Chương 1


“Cần người phụ quán.”

“Chẳng có ma nào.” Ông Kiệm tặc lưỡi, nheo mắt nhìn tờ giấy đã không còn thẳng thớm, lắc đầu rầu rĩ. Suốt nửa tháng, tiến độ tìm người như tàu mắc cạn. Thời gian hào hứng chạy nước rút. Cái hạn như hòn lửa nhảy trên tay, bụng dạ ông càng phập phồng mỗi lần bà ngần ngại xin gọi điện nhờ.

“Nói phiên phiến được rồi.” Lời nhắc luôn được ông ưu ái dành một chỗ. Chuyện ở quê quanh đi quẩn lại thì nhiều hơn được bao. Con bà Năm sắp hết đợt nghỉ thai sản. Đứa cháu chưa đầy tuổi không giao được cho ai buộc bà phải nghỉ việc, nhìn trước ngó sau hóa ra chất phở ngấm vào người cũng ngót nghét mười năm.

Ông tiếc đứt ruột, biết kiếm đâu người chịu khó lại thật thà như bà. Bao năm yên ổn, chuyện ập đến như cơn mưa dầm không đoán nổi giờ tạnh. Bà Hạnh - vợ ông đắn đo mãi mới lên tiếng đề xuất hướng tăng lương, biết đâu bà lại chuyển ý thì ông gạt phăng: “Tăng lương rồi lãi lời gì nữa.” Rồi như chuyện dán giấy tuyển người, ông làm lơ dù bà thắc mắc sao không ra tiệm kêu người đánh máy, nhất quyết kiếm giấy bút viết lên, mực nhạt tính ra vẫn đọc tốt.

“Rồi ông định thế nào?” Bà hỏi trong lúc thái thịt, không nhìn ông lấy một cái.

Ông gằn giọng: “Từ từ tui tính,” tay gõ lên bàn lộc cộc, luồng suy nghĩ đẩy hàng nếp nhăn trên trán va vào nhau. Ông quét mắt soi từng ngóc ngách rồi dừng ngay chỗ đang ngồi, lục trong ngăn bàn lôi ra cuốn sổ, bên trong chi chít chữ. Ông lật từng trang, quá nửa trong mắt rớt ra một tia mừng: “Đây rồi.”

Ông gấp giấy làm dấu, lật đật nhấc điện thoại bàn, khẩn trương nhấn số. Cuộc trao đổi với người bà con độ vài phút, tóm gọn trong chuyện tìm người ở quê lên thành phố phụ việc. Lương phù hợp, ăn ở tại quán. Chỉ bấy nhiêu đã khiến ông chợt mừng thầm. Theo người bà con, lớp thanh niên nhàn rỗi ở quê hằng hà, ai kêu gì làm nấy, chỉ sợ ông kén cá chọn canh chẳng ưng được ai.

Ông bật cười vì như bàn chuyện mai mối trong khi hai đứa nhà ông còn chưa nếm trải sự đời. Yên, cô chị lớn đã ra riêng sau ngày tốt nghiệp, đi làm cũng tròm trèm hai năm, thường về thăm nhà dịp cuối tuần, lễ Tết. Phần cậu út sắp vào mùa tựu trường, năm cuối nên ông luôn dặn phải chăm chỉ học hành, cánh cửa đại học chẳng còn cách bao xa.

Dương là lớp phó học tập, thành tích luôn thuộc tốp đầu của lớp. Hè này không khác mọi năm. Ngoài thời gian ở quán phụ việc, ôn tập bài vở, cậu thường cùng An ra ngoài, chủ yếu loanh quanh mấy khu gần nhà. Hai đứa chơi chung từ thời tiểu học, nói theo cách của Dương hẳn phải có duyên từ kiếp trước nên suốt mười hai năm học cứ dắt nhau vào cùng một lớp.

Dương dong dỏng cao, An lại tròn như cái bánh tiêu. Cả hai hay ra nhà sách ngoài đường lớn rồi cắm rễ đến tận giờ cơm. Bữa nay khách chưa nhiều, hai đứa ngồi trên góc quen lầu một, từ đây có thể nhìn bao quát phố phường ngập trong dòng xe.      

“Dương, sáng mai quán Cây Xoài cho uống miễn phí món nước mới, đi không?” An hồ hởi, vừa nói vừa lật tiếp trang truyện.

“Thiệt hả? Vậy đợi mình đi công chuyện về rồi đi.”

“Quán cho uống miễn phí đến mười giờ thôi. Mấy giờ cậu về?”

Dương buông bút, gục cằm lên bức tranh vẽ dở, thở dài: “Sáng mai mình phải ra bến xe rước người ở quê lên. Hẹn chín giờ, chắc không về kịp quá.”

Ông đã tìm được người, vừa hay kịp thế bà Năm ngay trong ngày.

Sáng nay, hai cha con mỗi người một hướng. Người Đông, kẻ Tây. Ông tiễn, cậu đón. Bến xe vốn đông người phức tạp nên ông dặn cậu phải cẩn thận trước sau, ai làm gì cũng kệ, đừng dại tò mò rước thêm phiền phức.

Ngước nhìn đồng hồ điểm đúng giờ, cậu lấy ô, thong dong tản bộ ra trạm xe buýt. Mưa rả rích từ sớm. Trên cao từng khối mây xám lửng lơ như lạc trôi từ đâu. Cậu ngân nga ngước nhìn chiếc ô trong suốt, từng dòng chảy loang như những con suối nhỏ. Sau lưng Dương khoác cái túi, tấm giấy cất bên trong ghi tên người cần đón. Ông dặn giơ trước ngực cho người ta dễ nhận. Cậu cười trừ, nghĩ thầm tùy cơ ứng biến.

Chuyến xe thưa người chạy bon bon, lướt qua cảnh vật nhòa đi sau ô kính đọng nước. Đến bến, lớp sơn ố trên bờ tường cao như lẫn vào nền trời. Dương ra khỏi cửa, thấy choáng bởi người xe đông như mắc cửi. Tiếng còi, tiếng gọi nhau í ới quyện thành thứ âm thanh đậm đặc, dưới làn mưa càng tăng gấp bội.

Cậu nắm chặt cán ô, lẩm nhẩm thông tin người sắp đón, mắt không ngừng liếc ngang ngó dọc. Sự cồn cào muốn nhảy khỏi người. Cậu thở ra, toan cởi túi bỗng giật mình bởi cái chạm vai từ sau. Dương quay người, trước mặt là một thanh niên cao hơn mình nửa đầu, nước da ngăm lấm tấm những giọt mưa.

“Anh… Mạnh?” Dương ngập ngừng, nhìn người đối diện có chút ngờ ngợ.

“Ừ. Dương phải không?”

“Dạ.” Dương đáp, để ý tay trái Mạnh cầm chậu xương rồng được bọc trong túi nilon úp ngược. Cậu chìa tay, định nói sẽ cầm giúp nhưng anh như đoán được nên rụt tay lại, nhìn ra cổng: “Bây giờ đi đâu?”

Dương huơ tay: “À, giờ mình ra cổng, quẹo phải rồi bắt xe…” cố tỏ ra không bị sượng khi Mạnh bỗng quay đi lúc lời còn chưa dứt.

Anh mặc áo cọc tay, quần đùi, đeo dép lê khiến Dương tự hỏi mình có ăn bận trang trọng quá không. Áo sơ mi, quần jean, đôi sandal còn thơm mùi da, tự nhiên tương phản đến lạ.

Mưa chưa ngớt. Cậu tính nghiêng ô nhưng nhìn cách người ta bước nhanh, tay phải vác túi như người làm nhiệm vụ thì chỉ biết lẳng lặng đi theo, bụng nghĩ: “Người đâu mà lạ lùng.”

Mưa chuyển nặng hạt. Dương ngồi trên băng ghế nhà chờ. Đứng cách một khoảng, Mạnh tựa lưng vào cột nhìn về phía công viên, nơi những tán cây đang rung mình trước làn mưa nghiêng trắng xóa. Trong khoảnh khắc, Dương cảm nhận sự cô đơn như bọc lấy anh. Cậu chìa tay hứng làn nước đổ xuống từ mái che, muốn bắt chuyện nhưng không biết mở lời thế nào. Lạ thật, mấy câu chào hỏi trong đầu cứ thi nhau chớp lóe rồi tắt ngủm trước tiếng kêu gấp gáp của anh lơ xe: “Lên lẹ mấy cô bác anh chị ơi!”

Trên xe, chưa ai bắt chuyện. Dương ngồi sát cửa, giết thời gian bằng cách miết ngón tay lên mặt kính, thi thoảng nghĩ đến An, giờ này hẳn đang ở quán. Cậu chép miệng, liếc sang pho tượng ngồi cạnh, giọng bâng quơ: “Anh Mạnh bao nhiêu tuổi?”

“Mười tám.”

Kiểu trả lời như đi đường tắt làm cậu chưa thể rời mắt. Gương mặt góc cạnh này, nếu cộng thêm vài tuổi hãy còn nhẹ chán. Thiệt may còn cái đầu hợp mốt cứu lại. Kiểu tóc hai mái thịnh hành là đây, càn quét mọi ngóc ngách.

“Đó giờ anh Mạnh lên thành phố chưa?”

“Chưa,” Mạnh thoáng nhìn Dương, nét non nớt khiến người anh giãn ra, giọng có phần ấm hơn: “Này là lần đầu.”

Dương khẽ cười, hỏi thêm vài câu, cốt mong mọi thứ trở nên thoải mái, dù gì sau này cũng thường xuyên chạm mặt. Lúc nói Mạnh vẫn ôm chậu cây khư khư. Dương vài lần muốn đề cập nhưng nghĩ lại thôi, kéo buổi giao lưu dài thêm bằng dăm chuyện phím.

Xe thắng trước trạm nằm cạnh cây phượng điểm màu hoa đỏ, tầng lá xanh mơn nương theo gió mát lành. Trời hửng nắng khiến người ta như muốn tản bộ lâu hơn. Từ trạm vào quán chỉ hơn trăm bước, Dương sẵn tiện kể chuyện phố phường, tất nhiên không thể thiếu căn cứ của mình và An. Phần Mạnh lần đầu lên phố nên ít nhiều không khỏi tò mò, vừa nghe vừa ngước mắt quan sát. Cánh đồng mọc lên san sát bao mái nhà. Con sông hóa đường xe chạy ken đặc. Cảnh tượng mới đây còn bé xíu qua màn hình bỗng nhảy ra trước mặt như được phù phép.

“Đến rồi anh.” Dương chỉ lên tấm biển, ba chữ Phở Ông Kiệm đã nhạt hẳn màu.

Quán như căn nhà cổ thuộc diện bảo tồn, hương phở xếp tầng bám vào từng thớ vải. Ông đứng khom, rút trúng phốc tờ tiền lẻ thối khách, quay mặt nói lớn: “Về rồi à. Vô đi.”

Ông nhét cọc tiền vào túi, nhìn Mạnh một lượt từ trên xuống, vẻ rắn rỏi khiến ông khẽ gật gù rồi nhìn sang Dương: “Dẫn anh lên gác cất đồ đi con. Cầm cái quạt luôn, ba mới mua.”

Quán có một căn gác lửng, mỗi lần lên cầu thang đều phát ra tiếng cọt kẹt, hơi khó chịu nhưng ông chưa định sửa lại. Bên trên không bày biện nhiều, gói gọn trong một tấm nệm, một cái tủ và một bộ bàn ghế, tất cả đều được bà Năm dùng qua, ông bảo hãy còn tốt. Mạnh lấy từ trong túi một tấm ảnh được lồng khung gỗ, phủi phủi đặt lên bàn cùng chậu xương rồng. Còn lại mấy bộ quần áo cùng vài món đồ cá nhân, anh cho hết vào tủ. Xong xuôi cả hai cùng xuống.

