TRẦM NGỌC TÒNG KIÊU


“Cá chép tươi béo ngậy đây. Mang về om chua cay là hết sẩy. Đại thẩm lấy một con nhé?”

“Nhóc con, đừng có chạy, ngã bây giờ.”

“Nương, nhanh lên, con muốn kẹo hồ lô.”

“Phấn son thượng hạng đây. Bôi lên một cái là củ từ lông cũng hoá thành cải trắng. Loại này các nương nương trong cung cũng thích dùng đấy. Cô nương xem đi.”

“Bút lông, nghiên, mực đều đủ cả. Đại thúc xem rồi chọn cho tiểu công tử đây một bộ đi. Đồ chỗ tôi còn từng bán cho cả thám hoa cơ đấy.”

Trên con đường lớn đông đúc và náo nhiệt giữa kinh đô Đại Nguyên, đủ loại hàng hoá bày bán, đủ thứ tiếng mời mọc, hỏi han, đủ thứ tiếng người cười người nói. Vô cùng náo nhiệt, vô cùng yên vui, vô cùng khiến người ta cứ muốn sa chân vào đó.

Tin thất bại trong cuộc chiến với Đại Việt chưa lâu trước đó như thể hoàn toàn không có chút ảnh hưởng nào đối với cảnh phồn hoa đô hội nơi đây. Quả đúng là nơi nào trải qua chinh chiến thì nơi đó khổ đau, người nào ở trong chinh chiến thì người đó chịu hy sinh, mất mát.

Đứng giữa chốn phù hoa tấp nập, Yết Kiêu đau đáu nghĩ đến quê hương. Tuy Đại Việt thắng trận, vua tôi đều hân hoan nhưng bởi quốc gia còn rất nghèo nàn nên bách tính vẫn chưa được sống trong cảnh thái bình thịnh thế.

“Không lâu nữa đâu… Hy vọng là không lâu nữa.” Yết Kiêu ngước mắt nhìn bầu trời xanh thăm thẳm trên đầu.

Lần này hắn được cử hộ tống Lê Đỗ đại nhân đi sứ Nguyên triều, dù không hiểu rõ về cách thức giao tế cũng được không tham gia vào việc thương thảo, luận bàn nhưng hắn luôn hy vọng Lê đại nhân mọi việc thông thuận để Đại Việt, Đại Nguyên nối lại hoà khí, chấm dứt chinh chiến triền miên, để không bao lâu nữa, con dân Đại Việt cũng sẽ được sống cuộc sống phồn vinh, thịnh vượng. 

“Ai bánh nướng đây! Bánh nướng gia truyền chính hiệu đây!”

Tiếng rao bán bánh nướng gia truyền vang dội như tiếng sấm, lấn át hết đủ thứ tiếng chào hàng, tiếng cò kè mặc cả, tiếng người nói người cười, xuyên thẳng vào tai Yết Kiêu khiến hắn giật mình. Hắn vô thức để ánh mắt sáng rực của một võ tướng lần theo tiếng rao và rất nhanh sau đó đã tìm thấy một ông lão trông có vẻ hiền lành, nhanh nhẹn đang lớn tiếng mời chào bên gánh hàng.

“Cô nương ăn bánh nướng đi, lang quân như nguyện tương tuỳ.”

“Công tử, mời ăn bánh nướng, sớm ngày đề bảng vinh quy!”

“Bánh nướng gia truyền chính hiệu nào!”

Bị thu hút bởi tiếng rao vang dội đầy nội lực lại có vần có điệu, Yết Kiêu đi về phía ông lão bán bánh nướng.

“Ông lão, bán cho tôi một chiếc.”

“Cho ta mua một chiếc.”

Yết Kiêu vừa dứt lời thì giọng nói trong trẻo, dịu dàng của một cô nương vang lên. Hắn thoáng liếc mắt nhìn. Một cô nương nhỏ nhắn mặc đồ nam. Dù đã cố bắt chước những động tác phóng khoáng của nam nhân nhưng chỉ cần liếc mắt một cái, hắn vẫn nhìn ra đó là một cô nương, kể cả không nghe giọng nói kia cũng có thể dễ dàng nhận ra. Yết Kiêu khẽ nhếch miệng cười rồi im lặng đứng chờ ông lão lấy bánh cho mình.

“Đáng tiếc quá! Lão lại chỉ còn đúng một chiếc cuối cùng.”

“Vị công tử này nói trước nên lão phải bán cho ngài ấy.” Ông lão bán bánh nướng mắt nhìn cô nương nhỏ nhắn, tay lại chỉ về phía Yết Kiêu nói. “Tiểu công tử ngày mai quay lại vậy nhé.”

“Trời ạ! Ông còn có một chiếc mà rao to thế?” Cô nương nhỏ nhắn tròn mắt nhìn ông lão, nói ra điều mà Yếu Kiêu cũng đang thắc mắc.

“Hẳn là tiểu công tử ít dạo chợ nên mới không biết việc này.” Ông lão híp mắt cười khà khà giải thích trong khi tay vẫn nhanh nhẹn gói gọn chiếc bánh trong tấm giấy màu nâu nhạt như màu rơm rạ. “Lúc nào còn lại chiếc bánh cuối cùng lão cũng rao to. Phải thế thì chiếc bánh mới không tủi thân, không nghĩ rằng mình thứ thừa thãi, ế ẩm, chẳng ai cần.”

Lại còn thế nữa. Yết Kiêu bật cười. Chẳng trách nghe tiếng rao uy lực như thế mà chỉ có hắn và một cô nương bị thu hút, người qua đường khác gần như chẳng có phản ứng gì. Hẳn là những người thường xuyên dạo chợ đều đã quen với kiểu buôn bán quái gở của ông lão này rồi.

“Vậy thì tôi không mua nữa. Ông bán cho tiểu cô… công tử này đi.” Yết Kiêu nói rồi quay người định đi.

“Đợi đã, đợi đã.” Cô nương nhỏ nhắn vội trả tiền cho ông lão, cầm bánh rồi chạy theo Yết Kiêu. “Để ta chia cho ngươi một nửa.”

Nói rồi cũng chẳng đợi Yết Kiêu kịp nói đồng ý hay không, cô nương nhanh nhẹn mở gói giấy, bẻ đôi bánh nướng rồi dúi một nửa vào tay hắn khiến hai chữ “không cần” của hắn nghẹn lại trong cuống họng. 

“Thế để tôi trả tiểu công tử một nửa tiền bánh vậy.” Hắn tần ngần một lát rồi đổi thành câu dài hơn.

“Không cần, không cần. Vốn dĩ ngươi có thể mua được, là ngươi nhường ta mà. Mỗi người một nửa, thế là ai cũng được nếm bánh nướng gia truyền.” Cô nương kia ríu rít nói một tràng dài rồi phóng khoáng phất tay. “Đi nhé!”

“Đa tạ!” Yết Kiêu mỉm cười nói với theo bóng lưng ra chiều tiêu sái của nàng.

Không hiểu tại sao người ta lại có thể dễ dàng tin rằng chỉ cần đổi loại xiêm y diêm dúa, mềm mại sang loại vải trơn ít hoa văn là chẳng ai có thể nhận ra một cô nương trong bộ y phục của nam nhân nữa. Chưa nói đến vóc dáng nhỏ nhắn hay giọng nói trong trẻo, cái cách cúi đầu nhỏ nhẻ gặm bánh nướng kia cũng đã bán đứng nàng rồi. Yết Kiêu cười cười đưa bánh đến bên miệng cắn một miếng lớn. Ăn rất ngon!

