Sau khi từ dịch trạm trở về, Đỗ Lan và Chiêu Dương nói vài câu qua loa rồi nhanh chóng đi về. Bây giờ y phải đi xem xét chỗ dạy học một chút, chuẩn bị kỹ càng để ngày mai bắt đầu dạy học.
Vừa về tới dinh thự thì Đỗ Lan đã thấy Chiêu Hàng vẫn như lúc đầu đứng canh ở cửa, anh ta cúi người chào rồi nói: "Ta đã dọn dẹp sạch sẽ nhà dạy học, thầy có muốn đi xem xét một chút hay không?"
"Được, mời anh." Đỗ Lan nhỏ nhẹ đáp lời.
Chỉ có Chiêu Dương là bĩu môi tỏ ý không vừa lòng, nó chen ngang vào giữa chỗ đứng của Chiêu Hàng và Đỗ Lan rồi nói: "Thầy của ta, không phải của ngươi."
"Ha ha." Chiêu Hàng chỉ cười chứ không nói, anh ta đi phía trước dẫn đường cho Đỗ Lan.
Ba người họ đều bước đi thật chậm, Chiêu Hàng thì lo ngại chân của Đỗ Lan không thể đi nhanh còn Chiêu Dương thì không muốn ai nói chuyện với thầy của mình. Đỗ Lan chỉ có thể im lặng làm theo. Tuy rằng Chiêu Hàng và Chiêu Dương là hai anh em nhưng tính cách thì khác nhau một trời một vực.
Chiêu Hàng điềm đạm, cũng có vài phần lạnh nhạt, cốt cách giống một nông phu hơn là một binh lính, có lẽ xuất thân từ nhà nông. Còn Chiêu Dương thì lại có phong thái hoàn toàn khác, cậu ấm cao quý, kiêu ngạo, cũng có vài phần chống đối người khác. Nhưng dù thế nào thì liên kết huyết thống giữa họ là không thể tránh khỏi. Có lẽ vì biết rõ điều đó, cũng như biết rõ tính cách của em trai không tốt cho nên Chiêu Hàng cũng không chấp nhặt.
Đi sâu vào trong thì Đỗ Lan nhìn thấy đình viện lúc đầu đã được kê thêm hai cái bàn học, một bàn lớn và một bàn nhỏ. Bàn lớn kê trên bậc cao hơn, còn bàn nhỏ để ở dưới, nhìn vào cũng biết ai sẽ ngồi bàn nào. Y đi tới sờ tay lên mặt bàn lớn, bàn được làm từ gỗ tốt, láng mịn và tỏa ra mùi hương dịu nhẹ của tự nhiên. Trên bàn đã được kê sẵn sách, đều là các tập sách cấp cao từ Thuyết Đại Đồng trở lên, đây có lẽ là đoạn kiến thức Chiêu Dương vẫn chưa được học.
Nhưng dường như nghĩ đến điều gì đó, Đỗ Lan trầm ngâm, ngón tay trượt trên mặt bàn cũng dừng lại. Nhìn thấy y đột nhiên im lặng thì Chiêu Dương cũng hiểu thầy của nó lại thả hồn vào mây rồi, nó vòng ra phía trước rồi ngước mặt lên nhìn y. Nó đợi một lát, thấy Đỗ Lan vẫn chưa suy nghĩ xong thì lên tiếng hỏi: "Thầy, thầy lại suy nghĩ đến điều gì nữa rồi?"
Nghe thấy tiếng hỏi khiến cho Đỗ Lan giật mình hoàn hồn trở lại, cầm tập sách trên bàn lên rồi nói: "Huyện này đã có lớp học hay chưa?"
"Chỉ có một lớp học, tuy nhiên chỉ học mặt chữ, xóa mù, bọn họ không học những kiến thức sâu xa như ta." Chiêu Dương nói, nó dường như hiểu ra điều gì rồi đột nhiên nói tiếp: "Thầy muốn dạy những đứa trẻ khác nữa hay sao?"
"Thầy chỉ vừa mới nghĩ đến. Theo như những gì thầy nhìn thấy thì huyện Từ Khê cũng không hẳn là nghèo, cũng không đến mức không có đủ điều kiện cho con cháu đi học, vậy tại sao lại không có trường lớp dạy học chính quy?"
"Huyện nhỏ của chúng ta giáp ranh vùng biên giới, đi về phía nam thêm khoảng năm mươi dặm là đã có thể tới được quân doanh. Thanh thiếu niên của huyện chủ yếu sẽ phải đi lính, việc học tập sẽ không được chú trọng. Hơn nữa chúng ta cách kinh thành quá xa, ai sẽ đủ sức lực và tiền bạc để quyết tâm học hành và thi cử chứ? Chúng ta từ nhỏ đã được định hướng học để xóa mù, không phải để lập nghiệp." Chiêu Hàng đáp lời, lời anh ta nói thì Đỗ Lan cũng đã từng nghe qua rồi, nhưng y không ngờ đây lại là sự thật.
Sau đó Chiêu Hàng lại nói thêm: "Nếu như không phải chúng ta là con của Huyện lệnh thì số phận cũng sẽ giống những người khác thôi. Người duy nhất có triển vọng là út Chiêu, đứa trẻ này bộc lộ tài năng từ nhỏ, em ấy là người duy nhất có thể thay đổi số phận của con cháu huyện Từ Khê về sau. Chỉ cần em ấy có thể tiến vào khoa cử, dù chỉ là văn bằng Cử nhân hay Tú tài thôi cũng đủ để thay đổi cục diện ở nơi này rồi."
"Ngươi nói nhiều thế làm gì? Một kẻ chỉ vừa mới học mỗi Tam Tự Kinh như ngươi mà cũng dám chen vào nói trong miệng của ta hay sao?" Chiêu Dương nghe thấy Chiêu Hàng nói nhiều như vậy thì ngay lập tức đi tới, đẩy anh ta lùi lại phía sau hai bước. Nó vốn không ưa thích người anh trai này cho nên luôn tìm cách chống đối, bây giờ cũng vậy.
"Út Chiêu." Đỗ Lan nhẹ giọng nhắc nhở, sau đó hỏi: "Vậy con biết 'Ngọc bất trác, bất thành khí', sau đó hai câu là gì hay không?"
"Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri nghĩa. Vi nhân tử, phương thiếu thời, thân sư hữu, tập lễ nghi." Chiêu Dương nhau nhảu đáp lại.
(Cho dù đá quý ngọc đẹp nhưng không trau chuốt, đẽo gọt thì làm sao thành món đồ. Người có tài chẳng được giáo dục không tài nào biết lễ nghĩa. Phận làm con, lúc trẻ nên gần thầy hiền, kết giao bạn tốt, học tập lễ nghi.)
Sau khi đọc xong hai câu tiếp theo Đỗ Lan đưa cho Chiêu Dương mới nhận ra bản thân đã làm sai. Ẩn ý của y chẳng khác gì nói tuy rằng Chiêu Hàng chỉ mới học Tam Tự Kinh nhưng biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm; còn nó thì dù đã học lên cao rồi nhưng ngay cả một chút đạo lý của bài học vỡ lòng nó cũng không nắm bắt được. Tuy Đỗ Lan không nói gì cả nhưng nó hiểu hết, thầy của nó đúng là một người nghiêm khắc không gì sánh bằng.
Suy nghĩ đắn đo một hồi rốt cuộc Chiêu Dương cũng chịu cúi người hướng về phía Chiêu Hàng, nó nhỏ giọng nói: "Ta xin lỗi."
"Không có gì đâu, em nói đúng kia mà." Chiêu Hàng vui vẻ chấp nhận lời xin lỗi giống như không có chuyện gì lớn.
Nhưng Đỗ Lan thì lại lên tiếng nói, âm thanh thô cứng, nghiêm khắc: "Xin lỗi vì chuyện gì?"
"Ta..." Chiêu Dương cắn môi, nó không ngờ là y lại cố ép nó tự vạch trần tội lỗi như vậy. Nhưng nhìn vẻ mặt không hài lòng của Đỗ Lan làm cho Chiêu Dương không cam lòng, nó không muốn y nhìn nó với ánh mắt không xem trọng như vậy.
Cuối cùng Chiêu Dương chỉ có thể cắn răng nói ra điều Đỗ Lan muốn nghe nhất: "Ta sai rồi. Là một người có học vốn dĩ không được phép lấy việc bản thân học cao ra để khinh bạc người khác. Ta đã để cho cơn nóng giận hao mòn lý trí, không biết phép tắc, không biết lễ nghĩa, hỗn láo với huynh trưởng."
"Tiếp tục." Đỗ Lan lạnh nhạt nói, nhưng giọng điệu cũng đã hòa hoãn hơn vừa rồi.
Nhưng Chiêu Dương thì lại không biết hai chữ 'tiếp tục' trong ý của Đỗ Lan là gì, nó nhìn y, y cũng nhìn nó, chỉ trong chốc lát vậy thôi mà giống như nó đã có thể hiểu hết được y. Nó nói: "Hương cửu linh, năng ôn tịch. Hiếu vu thân, sở đáng chấp. Dung tứ tuế, năng nhượng lê. Đề vu trưởng, nghi tiên tri. Thủ hiếu đệ, thứ kiến văn, tri mỗ số, thức mỗ văn. Nhất nhi thập, thập nhi bách, bách nhi thiên, thiên nhi vạn, tam tài giả, thiên địa nhân. Tam quang giả, nhật nguyệt tinh. Tam cương giả, quân thần nghĩa, phụ tử thân, phu phụ thuận."
(Hoàng Hương thời Đông Hán mới chín tuổi, mùa hạ nóng nực thì quạt cho cha mẹ được mát, xua đuổi muỗi. Ngày đông lạnh lẽo lấy thân mình ủ ấm chăn gối của cha mẹ. Người thời nay tuy không cần làm ấm chiếu nhưng hiếu với song thân là điều người nên thực hiện.
Khổng Dung thời Đông Hán mới bốn tuổi, khi có người cho một giỏ trái lê, các anh giành lấy trái lê, Khổng Dung lấy sau cùng, chọn trái nhỏ nhất. Em nhỏ phải cung kính anh cả, là cái lý hữu ái, khiêm nhượng, cần phải học cho sáng tỏ.
Đạo lý quan trọng nhất của con người là hiếu với cha mẹ và cung kính huynh trưởng. Thứ hai phải nghe nhiều trông rộng, biết việc xưa nay, ở trong ở ngoài. Ngoài ra còn phải học biết số, biết tên. Từ số một đến số mười, từ số mười đến số trăm, từ số trăm đến số ngàn, từ số ngàn đến số vạn.
"Tam tài" mà người xưa bàn đến là trời, đất và người; "tam quang" là mặt trời, mặt trăng, các vì sao; "tam cương" là vua tôi có trung ái, cha con thân nhau, vợ chồng hòa thuận.)
Ý của Đỗ Lan là muốn Chiêu Dương đọc hết một đoạn Tam Tự Kinh nói đến đạo làm con, đạo làm anh em, ý của y chắc hẳn không phải chỉ nói đến việc nó hỗn láo với huynh trưởng, mà còn cả việc nó không nghe lời răn dạy của cha nó nữa. Sau khi đọc xong, nó chớp mắt nhìn y giống như đang chờ đợi một điều gì đó.
Nhìn thấy dáng vẻ chờ được khen của Chiêu Dương thì Đỗ Lan cũng không nỡ bắt bẻ nó nữa, y nói: "Học, hiểu tốt, cần vận dụng nhiều hơn."
"Ta biết rồi." Chiêu Dương gật đầu, nhưng nó vẫn không quên nói thêm: "Những đạo lý đó ta hiểu, nhưng ta là một con người bình thường mà thôi, ta không phải bậc thánh nhân, ta biết vui, biết buồn, biết hờn dỗi, ta không phải khúc gỗ đâu mà không biết giận dỗi."
"Giận dỗi và khinh bạc là hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau." Đỗ Lan đáp, y giơ tay ra vò lên đầu Chiêu Dương rồi nói tiếp: "Làm sai biết sửa là tốt, đừng canh cánh trong lòng."
"Dạ." Chiêu Dương 'dạ' một tiếng thật to rồi hỏi đến vấn đề đã bị bỏ ngang vừa rồi: "Thầy muốn dạy học cho những đứa trẻ khác hay sao?"
"Một lát nữa thầy sẽ đến xin phép cha con, sau đó thầy sẽ trích ra một ít bạc trong tiền lương để mua sách, giấy, bút cho học trò, bọn họ sẽ được học mà không cần phải tiêu tốn bất cứ một chi phí gì."
"Thầy có thể dạy, nhưng họ học hay không thì không chắc đâu. Vì suy nghĩ lớn lên sẽ đi lính đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi đứa trẻ rồi. Không phải ai cũng có điều kiện để được tiến cử khoa cử, học nhiều nhưng không thi cử thì cũng không giúp ích được gì. Bọn họ thà đi lính, có lương bổng còn hơn là học hành một cách vô nghĩa như vậy." Chiêu Dương nói một cách rõ ràng mạch lạc.
Dù chỉ mới mười hai tuổi nhưng nó lại vô cùng hiểu biết, chuyện gì cũng diễn giải ra được ý nghĩa chính xác và nhanh nhất. Đỗ Lan gật đầu, y nói: "Thầy sẽ nghĩ cách. Xóa mù chỉ là một cách nói chống chế mà thôi. Hơn nữa bọn họ cảm thấy tốn tiền cho việc học nhưng về sau phải đi lính cho nên mới không học, nếu không tốn tiền thì học để hiểu biết, học để thông tuệ, đây cũng là một cách xóa mù."
"Ta cũng sẽ năn nỉ cha ta giúp thầy. Người mà không học thì làm sao có thể nhìn xa trông rộng được, bọn họ cảm thấy cái lợi trước mắt là đi lính sẽ có lương bổng, nhưng nào có hay tài sản quý nhất của họ chính là chữ nghĩa. Tựa như câu 'Tử bất học, phi sở nghi. Ấu bất học, lão hà vi?', đúng không hả thầy?"
(Trẻ con chẳng học chẳng phải lẽ. Lúc trẻ không học, lớn lên sẽ làm được việc gì?)
Nghe thấy Chiêu Dương nói như vậy thì Đỗ Lan càng vui vẻ hơn nữa, đứa trẻ này đúng là viên ngọc sáng, càng mài càng sáng, sáng từ trong tâm. Tuy rằng chỉ là vài câu đứa trẻ nào cũng phải học, nhưng đưa ra câu nói đúng thời điểm, vừa là vận dụng kinh sách, vừa là đạo lý như thế này thì đúng là rất giỏi. Làm thế nào Đỗ Lan có thể để cho một viên châu ngọc như thế này trầm mình ở một huyện nhỏ được, dạy dỗ nó thành tài có lẽ là nguyện vọng lớn nhất đời y vào lúc này.
Y nói: "Đúng vậy. Tử bất học, phi sở nghi."
(Trẻ con không học không phải lẽ.)
-
*Tử bất học, phi sở nghi. Ấu bất học, lão hà vi? Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri nghĩa. Vi nhân tử, phương thiếu thời, thân sư hữu, tập lễ nghi. Hương cửu linh, năng ôn tịch. Hiếu vu thân, sở đáng chấp. Dung tứ tuế, năng nhượng lê. Đề vu trưởng, nghi tiên tri. Thủ hiếu đệ, thứ kiến văn, tri mỗ số, thức mỗ văn. Nhất nhi thập, thập nhi bách, bách nhi thiên, thiên nhi vạn, tam tài giả, thiên địa nhân. Tam quang giả, nhật nguyệt tinh. Tam cương giả, quân thần nghĩa, phụ tử thân, phu phụ thuận. (Trích: Tam Tự Kinh. Dịch Nghĩa: Trẻ con chẳng học chẳng phải lẽ. Lúc trẻ không học, lớn lên sẽ làm được việc gì? Cho dù đá quý ngọc đẹp nhưng không trau chuốt, đẽo gọt thì làm sao thành món đồ. Người có tài chẳng được giáo dục không tài nào biết lễ nghĩa.
Phận làm con, lúc trẻ nên gần thầy hiền, kết giao bạn tốt, học tập lễ nghi. Hoàng Hương thời Đông Hán mới chín tuổi, mùa hạ nóng nực thì quạt cho cha mẹ được mát, xua đuổi muỗi. Ngày đông lạnh lẽo lấy thân mình ủ ấm chăn gối của cha mẹ. Người thời nay tuy không cần làm ấm chiếu nhưng hiếu với song thân là điều người nên thực hiện.
Khổng Dung thời Đông Hán mới bốn tuổi, khi có người cho một giỏ trái lê, các anh giành lấy trái lê, Khổng Dung lấy sau cùng, chọn trái nhỏ nhất. Em nhỏ phải cung kính anh cả, là cái lý hữu ái, khiêm nhượng, cần phải học cho sáng tỏ.
Đạo lý quan trọng nhất của con người là hiếu với cha mẹ và cung kính huynh trưởng. Thứ hai phải nghe nhiều trông rộng, biết việc xưa nay, ở trong ở ngoài. Ngoài ra còn phải học biết số, biết tên. Từ số một đến số mười, từ số mười đến số trăm, từ số trăm đến số ngàn, từ số ngàn đến số vạn.
"Tam tài" mà người xưa bàn đến là trời, đất và người; "tam quang" là mặt trời, mặt trăng, các vì sao; "tam cương" là vua tôi có trung ái, cha con thân nhau, vợ chồng hòa thuận.)
Bình luận
Chưa có bình luận