– Đừng sợ.
Chiếc đèn lồng trong tay tôi hơi rung lên, ánh nến chập chờn tỏa ra bốn phía.
– Đừng sợ. Mình đi thôi.
Cậu ta nói rồi nhẹ bước về phía trước. Tôi nắm chặt chiếc đèn, nhấc chân đi theo.
***
Tôi tự hỏi có phải mình đã quá dại dột không khi giúp một hồn ma. Phải, một hồn ma. Tôi đã thấy cậu ta cách đây không lâu, có lẽ tầm một tháng trước. Cậu ta thường đứng cạnh cột đèn giao thông dưới bóng cây bàng, hoặc ngồi ở trạm chờ xe buýt gần đó. Cậu ta tầm tuổi tôi, mặc một cái quần lửng màu nâu và sơ mi trắng học trò, như thể vừa về nhà từ trường thì vội đi đâu đó nên chỉ thay mỗi quần.
Cậu ta cứ luẩn quẩn ở góc ngã tư này, cúi nhìn xuống đất. Nhiều lúc đạp xe ngang qua khá gần, tôi để ý thấy hai hàng mày cậu ta nhíu lại như đăm chiêu suy nghĩ. Lần duy nhất cậu ta có vẻ bồn chồn là lúc người ta dọn quầy bán bánh Trung thu. Thật tình mà nói nếu không có mấy quầy bánh này tôi cũng sẽ quên hẳn sắp đến ngày rằm tháng Tám.
Đáng ra tôi đã không có tiếp xúc gì với hồn ma này nếu không có chiều mưa hôm đó. Xe đạp hỏng, tôi đi bộ ra trạm xe buýt để bắt xe đến lớp học thêm. Trời đổ cơn mưa khá lớn, không ít người vội vã nép dưới mái che nhỏ để tránh mưa, chẳng bao lâu nơi đợi xe đã đầy người chen chúc. Tôi bị đẩy càng lúc càng sát chỗ hồn ma lúc này đã đứng nép vào một góc, vừa tránh người vừa tránh mưa. Dù cố gắng trụ lại nhưng lần chen lấn cuối cùng khi xe buýt đến đã khiến tôi loạng choạng ngã xuyên qua cậu ta.
Cả người tôi nổi gai ốc. Thân ảnh nhạt nhòa ấy dao động như mặt nước có gì rơi xuống. Tôi buột miệng nói:
– Xin lỗi.
Sai lầm còn ở chỗ tôi đã nhìn thẳng vào mặt cậu ta. Khuôn mặt nhợt nhạt lúc nào cũng rầu rĩ ấy thoáng sáng lên. Tôi sững người, thầm kêu không ổn. Quả nhiên khi lên xe, lén liếc lại, tôi thấy cậu ta đang vẫy tay với mình. Lúc này trời mới tạnh mưa.
***
– Cậu có chắc là đúng đường không?
– Mình không biết. Cứ đi thẳng về phía trước thôi.
– Thật không?
– Chắc chắn. Cứ đi thẳng về phía trước.
Ánh đèn lồng chập chờn theo từng bước chạy.
***
Tôi đi bộ về chứ không đón xe buýt nữa. Tôi đã nghĩ cậu ta chỉ có thể quanh quẩn ở cái ngã tư ấy, nhưng không phải thế. Cái bóng trắng mờ đã đứng trước cửa nhà tôi, nép vào hàng rào hoa giấy. Tôi quyết định phớt lờ và mở cổng, nhưng cậu ta đã đến sát bên cạnh, thì thầm:
– Giúp tôi với.
Tôi vào nhà, đóng cổng đóng cửa lại.
Ban ngày không có chuyện gì xảy ra, nhưng đêm đến tôi lại nghe có tiếng chân bước ngoài đường, ngay trước cổng. Còn có cả tiếng khóc ri rỉ đâu đó, nghe cứ sởn hết cả da gà. Một tuần liền, ngày nào ra cổng tôi cũng thấy cái bóng trắng ấy đứng dưới giàn hoa. Lần nào thấy tôi cậu ta cũng nói “Giúp tôi với”. Tôi im lặng nhưng câu nói ấy đã len cả vào trong mơ.
Chiều hôm ấy, ổ khóa mãi không xoay được, hồn ma kia thì cứ đứng kế bên nhìn chăm chắm, tôi liệng xâu chìa khóa xuống đất, khẽ rít:
– Thôi đi! Còn định ám cái nhà này đến bao giờ hả?
– Xin giúp tôi. Trăng sắp tròn rồi.
– Trăng tròn thì liên quan quái gì đến tôi?
– Tôi muốn đầu thai. Giúp tôi với.
– Tại sao tôi phải giúp cậu?
– Cậu nhìn thấy tôi, chúng ta có duyên với nhau. Nếu cậu không giúp tôi sẽ phải lang thang trên này mãi.
Cậu ta là một oan hồn. Lúc này trông cậu ta như sắp khóc. Tôi chợt nhớ mấy đêm nay, đêm nào tôi cũng nghe tiếng khóc nỉ non. Rốt cuộc tôi đành nói:
– Giúp cậu rồi cậu sẽ không ám nhà tôi nữa chứ?
– Không đâu, không đâu.
Lần đầu tiên tôi thấy cậu ta hớn hở đến như vậy. Trời đã tắt nắng nên cậu ta không phải núp dưới bóng râm nữa, nhưng vẫn không thể vào trong nhà vì Thổ địa ngăn cản. Bởi vậy tôi đành lấy ra một chiếc ghế, ngồi trên vỉa hè nghe con ma kể lể.
