nếu là "hiên" để chỉ mái hiên, thì viết như thế này. - Hắn vừa nói, vừa chậm rãi đi từng nét chữ, sao cho nàng nhìn thấy thứ tự thật rõ ràng. - Nhưng "hiên" này còn có một nghĩa khác, tức là "mỉm cười". (12)
- Thật sao ạ?
Hắn gật đầu:
- Thật.
- Hay quá!
Nàng reo lên, rồi chăm chú nhìn vào tờ giấy trước mặt như thể bị thôi miên, khóe miệng cong lên khiến hắn cũng vô thức cười theo. Nhưng chỉ một lúc sau, như ngẫm ra điều gì, nàng chợt nói:
- Nhưng dù sao vẫn là "mái hiên" trước.
Càng về cuối câu, nét mặt nàng càng có phần ỉu xìu. Nguyên Trừng ngẫm một lúc, rồi ngoảnh nhìn bên ngoài:
- Ngươi trông kìa.
Nàng hướng mắt ra phía khung cửa, thấy trăng non nép dưới rặng mây mờ, sự tĩnh tại len vào trong không gian đến độ tiếng gió thoảng cũng thật rõ nét. Đợi khi nàng chìm đắm vào cảnh sắc trước mặt, Nguyên Trừng mới đọc:
- "Nguyệt hiên tu trúc chuyển lương âm." (13) (Trăng soi trên mái hiên, cành trúc dài ngả thành bóng mát.)
Hắn nói với nàng về bài thơ và cả vị thi nhân viết ra nó, sau khi luận giải từng chữ trong đó, dù thừa biết Hiên sẽ phải mất rất lâu mới thạo.
- Đẹp thật...
Nàng cảm thán, khi nét cười lưu luyến trên gương mặt sáng bừng dưới ánh trăng. Nguyên Trừng chợt thấy lòng mình lắng lại, hai chữ "nguyệt hiên" ngân rung trong tâm khảm.
"Nguyệt hiên."
Đẹp như trăng tỏ bên thềm.
Hít một hơi thật sâu, hắn trải rộng tờ giấy mới ra án gỗ:
- Giờ thì ngồi học được rồi chứ?
*
Mấy hôm sau, dù ngủ chưa sâu giấc, thỉnh thoảng ác mộng vẫn chập chờn, nhưng Nguyên Trừng cũng đã thấy phấn chấn hơn phần nào. Như chỉ chờ có thế, hắn lập tức trở lại với việc ra thao trường xem quân lính tập luyện, không ngày nào bỏ bê. Ngay cả khi chiến sự chưa đến gần, nhưng sâu trong lòng hắn, những linh cảm xấu không ngừng cào xé. Ý nghĩ thường trực rằng mình vẫn có thể chuẩn bị chu toàn thêm mọi sự, từng chút một đều thôi thúc hắn phải đứng dậy lo chuyện binh đao.
Sáng đó, khi chưa rời phủ, Nhật Túc đến trước mặt hắn, thưa:
- Tướng quân không cần ra tận nơi cũng được, mấy ngày thường thì cứ giao cho hạ thần, tránh lao lực quá độ.
Nguyên Trừng cười:
- Đang chê ta ốm yếu đấy à? Mấy gia nhân các ngươi cứ thấy ta muốn luyện võ là lại dặn nọ dặn kia, quản chuyện ăn ngủ vẫn chưa thấy phiền não hay sao?
Nhật Túc lén liếc ra phía sau, thấy Hiên đã ra hiệu ngừng lời, nhưng vẫn không nhịn được mà chữa lại:
- Hạ thần không dám. Chỉ là...
Không đợi người kia nói hết, Nguyên Trừng đã rút kiếm, thanh giọng cũng bén như tiếng kêu vừa xẹt qua:
- Nếu đã như thế thì thử một trận xem nào. Ngươi mà không tiếp chiêu, ta sẽ coi như ngươi không kính nể.
Tên thuộc hạ bất lực. Đến lúc này thì chẳng còn cách nào khác, Nhật Túc đành lùi về sau vài bước, cúi đầu nhận lệnh:
- Vậy thì hạ thần xin được thỉnh giáo tướng quân.
Nguyên Trừng mỉm cười, cũng vào vị trí thủ thế, dặn dò:
- Nhớ phải làm hết sức.
- Hạ thần không dám trái lệnh.
Chẳng mấy chốc, trong khoảnh sân, tiếng vung kiếm đã vang lên chát chúa. Ban đầu chỉ là những đòn nhẹ thận trọng để đánh giá người kia, càng về sau, chiêu thức tấn công càng mạnh mẽ, vòng tròn vô hình của những bước chân mỗi lúc một khó nắm bắt.
- Được đấy nhỉ.
- Tướng quân quá lời rồi.
Cả Nguyên Trừng và Nhật Túc đều biết rằng chỉ cần một nhịp không phản ứng đủ nhanh, đó sẽ là giây khắc định đoạt tất cả. Ngay cả khi chẳng có chủ đích đả thương nhau, sự tập trung vẫn cao độ như thể đang thực sự trong cuộc chiến một mất một còn.
- Khá lắm, cầm cự được từng ấy thời gian. - Nguyên Trừng nói, chân bước lùi ra sau, giọt mồ hôi cũng theo đó mà sượt xuống gò má hắn.
Nhật Túc thận trọng tránh đòn, tiếng nói hòa cùng nhịp thở:
- Đều nhờ một tay tướng quân dạy dỗ.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục, khi Nguyên Trừng bắt đầu thấy cánh tay mình trở nên nặng nề sau mỗi lần vung chặn không ngừng nghỉ, người kia vẫn dồn dập mà chẳng để lộ một chút run rẩy. Sự nhạy bén của Nhật Túc phút chốc khiến hắn rùng mình.
Trong một giây khắc mong manh, mũi kiếm sắc mang theo ánh thép lạnh lẽo, tưởng chừng còn nặng hơn không khí đặc quánh xung quanh, chuẩn bị xé toạc ranh giới của kẻ thua người thắng.
- Tướng quân, người định làm thế này thật sao?
Giọng Truy Viễn cất lên, ngay lập tức, tiếng thanh kiếm đập mạnh xuống sân, đánh động tất thảy những căng thẳng dồn dập trong lòng Nguyên Trừng.
Bởi nếu không phải do lời tên thầy nho kia vang đến phân tán sự chú ý, thì suýt soát chút nữa thôi, hắn sẽ bại dưới tay Nhật Túc.
Phải, hắn sẽ chính thức để thua thuộc hạ của mình.
Nhưng với tình thế này, chuyện đã rồi hay "suýt chút nữa" thì cũng có gì khác nhau?
Nhật Túc cũng run bần bật người, cầm không vững thanh kiếm trên tay, nhất thời còn phải định thần chuyện gì vừa xảy ra. Một khắc im lặng tưởng chừng như đằng đẵng, không ai trong số hai người biết mình phải làm gì ngay tắp lự. Vài giây trôi qua, Nguyên Trừng cúi người xuống, tra kiếm vào vỏ trong lúc còn tự cười mỉa mai chính mình. Hắn nhanh chóng quay sang vị thầy nho, cố trưng ra một bộ mặt bình tĩnh:
- Có việc gì mà ngươi lại đến tận đây?
Truy Viễn đứng một lúc mới nhận thấy hết không khí căng thẳng, dằn xuống cảm giác mình vừa cắt ngang chuyện gì quan trọng. Sau đó, thầy nho mới dám tiếp lời:
- Tại hạ có học trò vùng này, tiện việc thì mạn phép đến thăm vương phủ. Ban nãy thấy tướng quân hăng say luyện tập, thần cả gan hỏi xem ngài không muốn tĩnh dưỡng sức khỏe sao.
___________
(11) Cuốn sách ra đời từ thời Tống, do Vương Ứng Lân biên soạn.
(12) Theo từ điển Thiều Chửu, chữ 軒 (hiên) có nhiều nghĩa, hai trong số đó được là nghĩa như trên.
(13) Trích trong bài "Tảo hạ" (早夏), tức là Đầu mùa hạ, của Hồ Túc - một nhà thơ cuối thời Đường. Nguyên văn câu thơ được nhắc đến: 月軒修竹轉涼陰。
Bình luận
Chưa có bình luận