Ngày hôm sau, tôi nghe nhỏ Nụ nói con Mận đã bị cậu Hai Nhân đuổi ra khỏi nhà, sau đó thì không ai nhìn thấy cô ta ở cái miệt này nữa, cũng không ai biết là cô đã bỏ xứ đi đâu. Tôi cứ thấy chuyện này có gì đó là lạ, một người đàn bà như cô ta sao có thể im lặng mà rời đi? Chẳng lẽ là bị người ta nắm thóp gì rồi sao?
Sáng ngày thứ hai, như thường lệ tôi theo Huỳnh Trung đi thăm ruộng, đi đến đâu cũng cảm nhận được bà con nơi đây rất kính trọng ông Hội đồng, nhờ vậy mà vợ chồng tôi cũng được hưởng ké phần phước đó luôn. Tôi từng đi thăm ruộng với ông Hội đồng, lúc đó thái độ của bà con có phần niềm nở hơn, chắc tại mặt chồng tôi lúc nào cũng hầm hầm, thành ra người ta sợ nên không dám xởi lởi*.
(*) xởi lởi: thái độ cởi mở, dễ tiếp xúc, hòa đồng với người khác.
“Dạ chào cậu mợ Ba.”
Thấy chúng tôi, bà con đều dừng tay hết thảy.
“Chào bà con. Mong sao lúa mùa này trúng hơn lúa mùa trước.”
“Dạ, tụi con cũng mong được như vậy cậu ơi. Đặng cho bà con đỡ đần được một chút, chớ mấy mùa trước thất quá, mùa này mà vậy nữa thì trong nhà hổng biết lấy gì mà ăn đây.”
Huỳnh Trung không nói gì, anh nhìn quanh hồi lâu, hình như là đang nghĩ ngợi chuyện gì đó. Anh không trả lời làm cho bà con có hơi khó xử, nên tôi đành phải lên tiếng: “Chà, giống lúa mới này coi vậy mà được quá chứ. Mới gieo mạ mà đã tốt như vầy rồi à.”
“Dạ, mùa này nắng mưa thuận hòa, chắc là ông trời cũng thương bà con mình đó mợ.” Người đàn bà tay cầm nắm mạ hào sảng nói.
Tôi cười nói: “Phải rồi. Thương hoài, chứ hổng chỉ thương một mùa này thôi đâu.”
“Dạ.”
“Thôi, bà con cứ làm tiếp đi nghen.”
“Dạ, cậu mợ ba về.”
Tôi và Huỳnh Trung không về nhà ngay, mà đi dạo thêm vòng nữa. Bây giờ bà con chỉ mới gieo mạ nên xung quanh chỉ có một màu xanh, chừng vài tháng nữa, chắc nơi này sẽ khác ngay, gió quyện theo hương lúa chín thơm mềm. Mong rằng năm nay bà con sẽ có một mùa màng bội thu.
Khung cảnh yên bình bị phá vỡ bởi tiếng la của thằng Lượm: “Có chuyện rồi cậu mợ ơi! Nhà mình có chuyện lớn rồi cậu mợ ơi!”
“Có chuyện chi mà mày la lối om sòm vậy, Lượm?”
Thằng Lượm thở ra mấy hơi để lấy bình tĩnh rồi mới nói tiếp: “Hồi sớm mơi, mợ Hai rầy lộn với cậu Hai chuyện chi đó không biết mà mợ đập đầu đòi sống đòi chết ở nhà á cậu mợ.”
“Thiệt hả? Rồi giờ chỉ sao rồi?”
“Đốc tờ nói mợ Hai chỉ bị thương ngoài da thôi, hổng bị cái chi nặng hết, nhưng giờ mợ Hai nằng nặc đòi xé hôn thú với cậu Hai. Ông bà đang nói chuyện với cậu mợ Hai ở nhà trên.”
Hai vợ chồng tôi không hỏi thêm nữa, vội vàng lên xe rồi kêu anh Sang chạy liền về nhà. Lúc vợ chồng tôi về đến nhà, còn chưa kịp bước vào thì đã nghe thấy tiếng của ông Hội đồng nói vọng ra: “Vợ chồng bây thiệt muốn như vậy sao?”
“Thưa cha, con sẽ không bao giờ chịu xé hôn thú đâu.” Cậu Hai Nhân nói, rồi cậu quay qua mợ Hai Hòa: “Đi vô! Mình ở yên trong phòng cho tôi, chừng nào mình bỏ cái ý định xé hôn thú, thì mình muốn đi đâu thì đi.”
“Hai Nhân, mày còn dám ở trước mặt tao giở giọng đó với vợ mày nữa hả? Nếu mày không thương nó, thì sao ngay từ đầu mày không nói thẳng với tao là mày không ưng, đặng tao còn tính đường khác. Chớ mày cưới vợ làm chi rồi bây giờ làm khổ con gái nhà người ta? Đã vậy còn ép nó đập đầu chết! Mày ăn ở ác nhơn thất đức như vậy hả, Hai Nhân?”
Mợ Hai Hòa vừa khóc vừa nói: “Dạ thưa cha, thưa má, cha má đã biết thì con cũng xin thưa thiệt. Con là phận gái, lấy chồng theo chồng. Từ hồi về đây làm dâu, con giữ đúng phận làm dâu, trọn đạo vợ chồng. Những chuyện chồng con làm con phiền lòng trong mấy năm nay, nói ra thì chỉ làm cho cha má phiền theo, chớ không có ích chi hết. Mà bây giờ trời định vợ chồng con phải chia lìa, nói ra nữa cũng để làm chi đâu. Hồi đó con biết ảnh không thương con, nhưng tại con thương ảnh quá, nên khi nghe cha má đem sính lễ qua hỏi cưới là cha má con ưng liền. Con tưởng chỉ cần vợ chồng ăn ở với nhau lâu rồi, thì không thương rồi cũng sẽ thương. Con đâu dè tình đâu không thấy, mà vợ chồng càng lúc càng lúc càng rời rạc.”
Ông bà Hội đồng nhìn nhau chưng hửng, ông Hội đồng nhìn con dâu, day dứt nói: “Tánh tình thằng Hai nhà này cũng tại cha má hết, cha má sanh con mà không biết dạy con, nên nó mới mần chuyện quấy như vậy. Vợ chồng rầy rà nhau là chuyện thường, con ráng nhịn nó thêm lần này, đặng vợ chồng hiệp ý nghen con.”
“Con nhịn ảnh lung lắm nên vợ chồng mới ăn ở với nhau được tới ngày hôm nay. Nay chồng con không thương con, dầu ảnh không nói ra, nhưng con ngó thấy được cái ý của ảnh muốn cưới vợ khác. Tại vợ chồng con không còn duyên nợ, nên trời bắt tụi con phải chia lìa. Con cũng đành chịu. Xin cha má đừng buồn rầu chuyện của vợ chồng con làm chi mà sanh bịnh, duyên nợ của tụi con chỉ tới đây thôi. Con xin cha má cho phép con đi.”
Ông Hội đồng nghe mợ Hai Hòa nói vậy thì càng thêm rối trí, ông bực bội lấy cây ba-toong đập vô người cậu Hai Nhân một cái thiệt mạnh: “Mày thấy chưa? Có phải là vợ mày nó hư thân, trắc nết gì đâu. Bao nhiêu năm nay, cả ngày từ sáng tới chiều, nó ru rú ở trong nhà chờ chồng. Nó thương mày, nên nó mới nhịn nhục mày, lúc mày bịnh quạng một tay nó chăm sóc, không dám làm phiền ai. Vậy mà tại sao mày phụ lòng nó chớ?”
Ông Hội đồng ôm ngực đau đớn, má Hai Thắm hoảng hồn, vội vàng lên tiếng: “Có chuyện chi thì mình từ từ nói nghen ông. Ông giận lên rồi ông lại lên máu nữa thì khổ.”
Thấy ông Hội đồng dần bình tĩnh lại, má Hai Thắm mới quay qua ngó cậu Hai Nhân, bà nghiêm mặt nói: “Con đó. May là con Hai nó đập đầu nhưng không có bị làm sao hết, đó giờ nhà sui gia im lặng không làm lớn chuyện là để cho hai nhà tự thu xếp với nhau, mà ngó bộ hình như con thấy vậy nên càng lúc càng không coi ai ra gì. Con mần như vậy bà con chòm xóm người ta nhìn vô người ta dị nghị, lời ra tiếng vào, rồi nhà mình làm sao sống nổi ở cái xứ này.”
Cậu Hai Nhân ngó vợ, rồi lại quay qua nói với ông Hội đồng: “Thưa cha, vợ chồng con rầy lộn, vợ con nó giận lẫy nên nó nói vậy, chớ không có chuyện chi đâu. Cha…”
Không đợi cậu Hai Nhân nói hết câu, ông Hội đồng đã tức giận la lớn: “Mày quỳ xuống cho tao. Mày phải thề độc với tao, là đời này mày phải ăn ở làm sao cho trọn đạo vợ chồng với con Hai, chớ không có mần chuyện trái quấy nữa. Nếu không, tao từ mặt mày. Mày đừng hòng lấy được một đồng nào của cái nhà này.”
“Xin cha má đừng làm khó ảnh nữa.”
“Con vô trỏng nằm nghỉ đi. Để cha má làm chủ cho con.”
Mợ Hai Hòa chùi nước mắt, đứng lặng thinh hồi lâu, rồi mợ nói rằng: “Thưa cha, thưa má, đều là lỗi của con hết. Con làm vợ mà không làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, vợ chồng ăn ở với nhau hơn năm năm mà con không sanh cho ảnh được đứa con nào, làm cho chồng con ghét bỏ.”
“Hai Hòa, con không sai. Con không làm sai cái chi hết. Để đó, cha má làm chủ cho con.” Má Hai Thắm đứng dậy, đi đến bên cạnh nắm lấy tay mợ Hai Hòa.
“Mày nhìn vợ mày đi. Vợ mày có tội tình chi mà bây giờ nó phải gánh hết tội lỗi do mày gây ra hả?”
“Thưa cha, con…”
“Quỳ xuống!” Ông Hội đồng nạt lớn.
Cậu Hai Nhân sợ cha nên lập tức quỳ xuống, cúi đầu không nói. Tôi ngó qua, thấy Huỳnh Trung mặt mày đăm chiêu, anh hết nhìn ông Hội đồng, rồi lại nhìn về phía cậu Hai Nhân, lắc đầu thở ra một hơi. Tuy nói là anh em ruột, nhưng tình cảm giữa hai người họ không hề tốt chút nào, mà ngược lại càng giống người dưng hơn. Tôi không biết rốt cuộc giữa hai anh em họ đã xảy ra chuyện gì, nhưng tôi nhìn ra được, Huỳnh Trung không hề vô tâm như vẻ bề ngoài, mà ngược lại anh còn rất quan tâm đến anh Hai của mình. Lần nào cậu Hai Nhân ở bên ngoài gây chuyện, anh đều lén lút sai thằng Lượm đi thu dọn tàn cuộc.
“Hai Hòa, cha cho phép con về bên đó ở vài bữa. Còn chuyện xé hôn thú, chừng nào con bình tâm lại rồi hẵng tính.”
Tôi thấy mợ Hai Hòa đứng không vững, nên chạy lại đỡ: “Thưa cha, thưa má, con xin phép vô trỏng giúp chị Hai dọn đồ.”
“Ừ, đi đi con.” Ông Hội đồng xua tay nói.
Tôi đỡ mợ Hai Hòa vô phòng, chị ấy vừa xếp quần áo vô va li vừa khóc. Tôi thấy chị ấy như vậy nên cũng buồn theo: “Chị thiệt đã suy nghĩ kỹ chưa?”
“Chị nghĩ kỹ rồi.”
“Bộ chị hết thương anh Hai thiệt rồi hả?”
Tôi chỉ hỏi vậy để xác nhận thôi, chứ tôi thừa biết câu trả lời là gì. Quả nhiên không ngoài suy đoán của tôi, mợ Hai Hòa ngẩng đầu nhìn tôi, lắc đầu nói: “Cái tình chị dành cho ảnh, nó nặng lung lắm, sao nói dứt là dứt được?”
“Chị là vì chuyện của anh Hai với con Mận hay sao?”
“Không phải.”
Tôi muốn hỏi mọi chuyện rõ ràng, nhưng ngặt nỗi thấy mợ Hai Hòa như vậy, nên tôi không dám hỏi. Mợ Hai Hòa giống như nhìn thấu được suy nghĩ của tôi, nên mợ để gọn áo quần qua một bên rồi nói: “Hôm nay chị với con Mót ra chợ, lúc đi qua con rạch thấy ảnh đang lôi lôi kéo kéo với một người đờn bà, chị lại gần thì mới biết đó là cô Hai Hương.”
“Cô Hai Hương?” Tôi hơi ngạc nhiên.
“Cô Hai Hương là người thương của anh Hai em. Hồi xưa nếu không phải cô Hai nghe theo lời cha má phụ ảnh đi lấy chồng, chắc giờ người làm dâu lớn nhà này là cổ, chứ không phải chị. Lúc ảnh về, chị hỏi thì ảnh dùng dằng không nói thiệt, ảnh chửi chị rồi đòi bỏ đi. Chị bực quá, mới nói nếu ảnh dám đi, thì chị đập đầu chết cho ảnh vừa lòng. Chị không dè ảnh cạn tình cạn nghĩa với chị như vậy.”
So với mấy chuyện cậu Hai Nhân từng làm, thì đúng là chuyện này chỉ là chuyện nhỏ, nhưng từng chuyện từng chuyện một dần dần rồi sẽ thành chuyện lớn. Hồi trước tôi không hiểu tại sao mợ Hai Hòa lại nhẫn nhịn giỏi như vậy, nhưng bây giờ hình như tôi đã hiểu được rồi. Cô Hai Hương chính là giới hạn cuối cùng của mợ Hai Hòa, bởi vì chị ấy biết cô Hai Hương luôn có một vị trí trong lòng của cậu Hai Nhân, còn những người đàn bà kia chẳng qua chỉ là cách mà cậu Hai Nhân trả thù cuộc đời, gặp đó rồi quên đó, đi một vòng rồi cậu cũng sẽ quay về nhà, quay về bên cạnh vợ mình. Còn cô Hai Hương thì khác, dầu cho bây giờ cô ấy đã là một 'đóa hoa tàn', thì cũng chưa chắc cậu Hai Nhân đã xem thường, mà ngược lại, có khi cậu còn xem trọng hơn 'hoa mới nở' nữa kìa.
Tôi không khuyên mợ Hai Hòa bất cứ điều gì, lựa chọn như thế nào là quyền của chị ấy, nhưng thiệt lòng tôi vẫn cứ thấy lo lo. Bấy giờ phong trào nữ quyền đã lan rộng khắp nơi, được giới tri thức ủng hộ, thậm chí có không ít tờ báo đương thời lên tiếng muốn giải phóng phụ nữ, muốn nam nữ bình quyền, hết tờ Phụ nữ Tân văn lại đến tờ Nữ giới chung đứng lên đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Nói thì nói vậy, nhưng thời này đàn bà con gái có mấy ai được học cao đâu, nói chi đến chuyện được tiếp xúc với văn hóa phương Tây để mà mở mang đầu óc, thành ra cái tư tưởng xưa cũ vẫn còn ăn sâu vào trong đầu họ không dễ gì thay đổi được. Giờ mợ Hai Hòa bỏ chồng, người hiểu thì sẽ thấy đó là điều phải, còn người không hiểu chắc sẽ đổ hết tội cho mợ Hai Hòa, trách mợ không biết chiều chồng, không biết nhẫn nhịn cho gia đạo ấm êm.
Tôi là gái tân thời, nên tôi có thể mặc kệ miệng đời, nhưng mợ Hai Hòa thì khác. Những lời bàn tán ấy sẽ trở thành một con dao vô hình có thể giết chết một con người đang sống sờ sờ chỉ vì thứ gọi là gia phong lễ giáo.
Bình luận
Chưa có bình luận