Thằng bé sau hôm đó đã trở thành một vị khách quen nơi cửa hàng nhỏ của tôi, môi khi tiếng chuông cửa khẽ ngân lên thật nhẹ, hòa cùng thanh âm của những con chim sẻ lúc sáng sớm, “thật là một chiếc chuông báo kì lạ” - tôi thầm nghĩ, cố tìm xem người nghệ sĩ nhỏ của tôi đang trốn ở nơi nào. Có lúc thằng bé sẽ ngắm nghía những chiếc ngựa gỗ mới toanh được trưng bày trước cửa hàng – thứ mà tôi vừa nhập về, hoặc cố chạm thử vào mấy chiếc bình thủy tinh chứa những con thuyền nhỏ trong đó, thứ mà lúc còn trẻ tôi sẽ nghĩ là thực chất trong đó cũng chứa cả những người thủy thủ nhỏ nhắn nhưng dũng mãnh, đang chèo lái chiếc thuyền để thoát khỏi số phận bị con quái vật hung bạo – là tôi – nhấn chìm con thuyền.
- Nếu cháu không nhanh lên thì hôm nay ta sẽ không dạy cháu đánh đàn nữa đâu.
- Ớ đợi cháu đã.
Cậu bé vội vã chạy ra sau vườn, nơi tôi đang lên dây sẵn cho cây đàn mà tôi chuẩn bị cho buổi học hôm nay, và hình như đâu đó tôi cũng nghe được tiếng thầm cảm ơn từ những người thủy thủ nhỏ từ chiếc bình kì lạ kia.
- Hôm nay ta sẽ bắt đầu đàn bài đầu tiên nhé.
Nghe được câu đó, cậu bé nhìn tôi với ánh mắt trông đợi.
- Ta sẽ đàn bài gì ạ?
- Chúng ta sẽ bắt đầu với “Mùa thu địa đàng.”
Cậu bé nghe xong liền không giấu khỏi vẻ phấn khích, tôi cố chỉnh cho giá đỡ có thể cao bằng người nghệ sĩ nhỏ này. Nhìn lại cây đàn gỗ lim mà bà nội tôi để lại, một người bạn già cũng đã đồng hành cùng tôi suốt bao nhiêu năm tháng, giờ lại sẵn sàng để có thể được vang lên tiếng ca của một thời đại mới cùng thế hệ tiếp theo, một “Mùa thu địa đàng” mới, một giai điệu mới, và một người nghệ sĩ mới.
Bên ngoài, dường như, hòa cùng với tiếng đàn của tiếc nuối đã cũ, những đóa hướng dương đã góp hương mình vào bức họa đồ của khu vườn cùng với những cánh bướm xiết bao đau thương, tiễn bước những người đi trước. Và dường như, vẫn đang tiếp tục chuyển mùa, …
Bình luận
Chưa có bình luận