Cha già uống rượu nhớ con
Bạn cũ uống rượu lòng bồn chồn lo
Việc gì rồi cũng đến hồi kết, đã đến lúc đưa linh cữu Thanh Xuyên hầu ra đồng. Đoàn người đưa tang nối đuôi nhau trên con đường làng đầy bụi đất. Long Cơ đi đầu, bưng bài vị chồng trên tay thay cho con trai còn nhỏ. Con trai nàng được để lại nhà cho cô ruột là Quỳnh Như chăm nom, vì e rằng nơi nghĩa địa âm khí quá nặng không phù hợp với cả trẻ thơ lẫn con gái chưa chồng.
Sư ông Phổ Chiêu cũng đi theo đoàn người. Lần này chàng (phải, từ giờ chúng ta sẽ gọi là chàng, vì xét cho cùng chàng cũng chỉ giả đò làm sư mà thôi) đến dự tang với danh nghĩa là pháp sư được một người bạn của Thanh Xuyên hầu nhờ vả tới tụng kinh siêu độ. Nhưng thật ra, lá thư chàng nhận được ở chùa Tiêu Sơn chính là lá thư báo tin người bạn, người đồng chí của chàng đã bị hại và đang được đưa về nguyên quán. Phổ Chiêu không thể nén được nỗi thương tâm nên vội bôn ba dặm đường tới làng Thanh Nê mà dự tang bạn.
Khi nghe chàng trình bày ngay trước đám tang, Kiến Xuyên hầu chỉ hơi thoáng kinh ngạc rồi cũng không hỏi han ngờ vực gì cả. Không biết là do ông ấy thật sự không nghi ngờ hay là đang đau đớn vì mất con nên mới cho qua. Nhưng dù sao, chàng cũng đã được thỏa lòng mong ước là được quỳ trước linh đường mà tụng kinh, hay đúng hơn là tụng niệm những lời thề nguyền sắt son rằng sẽ trả thù cho bạn.
Quan tài đã hạ thổ. Những xẻng đất đã lấp lên người bạn, người đồng chí ấy. Đăng Thụ đã vĩnh viễn về với đất mẹ, bỏ lại sau lưng cha mẹ già, vợ con thơ và người em gái non trẻ. Nấm đất dần thành hình, hương khói dần mù mịt, người người cũng dần dần tản mát, chỉ còn lại thân nhân gần gũi của người quá cố.
Chừng như ngạc nhiên vì vị pháp sư tới siêu độ cho con trai mình vẫn chưa rời khỏi, mà cứ đứng đó chăm chăm nhìn nấm mồ mới đắp với sự đau thương hiển hiện trên nét mặt, Kiến Xuyên hầu khẽ bảo vợ và con dâu về trước rồi chậm rãi bước lại gần.
“Sư ông có quen với đứa con trai bất hiếu của lão phu hay sao mà lại tỏ nỗi đau lòng vì nó đến thế?”
Phổ Chiêu giật mình, vội vã thu lại nét mặt đau đớn để trả lời.
“Bẩm cụ lớn, bần tăng có duyên gặp gỡ quan trấn đôi ba bận, cảm phục cái tài văn chương của quan trấn vô cùng. Phật dạy có duyên ắt có nguyên nhân cả, nên bần tăng không khỏi thương cảm khi quan lớn thất lộc.”
Kiến Xuyên hầu vuốt chòm râu bắt đầu chớm bạc, nở một nụ cười hiếm hoi sau mấy ngày lo tang lễ.
“Nghe giọng sư ông, hẳn sư ông cũng từng là con nhà nho giáo?”
“Dám bẩm cụ lớn, quả có vậy. Đời đời nhà bần tăng theo nho giáo, nay gặp phải thời loạn lạc, gia cảnh sa sút, nên mới cho bần tăng xuất gia ăn mày cửa Phật từ nhỏ. Nhờ ơn sư tổ chỉ bảo bấy nay nên bần tăng cũng võ vẽ ít nhiều chữ nghĩa.”
Phổ Chiêu không chút ngập ngừng trả lời. Những điều này chàng đã chuẩn bị trong đầu sẵn trên đường đi đề phòng người nhà Thanh Xuyên hầu hỏi tới.
Kiến Xuyên hầu gật gù ngâm nga:
“Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,Xếp bút nghiên theo việc đao cung.”[1]
Rồi ông hỏi tiếp.
