Chương 46: Chín Bỏ Làm Mười


Thành ngữ "Chín bỏ làm mười": chấp nhận bỏ qua, châm chước cho những lỗi lầm, giận hờn để cùng nhau vun vén cho hiện tại và tương lai.

Lúc vợ chồng tôi lên tới nhà trên, thì cha chồng tôi đã ngồi sẵn ở đó rồi. Tự nhiên tôi thấy bất an ghê gớm, cái cảnh này hình như quen quen. Phải rồi, giống y như lần trước lúc cha chồng tôi gọi cả nhà lên nhà trên lúc nửa đêm vì chuyện vợ chồng cậu Hai Nhân.

Dù chưa rõ cha chồng gọi chúng tôi lên nhà trên là vì chuyện gì, nhưng trong vô thức cả tôi và Huỳnh Trung đều không dám hó hé câu nào mà đứng yên một góc cúi đầu nhận lỗi. Ông uống một ngụm trà rồi đốt thuốc hút, mặt mày đăm chiêu như đang có chuyện gì khó nghĩ.

Cứ như vậy không ai nói với ai câu nào, cha chồng tôi không nói, còn vợ chồng tôi thì không dám hỏi. Hồi lâu sau, ông mới lên tiếng: “Người mình xưa giờ coi chuyện đờn ông có nhiều vợ là bình thường, nhưng hai đứa cũng biết, cái nhà này không chấp nhận cái chuyện tằng tịu có vợ lớn, vợ nhỏ.”

Tôi và Huỳnh Trung cúi đầu nghe lời cha chồng dạy. Lúc đầu tôi cũng thắc mắc tại sao cha chồng tôi lại gay gắt với chuyện này như vậy, nhưng có lần tôi nghe dì Mười, người làm công cho nhà họ Huỳnh, kể lại rằng hồi xưa ông nội chồng tôi có tới bảy bà vợ, mà cha chồng tôi lại là con của vợ nhỏ, chứng kiến má ruột cùng em trai của mình bị người ta hại chết, cùng những đấu đá, tranh giành của các bà vợ trong nhà nên ông mới sinh ra ám ảnh, sợ cảnh nhà không được êm ấm, sợ con cái bị người ta hại chết mà không rõ lý do.

Lại thêm chuyện dây dưa năm xưa của ông với hai người đàn bà, gây ra biết bao nhiêu chuyện, rắc rối này lại chồng lên rắc rối khác, nhiêu đó thôi chắc cũng đủ làm ông ám ảnh cả đời rồi.

Từ hồi về đây làm dâu, cha chồng tôi chưa bao giờ nặng lời hay đối xử bất công với tôi, nhưng không biết tại sao tôi vẫn luôn trong vô thức nể sợ ông ấy.

Tôi dè chừng không dám lên tiếng, Huỳnh Trung thì khác. Cha chồng tôi vừa nói dứt câu, anh đã trả lời lại ngay: “Cha nói cái gì, con nghe hổng hiểu.”

Cha chồng tôi đập mạnh cây ba-toong xuống đất: “Mày đừng tưởng là tao không biết. Hổm rày tao thấy mày ra khỏi nhà từ lúc trời còn chưa sáng, rồi tới khuya lơ khuya lắc mới chịu vác mặt về nhà, vợ chồng thì gặp nhau không nói năng chi hết, y như người dưng nước lã. Lần nào tao hỏi, vợ mày cũng nói đỡ cho mày, nhưng tao không tin. Tao hỏi thằng Năm thì biết công chuyện trong tiệm hổm rày không nhiều, để thủng thẳng* rồi làm cũng được, chớ không gấp tới mức mày phải làm ngày làm đêm như vậy.”

(*) thủng thẳng: thong thả

Huỳnh Trung im lặng không trả lời, ngay cả tôi cũng không biết nên nói chuyện này thế nào.

Cha chồng tôi giận lắm, ông đặt mạnh ly trà xuống bàn: “Bây giờ tao không nói vòng vo làm chi nữa. Mày muốn cái gì thì mày nói huỵch toẹt** ra luôn đi, đặng tao còn biết đường tính nữa.”

(**) huỵch toẹt: nói hết ra, không phải bóng gió

Cha chồng tôi hiểu tánh tình con trai mình, nên ông hỏi thẳng Huỳnh Trung luôn chứ không hỏi tôi, mà dù ông có hỏi, thì tôi cũng không biết phải giải thích chuyện này như thế nào.

“Cha, cha cũng biết tánh ý con thế nào mà.”

“Hay là… hay là mày ở bên ngoài lén nuôi nhơn tình nhơn ngải gì rồi phải không? Chuyện của vợ chồng thằng Hai đã làm tao mệt trí lắm rồi. Nếu bây giờ vợ chồng bây cũng phân rẽ nữa, thì chắc tao phải bỏ xứ tao đi, chứ tao không còn mặt mũi nào sống ở cái xứ này nữa.”

Huỳnh Trung không nhìn tôi, anh nói bằng giọng quả quyết: “Cha, đời này con chỉ có một mình Bình là vợ con thôi.”

Tôi nhìn anh, không biết vì sao trong lòng lại dâng lên một cảm giác ấm áp lạ thường.

Cha chồng tôi nghe Huỳnh Trung nói vậy thì thở ra một hơi, có vẻ nhẹ nhõm lắm, giọng nói cũng trở nên nhỏ nhẹ hơn: “Vậy thì tốt. Chuyện này vợ chồng bây tự tính với nhau đi. Có hiểu lầm chi đó thì nói cho rõ ràng. Nhớ cho kỹ, nhà này cấm tiệt chuyện có hai vợ, càng không có chuyện đi nuôi nhơn tình nhơn ngải ở bên ngoài. Nghe chưa?”

Tôi với Huỳnh Trung đứng đó nghe ông dạy dỗ một hồi, đúng là cũng thông suốt được nhiều thứ.

Đúng lúc này, cậu Hai Nhân từ trong buồng đi ra, quần áo bàu nhàu, tóc tai chôm bôm. Đúng là cậu Hai Nhân làm nhiều chuyện khiến tôi không ưa, nhưng tôi phải công nhận anh ta là người rất biết chải chuốt, ăn diện. Tôi chưa từng thấy dáng vẻ lôi thôi lếch thếch này của cậu Hai Nhân bao giờ. Tuy là ngày thường cậu ta có hơi bất cần, nhưng lại là người coi trọng bề ngoài, bộ dạng này đúng là khó mà hình dung được.

Ông Hội đồng liếc nhìn cậu 'quý tử', gằn giọng hỏi: “Mày đi đâu đó?”

“Con đi rước vợ con.”

Tôi nghe vậy thì hết hồn, không dám tin vào những điều mình vừa nghe thấy. Cậu Hai Nhân cuối cùng cũng nghĩ thông rồi à? Thiệt lòng mà nói, tôi cảm thấy cậu Hai Nhân đã làm khổ mợ Hai Hòa quá nhiều, đâu thể coi những chuyện đó như chưa từng xảy ra được. Nếu là mợ Hai Hòa trước đây, có lẽ mợ sẽ rất vui mừng khi tình cảm bao năm qua cuối cùng cũng nhận được hồi đáp, có lẽ mợ sẽ dễ dàng tha thứ cho cậu, nhưng bây giờ mợ Hai Hòa đã hoàn toàn thất vọng về chồng mình rồi. Cậu Hai Nhân chịu xuống nước đi rước vợ về là một chuyện, còn mợ Hai Hòa có chịu theo cậu về hay không thì lại là chuyện khác. Tôi không biết lần này mợ Hai Hòa có tha thứ cho cậu Hai Nhân hay không, dù họ quyết định ra sao, thì tôi cũng mong họ sẽ không hối hận vì sự lựa chọn của mình.

Ông Hội đồng sững người một lúc lâu, sau đó mới lên tiếng: “Rồi mày tính để cái bộ dạng lôi thôi lếch thếch đó ra đường hay sao?”

Cậu Hai Nhân lúc này mới nhìn lại bộ dạng của mình, rồi nói: “Con… con… đi vô thay đồ.”

Ông Hội đồng không nói gì nữa mà đi vô buồng, tôi đứng nhìn theo, trong lòng cảm thấy rất có lỗi. Dù sao thì phận làm con, làm cho cha mẹ buồn lòng thì mang tội rất lớn.

Huỳnh Trung không nói gì mà đi ra ngoài hàng ba đứng, tôi thấy vậy thì cũng đi theo sau. Bên ngoài gió thổi hiu hiu, ánh trăng sáng vằng vặc trên bầu trời rọi xuống mặt đất, chiếu sáng một khoảng sân.

“Em xin lỗi anh nghen.”

“Sao khi không lại xin lỗi?” Anh hỏi lại, giọng có hơi là lạ.

“Thì chuyện hồi bữa em lên trên tỉnh mà hổng nói trước với anh.”

Huỳnh Trung không nhìn tôi, anh nói bằng giọng giận lẫy: “Đó là chuyện riêng của mợ, mợ nói tôi làm chi?”

“Đó đó. Nói hổng giận mà kêu em là mợ này mợ nọ.”

Huỳnh Trung vẫn đứng quay lưng về phía tôi, nói lẫy: “Tôi nói hổng có là hổng có.”

“Ủa, vậy chứ không phải anh giận em chuyện này hả?”

“Mợ đừng có hiểu lầm. Thì tại đó giờ tôi không có quen bị người ta nói xạo, vả lại tôi cũng không có nói xạo với ai hết đó. Cho nên tôi mới như vậy thôi.”

“Lại gọi em là mợ nữa, vậy mà nói hổng giận.”

Huỳnh Trung không trả lời tôi, nhưng mặt thì có vẻ đã thoải mái hơn. Tôi khều khều tay anh: “Em với anh Dũng chỉ là bạn thôi. Tụi em không có chuyện chi với nhau hết đó. Anh đừng có hiểu lầm.”

“Anh Dũng? Mợ gọi người ta cũng mùi mẫn dữ đa.”

“Anh đừng có nói bậy. Anh Dũng là bạn của em hồi còn học trên Sài Gòn, ảnh có vợ cũng gần cả năm nay rồi, vợ ảnh còn đương có bầu nữa. Hồi hổm em lên chợ huyện gặp vợ chồng ảnh đi sắm đồ mới nên có nói chuyện mấy câu, cũng tại vợ ảnh đang có bầu nên mệt mới biểu ảnh tiễn em ra xe, thành ra anh mới thấy cái cảnh em với ảnh đi chung với nhau đó chớ.”

“Hay thiệt. Bây giờ biết nói láo anh Hai của tui đặng đi với trai rồi đa. Chị nên biết thân biết phận của mình chứ, đừng có ra ngoài lấy trai làm nhục mặt cái gia đình này.”

Huỳnh Trung còn chưa kịp trả lời, thì cô Tư Quyên không biết từ đâu chui ra. Cô nói bằng giọng mỉa mai.

Tôi nghe riết cũng thành quen nên không muốn đôi co với cô em chồng này của mình làm chi, nhưng chồng tôi hình như không như vậy. Anh nhìn cô Tư Quyên bằng ánh mắt không mấy hài lòng: “Em làm ơn làm phước đừng có xen vô chuyện của vợ chồng anh nữa được không? Đừng có làm cho mọi chuyện rối tung lên thêm nữa.”

Cô Tư Quyên nghe không lọt lỗ tai, hậm hực đáp trả: “Anh Ba, em là em gái của anh, mà sao anh hổng bao giờ bênh em hết vậy? Lần nào anh cũng hùa theo chỉ để mà la em không à. Anh cứ bênh chầm chập nên chị ta mới có cái gan làm chuyện trái quấy sau lưng anh đó. Em thiệt không hiểu nổi. Hay là chỉ cho anh ăn bùa mê thuốc lú gì rồi rồi phải không?”

Cô Tư Quyên nói xong thì dùng dằng bỏ vô nhà, nhưng vẫn không quên liếc tôi một cái. Tôi nhìn mà lắc đầu. Cô em chồng trời hành này của tôi đúng là hết nói nổi. Chắc cổ hả hê lắm nên cứ nói năng hỗn ẩu với tôi hoài, nhưng cổ đâu biết tôi không làm lớn chuyện không phải vì tôi sợ cổ, mà vì tôi không muốn chồng mình bị kẹt giữa vợ và em gái, khó xử dữ lắm đa. Bởi vậy người xưa nói đâu có sai: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng mà. Tự nhiên tôi thấy mình thay đổi nhiều quá, nếu là tôi của trước đây chắc sẽ không bao giờ để yên chuyện này, tôi sẽ cãi tới cùng, nói không chừng tôi còn vả cho cô Tư Quyên mấy bạt tay chứ không chỉ nói suông đơn giản vậy đâu.

“Đúng là cái tật lớn hơn cái tuổi.” Huỳnh Trung lẩm bẩm.

Anh nói xong thì quay người đi vào buồng, tôi đoán chắc là anh vẫn còn giận. Mặt trăng đã bị mây che khuất, cảnh đêm đìu hiu làm lòng tôi càng thêm buồn. Lúc tôi đang mơ màng thì nghe thấy giọng của Huỳnh Trung vang lên bên tai: “Em không vô buồng ngủ mà đứng đó làm chi?”

“Hả?”

“Hả cái gì mà hả? Khuya lơ khuya lắc rồi, bộ em tính đứng đó hứng gió tới sáng hay sao?”

Huỳnh Trung đi lại nắm lấy tay tôi.

Vậy là huề rồi hả?

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout