Một ngày cuối tháng tám, tôi thở dài chán chường, chỉ còn chừng hơn nửa tháng nữa là tôi hoàn thành xong việc học. Thật ra thì tôi vẫn đang phân vân, không biết mình có nên tiếp tục học cao lên hay là dừng lại. Mà nếu không học nữa, có lẽ tôi sẽ trở về quê sống cùng cha, phụng dưỡng công ơn sinh thành, nhưng tôi lại cảm thấy lo sợ. Từ nhỏ quen với lối sống Tây phương khiến tôi không thể giống như người đàn bà an phận thủ thường, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, lấy chồng sinh con cam chịu nhẫn nhục cả ngày ru rú trong nhà không được hé môi than vãn nửa lời.
Ở quê tôi, việc con gái đến thành phố học vẫn còn rất nhiều định kiến, họ cho rằng nơi đó chỉ gieo rắc vào đầu các cô gái mới lớn những tư tưởng lệch lạc. Nhất là cái tư tưởng nam nữ bình đẳng, tự do yêu đương bị bọn họ khinh rẻ lắm. Họ cho rằng đàn bà con gái làm như vậy chẳng khác gì mấy con ả lăng loàn, trắc nết. Nhưng điều đó cũng không trách được, vì suy nghĩ đó đã ăn sâu vào trong tâm khảm, truyền từ đời này sang đời khác nên cũng rất khó để thay đổi trong một sớm một chiều được.
"Dạ, con chào cô Hai. Ông biểu con đến hầu cô ạ."
Tôi bước tới nhìn đứa nhỏ đang đứng trước mặt mình, ước chừng chỉ mới mười ba, mười bốn tuổi, dáng người gầy gầy, nước da ngăm ngăm, nhìn rất tháo vát.
"Em tên gì?"
"Dạ, con tên Nụ."
"Nụ, năm nay em nhiêu tuổi?"
Nhỏ Nụ chớp chớp mắt, có chút e dè đáp lại: "Dạ con, năm nay mười sáu."
"Mười sáu?"
"Dạ phải."
Tôi ngạc nhiên: "Mười sáu mà sao người nhỏ xíu vậy? Tôi còn tưởng em mới mười hai, mười ba tuổi gì thôi chứ."
Nhỏ Nụ cười hì hì: "Cô Hai hổng biết đó thôi. Hồi má con đẻ con ra thiếu tháng nên đẹt ngắt à, má lại không có sữa, nhà con phải đi xin nước vo gạo về cho con uống. Lúc nhỏ nhà con nghèo lắm, lúa gạo còn hổng có mà ăn. Người làng con chết đói nhiều lắm. Con sống được đến ngày hôm nay đã là có phước lắm rồi đó cô."
Tôi nghe nhỏ kể nhẹ tênh, mà trong mắt nó cứ buồn buồn nên cũng không hỏi thêm nữa, cố tình nói lảng sang chuyện khác: "Mà nè, sau này em đừng có xưng con với tôi nữa, cứ xưng với tôi là em thôi."
"Con hông dám đâu cô ơi. Ông mà nghe được chắc sẽ đánh con chết luôn."
"Ừ, thôi vậy. Em hông dám thì thôi cô hông ép."
Nhỏ Nụ nhìn tôi, rồi lại cười che miệng cười: "Mèn đét ơi, cô Hai đúng là lạ quá chừng luôn. Hôm bữa con nghe dì Bảy nói mà con hổng có tin. Giờ gặp cô thì con tin rồi."
"Dì Bảy nói tôi sao?" Nghe nhỏ nói tôi có chút tò mò, liền sáp lại gần hỏi.
"Dì Bảy nói cô Hai hổng có giống mấy cô tiểu thơ khác trong vùng, mà con đâu có tin. Dì Bảy nói cô tốt tính, lại còn đối đãi tốt với kẻ hầu người hạ trong nhà, không khinh miệt kẻ nghèo hèn như tụi con."
"Ôi trời, tôi còn tưởng chuyện chi ghê gớm lắm. Đều là con người có hai cái tay, hai cái chân, mắt, mũi, miệng đầy đủ như nhau cả. Cùng lắm là tôi có phước lớn được đầu thai vào nhà giàu có, còn mọi người chỉ thiếu may mắn một chút thôi. Đúng là tôi không khinh người nghèo, nhưng không phải ai tôi cũng đối đãi như thế đâu."
Tôi cũng không phải người tốt đến mức như bồ tát sống, tôi chỉ lấy đạo của người trả lại cho người, nếu người đối tốt với tôi thì tôi sẽ đối tốt lại, còn nếu người bất nhân thì tôi cũng bất nghĩa. Cứ nhẫn nhục chịu đựng hay biết mà lại giả vờ không nghe không thấy thì không phải tính cách của tôi. Mấy ngày ở nhà cũng không có chuyện gì làm, cứ cách vài ngày tôi lại cùng nhỏ Nụ đi ra ngoài chợ dạo mấy vòng, đi riết mà người trong chợ cũng bắt đầu quen mặt tôi. Cha tôi cũng là người có tiếng trong vùng nên tôi cũng được thơm lây, mọi người cả nể gọi tôi một tiếng 'cô Hai'.
Hôm nay, cũng như mọi ngày, tôi ra chợ dạo một vòng, lúc đang trên đường trở về không biết trời xui đất khiến gì mà tôi và nhỏ Nụ lại đi con đường khác, không phải con đường chúng tôi vẫn thường đi để về nhà. Ai ngờ đi được một lúc, thì nhìn thấy một người đàn ông trung niên trạc tuổi cha tôi đang ngồi trên đất, lưng tựa vào bụi trúc, mặt mũi người đó tái mét.
Nhỏ Nụ thấy cảnh máu me trước mắt thì sợ xanh mặt, níu lấy tay áo tôi: "Cô Hai ơi, máu… máu kìa cô Hai. Thấy ghê quá. Ông ta còn sống hay chết rồi vậy cô?"
"Người ta còn cử động kia kìa, chết đâu mà chết. Lẹ lên. Em theo cô đi lại coi thử coi người này còn cứu được không."
"Hay là thôi đi cô Hai. Giờ ở đây hông có ai hết, lỡ mình bị vạ lây thì sao? Mình đi đi cô."
"Đâu có được. Thấy chết không cứu còn ác hơn là giết người nữa. Em muốn đi thì đi một mình đi."
"Con hông bỏ cô Hai đâu. Có đi thì con cùng đi với cô."
Tuy là nói vậy, nhưng nhỏ Nụ cứ sợ sợ đứng nép ở phía sau tôi. Tôi vội vàng chạy đến bên cạnh người đàn ông đang nằm trên đất, nhíu mày lo lắng: "Bác có sao hông bác?"
"Tôi… giúp… giúp tôi với." Người đàn ông trung niên thở không ra hơi, mặt mũi trắng bệt, vết máu đỏ tươi càng lúc càng loang ra nhiều hơn, nhuộm đỏ một mảng lớn.
Tôi nhìn quần áo trên người ông ta, tuy là đã dính bùn đất nhưng chất liệu đều là hàng tốt, vừa nhìn đã biết là người giàu có. Chắc là do con đường này vắng vẻ, nên mới xảy ra cướp giật. Mà kể cũng lạ, nếu ông ta đã giàu có như vậy thì khi ra ngoài ít nhất cũng phải có bốn năm gia nhân theo hầu, chứ sao lại đi một mình để ra nông nổi này.
"Thôi được rồi. Bác ráng giữ sức đi. Nụ, em đi gọi người đến đây giúp cô đưa bác ấy đến thầy lang. Nhanh lên."
Nhỏ Nụ dạ dạ mấy tiếng rồi chạy ù đi. Ở làng tôi, thầy lang có tiếng nhất là thầy Tư Bền. Mấy đốc tờ ở Sài thành chắc cũng không có tâm bằng thầy ấy, cái lương tâm thầy thuốc lớn lắm. Người được ông ấy chữa cho nhiều không thể đếm xuể, nhưng cơm ngày chỉ đủ ăn, tiền bạc trong nhà cũng không dư giả gì, chẳng là vì ông ấy cứ giúp người trước, dù họ không có tiền, mà thấy họ khổ quá thầy Tư lại động lòng thương cảm mà chữa giúp. Ai đời chữa bệnh không lấy tiền, lại còn biếu bạc cho người bệnh. Tôi có hỏi mấy lần, thầy Tư cũng chỉ cười xòa, nói: Cô Hai hổng biết chứ vậy mà vui trong bụng lắm, chứ không tôi về nhà lại thấy không yên.
Tôi nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng đúng, con người mà, có thể không giàu tiền giàu bạc, chứ không thể không có tình người được.
Giúp người thì giúp cho tới nơi tới chốn, sau khi trả tiền thuốc thang, tôi nghĩ đi nghĩ lại thấy nếu mình bỏ về thì chắc cả đêm mất ngủ, nên thôi, tôi đành ngồi ở đây chờ ông ấy tỉnh lại xem sao.
"Trưa nắng thế này, cô Hai uống miếng nước đi cho đỡ khô cổ."
"Cảm ơn thầy."
Thấy tôi cứ thấp thỏm không yên, thầy Tư Bền cũng không nhịn được lên tiếng: "Cô Hai cứ an tâm. Ông ấy phước đức lớn lắm mới gặp được cô Hai, nếu trễ thêm chút nữa là không cứu được rồi. Mà nhìn thế này, chắc là gặp phải cướp rồi. Dạo này tụi nó lộng hành lắm."
"Ghê vậy luôn hả thầy?"
"Dạ, cũng mấy ngày gần đây à cô. Mà lúc đó tụi nó cướp của à, hông biết sao nay lại ra tay hành hung người ta tới mức suýt chết như thế này nữa."
"Thôi, mai thầy cứ biểu bà con an tâm. Tụi nó lộng hành quá sớm muộn cũng sẽ sinh chuyện, để tôi đi báo quan trên cho họ gông đầu hết cả lũ tụi ác nhơn thất đức đó. Chứ để như vầy hoài đâu có được."
"Dạ, tôi thay mặt bà con đội ơn cô Hai."
Tôi ngồi đó đến gần xế chiều thì người hầu trong nhà gọi về, nói cha tôi gọi tôi về gấp. Tôi dặn dò thầy lang mấy câu rồi mới rời đi. Ngày hôm sau lúc tôi trở lại thì thầy lang nói người đó đã rời đi từ lúc tờ mờ sáng, cũng không để lại tên họ gì hết. Tôi cũng không nghĩ nhiều nữa, dù sao tôi cứu người không phải vì muốn họ phải trả ơn cho mình. Mà nghe lời thầy lang nói thì chắc người tôi cứu hôm qua thân phận cũng không nhỏ, hành tung bí ẩn như vậy mà.
Tiếng gió xào xạc thổi bên tai, tôi nhìn tấm ảnh đã sờn cũ trên tay mình, đó là hình một đứa bé trai và một đứa bé gái. Bé gái trong ảnh chính là tôi, còn bé trai là đứa em trai tội nghiệp của tôi. Em trai tôi tên Phạm Khải An, nhỏ hơn tôi ba tuổi. Năm tôi lên bảy, má dẫn tôi và Khải An đi xuồng về quê thăm ông bà ngoại, không ngờ lúc trở về xuồng lại bị lật, tôi được cứu lên bờ, tôi may mắn thoát chết, má tôi thì không may mắn như vậy, xác bà được tìm thấy sau đó không lâu. Còn em trai tôi thì bị nước cuốn trôi, đến tận bây giờ vẫn chưa rõ tung tích. Mọi người đều nói nó đã chết mất xác từ lâu, nhưng linh cảm nói cho tôi biết đứa em trai tội nghiệp của tôi vẫn còn sống.
"Con gái của cha đang suy nghĩ gì vậy? Có chuyện gì phiền lòng à?"
Tôi vội vàng giấu bức ảnh, tôi biết đây là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời của cha tôi. Chỉ trong một ngày, mất cả vợ lẫn con, tôi thì mất má mất em. Có lẽ chính vì thế mà cha rất nuông chiều tôi, dùng toàn bộ tình thương dành cho má và em trai đặt hết lên người tôi. Cha con tôi chưa từng từ bỏ hy vọng tìm kiếm em trai, tìm suốt mười năm, chỉ cần một ngày chúng tôi còn một hơi thở thì cha và tôi nhất định phải tìm em trai trở về nhà nhận tổ quy tông.
"Dạ không có. Con chỉ suy nghĩ vu vơ vậy thôi."
Cha ngồi xuống bên cạnh tôi: "Hôm nay cha có dặn dì Bảy nấu canh chua cá bông lau mà con thích. Con đói chưa, để cha biểu tụi nhỏ dọn cơm lên cho con ăn."
"Dạ thôi. Con mới ở Sài Gòn về, trong người vẫn còn hơi mệt. Khi nào con đói thì con biểu con Nụ dọn cơm lên sau."
Tôi rất ít khi đường dài, lần này trở về lại đi qua đoạn đường xóc nảy dữ dội nên người cứ thấy mệt mệt, bụng dạ khó chịu không muốn ăn gì dù từ sáng tới giờ tôi chưa có cái gì vào bụng.
"Con thấy mệt trong người sao không nói với cha?" Tôi còn chưa kịp phản ứng, thì cha đã lớn tiếng gọi: "Có ai ở ngoài đó không? Đi mời đốc tờ đến đây khám bệnh cho cô Hai."
Tôi hoảng hốt, vội vàng giữ lấy tay cha tôi: "Con không sao. Cha không cần mời đốc tờ đến đâu. Con ở ngoài này hít thở khí trời một chút thôi là khỏe à."
Cha thấy tôi kiên quyết như vậy thì cũng không ép nữa. Hai cha con nói chuyện một lúc, điều mà tôi sợ cuối cùng cũng đến.
"Mà Bình này, con cũng lớn bộn rồi, tới lúc nên tính đến chuyện tìm một tấm chồng rồi."
"Sao tự nhiên hôm nay cha lại nhắc đến chuyện này. Con còn nhỏ mà, con chỉ muốn ráng học cho xong thôi."
Cha nhìn tôi, hỏi: "Con có ưng cậu Ba Trung của nhà ông Hội đồng Nghĩa ở Gò Công không?"
Tôi nghe vậy thì lắc đầu lia lịa: "Người đó là ai vậy cha? Con còn không biết mặt mũi người ta thế nào, cao thấp, mập ốm ra sao mà cha biểu con cưới người ta sao được."
"Hồi nhỏ hai đứa có gặp nhau mấy lần, ngặt nỗi là cậu ta lớn hơn con tới mười tuổi lận. Lúc nhỏ con và cậu ấy cũng hợp tính nhau lắm nên cha với ông Hội đồng Nghĩa có hứa hôn con với cậu ấy. Sau này nhà mình chuyển đến Vĩnh Long, nên hai đứa mới không gặp nhau nữa. Định là đến khi con đủ mười tám tuổi, họ sẽ mang trầu cau đến dạm ngõ, cưới con về cho cậu Ba Trung."
Tôi lắc đầu lia lịa: "Dạ không, nhứt quyết là không. Con hổng có chịu cái cậu... cậu Ba Trung gì đó đâu. Chuyện lúc nhỏ là chuyện của con nít mà cha, giờ lớn rồi mặt mũi cậu Ba nhà đó trông thế nào con còn hông biết. Sao con dám gả qua đó? Anh ta lớn hơn con mười tuổi lận, vậy bây giờ cũng đã hai mươi tám rồi. Tuổi của anh ta, đờn ông ở quê mình đã có hai, ba mặt con rồi. Tới tuổi này mà anh ta còn chưa lấy vợ, chắc là phải có chuyện gì đó khuất tất. Lỡ anh ta xấu xí, tật nguyền hay gì thì sao? Cha ráng nói khéo đặng từ chối giùm con đi nghen cha."
Tôi phản đối như vậy, chứ cũng chẳng nhớ được cái người gọi là cậu Ba Trung đó là ai. Kể từ cái năm tôi lên bảy suýt chết đuối dưới sông, thì những kí ức trước năm bảy tuổi đều vô cùng mờ nhạt. Đốc tờ nói do tôi bị sốc, nên mất đi một phần kí ức. Tôi còn chẳng nhớ rõ gương mặt của má trông như thế nào, còn có người em trai thất lạc của tôi cũng chỉ được nghe qua lời kể, nhưng mỗi lần nhớ lại tôi đều không nhịn được mà rơi nước mắt.
Cha chỉ cười, xoa đầu tôi: "Cha cũng nghĩ là con không ưng. Hồi đó cha với ông Hội đồng Nghĩa chỉ nói miệng thôi, chứ cũng không ký giấy tờ chi hết nên chuyện này từ chối thì nhà mình cũng không phải gánh điều tiếng. Ngặt là nhà ta với nhà ông Hội đồng cũng là chỗ quen biết, giờ từ chối người ta sợ là sẽ mích lòng*. Mà ý con không ưng, về đó làm dâu sợ là vợ chồng sẽ bất hòa. Thôi vậy, con gái cha phải hạnh phúc thì người làm cha này mới không có lỗi với má con."
(*) mích lòng: cảm thấy không vừa lòng, chạm tự ái (trong quan hệ gần gũi, thân thiết)
"Thiệt lòng là con chưa nghĩ đến chuyện cưới sinh chi hết. Con còn nhỏ mà cha, con chỉ muốn ở bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng cha thôi."
"Con nói vậy đâu có được. Đờn ông con trai thì đợi bao lâu cũng được, chứ con gái có lứa có thì hết, qua tuổi là khó lấy chồng lắm đó đa. Con gái làng mình trạc tuổi con người ta lấy chồng hết rồi. Năm nay con cũng lớn bộn rồi, không sớm thì muộn cũng phải yên bề gia thất. Hay là con đã ưng người nào rồi mà giấu cha phải hông?"
Tôi nghe xong thì một lần nữa rơi vào thế khó xử vô cùng, cha tôi giống như là đi guốc trong bụng tôi vậy đó, hình như tôi nghĩ cái gì ông cũng biết hết.
Do dự một lúc, tôi mới dám nói: "Con quen với người đó là vì tụi con hợp tánh hợp tình với nhau. Nhưng mà thiệt ra tụi con cũng chỉ mới cảm mến nhau, chứ không dám làm chuyện gì vượt qua gia phong lễ giáo đâu cha." Cha tôi im lặng không trả lời, tôi níu lấy tay ông, nhỏ giọng năn nỉ: "Lần tới con về nhà, con muốn mời anh ấy về ra mắt, con muốn cha gặp ảnh, cha gặp ảnh rồi thì con chắc chắn cha sẽ không phản đối chuyện con với anh ấy quen nhau đâu."
"Nếu lỡ cha không ưng người đó thì con sẽ chịu bỏ cậu ta chớ?"
"Cha, tự nhiên cha hỏi khó con quá à."
Cha nghe tôi nói thì cũng không ép tôi nữa, nhẹ nhàng vỗ vỗ vai tôi, ân cần nói: "Được rồi. Lần tới cứ dẫn cậu ấy về đây cho cha coi thử, để cha còn dòm xem tánh ý cậu ta thế nào. Đờn ông nhìn đờn ông là chuẩn nhất đó con, không có ai qua mắt được cha đâu."
"Con biết là cha thương con nhất mà."
Tôi cũng không hỏi tiếp, sau đó mới lén lút nhờ nhỏ Nụ đi nghe ngóng thử mới biết. Thì ra ông Hội đồng với cha tôi là bạn đồng hương, cùng lớn lên bên nhau. Ông Hội đồng là con nhà giàu, của cải do ông bà để lại ăn xài ba đời cũng không hết. Gia cảnh của cha tôi tuy không bằng ông Hội đồng nhưng cũng là con nhà gia giáo, ông nội tôi là Hương sư trong làng, được người trong làng nể trọng lắm, lại là thầy dạy chữ của ông Hội đồng. Năm tôi lên ba thì ông nội tôi mất, nhà cũng suy sụp, cha tôi không còn cách nào khác dẫn theo vợ con bỏ xứ đi làm ăn, nương náu ở Vĩnh Long làm ruộng, lần lần ông mua điền đất, khai khẩn đất hoang, trở thành một người giàu, ra làm cho làng rồi từ từ lên chức Cai tổng.
Mấy ngày trước, ông Hội đồng Nghĩa có đến nhà thưa chuyện với cha tôi, họ muốn tìm vợ cho cậu Ba của nhà đó. Năm xưa ông Hội đồng lại là chỗ thân quen với cha tôi, nên cha tôi mới xem đó là một chỗ nương cậy tốt muốn gả tôi qua đó làm dâu. Nhà Hội đồng Nghĩa được người trong vùng nể trọng lắm, ông Hội đồng Nghĩa cũng là người nhơn đức, nhưng có một vết nhơ duy nhất chính là họa do đứa con trai lớn của ông ấy. Trái ngược với tiếng lành của cha mình, thói ăn chơi đàn đúm của cậu Hai nhà đó khắp lục tỉnh Nam Kỳ này ai ai cũng biết. Đúng là cây ngọt sinh trái đắng mà.
Ông Hội đồng có ba người con trai, hai người con gái, nhưng họ không phải cùng một mẹ sinh ra. Hai người con trai đầu và cô con gái lớn là con của bà Hội đồng quá cố, người con trai thứ ba và cô con gái út là con của bà Hội đồng hiện tại. May mắn một nỗi là ông Hội đồng cũng không có vợ nhỏ, tuy là có hai đời vợ, nhưng cũng không ra ngoài tằng tịu với nhân tình. Chức ấy cũng không phải cái chức hữu danh vô thực, huống hồ ở cái chế độ cai trị của thực dân Pháp thời bấy giờ ở sáu tỉnh miền Tây không chỉ có cướp bóc đô hộ. Một người ở trong hội đồng quản hạt mà lại tằng tịu có hai ba bà vợ lớn nhỏ thì thật sự không ổn chút nào. Vợ đầu của ông Hội đồng Nghĩa đã qua đời khi cậu Hai nhà đó mới lên tám, người vợ đầu qua đời còn chưa đầy năm, thì ông Hội đồng đã cưới một người vợ khác, cũng là bà Hội đồng hiện tại. Nghe nói năm xưa bà ấy và ông Hội đồng thương nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm, ông ấy mới phải nghe theo lời cha má đi lấy vợ. Sau này cha má ông Hội đồng đều mất, ông ấy mới có thể làm theo ý mình muốn.
Chuyện này, dù sao cũng không phải là chuyện đơn giản.
Mà thôi, tôi cũng không nghĩ ngợi gì nữa, đằng nào thì tôi cũng chẳng muốn bước vào nhà đó làm dâu. Nhà gì mà phức tạp, lại còn phải lấy một người chồng mà mình còn chưa từng gặp mặt bao giờ. Tôi có điên mới bằng lòng.
Bình luận
Chưa có bình luận