Chương 5: Duyên Đi, Duyên Đến


Tôi tưởng mình đã có thể buông bỏ đoạn tình cảm này, ai ngờ đến một ngày tôi nhận được tin hôm ấy là ngày cưới của Hoàng Đăng. Tôi mới phát hiện thì ra tôi vẫn chưa thể quên được người đàn ông bạc tình bạc nghĩa đó. Tôi cho phép mình được khóc lần cuối cùng trong đời vì người đàn ông này, sau này tôi sẽ không vì anh mà rơi một giọt nước mắt nào nữa. Lúc đó tôi đã không kiềm được cảm xúc mà bật khóc nức nở trong lòng của Hạnh Trang. Khi không còn sức để nấc thành tiếng nữa, không còn nước mắt để rơi, tôi cố gượng đứng dậy.

Buồn đau thế là đủ!

Sau khi khóc một trận, tôi cũng chẳng còn tâm trạng nào để nghĩ ngợi lung tung nữa, đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Đi tới ngã ba đường cách nhà tôi không xa, tôi đột nhiên cảm thấy choáng váng. Trước mắt trở nên mơ hồ, tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngã ngang ra xỉu, trong tiềm thức tôi vẫn đang suy nghĩ về một việc gì đó mà ngay cả tôi cũng không thể nhớ được.

"Cô sao vậy? Nè, mau tỉnh lại đi."

Bị người kia lay lay, tôi dùng chút sức lực còn sót lại he hé mắt nhìn, chỉ là chút sức lực ít ỏi đó cũng chẳng thể giúp ích được chút nào.

Đến khi tôi tỉnh lại, trời cũng đã hạ nắng. Tôi nặng nề mở mắt ra, chớp chớp mắt, phát hiện mình đang dựa đầu vào vai một người đàn ông xa lạ, đương lúc không biết nên nói gì thì người đàn ông trước mặt đã cất tiếng phá tan bầu không khí tĩnh lặng hiện tại. Giọng anh ta trầm ấm, nước da ngăm ngăm, mang dáng dấp của người đàn ông trưởng thành, đĩnh đạc khác hẳn với mấy người con trai tôi gặp trong trường học.

"Cô đỡ hơn chưa? Sao tự dưng lại té xỉu thế?"

"Ơ..."

Thấy tôi cứ ngơ người ra, người đàn ông kia lại nói tiếp: "Ơ cái gì mà ơ, tôi hỏi sao cô không trả lời? Nhìn cách ăn mặc của cô chắc cũng là tiểu thơ đài các ăn sung mặc sướng từ nhỏ, chắc không phải vì đói. Tám, chín phần là trúng nắng rồi."

Tôi nhìn anh ta bằng ánh mắt dè chừng, người giàu có trong làng không nhiều, nhà họ tôi đều quen mặt cả nên tôi có thể chắc chắn tôi chưa từng thấy người đàn ông này bao giờ, cũng không biết anh ta là người đến từ đâu, nhưng nhìn cách ăn mặc của anh ta thì thân phận xem ra cũng không tầm thường, có thể là người từ xứ khác đến. Anh ta mặc một bộ áo dài, khăn đóng, dáng vẻ chững chạc hơn tuổi rất nhiều. Mấy người tôi gặp ăn mặc như thế này toàn mấy kẻ cổ hủ, gia trưởng, cứng nhắc, nhưng anh ta thì hoàn toàn không giống như vậy. Tôi cũng không biết tại sao mình lại cảm thấy như thế, là linh cảm chăng?

"Lúc nãy tôi xỉu là anh giúp tôi hả?"

"Ừ, là tôi đỡ cô đến đây." Người đàn ông lạnh nhạt trả lời.

Tôi vẫn chưa hoàn hồn, đầu óc vẫn còn chưa tỉnh táo. Người đàn ông kia rót nước ra ly, sau đó đưa đến trước mặt tôi: "Cô uống miếng nước đi."

"Cảm ơn anh." Tôi nhận lấy ly nước từ tay anh ta, song, lại thấy mình vẫn đang ngồi sát rạt bên cạnh anh ta nên vội vàng nép sang bên cạnh.

Ánh mắt người đàn ông phút chốc liền thay đổi, giọng nói có vài phần khác với lúc nãy: "Nếu cô còn không tỉnh lại, chắc tôi phải cho người đưa cô đến đốc tờ. Cô nên cảm thấy mình may mắn đi. Không nhờ xung quanh có nhiều người, chắc là tôi sẽ để cô nằm đó nguyên ngày rồi."

