Ở giữa nơi núi non hùng vĩ, cái rét chết tiệt che phủ tầm nhìn của người thầy trẻ. Mờ ảo cùng với địa hình trắc trở của miền núi, tưởng chừng như đây là cạm bẫy của thiên nhiên đang cố gắng chôn vùi những linh hồn đáng thương ở trần thế.
Chân anh cứ bước, trong đầu cứ văng vẳng về cuộc trò chuyện cách đây mấy tuần trước.
“Thụy, bác An kêu con về chỗ bác chơi mấy bữa kìa.” Mẹ anh cầm cái điện thoại trên tay.
“Chỗ của bác? Là lên núi á hả?” Thụy hoài nghi nhìn mẹ.
“Ừ.” Mẹ anh hào hứng trả lời như thể chuyến đi này là dành cho bà chứ không phải Thụy.
“Con không có muốn thành tiên đâu.” Anh lấy từ trong tủ lạnh ra một hộp kem. “Với lại á, con mới được nhận ở trường khác rồi, sắp phải đi làm đó, không có thời gian du ngoạn hay gì gì đó đâu.” Thụy ngậm miếng kem buốt răng trong miệng.
“Đi đi, bác An hồi trước là giáo viên cắm bản đấy.”
“Lên đó ít nhất cũng bốn năm năm gì đấy mới chuyển công tác được, mà không phải lúc nào cũng có người thay đâu, lỡ kẹt ở đó luôn rồi sao? Chả ai muốn dạy học ở đó đâu mẹ à.”
“Thì con đi đi, còn trẻ còn khỏe. Con nghĩ đi, giáo viên thì phải dạy chữ mà chữ thì đâu phải chỉ có miền xuôi mới được học, con cũng nói là con muốn được nhìn thấy mấy đứa nhỏ học tập trong một ngôi trường hạnh phúc còn gì? Ước mơ của con là vậy mà?”
“Nhưng mà…” Thụy chưng hửng. Phải, anh muốn làm gì đó thật ý nghĩa, anh thương những hoàn cảnh bất hạnh và anh ấp ủ về một tương lai tươi sáng hơn.
“Mẹ không nghĩ là con sẵn sàng cho nghề giáo đâu, con là giáo viên mà ngại cực ngại khổ? Con có gì để mất đâu? Con cũng có thể về thăm nhà vào ngày nghỉ, không thì tìm nghề khác mà làm đi. Những gì con nói nó không giống những gì con làm chút nào hết.”
Cuộc trò chuyện kết thúc với sự im lặng của Thụy cùng sự biến mất của chiếc thẻ tín dụng mà anh đã dành dụm suốt mấy năm trời, có thể nói đó là toàn bộ số tiền anh có được. Cuối cùng thì anh vẫn đi, anh đi vì bị ảnh hưởng bởi lời nói của mẹ, anh đi vì không chấp nhận sự hèn mọn của anh, anh đi vì chính bản thân anh.
“Lạnh quá.” Trời lạnh thật, tiết trời như muốn đông cứng anh vậy, không khí cứ khô quánh lại, hút hết nhựa sống của mọi loài sinh vật. Thụy trang bị đủ đồ nghề, nào là khăn quàng cổ, mũ len, găng tay và một chiếc áo măng tô, trên vai vác cái ba lô to như thể dọn cả nhà của anh ta lên núi.
Răng đập lập cập vào nhau, Thụy lê từng bước chân đến bản, anh thở phào nhẹ nhõm vì ít ra anh ta vẫn còn thở khi đi được đến đây.
Anh thở dài, bước vào trong bản trước ánh mắt tò mò của người dân, băng qua hàng người dài, anh đến nhà của một người bạn thân thiết với gia đình anh ta đã lâu. Thụy dừng chân trước một căn nhà sàn cũ kĩ, mái của ngôi nhà được lợp bằng lá cọ, đường dẫn lên nhà là chiếc cầu thang bằng gỗ, căn nhà nằm ở vị trí phong thủy khi lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng ruộng, trước nhà có ao thả cá, rộng rãi cùng với ba gian và hai chái.
“Thụy hả bây.” Người đàn ông trung niên cất giọng hỏi.
“Con chào bác An” Thụy mệt mỏi quăng chiếc ba lô vào một góc nhà.
Giữa căn nhà là một cái bếp lửa đang bập bùng, kế bên là những trái bắp được treo lên cột nhà, phía trên để rất nhiều đòn gánh xếp thành một hàng ngang. Căn nhà đơn sơ với những tấm vải thổ cẩm vắt bên tường.
“Phòng của mi ở bên cạnh, nghỉ ngơi đi rồi tau dẫn mi đi thăm bản.” Giọng nói Nghệ An của bác An luôn khiến Thụy đinh tai nhức óc. Chưa bao giờ anh thấy tiếng Việt lại khó đến vậy. Tuy vậy nhưng bác An vào trong này cũng đã lâu, không còn dùng nhiều tiếng địa phương như trước, giọng cũng dễ nghe, không quá nặng nên khả năng nghe ở mức độ có thể giao tiếp được.
Đoạn đường dài làm anh mệt lã người, đành gục xuống tấm chiếu ở gần bếp lửa. Nằm nghiêng một bên, mắt anh dán chặt vào ngọn lửa đang nhảy mùa, trong lòng vấn vương chút nỗi buồn, anh buồn, anh thất vọng vì anh không biết anh thực sự muốn gì, anh nghi ngờ về những lý tưởng mà anh cố gắng theo đuổi, những lý tưởng lớn lao nhưng chính anh lại là rào cản lớn nhất cho những mong muốn của bản thân. Anh thấy anh mâu thuẫn, quá mâu thuẫn, anh nhận thấy mình hèn mọn, quá hèn mọn. Những dòng suy nghĩ như cơn sóng vỗ vào đất liền, đưa anh vào giấc ngủ. Đưa anh đến giấc mộng để khỏi phải phiền não về những điều bất mãn trong chính con người anh.
Tối hôm đó Thụy tỉnh dậy, anh thấy ở bếp lửa bập bùng được bày biện rất nhiều đồ ăn xung quanh. Bác An cũng ngồi ở đó, thấy Thụy tỉnh dậy thì ông cười:
“Thấy mi mệt nên tau cho mi ngủ, đợi mi dậy thì trời cũng sập tối.” Bác chỉ tay đến cái tủ gạc-măng-rê cũ. “Lấy tau mấy cái dĩa rồi lại ăn cơm.”
Bữa cơm của Thụy trở nên đạm bạc hơn hẳn, chỉ có cơm lam với muối vừng. Cơm được nhét vào trong ống tre đã bóc hết vỏ ngoài và cắt thành từng ống nhỏ xếp ngay ngắn trên chiếc dĩa lót bên trên một ít lá chuối, kế bên là chén muối vừng đầy ắp. Bác An từ tốn lột phần vỏ bên ngoài, Thụy cũng nhìn rồi bắt chước theo, từng lớp vỏ được lột ra để lộ phần cơm có màu trắng hơi ngả vàng bên trong. Mùi hương của nước tre cùng với nếp quyện lại, mùi thơm ấy cứ quanh quẩn nơi anh, đưa anh vào trạng thái ngỡ ngàng. Anh lấy một hạt nhỏ cho vào miệng, anh chấm cơm với muối vừng. Cái vị ngọt của cơm, dẻo bùi cùng với lớp muối vừng mằn mặn không cầu kì nhưng vô cùng ngon miệng, khắc sâu vào kí ức của những người con miền xuôi như anh. Chắc đây cũng chính là lý do khiến cơm lam trở thành món đặc sản của núi rừng, là tinh túy của đất trời và cũng mang sự khó nhọc của người dân miền núi.
Thụy sau khi ăn cơm lam thì người anh đờ ra, dường như là đứng hình, trong tích tắc anh lại lấy thêm một ống cơm nữa, ngồi hí hửng chấm cơm với muối vừng mà ăn tiếp. Bác An thấy vậy chỉ cười, vì ông thấy được hình bóng của ông ngày xưa, ngày mà ông lần đầu bước chân đến đây và trở thành giáo viên cắm bản. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã phải lòng với con người và văn hóa ở đây, phải lòng với núi rừng.
“Mi có thích ở trên ni không?” Bác An hỏi.
“Con…” Thụy ngập ngừng. “Con không biết...” Anh thở dài, mắt nhìn vào bếp lửa, anh lạc lối mất rồi, câu nói của mẹ vẫn cứ len lỏi trong đầu anh. Anh tự hỏi anh đã muốn công việc này từ bao giờ, chắc là bắt đầu từ khi anh thấy bác An hay là từ khi anh nghe mẹ anh kể về những ước mơ của bản thân?
“Ừm.” Bác chỉ nói vậy rồi thôi. “Mai mi đi dạy rồi phải không? Mai tau dẫn mi đi. Ngủ sớm mai còn đi làm.”
“Dạ…” Nói rồi Thụy nằm xuống, không nhắm nổi mắt, phó thác hết vận mệnh của anh vào buổi đứng lớp ngày mai.
Sáng ngày hôm sau, anh cùng bác An trèo lên dốc để đến trường. Đoạn đường dài và hiểm trở làm Thụy muốn rụng rời cả tay chân, anh cứ theo sau bác An mà thở hồng hộc, hổ thẹn vì thân trai trẻ, khỏe khoắn vậy mà lại thua một ông chú ngoài năm mươi. Thụy thầm thấy bản thân anh thật èo uột.
Ngôi trường đúng như những gì Thụy nghĩ, nhỏ và đơn sơ. Tuy nhiên, một ngôi trường như vậy đã là rất tốt rồi, ít ra nó còn có tôn che chắn. Gọi là trường như đối với Thụy thì nó chẳng khác gì một căn nhà cấp bốn đang xuống cấp cả, tuy may mắn rằng tường được trát vữa nhưng cũng dần cũ kỹ và nứt nẻ đôi chỗ, cả ngôi trường chỉ có một phòng học. Bước vào trong lớp, chính giữa lớp là cái bảng đen lớn, chiếc bàn gỗ trần trụi không có khăn trải bàn và ẩm mốc bên cạnh chất vài hộp phấn trắng, phấn màu. Bàn học của bọn trẻ cũng tương tự, cũ kỹ, cũ đến nỗi nó muốn tan thành từng mảnh nhỏ như bụi, đám học trò thì đã ngồi ngay ngắn vào bàn học, chúng khoanh tay dè dặt nhìn người thầy giáo mới. Chúng nhìn anh bằng con mắt ngây thơ, đôi mắt của chúng như chứa cả bầu trời sao trong dải ngân hà tuyệt đẹp. Thông qua những vì sao ấy, anh biết chúng đang nhìn dáng vẻ tươm tất của anh mà tự thấy bản thân thấp kém, mặc cảm về hoàn cảnh và tự đặc bản thân mình xuống dưới anh.
Với con mắt của người sống ở thành phố nhộn nhịp, Thụy nhìn rõ sự khác biệt của chúng so với những đứa trẻ đủ đầy vật chất ở thành phố, da chúng sạm, quần áo lem luốc nhưng không rách rưới, đứa nào đứa nấy cũng có cái áo khoác dày bên ngoài được các đoàn từ thiện miền xuôi mang tặng. Anh lấy ra từ trong ngăn bàn giáo viên những quyển tập ô li và một hộp bút mực tím loại xóa được phát ra cho chúng nó. Bọn trẻ mừng rơn cầm cuốn vở mới tinh cùng với cây bút mực trong tay mà mắt chúng long lanh, vui như phất cờ trong bụng, chúng lật đi lật lại cuốn tập, lấy tay sờ lên từng trang vở, cảm nhận mùi hương của giấy mới, cảm nhận cảm giác của từng vân giấy chạm vào da thịt.
Thụy bắt đầu viết lên trên bảng những chữ cái đầu tiên, anh cầm viên phấn mà tay cứ run run, hồi hộp vì ngày đầu đứng lớp. Thụy viết bảng chữ cái tiếng Việt rồi chỉ từng chữ một để chúng nó đọc theo, cứ lặp lại ba lần thì anh lại gọi từng đứa đứng dậy đọc.
“Mi có mình hả?” Bác An đứng ở ngoài cửa, trên người mặc chiếc áo cánh ngắn được may bằng vải chàm, cổ đứng, cài khuy vải, không có nhiều họa tiết trang trí. Một loại trang phục truyền thống của người Tày.
“Bác về chỉ để thay đồ thôi đó hả?” Thụy chán nản nhìn bác An.
“Mi nói chi rứa, bộ ni hiếm lắm đấy, chỗ ni quần áo thường còn không có chứ nói chi là đồ truyền thống như ni.” Bác An hơi đượm buồn, hoài niệm về lần đầu tiên ông mặc bộ trang phục này vào mùa rét của rất rất nhiều năm về trước. “Hôm ni ngày đầu mi đứng lớp nên tau mặc bộ ni đấy chớ. Mi có biết tiếng mô, tau ở ni như thông dịch viên của mi.” Bác cười.
Buổi học diễn ra dễ dàng hơn nhờ vào sự giúp đỡ của bác An, Thụy cũng đã cố gắng bập bẹ theo vài từ cơ bản để giao tiếp được với bọn trẻ, anh nắm tay chúng nó, chỉ chúng cách cầm bút rồi cầm tay tụi nhỏ viết từng nét chữ non nớt. Đến giờ ra chơi, bọn trẻ được ra ngoài tự do chạy nhảy, chúng chơi nhảy dây ngoài sân đất cằn cỗi. Anh và bác An thì vội vàng đi nấu bữa trưa cho chúng nó, anh không biết làm gì nhiều, chỉ lóng ngóng thấy bác An làm gì thì làm đó.
Bọn nhóc chơi vui lắm, chúng như có thế giới của riêng mình, chúng đắm chìm vào trong đó, hạnh phúc hơn bao giờ hết. Đó cũng là lần đầu anh thấy chúng cười, lần đầu anh thấy một nụ cười đẹp đến thế, một nụ cười ngây ngô, hồn nhiên và đáng yêu, Thụy nhận thấy rằng dù bọn trẻ có ở đâu đi chăng nữa, dẫu có khốn khó như nào thì bọn chúng vẫn là những thiên thần nhỏ, là ánh sáng không thể phủ nhận. Thụy thẫn thờ nhìn chúng chơi đùa, tiếng cười của tụi nhỏ như xoa dịu anh phần nào.
“Đẹp lắm phải không?” Bác An ngồi cạnh Thụy, dùng đôi mắt phủ bụi thời gian nhìn vào bọn trẻ.
“...” Thụy im lặng. “Có lẽ vậy.” Anh chần chừ.
“Mi làm tau nhớ đến tau ngày xưa.” Bác An hướng mắt xuống mặt đất.
“Ngày xưa?”
“Ừm.” Giọng nói có chút buồn. “Ngày xưa tau cũng là giáo viên cắm bản như mi. Tau cũng không chịu mô, tau cũng chả thích nơi ni, nhưng mà, mi nhìn thử xem chúng nó đáng yêu mà, chúng cũng là tương lai của đất nước mà, đáng để gieo chữ lắm đấy. Rồi tau yêu nơi ni. Sau đó tau gặp vợ tau, là người ở ni, tau yêu vợ tau, tau yêu cả nơi ni, nhưng vợ tau mất đột ngột, tau chưa kịp nói với bà câu chi thì bà đã đi, cũng chả có mụn con nên tau coi mi như con, tau gặp mi từ lúc mi còn chút xíu hề. Giáo viên ta dạy ở trường thường đã khó, giờ ni dạy ở miền núi cao hiểm trở thì cực khổ vô cùng. Tau hiểu mi vì tau cũng từng thế.” Bác An vỗ vai Thụy.
Thụy cũng đã nghe phong thanh chuyện của bác, trước kia bác là giáo viên mang theo trong mình hoài bão cao đẹp nhưng có điều bác An hơn Thụy ở chỗ bác dám nghĩ dám làm, bác xông pha lên núi, giảng dạy trong thời gian dài rồi thành gia lập thất luôn ở đây, ngày đấy nghe nói bác thích bộ đồ dân tộc này lắm, một phần vì vợ bác thích nên cứ mặc suốt như một niềm tự hào, không lâu sau thì vợ bác qua đời vì bệnh từ đó thì bác cũng ít khi nói chuyện với người trong bản cũng chẳng bao giờ khoác trên mình bộ đồ dân tộc nào nữa. Suốt cuộc đời bác luôn cống hiến cho giáo dục nên anh xem bác là thần tượng, một tấm gương để anh noi theo.
Thụy hiểu làm nghề giáo thì anh phải thực hiện nghĩa vụ của mình đó là gieo con chữ, gieo đến mọi miền tổ quốc vì sự nghiệp trồng người đầy gian nan. Có lẽ, Thụy cũng không phải một giáo viên tốt, không phải một giáo viên tâm huyết với nghề như anh vẫn thường nghĩ. Anh cứ nhìn ra ngoài sân, vật lộn với cả mớ suy nghĩ trong đầu. Từ đằng xa, một con bé độ chừng mười hai tuổi đi đến, con bé mang theo bên mình một cái gùi thân tròn được đan bằng nứa. Cô bé cứ cúi gằm mặt, bẽn lẽn hướng đến ngôi trường nhỏ, lẳng lặng bước vào trong lớp. Tóc con bé ngắn ngang vai hơi cháy cùng với làn da ngăm, gương mặt gầy guộc, đôi mắt to tròn, sáng như ngọc, người mang chiếc áo rét màu trắng cũ kỹ. Con bé cúi chào Thụy và bác An, nó tiến đến cuối lớp, ngồi xuống, bỏ chiếc gùi sang bên cạnh. Ngồi nhìn tấm bảng đen như một pho tượng.
Thụy thấy vậy thì mang tập bút lại gần chỗ nó, đặt xuống. Con bé cầm lên, như bao đứa trẻ khác trong lớp, nó sờ từng vân giấy trong cuốn tập, tận hưởng mùi vở mới, vụng về cầm cây bút mực tím có đầu gôm phía trên, mân mê cây bút trong lòng bàn tay, cảm nhận cái lạnh mới mẻ của thân bút. Con bé như rơi vào thế giới của riêng nó. Bác An ra lấy đồ ăn cho bọn nhóc, là đậu hủ kho thì phải, bọn nhỏ nhanh nhẩu lấy chiếc cặp lồng được để ngăn nắp ở cuối lớp mà trong đó chỉ toàn cơm trắng đưa cho bác An để lấy đồ ăn. Chúng có vẻ rất thích món ăn được bác An và Thụy chuẩn bị.
Buổi học lại bắt đầu, mọi việc vẫn diễn ra như thường lệ, bác An thu dọn nồi niêu rồi ra ngoài dọn dẹp để Thụy một mình đứng lớp. Từng đứa trẻ đứng dậy lặp lại những gì anh vừa dạy chúng nó, bọn trẻ dường như rất hứng thú với con chữ.
“Em ở bàn cuối sao không đứng lên đọc bài?” Thụy nhìn xuống cuối lớp, là con bé lúc nãy, nó vẫn cúi đầu cắm mặt nhìn vào cuốn vở, anh nhớ ra từ mà bác An hay dùng để kêu tụi nó đọc bài, anh lớn tiếng, con bé vẫn không chút phản ứng. Vừa bực bội, vừa khó hiểu, anh nhanh chóng đi xuống chỗ con nhỏ, gõ vào mặt bàn, một cái, hai cái, rồi ba cái, tiếng gõ bàn cứ to dần vậy mà con bé vẫn không phản ứng. Anh bực bội định lấy cây thước khẽ vào tay nhỏ nhưng bị bác An ngăn lại.
“Chu choa chu choa, hắn bị câm điếc, mi phải bình tĩnh chứ.” Bác An chạy vội đến, ôm nhỏ vào lòng, nhỏ vẫn cứ nhìn đâu đâu ở dưới đất.
Thụy dừng lại một nhịp, trên tay vẫn còn cầm cây thước gỗ, tròn xoe con mắt nhìn cô bé nhỏ. Nó vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng mà quan trọng gì chứ, nó quý bác An lắm, nó chỉ biết là được bác ôm như này thì thích phải biết.
Buổi học kết thúc, bọn trẻ chào thầy rồi túa ra chạy, mỗi con nhóc kia còn chậm chạp đeo cái gùi trên vai. Cúi đầu chào Thụy và bác An rồi ra về.
“Em…” Anh định nói gì đó nhưng lại thôi, vì có nói thì con bé cũng đâu thể nghe được, anh chậm rãi lấy trong túi ra ba viên kẹo nhỏ, khẽ chạm vào vai con bé, thả kẹo vào tay nhỏ, nó bất ngờ ngẩng mặt nhìn Thụy. Anh không biết phải bày tỏ như nào để con bé biết rằng anh đang xin lỗi chuyện lúc nãy nên chỉ có thể cười một cách ân cần rồi xoa đầu cô bé. Nó cười, nụ cười tỏa nắng khiến Thụy cũng chưng hửng, nhỏ cúi đầu chào, chạy một mạch về nhà. Thụy vẫn đờ ra đó, dường như anh vẫn còn nhìn thấy nụ cười của cô bé nhỏ nhắn kia.
Chạng vạng, hai chú cháu vượt qua đoạn đường hiểm trở về nhà.
“Bác ơi, con bé đó là sao thế?” Thụy hỏi, câu chữ cứ chậm rãi, rề rề như tiếng máy cày vì giờ người đã mỏi nhừ.
“À, con bé đó hả.” Bác An nói, tay đưa chai dầu gió cho Thụy để thoa vào chỗ nhức ở chân. “Hắn tên Giao, nhà ở đâu gần ni, gia cảnh cũng hiu quạnh, hắn câm điếc từ nhỏ hay chi ấy, tau chỉ gặp mẹ nó vài lần chứ không nhiều mô, mà nói chung nghèo lắm. Cái áo hắn mặc là đoàn từ thiện người ta tặng mí năm ni, hắn mặc suốt cái áo nớ nớ.”
“Ra vậy…” Thụy xoa xoa chỗ nhức ở chân, anh liên tưởng đến con bé lúc sáng.
Vậy là hết một ngày dài, anh mệt đến nỗi không ăn được gì, cứ để cái bụng trống rỗng mà ngủ.
“Thụy, Thụy, Thụy à.” Bác An lay người anh.
Thụy lười nhác mở mắt, anh đau nhức cả người vì chuyến đi ngày hôm qua, anh rên rỉ, lật người lại, tiếp tục thiếp đi thì bác An cũng đi mất. Anh dần chìm vào giấc ngủ sâu thêm một lần nữa thì hoảng hồn vì tiếng koong koong của đống nồi niêu gõ loạn xạ vào nhau làm anh phải tỉnh giấc, thức tỉnh khỏi cơn mộng mị.
“Dậy đi, ăn bánh tro rồi đi làm.” Bác An nói, lôi người Thụy dậy.
Thụy ngồi dậy, anh dụi mắt, mơ mơ màng màng ngồi bất động nhìn vào khoảng không vô định, anh lê từng bước chân đi ra ngoài cửa nhìn khung cảnh quạnh hiu, lạnh lẽo của sáng sớm. Hay ghê, tiết trời còn tệ hơn hôm qua nữa. Trời âm u, đợt không khí lạnh ùa về ngày càng rõ rệt khiến anh rùng mình, ngồi trong ngôi nhà sàn với bếp lửa, người anh vẫn lạnh cóng.
“Chừng ni mà mi đã lạnh rồi? Mới đầu mùa thôi, ở lâu còn hơn nữa.” Bác An cười, đưa ly nước ấm cho Thụy. “Mi vầy rồi có đi dạy được không?”
Thụy sực nhớ ra, anh nhớ ra thứ công việc quan trọng của mình, anh lục lọi trong đống hành lý chiếc áo ấm cùng với cái khăn choàng cổ mà anh đã chuẩn bị từ trước. Anh choàng chiếc khăn, che đi gương mặt đỏ ửng vì trời lạnh.
“Mi qua ăn bánh tro”
Anh lật đật đi qua, cầm trên tay cái bánh tro anh nhớ lại trước kia ở dưới miền xuôi người ta bán rất nhiều nhưng anh ít khi ăn, với cả miền xuôi người ta hay gọi là bánh ú tro. Thụy bốc lớp lá tre phía ngoài để lộ phần bánh có màu vàng nâu hơi ngả xanh vì dính màu lá, anh cắn một miếng để cảm nhận cái vị ngòn ngọt, ngọt thanh, ngọt mát cùng với hương nồng của nước tro thêm một chút bùi của đậu xanh tạo nên một món ăn hết sức đặc sắc.
“Bánh ni là tau ngâm nếp với nước tro nên gọi là bánh tro. Bánh ni nhiều nhà ăn vào dịp năm tháng năm âm lịch mà bánh ni là món tau thích nên tau khoái lắm, tau gói để sẵn trong nhà.”
Thụy ăn từ cái bánh này đến cái bánh khác, món này dùng để ăn sáng thì quả thực cũng không ổn cho lắm nhưng thôi vậy. Nhà bác An có gì thì ăn nấy, một cái không đủ thì phải ăn nhiều cái cho no thôi. Ăn xong, anh đưa tay ra phía trước bếp lửa, xoa xoa vào nhau rồi cùng bác lên đường. Trời lạnh thế này anh không biết sẽ có bao nhiêu học sinh có mặt ở lớp nữa, nếu lớp chỉ còn một học sinh thì anh vẫn sẽ dạy, anh sẽ cố hết sức để giảng dạy. Đi được nửa đoạn thì gió bắt đầu nổi lên, gió lớn, gió đến bất ngờ, vì vù tiếng gió thổi xuyên qua từng tán lá, xé toạc cả không gian, tạo ra mớ âm thanh tạp nham, hỗn độn như tiếng gầm của loài thú dữ. Gió che khuất tầm nhìn của người thầy trẻ, khiến anh không nhìn rõ đường đi, bây giờ cũng đã quá trễ để trở lại, hai chú cháu quyết định đi đến ngôi trường để trú tạm. Hai chú cháu lê từng bước nhỏ, chỉ dám hé mắt để nhìn thấy con đường gập ghềnh phía dưới. Gió dịu lại, không còn gắt như trước, đột nhiên dịu dàng như đang vuốt ve một đứa trẻ, dẫu vậy nhưng lại lạnh lẽo chứ chẳng hề ấm áp như người mẹ. Giò thì dịu lại thật đấy, nhưng nó kéo theo mây đen đến, chỉ trong tích tắc, gió ngừng nhưng mưa rơi. Mưa dữ dội, mưa xối xả, Thụy và bác An nhanh chân chạy đi, nhưng có chạy cũng vô ích, đến cuối cùng cả hai vẫn bị mắc mưa.
Ở dưới ngôi trường nhỏ đó, cái bóng đèn chập chờn hiếm có phía trước khiến Thụy trở nên yên tâm hơn. Trong lớp không lấy một bóng người, mưa rơi nặng hạt, những hạt mưa tuy là nước nhưng cứ ngỡ như vài viên đá từ trên trời rơi xuống mái tôn của ngôi trường, ồn ào đến khó chịu. Sắp đến giờ vào lớp, Thụy ngồi nhìn mưa rơi, từng giọt nước mưa rơi xuống rồi bắn lên trên bùn đất, đường về hẳn sẽ trơn trượt hơn rồi đây. Anh ngã người ra sau, thở dài thườn thượt, lấy trong người ra cái bánh tro lúc nãy lén mang theo. Bác An nhìn Thụy, anh hiểu mà, anh lấy ra trong áo thêm một cái nữa, đưa cho bác An. Cả hai nhâm nhi cái bánh tro dưới trời mưa lớn cùng với cơ thể ướt sũng.
Bình bịch, bình bịch tiếng bước chân, chính xác hơn là chạy. Chúng ló đầu lên, một đứa, rồi hai đứa, cả đám trẻ trên người cầm cái áo nilon tự làm, chúng dùng thứ đó để tránh mưa. Chúng chạy cùng nhau. Chúng bất chợt xuất hiện nhìn như những chiến binh dưới cơn mưa, chúng nhìn như những ánh sáng duy nhất ở đây. Chúng chạy ùa về phía trường học, chúng chạy đến bên Thụy, gọi lớn mấy tiếng thầy ơi mà ngày trước chúng được dạy. Anh bất ngờ vì đám trẻ còn nhớ bài cũ, bất ngờ hơn vì chúng lại lặn lội đến đây khi trời mưa. Người của bọn trẻ vẫn ước dù chúng đã cố che chắn, nhưng không sao, chúng quen rồi. Cái thời tiết này đâu phải ngày một ngày hai, đâu phải lần đầu chúng chứng kiến, đã không ít lần chúng dầm mưa như hôm nay. Nhưng hôm nay là lần đầu chúng dầm mưa để tìm con chữ. Thụy bất ngờ, mỉm cười xoa đầu tụi nhóc, cả lớp bước vào trong, ngồi lại vào chỗ học cũ. Đâu lại vào đấy, Thụy nhìn xuống cuối lớp để tìm con Giao, nhỏ cũng ngồi đó, nhìn Thụy.
Lớp học bắt đầu với màn trả bài cũ, buổi học vẫn diễn ra dù tiếng mưa lấn át cả giọng của Thụy nhưng anh vẫn tận tâm giảng dạy, quan tâm bọn nhóc. Anh viết một vài câu đơn giản lên bảng rồi để tụi nhỏ chép vào tập, Giao thấy mọi người làm gì thì nó bắt chước lại y hệt, nó cúi xuống viết, lóng ngóng với cây bút trên tay rồi nguệch ngoạc vài đường cong vẹo trên tập. Nó cứ cặm cụi viết thì bỗng một bàn tay nắm lấy tay nó, nắn nót từng chữ một. Con chữ rõ nét hơn hẳn, đẹp hơn hẳn. Đang viết thì Thụy nắm hai tay của con bé, chụm lại, đặt lên cằm rồi lại xòe ra phía trước như hoa nở, anh ngồi xuống kế bên nhỏ, chạm nhẹ vào vai, Giao nó quay lại, Thụy tiếp tục cầm tay Giao lặp lại động tác lúc nãy, anh lặp lại thật chậm trong miệng bằng tiếng Tày. Anh dạy nó thủ ngữ, thủ ngữ cơ bản mà anh được một người bạn dạy cho.
“Cảm ơn” Anh nói nhỏ.
Giao lập lại hành động ban nãy, nó nhìn nhìn vào đôi bàn tay mình rồi lại lặp lại sau đó nó nhìn lên Thụy. Anh gật đầu như muốn ra hiệu cho nó ý nghĩa của hành động con bé đang làm.
“Cảm ơn.” Anh nhìn nó, nói lại bằng tiếng Tày thật chậm rãi. Anh cố gắng để Giao hiểu được những gì anh truyền đạt lại cho nó.
Anh đưa nó viên kẹo, đôi mắt anh mong chờ, anh mong chờ nó sẽ hiểu được ít nhiều, con bé nhìn viên kẹo trong tay anh một lúc rồi chụm hai bàn tay lại đặt lên cằm sau đó xòe ra phía trước như những cánh hoa đang nở, đôi mắt nó long lanh, ngơ ngác một hồi rồi lại cười tươi. Phải, đúng vậy, đó là cách để Thụy và cô bé giao tiếp với nhau, giao tiếp không chỉ bằng lời nói, đôi khi sự kết nối của trái tim lại quan trọng hơn cả. Thụy xoa đầu con bé, cười với nó lộ ra trong ánh mắt niềm tự hào khi nhìn thấy sự phấn khích của học trò với loại ngôn ngữ mới. Bác An ngồi ở bàn đầu đang rèn chữ cho thằng nhóc khác cũng ngoái đầu nhìn xuống, mỉm cười với khung cảnh ấm áp của hai thầy trò dù cả hai đã ướt sũng.
Sau khi trời tạnh, Thụy lấy ra trong túi rất nhiều viên kẹo gừng được bọc trong giấy bóng kính rồi đưa cho mỗi đứa một viên vì anh sợ tụi nhỏ cảm lạnh. Chúng nó nhận được kẹo thì tươi cười, mặt mày hớn hở cảm ơn Thụy, có nhóc còn ôm anh bất chợt khiến Thụy không kịp trở tay. Anh đưa tay xoa nhẹ đầu thằng nhóc con, ôm nó vào lòng mà anh thấy ấm hơn cả. Anh được sưởi ấm bởi ngọn lửa của tình yêu thương, cái đáng yêu mà ấm áp của bọn trẻ giữa thời tiết khắc nghiệt chính là thứ đã an ủi anh phần nào đồng thời khiến anh càng thêm kiên định theo đuổi thứ hoài bão của chính bản thân.
“Bác An.” Thụy gọi. “Con nghĩ ước mơ của con chính là bọn trẻ, con muốn thấy tương lai của tụi nhóc. Đây là hoài bão thực sự của con.” Anh nhìn lên bầu trời vàng nhạt ở phía đỉnh núi, mắt anh sáng lên sự nhiệt huyết và quyết tâm, anh như gửi gắm toàn bộ cuộc đời của mình vào từng chiếc lá của miền núi, vì một tương lai của ngày mai.
“Ừm.” Bác An cười, ông nhìn Thụy, đôi mắt hơi híp lại.
Sáng sớm, trên nương đã có bóng dáng đôi ba người cặm cụi ở phía xa, dưới chân núi là vài chú tiều đang nhặt củi. Mái tóc ngắn, làn da ngâm cùng với cái gùi tròn được đan bằng nứa đeo ở phía sau lưng trong bộ quần áo từ thiện cũ kỹ. Giao giờ này nó đã lên nương rồi đấy, lên nương rồi lại đi chẻ củi, gánh nước, có lúc lại thấy nó ngồi nhà trông em nhỏ, lúc sau thì lại thấy nó ngồi quay sợi, người lúc nào cũng dính với cái gùi tròn. Nhà nó nghèo, ba mẹ thường vắng nhà, vì nghèo nên ai cũng phải làm việc, không làm ít thì làm nhiều, Giao cũng vậy, nó cũng phải làm, không nặng thì nhẹ. Nhỏ bị điếc khi lên năm, nó mất khả năng nghe vì cơn bạo bệnh cũng từ đó mà nó không nói chuyện nữa, không biết là nó còn nói được hay không nhưng người trong bản cứ mặc định rằng nó là đứa trẻ câm điếc. Nhỏ đang ngồi quay sợi ở trước nhà thì thấy thằng Thống hấp tấp chạy lại.
“Thầy Thụy bệnh rồi, qua nhà thầy xem sao.” Nó la lên rồi mất dạng.
Con Giao thì có biết gì đâu, vì nó không nghe được nên nó vẫn ngồi quay sợi vừa dòm vào nhà trông thằng em nhỏ. Thống quay lại, dường như nó biết vừa nãy mình đã bỏ lỡ điều gì, Thống chạy thẳng lên nhà, đứng trước mặt con Giao, miệng thở hổn hển, nó chuyển sang trạng thái chạy tại chỗ sau đó kéo tay con Giao đi. Thống nắm chặt đôi tay của con Giao, nó chạy băng băng theo con đường mòn, gió thổi nhẹ đám cỏ khiến chúng lao xao. Hai đứa nhóc dừng chân lại một ngôi nhà sàn cũ kĩ, chúng chạy thẳng vào trong. Thụy nằm dài trên sàn, người chảy đầy mồ hôi, trên đầu chườm khăn ấm, kế bên là một thau nước, Thụy đắp chăn kín người, mắt mơ mơ màng màng mất tỉnh táo. Phía ngoài cũng có nhiều đứa nhỏ khác đứng ngóng vào trong, tụi nhỏ toàn là học trò của Thụy không đó.
“Hắn sốt rồi.” Bác An lắc lắc đầu.
Mới hôm nào còn lo lắng cho tụi nhỏ sẽ cảm vì trời mưa mà quay qua anh đã sốt lúc nào không hay. Anh ho khụ khụ, người thì cứ nóng rang, đầu nhức inh ỏi như bị cả triệu cây kim nhỏ ghim vào. Thống đưa cho Bác An ít lá tía tô nhà nó trồng được.
“Mi xuống phụ tau.” Bác An xách cổ áo thằng nhỏ.
Giao ngồi xuống gần Thụy, lấy chiếc khăn trên trán đã lạnh lại đem bỏ vào thau nước, ngâm ngâm rồi vắt khô đặt lại lên trán anh. Nó lấy từ trong áo ra viên kẹo gừng mà trước đây anh cho nó, bóc lớp giấy kính bên ngoài, Giao nó nhét kẹo gừng vào miệng của Thụy, chẳng dịu dàng chút nào cả, suýt nữa thì viên kẹo đã kẹt lại ở cổ họng rồi. Anh ho mạnh hơn nữa, mệt mỏi nhìn sang Giao.
“Cảm ơn.” Anh nói bằng thủ ngữ.
Giao nấm lấy tay Thụy, vụng về viết lên tay anh từng chữ cái một “Không có gì” anh mở to mắt, chẳng hiểu sao con bé lại biết vì anh chưa dạy nó câu này bao giờ cả. Anh nắm lấy tay con bé viết lại “Không có gì ạ” rồi nhìn nó cười, Giao ngồi viết lại mớ kí tự đó lên tay, con bé lẩm bẩm trong miệng.
Thống từ lâu đã nhìn hai thầy trò nói chuyện, cậu nhóc nhìn dáng vẻ tập trung và mừng rỡ của con Giao khi học được ngôn ngữ mới mà đắm đuối, nó bám vào thành cửa như thằn lằn bám tường, đờ đẫn nhìn cô bé ngoài kia. Thống nó là một trong số ít những đứa trẻ nói được tiếng Kinh ở đây, vì ba mẹ nó vốn là người Kinh mà. Gia đình nó có gốc ở đây nhưng Thống lại đẻ ở xuôi nên tiếng Kinh nó không gặp trở ngại gì, sau này bà nó bệnh thì gia đình lại chạy ra đây săn sóc cho bà chắc cũng đã hơn bốn năm rồi. Thống với con Giao gần nhau nên cả hai cũng trở thành bạn từ đó, nhưng nó không nói chuyện nhiều với con bé được, Thống đã cố dạy Giao tiếng Kinh suốt mấy năm qua rồi. Giao viết vẫn chưa sõi vì gần đây có lớp học nên mới có bút vở mà tiện học thôi.
Chiều tối thì bọn nhóc cũng tảng đi bớt, Giao nó đã về từ lâu vì nhà còn em nhỏ. Còn mình thằng Thống ở lại với bác An và Thụy, nó là một cậu bé đầy đủ, về tình cảm hay vật chất. Nhà nó không giàu nhưng cũng không nghèo, đủ để nó hạnh phúc, mái tóc ngắn, làn da sáng hơn so với những đứa trẻ khác, từ khi đứng lớp lần đầu thì anh đã nhận thấy sự khác biệt. Thằng bé thông minh, sáng dạ, đôi mắt sáng, năng động và quyết tâm, đáng yêu, có chút ngông cuồng chỉ trong vài lời nói và cử chỉ.
“Thầy ơi” Thống mở lời. “Em cũng muốn học ngôn ngữ ký hiệu.” Nó nói, đặt tô cháo bên cạnh.
“Thầy biết.” Thụy nhắm mắt, anh biết tỏng, anh nhìn thấu từng cử chỉ, ánh mắt của thằng nhóc đối với Giao. “Nhưng thầy không giỏi ngôn ngữ ký hiệu đến vậy đâu, chắc thầy phải về xuôi một chuyến.” Anh chậm rãi mở mắt, nhìn sang Thống.
“Dạ…” Thống gật đầu. “Thầy có muốn em đút cháo cho không?” Nhóc phá vỡ sự im lặng, ậm ừ mở lời.
“À, không cần đâu, thầy tự ăn được.” Thụy cười, xoa đầu thằng nhóc.
“Thầy ăn rồi uống ly nước kế bên nha.” Thống đẩy ly nước đến.
“Ừm.” Thụy trả lời, mắt dán vào thứ nước đen ngòm mà thầm lo sợ.
“Thầy ăn đi.”
“Chút thầy ăn.”
“Không được đâu, ông An nói em phải coi thầy có ăn hay không.” Thống quyết tâm ngồi lì bên cạnh Thụy.
Thụy ăn xong tô cháo thì ngay tức khắc Thống lại “dâng lên” ly nước với thứ chất lỏng đen ngòm đó. Thụy đổ mồ hôi hột, mắt láo liêng.
“Mà…nước gì vậy?” Anh lo lắng.
“Dạ nước lá tía tô.” Thống bình thản trả lời.
Thụy nuốt nước bọt, chuẩn bị cầm ly nước lên uống. Vị nước hơi cay cay, mùi thì…chẳng biết nói làm sao cho đúng, nó hăng và nồng nữa, hậu vị của nó đắng, đối với Thụy là đắng nghét, anh nhăn mặt, gục đầu tựa vào vách tường. Hồn lẫn phách đều bay mất.
“Thầy yên tâm, không chết được đâu.” Thống dọn dẹp, gọn ghẽ đứng dậy.
Thụy đau đớn, không phải đâu về thể xác mà đau về tinh thần. Trước khi đi thằng quỷ nhỏ còn thả lại một câu lạnh sống lưng khiến anh dường như suy sụp.
“Thầy ăn nem măng đắng không?” Thống hỏi.
“Nem măng đắng?” Thụy nhướng một bên chân mày.
“Ừm, món đó ngon số dách luôn, mới lần đầu ăn là em đã ghiền rồi.” Thằng nhỏ nhảy dựng lên, hào hứng khi nói về “chuyên môn” của nó.
Bác An từ trong bếp bưng ra mấy dĩa đồ ăn, trong đó là xôi ngũ sắc cùng với nem măng đắng và hoa kè nhồi thịt.
“Gì vậy?” Thụy nhìn mâm đồ ăn thịnh soạn hơn mọi ngày.
“Bữa ni có thời gian, tau nấu nhiều món cho bây ăn.” Bác cười.
“Món gì đây?” Thụy chỉ tay vào dĩa hoa kè nhồi thịt.
“Ni là hoa kè nhồi thịt, lấy hoa, bỏ nhụy, rửa sạch rồi mi nhồi thịt vô.”
“Rồi còn cái này?” Anh chỉ tay vào chỗ xôi đủ màu.
“Nó là xôi á, mà có nhiều màu hơn thôi. Màu này là từ cây lá của tự nhiên đó. Em nghe nói là nó tượng trưng cho ngũ hành.” Thống nhồm nhoàm miếng nem măng đắng và hoa kè nhồi thịt, nó giơ tay ra định lấy thêm miếng xôi.
“Ni là nem măng đắng, món ni tau khoái nhất, tau lấy măng vầu đắng rồi tau đem luộc một chút với muối cho bớt chát. Nhân làm từ thịt gà, nem ngon hay không ấy là ở gà, phải chọn gà tơ, gà đồi, băm nhỏ hắn ra, băm cả xương, thịt, sụn và gân của hắn. Trộn với lá hẹ, củ kiệu, gói vào lá măng rồi mang chiên.” Bác An nhìn vào dĩa nem với ánh mắt tự hào.
Thụy bỏ cả bông hoa sẫm màu vào miệng, anh thưởng thức hương vị thơm ngon của thịt được tẩm ướp vừa phải, thịt không bị khô, mềm như tan trong miệng. Quyện cùng cái đắng nhẹ của hoa kè khiến cho những người mới ăn lần đầu khó mà quen được. Nhưng cũng vì sự kết hợp đặc biệt mà khó ai có thể quên được món ăn dân dã này trong phút chốc. Mắt Thụy sáng rực, anh là một người không thể kiềm chế khi nhìn thấy đồ ăn ngon dù cho cơn sốt đang hành anh lên bờ xuống ruộng.
“Thầy, thầy, thầy ăn nem đi.”
Thụy ăn thử nem măng đắng, nem giòn, sần sật lớp vỏ ngoài và có chút đắng cùng với thịt gà ngọt, béo trong khoang miệng, mùi thơm của gia vị càng kích thích vị giác của anh nhiều hơn.
“Cây măng đắng có một câu chuyện mà tau hay được người lớn kể khi ngồi ăn món ni bên bếp lửa giống ri. *Rằng ngày xưa có một chàng trai tên Khôm - có nghĩa là đắng và nàng Ban ở làng bên, xinh đẹp được nhiều người để ý” Thụy và Thống ngồi nhìn chăm chú, miệng cứ nhồm nhoàm ăn. “Ban yêu chàng Khôm tài ba nhưng cha hắn lại đem hắn gả cho ông nhà giàu khác, hôm trước ngày cưới cả hai bỏ chạy lên rừng mà bị người nhà đuổi theo thế là cứ chạy cho đến khi kiệt sức, họ ôm nhau mà chết như lời nguyện thề sẽ mãi không rời xa. Sau chàng trai hóa thành cây tre thẳng tắp, mọc lên loài măng đắng. Cô gái trở thành loài hoa trắng muốt gọi là hoa Ban.”
Bác An kết thúc câu chuyện, ông ngước nhìn hai đứa cháu đang há hốc mồm. Mắt chúng dường như rưng rưng, chúng không ngờ rằng món ăn ngon này lại kèm theo câu chuyện bi đát đến thế, dù là vậy nhưng chỉ vài giây sau chúng lại tiếp tục nhồm nhoàm miếng nem măng đắng khiến bác An không thể nhịn cười.
Việc ngồi ăn nem bên bếp lửa bập bùng và nghe câu chuyện về tình yêu giữa nàng Ban cùng chàng Khôm cũng được xem như là một món đặc sản không thể thiếu mà người lớn trong bản thường kể cho tụi nhỏ nghe, câu chuyện cổ tích này giống như một món ăn kèm theo góp phần khắc sâu hơn vào tâm trí của bọn trẻ.
“Cây măng ni cũng có lúc ngọt, ngọt khi mầm măng còn ở dưới lớp đất vì vậy mà người ta thường đào phía dưới gốc tre để mong tìm được loại ni nhưng hiếm lắm mới có được. Măng đắng ngược lại, người ở ni có kinh nghiệm rằng khi Ra Giêng nghe tiếng sấm thì cũng là lúc loại măng ni xuất hiện nhưng vì mọc cũng nhiều nên hắn rẻ bèo.”
Thụy và Thống gật đầu lia lịa, họ thích cái cảm giác được ngồi bên bếp lửa rồi nghe những câu chuyện xưa gọi là kinh nghiệm dân gian mà cha ông truyền lại vô cùng. Vì vốn những câu chuyện ấy chứa đựng rõ ràng nhất văn hóa và bản sắc của Việt Nam cũng như các dân tộc khác nhau sẽ có cho mình sự tích khác nhau nhưng chúng đều có điểm chung. Chúng đều là truyền thống của đất nước.
Bữa cơm với những tiếng trò chuyện rôm rả là điều ấm áp nhất, họ nói chuyện cho đến tận đêm khuya và thiếp đi mất.
Vài ngày sau thì Thụy trở về miền xuôi, có lẽ vì thứ ngôn ngữ ký hiệu, có lẽ vì Giao, có lẽ vì đám học trò trên miền núi. Anh trở về, tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, những người anh đủ thân để nhờ vả.
“Cũng được, mục đích của tao khi học thủ ngữ cũng là vậy mà.” Người đàn ông gật gù.
Thụy cùng với người đàn ông ngồi ở quán cà phê vỉa hè vào lúc sáng sớm, trên tay cầm ly cà phê đen đá đặt lên chiếc bàn nhựa, chen vào tiếng rêu rao bánh trái từ nhiều nơi. Thỉnh thoảng chỉ có vài người lớn tuổi tập thể dục vào lúc sáng chạy qua.
“Sẵn đây thì qua chỗ mái ấm chút đi.” Anh ta nói, miệng ngấu nghiến mấy viên đá lạnh.
Cả hai đến mái ấm, nơi dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi hay đúng hơn là bị vứt bỏ. Chúng được tìm thấy ở bất cứ đâu, người ta vứt chúng như vứt rác, quẳng vào trong một xó xỉnh nào đó rồi bỏ đi. Mấy đứa nhỏ lễ phép, chào hỏi từng người một, Thụy đi cùng những người bạn khác của anh, cả bọn đã định sẽ đến mái ấm đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Thụy mua khá nhiều quần áo cho bọn trẻ, cùng với một ít đồ chơi nữa.
“Em chào anh.”
“À, chào em.” Thụy hơi bối rối.
“Em đi chung với mọi người á, em cũng học Sư Phạm, em năm cuối rồi.”
“Ra vậy…” Anh trả lời đại khái.
“Em nghe nói anh là giáo viên cắm bản hả?”
“Ừ.”
“Em ngưỡng mộ anh thật đó, không phải ai cũng làm giáo viên cắm bản đâu.”
“Cảm ơn em…”
“Em xin dữ lắm anh mọi người mới cho em đi theo, mấy anh chị ai cũng giỏi hết. Sau này em cũng muốn trở thành một giáo viên giống mọi người, không ngại cực, không ngại khó, nhiệt huyết và tận tâm với nghề.” Thi cười.
“Anh…cảm ơn.” Thụy ngập ngừng, anh hơi hổ thẹn vì vốn ban đầu anh cũng không “vĩ đại” đến vậy.
Sau đó anh phát quà cho chúng, chúng cũng tặng quà cho anh. Bọn trẻ tặng anh cái ôm, chúng vẽ tặng anh những bức tranh tuyệt đẹp, tụi nó hôn anh, cười với anh, tụi nó cảm ơn anh và tụi nó yêu anh. Đó là quà của chúng nó tặng cho anh. Anh biết ơn, anh vui, tim anh tan chảy, anh lưu lại hình ảnh của cả bọn trong điện thoại, lưu lại hình ảnh trong trái tim.
“Mấy đứa nghe lời, chăm ngoan học giỏi nha.” Thụy phát quà, anh xoa đầu từng đứa một.
Chiếc xe mười bốn chỗ lăn bánh trên con đường mòn, Thụy trở về nhà sau một thời gian vắng mặt.
“Con về rồi.” Anh mệt mỏi, ngã xuống chiếc ghế trường kỷ ở phòng khách.
“À, Sao? Chơi vui không?”
“Cũng được, mà mẹ làm như con đi chơi không bằng.” Thụy thở dài.
“Thôi khỏi đi ông ơi, lúc đầu còn nhè lên nhè xuống, giờ khoái rồi chứ gì.” Mẹ anh cười, chọt chọt vào người anh.
“Mà tự nhiên mẹ kéo con lên đó làm gì vậy? Có ai muốn con mình cực khổ ở trên núi đâu?”
“Có tao nè.” Mẹ anh cười phá lên, anh cũng đã quen với việc này rồi. “Thì đó là cốt lõi của nghề giáo mà, gieo chữ. Mẹ muốn nhìn con tạo nên tương lai.” Mẹ anh nói, bà đưa lại cho anh chiếc thẻ tín dụng.
“Định ở bao lâu?”
“Mai con về liền chứ, sao mà ở lâu được.” Anh với lấy cái điều khiển, trên tivi lúc này là bản tin thời sự, đại khái nói về vụ mưa bão nào đó, anh dừng lại một chút, anh mơ hồ nhận ra sự quen thuộc cho đến khi bản tin đề cập đến nơi đã gánh chịu cơn bão. Thụy choàng tỉnh, anh lật đật xách theo mớ hành lý mà anh còn chưa kịp dọn ra, anh lao nhanh như tên bắn, lòng như lửa đốt.
Vào khoảng bốn rưỡi năm giờ sáng.
Anh không vào được trong bản, anh lẫn vào trong đám đông vây kín bên ngoài nhưng không thành, anh chỉ còn cách lẩn quẩn ở mé ngoài, người cứ thấp thỏm không yên. Anh dường như bị cô lập, chẳng biết rõ ràng chuyện gì đang xảy ra bên trong. Chết rồi, bao nhiêu người? Chỉ mới tìm thấy ba người, đám đông đông la lên mỗi khi tìm thấy ai đó dưới đống đổ nát, họ truyền tai nhau từ người này đến người khác, anh lặng người, mồ hôi anh đổ dẫu trời chẳng nóng, tay giữ chặt bịch đồ mà anh mua cho con Giao, đồ chơi cho thằng Thống cùng với cuốn sách tham khảo về ngôn ngữ ký hiệu. Bạn anh cũng ở đó, anh ta cau mày, nắm chặt tay.
“Vậy mấy người đó chết hết hả thầy?” Cô học trò nhỏ hỏi anh.
“...” Anh im lặng, ngẫm nghĩ một hồi rồi nhoẻn miệng cười. “Không.”
Ngày hôm đó có lẽ là ngày anh nhớ nhất, Giao, bác An và Thống được tìm thấy, may mắn rằng chẳng ai phải mất mạng cả, dù vậy thì sau khi tỉnh dậy con Giao với Thống cũng rất hoảng, tụi nó ôm anh chặt đến nghẹt thở. Nhưng không sao, Thụy thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết vì anh đã gặp lại chúng nó. Vì chúng nó vẫn an toàn.
“May quá…”
Một thời gian dài sau đó ngôi trường được tu sửa khang trang và vững chãi hơn, cung cấp đủ cơ sở vật chất thiết yếu cho việc giảng dạy. Thụy dừng chân ở miền núi mấy năm trời, anh giảng dạy cho đến khi con Giao sử dụng được thủ ngữ nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, cũng như khả năng đọc hiểu của con bé cải thiện thì chính là lúc có người được bổ nhiệm đến thay anh. Anh đề đơn lên trên để thuyên chuyển công tác, anh cũng biết việc thuyên chuyển không thể xử lý trong ngày một ngày hai nên sau từng ấy năm cũng không phải quá bất ngờ.
“Con sẽ quay lại.” Anh nói với bác An như vậy, anh cũng quay sang Giao.
“Em cũng sẽ về xuôi học, bà em cũng mất rồi, gia đình em đang thu xếp, em nhất định sẽ gặp lại thầy.” Thống nói với vẻ mặt quyết tâm.
Giao nắm lấy tay anh. “Em muốn trở thành bác sĩ.” Nó nói với anh bằng thủ ngữ, nhỏ cảm ơn rồi cũng tạm biệt anh.
Ở lớp học, bọn nhỏ chạy lại ôm vào eo Thụy, nức nở và buồn bã.
“Anh còn nhớ em không?” Thi hỏi anh.
“Sao mà anh quên em được.” Thụy cười.
“Mấy đứa nhỏ giao cho em đó nha.”
“Anh yên tâm.”
Cả hai chia tay nhau sau cuộc gặp ngắn ngủi, anh trở về xuôi và tiếp tục việc dạy học.
“Oa, thầy đỉnh quá, sau này em cũng muốn trở thành giáo viên giống thầy.” Con bé nói.
“Vậy thì phải ráng học cho giỏi đó nha.” Anh xoa đầu con bé.
Anh thầm mừng vì cuối cùng anh đã thực hiện được thêm một mục tiêu nữa, một mục tiêu song song với việc gieo chữ. Đó là thắp sáng ước mơ cho các em.
* Sự tích về cây măng đắng có nhiều dị bản nhưng nói chung nội dung của câu chuyện là như vậy, tên của người con gái trong câu chuyện là Bok, Bun (Ban) và chàng trai là Khum (Khôm).
Bình luận
Chưa có bình luận