Đi dạo hết một vòng chợ, bánh nướng cũng đã ăn xong, Yết Kiêu trở về công quán nơi vua Nguyên cho xây dựng chuyên để đón tiếp và khoản đãi các đoàn sai sứ. Người lính hầu vừa nhanh nhẹn rót nước bưng trà vừa báo cho Yết Kiêu biết từ lúc vào triều yết kiến vua Nguyên về, Lê đại nhân vẫn nhốt mình trong phòng và dặn đợi hắn về thì cùng dùng cơm. Hắn nhấp ngụm trà nói biết rồi sau đó đi tìm Lê Đỗ. Vốn tưởng Lê đại nhân có việc gì cần bàn nhưng tận đến khi dùng bữa xong, Lê đại nhân vẫn chỉ nói với hắn mấy chuyện tầm phào tựa như thực sự chỉ muốn có người cùng ăn cơm, cùng trò chuyện.

“Lê đại nhân. Tôi vốn là võ tướng thô thiển, không hiểu mấy chuyện giao tế nên chắc cũng chẳng giúp gì được cho ngài. Có điều, nếu có chuyện gì cần, đại nhân đừng ngại nói thẳng. Làm được thì Phạm mỗ nhất định dốc sức.” Trước lúc về phòng, vì không yên lòng nên Yết Kiêu vẫn hỏi ra.

Lê Đỗ hơi sửng sốt sau đó cười khà khà nói: “Tướng quân cả nghĩ rồi. Tôi ăn một mình buồn chán nên cố ý chờ tướng quân về ăn cùng thôi.”

Ngừng một lát, Lê Đỗ nói tiếp: “Chúng ta đến đây đều vì quốc gia đại sự, đều chỉ mong hoà hảo để bách tính Đại Việt cũng được hưởng thái bình. Nếu có việc gì cần tướng quân trợ giúp, tôi nhất định sẽ nói rõ với ngài.”

Yết Kiêu không thắc mắc nữa mà yên tâm cáo từ, trước khi rời đi, Lê đại nhân còn cho hắn biết buổi tối có hội hoa đăng, rủ hắn đi xem. Lúc đó, hắn nói già rồi, không thích những chỗ náo nhiệt nhưng đến tối vẫn bị lôi ra khỏi cửa.

Từ lúc sứ đoàn đặt chân đến đây, hắn thường chỉ quanh quẩn trong công quán xem Lê đại nhân có việc gì cần thì làm, thỉnh thoảng đi dạo trên con phố phía trước. Đêm đó vẫn là lần đầu tiên hắn ra ngoài vào buổi tối, lần đầu tiên thấy cảnh đèn hoa rực rỡ ở chợ đêm. Hắn cảm khái, rồi sẽ có ngày Đại Việt cũng sẽ phồn thịnh như thế.

Sau khi thả hoa đăng ghi ước nguyện về một Đại Việt thái bình thịnh thế xuống sông, Yết Kiêu quay về công quán trước, để mặc Lê Đỗ đi dạo cùng những người khác trong đoàn sai sứ. Trên đường quay về, hắn vô tình thấy cô nương chia bánh cho hắn ban ngày cũng đang dạo chợ đêm.

“Tiểu công tử, mua đèn hoa đăng cầu phúc đi. Công tử mua tôi bán rẻ cho.”

“Tiểu công tử, chơi đố chữ đi.” Một người bán hàng mời gọi. “Trong thời gian một chén trà, đoán đúng một chữ thưởng một bút lông, đoán đúng hai chữ thưởng một đèn lồng, đoán đúng ba chữ thưởng một nghiên mực.”

Yết Kiêu bật cười. Thì ra không phải là cô nương kia ngây thơ trong việc giả trang mà thực sự là người ta không nhận ra nàng là một tiểu cô nương trong trang phục nam nhân, nghe giọng nói trong veo như tiếng chuông gió thế mà vẫn không nhận ra. Hắn không biết là do ánh mắt của người ở đây quá dễ bị đánh lừa hay là do con mắt võ tướng của hắn quá tinh tường, sắc bén nữa.

Cô nương kia có vẻ không hào hứng lắm nhưng bị mời mọc mãi thì cũng miễn cưỡng trả mấy đồng tiền lẻ mua ba câu đố chữ. Yết Kiêu bất giác đứng xích lại gần xem thử.

Câu đầu tiên “Thượng bất tại thượng, hạ bất tại hạ; Chỉ nghi tại hạ, bất khả tại thượng”. Yết Kiêu ngẫm nghĩ, hẳn là giành được một chiếc bút lông rồi. Có điều, cô nương kia lại ngắc ngứ mãi không nghĩ ra, người vây xung quanh cũng đều nghệt mặt khiến hắn thoáng nghi ngờ mình giải nghĩa sai. Mãi một lúc sau hắn mới ngỡ ra, người Đại Nguyên dùng tiếng Mông nhiều nên có lẽ ít quen với chữ Hán.

Cô nương không đoán được câu đầu nên tạm để xuống, mở câu thứ hai. “Lưỡng nhật bình đầu nhật; Tứ sơn điên đảo sơn; Lưỡng vương tranh nhất quốc; Tứ khẩu tung hoành gian”. Yết Kiêu nghĩ, câu thứ nhất không giải được thì dễ câu thứ hai cũng không giải được. Quả nhiên, cô nương lại ngậm ngùi bỏ xuống để mở câu thứ ba.

“Tam điểm như tinh tượng; Hoành câu tự nguyệt tà; Phi mao tùng thử đắc; Tố phật dã do tha”. Cô nương vừa đọc xong câu hỏi, Yết Kiêu đã thầm nghĩ “thôi xong, thế là mất mấy đồng tiền mua câu đố”. Hắn cười cười, đang định bỏ đi thì nghe người bán hàng nói chưa hết thời gian một chén trà thì vẫn được nghĩ nên bước chân lại hơi chần chừ, chưa bước đi vội. Không hiểu sao hắn lại muốn thử đợi xem cô nương kia có thể nghĩ ra hay không. Có điều, đợi thêm một lúc mà vẫn chưa thấy có câu trả lời.

Có lẽ thấy người xung quanh hầu hết đều có nét mặt suy tư mù mờ hệt như cô nương kia nên người bán hàng tự tin tuyên bố có thể nhờ người khác giúp đỡ. Cô nương dáo dác nhìn quanh nhưng có vẻ cũng không hy vọng có người giúp mình đoán được. Lúc thấy Yết Kiêu đang nhìn về phía mình, nàng có vẻ hớn hở khi gặp được người quen.

“Là ngươi à? Ngươi cũng đi chơi chợ đêm sao?” Nàng vô thức tiến mấy bước về phía hắn. “Ngươi cũng thích chơi đố chữ hả?”

“Cũng không thích lắm.” Yết Kiêu đáp.

“Vậy ngươi có giải được mấy câu vừa rồi không?” Cô nương líu ríu hỏi. “À, nhưng vừa rồi ngươi có nghe thấy không? Ta đọc lại ngươi nghe thử nhé? Trả lời đúng được thưởng đấy.”

“Tôi nghe thấy rồi.” Yết Kiêu vội lên tiếng để ngăn cô nương cầm mấy câu đố lên đọc lại rồi trong lúc không để ý, nàng túm tay áo hắn kéo đến chỗ sạp hàng.

“Thế ngươi có giải được không?” Nàng hỏi. “Đoán đúng một chữ được bút lông, hai chữ được đèn lồng, ba chữ được nghiên mực đấy.”

“Công tử muốn cái gì?” Yết Kiêu hờ hững hỏi khiến cô nương sửng sốt, rất nhiều người khác vây quanh cũng sửng sốt theo.

“Ngươi đoán được hết hả?” Hai mắt cô nương sáng rực nhìn Yết Kiêu. Trong một khoảnh khắc, hắn chợt ngỡ như mình nhìn thấy ánh sao trời.

“Vậy ta muốn cái lớn nhất là nghiên mực.” Nàng hào hứng nói, trong đáy mắt đầy vẻ chờ mong.

Yết Kiêu mỉm cười sau đó chậm rãi đọc đáp án: “Câu đầu tiên là chữ nhất.”

Vừa nói hắn vừa dùng đầu ngón tay vạch một nét ngang trong không khí. Sau khi nghe người bán hàng nói đúng, hắn lại ung dung đọc đáp án câu thứ hai.

“Câu thứ hai là chữ điền.” Hắn vẫn vừa nói vừa dùng tay vạch chữ trong khoảng không trước mặt.

Vẫn là câu trả lời đúng. Hắn tiếp tục đọc đáp án câu còn lại.

“Câu thứ ba là chữ tâm.” Như hai câu trước, hắn vạch nét chữ trong không khí nhưng không giải thích vì sao. Không ai hỏi, mà hắn cũng chẳng muốn nhiều lời.

Trả lời đúng hết. Người bán hàng đưa nghiên mực cho cô nương khiến nàng mừng rỡ, suýt thì nhảy cẫng lên. Nàng liên tục khen Yết Kiêu giỏi khiến hắn chợt có cảm giác hơi xấu hổ như thể mình già đầu còn đi loè trẻ con bởi vốn dĩ trong bụng hắn cũng chẳng có bao nhiêu chữ nghĩa. Bảo hắn phân biệt các loại cá tôm, nước lớn nước ròng hay các thế võ thì hắn tự tin chứ chữ nghĩa thì không thể lấy làm tự hào được.

“Vừa hay là những chữ tôi biết thôi. Công tử quá khen rồi!” Hắn phải ngắt lời khi tiểu cô nương khen đến lần thứ tám. “Gặp chữ khác chưa chắc tôi giải được.”

“Như thế đã là giỏi lắm rồi.” Cô nương nói. “À, ta họ Hoa, công tử họ gì nhỉ?”

“Tại hạ họ Phạm.” Yết Kiêu đáp. “Tôi cũng chẳng phải công tử gì đâu. Là gia nô cho người ta thôi.”

“Vậy ta không gọi Phạm công tử nữa, gọi ngươi là Phạm huynh nhé?” Hoa cô nương không hề tỏ ra câu nệ mà hào sảng nói.

“Huynh?” Yết Kiêu nhìn cô nương đang đi bên cạnh nói. “Nhìn công tử đoán chừng còn chưa nhược quán đâu nhỉ? Tính ra, nếu thành gia lập thất sớm thì nhi tử, nhi nữ của tại hạ cũng lớn cỡ công tử rồi, sớm nữa thì có khi tôn tử, tôn nữ của tại hạ cũng lớn gần bằng.”

Nói xong, Yết Kiêu lại thấy buồn cười. Nhìn vẻ mặt nghệt ra của tiểu cô nương, hắn còn buồn cười hơn. Hắn có cảm giác mình lại bắt nạt trẻ con nữa. Mà cảm giác ấy lại khiến hắn cảm thấy rất vui, rất lạ, như thể có cọng lông vũ mềm mại khẽ quét lướt qua khiến trái tim hắn bất chợt run lên, khiến cõi lòng hắn đều nhộn nhạo. Rất ngứa ngáy nhưng lại rất muốn được cọng lông mềm mại ấy quét thêm mấy lần.

“Nhi nữ đã quá lắm rồi mà ngươi còn nói tôn nữ? Ngươi… Chẳng lẽ ngươi muốn ta gọi ngươi là cha?” Hoa cô nương trừng mắt tỏ vẻ ấm ức. “Đâu có được.”

“Cách một thế hệ cũng đâu phải chỉ có cha. Còn huynh đệ của cha nữa đấy thôi.” Yết Kiêu thản nhiên nói. Hắn lại có cảm giác vui vẻ khi bắt nạt được trẻ con.

“Vậy là ngươi muốn ta gọi Phạm thúc thúc hả?” Hoa cô nương ngây thơ nhìn hắn bằng đôi mắt tròn xoe. “Nhưng trông ngươi trẻ lắm! Ngươi lừa ta đúng không?”

“Tại hạ lừa công tử làm gì?” Yết Kiêu đáp.

“Nhưng nhìn ngươi còn trẻ hơn ca ca của ta nữa. Thật đấy. Ta không gọi thúc thúc được đâu.” Hoa cô nương líu lo nói. “Kệ ngươi, ta vẫn gọi là Phạm huynh thôi.”

Yết Kiêu cười cười không đáp. Hắn vốn chỉ muốn trêu chọc nàng một chút thôi. Duyên bèo nước gặp nhau, sau buổi dạo chợ đêm ấy ai biết sau này có còn gặp lại hay không, đâu cần phải câu nệ gì nhiều đến việc xưng hô. Thế nên, đến tận lúc phải chia tay để ai về nhà nấy, Hoa cô nương vẫn cứ xoắn xuýt mãi chuyện hắn lớn tuổi thật hay giả, phải gọi hắn là Phạm huynh hay là Phạm thúc thúc khiến hắn thấy thú vị nhưng cũng hơi dở khóc dở cười. Cả gánh tuổi rồi còn trêu ghẹo cô nương nhà người ta, nghĩ cũng mất mặt thật.

Lúc về đến công quán, đám Lê đại nhân cũng vừa lúc đi chơi về. Lê đại nhân trêu Yết Kiêu rằng tướng quân bảo mình già rồi, không thích náo nhiệt mà cũng giờ này mới quay về, đã thế trên mặt còn có gió xuân mơn man, đào hoa phơi phới. Mấy tên lính hầu thân cận còn to gan lớn mật đổ thêm dầu vào lửa, nói nếu chưa già thì có phải tướng quân sẽ đi đến sáng luôn hay không. Yết Kiêu chỉ cười trừ, mặc kệ những lời trêu chọc.

Nằm trên giường, nghĩ đến những chuyện đã xảy ra trong cả một ngày, hắn không ngủ được. Hắn đứng dậy đẩy mở cửa sổ rồi yên lặng nhìn ra bên ngoài. Công quán đã yên tĩnh nhưng xa xa phía chợ đêm vẫn còn ánh đèn đóm sáng rực. Giữa trời, mảnh trăng thanh vẫn đang lặng lẽ toả ra ánh sáng nhàn nhạt dịu dàng. Có cơn gió đêm bỗng từ đâu ùa tới khiến tán lá cây xào xạc, khiến chiếc chuông gió treo trước cửa công quán cũng bị xô vào nhau phát ra những tiếng lanh canh thanh thuý. Nghe tiếng chuông gió, hắn chợt nhớ đến giọng nói giòn giã của Hoa cô nương, nhớ đến cảm giác nhộn nhạo, ngứa ngáy trong lòng khi bắt nạt nàng.

Trái tim hắn dường như đã từng có cảm giác run rẩy mà thích thú ấy, đáy lòng hắn dường như cũng từng có cảm giác nhộn nhạo mà mê say ấy. Có điều, đã quá xa xôi rồi! Xa xôi đến mức hắn đã không còn nhớ rõ những đường nét trên khuôn trăng trong trẻo, thanh thuần ấy nữa rồi. Hắn đã không còn nhớ rõ cảm giác trái tim đớn đau như sắp vỡ tung khi một mũi tên bén nhọn bắn xuyên qua mảnh trăng dịu dàng của hắn. Trong trí nhớ miên man của hắn, dường như trước khi hoà vào gió, quyện vào mây, tan vào thinh không bao la mờ mịt, ánh trăng đã nhắn nhủ rằng nếu có kiếp sau vẫn muốn được gặp gỡ và bầu bạn cùng quân.

Nhìn vầng trăng vằng vặc treo lơ lửng giữa trời, Yết Kiêu khẽ đánh rơi một tiếng thở dài. Như là xót thương, như là tiếc nuối. Nếu còn có kiếp sau, hy vọng mảnh trăng sẽ luôn vành vạnh tròn đầy, hy vọng ánh trăng sáng sẽ không bị nhuốm màu tang thương u ám.

***

Sau ngày đó, Lê đại nhân vẫn mỗi ngày vào triều thương thảo hoặc luận bàn với các vị đại nhân khác còn Yết Kiêu vẫn làm đúng nhiệm vụ của một võ tướng là hộ tống Lê đại nhân lúc cần thiết. Mấy lần thấy Lê đại nhân cứ ngập ngừng muốn nói gì đó rồi lại thôi, lòng hắn cũng thấp thỏm. Hắn bảo Lê Đỗ có chuyện gì cứ nói thẳng nhưng rồi vẫn không thể nào cạy được miệng quan văn. 

“Lê đại nhân, nếu ngài mà là võ tướng thì kiểu gì tôi cũng phải đánh cho ngài một trận vì có chuyện cũng không nói rõ ràng rồi.” Yết Kiêu nói khiến Lê Đỗ cũng phì cười.

“Chuyện cũng chưa đâu vào đâu nên tôi cũng chưa vội nói với ngài.” Lê đại nhân nói. “Sau này bàn bạc rõ ràng rồi, tôi ắt sẽ nói rõ.”

Không hỏi được gì, Yết Kiêu buồn bực bỏ ra ngoài đi dạo. Trên con phố ồn ào giữa kinh đô, hắn vô tình gặp lại Hoa cô nương. Lúc đó, Hoa cô nương vừa mua mấy xâu kẹo hồ lô, tự gặm một xâu còn lại thì chia hết cho một đám trẻ con ồn ào trên phố. Hoa cô nương vẫn mặc y phục nam nhân, vẫn phóng khoáng dạo chơi. Nụ cười của nàng vẫn giòn giã như chuông gió, giọng nói của nàng vẫn trong trẻo êm tai, vẫn như cọng lông vũ quét vào lòng người ta, nhộn nhạo và ngứa ngáy.

Khoé miệng hắn vô thức nhếch lên từ lúc nào không biết. Đôi chân hắn vô thức bước về hướng Hoa cô nương đi từ lúc nào không hay. Đến khi nghe tiếng gọi vui vẻ lại đầy khí phách của Hoa cô nương, hắn mới giật mình. Mất mặt thật. Bấy giờ giả chết liệu có tìm lại được mặt mũi không?

“Phạm huynh.” Hoa cô nương lớn tiếng gọi rồi chạy ào đến trước mặt hắn. Không kịp đợi hơi thở ổn định lại, nàng đã ríu rít nói như hôm đầu tiên gặp gỡ. “Lâu quá không gặp lại ngươi. Sau hội đèn, ta cứ lang thang ở đây tìm ngươi mãi mà chẳng hôm nào gặp được. Ta vốn đã định nốt hôm nay mà không gặp được ngươi thì coi như hai chúng ta không có duyên, sau này sẽ không đi tìm ngươi nữa đấy.”

“Công tử tìm tôi làm gì?” Yết Kiêu hơi sững người. Hắn vốn đã nghĩ gặp gỡ một lần là duyên bèo nước, hết thời gian đi sứ, hắn quay về Đại Việt thì có lẽ cả đời cũng chẳng còn gặp lại nhau. Chẳng ngờ, cô nương nhà người ta lại còn tìm hắn.

“Có đồ tốt cho ngươi.” Hoa cô nương thần thần bí bí nói rồi kéo hắn vào một trà quán, xem chừng muốn trò chuyện cùng hắn một hồi lâu.

Yết Kiêu không dị nghị gì, vui vẻ đi theo Hoa cô nương. Dù sao thì hắn cũng đang rảnh rỗi. Trên đường đi, hắn âm thầm tự hỏi, phải là một nhà như thế nào mới có thể nuôi được một nữ nhi linh hoạt, phóng khoáng như Hoa cô nương?

“Phạm huynh, nghe khẩu âm của ngươi là lạ, ngươi không phải là người Đại Nguyên đúng không?” Hoa cô nương uống một hơi non nửa cốc trà rồi hỏi.

“Đúng vậy. Tôi là người Đại Việt.” Yết Kiêu đáp.

“Là Đại Việt ở Nam Man mới đánh cho Đại Nguyên ta tan tác đấy há?” Hoa cô nương tròn mắt nhìn hắn, trong giọng nói không hề có chút kiêng kỵ nào cũng chẳng hề có chút tự ti, buồn khổ nào mà hoàn toàn thản nhiên như thể đang nói đến một Đại Nguyên nào đó chứ không phải là nơi mà nàng sinh sống. “Không phải, không phải, ý ta là ở phía Nam kia ấy.”

“Ồ, chiến bại mà công tử không thấy tủi hổ ư?” Thấy Hoa cô nương thản nhiên luận bàn, Yết Kiêu cũng thử ướm hỏi nhưng dù sao cũng vẫn ngồi trên đất của người ta, hắn không nhắc rõ tên mà chỉ hỏi trống không.

“Tủi gì mà tủi. Ai giỏi hơn người ấy thắng.” Hoa cô nương nói. “Người Nam Man, à không không, người phương Nam các ngươi, Đại Việt ấy, thông minh chết đi được. Ta xem binh thư mà cũng thấy phục luôn.”

Yết Kiêu cứ câu được câu chăng trò chuyện với Hoa cô nương suốt một buổi chiều. Hắn sửng sốt khi biết Hoa cô nương còn đọc cả binh thư, hiểu biết rất nhiều về chuyện chinh chiến, nàng còn có thể kể được các chiến công lẫy lừng của Đại Việt, nói được những trận chiến thất bại của Nguyên triều. Thậm chí, nàng còn dám tự nhiên bàn luận đến những chuyện thuộc về triều đình, đương nhiên cũng chỉ là những điều mà kẻ đọc sách thánh hiền đều biết nhưng Yết Kiêu vẫn thấy bội phục lòng can đảm và sự hào sảng của nàng. Nếu là nữ tử nhà thường dân thì nào có ai dám nói đến những chuyện to gan lớn mật như thế. Yết Kiêu đoán, Hoa cô nương hẳn là khuê nữ của một gia đình danh giá.

“Tại sao cứ phải thảo phạt nơi này, chinh chiến nơi kia cơ chứ?” Nói chán đủ thứ chuyện xa chuyện gần, Hoa cô nương chán nản cong lưng, tựa cằm lên bàn than thở. “Ai sống ở đất người ấy, để bá tính được an cư không tốt hay sao?”

“Ý nghĩ của bậc quân vương, chúng ta không hiểu được.” Yết Kiêu chậm rãi nói. “Có điều, suy cho cùng, hẳn cũng là vì muốn mở mang bờ cõi, muốn bách tính có cuộc sống tốt hơn thôi.”

“Công tử bảo có đồ tốt cho tôi, là cái gì thế?” Hắn làm như không để ý, nhẹ nhàng đổi sang câu chuyện khác.

Hoa cô nương nhanh chóng quên chủ đề chinh chiến, quay lại với mấy chuyện vui vẻ. Nàng tặng cho Yết Kiêu một thanh chủy thủ bằng bạc tuyệt đẹp, nói là để đáp lễ chiếc nghiên mực ở chợ đêm. Nàng hào hứng khoe với hắn là đã mang ba câu đố chữ ngày đó về hỏi mấy người trong nhà nàng nhưng không ai trả lời được. Nàng háo hức và nghiêm túc nhìn hắn chấm tay vào nước, nguệch ngoạc viết từng nét chữ lên mặt bàn, nghe hắn lý giải về ba câu đố chữ ngày đó. Nàng ngây thơ lại chân thành nói với hắn rằng: “Ngươi giỏi ghê! Ta thích ngươi thật đấy!”

Người nghe hữu ý, kẻ nói vô tình. Lại một lần nữa, trái tim cằn cỗi của hắn như thể nhộn nhạo, ngứa ngáy trong lồng ngực vì một câu nói ngây ngô.

Đến khi trời sắp tối, Hoa cô nương nói phải về. Trước khi đi, nàng cẩn thận hỏi Yết Kiêu đang sống ở đâu, có ở gần khu phố này không. Hắn không nói rõ mà chỉ ậm ừ nói đang ở gần đó. Hoa cô nương cũng chẳng để ý đến thái độ mập mờ của hắn mà chỉ nghe được chữ gần là đã mừng rỡ ra mặt rồi. Nàng hớn hở hỏi hắn có rảnh không, nếu rảnh thì nàng mời hắn cưỡi ngựa dạo chơi trên đồng cỏ. Nàng khoe nhà nàng có nhiều ngựa lắm, đồng cỏ mênh mông đẹp lắm, phi ngựa trên đồng cỏ thích lắm, vừa nói vừa nhìn hắn bằng ánh mắt chờ mong. Bất chợt sa vào ánh mắt trong veo ấy, Yết Kiêu thấy lòng mềm đi, hắn không nỡ trả lời ỡm ờ mà thẳng thắn đồng ý khiến Hoa cô nương vui vẻ nhảy cẫng lên.

Thật là một cô nương hồn nhiên, phóng khoáng, Yết Kiêu thầm nghĩ. Ở nàng có loại khí chất vô cùng khác biệt so với những cô nương khác. Và vô tình, loại khí chất tự tin, kiêu hãnh này lại khiến Phạm tướng quân không thể không chú ý tới.

Ngày hôm sau, vừa sáng ngày ra Hoa cô nương đã dắt hai con ngựa cao lớn đứng chờ ở chỗ hẹn. Yết Kiêu vừa xuất hiện, nàng đã háo hức dúi dây cương của một con vào tay hắn rồi nhanh nhẹn trèo lên ngựa. Nhìn dáng vẻ ung dung nhảy như bay lên lưng ngựa của nàng, nhìn nàng tự do tự tại thúc ngựa tung vó trên đồng cỏ bao la, hắn càng tin chắc rằng nàng không phải khuê nữ nhà tầm thường. Trong lòng hắn chợt có cảm giác gì lạ lắm, như là do dự, không dám lại như là nuối tiếc, không cam lòng.

Sau ngày hôm đó, cứ cách hai ba ngày là Hoa cô nương lại dắt ngựa đến rủ Yết Kiêu đi du ngoạn khắp nơi. Nàng có vẻ rất sành sỏi và hào phóng, chỗ nào ăn ngon, chỗ nào chơi vui đều biết, đều dẫn hắn đi.

“Ngươi thích không?” Một buổi tối, sau khi lang thang trở về, Hoa cô nương hỏi không đầu không đuôi. “Nếu ngươi thích thì ta tặng ngươi con này đấy.”

“Đa tạ công tử! Nhưng tấm lòng thì tôi xin nhận còn hiện vật thì xin được từ chối.” Yết Kiêu cười cười. “Tôi chắc cũng không còn ở đây bao lâu nữa. Công tử cho tôi mượn cưỡi là được rồi.”

“Vậy ngươi về là sẽ không bao giờ đến Đại Nguyên ta nữa sao?” Hoa cô nương hấp tấp hỏi.

“Tôi không biết. Phải đợi chủ nhân sai phái. Chủ nhân bảo tôi đi thì ta đi, chủ nhân không bảo đi thì tôi cũng không đi.” Yết Kiêu ăn ngay nói thật.

“Ồ…” Hoa cô nương mất hứng thất rõ, bĩu môi lẩm bà lẩm bẩm. “Có thể bảo chủ nhân ngươi cho ngươi ở lại đây không? Hay chủ chân ngươi có bán gia nô không nhỉ? Ta trả bạc cho hắn để hắn cho ngươi ở đây chơi với ta. Ta thích ngươi lắm ấy. Để ngươi về tiếc ghê!”

Trong thoáng chốc Yết Kiêu nghẹn lời. Tiểu cô nương à, có phải nàng ngây ngô, thiếu phòng bị quá rồi không? Một kẻ tình cờ gặp gỡ, đến tên cũng chẳng biết mà cứ vô tư chơi cùng như thế được sao? Đã thế lại còn lòng nghĩ gì là miệng nói luôn ra cái đó, khiến người ta bối rối đến mức không nói được gì. Nhìn vầng trăng đã lại lặng lẽ treo cao, hắn nén một tiếng thở dài.

“Sáng mai ta lại đến tìm ngươi nhé?” Trước khi chia tay, Hoa cô nương buồn buồn hỏi như thể ngay hôm sau đã không còn thấy hắn ở Đại Nguyên.

“Chắc phải tối mai tôi mới có thời gian. Mai tôi có chút việc.” Hôm sau Yết Kiêu có việc phải đi cùng Lê đại nhân vào cung, nghe nói kế hoạch đã sắp xếp kín kẽ từ sáng sớm đến đêm. Hắn vốn định từ chối nhưng không hiểu sao nhìn dáng vẻ ủ rũ như đoá hoa bị nước mưa vùi dập của Hoa cô nương, hắn lại không nỡ. Cuối cùng, hắn nhắn Hoa cô nương nếu có đến tìm hắn thì đừng đến sớm quá kẻo phải đợi lâu.

Ngày hôm sau, vốn tưởng có việc gì quan trọng nên Yết Kiêu chuẩn bị kỹ càng, sắp xếp mọi thứ mà hắn cho là tốt nhất. Cuối cùng, khi thấy thái giám tổng quản dẫn theo một đội tuỳ tùng đến mời hắn và Lê đại nhân đi tham dự yến hội, hắn mới ngớ người. Thường thì chỉ có ngày đầu mới đến và ngày cuối trước khi rời khỏi thì sứ thần mới được dự cung yến, còn lại, vì để tránh hiềm nghi nên cũng không tham dự vào các cuộc hội họp, hoan ca. Đột nhiên được mời dự yến hội như vậy thì hẳn là có sự việc bất thường.

Quả nhiên, trong yến hội, Yết Kiêu liên tục nhận được những lời mời gọi, đẩy đưa về việc vua Nguyên rất thưởng thức tài năng của hắn, muốn mời hắn ở lại Đại Nguyên. Hứa hẹn, ám chỉ trong tối ngoài sáng đủ cả. Trong suốt yến tiệc, ca cơ, vũ nữ ăn mặc kiều diễm lả lơi liên tục vây quanh hắn châm rượu, gắp thức ăn. Mùi phấn son nồng nặc, nét điểm trang loè loẹt, y phục hoa lụa diêm dúa, giọng nói dính nhão, ngọt ngấy khiến hắn thấy gay mũi, hoa mắt, váng đầu. 

Hắn chợt nhớ đến một tiểu cô nương ung dung tự tại như con ngựa hoang tung vó trên thảo nguyên rộng lớn, nhớ đến giọng nói trong trẻo như tiếng chuông gió lanh canh, nhớ đến dáng vẻ thanh thuần trong bộ y phục nam giới đơn giản, gọn gàng. Hắn nghĩ, đều là những cô nương Đại Nguyên mà sao lại khác nhau nhiều đến thế.

Lúc trở lại công quán, thái giám tổng quản vẫn ân cần tiễn đến tận nơi khiến Yết Kiêu thụ sủng nhược kinh. Hắn cũng chợt hiểu ra những lần ngập ngừng muốn nói của Lê đại nhân là gì. Mấy chuyện quanh co này đúng là không dễ nói thẳng. Hắn chợt bật cười, Lê đại nhân nghẹn chết mất thôi.

Đi đến đầu con phố phía trước dịch quán, Yết Kiêu ngay lập tức nhận ra Hoa cô nương đang bồn chồn đứng đợi. Nàng cũng nhận ra hắn nên chẳng kịp đợi đoàn người đến gần đã vội co chân chạy về phía hắn, lớn tiếng gọi “Phạm huynh” khiến không chỉ hắn mà những người đang đi cạnh hắn đều sững sờ, nhất là vị thái giám tổng quản vẫn liên tục ngọt nhạt, cung kính trò chuyện với hắn.

“Công… Công…” Thái giám trợn trừng mắt, lắp bắp mãi không thành câu.

“Ngài nhìn nhầm rồi, ngài mới là công công, ta không phải. Ta chỉ là một công tử ca nhỏ nhoi, nhàn tản thôi.” Hoa cô nương phản ứng tự tin, nhanh nhẹn khiến thái giám tổng quản cũng nghẹn lời. Nhàn tản thì đúng rồi còn nhỏ nhoi thì… Không biết ai mới nhỏ nhoi ở đây nữa.

Đợi mọi người đi hết, Hoa cô nương mới móc ra một chiếc quạt thêu, nói muốn tặng cho Yết Kiêu sau đó lại kéo hắn đi dạo.

“Khán bất đáo minh nguyệt; Thính bất kiến thanh âm; Chỉ cảm đáo thân ảnh; Quân tựu tại ngã tâm.” Yết Kiêu cầm quạt ngắm nghía rồi đọc mấy dòng thơ thêu trên đó. “Sao lại là “quân” chứ không phải là “khanh” vậy?”

“À thì… Thì ta không thích “khanh”, ta thích “quân” đấy được không?” Hoa cô nương chỉ bối rối một lát là đã lấy lại được phong thái tự tại, ung dung.

“Công tử… Phóng khoáng ghê!” Yết Kiêu nói. Trong mắt hắn tràn ra ý cười.

Mấy ngày sau đó Hoa cô nương không đến tìm hắn. Hắn thầm nghĩ có lẽ do nàng thấy xấu hổ nên cũng chỉ âm thầm buồn cười.

Chẳng ngờ, một sáng nọ, Hoa cô nương lại đến tìm Yết Kiêu với khuôn mặt ủ rũ như cành cây non bị phơi dưới nắng trưa. Hắn ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì khiến một cô nương hoạt bát, vui vẻ trở nên héo rũ như vậy.

“Ta buồn chết mất thôi.” Nàng kéo hắn vào trà quán rồi than thở.

“Công tử sao thế?” Yết Kiêu vừa rót cho nàng một chén trà vừa hỏi.

“Ta… Không, là tỷ tỷ của ta. Tỷ tỷ ta sắp bị gả đi rồi.” Hoa cô nương nói. “Ta phản đối thế nào cũng vô hiệu. Buồn chết mất thôi.”

“Cưới gả là chuyển đáng mừng, sao công tử lại buồn?” Yết Kiêu hỏi.

“Ngươi không hiểu đâu.” Hoa cô nương ngây người một lúc rõ lâu rồi mới nói bằng giọng buồn thiu. “Phạm huynh, ta hỏi ngươi nhé. Nếu là ngươi, ngươi có gả nhi nữ cho một người mà nàng ấy chưa từng gặp mặt không? Đã thế còn là một ông lão trạc ngũ tuần nữa.”

“Sẽ không.” Yết Kiêu trả lời thẳng thừng.

“Ồ… Thế nếu là vì quốc gia đại sự mà bắt buộc phải gả thì sao?” Lại ngẩn người thêm một lúc rõ lâu nữa, Hoa cô nương mới hỏi.

“Ý công tử là mấy chuyện cưới gả hoà thân ấy sao?” Yết Kiêu hỏi. Đợi nhận được một cái gật đầu của Hoa cô nương, hắn mới nói tiếp. “Đã là chuyện quốc gia đại sự thì mấy ai có thể khước từ? Bởi lúc ấy, cưới gả đã không còn là chuyện của riêng mình nữa rồi. Mỗi bước đi đều gánh vác sứ mệnh trên vai. Sự bình yên của quốc gia, sự an lạc của bách tính.”

“Thế nghĩa là ngươi đồng ý?” Hoa công nương ngẩng đầu, ngắt lời Yết Kiêu. Thấy hắn trầm ngâm, nàng lại gục xuống ủ dột. “Cũng phải. Nữ tử chúng ta… Bọn họ… Nữ tử bọn họ vốn dĩ đã thấp cổ bé họng, không có quyền lựa chọn rồi. Bị đặt ở đâu thì phải ngồi ở đó. May mắn thì được gả vào chỗ tốt, không may mắn thì đến họ tên chắc cũng chẳng còn được ai nhớ tới trên đời.”

“Vậy là… Công tử … Tỷ tỷ của công tử sắp phải hoà thân?” Yết Kiêu hỏi. Trong lòng hắn có chút mất mát thoáng gợn lên.

“Không không, ta nói thế thôi.” Hoa cô nương vội vàng phủ nhận. Thấy nàng có vẻ không muốn tiết lộ chuyện riêng nên Yết Kiêu cũng không hỏi nữa mà chỉ lặng lẽ rót trà cho nàng. Ánh mắt hắn cũng bất chợt nhuốm màu ảm đạm.

Một lúc lâu sau, lâu đến mức Yết Kiêu tưởng Hoa cô nương đã nằm gục xuống bàn ngủ quên mất rồi, nàng mới lại uể oải ngẩng đầu hỏi hắn cả một tràng dài, hỏi hết câu này đến câu khác như thể chỉ muốn hỏi ra cho nhẹ lòng chứ không cần biết câu trả lời của đối phương: “Phạm huynh, Nam… Đại Việt của các ngươi rộng không? Cảnh vật có đẹp không? Người Đại Việt đều tốt như ngươi chứ? Ngày nào đó ta đến tìm ngươi chơi được không? Cũng chẳng biết là ngày nào nữa. Hy vọng là có một ngày.”

Nói xong, cũng chẳng đợi Yết Kiêu trả lời, nàng đã phẩy tay nói phải về nhà. Nhìn dáng vẻ ủ ê, sầu muộn của nàng, hắn bỗng dưng cảm thấy lòng buồn bã. Hắn suy đoán, nàng có thể là nhi nữ của một vị hoàng thân quốc thích nào đó, sắp phải lấy cuộc hôn nhân của mình ra để đổi lấy lợi ích cho Đại Nguyên. Nhìn chiếc quạt thêu “Quân tại ngã tâm”, hắn bật cười chua chát.

Chừng nửa tháng sau đó, Hoa cô nương không đến tìm Yết Kiêu. Hắn mỗi ngày đều tìm đủ chuyện để bản thân bận rộn, từ sáng sớm đến tận đêm khuya, lúc nào không tìm được chuyện để làm thì lôi mấy tên lính hầu cận ra luyện võ đến mệt nhoài. Lúc Lê đại nhân hỏi hắn có tâm sự gì, hắn thoáng ngỡ ngàng rồi cười trừ, lấp liếm cho qua chuyện. Hắn cứ tưởng mình đã giấu kỹ lắm, thế mà hoá ra sự chông chênh trong lòng lại vô tình khắc lên nét mặt, lại toát ra trong những việc hắn làm.