“Chẳng biết sư ông có phải giòng hào kiệt hay chăng? Nhưng thân làm trai gặp thời loạn lạc mà lại xếp bút nghiên theo việc kinh kệ thì e là hơi tầm thường… Sư ông thấy sao?”
Kiến Xuyên hầu vốn chuộng người tài, trong lòng lại đang vắng vẻ vì mất con, nên chỉ mong có người ở bên bầu bạn hỏi han về đứa con trai khi còn sống. Vị sư ông này dáng vẻ không giống các bậc thanh tu, mà giống những kẻ hùng tâm tráng chí đang phải ẩn náu chờ thời, như một con báo gấm phải ẩn mình dưới lốt mèo nhà ngoan ngoãn. Lại thêm người này quen với con của ông, mà con ông tuy làm quan triều Tây Sơn nhưng thực chất có thể coi là một kẻ bề tôi trung thành của nhà Lê mà mưu toan khởi nghĩa. Ai không hiểu, không lẽ ông không hiểu con trai mình có thể giao du trò chuyện với kiểu người nào. Nếu ông đoán đúng, hẳn người này cũng là một tráng sĩ đội lốt thày tu cho qua cơn nguy cấp mà thôi. Và nếu thế, không còn gì mừng hơn là có một người thanh niên trẻ tuổi để giúp ông nguôi ngoai nỗi buồn nhớ con cả.
Phổ Chiêu sững sờ. Kiến Xuyên hầu chẳng lẽ đã nghi ngờ gì sao? Liệu ông ta ở phe nào, phe hùa theo triều đình mới hay phe vẫn còn lưu luyến với nhà Lê? Thanh Xuyên hầu bạn của chàng chưa bao giờ nhắc tới chuyện đó. Ý ông ta là gì ? Ông ta đã nhận ra chàng nhờ vào mớ cáo thị truy nã vẽ không hề giống chút nào kia ư? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu chàng khiến chàng không thể cất lời. Mà may thay, Kiến Xuyên hầu cũng không gặng hỏi gì thêm nữa. Hai người cứ thế cùng sóng bước về lại Hầu phủ.
Tới cánh cổng bằng gỗ lim chạm trổ tứ quý giờ đang khép hờ, thay vì đẩy cửa bước vào, Kiến Xuyên hầu bỗng quay lại hỏi Phổ Chiêu. “Sư ông đã có dự định gì chưa ? Nếu chưa, liệu có thể nán lại tệ xá tụng kinh nốt bảy bảy bốn chín ngày cho đứa con vắn số của lão phu được chứ?”
Còn chưa kịp trả lời, đôi cánh cửa bằng gỗ lim chắc chắn bỗng được mở ra, Kiến Xuyên phu nhân với gương mặt mệt mỏi xuất hiện. “Ông ơi, cái Như nói chị dâu nó vẫn chưa về. Vừa xong con bé bảo tôi muốn về trước vì cảm giác như thằng cu bị đói kia mà… Tôi tìm khắp phủ rồi mà không thấy…”
Kiến Xuyên hầu sửng sốt, rồi chừng như nghĩ tới điều gì, ông tái mặt gọi với vào trong. “Bây đâu, mau chạy ra ngoài nghĩa địa tìm mợ Cả, nhanh lên kẻo nhỡ có việc gì…”
Phổ Chiêu vội lên tiếng. “Bẩm cụ lớn, để bần tăng ra đó trước xem sao, có gì còn khuyên nhủ quan bà…”
“Vâng vậy thì trăm sự nhờ sư ông… Chứ cháu tôi còn bé quá, nhỡ mẹ nó có mệnh hệ gì…” Kiến Xuyên phu nhân chừng như thấy chàng là một vị cao tăng đức cao vọng trọng nên cũng tin tưởng mà nhờ cậy.
…
Phổ Chiêu thở phào vì thoát khỏi sự thăm hỏi có phần dò xét của Kiến Xuyên hầu, đồng thời cũng nóng ruột vì không muốn người vợ yêu của bạn mình nghĩ quẩn mà làm việc dại dột. Thế là chàng vội vén vạt áo nâu sồng chạy vội ra ngoài nghĩa địa bên rìa làng. Vừa chạy chàng vừa cầu trời khấn Phật cho điều họ đang lo sợ không thành sự thật.
Nhưng ôi thôi, phàm là sợ hãi điều gì tất điều đó sẽ tới. Vừa tới gần nấm mồ mới đắp, Phổ Chiêu đã nhìn thấy một bóng áo xô trắng lơ lửng trên cây xoan đào gần đó. Thầm than trong lòng, chàng vội vã chạy lại nâng chân Long Cơ lên. Còn đang luống cuống chưa biết làm sao, mấy anh đầy tớ trong phủ họ Trương cũng đã kịp chạy tới, ai nấy hoảng hốt vì khung cảnh trước mặt. Thế rồi người thì trèo lên cây cắt dây, người thì chạy về nhà bẩm báo, người thì chạy đi tìm ông lang trong làng.
Đỡ được Long Cơ xuống rồi, Phổ Chiêu thăm dò thấy nàng vẫn còn thoi thóp thở mới dám thở hắt ra nhẹ nhõm.
…
Tối hôm ấy, khi tỉnh lại Long Cơ gào khóc vang trời dậy đất. Trương Quỳnh Như an ủi chị dâu không được mà cũng gục xuống khóc theo. Vợ chồng Kiến Xuyên hầu cũng rơi lệ đau lòng.
Trong tình cảnh ấy, Phổ Chiêu cũng chẳng có lòng dạ nào mà rời đi. Chàng đành ở lại Trương phủ, tiếng là để cầu siêu cho đủ thất tuần, nhưng phần nhiều lại là để khuyên nhủ người nhà Thanh Xuyên hầu.
…
“Sư ông, sư ông đi đâu đấy? Có rảnh không qua đây ngồi với lão phu một chốc.”
Kiến Xuyên hầu ngồi bên bộ bàn ghế bằng mây đan khéo léo đặt giữa vườn cây cảnh, nhác thấy bóng áo nâu vừa nháng lên, lập tức lên tiếng.
“Bần tăng xin vâng…” Phổ Chiêu không có cách nào chối từ đành ngồi xuống. Đến đây đã ba ngày, ngoài giờ cầu siêu ra chàng chỉ biết đi ra đi vào, thi thoảng hầu chuyện cụ lớn nhưng phần lớn là chàng cố tránh mặt để khỏi bị hỏi han như lần trước. Có điều lần này xem ra Kiến Xuyên hầu đã có chuẩn bị trước cả rồi.
“Sư ông không ngại bồi lão phu vài chén chứ?
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu. [2]
Đứa con trai của lão phu bất hiếu không còn hầu nổi rượu cha nó nữa. Còn ai sẽ cùng lão tiêu vạn nỗi sầu nữa đây… Sư ông, vẫn biết sư ông giới tửu giới sắc, nhưng trông dáng vẻ sư ông không phải phường phàm phu tục tử chỉ biết theo lề theo thói đầy cứng nhắc. Vậy sư ông có thể giúp lão một hôm nay, vi phạm giới tửu để an ủi cái thân già mất con không người hầu rượu nữa hay không?”
Bàn tay Kiến Xuyên hầu còn gân guốc lắm, còn vững chãi lắm khi đỡ người bạn già đi trong đám tang người con trai quá cố. Vậy mà giờ đây bàn tay ấy đang run rẩy cầm bầu rượu mà rót ra hai chén hột mít [3] trên chiếc bàn bằng mây. Ánh rượu sóng sánh, hương rượu sực nức, cái thứ rượu Thanh mai [4] ủ ở ấp Vạn Mai của Bắc thành [5], theo cách mà thượng tướng Trần Khát Chân [6] thời xưa đã chế biến, khiến người ta chưa uống đã say, càng say càng tỉnh.
Trong nhà bỗng vang lên tiếng xột xoạt, hai người một già một trẻ cùng đánh mắt về phía gian nhà, vừa kịp nhìn thấy một bóng áo trắng thướt tha lánh khỏi khung cửa sổ. Đó, là khuê phòng của Trương Quỳnh Như. Phổ Chiêu vội vã lảng quay sang chỗ khác, dù ánh mắt vẫn còn lưu luyến khung cửa ấy. Ba ngày ở đây chàng mới chỉ thoáng thấy bóng người con gái mà Thanh Xuyên hầu luôn nhắc tới với giọng âu yếm nuông chiều. Tuy mới chỉ nhìn qua gương mặt nàng ẩn sau lần khăn xô để tang anh trai, nhưng cũng đã đủ khiến trái tim người tráng sĩ ẩn sau lớp áo nâu sồng lỗi nhịp. Giờ chàng đã có thể gắn gương mặt ấy lên hình hài người con gái tài hoa trong trí tưởng tượng của chàng sau mỗi lần nghe Đăng Thụ kể chuyện. Và chàng đã hiểu trong lòng mình đã in đậm bóng hình của nàng từ lâu, dù chỉ qua lời kể xen lẫn chọc ghẹo của bạn mình.
Những biểu hiện trong ánh mắt Phổ Chiêu không thoát được ánh mắt tinh tường của Kiến Xuyên hầu, nhưng ông cũng không nói gì cả. Bỗng dưng ông lên tiếng.
“Sư ông có nói mình dòng dõi nho gia, chẳng hay sư ông có từng nghe tên Thạch Trung hầu Phạm Đạt vốn quan Nội sai trong phủ Tĩnh Đô vương hay chăng?”
Phổ Chiêu giật thót mình, thầm hoảng hốt. Tại sao Kiến Xuyên hầu tự dưng lại nhắc đến cha chàng? Cha chàng vốn đã bị coi là phường nghịch đảng không được nhắc tới kia mà? Ông ta định thử chàng sao? Ông ta quả thật đã nhận ra chàng sao? Ông ta ở phe nào đây? Ông ta sẽ báo quan bắt chàng ư? Chừng như sự nghi ngờ của mình đã được vẻ kinh hoàng trên mặt chàng chứng thực, hầu khẽ mỉm cười nói tiếp.
“Cháu có gương mặt của mẹ và ánh mắt cương nghị của cha, làm sao lão phu không nhận ra cháu được? Phải không cậu chiêu Lỳ? Đừng lo, ta biết cháu là đồng bạn của thằng Thụ, ta đã ủng hộ con ta, không lý nào lại đi chỉ điểm để bắt bạn của nó!”
Thôi xong, Phổ Chiêu đành cúi đầu ngượng ngập như đứa trẻ bị người lớn bắt quả tang làm chuyện xấu. Thì ra Kiến Xuyên hầu có quen với cha mẹ chàng nên đã nhận ra chàng từ lâu. Mà cũng phải thôi, khi còn làm quan dưới thời Tĩnh Đô vương, hẳn ông ấy đã gặp khi vào triều hầu chúa.
“Bẩm cụ lớn…”
“Thôi thôi cụ lớn cái gì, gọi ta là bác được rồi. Ta với cha cháu là bạn đồng liêu, ta từng đến nhà thăm và đỡ tay bế cháu khi cháu mới ra đời. Ta cũng đã nghe thằng Thụ kể nhiều về cháu. Giờ cha cháu đã khuất, thằng Thụ nhà ta cũng bỏ lại cha mẹ mà đi, ta muốn coi cháu là con. Yên tâm ta sẽ giúp cháu qua mặt đám quan sai lính lệ ngoài kia.”
“Bác đã nói vậy thì cháu cũng đành tuân theo lời bác.” Mà Phổ Chiêu cũng có cách nào hơn.
“Nào nào… Đã chẳng phải sư thật thì cần gì ngần ngại… Uống với ta một chén…”
“Xin vâng…”
***
Chú thích
[1] Trích thơ Chinh phụ ngâm khúc, tác giả Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích.
[2] Trích bài Tương tiến tửu (Sắp mời rượu) của Lý Bạch, nghĩa là: Gọi trẻ mau đem rượu ngon ra thay, để có thể cùng người uống cho tiêu tan mối sầu vạn cổ.
[3] Chén chuyên để uống rượu, bằng sứ, lòng chén chỉ để vừa một hạt mít nên có tên gọi như vậy, thường rót xong phải uống một ngụm cạn chén, vì lượng rượu trong chén cũng vừa đủ một hớp rượu.
[4] Rượu mơ xanh, được ủ từ những quả mơ xanh với cái rượu cho lên men, hương vị không những cay nồng mà còn chua và đắng và thơm mùi mơ.
[5] Tức thành Thăng Long, bị nhà Tây Sơn đổi tên.
[6] Tương truyền thượng tướng Trần Khát Chân thời cuối nhà Trần do có công lớn, được ban cho khu rừng mơ ở Kẻ Mơ nơi ngày nay là các khu Hoàng Mai, Tương Mai, Bạch Mai của Hà Nội và đặt tên là ấp Vạn Mai, do ở đó luôn sực nức hương hoa mơ và hương quả mơ. Hiện ở phường Tương Mai còn có di tích đình Tương Mai là nơi thờ ông. Trần Khát Chân mưu toan ám sát Hồ Quý Ly nên bị giết và bêu đầu thị chúng.
Bình luận
Chưa có bình luận