Ông đứng đợi sẵn, chắp tay sau lưng vẻ nghiêm nghị, bắt đầu chỉ anh các công việc cần làm. Quán mở từ sáu giờ ba mươi phút sáng, tùy bữa đông hay vắng sẽ bán đến tám hoặc chín giờ tối. Ngoài chuyện nấu phở, thu tiền, các việc còn lại đều giao cho anh. Nghe ông thao thao bất tuyệt, anh không lấy làm lạ, chỉ khẽ nhướng mày khi ông nhấn mạnh việc tốt thế này không dễ kiếm: “Ở đây đặc biệt bao ăn ở.”

Mỗi ngày, bà Hạnh đều nấu hai bữa, dùng ngay tại quán. Hôm qua, bà đặc biệt làm thêm vài món tiễn chân bà Năm. Cuối buổi, nhân lúc ông không để ý liền dúi vào tay bà cái phong bì, rưng rưng dặn dò nhớ giữ gìn sức khỏe. Nay gặp Mạnh bà cũng yên tâm phần nào, dặn Dương rảnh rỗi nhớ dẫn anh đi chơi đây đó.

Cậu dạ, sốt sắng nói: “Còn giờ con qua nhà An nha mẹ.”

Dương nôn nóng muốn nghe An phê bình món nước mới, tiện thể sẽ kể luôn về Mạnh.

“Bà Năm nghỉ cũng buồn.” An nhớ món bánh da lợn bà hay cho lúc sang chơi quán, thấy Dương vẫn nằm ngửa đọc cuốn tạp chí bèn khều nhẹ: “Còn người mới thì sao?”

Dương úp trang giấy lên bụng, vét hết vốn từ bật ra câu: “Lạnh như tiền.”

Cậu với tay lựa trong xấp đĩa phim, cùng An bàn luận sôi nổi. Ngày cuối của kỳ nghỉ, cậu muốn cùng An ăn uống, xem phim nhiều nhất có thể. An là con một, gia đình lại khá giả nên sự sung túc đã gắn với cậu từ thuở lọt lòng. Nhà An mới sắm cái đầu đĩa đời mới, cả hai sẽ cùng luyện vài bộ kiếm hiệp cho đã con mắt.

“Dương, mai mình ghé nhà cậu đi học chung.”

“Ủa?” Cậu ngạc nhiên nhưng mắt vẫn dính lên màn hình, đợi chuyển hết cảnh gây cấn mới tiếp: “Ba cậu không chở đi học hả?”

“Ngày khai giảng mình muốn đi chung với cậu cho hên cả năm.” An cười khì, đánh bụp một phát lên giường khi vị anh hùng tung chiêu cuối tiêu diệt tên ma đầu.

“Ừ. Nhất trí.” Dương gật đầu, theo thói quen lại lăn mấy vòng trên giường, vươn vai hết cỡ: “Hết phim rồi, về nha. Mai nhớ đúng giờ đó.”

Mẹ An nói Dương ở lại ăn cơm nhưng cậu xin phép về luôn. Ngoài trời nhá nhem tối. Về quán cơm đã dọn lên, thịnh soạn hơn hẳn nhằm chào mừng anh, chưa bước vào đã dậy mùi thơm nức.

“Ăn nhiều vô hai đứa.” Ông mừng ra mặt, mới hôm đầu mà Mạnh làm việc đâu ra đó, không chê được điểm nào, quả đúng thanh niên sức dài vai rộng. Anh dạ, không rớt thêm được câu nào, đôi lần ghé mắt sang người ngồi cạnh, thầm hỏi nét vô tư này sao có chút thân quen.

Cơm nước xong quán đón thêm vài khách, phục vụ nốt rồi ông nói anh dọn quán, vẻ hài lòng còn đọng trên mặt.

Đêm thinh lặng, nghe được cả tiếng côn trùng rỉ rả, Mạnh nằm thao thức dù đã quá nửa đêm. Khung cửa trước mặt gói cả bầu trời, so với quê không khác là mấy. Lên thành phố lần này, nếu anh nói không mang theo kỳ vọng liệu mấy ai tin, đành nhủ cứ thuận theo dòng nước.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}