Quan Huyện nhận chức ở cái xứ này được mấy chục năm, nghe bảo liêm chính thanh liêm, chưa từng xử oan vụ án nào nên dân trong làng kính lắm. Ngặt nỗi trong nhà có một bà cả ba bà lẽ, chừng ấy năm vẫn chưa có nổi mụn con cho yên bề gia thất.
Quan sầu quan trăn trở chong đèn sáng đêm không ngủ được, ai bảo gì cũng tin, kể cả cái việc như đội thúng xôi con gà lên dâng Phật, đến việc quỳ lạy thờ tổ ba ngày ba đêm, hay ra sông nhặt cái yếm đào của đàn bà về đặt đầu giường cũng làm.
Chẳng biết có phải thần Phật ăn xôi gà mãi cũng nhàm, hay vì cái yếm đỏ thẫm nọ đặt chỗ không nên đặt không, mà bà cả hôm ấy căm lắm, buổi hôm hầu ngủ không chịu lên chiếu ngủ mà đòi ra chõng nằm. Bà cả chanh chua thành tính, trước mặt quan khi nào cũng đằm thắm, bình thường quan nói một bà chửa dám làm hai, nay lại thế này cũng có phần mới lạ.
“Rồi em tính ngủ ngoài đây à? Vào trong cho đỡ muỗi.”
Bà cả nằm nghiêng người trên chõng, ánh trăng mượt mà vẽ đường cong trên vai xuống hõm lưng sâu thẳm, sờ lên thích phải biết. Mấy hôm tắt đèn chẳng thấy gì, nằm cạnh bà cả cũng thiu thiu ngủ đợi trời sáng chẳng muốn mò mẫm chi, nay mới thấy cái chõng vậy mà tài, bà cả không vào thì để quan ra.
“Quan cứ kệ em, em mệt sợ quan nhọc lại ngủ không ngon.”
Chứ ngoài này làm gì có muỗi, bà thà nằm ngoài này còn hơn vào trong màn, cứ nghĩ đến việc trong phòng mình có thứ của đàn bà nào khác là bà không chịu nổi. Quan nghe thấy thế đanh mặt quát:
“Muỗi cắn quan xót, em vào trong mà nằm.”
Quan gọi mãi chẳng ai thưa, bèn tự mình lấy. Đã lâu không đụng chạm, nay đến gần mới thấy gối bà thấm đẫm hương mai. Quan ưng bụng hít lấy hít để lên chõng nằm, bà cả giật bắn, mà lý nào quan leo lên rồi lại đuổi xuống, ấy là phải tội lắm.
Không biết có phải yếm nọ linh thiêng không, hay là vì đêm ấy trăng sáng như gương, bà đẹp hơn bài thơ, nên quan cày cấy không biết mệt. Mấy tháng sau truyền tin đến, bà cả mang thai, quan đến ngần tuổi này mới có con, trong dạ mừng phải biết.
Cậu cả nhà này sinh hạ trong một sớm đầu đông, khi ấy trời chửa sáng, nông dân chưa ra đồng thì cậu cứ đòi ra. Nghe bảo khi ấy có thầy đi ngang qua nhất quyết đòi vào, khi vào nhìn cậu cứ gật gù khen “mệnh tốt, cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy ai mệnh sang quý như cậu”. Quan nghe tiên đoán trong dạ mừng lắm, thưởng một vò rượu, năm quan tiền thêm một con gà cho thầy đi đường.
Bà cả thì càng không cần nói, cậu chưa ra bà đã không thèm quan tâm con muỗi vo ve là cái hay đực, cậu vừa ra càng chẳng liếc tới con Nụ đèo bồng quan hay bà tư hầu ngủ quan mấy hôm rày.
Trong nhà con hầu kẻ ở ai cũng cung phụng cậu lên trời, cậu muốn gió được gió, vòi mây được mây. Đã thế cậu còn nhỏ, quỷ yêu sao mà không gắt khóc, suốt ngày lúng liếng cười, ai nhìn cũng quý, ai thấy cũng yêu. Ai gần cậu nghe bảo sẽ được phước, sĩ tử sắp thi đình cũng đến sờ đầu cậu, hy vọng lây nhiễm chút may mắn để yên lòng ứng thí, làm rạng danh thầy bu quanh năm đồng áng.