Nhà tôi ở cuối một con đường cụt, ban đêm hầu như không hề có ai qua lại. Tôi ngồi nhìn bóng mình trải dưới ánh đèn đường màu da cam, nghe bên tai giọng nói thì thầm như gió thoảng. Mấy lần muốn đứng dậy vào nhà là bấy nhiêu lần tôi khuyên mình nán lại. Chuyện này mặc dù chẳng hay ho gì nhưng tôi không nỡ rời đi.
Theo lời của hồn ma, cậu ta cần tìm đến cửa Địa phủ vào đêm rằm sắp tới. Cửa Địa phủ chỉ mở mỗi năm một lần vào rằm tháng Bảy để các hồn ma lên trần thế thăm người nhà, nhưng không ai biết rằng vẫn có những hồn ma bị lạc hoặc không kịp về khi hết đêm rằm. Thế là vào đêm rằm tháng Tám, khi trăng tròn và sáng nhất, cửa sẽ được hé ra một lần nữa để đón các hồn ma này về, đồng thời các oan hồn vất vưởng có thể nương theo đó mà báo danh để không còn phải lưu lạc chốn trần gian.
– Các oan hồn này có thể theo ánh nến của đám rước đèn lồng để tìm được cửa, nhưng trẻ em ở thành phố này không còn chơi đèn lồng thủ công nữa, ánh đèn điện không thể soi đường, oan hồn như tôi không thể tìm được đường về Địa phủ.
– Tại sao cậu vẫn còn lang thang ở đây?
– Tôi chết quá đột ngột. Tôi rất sợ hãi và không chấp nhận mình đã chết. Những hồn ma còn quá nhiều luyến tiếc và oán niệm sẽ trở thành oan hồn, không thể xuống Địa phủ. – Nói đến đây, khuôn mặt cậu ta bỗng trở nên vặn vẹo, một dòng máu chảy xuống thành một trán, giọng cậu ta cũng biến đổi trở nên đáng sợ. – Tôi không muốn chết! Tôi không muốn chết! Tôi không muốn chết!
Tôi há miệng nhưng không thể nói được gì vì hàm đã cứng đi. Cậu ta làm tôi sợ. Sau một lúc tưởng như vô tận, cậu ta mới úp mặt vào hai bàn tay, giấu đi khuôn mặt kinh khủng của mình, khẽ nói:
– Xin lỗi.
– Cậu còn trẻ quá… – Cuối cùng tôi cũng mở miệng được khi tim đã đập chậm lại. Tôi cứ tưởng mình sẽ ngất.
– Phải.
– Nhưng cậu chết rồi.
– … Phải… Cứ thế này, nếu không sớm về Địa phủ, tôi sẽ biến thành ma giữ cửa.
– Nghĩa là sao?
– Tôi sẽ ám cái ngã tư ấy đến khi một người khác chết ở đó. Linh hồn của người đó sẽ thế chân tôi, lúc đó tôi mới có thể thoát khỏi nơi ấy.
Tôi rùng mình. Nghe qua có thể đoán cậu ta chết vì tai nạn giao thông. Chỉ có thể là tai nạn giao thông mới có thể đột ngột như thế, để lại nhiều oán niệm như thế.
– Tôi phải giúp cậu như thế nào?
Cậu ta nhìn tôi chăm chú. Tôi có thể thấy cậu ta đang do dự. Thật lạ, cậu ta đã nài nỉ tôi giúp mình, nhưng bây giờ khi tôi đồng ý, cậu ta lại do dự. Một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên đầu tôi xào xạc. Xào xạc. Đến khi tôi sắp đổi ý, cậu ta lại nói:
– Đêm trăng tròn, cậu sẽ thắp một chiếc đèn lồng đưa tôi đến cửa.
Đêm trăng tròn. Đêm Trung thu. Tôi bất giác ngước nhìn mặt trăng đang treo trên đỉnh vòm trời. Trăng vẫn còn khuyết một góc, có lẽ tầm 3 ngày nữa mới tròn hẳn. Những ngày gần đây khắp nơi đã đầy người chuẩn bị đón Trung thu, rộn rã những đoàn lân tập luyện, đèn lồng và bánh bán khắp nơi. Đêm hôm đó thành phố hẳn sẽ không vắng người. Tôi hỏi:
– Đèn ông sao được không?
– Được.
– Vậy đêm trăng tròn tôi sẽ đợi cậu ở đây.
– Được. Hãy xin người nhà cậu sang nhà bạn ngủ hay thế nào đó…
– Không sao đâu, không ai quan tâm đâu. Tôi ở một mình quen rồi.
Ba mẹ tôi đã li dị nhau mấy năm nay. Mẹ tôi ngày càng chú tâm vào công việc, bà về nhà ngày càng muộn, có vẻ tụ tập với đồng nghiệp hay gặp mặt khách hàng khiến bà thoải mái hơn nhìn thấy mặt tôi. Ba tôi đã dọn đi nơi khác sống, ít khi nào tôi thấy ông ghé thăm. Tôi nhớ hồi mới li hôn ông còn siêng đến, về sau càng lúc càng thưa dần. Ông vẫn còn rất phong độ, nghe đồn nhân tình ông không thiếu nhưng tôi cũng không quan tâm mấy.
– À…
Sau tiếng trả lời khe khẽ đó là một cơn gió mạnh nổi lên, tôi nghe loáng thoáng rằng: “Cậu đã hẹn với một hồn ma, đừng thất hứa”.
