Cha tôi cho tôi học ở Sài Gòn từ nhỏ nên tôi rành rẽ nơi này còn hơn ở Vĩnh Long. Nếu tôi không nói ra, nói không chừng người ta còn tưởng tôi là con gái Sài thành chánh gốc, chứ không phải người ở xứ khác đến. Hồi đó tôi còn nhỏ thì cha đăng ký cho tôi học nội trú, mãi đến gần đây mới cho tôi chuyển ra ngoài. Cha mua một căn nhà lớn ở Sài Gòn, cho nhỏ Nụ theo lên hầu tôi, còn chuyện đi lại của tôi thì giao cho chú Bảy, đều đặn mỗi tuần cha tôi sẽ lên Sài Gòn ở lại với tôi mấy hôm, sau đó lại quay về Vĩnh Long để trông nom vườn tược, đất đai với cửa tiệm.
Chú Bảy chờ tôi vào trong xe mới đóng cửa xe lại, sau đó ngồi vào ghế lái, quay đầu hỏi cha tôi: "Giờ mình về nhà luôn hả ông?"
"Chưa đâu. Bữa nay tôi tính dắt con Bình đi ăn nhà hàng."
Chú Bảy hiểu ý nên lái xe chạy đi, cười nói: "Có gì vui hông mà tôi thấy ông cười từ hồi sớm mơi tới giờ?"
Cha quay sang nhìn tôi, nói bằng giọng vui vẻ: "Bữa nay là sanh nhật của con Bình."
"Chèn ơi! Đúng rồi, ông nhắc tôi mới nhớ. Bữa nay là ngày cô Tú Bình tròn mười tám tuổi. Hôm bữa bà nhà tôi có nói mà bữa giờ công chuyện nhà chộn rộn* quá, nên tôi quên."
(*) [phương ngữ]: nhốn nháo, lộn xộn.
"Chị Bảy thương con Bình đó giờ mà. Chỉ chăm sóc con nhỏ từ hồi nó mới mấy tháng tuổi tới giờ, sao mà hổng nhớ hổng thương cho được."
"Dạ, cô Tú Bình tốt tánh tốt nết, nên ai gặp cũng mến cổ hết. Đâu chỉ riêng tôi với bà nhà tôi."
Cha đột nhiên quay sang nhìn tôi, do dự hồi lâu mới nói: "Con Tú Bình từ nhỏ thiếu thốn tình thương của má, cũng may có anh chị Bảy. Tuy là người dưng nước lã, nhưng anh chị thương yêu nó như con cái trong nhà nên con nhỏ mới được như ngày hôm nay. Tôi biết ơn anh chị dữ lắm."
Tôi có hơi chạnh lòng khi nghĩ đến má, nhưng ngoài mặt lại vờ như không có gì. Tôi sợ cha biết tôi còn buồn, rồi cha lại buồn thêm.
"Tôi nói thiệt. Vợ chồng tôi thiệt là may phước nên mới gặp được ông với cô Tú Bình."
Nghe vậy, tôi không nhịn được lên tiếng: "Ấy, chú Bảy nói vậy con hổng có chịu đâu à nghen. Hai cha con của con phải cảm ơn chú với dì Bảy mới đúng chớ."
Tuy trên danh nghĩa thì vợ chồng chú Bảy là người ăn kẻ ở trong nhà tôi, nhưng thiệt lòng cha con tôi coi họ như người thân trong nhà, chứ cũng chưa từng dùng thái độ chủ tớ để đối đãi bao giờ. Vợ chồng chú Bảy tánh tình cần kiệm, lại siêng năng, trừ lúc ốm đau bệnh tật thì chẳng xin nghỉ ngày nào, nên cũng dành dụm được chút đỉnh, mua vàng mua đất, tích cóp dần cũng được kha khá, dù ở nhà ngồi không cũng không lo đói. Chỉ tại vợ chồng họ không ở không được, làm công chuyện riết rồi mến tay mến chân nên không bỏ được.
