Nhu ghé mắt qua cây cột tre trông vào bếp thật lâu không động, bó cỏ sâu róm bị nắm chặt gãy gập hết cả từ bao giờ. Trên tấm phản mọi khi bố hay nằm giờ được thay thế bởi một người khác. Mà đôi mắt sáng rực nơi gương mặt xanh tím méo mó kì dị của người kia nãy giờ vẫn nhìn Nhu chăm chăm không rời.
“Em sợ à?”
Giọng nói run rẩy khàn yếu như cụ già chín mươi đột nhiên đưa đến tai làm Nhu giật bắn, cỏ sâu róm trong tay rơi lả tả.
“Nhu về rồi à con, đi vào giúp mẹ nhanh lên.” Đúng lúc Nhu định bỏ chạy mẹ đi từ đâu về kéo Nhu vào bếp theo.
“Lau sạch hai mặt lá đi cho mẹ.” Mẹ dúi vào tay Nhu cái giẻ cùng xấp lá náng, chân tay khẩn trương quay đi chất bếp.
“Đã biết ông ấy như thế rồi, cứ tránh đi chờ ông ấy tỉnh rồi hẵng về chứ.” Lửa vừa cháy đượm, mẹ quay sang lấy lá náng từ tay Nhu đưa lên hơ, miệng lẩm bẩm không rõ trách móc hay đang xót xa.
Theo tay mẹ bọc lá vào cổ chân sưng phù, người nằm trên phản chốc chốc lại giật một cái, mẹ thấy vậy an ủi: “Cố chịu đi con, không cái chân mày vứt đi mất.”
Bọc xong chân, mẹ cẩn thận nhẹ nhàng vén lưng áo phông nhăn nhúm của người kia lên. Tấm lưng trần gầy guộc vừa lộ ra hết, mẹ nghiến răng kêu: “Giời ạ! Thế này thì còn gì là người nữa.”
Nhu nhìn tấm lưng xanh đen như được đổ mực xăm bôi kín, cả người hoá đá.
“Em sợ lắm hả?” Đôi mắt rực sáng vẫn bám theo Nhu, tiếng nói khàn đặc giống vịt bị bóp cổ lần nữa cất lên.
“Ông vào mà xem, ai đời đánh thằng bé thành như thế này, cả người không còn chỗ nào lành lặn.” Chưa để Nhu kịp trả lời, mẹ vừa tất tả chạy đi đã lại trở về, kéo theo bố vào bếp chỉ người nằm trên phản.
Bố nhìn lướt một lượt, quay mặt tránh đi: “Tạm cứ ở đây đi đã, tôi khác khuyên bảo bác ấy.”
“Khuyên với bảo cái gì, đợi khuyên bảo được chắc gì lần sau thằng bé còn mạng.”
“Cô be bé cái mồm thôi, lỡ say mới thế, bác ấy cũng thương con lắm đấy chứ.” Bố quát khẽ, xoay người ra khỏi căn bếp nhỏ.
Mẹ không chịu buông, chạy theo sau: “Biết say như thế còn rủ nhau nốc cho lắm vào, rồi khổ người khác.”
“Mày nói ít thôi tao biết rồi.”
“Biết cái gì mà biết…” Tiếng mẹ nhỏ dần theo bóng bố dần khuất.
“Nhu sợ anh à?”
Nhu bị gọi tên phát hoảng, chân tự đưa nhanh hướng ra cửa bếp, chợt như nghĩ ra điều gì, quay người lại run giọng dò xét: “Anh… Nguyên?”
“Anh đây!”
Chỉ một lời nhẹ nhàng, khẳng định đáp án của Nhu.
Chàng trai có chiếc răng khểnh luôn mang nụ cười tỏa nắng, đôi mắt như được gắn sao trời vừa hôm kia chở giúp Nhu một bao thóc đi xát. Hôm nay sao lại biến thành người dị dạng xấu hơn cả quỷ dạ xoa thế này?
Cứ thế cô bé con mười tuổi đứng chắn cửa bếp khóc váng. Ngoài sân một cơn gió lớn mang đầy hoa xoan li ti tạt qua cửa sổ cũ kỹ rơi xuống nơi Nguyên nằm. Con gà mái mới nhảy ổ đâu đó quang quác kêu cùng tiếng Nhu.
Nguyên bối rối, cựa người muốn ngồi dậy. Nhu vội chạy lại giữ người cậu, vô ý dùng sức lên bả vai gồ xương.
Nguyên khẽ suýt, Nhu liền cuống, tay rụt về như phải bỏng.
“Không sao, anh không sao, đừng sợ.” Mồm miệng sưng vêu làm giọng nói trong trẻo của cậu trai mới lớn trở nên méo mó.
Nhu không ngừng được nức nở, lời muốn nói bao nhiêu đều nghẹn nơi cổ không thể thoát ra. Nguyên chỉ có thể đem cánh tay đau nhức nhẹ đặt lên đầu Nhu vuốt xuống, lặp đi lặp lại: “Không sao, anh không sao.” Cổ họng mỗi lần phát ra tiếng đều rát bỏng.
***
Tháng tư, trời trưa trong vắt không một gợn mây, gió dập dìu qua cánh đồng lúa đưa hương thơm ngọt. Nhu nheo mắt nhìn trời, tháo mũ vải trên đầu xuống quệt mồ hôi, da phơi nắng nhiều đã đổi sang màu bánh mật.
Không gian vắng lặng, chỉ có tiếng gió thỉnh thoảng ù qua tai, rặng tre bên đường du nhau cọt kẹt. Thở mệt một hơi dài, Nhu dắt chiếc xe mini của mình rẽ vào một hướng khác, không phải đường về nhà.
Nguyên trèo lên hòm gian nhấc bao thóc trên nóc, phát hiện Nhu nằm trên ghế băng dài bỏ xó bên cạnh. Cậu lách người qua khe hẹp những bao thóc chất chồng lại gần lay người Nhu: “Nhu sao lại ngủ ở đây thế em?”
Nhu mở hé mắt, nhận ra người vừa hỏi là Nguyên lại nhắm vào: “Em buồn ngủ quá, không muốn về.”
Đăm chiêu nhìn Nhu giây lát, Nguyên nắm tay cô bé kéo dậy: “Đi học về chưa ăn gì phải không? Sang anh còn cơm đấy.”
“Em không ăn đâu.”
Đảo mắt qua mai tóc ướt nhẹp bết vào mặt của Nhu, Nguyên cầm cặp cô bé khoác lên vai: “Nằm đây cho chết nóng, dậy đi với anh.”
“Anh đi xát thóc hộ ông bà em à?”
“Ừ!”
“Sao không để chiều mát rồi đi?”
“Chiều lớp anh có buổi lao động, sợ không kịp cho ông bà nấu cơm tối.”
Trên con đường mòn cằn cỗi hoang vắng, hai người đội nắng dắt hai chiếc xe đạp đi song song. Ngang qua nhà Nhu chợt mùi đốt nướng nồng đậm nhờ gió đưa luồn vào mũi. Nguyên đánh mắt sang Nhu, cô bé vẫn cúi gằm mặt bước đi, mồ hôi đã nhỏ thành giọt dưới cằm.
“Trưa hết gạo nên anh nấu cơm nếp, em ăn đi.” Nguyên cười cười đặt trước mặt Nhu một bát cơm đầy hạt trắng tròn, bên trong có trứng trưng vàng óng.
“Anh để thóc đấy chiều em bảo bố em chở xe máy đi xát.”
“Thôi, anh lai bằng xe đạp được, ông bà nhờ anh rồi mà.”
Nhu nghe vậy lặng im, cúi đầu chậm chạp ăn cơm. Nhìn cô bé trong vô thức mỗi lúc một gục mặt xuống, Nguyên cười xòa đưa tay xoa đầu Nhu: “Ngẩng cao mặt lên, con gái ai lại ăn uống cứ cúi gằm thế.”
Nhu hơi ngây người, đột nhiên muốn hỏi sao lúc nào anh cũng cười? Sau trận đòn thừa sống thiếu chết năm ngoái, Nhu tưởng sẽ không bao giờ thấy được gương mặt hễ cười lên là như trong tranh vẽ ấy nữa.
Cũng còn may.
Sau tỉnh cồn, ông Thắng sang nhà Nhu nhìn con một lần. Có lẽ do hổ thẹn mà từ đấy không còn uống rượu, một tuần sau đón Nguyên về rồi bỏ lên huyện làm công.
Sưng phù trên mặt trên người Nguyên dần tan, vết tím, vết bầm cũng phai, chân thôi không còn khập khiễng sau vài lần được ông nội Nhu châm cứu bốc thuốc. Nguyên vẫn luôn cười tươi vui mỗi khi gặp người, có vẻ như kẻ dị dạng năm ngoái nằm ở góc bếp nhà Nhu là ai chứ không phải cậu.
***
Nhu ngồi dựa người vào cửa bếp, trên tay rá gạo đã đãi sạch bắt đầu khô nước, đồng hồ trên tường hai kim đều chỉ vào số mười hai. Mùi hương ngái ngái sực nức bên mũi, Nhu yên lặng ngồi đợi, đợi mãi cho đến khi mắt díu cả vào.
Cửa gỗ thô kệch cọt kẹt mở ra, Nhu giật mình ngẩng lên: “Bố xong chưa con còn nấu cơm.”
“Con sang nhà bác Thắng xin cho bố ít dầu.” Đáp lại Nhu, bố đưa cái bát con đến trước mặt cô bé.
Nhu sầm mặt, đặt cái bát con vào rá gạo bê đi. Sau lưng Nhu, bố khép lại cửa bếp, trên mặt phủ vài tầng sương mờ ảo.
Nguyên đưa bát dầu ăn đầy ắp cho Nhu, nhỏ giọng hỏi dịu dàng: “Hay thôi đừng nấu cơm nữa, sang đây ăn với mẹ con anh rồi đem về cho bố, anh nấu nhiều cơm lắm.”
Nhu cúi đầu lí nhí: “Vâng.”
Nguyên không đành lòng, nén hơi thở dài cười xoa đầu Nhu: “Đem về cho bố đi rồi sang luôn nhé, anh đợi.”
“Vâng.”
Nhu gõ cửa bếp đóng chặt, nói với vào trong: “Con để ngoài này nhé.”
“Ừ.” Tiếng trả lời kéo dài của người đang mê mệt trong cơn khoái lạc bị làm phiền vọng ra.
Nhu đặt bát dầu xuống đất, lại hỏi: “Con sang anh Nguyên ăn cơm tí lấy về cho bố nhé.”
“Ư…ừ.”
Chỉ chờ có vậy Nhu liền chạy, bỏ lại phía sau căn bếp đóng kín cửa, bên trong đặt tấm phản gỗ với bộ đồ nghề bất ly thân của bố.
Chiều đến mẹ đi làm về, đụng phải cửa bếp đóng im lìm. Mẹ nổi giận vỗ tay vào cửa rầm rầm: “Ông có để cho người khác sống với không hả, giờ này là giờ nào rồi vẫn còn ở trong đấy?”
“Chờ anh tí, sắp xong rồi.”
“Ông có để cho mẹ con tôi sống với không?”
“Đâu, anh vừa vào, có tí sái thôi nhạt thếch ấy mà.”
“Nhạt cái vào mặt…”
Nhu ngồi trên cầu ao, hai chân khua khoắng mạnh xuống nước, cố sức phát ra tiếng nước bùm bụp thật lớn.
***
Trời lặng gió, không khí xung quanh trở nên ngột ngạt bức bối. Trăng vời vợi trên cao cười cợt, dưới đất côn trùng hùa theo đua nhau ri ri rộn rã. Một lối mòn mờ mờ dưới ánh sáng nhợt nhạt dẫn vào bóng tối vô định.