***
Tôi không thất hứa nên tôi đã ở đây, trong một khoảng không gian tối đen chỉ có ánh đèn của tôi tỏa sáng, bên cạnh là một cái bóng trắng nhờ. Chúng tôi cứ đi, đi mãi về phía trước.
Lúc trời vừa sập tối, tôi đã thắp sẵn đèn đứng đợi ở cổng. Chiếc đèn ông sao ngày bé tôi từng chơi, tuy đã cũ nhưng lớp giấy bóng kính vẫn còn nguyên vẹn, mẩu lò xo để gắn nến thì đã hỏng từ lâu, tôi phải thay bằng một cái mới. Hồn ma đến, nắm lấy tay tôi.
– Chúng ta đi thôi. – Trông cậu ta có chút hồi hộp. – Mình sẽ quay lại chỗ ngã tư nơi tôi chết, từ đó tôi sẽ nhớ được đường về nhà, rồi sẽ nhớ được tên mình và mình sẽ tìm đến cửa.
– Cậu không nhớ mình là ai? – Tôi hỏi.
– Không, bởi vậy tôi mới chưa thể về Địa phủ, tôi không thể báo danh cho quan sai được.
Tôi không hỏi nữa, chỉ lẳng lặng đi theo. Ra đường lớn, người xe đã đông đúc hơn nhiều. Nhiều người ngoái lại nhìn chiếc đèn trên tay tôi. Cũng phải, tôi đã 16 tuổi, không còn ở tuổi đốt đèn dưới trăng nữa. Cái ngã tư giờ này nườm nượp xe máy và ô tô, thế nhưng trong tôi vẫn nghe rõ cậu ta trong tiếng còi xe.
– Cậu có mang theo mấy thứ tôi dặn không?
– Có đây.
Tôi lôi trong cái ba lô đeo sau lưng ra ít bánh trái, một cây hoa và ba nén nhang, bày dưới cái cột điện cậu ta hay đứng. Nhang vừa được cắm xuống, cậu ta đã nhón lấy một cái bánh mà ăn. Cái bánh trên tay cậu ta cũng lờ mờ, trong suốt.
– Tháng cô hồn vừa rồi tôi kiếm được cũng khá lắm. – Cậu ta nói với vẻ thỏa mãn.
Trong khi chờ cậu ta ăn xong, tôi thay cây nến khác cho chiếc đèn. Tôi mang theo khá nhiều nến phòng trường hợp đường dài để đèn không bị tắt.
– Xong rồi. Mình đi thôi. – Hồn ma chỉ tay. – Cậu thấy cái gì giữa ngã tư không?
Tôi nhìn về hướng đó, thấy trên mặt đường, dưới từng đợt bánh xe là một mảng sẫm màu. Rõ ràng lúc nãy ở đó không có gì cả. Tôi rùng mình.
– Đừng sợ. Vết máu sẽ đưa ta về nhà tôi. Đi nào.
Cậu ta vẫn nắm tay tôi bay phía trước. Tôi cầm đèn bước theo sau.
Từng giọt máu vẫn đều đặn rải trên đường. Con đường không quá lạ lẫm với tôi, chúng tôi đi không nhanh vì vẫn còn vướng người đi đường, còn phải giữ cho đèn không tắt. “Đèn tắt là phiền lắm đấy”, cậu ta bảo vậy. Cuối cùng, vết máu dừng lại trước một tòa nhà. Trên đường đi học tôi vẫn thường đi ngang qua đây, nhưng lần đầu tiên tôi cảm thấy tòa nhà này lại âm u đến thế. Ánh trăng rọi sáng trên đầu và dòng người qua lại không át được cái lạnh tỏa ra từ đấy. Bệnh viện.
– Nhà cậu… đây á?
– Không. Tôi nhớ rồi, người ta đưa tôi vào đây sau tai nạn. Đi thôi, nơi này không nên ở lại lâu.
– Nhưng không thấy vết máu nữa…
– Chắc là cửa sau.
Đúng là vết máu lại xuất hiện ở cửa sau, gần một khu nhà tỏa hơi lạnh nhất.
– Nhà xác đấy. Đi mau lên.
Chúng tôi lại rảo bước, không ai nói thêm câu nào nữa.
Thêm một đoạn đường khá xa nữa, lần này có vẻ chúng tôi vẫn chưa đến đúng nơi. Vết máu dẫn đến một bãi đất trống ở khu đang quy hoạch, gần như ở rìa thành phố. Gió ở đây thổi mạnh hơn nhiều, đêm Trung thu vốn không lạnh lẽo nhưng tôi vẫn phải hơi rụt cổ lại, thầm tiếc vì mình đã không mang áo khoác. Tôi che ánh nến chập chờn chực tắt, khẽ hỏi:
– Thế nào?
– Không phải ở đây. Có lẽ đây là nơi gia đình tôi làm đám ma.
Cậu ta chết ở ngoài đường, đám ma không thể làm trong nhà được. Vệt máu tụ lại ở đây là hết, không còn xuất hiện để chỉ lối nữa. Chúng tôi đứng đó một lúc, đến khi hồn ma chợt cất tiếng:
– Đừng để đèn tắt, chúng ta ra khỏi đây thôi.
Tôi nghe cậu ta có vẻ sợ, không giống như lúc ở gần nhà xác. Lúc ấy cậu ta cũng bảo “Đi mau lên”, nhưng câu nói ấy giống như một lời đề nghị hơn là cảnh báo như thế này. Tôi hạ giọng thì thầm:
– Chuyện gì vậy?
– Nhìn hướng mười giờ đi.