Vợ chồng chú Bảy tuy là không có máu mủ ruột rà gì với tôi, nhưng tôi sớm đã xem họ như người thân của mình rồi. Chú Bảy là sốp phơ của nhà tôi, còn dì Bảy là bà vú chăm sóc cho tôi từ khi mới lọt lòng. Từ hồi má tôi mất, tôi xem dì như là má của mình, mà dì cũng coi tôi như con gái ruột. Hai người họ có một người con trai lớn hơn tôi sáu tuổi, lấy vợ là con của ông Hương Nghị. Cuộc đời tưởng chừng như viên mãn, thì hai năm trước vợ chồng người con trai đó bị tai nạn xe hơi qua đời hết, chỉ để lại một đứa con trai năm nay mới lên ba. Vợ chồng chú Bảy thương cháu mồ côi từ nhỏ, nên dốc lòng chăm sóc. Cha tôi thương tình, tính đợi thêm vài năm sẽ đưa thằng nhỏ lên Sài Gòn học, đặng cho biết con chữ theo thời theo thế như người ta. Chứ thời nay cứ chôn vùi cuộc đời mình ở làng quê đó, mà không chạy theo cho kịp thời thế, thì đến bao giờ mới khá lên được.
"Ông chủ, lâu nay tôi và bà nhà tôi cứ thắc mắc, mà tôi ngại quá hổng dám hỏi."
"Anh cứ hỏi đi, người trong nhà không à, có gì đâu mà ngại." Cha tôi không chút do dự đáp.
Chú Bảy im lặng hồi lâu, đắn đo rất lâu mới nói: "Bà nhà tôi thấy tôi đưa rước cô Bình đi học mười mấy năm nay, nên bả cứ theo hỏi tôi hoài, mà tôi cũng hổng biết phải trả lời làm sao hết. Ông cho cô Bình học cái chi ở trên Sài Gòn mà tôi thấy cổ học từ hồi còn nhỏ xíu tới giờ vậy?"
"Tôi cho nó học chữ Tây đặng biết với người ta."
"Chèn ơi, bộ chữ Tây khó học dữ lắm hả ông? Sao mà cô Bình phải học tới mười mấy năm dữ vậy?"
Nghe chú Bảy nói, cha tôi bật cười: "Chữ Tây chữ ta gì cũng khó hết. Thời này mình vừa phải biết chữ quốc ngữ, rồi phải biết thêm chữ Tây nữa thì mới sống yên được. Ăn theo thuở, ở theo thời mà chú."
Chú Bảy đối với lời cha tôi nói có lúc hiểu lúc không, nên chỉ cười nói: "Tôi với bà nhà tôi là dân ruộng nên đâu có rành mấy chuyện này, thấy cổ học ngày học đêm mười mấy năm mà vợ chồng tôi xót hết ruột gan. Mèn đét ơi, học cái chi mà dữ vậy không biết. Đến nỗi cô Tú Bình không có thời gian để theo bà nhà tôi học thêm nữ công gia chánh luôn đó chớ."
"Ý anh chị là mấy chuyện thêu thùa may vá trong nhà phải hông?"
"Dạ phải."
Cha quay sang nhìn tôi, rồi nói: "Thú thiệt với anh, không phải là con Bình không có thì giờ, mà là tôi không muốn con bé tập trung quá nhiều vào mấy chuyện đó."
"Sao vậy ông? Đờn bà con gái xứ mình thì mình phải thạo mấy việc này, chớ mơi mốt cô Bình lấy chồng, rủi không biết làm gì hết rồi bị nhà chồng quở thì sao?" Giọng chú Bảy có vẻ ngạc nhiên lắm.
"Tôi thấy mấy chuyện nữ công gia chánh chỉ biết chút đỉnh là được rồi, chớ không cần thạo làm chi. Dầu gì thì cái sự học vẫn là trên hết, cả ngày vùi đầu vào mấy chuyện bếp núc, thêu thùa rồi bỏ bê việc học hành thì không hay."
Chú Bảy là chỗ thân quen nên cũng không sợ mích lòng, thẳng thắn nói: "Ông nói vậy thì rất phải. Nhưng mà không hợp với lẽ thường chút nào."
"Ở tuổi nó, học như vậy là giỏi. Huống hồ nó lại là con gái, học nhiều một chút để mở mang đầu óc chớ cũng có hại chi đâu. Tôi hiểu nỗi lo của anh. Nhà tôi có quyền có thế, sau này con Bình lấy chồng thì nhà chồng nó cũng không dám vịn vào cái cớ này để khinh miệt nó đâu. Tôi cũng không ngại nói với anh, nó học càng giỏi, thì tôi càng mừng."
Nghe cha nói mà tôi nở lỗ mũi, tuy tôi biết cha rất thương tôi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cha khen tôi trước mặt người khác như vậy. Đúng là vừa vui vừa mắc cỡ mà. Người lớn nói chuyện với nhau, tôi cũng không tiện xen vào, giả bộ ngó đầu nhìn ra bên ngoài, chỉ là tâm trí tôi vốn chẳng hề đặt ở đây. Lòng tôi nôn nao mong chờ đến buổi hẹn với Hoàng Đăng, anh nói sẽ cho tôi một bất ngờ vào ngày sinh nhật, còn hẹn tôi đầu giờ chiều đến gặp anh.
Nói chuyện với chú Bảy một hồi, cha mới quay sang hỏi tôi: "Bình nè, dạo này bộ bài vở ở trường nhiều lắm hả con? Sao bữa nay con ra trễ vậy?"
Tôi lắc đầu: "Dạ không. Tại con nán lại nói chuyện với Hạnh Trang một chút, chớ hổng có chi đâu cha."
Thấy cha nhìn tôi chằm chằm, tự nhiên tôi chột dạ nên vội vàng giơ hộp quà nhỏ đang cầm trong tay lên: "Bữa nay là sanh nhật con. Quà của Hạnh Trang tặng cho con nè cha!"
Chú Bảy nghe tôi nói vậy, hào hứng nói: "Chú Bảy cũng có quà cho con nữa. Con muốn mua gì, để lát chú sắm cho."
"Cha cũng có quà cho con nữa. Để lát mình ăn xong, cha biểu chú Bảy chở cha con mình đi. Con thích cái chi, thì cha sắm cho."
"Dạ thôi. Con có thiếu thốn chi đâu. Cha với chú Bảy ngồi ăn với con một bữa cơm là con vui rồi."
Chú Bảy chở cha con tôi đến nhà hàng rồi định lái xe đi. Tôi thấy chú ấy ngại, nên chủ động kéo tay nài nỉ chú ấy. Ngoài cha tôi ra thì chú Bảy là người thương tôi nhất, thấy tôi nài nỉ quá nên cuối cùng cũng mềm lòng, sau đó ba người chúng tôi cùng vào nhà hàng ăn một bữa. Sau khi ăn xong, cha tôi lại biểu chú Bảy chở đến mấy cửa tiệm có tiếng ở Sài Gòn để sắm sửa, mua thêm mấy bộ đồ mới. Sau khi sắm sửa xong, hai cha con tôi đến thăm mộ của má, tự nhiên lòng tôi chùng xuống. Cha tôi đứng ở đó thật lâu, thật lâu. Nhiều năm như vậy, mỗi lần cha đến trước mộ má đều sẽ không kiềm được hai mắt đỏ hoe. Lần nào tôi cũng đều giả vờ không nhìn thấy, sợ cha thấy sẽ biết tôi buồn.
Đầu giờ chiều, tôi đến gặp Hoàng Đăng như lời đã hẹn. Anh hẹn tôi đến bờ hồ, nước hồ trong xanh, xung quanh cây cỏ xanh mướt mát mẻ vô cùng. Ai mà ngờ ở giữa Sài Gòn hoa lệ này lại có một nơi yên bình đến thế này chứ? Hoàng Đăng học theo cách người Tây ăn uống dã ngoại ngoài trời. Anh trải một tấm vải lớn xuống đất, bên trên bày biện bánh trái chật kín, bánh tây bánh ta gì cũng có hết thảy, món nào cũng là món tôi thích hết. Đợi bày biện mọi thứ xong xuôi, Hoàng Đăng mới kêu tôi ngồi xuống.
Tôi nhìn mà hoảng hồn: "Sao nhiều đồ ăn quá vậy anh?"
"Dòm vậy chứ hổng có nhiều đâu. Với lại mấy cái đồ này để lâu được, mình ăn hổng hết thì mình đem về chớ có chi đâu mà em sợ."
Tôi nhìn quanh một hồi, thấy cảnh đẹp không khỏi tấm tắc trong lòng: "Mà sao hôm nay anh hẹn em ra chỗ này vậy?"
