2. Nhậm chức


Hai ngày sau, Lê Văn Uyên một mình vào cung.

Tuy nói là nhậm chức Chủ sự ở Quang lộc tự, Lê Văn Uyên không cần phải dọn hẳn vào đây sinh sống như những người khác. Nhờ Thái sư đánh tiếng trước, y được Tự khanh Đặng Hoải trực tiếp chỉ dẫn đường lối vô cùng tận tình.

Quang lộc tự từ thời Vĩnh đế đã thêm vào hai sở. Một là sở Bạch Thiện chuyên lo việc ăn uống của công chúa, hoàng tử cùng các thân vương khác; hai là sở Phẩm Thiện phụ trách quản lý và lựa chọn nguyên liệu, đôi khi còn kiêm cả việc đánh giá hoặc kiểm nghiệm món mới. Lê Văn Uyên nhậm chức Chủ sự ở sở Bạch Thiện, cũng chính là vị trí cao nhất tại một sở. 

Dựa vào trang phục có thể phân biệt người của sở và tự, sở Bạch Thiện là áo trắng thắt dây xanh, Quang lộc tự là áo trắng thắt dây đỏ, sở Phẩm Thiện là áo màu chàm thắt dây trắng. Vì để thuận tiện cho việc nấu ăn và di chuyển, trang phục cũng được thay đổi để phù hợp. Phần áo trên may theo dạng áo viên lĩnh, song thân dưới lại đổi thành hai vạt trước sau giống như áo tấc. Tay áo cũng được thu lại, chỉ dài qua khuỷu tay một chút là dừng. Mùa hè thì thoáng mát, song khi trời trở lạnh thì phải lót thêm một lớp giao lĩnh tay chẽn bên trong.

Quý Đô vào Thu vẫn còn mát mẻ, độ khoảng giữa tháng Mười hai mới bắt đầu lạnh dần tới tháng Ba năm sau. Lê Văn Uyên mặc áo tấc kín cổ đã quen, bèn lót thêm một lớp giao lĩnh, chỉnh trang lại y phục thẳng thớm rồi theo Đặng Hoải tới sở Bạch Thiện.

Đặng Hoải là một người phụ nữ trung niên tầm năm mươi, một năm sau khi Thái tử qua đời, Lê Văn Uyên từng gặp qua bà, hình như là do Thái sư ra mặt tiến cử. Khi ấy trời nắng như đổ lửa, một nhóm người ở Quang lộc tự đứng trong sân không một bóng râm, chỉ biết cúi đầu nghe Đặng Hoải la mắng vì để rơi một sợi tóc vào nồi canh. Sau đó Đặng Hoải hất bỏ nồi canh ấy trước mặt bọn họ, tự mình xuống bếp nấu lại lần nữa. Lê Văn Uyên còn nhớ bà thậm chí còn quăng bể cái nồi đất vì quá tức giận.

Nhìn bề ngoài Đặng Hoải có vẻ là người điềm tĩnh dịu dàng, song một khi dính đến chuyện nấu nướng, bà như trở thành một người hoàn toàn trái ngược.

Sở Bạch Thiện nằm bên cạnh Quang lộc tự, dọc đường có rất nhiều ánh mắt hướng về phía Lê Văn Uyên. Nơi này nhận cả nam lẫn nữ vào làm, phân chia công việc bình đẳng và đề cao năng lực. Những người có quan hệ như y cũng chỉ dừng ở mức được hướng dẫn tốt hơn những người bình thường, không có chuyện nấu dở mà nhận lời khen ngon hay nhoáng một cái là thăng chức.

Đặng Hoải cho người gọi tất cả tập trung lại một chỗ, bắt đầu giới thiệu Lê Văn Uyên. Đương nhiên chuyện y có quan hệ với Thái sư vẫn được giữ kín, theo cái cớ mà bà đã soạn sẵn, Lê Văn Uyên hiện giờ là công tử xuất thân từ một gia tộc trung lưu nằm ngoài kinh thành, thông qua kỳ sát hạch rồi được bổ nhiệm vào sở Bạch Thiện.

Sở Bạch Thiện mấy năm nay không có Chủ sự chính thức, bởi thế Chủ sự bên Quang lộc tự phải thay phiên nhau hỗ trợ nơi này. Lê Văn Uyên không biết đây là do Thái sư đoán được sẽ có ngày hôm nay rồi chuẩn bị sẵn hay tất cả chỉ là trùng hợp.

Đặng Hoải đưa cho Lê Văn Uyên một chiếc thẻ gỗ nhỏ bằng lòng bàn tay, trên mặt khắc tên, chức vụ và tên sở. Thẻ này có dây để treo lên nút áo bên vai, ngoài Tự khanh và Tự thiếu khanh, Chủ sự và Tự thừa là hai vị trí duy nhất nhận được thẻ riêng.

“Chủ sự Lê Văn Uyên.” Đặng Hoải mỉm cười quay sang nhìn y, “Khi nào bắt đầu thì được nhỉ?”

Quang lộc tự có một truyền thống đặc biệt từ thời Thịnh Viễn, rằng Chủ sự vừa nhậm chức phải tự tay nấu một bữa để Tự thiếu khanh cùng các Chủ sự, Tự thừa khác nếm thử. Đây là cách để mọi người chào hỏi lẫn nhau, cũng là dịp để bọn họ đánh giá tay nghề của người mới.

“Chiều nay được không ạ?” Lê Văn Uyên lễ phép nói, “Nếu ngài có thời gian, tôi cũng muốn nghe thêm nhận xét của ngài. Lần sát hạch vừa rồi chưa có cơ hội được ngài trực tiếp chỉ dạy, tôi vẫn luôn thấy tiếc mãi không thôi.”

Tự khanh vốn là người giám sát kỳ sát hạch và đánh giá món ăn, bởi thế bữa tiệc nhỏ như vậy bà không cần tham gia, song Lê Văn Uyên đã thi thố cái gì đâu, đồng nghĩa với việc Đặng Hoải cũng chưa biết y nấu nướng ngon dở ở mức nào. Lê Văn Uyên khéo léo mở lời mời bà, Đặng Hoải nghe vậy nở nụ cười nhẹ, nói: “Chủ sự có lòng ham mê học hỏi, thật khó để ta từ chối.”

Lê Văn Uyên cúi đầu tỏ ý cảm ơn, Đặng Hoải lại lên tiếng bảo y cứ thoải mái tới sở Phẩm Thiện chọn nguyên liệu, sau đó mọi người giải tán, ai về việc nấy.

Dù gì cũng đã bước hai chân vào Quang lộc tự, Lê Văn Uyên quyết định dạo một vòng xem thử, sẵn tiện suy nghĩ về món mà chiều nay mình sẽ nấu. 

Dường như trong cung sắp có một bữa tiệc lớn, thịt cá, rau củ vừa được người ở sở Phẩm Thiện đẩy vào tươi xanh mơn mởn, đặt riêng biệt với các nguyên liệu chuyên dành cho hoàng tộc. Lê Văn Uyên không muốn làm phiền bọn họ, bèn tự vào phòng lật xem lịch làm việc của Quang lộc tự.

Các bữa tiệc lớn nhỏ đều được ghi chú hết sức cẩn thận, không chỉ ngày tháng và địa điểm tổ chức, họ còn viết xuống chủ nhân của bữa tiệc ấy, bao gồm những món không nên làm trong bữa tiệc của họ. Chẳng hạn như Kính phi Trương thị, nàng không thích ăn ngọt và hạn chế ăn thịt, ngoài các yêu cầu bắt buộc chẳng hạn như chủ đề, món ăn cố định buộc phải có, Quang lộc tựa sẽ dựa vào sở thích của Trương thị để điều chỉnh thực đơn sao cho phù hợp nhất có thể.

Lê Văn Uyên chậm rãi lướt mắt đọc kỹ từng dòng, đa số là tiệc nhỏ ở hậu cung của các phi, tiệc lớn nhất trong tháng này chắc là của em gái Tự Minh đế - Ngọc Thuận công chúa - tổ chức tại lầu Lập Hoa. Song mãi đến khi bắt thấy dấu đỏ ở trang sau, Lê Văn Uyên mới biết mình đã nghĩ sai, ánh mắt bỗng dưng lặng đi đôi phần. Mực đỏ là ký hiệu đánh dấu một bữa tiệc đặc biệt quan trọng, cần ưu tiên và bỏ công sức nhiều nhất. Tuy nhiên điều khiến tâm trạng Lê Văn Uyên thay đổi không phải điều đó, mà là cái tên nằm bên cạnh dấu mực đỏ.

Tiệc ấy do Thái sư ra mặt tổ chức, nhân vật chính thật sự là Hồ Cung Khiêm, người học trò thứ hai của ông sau Lê Văn Uyên. Lê Văn Uyên không cần dò sâu cũng biết mục đích của bữa tiệc. Xem ra Thái sư cho rằng thời điểm đã chín muồi, muốn chính thức giới thiệu Hồ Cung Khiêm với các vị quan khác, mở đường cho tên đó đặt chân vào quan trường.

Lê Văn Uyên không có ấn tượng tốt về Hồ Cung Khiêm, y không biết người khác thế nào, nhưng trong mắt y gã là tên giả tạo bậc nhất. Đứng trước Thái sư, gã là một công tử hiểu lễ nhã nhặn, quay đi một cái đã vội vàng móc mỉa hoặc bắt bẻ Lê Văn Uyên đủ thứ chuyện, bới lông tìm vết moi bằng được lỗi của y kể lại cho Thái sư. Lê Văn Uyên ngoảnh mặt đi chỗ khác, thả tờ giấy mình đang nhấc lên, để nó che khuất dấu đỏ chói mắt kia.

Lê Văn Uyên dời bước tới sở Phẩm Thiện, nơi này đối diện sở Bạch Thiện, đi vài bước đã tới ngay. Vài người vừa thấy y liền gật đầu chào, Lê Văn Uyên bảo bọn họ cứ tiếp tục làm việc, không cần để tâm đến mình.

Rau tươi còn đọng sương sớm, mấy củ khoai nằm trong mẹt tre ám chút màu nắng pha cùng màu đất, nối theo một hàng củ dền đỏ, cải bắp, cà tím. Lê Văn Uyên càng nhìn càng thấy thích mắt trước một dãy rau củ đầy đủ sắc màu, lúc chùm nho xanh tươi rói kia lọt vào tầm mắt, y đã không kìm được vẻ ngạc nhiên hiển hiện trên gương mặt mình.

Loại nho xanh này chỉ trồng được ở Ải Bắc, nhớ năm đó Lê Văn Uyên từng tới nơi ấy, vừa ăn thử một lần đã lập tức đem lòng thích ngay. Thịt quả giòn mà cũng mềm mọng nước, nước quả thanh mát chua chua ngọt ngọt quấn lấy đầu lưỡi, nuốt xuống rồi lại thấy tiếc, phải đưa tay ngắt thêm quả khác ăn liền mấy lượt mới thoả mãn.

Cũng đã tám năm hơn thì phải, Lê Văn Uyên vẫn luôn nhớ mãi cái mùi vị dễ nghiện ấy. Nho Ải Bắc ngoài dân Ải Bắc thì chỉ có người trong cung mới được nếm thử, là cống phẩm dâng cho hoàng đế ba tháng một lần, có tìm đỏ mắt ngoài chợ cũng không tìm nổi.

Khoảng thời gian ở Ải Bắc bất ngờ được chùm nho xanh gợi lại, như dòng nước mát vô tình mang theo một món ăn đã bị Lê Văn Uyên bỏ quên sâu trong ký ức dạt về bờ hiện tại. Nắng mùa Thu ôm lấy nửa trên gương mặt y, hắt thêm ánh sáng lên đôi mắt nâu đỏ làm nó loang loáng ánh nước, tựa hồ có một gợn sóng nhỏ vừa ghé ngang.

“Chạy? Ngươi còn định chạy đi đâu? Phải đánh chết ngươi mới được thằng trộm vặt này.”

Ai đó giận dữ hét lớn, làm bàn tay vươn ra chưa kịp chạm vào chùm nho của Lê Văn Uyên khựng lại. Huyên náo ngày một lớn ở sân sau, thu hút cả đám người sở Bạch Thiện chạy sang, lẫn trong đó có tiếng trẻ con ầm ĩ mắng ngược lại bọn họ.

Lê Văn Uyên nghe được mấy từ như cơm thừa canh cặn, ăn xương chống đói, cảm giác như hiểu ra gì đó, bèn ló đầu qua cửa xem thử tình hình.

Thiếu nữ ở Quang lộc tự nắm chặt cổ áo của một bé trai khoảng chín, mười tuổi, tay lăm lăm cây chày giã tiêu, chỉ cần thằng bé vùng vẫy muốn thoát là nàng ta lập tức giơ cái chày lên dọa đánh. Thằng bé kia hai tay ôm chặt một túi giấy nhỏ ướt dầu, ánh mắt dữ tợn trông chẳng khác gì một con thú hoang đang nhe răng gầm gừ cảnh giác cao độ. Có người xông tới giật túi giấy trong tay nó ra, bị nó cắn cho một cái đau điếng rớm cả máu.

Mắt nó đảo nhanh một lượt, dường như đang cố ghi nhớ gương mặt của từng người xung quanh. Lê Văn Uyên khoanh tay đứng tựa trước cửa quan sát thằng nhóc ấy, hiểu thừa mục đích ẩn sau cái liếc mắt kia, y có thể thấy rõ ý hận sắp trào ra khỏi đáy mắt nó rồi.

“Vụng về thật.” Lê Văn Uyên lẩm bẩm, đoạn sải bước tiến về phía đám đông.


Bình luận

  • avatar
    Tuyết Mai Tầm Mộng

    Truyện hay, mong tác giả sớm ra chương mới, thể loại cung đình này mình rất thích 👍

Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}