Tôi ở lại nhà ít bữa, xong chuyện lại vào Sài Gòn tiếp tục việc học. Lần nào tôi đi, cha tôi cũng bịn rịn không nỡ, từ lúc tôi lên xe đến lúc đi được một đoạn, quay đầu nhìn lại vẫn thấy cha tôi đứng ở cổng mà ngóng trông theo. Tôi chỉ lên Sài Gòn học mà cha tôi đã như vậy, sau này nếu tôi đi lấy chồng, làm vợ làm đâu của người ta rồi, có khi vài năm mới có thể về nhà, không biết cha tôi sẽ đau lòng đến thế nào.
Hôm nay tôi cùng Hạnh Trang đến dự thính lớp học đàn ghi-ta, nhỏ Trang thích lắm, ngồi bên cạnh cứ tấm tắc khen suốt. Còn tôi lại chẳng có tâm trí đâu mà nghe, cứ thơ thẩn nhìn ra bên ngoài cửa sổ, trong lòng có vô vàn những suy nghĩ. Còn không bao lâu nữa là tôi ra trường, cũng không biết cuộc đời tôi sẽ đi về đâu. Tôi có thể tiếp tục học cao lên, nhưng mà học xong rồi thì tôi sẽ thành một đứa con gái quá lứa lỡ thì trong mắt người khác. Còn nếu trở về nhà, thì bảy tám phần là sẽ phải lấy chồng, chứ ở cái xứ đó thì cha tôi làm sao có thể giữ tôi khư khư trong nhà được.
"Anh đến đây tìm Tú Bình hả?"
Là giọng của Hạnh Trang.
Tôi hoàn hồn, phát hiện mình không còn ở trong lớp nữa, mà lúc này đang đứng ở bên ngoài hành lang. Lúc tôi vừa ngẩng đầu lên đã nhìn thấy Hoàng Đăng đang đứng bên cạnh mình, vẻ mặt có hơi bối rối. Anh mặc sơ mi trắng, tay cầm cặp sách, dáng vẻ trau chuốt, chỉnh chu khiến trái tim tôi đập hẫng đi một nhịp. Tôi nhìn quanh, phát hiện đám con gái xung quanh đều đang đưa mắt nhìn về phía này, thì thầm to nhỏ.
Hạnh Trang đẩy đẩy tay tôi, mỉm cười khoái chí, rồi lại quay sang nói với Hoàng Đăng: "Ờ… em để quên sách ở trong lớp rồi. Em phải quay lại lấy. Anh đưa Tú Bình về ký túc xá giùm em nha."
"Ê nè! Hạnh Trang! Hạnh Trang!" Tôi hoảng hốt nắm lấy tay Hạnh Trang.
"Em đi nha! Anh nhớ nha! Đưa chị Bình về ký túc xá giúp em đó nha." Hạnh Trang hất tay tôi ra, vừa chạy đi vừa lớn tiếng nói.
Nhỏ Trang vậy mà bỏ tôi lại thật. Tôi ngồi trên chiếc xe đạp của Hoàng Đăng mà đầu óc hoàn toàn trống rỗng, cũng không hẳn là vì xấu hổ, dù sao thì chúng tôi cũng có phải mới quen biết nhau ngày một ngày hai đâu.
"Nhà anh chắc khó lắm hả?" Tôi mơ hồ hỏi.
Hoàng Đăng có vẻ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi, anh im lặng một lúc lâu rồi mới trả lời: "Khó. Nhưng sao khi không em lại hỏi anh như vậy?"
"Thì… thì… thì…" Tôi không biết giải thích như thế nào, chẳng lẽ lại nói tôi sợ sẽ gặp cảnh mẹ chồng nàng dâu cay nghiệt mà người ta thường nói. Như vậy thì mất mặt quá!
"Thiệt lòng thì cha anh thương anh lắm. Nhà anh cũng không đông người, cha chỉ có hai người con trai là anh Hai với anh là con thôi, không thương sao đặng. Nhưng cách thương của cha anh cũng thiệt lạ, nếu anh làm theo đường ngay lẽ phải, thì muốn gì cha cũng gật, còn mà anh làm điều gì trái quấy thì dù có lớn cỡ nào thì cha cũng lấy roi đánh đòn. Không ai có thể van xin được đâu. Vì càng năn nỉ, cha càng không tha cho."
Nghe đến đây, tôi không nhịn được bật cười, nửa đùa nửa thật hỏi: "Ngó bộ dạng của anh, chắc chẳng bao giờ làm cho cha giận đâu hả?"
"Trước giờ thì không, nhưng mà không biết sau này anh lấy vợ, thì ra sao ta?"
Tôi không lường trước được câu trả lời này của anh, lúc nói câu này, anh lại nhìn thẳng vào mắt tôi. Trước giờ tôi vốn là đứa da mặt mỏng, bị nói một chút là liền đỏ mặt tía tai. Lần này cũng không ngoại lệ.
Thấy tôi không nói gì, anh lại nói tiếp: "Cha anh coi vậy mà là người hiểu lý lẽ lắm. Ông không coi trọng chuyện giàu nghèo, mà chỉ mong anh lấy được một người con gái dịu dàng, lễ phép, ăn ở với nhau tâm đầu hợp ý thôi."
"Sao mới gọi là người tâm đầu hợp ý chớ?" Tôi dò hỏi.
"Nói em đừng có cười đó nha. Chớ người như em là cha anh ưng lắm đa."
Lúc mới nghe, tôi cũng không nghe ra ý tứ bên trong lời nói của anh ấy, cũng phải đợi đến một lúc lâu sau, tôi mới nhận ra mình vừa bị Hoàng Đăng trêu chọc, thẹn quá hóa giận, nhanh chóng nói lảng sang chuyện khác: "Nghe anh nói em thấy tò mò về cha anh hết sức. Hay là hôm nào rảnh em ghé qua nhà chào cha anh một tiếng nha."
Tôi nhìn Hoàng Đăng, thấy ánh mắt anh ấy hiện lên vẻ ưu buồn, nói bằng giọng nhẹ tênh: "Cha anh mất rồi."
"Em xin lỗi. Chuyện từ lúc nào, sao anh không nói cho em biết? Tự nhiên em lại vô ý khơi lại nỗi buồn của anh."
"Không đâu. Chỉ là nhờ em nhắc mà anh như cảm thấy cha vẫn còn ở bên cạnh anh vậy." Hoàng Đăng không nhìn tôi, anh chầm chậm nói tiếp: "Anh lên Sài Gòn học được một năm thì cha anh mất. Má anh sau đó cũng bệnh liên miên. Anh từng tính bỏ học về quê để phụ việc với anh Hai, nhưng má anh hổng chịu. Cho nên tháng nào anh cũng về quê ít bữa để thăm má hết, thấy bà vẫn mạnh thì anh mới an tâm lên đây học tiếp."
"Em đúng là vô tâm. Tụi mình quen biết nhau lâu rồi, mà em lại không biết anh đã phải trải qua nhiều chuyện như vậy."
"Em không có lỗi chi hết. À, mà lần này em về nhà, cha của em vẫn mạnh chứ hả?"
"Cha em vẫn mạnh lắm."
"Ở đây mát quá anh ha." Tôi đánh trống lảng.
Hoàng Đăng nhìn tôi, cười nói: "Ở đây mát thiệt! Em biết không? Từ hồi anh lên Sài Gòn học, mỗi lần buồn buồn, anh hay ra đây ngắm lục bình trôi. Anh đoán là em cũng giống như anh, sẽ thích nơi này. Coi bộ anh đưa em ra đây là đúng ý em rồi đúng hông?"
"Ngoài cha em ra, thì anh là người đờn ông thứ hai hiểu em như vậy đó đa."
"Anh biết cảnh nhà hai đứa khác nhau, nhưng mà anh cầm lòng không đặng. Anh thương em. Anh biết là em cũng thương anh, cho nên anh không sợ gì hết.”
Hoàng Đăng nắm lấy tay tôi, dịu dàng hỏi: “Bình, em tin anh không?"
Tôi gật đầu. Tôi vẫn luôn tin tưởng anh. Nếu tôi không tin tưởng con người anh, thì tôi đã chẳng chấp nhận làm bạn gái anh rồi.
"Em ráng chờ anh thêm một năm nữa nha. Khi trong tay anh có một chút sự nghiệp, anh sẽ đàng hoàng đưa má đem trầu cau qua nhà thưa chuyện với cha em, xin được cưới em làm vợ."
Tôi biết tính cách của Hoàng Đăng, tuy là gia cảnh nhà anh ấy cũng không đến nỗi nghèo khó, nhưng bắt đầu từ hai năm trước, tính ngày tháng thì vừa khớp với thời gian cha anh ấy mất, kể từ lúc đó việc làm ăn của nhà họ không còn tốt như trước nữa, của cải trong nhà cũng không quá dư giả, sợ cha tôi sẽ không chấp nhận gả con gái, nên anh ấy muốn vực dậy việc làm ăn của nhà họ Trần trước, rồi mới đến nhà hỏi cưới tôi. Hoàng Đăng bất ngờ đặt lên trán tôi một nụ hôn nhẹ, tôi cũng không biết đó có được gọi là một nụ hôn hay không, nhưng đây là lần đầu tiên tôi động chạm da thịt ở khoảng cách gần như vậy với con trai, nhất thời mặt mũi đều nóng bừng.
Một lúc lâu sau, tôi cuối cùng cũng bừng tỉnh, vừa ngượng ngùng lại vừa xấu hổ: "Em… em… Cha em mà biết chắc sẽ đánh em chết."
Hoàng Đăng bật cười, dịu dàng xoa đầu tôi: "Em yên tâm. Anh biết chừng mực mà."
Chúng tôi nói chuyện đôi ba câu, cũng không biết anh ấy vừa nghĩ đến điều gì, quay sang nhìn tôi, nói bằng giọng nghiêm túc: "Em đó, tập bỏ cái tánh tiểu thơ đài cát dần dần đi là vừa rồi, chứ cứ như vậy hoài, rủi sau này ra đời gặp chuyện, làm sao mà đương đầu nổi?"
"Thì có anh gánh vác giùm em." Tôi không chút do dự đáp.
"Ờ, nhưng mà lỡ không có anh thì em phải làm sao?" Anh cười cười.
Tôi xua tay, bày ra vẻ mặt giận dỗi: "Không được. Anh nhứt định không được bỏ em lại một mình. Anh đã hứa với em rồi mà. Anh phải ở bên cạnh em suốt đời."
"Anh hứa mà."
Câu nói của anh ấy cứ văng vẳng bên tai tôi, khiến tôi dần chìm vào tình yêu. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm nhận được cảm giác ấm áp lạ thường này, nhất thời đắm chìm trong đó, không có cách nào thoát ra được. Mấy ngày trước, tôi vừa dọn ra khỏi ký túc xá, cha mua cho tôi một căn nhà nhỏ để tôi ở, nhỏ Nụ cũng từ Vĩnh Long lên để chăm sóc tôi. Lúc tôi trở về nhà, vui vẻ đến nỗi làm việc gì cũng cười híp mắt. Nhỏ Nụ nhìn thấy tôi cũng định hỏi gì đó, nhưng rồi lại thôi.
Tôi giấu gói quà sau lưng, cười híp mắt nhìn nhỏ Nụ: "Đố em biết cô đang cầm cái gì?"
"Cô giấu cái chi? Cô cho con biết đi."
"Nè! Em xem đi." Tôi quơ quơ gói quà nhỏ trong tay, là một chai nước hoa của Pháp được gói cẩn thận, bên trong còn có một lá thư viết tay rất nắn nót.
"Tặng người tôi thương."
Nhỏ Nụ nhanh nhảu đáp lời: "Trời! Tưởng gì, là cậu Đăng tặng cho cô phải hôn?"
"Đúng rồi, ảnh tặng cho cô đó. Thơm lắm. Nghe nói ảnh nhờ bạn ảnh gửi ở bên Pháp về lận đó, ở đây kiếm hổng có đâu." Tôi cứ nói luyên thuyên mãi, đang cao hứng thì nhỏ Nụ tự nhiên phán một câu xanh rờn: "Mà cô Hai có quá trời dầu thơm rồi, xài cũng có hết đâu mà cậu còn tặng làm chi nữa hông biết."
"Nụ, đó giờ em có thương ai chưa?" Tôi nhất thời mất hứng, nghiêm giọng hỏi.
"Có chứ. Em thương cha, thương má, thương dì Bảy, thương cô Hai nữa nè." Nhỏ Nụ ngây ngô trả lời tôi không chút do dự.
Sự trong sáng của Nụ khiến tôi không thể giận nổi, không nhịn được phì cười: "Hổng phải. Ý của cô hông phải tình cảm kiểu đó, mà là tình cảm giữa nam với nữ á." Tôi nhìn dáng vẻ ngô nghê của nó, đoán là nó không hiểu, nghĩ ngợi một lúc liền nói: "Giống như… giống như tình cảm của anh Ba Hên với cô Tư Thời á."
Vừa hay tôi nhớ đến chuyện của hai người họ, tôi về đây mấy ngày mà đã nghe nhỏ Nụ luyên thuyên kể về cô chị Tư Thời mà nó gặp ở ngoài chợ, nghe nói cô ấy có một sạp bán cá nhỏ ở ngoài chợ, xinh đẹp, giỏi giang nên có nhiều anh thầm thương trộm nhớ dữ lắm. Mới tháng trước, nhỏ Nụ nói với tôi cô Tư Thời lấy chồng, mà chồng cô ấy không ai xa lạ chính là Ba Hên, tá điền của nhà tôi. Nghe nhỏ nói lúc đầu gặp nhau hai người ghét nhau dữ lắm, mà đụng mặt lâu ngày nên bắt đầu nảy sinh tình cảm, sau đó thì quyết định nên duyên vợ chồng.
Nhỏ Nụ cuối cùng cũng hiểu, nó đỏ mặt nhìn tôi: "Cô Hai đừng có chọc con nữa. Con còn nhỏ mà. Biết cái chi đâu mà cô hỏi."
Tôi nhìn vẻ mặt đỏ ửng như trái cà chua chín của nhỏ Nụ, đờn bà con gái ở cái xứ tôi đa số đều theo lối xưa nên tôi cũng không lạ gì. Nhà nào có con gái đều quản rất nghiêm, không biết một năm họ được gặp người khác giới bao nhiêu lần, toàn phải ru rú ở trong nhà. Nhỏ Nụ cũng không phải chưa hiểu sự đời, mà do tánh tình nó đơn thuần quá, lại vô tư vô lo nên mới như vậy, chứ mấy đứa cùng tuổi với nó ở nhà tôi già đời hơn rất nhiều. Từ nhỏ đã phải lam lũ kiếm sống, chịu cực chịu khổ, muốn không hiểu chuyện cũng khó. Mà thật ra thì tôi quý nó cũng bởi cái tính hiền lành, chân chất này.
Tôi cười: "Nhìn em vầy là cô biết em chưa thương ai rồi. Đợi sau này em thương ai thì sẽ hiểu thôi."
"Em hổng có thương ai hết. Nhưng mà em biết cô Hai thương người ta dữ lắm rồi đó đa." Nó ghẹo.
Tôi cũng không chối làm gì, vì sự thật nó là như vậy mà. Lúc đó tôi không nhận ra mình không thể che giấu được niềm hạnh phúc trong ánh mắt, cứ cười ngây ngây dại dại trong vô thức, mà hành động này của tôi toàn bộ đều thu vào tầm mắt của Nụ. Tôi nằm lăn lộn trên giường không ngừng mơ mộng về những giây phút vui vẻ bên cạnh người thương, đem chai nước hoa Hoàng Đăng tặng ôm vào lòng, rồi lại tủm tỉm cười. Hình như hạnh phúc đang bùng nổ trong tôi, biến tôi trở thành một thiếu nữ đúng nghĩa.
Bình luận
Chưa có bình luận