Tôi trừng mắt nhìn anh ta, thầm nghĩ: Người gì nói năng kỳ cục, chỉ được cái đẹp mã.

Lúc tôi đương định đứng dậy, tự nhiên đầu óc choáng váng, loạng choạng ngã ra phía sau, cũng may là người đàn ông kia nhanh nhẹn đã đỡ kịp, nếu không, chắc tôi té đập đầu xuống đất rồi.

Người đàn ông nhìn tôi chăm chú, tôi không phân rõ đó là cái nhìn thân thiện hay ghét bỏ. Anh ta thấy tôi cứ im lặng, thì mới lên tiếng: "Nhà cô ở đâu? Để tôi biểu sốp phơ chở cô về nhà."

"Hổng cần đâu. Tôi tự về được."

"Cô đương như vầy, lỡ như té xỉu ở đâu đó nữa rồi không ai hay thì phải mần sao? Thôi, coi như làm phước đi, giúp người thì giúp cho trót. Tôi đưa cô về."

Thấy lời anh ta nói cũng đúng, nên tôi không từ chối nữa. Tôi leo lên xe của anh ta, đó là một chiếc xe Huê Kỳ màu trắng thời thượng mà chỉ những người rành rẽ mới dám sắm. Quả nhiên tôi nhìn người không sai mà. Suốt quãng đường đi, ngoài chỉ đường cho sốp phơ thì tôi không nói với người đàn ông đó lời nào nữa. Lúc anh ta chở tôi về đến cổng nhà, tôi nhìn ra ánh mắt anh ta có hơi bất ngờ, hình như muốn hỏi tôi điều gì đó, nhưng cả người tôi không còn sức lực nên cũng không muốn tiếp tục day dưa với anh ta mà vội vàng cảm ơn rồi xuống xe. Tôi lê những bước chân nặng nề vào phòng, mệt mỏi nằm lên giường, định bụng sẽ chợp mắt một chút thôi, ai dè lại ngủ một mạch đến tận sáng ngày hôm sau. Đến khi bên tai vang lên tiếng người gọi tên, từ trong cơn mê sảng, tôi bật dậy vã hết cả mồ hôi, mí mắt nặng trịch*.

(*) nặng đến mức không nhấc lên nỗi.

"Cô Hai, mừng ghê luôn. Hên là cô hổng có sao hết."

Là giọng của nhỏ Nụ.

Tôi đưa mắt nhìn qua con bé, hít một hơi thật sâu sau đó thở ra. Nhìn thấy trời bên ngoài vẫn còn sáng mới thở phào nhẹ nhõm, chỉ là vẫn còn cảm thấy mệt mệt trong người.

"Cũng hên là cô tỉnh lại sớm. Ông chủ nói nếu cô mà còn ngủ miết hổng chịu dậy là ông kêu đốc tờ tới coi bệnh cho cô. Thôi, giờ để con đi báo một tiếng cho ông hay. Cô hai có muốn ăn gì hông để con nấu cho? Mà thôi, cô mới tỉnh lại, bụng dạ chắc là khó chịu lắm. Con xuống bếp nấu cho cô một chén cháo trắng ăn trước đã."

Nhỏ Nụ cứ hỏi liên tục làm tôi không biết mình nên trả lời câu nào trước, nói một hồi lại thành tự độc thoại một mình, cuối cùng tôi vẫn không hé môi nói được nửa lời.

Tôi nằm nghỉ thêm một lát thì dì Bảy bước vào phòng, dì rót cho tôi một ly nước rồi nói: "Cô Hai uống một chút nước đi, chớ từ hôm qua tới giờ cô chưa uống ngụm nước nào hết."

"Cảm ơn dì." Tôi nhận lấy ly nước từ tay dì Bảy, uống một ngụm lớn, đúng là nhắc đến mới thấy cổ họng tôi đã khô khốc từ lúc nào.

"Hôm qua cô Hai trở về nhà, con Nụ tới nói mặt mũi cô xanh mét dọa tôi sợ hết hồn. Lúc tôi chạy đến thì cô đã ngủ rồi, nên tôi hông dám đến phiền. Ai dè cô ngủ một mạch tới sáng còn chưa tỉnh. Hôm nay ông có việc ở trên huyện mà thấy cô bệnh như vậy ông cũng không dám đi. Lúc nãy ông có đến thăm, ông biểu tôi nếu mà cô vẫn cứ li bì như vậy thì đi gọi đốc tờ đến coi bệnh. Hên là cô tỉnh lại, chứ xém chút nữa là tôi đi gọi đốc tờ đến rồi."

Tôi bước xuống giường, cả người không còn chút sức lực nào, hai chân cảm thấy mỏi nhừ. Tôi từ từ nhớ lại mọi chuyện xảy ra ngày hôm qua, hình như tôi không đi xe kéo hay xe hơi gì hết, mà đi bộ về nhà. Lúc đó chắc tôi không còn tâm trí nào để nghĩ đến chuyện cái chân đang đau của mình, phải đến hôm nay, khi tinh thần đã tỉnh táo hơn mới cảm nhận được cái đau nhức thấu trời. Dù sao thì tôi cũng không phải một người yếu đuối bi lụy, đau một lần rồi thôi. Tôi nhất định phải vực dậy tinh thần, tiếp tục cuộc sống của mình.

Những ngày sau đó, tôi chỉ quay quẩn trong nhà, cuộc sống so với trước đây khi còn ở Sài Gòn đúng là khác xa một trời một vực, nhưng ngẫm lại cũng không phải chuyện không tốt. Không khí ở nông thôn trong lành hơn rất nhiều, lâu ngày tinh thần cũng tốt hơn.

"Hổm rày em nghe nói ông mần ăn với người ở Gò Công, hôm qua mới biết thì ra là nhà ta mần ăn với nhà ông Hội đồng Nghĩa. Hôm qua cậu Ba nhà đó còn tự mình đến để bàn bạc chuyện mần ăn với ông nữa. À mà, có chuyện này cô Hai hổng biết đâu. Lúc cô còn ở Sài Gòn học, ông Hội đồng có đến mấy lần, hình như là nói chuyện muốn cô về làm dâu nhà họ. Ông cũng từ chối khéo mấy lần, mà hình như ông Hội đồng hổng có chịu."

Tôi nghe xong, trong đầu đột nhiên sinh ra một dòng suy nghĩ điên rồ.

"Cha tôi có ở nhà không?"

"Dạ, con thấy ông vừa mới về nhà. Chắc là đang ở trong phòng đó cô."

"Ừ, tôi biết rồi. Em cứ tiếp tục mần việc của mình đi. Tôi đi gặp cha một mình là được rồi."

Nhỏ Nụ dạ dạ rồi chạy đi. Tôi cũng không nghĩ nhiều nữa mà đi đến phòng của cha, cha tôi ngồi tựa lưng trên ghế dài, dáng vẻ rất mệt mỏi, sau khi ông nhìn thấy tôi thì vui vẻ hơn hẳn. Hai cha con tôi sau đó cũng chỉ nói mấy chuyện vặt vãnh trong nhà.

Mới nói được mấy câu, cha đã thở dài: "Bình, ông Hội đồng Nghĩa đánh tiếng với cha là muốn cưới con cho con trai thứ của ổng."

"Cha, rồi cha trả lời sao?"

"Cha biết ý của con không ưng bụng nên cũng từ chối khéo mấy lần, mà ông ấy không chịu. Năm xưa, nếu không nhờ nhà họ Huỳnh cưu mang giúp đỡ, thì chúng ta sẽ không có ngày hôm nay. Ông Hội đồng và cha cùng nhau lớn lên, tánh ý ông ấy thế nào cha hiểu rất rõ. Chuyện ông ấy đã quyết sẽ rất khó thay đổi. Hai đứa mà nên duyên vợ chồng, thì cha cũng coi như thực hiện được lời hứa năm xưa với nhà họ."

"Thật lòng mà nói, cha cảm thấy đây là một đám tốt. Ông Hội đồng Nghĩa là người nhơn đức, cha thấy nếu con về nhà đó làm dâu thì con sẽ có cuộc sống tốt. Nhà chúng ta với nhà họ cũng xem như là môn đăng hộ đối. Con gả về đó cũng không bị người ta xem thường. Nhưng nếu con không ưng, thì cha cũng không ép. Con gái của cha xinh đẹp như vậy, không có mối này thì còn có mối khác, sợ gì không lấy được chồng."

"Cha, con đã nghĩ thông suốt rồi. Nhà ông Hội đồng Nghĩa thật sự là một nhà tốt, con gả qua đó cũng xem như có thể ăn sung mặc sướng cả đời."

