Chương 56: Tình Ngay, Lý Gian



Tôi về nhà tới nay đã ba bữa rồi, mà vẫn chưa đi đâu chơi hết. Chắc tại xa nhà lâu ngày nên tôi đâm ra quyến luyến không muốn đi đâu, chỉ muốn ở nhà cho thỏa nỗi nhớ nhung. Lúc tôi còn học ở Sài Gòn, cũng phải hai, ba tháng mới về nhà một lần, nhưng lần này cảm giác rất khác. Hồi đó, tôi muốn về nhà lúc nào thì về, muốn đi đâu thì đi. Còn bây giờ tôi có chồng rồi, không thể giống như hồi còn con gái muốn làm gì thì làm được.

Tôi đi ra nhà sau, trước đây chỗ này là nhà kho cũ, cha tôi cho người dọn dẹp sạch sẽ rồi bày biện bàn ghế để dạy chữ cho con của tá điền. Ngày nào cũng vậy, cha tôi dạy con nít tới chừng hơn mười giờ thì cho chúng nó về. Từ hồi cha tôi thôi không làm Cai tổng nữa, tôi ngó thấy cái trí của ông thơ thới, sắc mặt cũng hồng hào hơn nhiều. Người hiểu thì kính nể cha tôi hết thảy, nói ông làm như vậy là phải lắm, cũng có người nói cha tôi đang đương chức, bỏ không làm nữa thì uổng quá, nhưng cha tôi cũng chỉ cười rồi thôi, chứ không thèm đôi co với họ làm chi.

Mặt trời đứng bóng, mấy đứa ở trong nhà ai làm việc nấy, đứa thì kiếm chỗ nằm nghỉ ở sau hè, đứa thì lục đục dọn dẹp. Tôi đi tới đi lui một hồi rồi mới vô buồng nằm nghỉ. Tới đầu giờ chiều, tôi đi xuống bếp, thấy dì Bảy đang chuẩn bị cơm nước nên tôi đi lại định phụ giúp.

“Ngày mai dì đi chợ sớm, dì mua giùm con hai con cá trê nghen dì.”

“Bộ cô Hai tính nấu món gì hay sao?” Dì Bảy hỏi lại.

“Con tính nấu cá trê kho tộ.”

Dì Bảy hình như nhìn ra điều gì đó nên cười nói: “Có phải là dượng Hai thích ăn không cô?”

“Dạ phải.” Tôi mắc cỡ gật đầu.

“Coi bộ cô Hai thương dượng Hai dữ hén.”

Tôi che miệng nôn khan. Chắc tại hồi sáng tôi ăn cá bị mắc xương nên giờ cổ họng vẫn còn cảm thấy khó chịu, thành ra từ nãy tới giờ cứ thấy muốn nhợn* hoài.

(*) nhợn: tình trạng họng có vật cản, cảm giác khó chịu ở họng dẫn đến buồn nôn.

Dì Bảy mặt mày hớn hở: “Bộ cô Hai có rồi hả?”

“Có? Mà có cái gì hả dì?” Tôi khó hiểu hỏi lại.

Dì Bảy không trả lời, mà cứ nhìn chằm chằm bụng của tôi hoài. Lúc này tôi mới hiểu ý của dì ấy nói là gì, dở khóc dở cười nói: “Chưa. Con chưa có.”

Trên mặt dì Bảy lộ ra sự thất vọng: “Cô Hai làm tui cứ tưởng…”

Tôi cười trừ cho qua, đứng dậy đi lại bàn rót nước uống. 

Tôi cũng mong là có.

Dì Bảy thấy tôi có ý né tránh nên không hỏi nữa mà tiếp tục làm công chuyện của mình.

Tới hơn ba giờ chiều, tôi sửa soạn thay đồ để chuẩn bị theo Huỳnh Trung đi dự tiệc. Mặt trời dần ngả bóng, gió thổi mát rượi, ngoài đường người và xe qua lại nườm nượp. Cơ ngơi của nhà Hội đồng Thành bề thế, được xây theo lối kiến trúc Pháp nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của người Việt. Hôm nay nhà Hội đồng Thành đãi tiệc nên người ra vô tấp nập, đèn đuốc sáng trưng, nam thanh nữ tú dập dìu ăn bận đẹp đẽ từng tốp nối đuôi nhau khiêu vũ. 

“Bình đó phải không?”

Tôi quay đầu lại nhìn, thấy một người đàn ông chừng hai mươi tuổi, mặt mày sáng sủa, bộ tướng mạnh mẽ, mình mặc bộ âu phục may thiệt khéo. Tôi ngó mặt anh ta có chút quen quen, nhưng nghĩ hoài cũng không ra rốt cuộc là đã gặp ở đâu rồi, mơ mơ hồ hồ hỏi lại: “Anh là…”

“Tôi là Hoàng Khải, con của ông giáo Thứ đây.”

Tôi nhìn người đàn ông trước mặt mình. Đúng là anh ta nhìn quen mặt thiệt. Tôi ngó tới ngó lui một hồi, mới nhớ ra người nọ là bạn cũ đã lâu không gặp của mình.

“Trời đất, bây giờ ông khác quá. Tôi dòm hổng có ra đó chớ.”

Hoàng Khải thấy tôi nhớ ra mình thì mặt mày hớn hở, rồi khựng lại hồi lâu giống như vừa nhớ ra chuyện gì đó: “Tôi nghe người ta nói Bình lấy chồng ở xứ khác rồi mà. Sao Bình vẫn còn ở Vĩnh Long?”

Tôi cười nói: “Thì tôi lấy chồng rồi. Chồng tôi chở tôi về đây thăm cha, sẵn đến dự tiệc của nhà ông Hội đồng Thành luôn.”

“Cũng lâu dữ hén, mới đây mà tụi mình bãi trường gần cả năm rồi. Tôi tưởng Bình sẽ học cao lên nữa chứ, không dè đùng một cái tôi nghe Bình đi lấy chồng. Tôi nhớ hồi còn đi học Bình học rất là giỏi.”

“Đúng rồi. Thầy còn khen tôi thông minh nữa.” Trả lời Hoàng Khải xong, tôi mới nhận ra có gì đó là lạ: “Ủa, mà tôi với Khải học chung với nhau hồi Tiểu học, nhưng sau đó tụi mình đâu có học chung lớp nữa đâu. Sao Khải biết hay vậy?”

Hoàng Khải nghe tôi hỏi thì hơi giật mình, nhưng rất nhanh sau đó đã trả lời: “Thì Bình học giỏi xưa giờ mà, đâu cần phải học chung mới biết được?”

Chừng Hoàng Khải đi rồi, Huỳnh Trung mới đi lại gần, anh nói nhỏ vào tai tôi: “Người nọ có ý với em đó.”

Thật ra không chỉ Huỳnh Trung, mà tôi cũng cảm nhận được ánh mắt Hoàng Khải nhìn mình có gì đó không bình thường. Chỉ là người ta không nói, thì thôi, mình cứ coi như không biết là tốt nhất. Dù sao, tôi cũng không thể đáp trả lại tình cảm của người ta, nếu không nói ra, thì ít ra chúng tôi sẽ không khó xử với nhau.

Tôi đi theo Huỳnh Trung gặp mặt vài người bạn, chào hỏi mấy câu. Có mấy người hạn đứng ở phía xa cứ ra hiệu gọi Huỳnh Trung lại, nhưng lần nào anh cũng lắc đầu từ chối. Tôi quay qua nói nhỏ: “Anh lại đó nói chuyện với bạn anh đi. Em thấy trong này hơi ngột ngạt, em ra ngoài hóng gió một lát.”

“Để anh đi cùng em.”

“Không cần đâu. Anh qua đó nói chuyện với họ đi, biết lần sau gặp lại là khi nào đâu.”

Hai người chúng tôi cứ nói qua nói lại một hồi, cuối cùng vẫn là Huỳnh Trung bị tôi thuyết phục. Tôi đi ra ngoài, sau đó ngồi xuống chiếc xích đu được đặt ở góc vườn. Gió thổi hiu hiu, phả nhẹ vào mặt mát rượi. Tôi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, ánh trăng sáng vằng vặc, mang theo thứ ánh sáng đẹp đẽ lạ thường rọi xuống mặt sân.

“Chị Ba!”

Nghe giọng của Hoàng Đăng, tự nhiên tôi thấy bất an ghê gớm. Tôi thở ra một hơi để lấy bình tĩnh rồi mới quay đầu lại.

Đây rốt cuộc là nghiệt duyên gì vậy không biết?

Thấy Hoàng Đăng đang đi lại gần thì tôi lên tiếng hỏi: “Sao dượng Tư lại ở đây?”

Hoàng Đăng thấy thái độ xa cách của tôi, lại nghe thấy gần đó có tiếng người nói chuyện nên không đi lại gần nữa: “Con trai lớn của ông Hội đồng Thành là bạn của tôi, cậu Hai mời tôi đến chơi. Tôi không dè là vợ chồng anh chị Ba cũng ở đây.”

Tôi dè chừng nhìn Hoàng Đăng: “Có chuyện gì không dượng Tư?”

“Tôi có chuyện muốn nói riêng với chị.”