Đã sắp đến ngày trở về Đại Việt nên đoàn sứ thần được mời tham dự cung yến tiễn đưa. Hắn vốn chẳng muốn đi nhưng cũng không thể chối từ. Vẫn yến yến oanh oanh, vẫn lả lơi diêm dúa nhưng hắn lại chẳng biết mình có thấy gay mũi hay choáng váng hay không bởi vốn dĩ, hồn hắn không để ở yến tiệc.

“Tướng quân. Ngọc Hoa công chúa tới rồi.” Mãi đến khi nghe Lê đại nhân nhắc nhở, Yết Kiêu mới hoàn hồn.

Vừa ngẩng đầu lên, hắn đã hoảng hốt giật mình. Nếu không nhờ có sự trấn tĩnh và vững vàng của một võ tướng thì chắc hẳn hắn đã há hốc miệng thất thố khi thấy người đang đứng giữa điện rồi. Mà người kia thì không trấn định được như hắn, đôi mắt tròn xoe trong veo đang trợn trừng kinh ngạc.

“Phạm huynh? Sao ngươi lại ở đây?” Ngọc Hoa ngơ ngác hỏi.

“Đây chính là Yết Kiêu tướng quân của Đại Việt quốc, người mà lúc trước Đại Hãn đã nói với công chúa.” Thái giám tổng quản kính cẩn nói với Ngọc Hoa, nét mặt không hề giấu giếm nét mừng rỡ.

“Sao Phạm huynh lại là Yết Kiêu tướng quân? Không phải bảo Yết Kiêu tướng quân là lão nhân trạc ngũ tuần sao?” Ngọc Hoa vẫn ngây thơ nghĩ gì hỏi nấy khiến vua Nguyên vô cùng cao hứng. Triều thần ở đó cũng vui vẻ cười vang.

Yết Kiêu chỉ lặng lẽ đứng lên chắp tay hành lễ rồi ngồi lại. Lòng hắn thực ra cũng đang hỗn loạn. Hắn vốn đã đoán Hoa cô nương là nhi nữ nhà thân vương quyền thế nhưng lại không nghĩ đến việc nàng chính là công chúa tôn quý của Đại Nguyên. Có lẽ bởi trong định kiến của hắn, các nàng công chúa đều rèm ngọc châu sa, đều dịu dàng e lệ chứ không thể tự tại, ung dung, không thể càn rỡ như ngựa hoang tung vó. 

Yết Kiêu khẽ mỉm cười. Đang ngồi trên đất của người ta mà dám nghĩ công chúa của người ta càn rỡ như ngựa hoang, to gan lớn mật quá rồi! Nếu biết suy nghĩ ấy, có khi Ngọc Hoa công chúa sẽ nổi cơn càn rỡ mà đánh hắn bay thẳng về Đại Việt chưa biết chừng.

Đại Việt. Trong đầu hắn đột nhiên xuất hiện hình ảnh Ngọc Hoa công chúa ủ rũ như cây non thiếu nước hỏi hắn Đại Việt có rộng không, có đẹp không sau khi than thở với hắn rằng tỷ tỷ của nàng, hoặc đúng hơn là nàng sắp bị gả đi rồi, gả cho một ông lão trạc ngũ tuần chưa từng gặp mặt. Hắn lại hơi thương tiếc, khẽ nhấp ngụm rượu rồi chìm vào suy tư đến xuất thần. 

Đến khi nghe triều thần Đại Nguyên xôn xao chúc mừng, hắn mới giật mình sửng sốt. Thế mà vua Nguyên lại tuyên bố trước mặt triều thần rằng ngài thưởng thức tài năng, lòng trung thành và can đảm của hắn nên quyết định gả hoàng nữ Ngọc Hoa cho hắn, tăng thêm mối giao hảo giữa hai nước Đại Nguyên, Đại Việt.

Yết Kiêu cười khổ trong lòng. Đời này hắn đã từng từ chối vương nữ, hoàng nữ bởi không muốn làm nữ tế của nhà đế vương tôn quý, từng vì lẽ đó mà suýt mất cả đầu. Vậy mà không ngờ, đi sứ Nguyên triều cũng lại bị người ta ép gả. Hắn đã là lão nhân trạc ngũ tuần rồi chứ có còn trai tráng gì đâu. Mà kể cả hắn chưa già thì cuộc hôn nhân này cũng không thể thành được. Không chỉ vì hắn không muốn làm nữ tế nhà đế vương mà còn là bởi võ tướng Đại Việt không thể có dính dáng gì với Nguyên triều.

“Đa tạ Đại Hãn đã ban cho thần diễm phúc ấy!” Sau một lát trầm ngâm, hắn quỳ gối xuống tâu. “Có điều, Đại Việt có phép vua. Thần là võ tướng của Đại Việt, là phận tôi tớ của vua Trần, thế nên mọi chuyện đều phải tuân theo lệnh vua. Xin Đại Hãn cho phép thần quay về tâu với vua Trần về việc kết thân này trước.”

Vua Nguyên suy tư chốc lát. Mặc dù thấy người Đại Việt dài dòng, không dứt khoát nhưng cũng không tỏ ý phản đối. Dù sao, Nguyên triều cũng đang vô cùng muốn có được một vị tướng tài nên hết sức nhún nhường.

“Được, trẫm chúc các khanh gia lên đường bình an, sớm ngày mang tin vui trở lại.” Vua Nguyên hào sảng nâng ly, kết thúc cung yến tiễn đưa.

Sau cung yến, đoàn sứ thần có ba ngày để sắp xếp trước khi trở về Đại Việt. Yết Kiêu lặng lẽ thu dọn, không thể hiện bất cứ cảm xúc nào. Ban đêm, lúc không còn người nào quanh quẩn bên cạnh, hắn lặng lẽ lấy cây chủy thủ ra nhìn đến ngẩn ngơ. Rất lâu sau đó, hắn kéo ống quần lên để lộ ra vết sẹo năm xưa bị mũi giáo của quân Nguyên đâm trên bắp đùi. Hắn nhìn chằm chằm vết sẹo cũ rồi tàn nhẫn đâm mũi dao găm vào khiến máu chảy đầm đìa sau đó lại tàn nhẫn miết đế giày đầy bùn đất bẩn lên vết cắt.

Buổi chiều hôm đó, Ngọc Hoa đến tận công quán tìm Yết Kiêu. Nàng vẫn mặc y phục nam nhân đơn giản, vẫn cười giòn tan như tiếng chuông gió lanh canh. 

“Phạm huynh.” Ngọc Hoa vừa cười tíu tít vừa gọi hắn. “Thế mà chàng lại là Yết Kiêu tướng quân đại danh đỉnh đỉnh.”

Nếu như là vài ngày trước đó thì có thể hắn sẽ trêu chọc Hoa cô nương đôi câu như “Thế mà tôi lại là lão nhân trạc ngũ tuần” hoặc sẽ kéo dài giọng nói “Công tử quá khen”, trong đó sẽ nhấn mạnh hai chữ công tử.

Thế nhưng hôm ấy hắn lại chỉ nói năng chừng mực, lễ độ, nếu không muốn nói là lạnh nhạt, thờ ơ: “Tại hạ không dám xưng huynh với công chúa.”

“Trước đây chàng còn muốn làm Phạm thúc thúc của ta luôn đấy.” Ngọc Hoa vui vẻ nói. Nàng vô tâm không để ý đến thái độ lạnh nhạt của hắn.

“Lúc đó không biết công chúa nên tại hạ càn rỡ mạo phạm. Xin công chúa lượng thứ!” Yết Kiêu vẫn một mực lễ độ, khiêm nhường.

Ngọc Hoa nhìn ngắm xung quanh, cố ý chạy đi chạy lại lấy thứ này thứ kia giúp Yết Kiêu đóng gói hành trang. Cuối cùng, như thể đã nhịn quá lâu, không chờ thêm được nữa, nàng mới khẽ kéo ống tay áo hắn, thỏ thẻ hỏi: “Phạm huynh, em… Em về Đại Việt cùng chàng được không?”

Sau một thoáng sững sờ, Yết Kiêu làm bộ bận rộn, kéo tay áo ra khỏi tay Ngọc Hoa rồi bảo nàng: “Công chúa, theo lệ tục của Đại Việt, chưa có tam môi lục sính thì nữ tử chưa thể xuất giá. Công chúa là lá ngọc cành vàng tôn quý thì lại càng không thể hạ giá. Thứ cho tại hạ không thể tòng mệnh.”

Ngọc Hoa cũng không giận mà khúc khích cười rồi đến gần túm lấy bàn tay Yết Kiêu. Tay hắn nóng rực khiến nàng giật thót. Và cũng đến bấy giờ, nàng mới phát hiện mặt hắn càng lúc càng trắng bệch, môi hắn tái nhợt, trên trán có lớp mồ hôi lạnh toát ra. Nàng sốt sắng hỏi hắn thấy thế nào, sốt sắng chạy về gọi ngự y, gấp đến nỗi hắn không cản kịp. Ngự y đến bắt mạch nói hắn bị thương hàn nên công chúa tuyệt đối không được đến gần. Ngọc Hoa sốt ruột đến phát khóc.

Hai ngày sau, sứ đoàn phải khởi hành quay về Đại Việt. Ngọc Hoa mặc y phục công chúa đương triều, mang đôi mắt đỏ hoe đến bịn rịn tiễn đưa. Thấy mặt hắn vẫn tái mét, một lần nữa, nàng đòi đi cùng hắn để chăm sóc cho hắn dọc đường.

“Đằng nào em cũng sẽ gả cho chàng. Theo chàng thì có làm sao? Em cũng đâu có để ý lễ nghi.” Ngọc Hoa sụt sịt nói.

“Công chúa không để ý, nhưng tại hạ không nỡ. Tôi thương hoa tiếc ngọc.” Yết Kiêu nói một câu khiến Ngọc Hoa nức nở khóc òa.

Nàng lấy chiếc áo choàng từ tay một tì nữ khoác lên vai hắn. Đợi đoàn xe của sứ thần đi khuất tầm nhìn, nàng mới lững thững trở về.

Suốt dọc đường đi, Yết Kiêu đều trầm tư. Hắn đã phát hiện ra bài thơ được thêu bên trong vạt áo choàng. Mỗi lần lẩm nhẩm đọc, lòng hắn đều quặn thắt như thể bị lưỡi chủy thủ cùn cắt gọt. Thế nhưng hắn lại cứ đọc hết lần này đến lần khác như thể muốn giày vò, đày đọa chính mình.

Về đến Đại Việt, Yết Kiêu ngay lập tức bẩm báo với Hưng Đạo đại vương rồi cùng ngài vào cung yết kiến vua Trần. Chẳng bao lâu sau, có tin tức truyền ra rằng Yết Kiêu tướng quân mắc trọng bệnh, không qua khỏi. Sứ giả từ Đại Việt khởi hành sang Đại Nguyên để báo tin buồn.

Hắn không hề biết một thời gian sau khi hắn rời đi, công chúa Nguyên triều tôn quý cũng sửa soạn để bắt đầu cuộc hành trình đi về phương Nam xa xôi tìm hắn cho thỏa nỗi tương tư. Lúc sắp đến đất Đại Việt, nghe được tin Yết Kiêu mắc trọng bệnh qua đời, Ngọc Hoa thẫn thờ đau khổ. Nàng tự trách mình ngày đó không cương quyết theo hắn trở về để đến nỗi bài thơ nhắn nhủ trong vạt áo trở thành lời từ biệt.

Ngọc Hoa buồn khổ khiến các tì nữ theo hầu cũng buồn khổ theo. Nàng không ăn không uống, suốt ngày đêm chỉ khóc lóc nên thân thể gầy guộc, héo hon.

Sau đó, nàng sai người điêu khắc gỗ vàng tâm thành tượng mình, còn dặn nhớ khắc nàng của mùa xuân năm trước chứ đừng khắc nàng của bây giờ. Trong lúc chờ khắc tượng gỗ, nàng sai lập đàn cầu siêu cho Yết Kiêu bên bờ biển rồi mặc đồ tang quỳ suốt bảy ngày đêm. Tượng tạc xong, nàng cắt ngón tay, chấm máu viết chữ lên lụa trắng yểm vào tâm tượng sau đó bỏ bức tượng vào một khúc gỗ khoét rỗng như một cỗ quan tài. 

“Chàng còn chưa sang đón em về nên em chẳng thể vào Đại Việt mà tìm chàng được.” Nàng đau xót thả trôi cỗ quan tài đơn sơ chứa đựng cả tình yêu thuần khiết của mình xuống biển, hy vọng sóng sẽ đưa nó về tới Đại Việt, nơi có một người đi mà mang theo cả trái tim nàng. Đứng trên tế đàn cao vút, Ngọc Hoa đau đáu nhìn về phương Nam, nước mắt chẳng ngừng rơi.

“Phạm Hữu Thế, Yết Kiêu chàng ơi. Lúc sống trên trần thế, em và chàng còn chưa kịp nên nghĩa phu thê, nay chàng không còn nữa, em nguyện thác xuống âm phủ để được gặp lại chàng. Mong ở kiếp sau, em và chàng kết được lương duyên.”

Nói xong, Ngọc Hoa quay về phương Bắc cúi người bái lạy thật sâu. Bái xong, nàng gieo mình từ tế đàn xuống để xác thân chìm vào biển cả bao la.

Lúc Yết Kiêu biết tin thì đã là mấy tháng sau đó. Hắn lặng lẽ đến vùng biển nơi Ngọc Hoa công chúa quyên sinh rồi châm lửa đốt cháy chiếc quạt thêu “Quân tại ngã tâm” ngây ngô, đốt cháy tấm áo choàng thêu lời nhắn nhủ “Dục biệt” day dứt. Hắn nhìn đống lửa đến thất thần.

Con sóng bạc đầu đánh một mảnh gỗ dạt vào bờ biển. Hắn cầm mảnh gỗ lên, dùng thanh chủy thủ bạc khắc một đóa hoa rồi ném cả mảnh gỗ lẫn chủy thủ xuống biển. Nhờ sóng cuốn đi.

“Dục biệt khiên Lang Y; Lang kim đáo hà xứ; Bất hận quy lai trì; Mạc hướng lâm cùng khứ.” Trước lúc ra về, Yết Kiêu lẩm nhẩm đọc lại một lần bốn hàng chữ mà hắn đã thuộc từ lâu. 

Đọc xong, từ khóe mắt hắn có hai giọt lệ nóng trào ra, lăn tròn trên gò má rồi rơi xuống vỡ tan.

“Nếu còn có kiếp sau, nguyện nàng có lang quân như nguyện tương tùy.” Hắn thầm nhủ.

Trong làn gió biển mặn chát, hắn chợt ngơ ngác vì dường như hắn vừa nghe thấy tiếng cười giòn tan như tiếng chuông gió lanh canh.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout