Cũng đã từ lâu rồi, lâu đến mức tôi không nhớ là ai đã nói, nhưng tôi từng nghe có người bảo mỗi người mà ta gặp được trên đời đều là duyên phận do trời sắp đặt. Tôi chẳng rõ có phải là trời sắp đặt hay không, nhưng tôi biết gặp được anh chính là may mắn mả tôi gom góp cả đời này.
Tôi gặp anh năm sau tuổi, có lẽ lúc ấy bánh răng cuộc đời chúng tôi đã khớp vào nhau. Tôi là Trần Hải Ninh, đúng rồi, là Ninh chứ không phải Linh. Bà tôi bảo tên Ninh nghe mạnh mẽ, mà bà muốn tôi lớn lên thật khỏe mạnh, tương lai rộng lớn bao la như đại dương. Phải, tên của tôi là do bà đặt, tôi do một tay bà nuôi nấng chăm sóc mà lớn lên, dù cho tôi chẳng phải ruột già máu mủ của bà. Mười ba năm trước, trong một ngày mưa lớn, bà nhặt được tôi bị bỏ lại ở một góc chợ với chiếc tã quấn mỏng tang, tiếng khóc lớn át đi cả tiếng mưa rào. Kể từ khi tôi bắt đầu có thể ghi nhớ bà đã kể cho tôi sự thật, không phải vì bà ghét bỏ gì tôi, bà mong sau này tôi có thể đi tìm cha mẹ ruột của mình. Bà bảo, bà tuổi đã cao, con cháu cũng chả có, lỡ may bà có qua đời thì tôi vẫn còn người thân trên đời. Bà cũng bảo, dù cho có chuyện gì đi nữa tôi vẫn mãi là đứa cháu yêu quý của bà. Thật ra ban đầu khi tôi nghe bà kể tôi đã khóc lâu lắm, tôi cứ như đứa trẻ đang ăn vạ mà lăn lóc dãy dụa, nhưng mà tôi không quan tâm người thân ruột thịt của mình lắm, dù sao thì tôi cũng có bà mà.
“Ninh ơi, nhặt rau hả em?”
Tôi ngừng tay lại, đặt quả đỗ còn đang ngắt dở xuống dưới đất, quay đầu về phía phát ra giọng nói. Trong lòng tôi mừng rỡ, không kìm được mà cười:
“Anh Tùng đi học về rồi ạ?”
“Ừ, anh về rồi. Anh còn có quà cho em đây.”
Bước chân của anh ngày càng gần, rồi trong tay tôi có một vật nho nhỏ. Tôi nắn nắn đồ trong tay, tiếng túi bóng vang lên sột soạt. Tôi nghe tiếng anh Tùng cười khẽ, anh lấy lại đồ trong tay tôi, bảo:
“Đây, há miệng!”
Tôi nghe lời há miệng ra chờ, có thứ gì đó tròn tròn được thả vào, hương đào ngọt ngào lan tỏa khắp miệng. Đây là kẹo đào mà tôi thích nhất. Tôi vui vẻ đảo qua đảo lại viên kẹo đào, nhặt lại quả đỗ lên định nhặt tiếp. Nhưng mà quả đỗ lại bị lấy đi, anh nhẹ giọng bảo:
“Nào, ngồi im đó, anh làm cho.”
Tôi chẳng chút khách sáo, phủi tay để phần còn lại cho anh làm, còn mình thì ngồi gục đầu lên đầu gối nghe anh kể chuyện. Giọng anh rất ấm, cứ đều đều nhẹ nhàng kể chuyện cho tôi nghe. Anh kể về con chó trắng nhà hàng xóm đã đẻ mấy con, kể về đám hoa bờ rào đã nở rộ, và kể về bầu trời cao xanh trong, cũng kể về một ngày đi học của anh, về bạn bè, về trường lớp. Tôi rất thích nghe anh kể chuyện, anh kể cho tôi những điều thú vị xung quanh cuộc sống này. Tôi vừa nghe anh kể vừa tưởng tượng về màu sắc của cuộc sống, phải rồi, tôi chẳng thể nhìn thấy gì, chỉ có thể từ lời anh mà mường tượng.
Bà tôi bảo tôi có một đôi mắt rất đẹp, rất sáng, vừa to vừa tròn. Nhưng năm tôi bốn tuổi, một tai nạn đã cướp đi ánh sáng của tôi, chỉ trong phút chốc cuộc đời tôi bị khoảng không vô tận bao phủ. Ban đầu tôi hoang mang không hiểu gì, sau đó hoảng sợ gào khóc, rồi phải tập làm quen với việc mất hết màu sắc, mất hết ánh sáng, vì dù cho tôi có khóc cỡ nào thì cũng chẳng làm mọi chuyện tốt lên được. Bà tôi lúc nào cũng kể chuyện cho tôi nghe, dịu dàng ôm tôi vào lòng an ủi nhưng cứ đến đêm là bà lại lén khóc, còn tôi chỉ có thể giả vờ không biết, nằm cuộn mình vờ ngủ. Còn may, bác sĩ nói tôi vẫn có thể lại lần nữa nhìn thấy nếu tìm thấy giác mạc phù hợp. Nhưng chín năm rồi vẫn chẳng tìm được, còn tôi thì đã quen với việc sống trong bóng tối vô hạn ấy.
Sau khi đã quen rồi thì cuộc sống cũng không mấy khó khăn, tôi học được cách tự làm những việc chăm sóc bản thân, cũng có thể làm ít việc nhà, còn có thể nấu mấy món ăn đơn giản. Khi đã làm quen rồi thì thật ra tôi không còn quan tâm mấy đến đôi mắt nữa, vì bà vẫn yêu tôi rất nhiều, anh Tùng cũng hay qua nhà giúp đỡ chúng tôi. Có lẽ tôi chẳng gặp mấy khó khăn, duy nhất chỉ có một việc, tôi không đi học.
Thật ra không phải bà không cho tôi đi học. Dù cho cuộc sống này đầy khó khăn vất vả, bà lớn tuổi cũng chẳng kiếm được mấy đồng, nhưng bà vẫn tích cóp chắt chiu từng đồng một để tôi cũng được biết đến cái chữ. Ban đầu tôi theo học ở một lớp học đặc biệt, nhưng áp lực tiền nong đè nặng lên đôi vai gầy khiến lưng bà tôi chẳng thể trụ nổi nên tôi lại quay về lớp học bình thường như bao người khác. Nhưng mà, bản thân tôi đầu óc không được tốt, cũng có thể do sự đặc biệt của bản thân nên tôi không thể nào làm quen được với trường lớp, tôi dù cố thế nào cũng không thể theo nổi chương trình học. Trên lớp tôi không có bạn, thi thoảng còn nghe thấy những tiếng xì xào bàn tán trêu trọc. Và dù cho cô giáo vẫn luôn kiên nhẫn chỉ tôi tận tình hơn, nhưng tôi vẫn chẳng thể hiểu nổi. Tôi nghĩ, nếu cứ tiếp tục đến trường như này thì chỉ tổ làm bà thêm vất vả, còn tôi lại chẳng học được gì. Vậy nên một buổi tối tôi đã xin bà cho tôi nghỉ học, tôi không muốn bà vất vả thêm nữa. Nhưng bà tôi lại khóc, bà túm lấy tay tôi vừa trách vừa bảo tôi phải học, chỉ học mới có thể khá lên. Tôi lại cố đi học thêm một năm nữa, nhưng áp lực và bị cô lập trong lớp khiến tôi cảm giác không thể thở được. Phải đến lúc anh Tùng giúp tôi thuyết phục bà, hứa với bà sẽ dạy tôi học thì bà mới miễn cưỡng đồng ý. Hoặc có lẽ, bà đã nghe chuyện của tôi trên trường rồi, nên buổi đêm tôi lại nghe thấy bà nấc khẽ.
Anh Tùng hơn tôi ba tuổi, bảy năm trước anh cùng mẹ chuyển đến sống ở ngôi nhà bỏ trống ngay cạnh nhà tôi. Nghe bà tôi kể, ngôi nhà ấy vốn là nhà của ông bà ngoại anh, hai người chỉ có duy nhất một người con gái, sau này con gái đi lấy chồng xa, ông bà cứ quẩn quanh sống với nhau, mãi cho đến khi hai người mất thì ngôi nhà ấy cứ thế bị bỏ lại. Bà tôi dặn tôi không được hỏi về bố của anh, vì bố anh là một gã bợm rượu, lúc nào cũng say khướt, ba người sống chung trong một căn nhà nhỏ, chỉ có mỗi mẹ anh đi làm, rồi bao tiền kiếm được ông ta lại lấy sạch đem mua rượu uống. Rồi những lần không còn tiền mua rượu, những lần say, những lần cãi nhau bực tức với bạn bè là bố anh lại về nhà đánh vợ đánh con. Hai người sống mỗi ngày đều nơm nớp lo sợ liệu hôm nay có phải ăn đòn thay cơm nữa hay không. Sau này vì không thể chịu nổi cảnh bạo hành gia đình nữa nên mẹ anh nhất quyết li hôn, sau đó hai người họ dọn về đây sống. Bà bảo tôi không được hỏi, không được nhắc, vì nếu tôi nói đến thì anh sẽ buồn.
Còn nhớ, ngày đầu hai người họ chuyển về đây có qua nhà tôi chào hỏi. Bà tôi bảo trên cánh tay, trên cổ, cứ nơi nào lộ ra của hai mẹ con anh đều đầy những vết bầm mới cũ chồng lên nhau, không biết những nơi được quần áo che đi còn bao nhiêu vết thương nữa. Mà mẹ anh, một người phụ nữ đơn thân phải nuôi con ăn học thì có bao nhiêu vất vả chứ? Bà đi sớm về khuya, nhận rất nhiều công việc để có thể nuôi anh đủ đầy, tuy vất vả nhưng cuộc sống tốt hơn trước nhiều. Nhưng cũng bởi vậy mà anh bị bỏ lại, lủi thủi sống một mình.
Có lẽ bởi vì anh là đứa trẻ hiểu chuyện, nhưng dù hiểu chuyện đến mức nào thì anh vẫn cứ là một đứa trẻ. Bà tôi thấy anh lúc nào cũng chỉ loanh quanh một mình, có những hôm đi học về, anh vẫn còn đeo nguyên cặp sách ngồi thất thần nhìn ra ngoài cổng, anh cứ ngồi như thế đến mấy tiếng đồng hồ. Rồi bà tôi thấy thương anh, cũng bởi nhà tôi chỉ có hai bà cháu nên đã ngỏ ý mời anh qua cùng ăn cơm tối. Từ đấy hầu hết thời gian trừ lúc đi học anh sẽ qua nhà tôi giúp tôi dọn dẹp, nấu ăn, và cả chỉ tôi học như anh đã hứa với bà.
Anh Tùng là người thông minh, nghe đồn anh học giỏi lắm, bà tôi cũng rất hay khen anh trước mặt tôi. Thấy bảo anh hay đi thi các cuộc thi lớn nhỏ ở trường, cuộc thi nào anh cũng đều giành giải. Rồi anh lại dùng phần thưởng của mình để mua quà cho tôi với bà. Mặc dù bà chưa bao giờ nhận nhưng tôi chắc chắn mình đã ăn không ít từ tiền thưởng của anh rồi.
Chẳng biết anh đã ngừng kể chuyện từ lúc nào, tôi nghe thấy tiếng chổi loạt xoạt, chắc là anh hót mấy cuống đỗ vào hót rác, chắc là anh nhặt đỗ xong rồi. Tôi lắng tai nghe tiếng bước chân anh ra mở cửa vườn, hắt nắm cuống đỗ ra cho gà nhặt, rồi lại nghe tiếng bước chân anh tới gần. Tôi cười, đòi hỏi:
“Anh Tùng, em muốn ăn đỗ xào.”
“Được thôi.”
Tôi cảm nhận bàn tay anh đặt lên đầu tôi rồi xoa rối tóc tôi. Tôi nhíu mày, chống nạnh hướng về phía anh:
“Anh chưa rửa tay mà đã sờ đầu em rồi.”
Tôi nghe thấy anh cười lớn, tức mình tôi khua tay về phía anh muốn đánh anh một cái, nhưng hình như anh né được. Anh lại càng cười lớn hơn, rồi tôi nghe thấy tiếng bước chân anh chạy mất.
Chờ cho tiếng chân anh đi xa, đoán chừng anh đã vào bếp tôi mới ngồi thụp xuống, rúc đầu vào giữa hai đầu gối, tự mình lắng nghe tiếng tim đang đập loạn. Thật ra tôi có một bí mật nho nhỏ, bí mật mà tôi không dám để cho ai biết. Thật ra tôi rất thích anh, thích Nguyễn Duy Tùng, thích anh trai hàng xóm lúc nào cũng dịu dàng và ấm áp của tôi.
Bình luận
Chưa có bình luận