03. Những ngày mắc dịch!


Sinh hoạt chung trong xóm của tôi tưởng chừng chẳng có gì thay đổi cho đến một ngày nọ, tôi nghe tiếng hàng rào sắt bị kéo xềnh xệch trên mặt đường. Khi âm thanh nặng nề đó vừa dứt, hàng rào đã yên vị, không khí trong xóm bỗng hoang mang trầm lắng và buồn tẻ một cách kì cục. Giống như trong mấy bộ phim truyền hình mà người ta hay chiếu trên tivi, một nhân vật nào đó đi lạc vào trong mật thất, rồi bị cánh cổng sắt đóng sầm lại sau lưng, mọi nhộn nhạo liền bị cách li bên ngoài cánh cổng, chỉ còn lại mỗi tiếng động của không khí trong phòng. Xóm tôi lúc ấy cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế. Khác là ở trong phim thì chỉ có một hay cùng lắm là vài nhân vật bị nhốt, còn ở đây là nguyên cả xóm, gần mấy chục nóc gia, thế nên xét cho cùng thì tôi thấy cũng không có gì gọi là đáng buồn cho lắm.


Tôi cũng chẳng rõ tại sao người ta lại phong toả xóm chúng tôi, cho đến khi nghe dì Bảy nói với cậu chủ rằng họ đã tìm thấy ở trong xóm một ca bị mắc bệnh truyền nhiễm. Đó là một chủng virus mà các nhà khoa học vừa phát hiện. Người ta cho rằng con virus này có nguồn gốc từ loài dơi và có khả năng lây nhiễm cao, rất dễ dẫn đến tử vong ở loài người. Và đến thời điểm các nhà khoa học cảnh báo về sự nguy hiểm của con virus này, thế giới vẫn chưa có một biện pháp phòng ngừa và chữa trị cụ thể nào cả. Thế nên giải pháp tối ưu nhất vào lúc đó chính là cần phải cách li những khu vực nghi ngờ để hạn chế lây lan. Và xóm tôi đã thuộc vào diện bị tình nghi đó khi người ta phát hiện trong xóm có người mang những dấu hiệu của con virus ấy.


“Dơi à? Bọn chúng trông như thế nào nhỉ?” Chắc là một loài có cánh nào đó. Chỉ có bọn có cánh mới có khả năng truyền bệnh cho nhiều người, vì bọn chúng có thể tự do bay khắp mọi nơi. Và vì bọ chúng có thể lây bệnh cho con người nên chắc trông chúng cũng chẳng đẹp đẽ gì. Bọn ác thì luôn xấu kia mà. Tôi nghĩ vậy. Mà thôi dẹp chuyện đó đi, đằng nào thì tôi cũng chả biết mặt mũi bọn chúng. Nhưng mà tôi dám cá, dơi là một loài động vật, tôi cũng vậy, thế nên tôi cũng chả ngán bọn này. Chỉ có loài người, họ đã khám phá ra biết bao nhiêu điều, cho nên họ mới sợ những điều mà họ chưa biết. Chúng tôi sống đơn giản hơn con người nhiều!


Thời điểm đó, tôi cảm nhận rất rõ không khí đang keo lại trong xóm. Bầu không khí sánh và trì xuống này cộng với những ngày hè oi bức, khiến tôi thấy thương cho loài người. Chắc họ đang khó thở dữ lắm.


Tôi thì vô tư. Với tôi, những ngày này lại khiến tôi cảm thấy dễ chịu. 


Người lớn lo sợ ru rú trong nhà làm đám con nít không còn cơ hội ra đường chơi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, chúng cũng không còn dịp để quấy rầy tôi vào mỗi buổi chiều. Không còn tiếng dép trêu ngươi xẹt qua xẹt lại trước mặt của hai anh em Coca và Pepsi. À, nhưng âm thanh kinh dị của con “Thuốc lào” vẫn còn. Vẫn là tiếng khóc ré như muốn thổi tung cả khu phố của nó, nhưng lạ thay, lần này tiếng khóc lại khiến tôi thấy thích thú. Nói đúng hơn là tôi thấy hả hê. Đó là vào một buổi sáng nọ, vào buổi học trực tuyến, con “Thuốc lào” không thuộc bài, nó bị cô giáo mắng vốn với má nó, nên má nó đã nện cho nó một trận như tương. Nó không được thả ra đường vui chơi hò hét nhưng nó vẫn bị chổi lông gà của má nó tét vào mông. Thích thú, thích thú, thích thú. Ba lần thích thú tức là hả hê rồi còn gì. Nếu có ai nhìn  tôi vào lúc đó chắc sẽ thấy khuôn mặt của tôi giống như đang cười, đôi mắt tôi sẽ híp lại một chút, cái đuôi thì nhẹ nhàng phe phẩy, và hai bàn tay của tôi sẽ nhịp nhịp bên thềm. Tôi thấy đời mình thật thong dong. Những điều tôi ghét bị trừng trị xứng đáng, đó chẳng phải là ý nghĩa của cuộc sống còn gì!


Tôi ước gì tình cảnh khi ấy cứ kéo dài mãi. Nhưng không may, chỉ sau vài tuần thì hàng rào sắt được người ta tháo dỡ. Sinh khí ở bên ngoài thừa cơ tràn đầy vào tróng xóm. Luồng dưỡng khí này nhanh chóng chui vào mọi ngóc ngách, xông vào từng nhà và bơm vào phổi của từng người, khiến những người lớn và cả đám con nít trong cái hẻm nhỏ hân hoan khác lạ. Và để giải toả áp lực của nguồn năng lượng mới, người ta bắt đầu tháo van cho nó xì bớt bằng cách thi nhau túa ra khỏi nhà để ăn mừng, họ nhảy nhót và reo hò, còn hơn đội tuyển Việt Nam vô địch Worldcup. Tôi cũng góp giọng sủa cùng. Người lớn trong khu lao động này cũng giống như mấy đứa nhỏ, họ không phân biệt được giọng sủa khi một chú chó hoảng hồn vì cơn ồn ào thình lình bật dậy với giọng sủa của niềm vui hân hoan vui sướng. Với họ, sủa chỉ đơn giản là sủa. Và trong tình cảnh đó, tôi sủa tức là tôi đang ăn mừng.


Thế nhưng niềm vui đó của họ cũng như nỗi thất vọng vì không khí yên ả bị phá tan ấy của tôi cũng không kéo dài quá lâu. Chỉ ba ngày sau khi xóm tôi được gỡ cách li, thành phố chính thức bị phong toả. Đúng vậy. Lần này không phải chỉ là cách li vài khu xóm lẻ tẻ mà là chính thức phong toả toàn thành.


Để thay thế cho hàng rào sắt nặng nề lúc trước, lần này người ta chỉ căng một sợi dây trắng có sọc đỏ ngang qua đầu hẻm. Sợi dây mỏng manh đó nhưng đủ sức làm cho mọi người ở yên trong nhà. Một lần nữa, sụ thoải mái trở lại với tôi. Tôi thấy thật may mắn cho những cư dân của xóm tôi, vì họ đã được luyện tập sự cô lập từ vài tuần trước, chắc vì vậy nên mọi người cũng chỉ hụt hẫng đôi chút rồi đâu lại vào đó. Nhà tôi còn may mắn hơn. Vì ở khoảng giữa ba ngày, trước khi thành phố bị phong toả và sau khi xóm tôi được tháo hàng rào cách li, cậu chủ của tôi đã kịp tích trữ một lượng kha khá lương thực. Vậy là chúng tôi cũng không lo lắm về khoảng ăn uống trong tương lai, khi mà mọi hoạt động của thành phố đều đang ngưng trệ. Thành phố lúc này như dần ngừng thở.


Tôi chính là người cảm nhận rõ ràng nhất về sự luân chuyển của luồng không khí. Tôi ước gì loài người cũng có được khả năng nhận biết này như chúng tôi, để thấy rằng chỉ cần mọi người chịu ở yên trong nhà, ít ra ngoài và hạn chế ồn ào, mọi thứ sẽ dễ chịu hẳn. Không khí bắt đầu sạch hơn vì lượng carbon thải ra ít lại, cây cối trông cũng xanh mướt hơn vì không có lớp bụi phủ lên lá, trời trong và cao hơn, khiến những đám mây nhìn thanh thoát hẳn. Quan trọng nhất là không gian sống xung quanh không còn oi ả nữa. Mặc dù tôi đang ở giữa những ngày hè nóng bỏng nhưng tôi chẳng thấy nóng một chút nào.


Tôi phải kể lể dông dài những điều này ra đây vì có thể nhiều người sẽ không biết, những ngày tháng mắc dịch này lại rơi đúng vào quá trình hình thành tính cách của tôi. Với loài người hay loài chó, quá trình hình thành tính cách sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định hành vi của chúng ta sau nay. Ở loài chó chúng tôi, nó gồm hai giai đoạn chính. Giai đoạn cơ bản sẽ diễn ra trong vòng ba đến mười hai tuần đầu tiên. Giai đoạn định hình tính cách sẽ diễn ra từ ba đến sáu tháng tiếp theo.


Một điều chung nhất ở cả hai giai đoạn này chính là sự học hỏi. Ở giai đoạn cơ bản, tôi sẽ được học hỏi cùng với mẹ và các anh chị em trong đàn. Nếu như mất đi sự học hỏi ban sơ này, một vài kĩ năng trong tương lai của tôi cũng sẽ bị mai một theo. Ở vào giai đoạn định hình, tôi cần học hỏi qua sự giao tiếp xã hội, ở cả với những con chó khác và với loài người, để biết cách phục tùng và nghe lệnh. Nhưng thật không may cho tôi, tôi đã trải qua cả hai giai đoạn đó trong sự cách li của hàng rào sắt và sợi dây chắn, thứ mà tôi đang vui vẻ tận hưởng, trong khi con người lại đang khốn khổ vật lộn với những lo lắng muộn phiền.


Sự trái ngang đó cũng chính là lí do về sau này, tôi có những hành vi thật khác với những con chó khác. Nhưng đó là chuyện của sau này, tôi sẽ lần lượt kể cho các bạn nghe. Còn bây giờ tôi muốn nói rằng, tôi thấy vô cùng thoải mái với tình cảnh hiện tại. Tôi bắt đầu hưởng thụ sự êm đềm, trật tự, và nhất là không có những tiếng ồn ào bất chợt rú lên khiến tôi hoảng hồn. 


Nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn đạo đức của loài người, thì những điều tôi vừa kể thật là phản cảm. Trong những lúc ngặt nghèo như thế này, người ta vẫn muốn tất thảy phải cùng đau một nỗi đau chung, vui chung với cùng một chiến tích. Không thể nào có chuyện “tôi thấy thoải mái” giữa khung cảnh hàng triệu người bị mắc kẹt trong một đại thị trấn, thiếu ăn, thiếu tiền, mất việc làm và đang tranh nhau đớp từng nguồn dưỡng khí để sinh tồn.


Nhưng đó là câu chuyện của loài người. Nó không thể nào áp dụng cho tư duy của loài chó chúng tôi. Tôi cần hàng triệu năm nữa, có khi hàng trăm triệu năm hoặc cả tỷ năm nữa để tiến hoá đến mức “văn minh” và có những “suy nghĩ” ấy như họ. Suy cho cùng, tôi vẫn đang là một con chó, việc quái gì tôi phải quan tâm đến đạo đức. Bạn thử bắt loài người sống như một con chó xem, liệu người ta có trút bỏ lớp áo đạo đức đi để tồn tại hay không? Đạo đức của một con chó ư? Nghe thật mắc cười!



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout