Chương 1: Trách mấy người cần những mộng riêng



Phần I: Châu Mùa.
Chương 1: Trách mấy người cần những mộng riêng.

Tự bao giờ những nước non
Ngôn từ ca phú sắt son bóng người
Thi tài, học nghĩa mấy mươi
Ngọc thô sẽ quý, sáng ngời tài nhân.

—–


       Tự Ngôn là tên của một thế giới. Chẳng biết cách gọi chung mà người ta chọn dùng đến này được bắt nguồn từ đâu, thế nhưng lạ kì thay ai cũng yêu thích và trở nên kiêu hãnh thật nhiều với cái tên đó. Chắc bởi nó gần gũi, vì Tự Ngôn là thơ ca; là những câu từ mà người ta hay ngân nga ru con ngủ; là những lời đối đáp miền quê thấm đượm tình trai duyên gái và còn là cả những lời luận bàn của lớp học tài sẽ rạng danh mai này. 

   Để kể rõ hết về Tự Ngôn, chắc mẩm nói đến vài năm nữa cũng chẳng thể nào hết. Bởi nó là một nơi đang sống, đang phát triển và cũng đôi khi thụt lùi trong từng trang lịch sử. Nên là lời giới thiệu về cả một thế giới này phải dừng lại, nhường chỗ cho từng vùng đất nhỏ ở nơi đây được lên tiếng.

   Ở tỉnh Giao Phú, thuộc nước Song Thanh, có đoàn hát lớn bật nhất vùng *thủy mộc. Nơi đó được rất nhiều người quyền quý lựa chọn đến mua vui vào những dịp rảnh rỗi. Hôm nay là một trong những dịp ấy. 

*Vùng Thủy Mộc: Những khu vực chưa được khai hoang quá nhiều, có nhiều loại cây chưa được phát hiện ra và được trồng lên. Nơi đây là vùng đất lành, phù hợp để trông trọt. Kéo dài từ toàn bộ châu An đến hai đất nước lân cận vùng châu An thuộc châu Phương.               

   Trên sân khấu, đào nương nổi bật ở giữa cánh màn nhung, khởi xướng cho vở hát mới nhất. Tiếng đàn du dương chầm chậm đệm vào lời thoại của cô. Dưới sân khấu, mọi người chăm chú lắng nghe và hoài niệm về câu chuyện nàng đang kể. Lúc thì vui vì những câu bông đùa; lúc lại trầm mặc vì cảnh bi lụy. Những câu ca khi ấy dần trở thành bầu trời cho người thưởng nhạc.

   Nối liền phần đầu chuyện, chàng kép chính cùng tiếng hát uy nghiêm bước ra trước những người khán giả. Dưới ánh đèn dầu, một đào một kép; trước trăm người xem, vẽ nên nhạc tình. Để cho đến khi vở kịch ngã ngũ, người nghe đuối dần theo cảm xúc được khơi nên và lặng lẽ quay người ra về dù vẫn còn luyến tiếc cái kết đau lòng; thì mới là khi vở tuồng ấy đã sống trọn vẹn đời nó.

   Sau vở kịch lâm ly, ghế ngồi trong đoàn dần trống trải, sân khấu huy hoàng dần dẹp đi vẻ rực rỡ của nó vào khắc trước, báo hiệu rằng đã đến lúc phải chào tạm biệt khách xem. Nàng đào cùng chàng kép cũng chẳng còn đạo mạo với vai diễn vừa ngân, chỉ còn sự nhập tâm, cùng lớp phấn trang dày đặc đang lưu giữ lại dáng vẻ của người đã trải qua phần đời dài hơn một canh giờ, là thứ đọng lại cuối cùng. Rồi sau khi tạm biệt người xem, kiềm lại xong những cảm xúc trào dâng trong người, họ mới thở phào như trút hết gánh nặng cảm xúc, để bước vào phía sau tấm màn đỏ và lau chùi hết những điểm tô trên cơ thể, trở về với con người của chính họ. 

   Khi mọi người đã vào bên trong hết, cậu nhạc công ẩn mình dưới ánh nến mới dần tỉnh lại sau giấc mơ của tiếng đờn và câu chuyện tuồng mang đến cho cậu. Thủy Diệp bước vào trong hậu trường, tùy ý để chiếc đàn kìm mà bản thân trân quý ở một góc. Sau đó mới quay ra mọi người, tìm niềm vui cười cợt họ. Cậu đến chỗ kép đang tẩy trang, chống cằm nhìn ngắm chàng ta một hồi.