Nhu đứng bên hiên nhà nhấp nhổm không yên, chân tay bồn chồn xoắn xuýt vào nhau. Tiếng nhè nhè cùng tiếng cười khành khạch mỗi lúc càng gần hơn.
Nhu cắn răng, lao vào màn đêm.
“Anh Nguyên, anh Nguyên ơi.”
Nguyên vớ cái áo phông mặc vội, tóc vừa hong quạt hơi rối, dép chưa xỏ chắc đã chạy ra ngoài.
Con Lu và con Mích sủa ầm cắn người lạ, nhận ra Nhu liền nhảy bổ lên vẫy đuôi tít mù. Nhu bị hai con chó cản bước, vấp chân dúi người về phía trước.
“Lu.”
“Mích.”
Nguyên quát hai con chó to, không để ý cơn đau ngã đập người xuống đất. Nhu chống tay từ trên người cậu còn không kịp đứng lên đã rối rít: “Anh mau chạy đi, bố anh với bố em đi uống rượu trên Mèo về rồi. Anh trốn đi nhanh lên.”
Chốc lát, Nhu cảm giác thoáng qua mắt Nguyên sự hoảng hốt, nhưng cậu lại rất bình tĩnh đỡ Nhu đứng dậy: “Lần sau đi đêm phải mang đèn theo nhé, tối mò như thế nhỡ có rắn thì sao?”
“Anh có nghe em nói không đấy, bố anh đi uống rượu với bố em về rồi, anh trốn đi.” Nhu lo quá đâm gắt gỏng.
Vẻ sốt ruột của Nhu không làm Nguyên bận tâm, cậu cười xoa đầu cô bé theo thói quen: “Nghe rồi, nghe rồi, đợi anh lấy đèn cho mà về.”
Nhu dậm chân bình bịch:
“Anh còn cười được à? Em sợ ma thế còn phải chạy sang tìm anh, anh cứ bình chân như vại thế?”
“Không trốn nhanh lên bác Thắng về bây giờ thì chạy sao kịp?”
Nguyên hơi thu lại nụ cười, khẽ bẹo má Nhu rồi đi vào nhà lấy đèn pin.
Trong buồng bóng đèn tròn tỏa ánh sáng vàng ấm, một người phụ nữ đang nằm lặng yên trên giường. Thấy Nhu sau lưng Nguyên, gương mặt hiền hậu nhoẻn miệng cười ngờ nghệch. Nguyên cầm chiếc đèn pin để ở đầu giường lên, dém lại màn cho người nằm trong dặn dò: “Mẹ nằm yên chờ con một lát nhé, con đưa em Nhu về tí thôi.
“Sao anh không chạy đi?” Nhu lí nhí trong miệng, có lẽ vì biết đáp án nhưng không cam lòng.
Chạy…
Chạy đi đâu bây giờ?
Bóng tối giấu đi nét mặt ưu tư, Nguyên nói giọng vui vẻ muốn chọc cười cô bé đi bên cạnh: “Bố anh chứ có phải ma quỷ gì đâu mà phải chạy?”
Nói xong lại cảm thấy hình như chẳng có gì buồn cười, cậu sửa giọng: “Anh đùa thôi, sau năm ngoái bố anh lành tính rồi em biết mà, với giờ anh khác biết lựa để ông không nóng nữa.”
“Lạch phạch.”
Nhu bị tiếng động trong bụi dọa, giật nảy mình túm lấy vai áo Nguyên.
Chiếc áo quá cũ mặc nhiều bị dão dễ dàng tuột cổ xuống vai. Nguyên cười khẽ, kéo lại áo, gỡ tay Nhu nắm lấy: “Dơi dơi đi ăn nhãn thôi, đừng sợ.”
Nhu không đáp lời, mắt dõi theo đôi cánh mới bay lên.
Nền trời xanh đen hiển hiện bất lực bất lực không tên.
Nhu nhớ năm ngoái cùng đám trẻ con xóm dưới đi chơi mò được một tổ chim trong bụi găng, bên trong chỉ có một quả trứng nhỏ ti, chim mái chim trống đều không có ở tổ. Vậy mà không hiểu thế nào cuối cùng đám trẻ bắt được cả hai con chim.
Rõ ràng chúng có cánh.
Rõ ràng chúng có thể bay đi.
À quên mất, quả trứng độc nhất kia đâu có cánh.
***
Buổi sinh hoạt hè hôm nay bị huỷ mà Nhu không biết, hẳn là do nhà Nhu ở cuối khu, xa lại heo hút nên không được báo. Mẹ đi thăm người ốm chắc còn chưa về, giờ này kiểu gì bố cũng đang nằm trong bếp đắm đuối bên bàn đèn.
Đi đến lối rẽ về nhà, Nhu hơi chần chừ, cuối cùng vẫn vòng sang một hướng khác. Ghế băng dài ông nội đã cho người làm đem đi, hòm gian hết thóc sáng nay Nhu giúp bà quét dọn sạch bên trong. Nhu trèo vào, vừa ngẩng lên muốn đóng nắp hòm bất chợt hét toáng, đầu cộc mạnh vào thành hòm đau điếng.
Nguyên cuống quýt nhảy vào trong, đèn pin bị rơi tắt ngóm điện. Trong tối đen quờ quạng tìm thấy Nhu: “Có đau không? Em có sao không?”
“Anh làm sao đấy? Tự nhiên rọi đèn vào mặt còn cười nhăn răng nhìn như ma ấy.” Nhu rấm rức trách móc, mắt vì đau hơi rơm rớm.
“Anh xin lỗi.” Đôi mắt thích ứng được với bóng đêm, Nguyên xoa vùng trán hơi phồng của Nhu thổi nhẹ.
Nhu gạt tay Nguyên vùng vằng muốn đứng lên trèo ra ngoài, bất chợt bị Nguyên kéo ngồi thụp xuống. Miệng Nhu bị che lại, bên tai tiếng gió thì thầm: “Có người.”
Nhu nín thở hoang mang, khu này chỉ có ba nhà gần nhau nhất. Kho thóc của ông bà nội Nhu vẫn để đây bao năm không có mất mát, lẽ nào bị trộm biết được lợi dụng hớ hênh đến cắp thóc của hai ông bà già?
Bỗng Nguyên ôm siết Nhu vào lòng, bàn tay đang che miệng chuyển lên mắt, chắn hết tầm nhìn nhỏ hẹp qua khe gỗ ghép. Nhu cảm nhận rõ mồn một lồng ngực phập phồng sau lưng, lặng thinh giây lát.
Kho thóc phát ra tiếng rên i ỉ khe khẽ từ hai bóng đen chồng lên nhau bập bềnh nhấp nhô.
Nhu bấm móng tay hằn sâu vào da thịt không phải của mình, Nguyên vẫn cứng rắn giữ chặt tay che mắt Nhu. Không biết qua bao lâu, thời gian biến mất, bóng đêm trở thành ngục sâu vô tận, mồ hôi ướt đẫm ngực áo nóng ẩm gầy gò.
“Anh về trước đi.” Giọng nói không thể quen thuộc hơn đang nũng nịu sát gần Nhu, chỉ ngăn cách bởi một tấm vách hòm gian.
Lại là tiếng mút mát nhèm nhẹp, âm thanh khiến Nhu ghê sợ như sâu bọ rơi vào hồn gặm nhấm đục khoét.
“Được rồi, anh về đi nhanh lên, em đi lâu quá rồi.”
Tiếng bước chân xa dần rồi biến mất, từng giọt nước nóng ấm tràn qua tay Nguyên trước khi xuống đến miệng Nhu.
Đắng chát, cùng cực.
Nguyên xoay người Nhu, ấn đầu cô bé vào ngực mình, đưa tay vuốt lưng cô vỗ về. Không ai nói lời nào, chỉ có tiếng khóc nghẹn bị kìm nén ưng ức trong hòm gian.
Xoa đôi mắt đau nhức hơi sưng, Nhu đẩy Nguyên về hướng nhà cậu: “Em tự về được.”
“Anh soi đèn cho em vào cổng.”
“Không cần đâu, trăng sáng mà.”
Nguyên trầm mặc nhìn xuống đỉnh đầu vẫn luôn cúi gằm, xoa nhẹ lên tóc tơ mềm mại: “Xe em hỏng chưa sửa được phải không? Sáng mai anh sang đón em đi lấy nhé.”
“Vâng.” Nhu đáp khẽ, tiếng nhỏ như muỗi kêu.
“Con đi đâu mà về muộn thế?” Vừa thấy Nhu vào nhà mẹ đã hỏi, nhìn mẹ vẫn dịu dàng không khác.
Tối nay, Nhu nằm sát góc tường, không còn quấn quýt ôm ấp hít hà mùi hương trên người mẹ. Trái tim non nớt của thiếu nữ mười bốn tuổi lạnh ngắt.
Sáng hôm sau, Nguyên không đón Nhu như đã hứa.
Ba ngày liên tục tiếng trống tiếng nhị đệm nhau thê lương ở cuối khu Sáu thưa dân.
Ba ngày Nhu không thấy nụ cười rạng rỡ của Nguyên một lần nào.
Ba ngày Nhu đứng sau lưng đếm lần cậu vái tạ người tới thắp hương.
Nhu chợt nghĩ, đau thương này có phải là sự giải thoát cho cánh chim của cậu?
***
Nhu hơi ngờ ngợ cầm ống nghe đưa lên tai, không hiểu có chuyện gì gấp mà mẹ phải gọi điện lên trường báo cô giáo tìm Nhu.
“Hôm qua bố con lên xã.” Nói xong mẹ hơi ngập ngừng, giọng nói chợt nghèn nghẹn: “Bác Chấn cũng ở đấy, bố con tưởng mẹ với bác ấy nên chém mẹ…”
Mẹ khóc rất nhiều, cũng nói rất nhiều, Nhu chỉ còn nhớ mang máng mẹ dặn Nhu về nhà lấy quần áo gửi người đem cho mẹ.
“Bác Chấn cũng ở đấy…”
“Anh về đi nhanh lên… Em đi lâu quá rồi.”
…
“Đâu, anh vừa vào, có tí sái thôi nhạt thếch ấy mà…”
Ngón tay liên tục chọc vào tai cố sức moi móc, Nhu khó chịu quá, làm sao để xóa hết những âm thanh hỗn tạp ong ong trong đầu? Kìm nén bấy lâu chọc thủng vỏ bọc phun ra ngập ngụa, Nhu thả chiếc xe đạp đổ tự do, bước đi như một cái xác không hồn.
Trưa đổ nắng gắt, đàn vịt cỏ rủ nhau nằm dưới bóng râm những cây nhãn rỉa lông rỉa cánh, mặt ao lấp loáng ánh sáng chói lòa. Bỗng đâu Lu, Mích chạy tới sủa váng, đàn vịt kêu ầm ĩ tán loạn đạp cả lên nhau chạy tứ phía.
Trái tim Nguyên bị ai ngắt đứt thịch, hai chiếc dép nhựa trong gắn hoa lập lờ trên mặt ao đục ngầu như hai kẻ cắp linh hồn dẫn người vào nghiệt ngã.
Mỗi lần ngoi lên ngụp xuống là một lần lồng ngực bị đục lỗ sâu hoắm, đau đớn hoảng loạn cắn xé từng tế bào trong cơ thể.
Đời này, Nguyên sẽ không bao giờ có thể quên cảm giác khi tìm được Nhu cả người đầy bùn từ dưới đáy ao lôi lên. Trên mặt không còn phân biệt được đâu là nước ao đâu là nước mắt, Lu và Mích cuống quýt ư ử hai bên, Nguyên vừa khóc vừa cười ôm lấy Nhu đang run bần bật.
“Mặc kệ đời ép em ra sao, em vẫn có thể chọn sống cho mình mà Nhu.”
***
Hết tang vợ, bố Nguyên quyết định chuyển đi nơi khác, lần cuối gặp cậu dắt Mích sang để nó cho Nhu. Cô ngồi trên cành nhãn nhìn xuống cậu trai mười tám tuổi rực rỡ phía dưới, gương mặt hờ hững vô cảm.
“Em không tiễn anh à?”
“Không muốn nói chuyện với anh nữa hả?”
Phớt lờ nụ cười lấy lòng của Nguyên, Nhu quay mặt sang hướng khác, xuyên qua tán lá cũ mốc nhìn về xa xôi.
Trước sự im lặng của Nhu, Nguyên không lấy làm buồn, cậu ngồi dựa lưng vào gốc nhãn, nhìn về cùng hướng với Nhu, đều giọng kể chuyện cũ:
“Hồi anh mười tuổi anh bướng lắm, bố mẹ có mình anh nên càng chiều, anh muốn gì đều được.”
“Lúc ấy, anh cãi mẹ chạy ra đường, xe tải lao đến.”
“Anh tưởng mình bị đâm rồi, nhưng người bị cuốn vào gầm xe lại là mẹ.”
“Cứu được mẹ nhà anh cũng kiệt quệ.”
“Mẹ anh từ một giáo viên giúp nuôi trồng tương lai đất nước trở thành ngây dại, đôi chân từng đạp xe đưa anh đến trường hoá teo tóp vướng víu.”
“Bố anh từ một kiểm lâm yêu rừng như mạng thành kẻ buôn lậu gỗ.”
“Mọi người vẫn thắc mắc sao nhà anh lại từ phố chuyển đến chốn xa xôi hẻo lánh này.”
“Vì bố anh ghét đường, ghét xe cộ đi lại, càng ghét tiếng còi xe inh ỏi nơi phố xá.”
Nguyên đứng dậy phủi đất sau quần, cậu xoa đầu Mích nhắn nhủ: “Mích ở lại nhớ bảo vệ chị Nhu nhé.”
Nhu à! Bố mẹ cũng có cuộc đời của họ, cũng có mong cầu ham muốn cho riêng mình. Có thể họ sai lầm, tội lỗi, nhưng cuộc đời em chỉ do em quyết. Đừng vì cái sai của người khác mà vùi đời mình theo.
Lời Nguyên nói khi vớt Nhu dưới ao lên hôm nào vẳng bên tai. Hạt nước trong suốt từ trên cây giọt xuống mặt đất khô cằn rồi nhanh chóng lặn mất. Nắng gay gắt muốn thiêu đốt da thịt, ấy vậy mà cảnh vật khắp nơi lại trở lên rực rỡ chói sáng dưới nắng.
Đau đớn tổn thương bây giờ là thử thách của đời với em, bước qua rồi em sẽ thấy mình vững vàng hơn bất cứ ai.
***
Thiếu nữ mười bảy tuổi ngồi co cụm dưới chân cầu, vừa nhìn thấy Nhu liền oà khóc: “Cô, em không đến lớp nữa đâu. Các bạn đều xa lánh em, đều chửi em là con của thằng trộm chó, bảo em chết đi.”
Nhu lặng lẽ ngồi xuống cạnh bên, kiên nhẫn chờ đợi học sinh của mình khóc thoả. Đến khi tiếng thút thít dừng hẳn, cô nhẹ giọng an ủi: “Mạnh mẽ lên em, rồi mọi…” thứ sẽ qua.
Không để Nhu nói hết, đứa trẻ gào lên ngắt lời: “Cô thì biết cái gì, chỉ giỏi sáo rỗng. Cô sống hạnh phúc thế, làm sao biết được cuộc sống với em mỗi ngày đau khổ nhục nhã thế nào?”
Nhu không giận thái độ hỗn hào của cô học sinh, ôm lấy cô bé dỗ dành: “Làm sao em biết cô không hiểu?” Đôi mắt nhìn đến cách đấy không xa, một người đang đứng trông về phía hai cô trò. Ánh mắt chạm nhau, lo lắng trên mặt người ấy nhanh chóng tan biến, chỉ có nụ cười ôn hoà cổ vũ khích lệ Nhu không đổi.
Bình luận
Chưa có bình luận