Tôi trả lời một cách nhẹ tênh, như thể mình đã không còn vướng bận điều gì. Thật ra nguyên nhân chính khiến tôi chán ghét cuộc hôn nhân sắp đặt này chính là vì Hoàng Đăng, mà Hoàng Đăng bây giờ đã không còn xứng với tình cảm mà tôi dành cho anh nữa. Có lẽ cả cuộc đời này, tôi sẽ chẳng thể yêu một người nào giống như cái cách mà tôi yêu Hoàng Đăng, nhưng không có nghĩa là tôi sẽ chấp nhận chôn vùi cuộc đời mình vào một mối tình sớm đã không có kết quả. Nếu tôi đã không thể lấy người mình yêu, vậy thì lấy ai cũng vậy thôi.

"Cha biết là con không…"

Cha ngừng lại không nói tiếp, hai mắt mở to nhìn tôi, kinh ngạc hỏi lại: "Con đã nghĩ kĩ chưa? Cha và ông Hội đồng là chỗ ơn nghĩa, không có được thất hứa với người ta đâu."

"Con đã nghĩ kĩ rồi. Áo mặc sao qua khỏi đầu, chuyện này con nghe theo ý cha quyết định."

Tôi biết cha cảm thấy thế nào, ông là người hiểu rõ tánh ý của tôi nhất. Ngoài mặt ông không thể hiện ra, nhưng trong lòng có lẽ là đang vừa mừng vừa lo. Chuyện tôi đồng ý gả đến Gò Công khiến cho dì Bảy với nhỏ Nụ vô cùng ngạc nhiên, chỉ là bọn họ không ai dám mở miệng hỏi tôi, mà toàn bộ đều hiện hết lên mặt.

"Sau này cô Hai lấy chồng, cô dẫn con theo hầu cô được không ạ? Con không cha không mẹ, không người thân thích, cô đi rồi thì con buồn lắm."

Nói xong con nhỏ khóc bù lu bù loa lên, tôi phải gằn mấy tiếng thì nó mới nín.

"Tôi đúng là không hiểu nổi em. Mấy đứa khác đều xin tôi sau này cho họ một số vốn làm ăn, rồi lấy chồng sanh con, còn em lại cứ muốn xin tiếp tục làm con ở."

Nhỏ Nụ vừa khóc vừa nói: "Hổng phải đâu cô. Con chỉ cần ngày ăn ba bữa là được rồi. Hơn nữa con hầu cô sướng muốn chết. Cô tốt tính quá trời."

"Thôi. Thôi. Em nín khóc giùm cô đi. Nếu nhà đó đồng ý thì em cứ theo cô đến Gò Công. Ở đó lạ nước lạ cái, có em theo cùng cô cũng an tâm."

"Vậy là cô Hai hứa rồi đó nghen. Cô không được thất hứa với con đâu." Nhỏ Nụ sung sướng nhảy cẫng lên.

Tôi nhìn thấy dáng vẻ hớn hở đó của nhỏ Nụ mà không nhịn được cười, nếu ai không biết chắc còn tưởng nó mới là người sắp lấy chồng, chứ không phải tôi, mà đúng là tôi chẳng mặn mà gì với chuyện này thật. Bây giờ tôi chỉ cầu mong người chồng mà mình sắp lấy là người mình có thể nương cậy cả đời. Tôi chẳng cầu anh ta là người thông minh tài giỏi gì, chỉ mong anh ta đừng như đám công tử nhà giàu có thói tiêu xài hoang phí hay trăng hoa ngoài kia là tôi đã mừng lắm rồi.

Ngày hôm sau, cha tôi cho người đánh dây thép gửi xuống Gò Công. Không bao lâu sau đã nhận được thư hồi âm, ông Hội đồng nói nhà họ đi xem thầy thì bảo không cần phải làm lễ ăn hỏi, mà làm lễ cưới rồi rước dâu luôn. Ban đầu cha tôi không chịu, thấy làm như vậy sẽ khiến tôi chịu thiệt thòi, nhưng sau đó cha tôi đi xem thầy, người ta cũng bảo phải như vậy thì vợ chồng tôi mới êm ấm sống với nhau được. Nếu không cưới năm nay, thì phải đợi đến ba năm nữa mới có thể cưới được. Ông Hội đồng tất nhiên không chịu chờ thêm ba năm, mà giờ tôi cũng không còn nhỏ nữa, đợi thêm ba năm thì tôi thành gái quá lứa lỡ thì rồi còn đâu.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}