Hai: Hậu


Những dải khói mỏng trượt dài như lụa, âu yếm lấy ngón tay của một người phụ nữ có vẻ đẹp kiêu sa. Nàng dùng tay miết nhẹ chiếc chén tinh xảo trong tay, tựa như đang đăm chiêu suy nghĩ điều gì quan trọng lắm. Trà ướp sen còn thơm mùi non mới, tuy nịnh mũi nhưng cũng chẳng thể làm dịu đi sự mệt mỏi hằn lên khuôn mặt của nàng. Khép hờ mi mắt, nàng chậm rãi buông chén để rồi ném vào thinh không một tiếng động khe khẽ.


– Ý lệnh bà ra sao?


Trần Thị Dung không đáp lại câu hỏi đó, nàng nhìn Trần Tự Khánh, đôi mắt không vui nhưng môi vẫn nở nụ cười.


– Thái úy cứ từ từ thưởng trà, hà tất phải vội vàng đến thế.


Tự Khánh cau mày, tỏ vẻ không vừa ý với câu trả lời dường như chẳng hề liên quan của em gái. Lý Hạo Sảm bệnh nặng không có thuốc chữa, lại chỉ có hai người con gái tuổi còn thơ dại. Nhà Lý có thể nắm giữ ngai vàng bao lâu, ông tin Trần Thị Dung chẳng phải loại ngu ngốc tới mức không biết được. Mấy năm nay ông chinh chiến sa trường, đánh đông dẹp bắc, cuối cùng cũng đợi được đến ngày mà con rồng cũ trên ngai đang mấp mé bờ tàn suy. Đường tới Thăng Long đã gần như quang cây quang cỏ, chỉ cần một cơn mưa để tráng sạch lối đi về. Tự Khánh cầm lấy chén trà, lắc nhẹ.


– Hiển Đạo Vương vừa tuổi thiếu niên, đã am hiểu binh thư lại dũng cảm đĩnh đạc, nó có gì không vừa ý lệnh bà, xin lệnh bà cứ nói thẳng.


– Hiển Đạo Vương có một người cha như Thái úy, tất nhiên ta không còn chỗ nào để chê.


– Vậy lệnh bà còn điều gì khúc mắc mà không thể trả lời thần ngay?


Trần Thị Dung, một lần nữa, lại im lặng. Đương nhiên nàng hiểu ý Tự Khánh, nàng biết ông đang suy tính những gì. Thứ ông nghĩ, nàng cũng đã dự từ lâu. Nhưng không phải bây giờ, nàng rót thêm trà vào chén, sau đó lắc đầu.


– Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh. Muốn thưởng trà ngon đã không đơn giản, việc định hôn cho công chúa lại càng không đơn giản. Trên đời, chuyện gì cũng phải đợi đến khi thích hợp. Trà cũng vậy, Hiển Đạo Vương cũng vậy, ta cũng vậy, mà Thái úy cũng vậy.


– Ý lệnh bà là…?


– Ta tin Thái úy hiểu. Thái úy là người sắc bén, Những việc nhỏ nhặt thế này, chắc chắn ngài sẽ biết cách giải quyết cho gọn gàng.


Trần Tự Khánh dường như suy nghĩ, rồi ông cầm chén trà lên uống cạn, cười khà khà.


– Ý của lệnh bà thần đã hiểu, nếu lệnh bà không còn dạy chuyện gì nữa, vậy thần xin phép.


Tự Khánh đi rồi, Thị Dung mới thở dài ngả người vào ghế. Nàng lấy tay bóp trán, mệt mỏi cất tiếng gọi người hầu. Con hầu vừa mới vén rèm, nàng đã sai nó đổ trà đi.


Trà, người, người, trà. Thị Dung bật cười, nếu cứ đổ đi là hết thì đơn giản biết bao.


*


Tên nội thị đang gà gật trước cửa tẩm điện giật mình bởi cái vỗ nhẹ của người bên cạnh. Gã dấm dúi “lệnh bà đến” rồi lại cúi đầu. Thực là lệnh bà đến, nàng không nhìn đám nô tài, chỉ nói một câu ngắn gọn:


– Thưa với bệ hạ, ta mang thuốc đến cho bệ hạ dùng.


Tên nội thị nghiêng người đẩy cửa:


– Bẩm lệnh bà, bệ hạ có lệnh riêng lệnh bà thì không cần xin phép ạ.


Trần Thị Dung mỉm cười, một nụ cười không hề thật. Nàng bước vào, cánh cửa đóng lại, chặn đi nguồn sáng gần như duy nhất của căn phòng vốn đã tối và nồng nặc mùi thuốc. Thuốc Bắc, thuốc Nam, đủ cả, nhưng không một thần dược nào có thể níu giữ ánh mặt trời ở lại. Bởi hoàng hôn là cái tất yếu để kết thúc một ngày dài, và ban mai sẽ lại đến, cũng tất yếu như hoàng hôn đó vậy thôi. Chiếc đèn dầu bé nhỏ hắt lên tấm bình phong những điệu nhảy múa kì dị, Thị Dung nhìn vị Hoàng đế đương triều đang thiêm thiếp trên long sàng, đáy mắt nàng dường như thoảng qua một giọt cảm xúc vô danh. Nàng nhớ lại, lâu lắm, cái ngày mà ngài đưa nàng trốn đi trong đêm để tránh khỏi sự truy đuổi của Thái hậu, hình như ngài cũng trông mệt mỏi thế này. Nàng lắc đầu. Mệt mỏi? Người ở trong Hoàng cung này có ai là không mệt mỏi đâu? Từ con hầu đến nội thị, từ cung phi đến đại thần. Mấy ai đứng trước ngai vàng mà còn nở được một nụ cười chân thật? Thị Dung cúi đầu, đến khi ngẩng lên đã chẳng còn vẻ suy tư nữa. Nàng liếc con hầu, nó hiểu ý liền gọi Hoàng đế dậy.


Và ngài tỉnh, tỉnh sau một giấc mộng dài nặng nề những vàng bạc và tình thân. Kiến Gia biết Hoàng hậu đã tới, ngài ngẩng đầu để nhìn người đàn bà trông hơi xa lạ, nhìn từ phía ngài, thật không thể nhìn ra cảm xúc mà nàng đang che giấu, hoặc thực ra là nàng chẳng che giấu cái gì. Ngài cười, một nụ cười nhạt thếch. Phải, ngài là “con bệnh”, còn có ai muốn lại gần đây? Hoàng hậu chăm sóc ngài, không phải vì nàng còn tình với ngài, mà bởi vì ngai vàng trên cao kia vẫn mang họ Lý. Kiến Gia cất tiếng, giọng khàn khàn:


– Hoàng hậu có lòng rồi.


Hoàng hậu đúng thật có lòng, nhưng lòng gì thì chỉ có mình nàng biết. Thị Dung ngồi bên long sàng, dịu dàng dâng thuốc săn sóc ngài với một đôi mắt lấp lánh ánh đèn dầu. Giọng nàng ngân nga mà duyên như đang hát, hình như trong suốt bao nhiêu năm vẫn chưa từng thay đổi:


– Xin bệ hạ thứ lỗi cho thiếp vì đã phá ngang giấc ngủ của ngài, nhưng đến giờ dùng thuốc rồi ạ, bệ hạ ngồi nghỉ, để thiếp hầu ngài.


– Nàng vẫn khiến người ta dễ chịu như thế. Ở bên nàng trẫm như được bé lại vậy, chỉ nằm ngửa và chờ người ta đến vỗ về.


Bàn tay cầm chiếc thìa ngọc của Thị Dung hơi khựng lại trong giây lát, rồi nàng lại thưa dạ như chưa từng nghe thấy câu nói có phần sâu độc kia. Kiến Gia cũng bình thản uống hết từng thìa thuốc, dẫu sao ngài cũng chẳng lấy gì làm mặn mà dù cho Trần Thị Dung có phản ứng khác đi chăng nữa. Ngài giờ chỉ còn là một kẻ bệnh nằm thoi thóp trên giường rồng, ngài không thể làm ai sợ, lại càng không thể tỏ vẻ đường bệ với ai. Kiến Gia nhăn mặt. Chén thuốc đắng hay do miệng ngài đang đắng? Đắng vì giang sơn, đắng vì trách nhiệm, đắng vì thứ tình thân giả dối chốn hoàng triều. Ngài cười, ngài giễu cợt dáng vẻ què quặt, thảm hại của mình. Sảm ơi là Sảm! Ngươi cũng chỉ là một con bệnh, một con bệnh nan y! Cả đời, ngươi còn lại gì ngoài một con bệnh nan y?


Tiếng cười giòn giã ấy còn vương theo tà áo của Hoàng hậu mãi cho đến khi bị cắt đứt bởi cánh cửa đang đóng lại.


Màn kịch này, nếu họ Trần muốn Kiến Gia diễn, thì ngài chắc chắn sẽ diễn cho đến khi tàn cuộc. Chậm rãi nghiêng người sang chậu cây cảnh trên bàn, ngài nôn ra hết thứ thuốc nóng hổi vừa mới uống. Họ Trần loan tin, Hoàng đế chẳng may mắc một trong tứ chứng nan y. Hoàng hậu hết lòng vì Hoàng đế, cho người tìm thầy thuốc khắp nơi về chữa trị mà bệnh của người mãi không thuyên giảm. Bệnh phong. Căn bệnh khiến cơ thể ta lở loét và tay chân ta dần rụng cụt. Căn bệnh kinh tởm mà một khi dính vào thì phải chịu cảnh chết trong hắt hủi cô đơn. Ngài bật cười, thật là một màn kịch hay mà người trong cuộc ai cũng hết lòng vì vai diễn. Họ nhập tâm đến nỗi có đôi khi ngài còn hoài nghi chính mình. Hay ngài có bệnh thật? Hay ngài sắp chết thật? Nếu không sao giọt nước mắt của Hoàng hậu lại chân thực thế? Nếu không sao nếp nhăn trên trán Thái úy lại càng ngày càng sâu thêm?


Kiến Gia cười chua xót. Ngài ngã xuống giường, mắt nhắm lại để rồi lại nhớ về những ngày rất xa. Xa lắm. Cái đêm mà Lý Oánh chào đời, ngài từng mong con bé là hoàng nam biết bao. Giờ ngẫm lại, nam hay nữ thì cũng vậy. Để cơ ngơi nhà Lý đi đến bước đường này, lỗi do ngài vô dụng không thể duy trì vinh quang mà tổ tông vất vả vun vén. Bản thân ngài đã không thể làm nên nghiệp lớn, làm sao đủ tư cách dưỡng dục con nên người? Ngài thấy mắt mình nóng lên, tiếng cười ngây thơ của con gái vọng về từ ký ức khiến lòng ngài nặng trĩu. Giữa chốn bão giông với những kẻ sống người chết, hai cô Công chúa của ngài như hai viên ngọc lấp lánh trong gió mưa. Chỉ có chúng mới thật lòng đối xử với ngài, vậy mà sau cùng, chính ngài lại phải tính kế lên người chúng. Cổ họng ngài khô khốc, Hoàng đế mắc bệnh phong, hai Công chúa tất nhiên có muốn cũng không được vào. Ước gì, ngài nghĩ, ước gì ngài có thể gặp Oánh và Hinh ngay lúc này.


Ngài muốn nghe chúng gọi “phụ hoàng” một lần nữa.


*


– Phụ hoàng! Phụ hoàng này.


Lý Oánh đang ngồi chơi hoa giấy, nghe tiếng Thiên Hinh reo lên thì giật mình nhìn ra cửa. Em ngỡ cha đến, đã lâu rồi em và Hinh không được gặp người. Nghe mẹ nói người bị bệnh nặng lắm, không một ai được phép vào thăm, bởi nếu tiếp xúc với cha sẽ bị lây ngay lập tức. Người được vào chỉ có mẹ và các thái y vì có y phục bảo hộ. Bẵng đi một thời gian không được gọi hai tiếng “phụ hoàng”, Lý Oánh cũng quên mất thì ra mình đã xa người lâu đến vậy. Tình thân trong Hoàng tộc vốn đã nhạt nhòa, nay dường như càng thêm mỏng manh hơn trong nhận thức của cô bé mới lên năm tuổi. Nhưng tình cha con ấy là cái sinh ra đã có, dù có xa cách đến đâu thì trong lòng ít nhiều vẫn sẽ nhớ thương. Cũng như em bây giờ, vội vã ra cửa ngóng trông hình dáng uy nghiêm của Hoàng đế.


– Phụ hoàng, chị ơi, phụ hoàng!


– Phụ hoàng ở đâu? Sao chị không thấy?


Thiên Hinh tóm lấy góc áo của Lý Oánh, giơ con búp bê trong tay ra, reo:


– Phụ hoàng đây này.


Lý Oánh ngẩn người, vú San – vú nuôi của em – nghe thấy vội trách Thiên Hinh:


– Công chúa, người không được nói như vậy đâu ạ.


Con bé nghe xong thì tiu nghỉu cúi gằm mặt. Lý Oánh ôm Thiên Hinh vào lòng, chừng như an ủi, cũng chừng như bảo vệ. Trong “nhà”, người em yêu thương nhất chỉ có Thiên Hinh. Em biết mình là chị lớn, trách nhiệm của em là yêu thương em gái thật nhiều, thay phần cha, lại thay phần mẹ. Từ khi Lý Oánh có nhận thức cho tới giờ, chưa lúc nào em cảm thấy mẹ mình gần gũi. Vú nuôi dạy bảo em ngoan ngoãn, bởi ghế phượng mà mẹ có không phải ai cũng có thể ngồi. Người còn phải lo an nguy xã tắc, lại phải lo cả phú quý giang sơn. Lý Oánh không hiểu lời bà nói, nhưng trông nét mặt của bà, em biết hẳn đây là chuyện phức tạp lắm. Còn cha, bây giờ chính em cũng không thể nhớ rõ khuôn mặt của ông nữa. Em biết mình chỉ có Thiên Hinh, mà Thiên Hinh cũng chỉ có mình. Nghĩ tới đây, vòng tay ôm em gái của em lại vô tình siết chặt hơn một chút.


– Vú đừng mắng Hinh nữa.


Thiên Hinh nép vào lòng chị như một con chim nhỏ. Hình như con bé cũng sợ vú San giận dữ, mắt nó mở to và hơi ươn ướt. Lý Oánh khéo dỗ, Thiên Hinh mới lại vui vẻ chơi đùa. Tiếng ríu rít vươn khỏi cửa điện, vang xa mãi, ngân một nốt trong trẻo khiến lòng người thấy vui thêm, tựa như một khắc trời quang trước khi lại nổi cơn giông bão. Khuôn mặt của vú San giãn ra, nhưng đáy mắt bà lại mang nhiều tâm sự. Nhìn hai đứa trẻ ngây thơ như vậy, bà thầm ước giá như chúng chỉ sống trong một gia đình nông dân bình thường. Bà cũng từng là kẻ ở miền quê, cũng từng nghe những người quanh năm chân lấm nói về cuộc sống giàu sang nơi đế đô xa tít tắp. Nhưng đến khi bước chân vào Cấm thành mà người đời ca tụng, bà mới hiểu thế nào là “trong ra không được, ngoài ngờ là vui”. Quyền lực là hòn than đấy, nóng bỏng tay. Nhưng Hoàng cung lúc nào cũng rét lạnh, không có than, người ta không thể sống. Họ đứng ở hai phía khác nhau, để ngưỡng mộ và khát vọng cuộc sống của nhau. Có lẽ cái khác biệt lớn nhất của người khoác áo gấm và kẻ mặc áo nâu là ở chỗ ấy.


Vú San rồi sẽ qua đời trong thanh thản, bởi Công chúa nhỏ mới là trách nhiệm của bà. Nhưng Công chúa nhỏ lại phải sống cả đời trong dằn vặt, bởi mấy đời giang sơn nhà Lý lại chính là trách nhiệm của Công chúa.


– Về sau thần sẽ không mắng Công chúa nữa.


Câu nói này, cả hai đứa trẻ đều không nghe thấy. Bà cũng không muốn chúng nghe thấy, chỉ đưa cho Thiên Hinh một quả bóng gỗ khắc hình hoa sen, cũng là đồ chơi mà Thiên Hinh thích nhất. Lý Oánh thích thú nhìn em nghịch quả bóng tí hon trong khoảng sân rộng lớn, mỗi lần như thế nom em vui vẻ như một chú mèo con vậy. Bỗng, bóng lăn ra ngoài. Thấy Thiên Hinh định chạy ra nhặt, Lý Oánh vội ngăn:


– Để chị nhặt cho, em ở đây với vú nhé.


Bóng lăn đến bậc cửa thì bị chặn lại. Em nhặt quả bóng lên, vừa ngẩng đầu liền thấy một cậu con trai đứng phía xa đang nhìn. Cậu ta có đôi mắt và lông mày hơi xếch, có vẻ rất nghiêm. Y phục trên người cũng sang trọng lắm, phỏng chắc không phải kẻ hầu. Tò mò, Lý Oánh cất tiếng gọi:


– Ngươi là ai thế? Đi lạc à? Đây không phải chỗ mà ngươi được vào đâu.


Cậu trai kia bật cười, đáp:


– Bẩm Công chúa, Hoàng đế cho thần vào.


– Hoàng đế? Hoàng đế cho ngươi vào đây làm gì?


– Thần vào thăm cô ruột ở trong này.


Lý Oánh tò mò:


– Cô ruột của ngươi là vị cung phi nào thế?


Thiếu niên kia cúi đầu:


– Thần là Hiển Đạo Vương Trần Hải, con trai lớn của Thái úy đương triều. Cô ruột của thần là Hoàng hậu, cũng là thân mẫu của Công chúa.


Thái úy đương triều? Ra là tên này có họ hàng với Lý Oánh. Em bĩu môi, ngày gì mà hết bác rồi đến hắn ta vào cung thăm mẹ em thế? Vậy mà em lại không bước chân vào được cung Tịnh Nhã. Hơi tủi thân, Lý Oánh đâm ra thấy ghét cái mặt đang cười cười kia, đúng thật là không thể khiến người ta yêu được.


– Vậy thì đi đi.


Trông bóng lưng của Công chúa nhỏ, Trần Hải thu lại nụ cười chẳng lấy gì làm vui vẻ ấy. Hắn nhớ đến lời cha nói, rằng hắn phải tận tâm với Hoàng hậu hơn nữa và lại phải càng tận tâm với hai Công chúa của người, nhất là Công chúa lớn. Chép miệng, hắn lại đi, chuyện của người lớn hắn cũng chẳng để ý làm gì. Cha hắn là bậc hiển hách, lời cha dạy cứ khắc ghi trong lòng là được.


Còn Vú San, bà trông thấy Lý Oánh đứng ngoài cửa một lúc lâu mới trở vào, mặt không vui thì hỏi liên tục. Em bĩu môi, đem chuyện gặp Trần Hải kể cho bà biết. Vú San nghe xong, nhẹ nhàng xoa đầu em, không nói thêm câu gì. Chỉ có điều, trong đầu bà cứ văng vẳng câu ca dao mà bà từng nghe được ở quê nhà.


Cá trong lờ đỏ hoe con mắt,


Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô.


Tung tăng như cá trong lờ,


Trong ra không được, ngoài ngờ là vui.”


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}