Tôi đứng dậy, lùi về phía sau mấy bước để né tránh: “Nếu dượng có chuyện muốn nói với tôi, mà lại lựa lúc không có chồng tôi ở đây để nói riêng thì ắt không phải là chuyện chánh đáng.”

“Xin chị đừng ngạo tôi nữa.”

Tôi thấy hai mắt Hoàng Đăng đỏ ngầu, ánh mắt lờ đờ, tôi đoán chắc nãy giờ anh ta ở trong đó đã uống không ít rượu nên không dám nói gì quá mức, sợ sẽ làm anh ta mất bình tĩnh rồi làm bậy: “Dượng muốn nói cái gì thì nói lẹ đi. Tôi với dượng đứng ở đây lâu bị người ta dòm thấy thì không hay đâu.”

“Anh muốn hỏi em có còn thương anh không? Miễn là em còn thương tôi, thì dẫu phải chờ bao lâu tôi cũng sẽ chờ.”

Tôi nghe Hoàng Đăng hỏi vậy thì hết hồn: “Dượng Tư, tôi mong dượng ăn nói cho cẩn thận. Bây giờ dượng không thể xưng anh với tôi được đâu.”

“Bình, ở đây làm gì có ai, tại sao chúng ta phải xưng hô với nhau như vậy?”

Hoàng Đăng bước lại gần, anh ta bước bao nhiêu bước thì tôi lùi lại bấy nhiêu bước. Chưa được mấy bước đã đến đường cùng, mùi rượu xộc vào mũi làm tôi nhăn mặt, lúc nãy đứng cách xa như vậy mà tôi đã ngửi rất rõ rồi, bây giờ đứng gần mùi rượu nồng nặc giống như là anh ta mới vừa ngâm mình trong hũ rượu vậy. Tôi khó chịu che mũi: “Dượng đã uống bao nhiêu rượu rồi vậy?”

Bất thình lình, Hoàng Đăng nắm chặt lấy cổ tay tôi: “Bình, cả đời này anh chỉ thương có một mình em thôi.”

Tôi hoảng hồn, vội vàng hất tay anh ta ra: “Dượng hãy giữ phép tắc giùm cho. Nếu như có ai dòm thấy, thì tôi với dượng chết chắc.”

“Anh không quan tâm. Anh chỉ muốn nói với em. Anh muốn chúng ta trở lại giống như trước đây, được không Bình?”

Tôi tức tới ứa nước mắt, cố gắng lấy lại bình tĩnh rồi nói bằng giọng lạnh tanh: “Dượng không nghĩ cho mình, thì làm ơn làm phước nghĩ giùm cho phận tôi. Dượng là đờn ông, người ta cùng lắm chỉ nói dượng phong lưu, đa tình. Còn tôi là phận đờn bà, miệng đời rủa xả chịu làm sao thấu hả dượng?”

Hoàng Đăng không trả lời tôi, không biết là anh có nghe rõ lời tôi nói hay không, hoặc có khi là anh đang cố tình không hiểu.

“Năm xưa dượng đã từng phụ rẫy một người đờn bà rồi, bây giờ dượng lại tính phụ rẫy một người đờn bà khác nữa hay sao? Dượng coi hôn nhơn là cuộc giả dối, còn hôn thú chỉ là một tờ giấy lộn, không có ý nghĩa gì hết hay sao?”

Bị tôi chửi, nên Hoàng Đăng bắt đầu tỉnh trí. Bàn tay đang nắm chặt lấy tay tôi dần buông ra, tôi sợ quá nên vội vàng lùi về phía sau mấy bước để né tránh: “Tôi hỏi dượng câu này. Dượng có từng thiệt lòng thương cô Tư hay không? Dù chỉ là một chút thôi cũng được.”

“Không!” Hoàng Đăng trả lời không chút do dự.

Tôi ngó thái độ bạc bẽo của người nọ, thì thấy chạnh lòng giùm cho cô Tư Quyên: “Nếu sự thiệt như lời dượng nói, thì suy nghĩ của dượng về đạo vợ chồng kỳ cục quá. Dượng có vợ rồi mà trong trí cứ nhớ nhung tới người đờn bà khác, ấy là dượng quấy lắm. Dầu cho dượng không thương cô Tư, nhưng giờ hai người đã là vợ chồng, không có tình, thì cũng có nghĩa. Tôi mong dượng hãy dẹp bỏ cái thứ tình cảm này đi. Cô Tư là vợ của dượng, dượng nên toàn tâm toàn ý đối đãi với cổ mới phải.”

Thấy Hoàng Đăng không còn tỉnh táo, tôi sợ đứng ở đây lâu, rượu ngấm vô người rồi anh ta không kiềm chế được mà làm ra chuyện sai quấy, nên ba chân bốn cẳng chạy lẹ vô trong, không dám đứng ở đó nữa.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout