Trời vừa hửng sáng, tiếng gà gáy eo óc đã không ngừng nối nhau vang lên. Màn sương trắng bảng lảng cũng dần dần tan biến, mặt trời chiếu những tia sáng yếu ớt xuyên qua từng nhành cây, tán lá còn ướt đẫm sương đêm.
Chái bếp nhà ông Hai Hom lại vang lên tiếng lục đục nhóm lửa quen thuộc.
Huệ từ nhỏ đến lớn có thói quen ngủ ít, chưa đến hơn 5 giờ đã thức dậy; quét tước sân vườn, nấu nước, pha trà, luộc một niêu khoai, chuẩn bị bữa sáng cho cha mình. Mẹ cô mất sớm, hai cha con nương tựa vào nhau mà sống. Ông Hai Hom là thầy đồ trong thôn, tính tình nghiêm khắc, phong thái đạo mạo, bình thường đối với con cái cũng không biểu lộ quá nhiều tình cảm. Thỉnh thoảng Huệ còn cho rằng cha đang trách cô là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ nên mới không yêu thương cô, mới lạnh nhạt với cô như vậy. May mắn trong nhà còn có dì Xuân và đứa nhỏ chạy việc, nên cảnh nhà cũng đỡ hiu quạnh đi phần nào.
Huệ quen tay, nhón một chút trà khô ướp hoa nhài cho vào cái ấm đất nung. Cô còn đang đứng thừ người ra suy nghĩ vẩn vơ trong lúc chờ nước sôi thì bên ngoài có tiếng bước chân chạy “bình bịch” vang lên. Loáng một cái đã thấy bóng dáng nhỏ thó quen thuộc xuất hiện trong tầm mắt – là thằng Đẹn.
“Cô... cô Hai... không xong rồi!”
Nó vừa lắp bắp nói vừa giương đôi mắt ốc nhồi nhìn Huệ chằm chằm, nét mặt chứa đầy nỗi sợ hãi, hoảng loạn.
“Có gì thì từ từ nói cô nghe xem nào, mày cứ hớt ha hớt hải như thấy ma vậy?”
“Con... cho con miếng nước.” Không chờ được cho phép, nó nhào tới chỗ cái khạp da lươn chứa nước mưa đặt đầu hè, lấy cái gáo dừa múc một gàu lớn, uống ừng ực như “trâu uống nước đìa”.
Huệ chặc lưỡi, thằng Đẹn tính tình hấp tấp, lại còn có tật cà lăm nhưng lại nhanh nhẹn, nghe lời, coi như bù qua sớt lại.
“Cô... cô ơi, đúng là thấy ma thật!”
“Ban ngày ban mặt mà ma cỏ gì!” Huệ phì cười, cười thằng Đẹn thần hồn nát thần tính.
“Không... không phải đâu... đâu cô. Có ma thật... ông Năm... Năm Kiền chết... chết rồi.”
“Cái gì?” Huệ nghe như sét đánh bên tai.
Cô gọi ông Năm Kiền là chú, ông là bà con bên ngoại của ba cô, cả hai có cùng hoàn cảnh góa vợ lại ngang ngang tuổi nên khá thân thiết. Từ dạo chú Năm mê mải câu cá ngoài ghềnh đá, cản mãi mà không được, hai ông bạn già cũng “nghỉ chơi”, không qua lại khề khà như trước kia nữa. Nhưng nói gì thì nói, Huệ biết ba cô cũng chỉ mạnh miệng mà thôi, nhiều lúc biết cô lén đem đĩa cá kho, tô canh rau tập tàng cho chú Năm, ông cũng chẳng nói gì, vờ như không biết. Ấy... ấy vậy mà... chú Năm chết rồi!
Huệ không biết nước mắt nóng hổi đã bò ra trên gò má mình từ lúc nào, cô đưa tay quệt đi, lay lay vai thằng Đẹn.
“Chú Năm... chú Năm sao mà chết!” Cô hoảng đến mức cà lăm theo thằng Đẹn. Cha cô vẫn còn chưa thức dậy, cô cũng không dám nói cho ông biết tin tức đau lòng này.
“Thưa cô, sáng nay... con theo bà đi chợ, nghe... nghe mấy người đi đánh cá sớm nói! Họ... họ phát hiện... xác ông Năm dưới... dưới hõm Cá Kình... chỗ ổng hay ngồi câu... cá!”
Hai mắt Huệ vằn đỏ, cay xè, cô nhỏ giọng dặn dò thằng Đẹn.
“Mày ở đây coi nhà cho cô, khi nào ông dậy thì châm trà, lấy khoai với muối vừng bày ra. Cô ra đó xem thế nào.”
“Dạ… dạ vâng...”
Huệ biết nhà chú Năm của cô chẳng còn ai, chuyện ma chay chắc hẳn sẽ do nhà cô lo liệu, nhưng sao chẳng thấy ai đến nhà báo tin cả. Nếu không nhờ “cái loa phóng thanh” của thằng Đẹn thì cô còn thong dong không biết gì.
Huệ khoác cái áo nhuộm màu cánh gián, đầu đội mê nón lá, tất tưởi chạy ra ghềnh đá Lớn. Từ đằng xa đã nhìn thấy đám đông tụ tập, tiếng người bàn tán xôn xao.
“Sao rồi, sao rồi? Đưa được ông Năm ra khỏi hõm nước chưa?”
“Chưa... dưới đó nhiều tảo bẹ quá, siết chặt như vậy! Muốn kéo ra cũng không dễ.”
“Gọi thêm mấy thanh nhiên nữa đến đi, chẳng hiểu kiểu gì mà ông ta lại ngã xuống đấy nữa! Phải mang cái xác lên trước khi thủy triều dâng, nếu không bị cuốn ra biển thì khổ.”
Nghe giọng nói ồm ồm giảng giải, Huệ bủn rủn cả chân tay. Thủy triều gần lên rồi, nước lớn thì khó mà giữ được cái xác trong hõm nước đó được nữa. Nhưng chẳng phải chú Năm thường ngồi thuyền thúng câu cá thôi sao, cái hõm nước cũng lặng, không nhiều sóng ngầm như ngoài biển, sao lại ngã chết được? Còn một điểm lạ nữa là chú Năm bơi rất giỏi, tuy không bằng mấy tay lão luyện trong thôn nhưng chẳng khác nào một con rái cá, chết đuối là chuyện kỳ dị nhất, Huệ không thể ngờ đến.
“Huệ à, em đi đâu đấy?”
Giọng nói vừa vang lên, cánh tay của cô đã bị bàn tay thô lỗ của một người đàn ông tóm chặt lấy, đau điếng. Mùi thuốc lá đắt tiền nồng nặc xộc vào mũi Huệ...
Cô giật mình quay sang, gò má phớt qua lớp vải lụa mịn màng, cả người bị người ta ôm chầm lấy; là cậu Ba nhà họ Ngô – Ngô Chí Nam. Anh ta làm gì ở đây?
“Anh... chẳng phải anh ra tỉnh học rồi sao?”
“Huệ nhìn thấy anh thì không vui à?” Cậu Ba Nam đưa tay nhéo chóp mũi của Huệ, cợt nhả hỏi.
“Anh làm cái trò gì thế, mau buông tôi ra. Tôi đang có chuyện gấp.” Huệ bực dọc vùng mạnh tay, rời khỏi cậu Ba Nam, ánh mắt chứa đầy chán ghét.
“Em hung dữ thế làm gì, trước sau gì em cũng là vợ của anh. Em đi lo chuyện của lão Năm gàn dở đúng không, có gì mà to tát, trước sau gì lão chả chết. Cứ sống ngắc ngoải như vậy đâu phải là tốt.” Chí Nam bĩu môi, vẻ khinh khi không giấu diếm.
Hai mắt Huệ long lên sòng sọc, cô mím chặt môi, lạnh lùng nhả ra mấy chữ.
“Anh... mau... cút... đi cho tôi.”
Nói rồi, cô nhanh chóng rời đi. Càng nhìn cái tên công tử bột này cô càng cảm thấy khó chịu, cổ họng lợm đi, đắng chát như ăn phải khoai hà, thế mà cha cô lại còn muốn gả cô cho hắn. Nhà họ Ngô thì danh gia vọng tộc thật đấy, nhưng cô có thèm cái danh của nhà đấy đâu, cuộc sống bây giờ chẳng phải đang rất tốt sao!
Cậu Ba Nam không bị thái độ hằn học của Huệ làm cho bực tức, hắn thản nhiên rít một hơi thuốc dài rồi gảy gảy tàn xuống đất. Phụ nữ dù ngang bướng đến thế nào đi chăng nữa, vào tay hắn cũng nhanh chóng ngoan ngoãn phục tùng thôi, cứ chờ xem cô ta bướng bỉnh được bao lâu! Hắn khẽ nhếch miệng cười.
Huệ xông vào đám đông, vẹt đám người đang đứng lố nhố bàn tán kia ra, thất thanh gọi.
“Chú Năm... chú Năm ơi.”
“Kìa, người nhà của ông ta đến rồi.”
“Huệ đúng không, cha cháu đâu?” Một người đứng tuổi giơ tay cản Huệ lại, cô nhận ra đây là người nhận định tình hình lúc nãy cô nghe lỏm được từ xa.
“Bác Điền, cha... cha cháu... cha cháu chưa biết chuyện.”
“Trời, con nhỏ này, cháu đang nghĩ cái gì vậy hả? Tình hình không ổn đâu...”
“Bác Điền... không ổn là sao ạ?” Huệ ngừng khóc, hớt hải hỏi.
“Chú Năm của cháu... là bị ‘người ta’ giữ. Có khả năng không vớt được xác, nên bác mới bảo gọi cha cháu ra, cần bàn bạc một chút.”
Đầu óc Huệ như mụ đi, “người ta” giữ là ý gì?
Sóng biển đánh vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa, ngoài mùi mằn mặn của biển còn có mùi tanh tưởi nồng đậm bốc lên trong không khí.
“Bác Điền, cháu... cháu không hiểu! ‘Người ta’ là ai?” Huệ ngơ ngác hỏi lại.
“Đi ra đây với bác.”
Ông Điền đi trước dẫn đường, Huệ cun cút đi theo sau. Bàn chân trần của cô giẫm lên đá nhọn như đi trên bàn chông. Cái mùi nồng nồng kia càng lúc càng mạnh hơn, mãi một lúc sau... Huệ mới nhận ra đó là mùi tử thi. Cả người cô run lên từng đợt, giữa trưa mà sống lưng lạnh toát. Trước giờ, Huệ chưa từng nhìn thấy một thi thể... thế mà lần đầu tiên lại là nhận thi thể của người thân. Nghĩ đến chú Năm, cô lại rơm rớm nước mắt.
Cái thuyền thúng lật úp đã được kéo lên, nằm phơi mình trên bờ đá.
Bình luận
Chưa có bình luận