   Chàng kép đang gỡ đi lớp trang sức rườm rà trên người, thấy Thủy Diệp đến ngồi cạnh với nét cười trên mặt, chàng nhận ra ngay ý đồ của cậu. Thế rồi, Diệu Bình bèn mở chuyện: 

   – Em nhìn anh làm gì mà chăm chú thế? Sao? Có muốn lên diễn với anh không? 

   Đào chính của vở tuồng nghe câu trêu Diệu Bình dành cho Thủy Diệp thì phì cười. Rồi nàng chẳng cần quan tâm câu đó hướng đến ai, mà vô tư đáp lời thay: 

   – Ấy, Bình đừng trêu em nó thế, nhỡ em nó diễn thiệt là không có chỗ để em diễn chánh nữa đâu đấy! 

   Thủy Diệp tỏ ý thích thú ra mặt với những lời bông đùa của Lý Thùy. Cậu cười hơi tươi, rồi chuyển dời sự vui vẻ của đoàn sang người nhắc tuồng đang lặng lẽ ở góc:

   – Cái đó thì phải hỏi Nguyễn tỷ chứ? Em thì ham vui đủ rồi.

   Nguyễn Thùy – Người nhắc tuồng nghe thấy lời nói của Thủy Diệp đang chĩa về phía mình, bèn lắc đầu tỏ rõ cô không dám nhận lời đề cử của cậu. Ngại ngùng chào mọi người, vội vàng rời khỏi đoàn kịch, dù ngoại trừ Thủy Diệp ra thì chẳng ai để tâm đến sắc mặt và thái độ của cô. 

   Vẻ ngoài của đoàn kịch là thế, chỉ những ai được nhiều người xem đón nhận mới được tôn trọng và quan tâm. Nguyễn Thùy chỉ là một người nhắc tuồng nhỏ nhoi, làm sao có chỗ lên tiếng trong đoàn kịch lớn này. Thậm chí, cô còn chẳng có tiền lương, mà chỉ có một bữa cơm với mấy con cá chiên khô khốc thì trông chờ gì? 

   Sau khi chủ đoàn nghe thấy Thủy Diệp tỏ ý, trong ý có vài phần khiêu khích Nguyễn Thùy làm ông để mắt đến cô một chút. Ông chờ cho đến khi Nguyễn Thùy đã rời đi, rồi mới đáp lại lời của Thủy Diệp:

   – Để cho con bé tập trung vào công việc của nó đi! Diệp nhá, không có trêu phá mọi người nữa nhá.

   Thủy Diệp cười khoái chí nhằm đáp lại lời của chủ đoàn, rồi nói với thái độ dường như là chuyện đương nhiên:

   – Trương huynh cứ khéo cảnh cáo cháu thế làm gì. Cháu chỉ đang nói những gì mình nghĩ thôi. 

   Trương Hoàng Trọng lắc đầu ngao ngán sau lời đáp lại đầy thảnh thơi của Thủy Diệp. Thật ra ý đáp của Thủy Diệp không phải là điều làm Trương Hoàng Trọng ngán ngẩm; Mà điều làm ông chẳng buồn bắt lỗi đó là cách xưng hô của cậu. Ai đời thằng nhóc đáng tuổi cháu mình, cứ một huynh hai đệ với mình, thế mà không sửa nó được, nên Trương Hoàng Trọng rất khó chịu trong lòng. Mà càng khó chịu thì Thủy Diệp lại càng khoái chí…

   Trương Hoàng Trọng không hẳn là không giỏi ăn nói, mấy lời không được “có dạy” của người ta, ông sửa được hết. Nhưng Thủy Diệp thì khác, bởi cậu là người đờn chính cho đoàn. Khắp khu vực thủy mộc này, ngoài Thủy Diệp ra thì chẳng có ai đờn ra hồn cả; nên thay vì muốn hơn thua, Trương Hoàng Trọng chọn chịu đựng vì miếng cơm manh áo. 

   Thủy Diệp tên thật là Diệp Miên Sinh, là con của một nhà buôn bán ngọc quý ở Song Thanh, cho nên mấy việc kiếm tiền như ca xướng không phải thứ đáng để cậu cho vào mắt. Chỉ là, nghe đâu Thủy Diệp có một người anh đờn rất hay, nên cậu cũng thích đờn hát theo người anh đó. Nhờ vậy, nên đoàn hát nhỏ của Trương Hoàng Trọng mới được Thủy Diệp quan tâm và thường xuyên đến tấu nhạc cho đoàn. Nếu không, chắc cậu vung tiền mua cái đoàn này để nuôi đào nương cũng chẳng phải vấn đề gì to tát với nhà cậu.

   Theo tiêu chuẩn của người nghe ở những đoàn kịch, lời ca tiếng hát của đào kép sẽ được chú ý nhiều hơn là người tấu nhạc. Nhưng với đoàn của Trương Hoàng Trọng thì lại khác, Thủy Diệp hệt như một quý nhân may mắn của đoàn này. Vì, có một số người chọn bỏ tiền đến đoàn chỉ để được nghe thấy tiếng đờn của Thủy Diệp mà thôi. Cốt truyện hay lời ca với họ thật ra chẳng quan trọng, vì họ chỉ cần bỏ tiền thì ở đâu cũng có, nhưng để nghe được tiếng đờn đẹp như của Thủy Diệp thật sự rất khó kiếm. Cho nên nếu đoàn không có Thủy Diệp, chắc chắn sẽ chẳng thể có cơ đồ lớn như hôm nay.

   Thủy Diệp biết rõ bản thân có giá trị với đoàn, vì thế nên hay được nước lấn tới. Cậu không tỏ thái độ ta đây cao thượng mà rất dễ gần, nhưng lại ăn nói kém duyên khiến người ta hay phải bất lực. Nhưng nói ra thì cũng tính vào, suốt ba năm ở đoàn, dù cậu biết mình có tài và được mọi người công nhận, nhưng Thủy Diệp chưa bao giờ vì những lời khuyên dạy hay chê trách món nghề ca xướng này mà rời bỏ đoàn. Ngược lại, cậu ta lại rất hay để ý đến mọi người… Dù cho Thủy Diệp nói xóc người khác thay vì quan tâm nhiều hơn. 

   – Thế tại sao Nguyễn tỷ lại không thể lên diễn?

   Thủy Diệp thấy Nguyễn Thùy đã rời đi thì lên tiếng hỏi Trương Hoàng Trọng. Trương Hoàng Trọng nghe câu hỏi của Thủy Diệp, không tốn thời gian suy nghĩ gì mà đáp ngay:

   – Con bé rất đẹp, không hợp với nghề này. 

   Đoàn của Trương Hoàng Trọng chỉ lựa chọn người ưa nhìn chứ không lựa chọn người đẹp. Theo ông, khi trưng ra một bộ mặt đẹp cho vở tuồng, khán giả sẽ không để tâm đến cảm xúc và câu chuyện của nó. Thay vào đó, họ sẽ để tâm vào gương mặt của đào kép, thế rồi vở tuồng sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Cuối cùng chỉ còn thứ được gọi là nhan sắc cùng với những lời miệt thị ngày càng nặng thêm. Trương Hoàng Trọng không ghét Nguyễn Thùy, nhưng ông không muốn Nguyễn Thùy hy vọng đến việc đứng trên sân khấu. Thế nên ông mới không cho Nguyễn Thùy có được lợi ích, mà chỉ tạo ra khó khăn cho cô từ bỏ nó. Nghề chọn mình chứ mình không chọn được nghề.

   Thủy Diệp ít khi tò mò, còn có tính mau chán, nên cũng dần mất hứng với câu đáp có phần nửa vời của Trương Hoàng Trọng. Thế là cậu rời khỏi đoàn và không nói gì thêm.

   Hôm nay, Giáng Danh Phương đến nhà Thủy Diệp chơi. Ước chừng thời gian thì có lẽ người đã đến. Nên thay vì ngồi trêu phá đoàn, thì về trêu phá Giáng Danh Phương sẽ vui hơn. Dù sao thì anh ta dễ cáu hơn người ở đoàn.

   Giáng Danh Phương là người dạy đờn cho Thủy Diệp. Anh ta lớn hơn cậu mười lăm tuổi, cái tuổi ít ra cũng phải biết nhún nhường là gì. Thế nhưng suốt hai mươi năm quen biết, tính cách của Giáng Danh Phương lại chẳng thay đổi gì cả. Vẫn luôn khó tính và loi choi như đứa nhóc, vì thế khi chọc phá Giáng Danh Phương vui hơn chọc người khác hẳn. Cũng vì thế mà Thủy Diệp thường bị anh ta dỗi vì ăn nói quá động chạm đến anh. 

   Giáng Danh Phương ngồi trong nhà của Thủy Diệp, tỏ thái độ có phần dửng dưng, đang uống trà trò chuyện với ba cậu. Thấy cậu vừa về, gương mặt dần đổi thành sự nghiêm khắc rồi lên giọng:

   – Mi cũng mê đàn hát quá nhỉ? Làm cho anh Diệp của tau phải đợi cơm mi suốt, có biết cha mệ ở nhà đói *nỏ? 

Mệ (phương ngữ miền Trung): Mẹ.
Nỏ (Phương ngữ miền Trung): Không.

   Anh Diệp là cha của Diệp Miên Sinh, ông tên là Phan Linh Diệp. Vùng châu thổ cậu ở, thường có tập tục lấy tên cha thay cho họ chứ không như những châu thổ khác, đó cũng là lí do vì sao Diệp Miên Sinh hay gọi họ người khác thay vì tên như người thường gọi, chủ yếu khi chê trách sẽ nặng hơn là gọi tên. 

   – Biết chứ! Thế nên em mới về đây. 

   Diệp Miên Sinh đáp lời, rồi quay bước vô nhà sau. Hôm nay cậu ở ngoài đường suốt cả ngày, mồ hôi thấm đẫm hết cả tấm lưng, nên cậu cần phải đi tắm trước đã. 

   Cách xưng hô của Giáng Danh Phương với nhà Diệp Miên Sinh khá là khác thường. Bởi so tuổi tác với cha của Diệp Miên Sinh, Giáng Danh Phương cách Phan Linh Diệp mười lăm tuổi; khi so với Diệp Miên Sinh, Giáng Danh Phương lại hơn cậu ta mười lăm tuổi. Vì vậy, sau rất nhiều lần nhà cậu loạn cào cào về chuyện sử dụng danh xưng thế nào là đúng, thế nào là sai, thì cuối cùng họ không dùng thước đo quen biết để gọi Giáng Danh Phương nữa, mà họ chỉ dùng tuổi tác để gọi nhau. Vì thế nên Giáng Danh Phương gọi Phan Linh Diệp là anh; Diệp Miên Sinh xưng hô với Giáng Danh Phương là em. 

   Phan Linh Diệp nhìn dáng vẻ của Diệp Miên Sinh, trong lòng có hơi chán nản. Bèn than với Giáng Danh Phương:

   – Thằng bé nó đã lớn *tồng ngồng vậy rồi, thế mà vẫn ham chơi quá. Anh chẳng muốn thằng bé chọn nghề này chút nào. 

Tồng ngồng (khẩu ngữ): Có vóc dáng như người lớn, không còn bé nhỏ gì.

   Giáng Danh Phương uống xong ngụm trà, rồi tự rót thêm tách khác cho mình. Nhẹ nhàng an ủi Phan Linh Diệp:

   – Ai lúc nhỏ mà chẳng ham *nhởi. Hơn nữa, giờ em cũng lớn tồng ngồng đây, thậm chí còn ham nhởi hơn cả nó, anh không phải lo. 

Nhởi (Phương ngữ miền Trung): Chơi

   Giáng Danh Phương không phải người đất thủy mộc, mà ở vùng thổ cư. Cha hắn làm thầy, luôn dạy dỗ hắn rất nhiều thứ, cũng hay ấp ủ trong lòng rằng nếu ngày nào đó ông chết thì hắn sẽ vẫn tiếp tục dạy dỗ lớp người tài sau này. Thế nhưng Giáng Danh Phương lại rất ham chơi, cho nên thay vì tập trung vào sách và chữ; Giáng Danh Phương quyết định đi ngắm nghía thế giới và bỏ lời dạy dỗ lẫn chữ nghĩa của cha anh ở sau đầu.

   Sau khoảng thời gian bỏ cha đi suốt, cuối cùng thì ông cũng từ bỏ ý định đó, rồi nhận thêm một đứa con nuôi và một học trò ruột cho mình. Vậy là từ đó, anh không còn phải lo sau này sẽ phải nối nghiệp cha nữa. Sau đó, Giáng Danh Phương đi nhiều hơn, và rồi quen biết với nhà của Diệp Miên Sinh.

   Năm mười lăm tuổi là lần đầu tiên Giáng Danh Phương rời khỏi nhà. Anh đã nghĩ nghĩ suy suy về việc sẽ đi đến đâu và làm được những gì. Thì sau rất nhiều lần nghe cha kể về những điều tốt đẹp, bèn chọn đến châu An. Thế rồi anh gặp được Phan Linh Diệp và trở nên thân thiết. Thân tới độ, lúc mà Diệp Miên Sinh được sinh ra, Phan Linh Diệp đã nhờ Giáng Danh Phương đặt tên cho cậu, vậy là cái tên Miên Sinh ra đời. 

   Sau này, Giáng Danh Phương không chu du nữa bởi vì trên công cuộc khám phá này quá đỗi phức tạp. Vì thế nên Giáng Danh Phương sau này chỉ còn đi qua đi lại từ nhà mình đến nhà Diệp Miên Sinh; rồi đi lại đi qua từ nhà Diệp Miên Sinh đến nhà mình.

   – Em thì hay rồi, chỉ giỏi chửi đỏng thôi! Cái mỏ của thằng Sinh bây giờ là nhờ em không đó! 

   Sau khi được sinh ra, Diệp Miên Sinh rất thích chọc phá Giáng Danh Phương. Bởi Giáng Danh Phương rất ghét trẻ con, thể nên mỗi lần trẻ con đến gần là anh chửi đổng lên. Diệp Miên Sinh nhận ra vấn đề này từ sớm, cho nên cậu ta thường nhây phá Giáng Danh Phương. Thế là mỗi lần Giáng Danh Phương và Diệp Miên Sinh sáp lại, sẽ có mấy câu chửi đổng, phê phán, mắng la như:

   “- Giáng huynh có chắc trước đây không có người tên Giáng trong nhà không? 

   – Cái thằng *trốc tru này, tau nhặn nước mi bây chừ!”

Trốc (phương ngữ miền Trung): Đầu.
Tru (phương ngữ miền Trung): Trâu.

   – Sao lại do em? Thằng nhóc đó đã có tính vậy rồi thì không bị em mắng cũng tự như vậy thôi! Với việc đó có sao? Như vậy ra đời cho khỏi ai ăn hiếp! 

   Phan Linh Diệp lắc đầu ngao ngán. Giáng Danh Phương cứ suốt ngày dung túng cho Diệp Miên Sinh. Ông là người làm cha, làm sao mới yên lòng được bây giờ? Nhưng không yên lòng thì cũng chẳng thay đổi được gì. Ông chỉ thể để mọi chuyện như vậy, rồi chuẩn bị tinh thần để dọn dẹp đống đổ nát của cả hai là vừa. 

   Hai anh em trò chuyện về Diệp Miên Sinh mất một lúc thì cậu cũng tắm táp đi ra. Thấy hai người đang tập trung luận bàn quá, tính vào góp vui. Thế nhưng sau khi nghe chủ đề của cả hai thì thấy không thú vị mấy, bèn đảo mắt xuống dưới bếp. 

   Trong căn phòng ăn rộng, bộ bàn ghế được điêu khắc tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ được đặt ở giữa nhà. Trên mặt bàn bóng loáng được trải thêm tấm vải phẳng phiu, cũng chẳng biết từ bao giờ một món canh và ba món ăn đã được dọn sẵn ở đó. Thế là Diệp Miên Sinh không bước ra sân nhà nữa, mà thay vào đó là gọi lớn:

   – Mình ăn cơm đi ba mẹ ơi!

   Thế rồi một ngày của Diệp Miên Sinh đã kết thúc sau buổi cơm chiều cuối ngày. 

   Sau khi ăn cơm xong, ba và mẹ của Diệp Miên Sinh cũng khép cửa nghỉ ngơi. Sân nhà bấy giờ chỉ còn cậu và Giáng Danh Phương ngồi tám nhảm chuyện trời đất như những ông cụ già. 

   Lúc sớm, Phan Linh Diệp có nói với Giáng Danh Phương chuyện cầm ca của Thủy Diệp. Giáng Danh Phương có lên tiếng bênh vực, nhưng thật ra Giáng Danh Phương cũng trùng suy nghĩ với Phan Linh Diệp. Thế là lên tiếng: 

   – Mi tính làm nghề này luôn à? 

   Ánh mắt Diệp Miên Sinh rặt khó hiểu nhìn Giáng Danh Phương. Hôm nay, anh ta uống thuốc gì à? Sao hỏi vô tri thế? 

   – Có ai đầu độc anh à? 

   Giáng Danh Phương nhanh tay nắm lấy vành tai của Diệp Miên Sinh rồi xoắn một cái mạnh. Chỉ toàn trêu phá, chẳng được cái tích sự gì. Anh hỏi thì cứ trả lời, hỏi ngược làm gì? Diệp Miên Sinh đau tận óc, mặt đỏ lè đánh vào tay của Giáng Danh Phương. 

   – Anh thích đánh em quá nhỉ? Đau đấy! 

   – Trả lời cho tau thì tau buông. 

   Mặt Diệp Miên Sinh đỏ ké vì đau, khuất phục đáp: 

   – Em không. 

   Sau khi nghe câu trả lời, Giáng Danh Phương mới buông tay ra. Thấy mặt Diệp Miên Sinh đỏ, anh khinh thường ra mặt. Ra vẻ cho cố vào, cuối cùng cũng là thằng nhóc sợ đau. Tệ! 

   – Thế mi tốn thời gian cho cái đoàn đó làm chi? Đờn cho mấy người diễn tuồng hát trông mất hết giá của tiếng đờn rồi! 

   Giáng Danh Phương cũng là nhạc công, chỉ là với anh việc đờn cho người ta nghe sẽ bị mất hết giá trị của nó. Thế nên để nghe được một khúc của Giáng Danh Phương là điều cực kì khó. Hầu như số người nghe được tiếng đờn của Giáng Danh Phương, chỉ thể đếm sơ bằng số ngón tay… Có lẽ là vẫn còn dư mấy ngón. 

   Giáng Danh Phương là người đầu tiên dạy Diệp Mien Sinh đờn. Thế nhưng suốt bao năm; ngoại trừ ba lần dạy đờn cho Diệp Miên Sinh, thì cậu không còn được nghe thêm một lần nào nữa. Cho nên người thích nghe nhạc ở Tự Ngôn hay truyền tai nhau câu: 

   “Nhạc công nào được ngợi ca, 
bằng người đem để cầm ca trong lòng.” 

   Vừa để nói về những người đờn hay, cũng vừa để nói về tánh cách của Giáng Danh Phương trong cầm ca. 

   Dù rằng, Giáng Danh Phương là người đầu tiên dạy Diệp Miên Sinh đờn. Thế nhưng, cậu không bị Giáng Danh Phương ảnh hưởng bởi suy nghĩ. Chắc do có thói quen trêu phá, nên Diệp Miên Sinh cũng dần suy nghĩ ngược lại với Giáng Danh Phương. Nên sau khi học đờn quen, Diệp Miên Sinh đã tìm nơi để đờn và cho người nghe tự đánh giá tiếng đờn của mình. Dần dà, cậu thích việc đờn cho mấy vở nhạc, rồi thành nhạc công như bây giờ. Cho nên đối với Diệp Miên Sinh, đờn chẳng phải là việc gì cao siêu hết, thích nó thì sống cùng nó, quan trọng hóa nó lên làm gì để phí hoài đi. 

   – Giáng huynh mất giá chứ có phải em đâu mà em phải sợ. Hơn nữa, giá của em cao lắm đấy!

   Diệp Miên Sinh không nói phét, giá của cậu cao là sự thật. Giáng Danh Phương cũng không thể cãi lại điều này, bởi người khác đã công nhận điều đó, chứ không phải Diệp Miên Sinh ảo tưởng. 

   Thế nhưng dù giá đã cao thì sao? Đối với Giáng Danh Phương, cái ý nghĩ đem món đờn cho ca nhân hát chẳng có gì hay ho. Xướng ca vô loài, vua chúa quan lại ai ai cũng cho nó là món nghề thấp kém. Giáng Danh Phương càng nghĩ lại càng thấy Diệp Miên Sinh đang hạ thấp bản thân. 

   – Xướng ca vô loài thì lại hay! 

   Giáng Danh Phương đánh một câu ghét bỏ, uống vội tách trà rồi đặt xuống thật mạnh như dằn mặt Thủy Diệp. Sau đó vô phòng ngủ. Để Diệp Miên Sinh ngồi cười khoái chí vì sự tức tối trong lòng Giáng Danh Phương. 

   – Xướng ca vô loài… Bán chút nỗi lòng, cớ gì lại sai? 

   Diệp Miên Sinh nhìn bóng Giáng Danh Phương đã khuất sau rèm nhà. Ngồi thơ thẩn nghĩ về cái câu chê trách nặng nề mà cầm ca phải gánh. Cậu đoán thôi cũng chắc chắn Giáng Danh Phương được ba cậu nhờ vả, bởi cậu cũng đã quen với những suy nghĩ của người nhà rồi. Chỉ là cậu mãi chẳng thể hiểu, tại sao lại phải chê trách món nghề mua vui đến thế? 

   Diệp Miên Sinh bồi hồi, chợt nhớ về năm mình còn bé, khi lần đầu tiên nghe Giáng Danh Phương đờn. Giáng Danh Phương năm đó hai mươi, còn Diệp Miên Sinh vừa lên năm tuổi. Chỉ vì tiếng đờn ấy khó bề vang thêm lần hai, mà Diệp Miên Sinh quyết phải học món nghề này để được tự nghe. 

   Thế rồi sau bao năm, cậu cũng đã có được thành tựu cho mình. Vậy mà lạ kì làm sao, Giáng Danh Phương đưa cậu yêu nghề, cũng lại là người phản đối việc cậu đi diễn xướng. Có lẽ do lo cho cậu. Chỉ là mối lo này, mang quá nhiều cái tôi của anh trong đó. 

   Lí lẽ của Giáng Danh Phương là giá trị của hắn, còn lí lẽ của Diệp Miên Sinh lại là mua vui cho chính mình. Tranh cãi chỉ thể ngày càng nhiều và chẳng bớt. 

   Thế nhưng Giáng Danh Phương không phá rối cậu. Mà anh lại thường nói giúp Diệp Miên Sinh khi nghe ba cậu than thở. Chỉ là đến cuối cùng cái tôi của anh vẫn cao hơn mọi thứ.

   Giáng Danh Phương có nghề của riêng Giáng Danh Phương, còn Diệp Miên Sinh lại có niềm thích riêng của Diệp Miên Sinh. Không thể dung hòa cả hai lí luận khác biệt được.

   Hết ngồi cười chê mấy lời miệt thị và Giáng Danh Phương; Diệp Miên Sinh lại chuyển suy nghĩ về ánh trăng đêm vời vợi. Thế mà cũng đã hai mươi tuổi, đời ngắn đến vậy, sao phải cố tìm cách khiến cho nó phức tạp lên. Cuối cùng sau ngày dài cũng thấm mệt. Diệp Miên Sinh bỏ tách trà xuống bàn, vươn vai ngáp dài. Khẽ gom mấy tách trà trước cửa tránh phát ra âm thanh phiền toái rồi mang chúng vào nhà. Đóng cửa nghỉ ngơi. 

   Ở nhà Giáng Danh Phương có mấy việc không đâu. Giáng Danh Phương lại quá lười biếng để làm mấy công việc lặt vặt ấy, thế nên mới tìm cách trốn đến nhà Diệp Miên Sinh. Sau tám ngày khiêu khích, trêu phá lẫn chê trách thì Giáng Danh Phương cũng không nán lại mà soạn đồ về nhà. Diệp Miên Sinh nhìn bóng lưng ông anh rời khỏi, chợt cảm thán vài câu: 

   – Đi đi về về như vậy không mệt hay sao mà ảnh tham đi quá! 

   Bà Hương Hoa – mẹ của Diệp Miên Sinh nghe thấy con trai mình cất lời, chợt cảm thấy không mấy vừa ý, nhanh miệng đáp: 

   – Con đờn ca gì mẹ không cản con được, nhưng cấm tuyệt không có đi nhiều như thằng Phương! Nó lớn nó còn bị dụ dỗ ít nhiều, con mà đi chắc nhà không còn nổi cái cửa cho con luôn đấy! 

   Mẹ thì luôn lo cho con đi sai đường. Diệp Miên Sinh không thấy sai. Mà cậu cũng chẳng có ý định sẽ đi. Ở Song Thanh, tuy không giàu có như mấy cường quốc, nhưng nhà cậu đủ đầy nhung lụa để cậu hưởng một đời. Cần gì đi khắp nơi chỉ để “mở mang tầm mắt” dù nơi nào cũng như nhau. 

   Thế rồi Diệp Miên Sinh cười xuề xòa. Dìu mẹ vào nhà ăn bánh. 

   —–

   – Sinh ơi! Sinh ơi! Dậy lẹ con ơi! 

   Bà Hoa từ ngoài cửa chạy vội vào phòng Diệp Miên Sinh, trên tay là một cái trục màu ngọc chẳng rõ được làm từ cái gì. Mặt mày bà lấm lét, khó bề bình tĩnh mà vội vàng gọi Diệp Miên Sinh thức giấc. 

   Nhà Diệp Miên Sinh là nhà khá giả. Diệp Miên Sinh là công tử thiếu gia, thế nên Diệp Miên Sinh muốn ngủ muốn thức thế nào ba mẹ cậu đều chiều theo con. Dẫu chiều chuộng, thế nhưng Diệp Miên Sinh chưa từng trở nên hư đốn, vì thế cứ thoải mái mặc việc mà ngủ trưa thôi. Chỉ là hôm nay hơi khác. Mẹ cậu cứ một hai đòi gọi cậu dậy, mà thái độ cứ gấp rút làm cậu không thể lơ đi. 

   – Có chuyện gì vậy mẹ? 

   Diệp Miên Sinh lồm cồm ngồi dậy. Đêm qua cậu đờn tới tối mới về nên khá mệt. Dù vậy, nhưng khi nhận thấy sắc mặt của mẹ đang trở nên lấm lét, cậu bèn hiểu nhà có chuyện cần đến cậu, thế rồi cậu nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo và nghe mẹ nói.  

   Mẹ Diệp Miên Sinh thấy con trai thức giấc, chẳng biết nên nói như nào, lời nói loạn tùng phèo, chẳng thể sắp xếp gọn gàng nổi: 

   – Lúc sớm có cậu trai tìm đến, cái rồi cậu đó tìm, mẹ có hỏi nhiều, mà cậu ta cứ tìm. Xong cha con còn… Lúc nãy cái bảng Tài… Con có tiếng… 

   – Mẹ! 

   Diệp Miên Sinh thấy mẹ khó bình tĩnh được, nhanh chóng cắt lời. Cậu dụi mắt, rồi cầm lấy cái trục mẹ đang cầm rồi nhẹ nhàng đáp: 

   – Mẹ nói từ từ thôi. Mà cái này là cái gì thế? 

   Mẹ cậu muốn nói mà chẳng biết nên lựa lời như nào. 

   Gia đình của Diệp Miên Sinh không học chữ nghĩa, trừ cậu. Thế nên mấy câu từ hay hiểu biết của họ rất kém. Việc sắp xếp lời nói cũng khó mà gọn gàng. Thế nên việc này không quá xa lạ với Diệp Miên Sinh. 

   Diệp Miên Sinh biết bà Hoa không biết nói như nào, nên không gắng hỏi. Nhanh chóng vươn vai lấy lại sức lực sau một đêm ngủ sâu; sau đó mở cuốn trục ra. 

   – Tài? 

   Cậu bất ngờ khó bề bình tĩnh nhìn trục ngọc đang cầm. Trong đầu chẳng hiểu sao lại đột ngột vang lên bốn câu thơ.

   Tài nhân xướng tiếng Tự Ngôn 
Ngọc ngà thành biển kẻ khôn thành Tài
     Tiểu sinh phủ sạch ngày mai 
   Chẳng tìm ơn nghĩa đúng sai thi hài. 

   Diệp Miên Sinh chỉ vừa hai mươi, nếu nói ra thì còn quá nhỏ để thể hiện chính bản thân mình. Thế nhưng nào ngờ lại được công nhận trước cả khi cậu tự công nhận cậu. Diệp Miên Sinh cứ thế thẫn thờ nhìn trục ngọc với dòng chữ đỏ sẫm và dấu mộc đỏ tươi, khó bề tin rằng trục trên tay là đồ thật. 

   Trục rằng: 

   “Đảo Tài ghi giữ bút danh
_Thủy Diệp_
 Mở thêm bảng Vàng “Tài Nhân Tấu Nhạc”. Mong Tài vang mãi khúc đờn của thi nhân.” 


   – Tài nhân tấu nhạc… Hay đấy chứ! 

   Bà Hoa cứ ngỡ con trai chỉ đờn hát mua vui, nào ngờ hôm nay nó lại thành Tài. Đến tận khi Diệp Miên Sinh mở trục rồi lên tiếng cảm thán, bà mới vỡ òa, khó kiềm được bản thân.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout