Sau khi căn dặn một cách cẩn thận về việc đem gạo về nhà, tôi mới yên tâm rời đi. Thằng Vệ phải về ngay vì sợ áng tôi sẽ bắt nó đi cùng áng ra bãi để thăm ruộng, còn con Lan sẽ đi cùng tôi để canh chừng vì tội nghịch ngợm trời đánh của tôi ngày hôm qua.
“Mày không định về nhà nấu cơm sao?” Tôi bực mình quay sang hỏi, vì con bé cứ dính như sam làm tôi không thể đi chơi theo ý mình muốn.
“Dạ, bẩm mợ, bà dặn con phải trông mợ, nhỡ mợ nghịch rồi bị gì thì sao ạ?”
“Dở miệng, ta đi chơi vẫn biết chừng mực, làm gì mà ghê gớm như lời nạ nói chứ!” Tôi cãi, khoanh tay trước ngực giả bộ hờn dỗi khi nghe mặc dù lời con Lan nói không sai. Có một lần vì tò mò cây xà cừ đầu làng khi trèo lên có thể nhìn xa đến đâu, tôi nghịch dại mà trèo lên cao, suýt chút nữa thì ngã gãy chân vì cành yếu.
Canh tỵ đã điểm. Bỗng tôi nhớ đến khu đất trống ở làng, đã rất lâu rồi tôi chưa ra đấy chơi, ngồi ở đó dưới gốc cây sung cũng là một cách hay giết thời gian lúc này.
Đến nơi, khu đất trống đã không, thay vào đó là mái lều tranh được dựng cẩn thận ngay dưới gốc cây sung, lớp học của thầy đồ đã ở đây từ lúc nào mà tôi không hay biết.
Tấm bảng đen được dựng sơ sài nhờ chiếc bàn gỗ phía sau. Trước mặt là ba chiếc ghế dài để đám trẻ ngồi học, ngó quanh chẳng nhìn thấy ai, tôi tiến lại gần kiểm tra, con Lan đi sau vừa kéo vạt áo vừa khuyên.
“Mợ ơi, tí nữa đến giờ học ở đây. Mợ đừng động vào, nghe nói thầy đồ này.” Con Lan chưa kịp nói xong câu, trên tay tôi vẫn đang cầm viên phấn bị mủn thì có tiếng vang lên.
“Đừng động vào đồ dạy học.”
Tôi quay về phía giọng nói, một chàng trẻ tuổi mặc áo dài đen, vẻ mặt nghiêm trang cùng que dài và sách trên tay bước đến, lông mày cau có nhìn viên phấn trên tay tôi nhắc nhở.
“Thưa cô, đây là đồ của tôi dạy học, mong cô đừng động vào.”
Tôi bỏ viên phấn xuống, nhìn người trước mặt khó hiểu, lướt qua cũng biết đây là thầy đồ trong làng nhưng từ lúc nào làng có người trẻ như vậy, ở làng Mỗ này, người duy nhất mà tôi biết là thầy Ban. Vì bản tính tò mò tôi hỏi thẳng.
“Thầy là người mới ở đây sao? Trước việc dạy đám trẻ trong làng là thầy Mo.”
“Đó là ba tôi.”
“Con trai thầy Mo.” Tôi nghĩ thầm, vẻ mặt không giấu được ngạc nhiên, nhìn kĩ mặt có nét giống thầy, hoá ra là người thân, tôi niềm nở giơ tay chào hỏi.
“Thầy Mo là thầy dạy tôi hồi nhỏ, không biết dạo này thầy.”
Chưa nói xong câu, chàng trai trước mặt đã đi qua tôi, lơ lời tôi nói và dọn dẹp đồ chuẩn bị cho lớp học.
“Xin lỗi cô, lớp của tôi sắp bắt đầu, cô có thể rời đi để các em có thể vào lớp không?”
Thẳng thắn, đây là người đầu tiên dám ngắt lời tôi, thở ra một tiếng đầy bực tức, tôi đành đứng tránh sang một bên, nhường đường cho đám trẻ con vào ngồi. Chúng nó nhìn thấy tôi đều vẫy tay chào vì trong làng ai cũng biết con gái nhà ông Phú Lê, vậy mà anh chàng này không biết tôi là ai sao?
“Mợ ơi, mình về thôi, ở đây làm phiền thầy thì không hay đâu!” Con Lan kéo tôi ra khỏi khu đất trống, vừa đi vừa ngoảnh đầu nhìn lại, tôi sẽ ghi nhớ bản mặt của anh chàng này để nói chuyện với áng.
Suốt ngày đi la cà khắp nơi, người nào tôi cũng nhớ mặt, chàng trai kia lần đầu tôi thấy, vẫn bực cách hắn nói chuyện, tôi quay sang nhìn con Lan hỏi.
“Này, tên đấy mới về đây phải không? Thầy Mo có con trai từ lúc nào sao ta không biết.”
“Dạ, bẩm mợ, có từ lâu rồi ạ.” Con Lan đáp, “Thầy Mo đến tuổi tứ tuần mới có một mụn, nghe nói đến tuổi ăn học thì cho vào Nội thành theo học, sau này mới cho về đây nên có lẽ mợ không biết.”
“Ở đấy sướng biết bao, sao phải về vùng quê này chi cho cực!” Tôi nhận xét, tầm tuổi tứ tuần thì ngang áng nạ có tôi, vậy thì anh chàng đấy cũng bằng hoặc lớn hơn tôi vài tuổi vì mặt trong có vẻ già.
“Con cũng không rõ, thấy bảo Nội thành không hợp sau khi làm việc nơi thầy Mo từng làm rồi xin mãi mới được thầy cho về đây nối nghiệp thầy dạy chữ.” Con Lan kể hết cho tôi nghe những gì nó đi nghe ngóng được, mấy chuyện đồn đại trong làng gần như nó biết hết, chỉ cần tôi hỏi thì ít nhiều nó sẽ có chút thông tin.
Tôi gật gù nghe, tâm trí bỗng chốc trở về với hình ảnh thầy đồ trẻ. Nghĩ kỹ, đây là một người có vẻ ngoài sáng lạn, khuôn mặt góc cạnh, sống mũi cao. Đầu mũi tuy hơi thô nhưng lại hợp đến lạ kỳ. Đôi lông mày rậm, và đặc biệt, đôi mắt nâu dài sâu thẳm đầy cuốn hút. Thú thật, tôi cũng không khỏi bị thu hút bởi thầy.
Rong ruổi khắp làng cũng đến tầm giờ trưa, áng nạ nhà tôi đã ngồi sẵn chờ tôi về ăn cơm. Vẫn là những lời ca quen thuộc của nạ khi thấy tôi đi lang thang suốt ngày về nhà vào giờ cơm nước.
“Nạ mắng nhiều con cũng quen rồi, một ngày con không nghe thì con không chịu được.” Tôi giọng trêu đùa, mắt cười híp lại phản ứng.
“Con đúng là chẳng bao giờ chịu nghe lời.”
“Ta nhìn con có vẻ có chuyện gì vui, cười suốt từ lúc vào nhà, kể cho thầy nghe coi.” Áng tôi ngồi cạnh hỏi.
Tôi lắc đầu, dưng dửng đáp.
“Rồi thầy sẽ biết thôi ạ, con phải giữ bí mật.”
Chiều tối, khi mặt trời nhuộm đỏ góc trời, hạ mình xuống sau rạng núi cao và tiếng chuông chùa vang lên, tôi biết đó là lúc ba thằng sẽ đẩy xe gạo đến nhà tôi.
Chờ sẵn ngoài cổng cùng thằng Vệ, mãi không thấy người đâu, tôi sốt ruột mà đi đi lại lại.
“Dạ bẩm mợ, mợ yên tâm, bọn nó khác đến, con nhìn thấy thằng Sửu ôm mặt tím đến nhà ông Bản rồi ạ.”
Tôi có sai thằng Vệ theo dõi, dặn nó kĩ phải nhìn thấy thằng Sửu lết người đến nhà ông Bản mới được quay về. Nhưng thằng Vệ nó nói kiểu gì vẫn làm tôi lo dù tôi biết nó không nói dối, chỉ sợ ba thằng kia nó lại làm gì vớ vẩn.
“Mợ ơi, bọn nó đến rồi.”
Tôi nhìn về phía thằng Vệ chỉ tay, đúng là tụi nó.
Thằng Xưa và thằng Tí kéo xe bò chở đầy gạo đến trước cổng, thấy tôi thì cúi người chào.
“Mợ ơi, tụi con mang gạo đến trả ạ.”
“Tốt lắm, mang vào trong đi.” Tôi hất cằm chỉ vào trong.
Áng nhà tôi lúc này còn đang chăm cây tưới hoa, thấy xe chở gạo thì dừng việc, mặt ngơ ngác.
“Đây là gì?”
“Dạ bẩm ông, đây là….” Thằng Tí sợ bị chửi đánh, nó run như cầy sấy, giữ chặt thanh gỗ kéo xe không dám mở miệng.
Tôi ở đằng sau, nói hộ nó.
“Gạo nhà mình đó thầy, con giấu thầy chuyện này lúc trưa để thầy vui đấy.”
“Úi dồi ôi, gạo của thầy, gạo của ông lấy lại được rồi sao?” Áng tôi mừng rỡ, vỗ tay phấn khích chạy lại kiểm tra từng bao gạo một, “Gạo của ông, gạo của ông thật rồi.”
Áng tôi gọi người đẩy gạo vào kho, còn tôi thì giữ đúng lời hứa, thưởng cho mỗi thằng túi gạo mang về nấu, cảnh cáo lần cuối.
“Lần sau mà làm mấy chuyện này nữa, kiểu gì ta cũng đánh tụi mày nhừ tử, rõ chưa?”
“Dạ, bẩm mợ, tụi con không dám lần sau nữa đâu ạ.”
Bình luận
Chưa có bình luận