Cuộc đời cậu ăn trước ngồi trên, buổi trưa nọ nằm võng đi sang mấy đứa dân đen nghịch bùn trong cái hố bé tẹo. Cậu cả lúc ấy không chịu đi, nằm trên võng hỏi thằng hầu:
“Tụi nó làm gì thế kia?”
“Bẩm cậu, té nước đấy ạ.”
Té nước là gì, cậu lớn tướng vậy rồi chưa bao giờ biết té nước nó vui sướng thế nào. Thế là cậu không chịu đi, nhất quyết đòi chơi với tụi nó. Thằng hầu không biết làm sao, cậu đã ton tót nhảy xuống hố.
Hố nông nước cạn, nước đục màu đất đứng còn chưa tới eo, mấy ngày hanh hạn không có lấy giọt mưa. Vậy mà hôm đấy cậu xuống, trời bỗng mưa ào. Mưa đến nỗi hố dâng nước, nhập thẳng vào con sông bên cạnh. Cái hố to thành cái bể, rồi thành cái ao. Nước càng lúc càng nhiều, ao càng mưa càng rộng, khi đi cả lũ chạy đuổi nhau, khi về nằm sõng soài trên ván, ai nấy ôm con khóc lên khóc xuống.
Con giời con phật con nào chẳng là con, cậu cả nhỏ xíu yên lành đứng đấy không trầy xước chút nào, ai cũng nói phước lớn thế nào mới thoát khỏi nạn này, cậu nghe đồn vậy, cũng nghĩ vậy thật.
Quan nghe chuyện cho mỗi nhà đấu gạo lấy lòng đền bù, rồi hạ lệnh võng cậu về. Bà cả ngày thường chăm cậu từng miếng ăn giấc ngủ, nay nghe cậu suýt chết lao ra ôm lấy ôm để.
“Con ơi là con, con có mệnh hệ nào sao bu sống nổi? Sau này đứa nào còn dẫn cậu ra ngoài nữa tao đánh gãy chân!”
Thằng hầu cun cút không dám không nghe, bà cả ôm cậu vừa hôn vừa sờ soạng, chỉ sợ cậu bầm tím chỗ nào bà không nhìn thấy. Cậu cả chẳng làm sao, cái tin cậu mạng lớn tốt số lại càng lan truyền khắp nơi, ai cũng tin lấy tin để cậu nhà ấy sao mà sang quý bậc này.
Cái mạng cậu được chứng thêm, ấy là khi cậu lên bảy, làng năm ấy có giặc cướp. Chúng nó vào làng bắt đàn bà về trại, bắt con nít về vòi trăm đấu gạo mới thả ra. Triều đình chiêu binh chưa xong, đã nghe tin cậu cả nhà quan huyện cũng bị bắt lên núi, sợ rằng chuyến này đi dễ khó về.
Quan sầu bạc cả tóc, hói cả đầu. Bà cả ngày nào cũng lấy nước mắt rửa mặt, kim chỉ chẳng động, cơm dưa chẳng màng. Ai nấy đều đồn chuyến này xong rồi, e rằng nhà quan ấy tuyệt tử từ đây. Dân tưởng thế, quan cũng chẳng khá khẩm hơn. Những tưởng chuyện hết hy vọng, vì băng cướp ấy độc ác đầu trên xóm dưới ai mà chẳng hay, đã vào tay chúng làm gì còn có cửa quay về, thì đêm ấy trời giáng sét đánh cháy trụi cây đa giữa làng.
Cây đa ấy là thánh vật làng này, đàn bà con gái làng này đến tối ra hẹn tình lang, mấy lần giặc phá làng cháy ruộng khô, chỉ cây đa kia vẫn yên lặng đứng đấy, chứng kiến bãi bể nương dâu. Nay cây đa cháy rụi, ai nấy đều bảo làng này đụng trúng long mạch, nên tai ương ngập đầu, thì hôm sau nghe tin ổ cướp cháy trụi.
Trong vòng một đêm, sét đánh trúng ụ rơm trong trại, tướng cướp đang mây mưa bị sét đánh chết. Con gà trong trại cũng biến thành gà than, vậy mà giữa nơi đồng không mông quạnh, cậu cả còn sống mới tài. Trong trại hơn bảy mươi người cả cướp cả dân cả đàn bà chết ráo trọi, chỉ mình cậu sống.
Đây là mạng lớn phước lớn bậc nào.
Vậy mà có gã mù lộc cộc đi ngang qua xin trà, nghe đến đấy lắc đầu không ngớt. “Đây nào phải mạng lớn gì, cậu nhà kia vận số quá tốt đẹp, người xung quanh cậu ta làm sao chịu nổi, phải lấy mạng đổi mạng cho cậu. Trên đời này có nhân ắt có quả, tiếc thay, tiếc thay…”
Gã mù đi xa, ai nấy nghe xong chẳng để trong lòng, chỉ có cậu nằm võng đi ngang vô tình nghe thấy. Cậu là tốt nhất, cậu cũng biết cậu may mắn, đâu phải chuyện để gã ất ơ nào bàn ra tán vào. Cậu buồn bực không biết xả vào đâu, vậy là đá thẳng thằng hầu bên cạnh.
“Mày hầu cậu bao năm có gặp chuyện xui xẻo nào chưa?”
Thằng hầu nào dám nói có, mà thật trước giờ cậu cũng chẳng bạc nó, chỉ lắc đầu nghe theo. “Bẩm cậu, chưa.”
“Thầy bói nói láo quá thể, ta phải về nói với bu mới được. Để xem sau này còn ai dám bàn tán sau lưng cậu không!”
Cậu về nhà nói lại với bà cả, bà cả thương cậu còn không hết, bẩm quan truy ra tên mù kia.
Chỉ là chưa kịp truy xong, thì thằng hầu và cậu đã lên núi dâng Phật tạ bình yên, chẳng là đường núi trơn trượt, đất dốc đá nhọn, thằng hầu chẳng hiểu sao trượt chân té núi, kéo đám lính theo cậu. Và như thường lệ, cậu cả chẳng làm sao cả, người xung quanh thì chẳng còn ai.
Lần này thằng hầu chết không nhắm mắt, nó hầu cậu từ nhỏ đến lớn, trong lòng cũng thương. Bây giờ nó trừng mắt nhìn cậu, máu chảy be bét, hại cậu mấy hôm liền không ngủ được, chẳng thiết tha ăn uống gì. Từ khi thằng hầu mất, những chuyện ngẫu nhiên xảy ra càng lúc càng nhiều hơn.
Bà cả đổi thằng hầu khác cho cậu, chưa đầy một mùa lúa nó té gãy chân. Bà cả lại đổi người khác, chưa đầy hai tháng thì bị phong, tay chân rụng đầy đất. Đợt ấy cả phủ kéo theo mười người chết, vậy mà nó hầu cậu mỗi ngày, cậu cả lại chẳng làm sao.
Bà cả bán tín bán nghi, quan huyện cũng lấy làm lạ, đành lên núi xin bùa bình an. Cậu mang bùa chưa đầy một ngày thì bùa cháy rọi, chậu than đổ cháy rụi sạch công văn của quan. Quan trên thương tình không truy cứu, chỉ phạt sáu mươi hèo, tước bổng lộc một năm. Làm quan huyện liệt giường ba tháng mới đứng dậy được.
Lần một có thể trùng hợp, lần hai có người ác ý đồn đoán, nhưng đến lần thứ ba chuyện không may xảy ra, bà cả bắt đầu sinh nghi. Bà cả từ ấy không dám cho cậu đi đâu, đến tuổi học chữ cũng cho mời thầy đồ đến dạy dỗ, treo đủ thứ bùa phép trên đầu giường cậu chỉ mong cậu yên ổn là vừa lòng.
Có mỗi một mụn con, nếu cậu có mệnh hệ nào thì bà sao sống nổi.
Cậu cả an ổn được mấy năm đến kì thi Hương, cậu cũng ứng thí, quen được nhiều bạn đồng liêu. Nam nhi có chí, lại gặp người có tài như mình, chẳng mấy chốc mà thêm đôn hậu thâm sâu. Người đã gặp cậu, đều khen cậu ngớt lời, đây là người sau này sẽ làm nên nghiệp lớn, không chịu bó hẹp đất này. Cậu cả đã quên chuyện từ nhỏ vận mệnh thế nào, số phận mình ra sao thì mình tự phải nắm lấy, còn cần kẻ nào phán xét đúng sai.
Cậu nghĩ vậy, trong lòng đẹp dạ ung dung, phong thái càng thêm đĩnh đạc, thì hay tin bạn đồng liêu gặp nạn cơ hàn, kẻ gian lừa mất nên trở về tay trắng. Người khác vốn là nghèo hèn nhưng có chí lớn, không biết đắc tội với ai mà bị cắt lưỡi, sau trở thành người câm, con đường công danh cũng tắt ngúm.
Cậu cả nhà ấy lúc nhỏ trải qua mưa gió, lớn lên có cái chất ngông không giống người khác. Cậu ngông mà không ai ghét được, bên ngoài anh tuấn, khí chất ung dung nho nhã, nói năng điềm đạm phải phép, nhất là đuôi mắt cong sâu thẳm nọ. Cậu nằm võng đi ngang, đàn bà con gái nào nhìn thấy chẳng mặt đỏ mày đưa, cả ruộng đồng khô héo cũng thành màu mỡ hoa nở hương xa.
Bà cả dạo ấy đi chùa cầu duyên cho cậu, đi ngang hồ sen hoa rũ lá trong phút chốc. Bà lấy làm lạ, thì nhà sư mới bảo:
“Cậu cả nhà thí chủ có số mạng lớn, nhưng mạng ấy là mạng đòi lấy, người xung quanh tất sẽ không được an. Nay cần lấy một người có mệnh hợp với cậu, nếu không tai vạ ập đến, gia trạch không thuận hòa.”
Bà cả vốn tin Phật, nhà sư đã nói vậy bà chẳng dám cãi lời, về nhà nghe ngóng tới lui gái trong làng ai tốt ai xấu muốn sang bỏ trầu cau.
Chuyện nhân duyên cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, cậu cả không biết chuyện nam nữ nên chẳng cãi ý quan bà, bà tính tới tới lui chọn được cô Hai bá Lý. Cô năm nay đang độ xuân thì, trai trong làng mê như điếu đổ, gia cảnh khá, thuần hậu thật thà, bà càng xem càng ưng bụng, mới nhờ bà mối dắt sang thăm hỏi bá Lý bên kia. Cô Hai thương thầm cậu Cả từ lâu, trông ngày trông đêm đến hôm bỏ trầu.
Mai mối đã xong, sính lễ đã soạn, lại hay tin cô Hai nửa đêm ra giếng gội đầu trượt chân té giếng. Sính lễ đã trao, trầu cau đã đượm, nhưng cô Hai không còn nữa. Vậy là cậu lỡ duyên này.
Cô Hai qua đời một năm, cậu cả lại hỏi mối khác, lần này đằng gái không phải nhà gia thế, chỉ là hộ khá giả, được cái đẫy đà khỏe mạnh. Người khỏe như vâm, lại lo chuyện trong nhà từ nhỏ nên tháo vát đảm đang. Chẳng hiểu người đang yên đang lành, cậu bỏ trầu xong thì ra sông ngã chết.
Một cô lại một cô, cứ mối nào cậu định sờ đến, không ra sông chết đuối, thì cũng là đã hẹn ước với tình lang. Không có mối rồi, cũng là dạng xấu xí lỡ thì. Bà cả làm sao chịu mấy mối vậy, cứ thế lỡ dở mấy năm.
Chuyện trăm năm không phải ngày một ngày hai mà thành, thấm thoát đã đến thi Đình, cậu dùi mài kinh sử chỉ chờ đến kỳ lên kinh, bà cả bèn gác việc lại mong cậu được lên bảng vàng, cho bõ ngày đợi trông.
Đợi mãi trông mãi, bảng vàng đâu chẳng thấy, võng lọng đâu chẳng hay. Cậu nằm trên cán, bạn đồng liêu đặt cậu trước cổng, cả người đầy máu.
Cậu cả nằm thoi thóp, thầy lang lắc đầu tiếc rẻ, cậu cả nhà ấy mà… sau này không đi lại được nữa. Nghe đâu đắc tội với chánh tổng, cậu không chịu thua mới bị đánh gãy chân, tước quyền ứng thí.
Bà cả khóc hết nước mắt, quan huyện cũng bạc đầu.
Cậu cả hay tin không thiết tha ăn uống, cái ngông nọ thành gông xiềng cột cậu vào giường không buồn chạy chữa, một đêm thôi mà không còn ra dạng người, lúc nào cũng thoi thóp hơi tàn, như lá héo rũ trước mùa xuân.
Tình lang trong mộng của gái xuân thành trò hề, bây giờ cậu có bỏ trầu cũng chẳng ai muốn lấy, bà cả khóc đứt ruột gan, cậu bỏ ăn một ngày, bà nhịn ăn một tháng. Quan thấy bèn thương, dỗ quan bà chẳng xong, đành vào nhìn cậu.
Đến hôm quan huyện vào phòng, cậu nằm trên chõng không nhúc nhích, quan từng thấy cậu chập chững tập đi, từng nhìn cậu bô ba tập nói, từng nghe cậu chí khí đầy mình quyết không chôn chân chốn này mà ra ngoài xông pha cho đáng sức trai.
Bây giờ cành cong cung gãy, cậu nằm không chờ cơm bưng nước rót, đôi mắt rệu rã hơn cả bà lẽ chờ chồng. Quan thở dài khuyên bảo.
“Con học cao hiểu rộng, sao lại để bu khổ sở như vậy? Con là lẽ sống của bu con, con từ bỏ thì bu con biết sống thế nào?”
Cậu run tay, đồng tử sâu thẳm như mực nùng, có thứ ánh sáng nào đó nhỏ vụn trong mắt cậu, rồi cũng chìm sâu xuống dưới nước hồ đục ngầu kia.
“Con phải tội.”
Cậu cúi đầu nhận sai, giọng nói khô khan chẳng thấy hồ hởi như trước, kinh thi bỏ ngỏ, nghiêng mực tan hoang. Bà cả khóc không thành tiếng, quan về rồi, cậu chẳng buồn bỏ ăn nữa, ai đem đến gì cậu ăn nấy.
Tính cách cậu ngày càng quái gở, đêm xuống rên hừ hừ, nghiến răng trèo trẹo như ma. Thằng hầu con ở không chịu thấu, chẳng dám kêu than gì, chỉ mong cậu đuổi mình cho đỡ nợ. Cậu đuổi thật, cứ dăm ba ngày lại đuổi một người, cậu thù lắm. Cái mệnh cậu gà bới chó tha chứ nào phải quyền quý cao sang gì. Đâm ra cậu nhìn thấy đàn bà con gái đi sang cúi đầu, là cậu bắt về làm lẽ. Chẳng là số xúi quẩy vẫn đeo cậu như hình với bóng, bắt ai về người ấy không té u đầu mẻ trán, cũng là ăn trầu không mà tắt thở.
Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu cũng truyền nhanh chẳng kém. Dần dà, gái làng giờ ai nghe tiếng cậu Cả cũng tránh cho xa, chỉ sợ lọt vào mắt xanh của cậu, bị cậu bắt về nhà. Ai có con gái lớn thì giữ trong nhà, đừng thả ra ngoài kẻo cậu cả bắt.
Ai cũng nghĩ đời này chắc thế là xong, ngờ đâu bà cả mang trầu cau sang hỏi con thầy đồ Hậu, mà cô kia ấy à… chà tưởng cao sang thế nào, lại rước phải nàng câm cuối làng…
Bình luận
Chưa có bình luận