Tôi nhìn về hướng được chỉ. Nơi cuối bãi đất ban nãy còn không có gì, nay đã có một cái bóng ở đó. Tuy xa nhưng tôi vẫn nhận ra đó là bóng lưng một người phụ nữ mặc áo dài đỏ, tóc bà ta dài đến tận eo, khẽ tung bay theo gió. Cả người tôi chợt nổi hết da gà, bản năng bảo tôi phải đi khỏi chỗ này, đi ngay lập tức.
– Ánh đèn Trung thu sẽ tạm thời giấu cậu khỏi mắt bà ta. Đi thôi.
Chúng tôi đi như chạy, chỉ sợ bà áo đỏ ấy quay đầu lại. Khi đã đến được nơi phố xá đông đúc, tôi mới đứng lại hỏi:
– Đó là gì vậy?
– Quỷ đấy. Quỷ hay đi bắt hồn người, cả ma cũng bắt nốt. Nếu nó bắt được hồn, nó sẽ ăn hoặc biến làm nô lệ cho nó, không siêu thoát được nữa. Tôi nhiều lần thấy nó lang thang rồi nhưng vẫn trốn được.
“Tin tin!” Một xe máy leo lên vỉa hè bấm còi làm tôi nhảy lui lại. Lúc đã trấn tĩnh lại, tôi bảo:
– Chuyện này nguy hiểm hơn tôi tưởng.
– Chuyện này từ đầu đã nguy hiểm rồi. Nếu không phải không còn cách nào khác, tôi đã không nhờ đến cậu. Nếu sơ sẩy hồn cậu cũng khó mà quay về.
– Khoan đã! Hồn tôi làm sao cơ?
– Cậu không để ý sao? Bây giờ đã hơn tám rưỡi, chúng ta đã đi được hơn 2 tiếng đồng hồ. – Cậu ta chỉ tay vào chiếc đồng hồ trong tiệm bánh sau lưng. – Cậu không để ý sao? Cậu mới thay có một lần nến thôi.
Tôi giật mình nhìn lại. Quả thật cây nến tôi thay khi ở ngã tư gần nhà đến giờ vẫn cháy hết một nửa và không hề chảy thêm giọt sáp nào. Người đi đường cũng không ngoái nhìn thằng bé đã lớn mà vẫn rước đèn lồng nữa. Tiếng còi xe lúc nãy cũng không phải nhắm vào tôi. Người ta… không còn thấy tôi nữa.
– Xác tôi… đang ở đâu? – Tôi nuốt khan.
Hồn ma lắc đầu, trông có hơi áy náy.
– Tôi không biết. Sáng mai khi mặt trời lên, cậu sẽ quay về với xác mình thôi.
Tôi há miệng nhưng không nói thêm gì nữa. Nói gì nữa bây giờ?
– Xin lỗi. – Cậu ta đưa mắt nhìn đi chỗ khác.
– Thôi. – Tôi quay người. – Đi tiếp đi.
Đoạn đường tiếp theo im lìm, chúng tôi không còn trao đổi với nhau câu nào nữa. Tôi giận. Cậu ta cũng biết tôi giận. Cuối cùng, tôi lên tiếng hỏi, không phải vì đã nguôi mà là vì đây là điều tôi cần biết:
– Cậu đang đi đâu? Không còn vết máu nữa, làm sao cậu biết nhà ở đâu mà về?
Cậu ta vẫn không dừng bước, chỉ nói:
– Tôi ngửi thấy mùi nhang khói, cứ lần theo mùi đó là được.
Tôi cũng không muốn hỏi thêm gì nữa.
Căn nhà hai tầng nằm ở một con đường nhỏ nhưng vẫn đông đúc người xe, im lìm so với các quán xá, cửa hàng sôi động xung quanh, bát hương trên bàn thờ lập cho người mới chết ở ngoài cửa còn nghi ngút khói. Chúng tôi đứng trước căn nhà ấy, nhìn lên tầng hai sáng đèn. Hồn ma không thể vào nhà được, chỉ có thể loanh quanh trước cổng, mặt mày ủ ê. Cậu ta đứng cúi mặt mất một lúc rồi khẽ bảo:
– Tôi muốn gặp mẹ.
Nói rồi cậu ta lắc mình, lơ lửng bay lên.
– Ê này…
Tay chúng tôi vẫn chưa từng rời ra. Tôi cảm thấy thân mình nhẹ hẫng, rồi cũng lơ lửng bay lên theo. Tôi giật mình, nhưng trấn tĩnh lại ngay. Giờ tôi là một cái hồn không xác, lang thang với một hồn ma người chết và cái đèn ông sao trong tay, không biết mình sẽ đi đến chốn nào. Bấy nhiêu chuyện đó còn đáng giật mình hơn chuyện tôi có thể bay lên lúc này.
Hồn ma lượn quanh lầu hai ngồi nhà, ngó vào ô cửa sổ sáng đèn. Đó là ánh đèn hắt ra từ hành lang, căn phòng duy nhất sáng đèn ở tầng này thì lại không trổ cửa sổ ra ngoài. Tôi đoán đó là phòng ngủ. Cậu ta cứ nhìn chăm chăm vào đó, đến khi một người phụ nữ bước qua hành lang. Bà có những nét rất giống cái bóng trắng cạnh tôi lúc này, gương mặt vẫn còn nét trẻ trung như tiều tụy hơn dưới ánh điện huỳnh quang, mắt bà hãy còn sưng và đỏ. Bà bước qua hành lang, tắt đèn, vào phòng và đóng cửa lại. Hành lang giờ đã tối om.
– Mẹ!!!
Lần đầu tiên hồn ma buông tay tôi ra từ lúc cuộc hành trình bắt đầu. Cậu ta nắm lấy song cửa, vừa lắc điên cuồng vừa gọi mẹ. Khuôn mặt cậu ta lại bắt đầu biến đổi, hai tròng mắt trừng lên trắng dã, máu đổ xuống từ vết nứt trên đầu, nhuộm xuống quần áo.
– Mẹ! Mẹ ơi! Con ở đây! Con ở đây này! Mẹ ơi! Con không muốn chết! Con không muốn chết!
Cậu ta lắc càng lúc càng mạnh, cổ họng bắt đầu phát ra những tiếng gầm gừ như dã thú. Tôi còn chưa biết làm thế nào thì đột nhiên, một luồng sáng bắn ra từ ô cửa, hất thẳng cậu ta xuống đường. Tôi vội lao theo nhưng không dám đến quá gần. Cả thân hình máu me vặn vẹo dưới đất, bò về phía tôi. Tôi lui lại đến khi dựa sát vào hàng rào sắt, lúc này cậu ta đã tóm được chân tôi và bám vào tôi để nhấc dần người lên.
– Con không muốn chết… Tôi… không muốn… chết…
Tôi không còn nghe ra giọng cậu ta nữa. Nó như văng vẳng từ cõi xa xăm nào đó, run rẩy đầy chết chóc thê lương. Trước mặt tôi bây giờ không còn là một hồn ma bình thường nữa mà là một thứ gì đó đáng sợ và nguy hiểm hơn rất nhiều. Sợ đến mức không nhúc nhích nổi một ngón tay, tôi chỉ còn biết lắp bắp:
– Đừng… đừng…
Cậu ta sắp bị oán niệm nuốt mất. Ai biết cậu ta sẽ trở thành cái gì chứ! Tôi biết phải làm gì bây giờ?!
Đúng lúc này, một đoàn múa lân bỗng đi ngang qua. Chiếc xe ba gác chở một đám thanh niên mặc đồng phục ngồi vây quanh chiếc trống lớn, đầu lân nằm im dưới chân họ. Một người đánh mạnh dùi vào mặt da trâu, làm nổi lên điệu trống quen thuộc của đêm Trung thu. Tùng tùng cắc tùng tùng… Hồn ma như bị giật mình, thả lỏng tay. Tôi nhân cơ hội đó xô mạnh cậu ta ra, gào lên:
– Mày phải về Địa phủ! Mày muốn về Địa phủ! Mày không muốn làm ma giữ cửa! Mày phải tìm tên mình để về Địa phủ! Mày có nhớ không? Có nhớ không hả?
– Tên… tên…
Hồn ma lần nữa lăn lê dưới đất. Tôi lại gào tiếp, như muốn tống hết mọi sợ hãi ra ngoài:
– Tên mày là gì? Hả? Tên mày là gì? Mày kéo tao vào chuyện này! Kéo tao vào chuyện này… Bây giờ mày lại không muốn về Địa phủ… Hức… – Tôi ngồi sụp xuống, khóc nức nở. – Mày chết rồi! Chết rồi! Mày phải đi đầu thai… Hức… Tao mới là người không muốn chết…
– Tên… Tên tôi…
Tôi mặc kệ hồn ma vẫn còn đang ngơ ngác, chỉ biết khóc. Đáng lẽ tôi không nên ở đây. Đáng lẽ tôi không nên dính vào chuyện này! Tôi vùng dậy, bước về hướng ngược lại. Thế này là quá đủ rồi, tôi phải tìm lại xác của mình và quên hết chuyện này đi. Thế nhưng góc áo tôi đã bị níu lại, tiếng hồn ma sụt sùi:
– Đừng đi… Mình cần cậu!
Cậu ta có vẻ đã lấy lại được lý trí, mặc dù vẫn còn rũ rượi dưới hè. Song tôi giật mạnh góc áo, bảo:
– Không. Tự đi mà lo lấy! – Quá đủ rồi, tôi không muốn tiếp tục nữa.
– Mình nhớ ra tên mình rồi… Mình cần cậu! Giúp mình đi… Giúp mình…
Đáng lẽ tôi không nên nhìn xuống. Khuôn mặt cậu ta giờ đã không còn đáng sợ mà đầm đìa nước mắt. Thấy vậy tôi không đành lòng. Cậu ta cũng chỉ trạc tuổi tôi, nhưng không những chết sớm mà đến nhà mình cũng không thể vào. Ngoài tôi ra, có lẽ không còn ai giúp được cậu ta nữa. Thêm vào đó… tôi sợ lắm. Quãng đường về dài và tối, một mình với chiếc đèn lồng không có ai đi cùng bên cạnh, vừa đáng sợ vừa cô đơn. Bỏ cậu ta lại, cả hai chúng tôi đều sẽ cô đơn. Và nếu tôi có tìm được xác mà tỉnh lại, cuộc sống phía trước cũng không bớt lẻ loi chút nào. Bỗng dưng tôi nhận ra đã không còn kịp để rút chân khỏi chuyện này nữa rồi. Ở đây, tôi còn có một người bạn đồng hành cùng nhau tìm kiếm một đích đến. Quay về, tôi chẳng có một ai.
– Đi thôi. – Tôi nghe mình nói.
– Hả?
Có vẻ cậu ta vẫn chưa kịp định thần. Tôi nuốt nước bọt, lặp lại:
– Đi thôi. Cậu dẫn đường tiếp đi.
Nước mắt cậu ta ngưng chảy, nhưng cậu ta không vui như tôi nghĩ, chỉ lẳng lặng đứng dậy lau lau hai má lem luốc, khẽ nói:
– Xin lỗi, mình xin lỗi…
Tôi im lặng, bước đến quàng tay lên vai cậu ta. May mắn làm sao, chiếc đèn trên tay tôi qua bao giằng co như vậy vẫn sáng.
Tôi thành người đi trước vì lúc này mới là lúc thực sự cần ánh sáng dẫn đường, ban nãy hồn ma chỉ cần ánh nến để thấy “dấu vết” mà thôi. Chúng tôi đi về hướng Tây, thẳng về phía trước, thỉnh thoảng phải vòng qua hoặc bay trên nóc các căn nhà, cao ốc, chung cư chắn trên đường. Trời không một gợn mây, để lộ vầng trăng sáng vằng vặc. Tiếng xe cộ, tiếng nói cười, tiếng trống lân càng lúc càng thưa dần theo mỗi bước chân, giống như mọi huyên náo của cõi người đang bị bỏ lại phía sau.
– Thế tên cậu là gì? – Tôi hỏi vì tò mò. Cậu ta nói đã nhớ ra tên của mình nhưng không cho tôi biết.
– Ở thế giới linh hồn, hay còn gọi là thế giới bên kia, tên riêng là một thứ cực kỳ quan trọng, không thể tùy tiện nói được. – Cậu ta ngưng một lúc. – Mặc dù mình cũng rất muốn biết tên của cậu.
– Ồ…
Không biết từ lúc nào, không gian xung quanh đã không còn ánh đèn điện nữa, cả các cột đèn đường cũng biến mất tăm, ánh trăng bỗng trở nên lạnh lẽo một cách khác thường, không còn là ánh sáng vàng mà nhờ nhờ một màu xanh khiến người ta bất an lo lắng. Chưa kịp để tôi lên tiếng hỏi, cậu ta đã nói:
– Ban nãy chúng ta còn thấy người sống là vì chúng ta vẫn còn ở ranh giới hai cõi, giờ thì đã sang hẳn cõi kia rồi. Chúc mừng cậu đến với cõi ma.
Tôi quay lại, thấy cậu ta nhe răng cười như đó là điều gì vui lắm. Hừ một tiếng, tôi tiếp tục nhìn về phía trước, không quên hỏi tiếp:
– Người sống cũng có thể vào được ranh giới đó sao?
– Gọi là ranh giới chứ thực ra đó là lúc hai cõi bị chồng lấn lên nhau. Không hẳn là một không gian cố định. Có những lúc người ta nhìn thấy ma là lúc ranh giới này xuất hiện.
– Có nghiên cứu bảo rằng nhìn thấy ma là do não sinh ra kích thích gì đó.
– Đó cũng là một cách giải thích. Kích thích điện não ở một người kéo theo ranh giới xuất hiện quanh người đó trong một lúc và họ nhìn thấy ma. Hoặc ở những nơi bị ma ám thì chính sự xuất hiện của hồn ma đã làm không gian ở nơi ấy bị nhiễu loạn và xảy ra chồng lấn.
– Ồ…
Vừa nói chuyện tôi vừa quan sát đường đi. Đoạn đường này tôi có lẽ từng biết, nó nằm ở ngoại ô thành phố hai bên vẫn còn đồng lúa, nhưng tôi không dám chắc có chính xác hay không. Mọi thứ ở đây vừa quen thuộc vừa xa lạ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì con đường này dẫn đến một hồ nước khá lớn, đám chúng tôi thường ra đấy chơi những ngày hè, nhưng từ khi xảy ra quá nhiều vụ chết đuối thì cái hồ đã bị rào lại, đám trẻ cũng bị cấm bén mảng tới. Tuy nhiên, cảm nhận bàn tay đang nắm tay mình, tiếng chân bước sau lưng, tôi cảm thấy an tâm nhiều lắm.
Phía trước bỗng có tiếng cộc cộc đều đều , như tiếng ai chống gậy xuống mặt đường lúc bước đi. Chúng tôi đi đến gần hơn thì thấy một thứ màu trắng đầu đội nón lá, tay chống gậy, không giống người cũng chẳng giống thú đang đi chậm rãi trên đường. Hồn ma sau lưng tôi bỗng cất tiếng:
– Chào cụ ạ.
“Cụ” nghe tiếng chào bèn quay lại. Lúc này tôi mới nhìn rõ đó là một con chó trắng đội nón chống gậy. Tôi đã từng nghe kể về loại yêu tinh này, ánh sáng từ chiếc đèn không đủ để thấy chi tiết nhưng tôi đoan chắc nó có cái mũi màu đỏ. Trong các câu chuyện kể, loại yêu tinh này đội lốt chó rồi làm hại nhà chủ, nhưng sao hồn ma này lại có vẻ thân thiết với nó vậy?
– Hè hè… – “Cụ” thè lưỡi thở. – Chúng mày đi ngắm trăng à?
– Không ạ, chúng con tìm đường về Địa phủ.
– Thế à? Hè hè… Thế thì cứ đi thẳng thôi. Hè hè… Cũng sắp tới rồi, chúng mày đi nhanh thì sẽ kịp canh tư đấy.
– Vâng ạ.
Chúng tôi đi vượt qua con yêu, cách một quãng xa rồi tôi mới nói:
– “Cụ” có vẻ thân thiện.
– Đám ấy hay hờn lắm. Ngày xưa ông bà mình nuôi phải chúng nó, nhưng toàn để trông nhà hay giết thịt nên chúng nó hờn lên là muốn hại cả nhà đấy. Giờ thì đỡ rồi. Giờ chúng nó thường tụ tập để khoe nhau nhà chủ hầu chúng nó như thế nào.
Tôi bật cười.
Mọi việc có vẻ ổn thỏa, trên đường chúng tôi không gặp thêm gì nữa trừ vài con ma đói đang mót lúa ăn lặng lẽ dưới đồng. Bỗng hồn ma giật tay tôi, bảo:
– Đứng lại tí!
– Chuyện gì vậy?
– Hình như có gì đó đi sau chúng ta. – Cậu ta nghe ngóng.
– Con cẩu lúc nãy chăng? Khoan…
Tôi cũng nghe thấy. Không phải tiếng chống gậy cộc cộc của con chó trắng, mà là tiếng bước chân rất nhẹ nhưng nhanh, như thể đang đuổi theo chúng tôi. Hồn ma nhìn thẳng vào mắt tôi, khẽ bảo:
– Chạy!
Hai đứa tôi cắm đầu chạy, nhưng vẫn nghe tiếng bước chân phía sau càng lúc càng gần. Văng vẳng có tiếng rít như tiếng hát. Tôi nhận ra đó là một bài hát ru, một bài hát ru đầy chết chóc xen những tiếng cười the thé. Trong một thoáng ngoái đầu lại, tôi thấy cái bóng đỏ từng xuất hiện ở bãi đất trống. Con nữ quỷ đã đuổi theo chúng tôi.
Cái cò… là cái cò ca…
Không không không!
Bắt về… làm thịt… he he he…
Không không không không!
He he… chia ra ba phần…
Tôi và hồn ma vẫn nắm tay nhau, lại cầm thêm chiếc đèn nên chạy khá chậm so với con quỷ. Thoáng chốc tôi đã thấy nó ở ngay sau lưng mình. Tôi không thể nhìn rõ mặt con quỷ, và cũng không còn lòng dạ nào để tìm hiểu, chỉ biết cố hết sức mà chạy. Là linh hồn, tôi không thở dốc vì mệt nhưng cảm giác tứ chi như muốn rời ra, tan đi vào không khí. Hồn ma đằng sau lưng tôi cũng chẳng khá hơn là bao. Trong lúc không biết làm sao như thế, bàn tay tôi đang nắm lại như muốn giật ra.
– Làm cái gì thế hả? – Tôi quát, vẫn không ngưng chạy.
– Cậu chạy trước đi. Quan sai sẽ không để hồn chưa tận số vào Địa phủ, còn đưa cậu về với xác nữa. Hai đứa chạy cùng nhau thế này không thoát được đâu.
– Vớ vẩn! Chạy nhanh đi!
– Nhưng mà…
Một lực rất lớn giật lại làm tôi ngã xõng xoài, lúc ngước dậy thì đã thấy tà áo đỏ ngay trước mặt. Con quỷ cười một tràng độc ác và thỏa mãn, một tay nắm chặt cánh tay bạn tôi.
– Chạy… đi…
Cậu ta cố bảo tôi khi vùng vẫy khỏi tay con quỷ. Tôi cắn chặt hàm. Không thể nào! Công sức của chúng tôi sao có thể bị hủy đi dễ dàng như vậy được? Đích đến đã rất gần rồi, chỉ còn một chút nữa thôi!
Con quỷ vươn tay còn lại để tóm lấy tôi. Tóc nó dài, rối bù. Mắt nó đỏ lòm như máu. Bàn tay nó nhợt nhạt khẳng khiu. Vừa tức giận vừa sợ hãi, tôi hét lên, ném thứ đang cầm trong tay về phía nó. Chẳng ngờ đó là chiếc đèn lồng. Chiếc đèn ông sao tỏa ánh sáng dẫn đường cho chúng tôi!
Chiếc đèn đập vào mặt con quỷ rơi xuống, cháy phừng lên. Lửa bén lên tà áo dài của nó, nhanh chóng lan lên trên, đủ khiến nó gào thét và buông bạn tôi ra. Tiếng thét của con quỷ khiến tôi muốn hồn xiêu phách tán theo đúng nghĩa đen. Tôi vội tóm ngay lấy cậu bạn rồi lại chạy, mặc kệ phía trước tối om. Thì ra không có đèn lại tối như thế này, chúng tôi hầu như không thấy được con đường lúc nãy nữa. Miễn cưỡng chạy được một đoạn nữa, chúng tôi đành đi chậm lại.
– Làm thế nào bây giờ?
Tôi hoang mang hỏi. Phía trước không có đường, phía sau còn con quỷ nữ, tiến thoái lưỡng nan.
– Mình không biết. Nếu để đến canh năm, trời sáng, cậu sẽ quay lại với xác, còn mình sẽ mắc lại ở đây để chờ cửa mở thêm lần nữa vào năm sau. Nhưng chờ lâu như vậy e là mình cũng sẽ thành quỷ mất. Lúc đó mình sẽ tìm đến cậu không chừng.
Chúng tôi nhìn nhau. Bây giờ tôi không còn mấy sức lực nữa, chỉ muốn ở yên một chỗ. Hồn ma cũng vậy, cậu ta cũng đã quá mệt rồi. Bất chợt, phía trước có ánh sáng lập lòe.
– Thế nào? – Hồn ma hỏi.
Tôi gật đầu. Phải hạ quyết tâm thôi, chẳng còn gì để mất nữa. Chúng tôi dìu nhau đi tiếp. Ánh sáng đó hắt ra từ một chiếc đèn lồng giấy màu trắng, đong đưa trên tay một người tuổi tầm ba mươi, vấn tóc, mặc áo dài. Vừa nhìn thấy chúng tôi, anh ta đã nói ngay:
– Hai đứa là ma mới à? Mau báo danh đi.
Hình như là một quan sai. Chúng tôi cùng thở phào. Cuộc phiêu lưu đến đây là kết thúc. Hồn ma vội nói:
– Chỉ có tôi thôi, cậu này còn sống.
– Thế thì tự viết tên vào đây.
Quan sai đưa ra một cuốn sổ và một cây bút mực, không phải loại bút lông như tôi nghĩ. Anh ta nhìn vào sổ rồi bảo:
– Thì ra là mày à? Muộn thêm chút nữa là mày hết đường về rồi đấy.
Giọng nói nhẹ như không, có lẽ trường hợp như thế này hoặc tệ hơn không còn xa lạ gì với anh ta nữa. Hồn ma ghi tên mình xong mới quay lại bảo tôi:
– Mình đi nhé.
– Cậu đi nhé. – Ngưng một lúc tôi vội nói thêm. – Mình tên Nguyễn Đăng Dương.
Hồn ma như bị chấn động một lúc, sau đó mới nói:
– Cậu thật là… Mình tên Nguyễn Hải Tiệp.
Tôi cười. Trên tay quan sai đã xuất hiện một đốm lửa xanh như ma trơi, anh ta ra hiệu cho Tiệp đi theo nó. Lúc cậu ấy sắp quay lưng đi, tôi nói nhỏ:
– Kiếp sau gặp lại.
– Được. – Cậu ấy nhoẻn cười. – Hẹn kiếp sau.
Cậu ấy bước đi không hề quay đầu lại. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi bóng lưng ấy mất hút vào bóng tối. Thế là tôi chỉ còn một mình, trong lòng bỗng cảm giác như muốn khóc. Anh quan sai lúc này mới bảo đến tôi:
– Chưa gì đã kết duyên cho kiếp sau rồi. Sau này có vợ có chồng cũng đừng thề non hẹn biển với người ta đấy.
– Kết duyên, vậy có kết nợ không ạ?
– Nợ thì còn tùy chúng mày về sau. Thôi về đi. Sau này xuống đây ta sẽ nhắc lại cho một lượt.
Tôi còn muốn nói về con quỷ nhưng anh ta đã vung tay áo. Trước mắt tôi quay cuồng, từng hình ảnh rối loạn chồng chất lên nhau. Nào những ruộng lúa, những cái bóng trắng nhờ, mặt trăng tròn, con chó trắng, con đường tối om, mặt trăng tròn, đèn lồng, con lân, ông Địa, mặt trăng tròn, một cậu thiếu niên, mặt trăng tròn, tôi nắm tay cậu ta, cậu ta cười, khóc, mặt trăng tròn, và rồi… một bóng áo đỏ.
Tôi giật mình hốt hoảng, thở dốc mở mắt nhìn lên.
***
Tôi xuất viện đã ba ngày, cuộc sống vẫn như cũ. Người ta kể rất nhiều về đêm hôm đó đã tìm thấy tôi ngất xỉu ở cạnh cột đèn giao thông như thế nào, nhưng tôi không nhớ được gì cả. Tôi chỉ nhớ đã nhận lời giúp một hồn ma, cụ thể thế nào thì tôi quên sạch. Loáng thoáng đâu đó trong ký ức tôi vẫn giữ một vài hình ảnh rời rạc, mỗi lần nghĩ đến tôi đều thấy vừa đau lòng, vừa buồn như mất đi một ai đó rất thân thương, vừa sợ hãi.
Lúc tôi tỉnh dậy trong bệnh viện, ba mẹ đã ngồi hai bên giường, đang cãi nhau.
– Cô để con ra ngoài cả đêm như thế mà được à?!
– Anh im đi! Anh có ngó ngàng gì con đâu, giờ lại tỏ ra quan tâm đến nó.
– Cô ăn nói thế đấy à! Cô có tin…
– Tôi ăn nói thế nào kệ xác tôi! Anh cút đi cho tôi nhờ!
Bao giờ cũng thế này. Tôi thực sự không chịu nổi nữa.
– Ba mẹ thôi đi! Thôi cãi nhau đi! – Tôi nhớ mình đã từng gào lên như thế này, khóc như thế này, để cho bao ấm ức tuôn hết ra ngoài. – Cả hai đều không quan tâm con! Cả hai đều bỏ mặc con! Con suýt chết ngoài đường mà hai người còn cãi nhau được à?! Còn cãi nhau được à?!
Ba mẹ tôi nín lặng, trong phòng chỉ còn lại tiếng quạt trần kêu vo vo và tiếng nấc của tôi.
***
Như tôi đã nói, cuộc sống vẫn như cũ sau sự cố đêm Trung thu ấy. Nếu có khác thì là mẹ tôi về sớm hơn một chút, ba tôi thỉnh thoảng ghé qua ăn tối, có lẽ một tuần một lần. Hai người vẫn còn hầm hứ nhau nhưng đã chịu nói với nhau vài ba câu tử tế, tuy rằng không thể quay lại với nhau. Mẹ tôi chuẩn bị tái hôn với một người đàn ông khác, cô em kế cũng không tệ. Ba tôi bắt đầu nghiêm túc với một cô khách hàng dạo trước của ông, có vẻ ít khắc khẩu với cô ta hơn với mẹ tôi.
Như vậy, mọi thứ đều ổn. Và tôi, vẫn chờ.
[Hết]
21:47, Trung thu 2015.
Bình luận
Ong vận chuyển comment