"Anh thấy không khí ở đây yên tĩnh, mát mẻ, cho nên anh hẹn em ở đây. Chớ bây giờ mà mình vô nhà hàng Tây thì ngột ngạt, khó chịu dữ lắm. Anh thì anh thích những nơi như thế này, không khí trong lành, mát mẻ. Hổng biết em thì sao?"
"Em thích lắm! Đó giờ chưa có ai tổ chức sinh nhật cho em như thế này hết á."
Hoàng Đăng nghe tôi nói vậy thì vui ra mặt. Lúc đương vui, tự nhiên tôi quay qua thấy gần đó có mấy bụi hoa lài, tôi liền nhớ tới má. Tôi ngẩng đầu nhìn Hoàng Đăng, từ từ giải bày: "Anh biết hôn? Thiệt ra sanh nhật của em là ngày người ta tìm thấy má em ở dưới sông. Năm em bảy tuổi, má dẫn em và em trai về thăm ông bà ngoại. Ai mà có dè, ghe đến giữa sông thì bị lật, đương lúc dòng nước chảy xiết, em được người ta cứu lên bờ. Ba ngày sau thì người ta tìm thấy má em ở dưới sông, còn em trai của em thì đến giờ vẫn còn chưa rõ tung tích. Người ta nói chắc là nó chết rồi, nhưng em tin là nó vẫn còn sống. Cha và em chưa bao giờ ngừng tìm kiếm nó hết. Ngày nào em cũng thắp nhang cho má, xin má ở trên trời có thiêng thì giúp cho cha con em mau tìm thấy thằng Út."
Nói tới đây, giọng tôi như nghẹn lại. Lúc nước mắt tôi sắp trào ra thì Hoàng Đăng đã nắm lấy tay tôi, dịu dàng nói: "Bình, từ rày về sau anh sẽ luôn ở bên cạnh em. Mừng sanh nhật cùng em. Năm nay, năm sau, rồi năm sau, năm sau nữa. Em chịu hông?"
Nghe được lời an ủi, nỗi buồn trong lòng tôi cũng được xoa dịu phần nào. Tôi cười: "Theo như anh nói, thì hổng lẽ tụi mình ở bên cạnh nhau năm sau, rồi năm sau, năm sau nữa hả?"
"Đương nhiên rồi! Em và anh sẽ là một đôi vợ chồng già nắm tay nhau sống đến trăm tuổi, mỗi năm mình sẽ dắt tay nhau đến đây để mừng ngày sanh nhật của em." Hoàng Đăng khẳng định chắc nịch.
"Vậy là anh hứa với em rồi đó nghen." Tôi nghe anh nói vậy, trong bụng mừng thầm, nhưng vẫn cố nén lại cảm xúc.
"Trước giờ anh luôn tự ti gia cảnh của mình không bằng em, nhưng em đã cho anh động lực." Tôi cảm nhận được sự căng thẳng từ cái cách mà anh nắm tay tôi, rồi anh nhẹ nhàng nói ra mấy chữ: "Bình, anh thương em. Tuy là gia cảnh nhà anh sa sút, không sánh được với người khác, nhưng anh sẽ ráng cố gắng. Anh tin là vài năm nữa sự nghiệp của anh sẽ phát triển, anh sẽ lo được cho em không thiếu thứ gì."
Nghe anh nói, tôi vừa giận vừa thương: "Anh Đăng nè, em đã nói với anh rồi. Dầu cho anh có xuất thân như thế nào, gia cảnh bần hèn hay giàu sang gì thì em cũng vẫn thương anh mà. Thời đại bây giờ đã rất tân tiến rồi, anh đừng có mang tư tưởng cổ hủ hôn nhân là phải do cha má sắp đặt, rồi lấy vợ theo ý gia đình. Anh mà mần như vậy, cả đời này em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh đâu."
"Em nói cái chi kỳ cục vậy? Em biết anh thương em mà."
Tôi đặt tay lên má Hoàng Đăng, ép anh nhìn thẳng vào mắt mình: "Thương sao hổng dám nhìn thẳng vào mắt người ta mà nói nè."
Hoàng Đăng bật cười, tôi cũng tự thấy bản thân quá trẻ con, nhưng biết làm sao được tôi chỉ trẻ con với một mình anh ấy thôi.
Bình luận
Chưa có bình luận