Những dòng đầu tiên trong sổ ghi chép thứ tám của Diana viết thế này:
Trại trẻ Bavaltique được thành lập vào năm 1827 bởi Quý bà Jane Bavaltique. Tiền thân của Trại là một trang viên được xây dựng bởi ông Robin Bavaltique vào năm 1812. Trại nằm tọa lạc trên một ngọn đồi cách thị trấn được mệnh danh là “Thiên đường du lịch” của đất nước chỉ tám doman[1]. Thật khó tin được là từ “Thiên đường du lịch” chỉ đi một quãng đường ngắn như thế mà ta có thể đến được một khu vực hẻo lánh và yên ắng thế này. Bên trong Trại có vườn nông sản, chuồng gia súc và chuồng ngựa, sân bóng, hồ bơi cùng khu vực vườn tược bao la với đủ các loại cây cảnh, bệ hoa, vật trưng bày bằng đá hay các bồn phun nước kiểu cách. Nhà chính, cũng là nơi cư trú của những người sống trong Trại, là một tòa biệt thự hai tầng tường nâu, mái xám và có các ô cửa màu kem sữa. Trại trải qua hai lần tu sửa vào năm 1887 và 1913, hai lần đóng cửa vào 1956 do nạn dịch hạch và 1987 do không đủ ngân sách duy trì. Trại đã đi qua bốn đời chủ, tính cả người chủ đầu tiên là Jane Bavaltique, những người thừa kế sau đó là: Sophie vào 1853, Anne vào 1892, Yvanna vào 1938. Hiện tại, người đứng đầu Trại trẻ là cô Mary Bavaltique – cháu gái đời thứ tư của Quý bà Bavaltique đầu tiên, đã tiếp quản Trại từ năm 2007.[2]
Lần đầu tiên nghe đến cụm từ “Trại trẻ Bavaltique”, Diana tưởng tượng ra một tòa nhà với những bảo mẫu, giáo viên, nhân viên công tác và hàng chục, thậm chí hàng trăm đứa trẻ. Nhưng Trại Bavaltique mà cô đến chỉ có một giáo viên, cũng là nữ chủ Trại – Mary, hai người làm bếp, hai người phụ việc, ba người phụ trách công việc trang trại và vườn tược, một người canh cổng để đảm bảo an ninh cho mọi người sống bên trong, và đương nhiên là những đứa trẻ: Dimian mười hai tuổi, Theophile mười một tuổi, Daniel và Rosaline chín tuổi, Pheodra năm tuổi. Sơ qua có thể thấy, số người làm có nhiệm vụ chăm sóc bọn trẻ còn nhiều hơn số trẻ cần được chăm sóc. Một tỉ lệ khá bất thường so với những trại trẻ công lập trên cả nước.
Biệt thự chính có mười hai phòng ngủ, bốn phòng chức năng: phòng tiếp khách kết hợp phòng sinh hoạt chung, phòng bếp kết hợp phòng ăn, phòng đọc sách và phòng dạy học. Ngoài phòng riêng cho những đứa trẻ và bản thân mình, Mary còn sắp xếp phòng cho hai người làm bếp và hai người phụ việc (những người làm khác đều về nhà ở dưới thị trấn), hai phòng dư ra được dùng làm phòng ngủ cho khách – đa số là những bậc phụ huynh có ý định nhận nuôi những đứa trẻ, thỉnh thoảng ghé lại.
Hàng ngày, Trại sẽ bắt đầu ngày mới vào lúc năm giờ sáng. Những người làm bếp là những người thức dậy sớm nhất, sau đó là cô Mary và những người phụ việc khác sẽ làm công việc dọn dẹp và chuẩn bị quần áo, đồ dùng cho bọn trẻ. Sáu giờ ba mươi, chuông báo thức chung sẽ đánh thức bọn trẻ. Bảy giờ là lúc bữa sáng bắt đầu. Mọi người ăn sáng chung trong phòng ăn và vào lúc tám giờ, tiết học đầu tiên sẽ bắt đầu. Cô Mary phụ trách công việc giảng dạy xuyên suốt đến mười một giờ, tất nhiên là có khoảng nghỉ giải lao ba mươi phút để bọn trẻ thư giãn đầu óc. Bữa trưa bắt đầu lúc mười một giờ bốn mươi lăm, sau đó là giờ chơi tự do đến một giờ. Bọn trẻ sẽ ngủ trưa hai tiếng và đến buổi chiều sẽ là thời gian hoạt động tự do ngoài trời. Bọn trẻ có thể bơi lội, cưỡi ngựa, làm việc ở nông trại, làm vườn, bất cứ hoạt động ngoài trời nào đó để rèn luyện thể chất. Bữa tối diễn ra từ sáu giờ đến bảy giờ, sau đó là giờ kể chuyện. Đến chín giờ, tất cả sẽ bắt đầu cầu nguyện ở phòng sinh hoạt chung. Mười giờ, biệt thự sẽ tắt đèn và bọn trẻ phải ở yên trong phòng ngủ. Kết thúc một ngày.
Diana biên tập lại nội dung bài viết trên máy tính xách tay, sau đó nhắn tin báo tiến độ cho người phụ trách. Nếu theo đà này, cô chỉ mất ba ngày ở Bavaltique, Diana âm thầm tính toán. Thứ Năm là hôm nay, xong hoạt động thường ngày của Trại. Ngày mai sẽ tiến hành phỏng vấn những người phụ trách. Thứ Bảy sẽ phỏng vấn bọn trẻ, chiều hôm đó cô sẽ đặt vé tàu về nhà, hoàn thành công việc.
Diana cầm theo sổ ghi của mình, đi ra khỏi phòng và xuống tầng trệt, dự định đi tham quan trang viên một vòng để tìm tư liệu cho phần dẫn mở đầu của bài báo. Cô đi dọc theo dãy hành lang có phòng ngủ của bọn trẻ, là những cảnh cửa đều tắp được sơn màu xanh mint kèm với bảng tên của từng em được đính trên cửa. Bọn trẻ đều có phòng riêng, đương nhiên rồi. Đây là một trong những ấn tượng đầu tiên của Diana đối với nơi này. Vì số lượng trẻ rất ít nên có lẽ từng đứa được quan tâm và chăm chút kĩ lưỡng, chúng có phòng riêng, không phải chia sẻ không gian và không phải chịu cảm giác tủi thân khi bị bỏ rơi do sự bận rộn của người phụ trách đối với những đứa khác. Nhưng nơi này rất rộng, Diana có thể hình dung như thế. Nếu lấy phòng ngủ hiện tại của cô làm tiêu chuẩn, mỗi phòng có thể cho ít nhất bốn đứa trẻ sử dụng để làm nơi ở, điều này sẽ gia tăng quân số cho Trại và giúp được nhiều trẻ hơn. Nhưng sao Mary không làm như thế? Diana mở sổ ra và ghi câu hỏi vào, dự định sẽ là câu hỏi phỏng vấn ngày mai.
Trước khi xuống cầu thang, Diana gặp Pheodra, cô bé nhỏ tuổi nhất Trại và chú mèo mướp Miracle có lông xám, vằn đen trên lưng. Cô bé mặc một chiếc váy ngang gối màu xanh Hải quân, cổ màu trắng sữa cùng chiếc nơ nhỏ màu đen, mái tóc cùng màu nơ ngắn xoăn nhẹ ngang vai, đôi mắt như bầu trời đêm không sao long lanh ngước lên nhìn cô. Miracle đứng ở dưới chân cô bé, và Pheodra giơ tay về phía Diana như muốn dẫn cô đi đâu đó. Cô đưa tay nắm lấy, nhưng cô bé đổi tay ngay, hóa ra em chỉ muốn bắt tay.
Diana khuỵu gối ôm cô bé vào lòng, hôn lên bờ má trắng mềm và mát lạnh như chạm môi vào lớp sữa chua sánh mịn, hỏi cô bé: “Em đang được nghỉ giải lao à?”. Diana hỏi thế vì lúc này đang là giờ học.
Pheodra gật đầu. Sau đó con bé mới nói: “Chị là phóng viên đúng không ạ?”.
Diana gật đầu. “Em biết chị à?”.
“Cô Mary nói rằng sẽ có phóng viên đến viết bài về Trại trẻ của chúng em. Là bài viết cho một tờ báo lớn và chúng em sẽ được nhiều người biết đến”.
Là Trại Bavaltique sẽ được nhiều người biết đến thì đúng hơn, Diana nghĩ thầm như vậy nhưng không nói ra. Đây là một chuyên mục mới của tờ báo, Tổng hợp các Trại trẻ mồ côi trên cả nước, nhằm phục vụ cho công tác kêu gọi mạnh thường quân của Chính phủ khi ngân sách không còn đủ để hỗ trợ cho các tổ chức từ thiện. Đây là Trại trẻ đầu tiên mà cô đặt chân đến sau khi tiếp quản chuyên mục từ một đồng nghiệp vừa nghỉ thai sản, cũng là Trại trẻ tư nhân đầu tiên được lên bài từ khi chuyên mục được phát hành đến nay. Trên cả nước không có nhiều Trại tư nhân thế này, nhưng những Trại tư nhân lại là nơi dễ thu hút các nhà hảo tâm nhất, một người chị làm bên bộ phận Công tác xã hội của Nhà nước từng nói với Diana như thế.
“Đúng thế”. Diana gật đầu cười một lần nữa với cô bé. “Mà em là Pheodra nhỉ, cô bé nhỏ tuổi nhất ấy? Chị đã được cô đầu bếp cho xem ảnh em ở phòng sinh hoạt chung. Em là bé gái duy nhất có tóc đen và đôi má phúng phính thế này”. Diana véo nhẹ đôi má bầu bĩnh của con bé.
Pheodra mím môi cười nhìn cô. Trông con bé không có vẻ ngại ngùng nhưng cũng chẳng hào hứng, vui vẻ khi được khen giống những đứa trẻ khác.
“Em phải về phòng học rồi”. Pheodra nói với cô.
“Tạm biệt em nhé”. Diana nắm tay cô bé ghì nhẹ một cái như nựng yêu.
Pheodra bế chú mèo mướp lên ôm vào lòng, trước khi quay đi còn giơ tay vẫy chào cô.[1] Đơn vị đo độ đài. 1 doman = 1 dặm Anh.
[2] Những dòng chữ in được in nghiêng trong suốt tác phẩm là những thứ được Diana ghi trong sổ của mình.
Bình luận
Chưa có bình luận