[Giải Ba] Kẻ đầu bạc - Phong Linh Phượng


Cái Hai ra trước hiên đứng. Nó nhìn mưa, sau lưng là tiếng của thằng Tư với ba nó. Cái Hai thương em lắm, nó muốn ủng hộ thằng Tư, nhưng nó cũng thương ba má nữa, nó biết ba nó sợ nhà này tuyệt tôn.

Nó đang suy nghĩ lung tung thì thằng Tư đi ra, ngoái đầu nói:

- Con nói rồi, con sẽ đi, ba má không cản con được đâu.

Rồi nó chạm mắt cái Hai, môi nó mấp máy:

- Hai…

Cái Hai do dự lắm, nó không biết nên làm gì, đành nhỏ giọng:

- Ba má lớn rồi, Tư đừng làm ba má buồn.

Mắt thằng Tư rưng rưng, nó vừa tức vừa buồn, tức vì không ai hiểu lòng nó, và buồn vì người duy nhất hiểu lòng nó thì không dám ủng hộ nó. Thằng Tư nghẹn ngào:

- Hai cũng nghĩ giống em mà phải không?

Cái Hai im lặng không đáp. Nó nhìn chằm chằm bàn chân mình, không nói gì. Chợt nó ngẩng đầu nhìn thằng Tư, nói:

- Chừng nào Tư về thì gọi Hai ra mở cửa.

Rồi nó quay người vào nhà. Thằng Tư tức lắm, nó hậm hực đi về phía đầu ngõ rồi khuất dần trong đêm.

Năm nay cái Hai tròn hai mươi tuổi, còn thằng Tư thì vừa mười tám. Nhà nó có bốn anh chị em, cái Ba mất sớm, còn cái Năm thì mới mười bảy. Nhà nó cũng dạng có của ăn của để, nhưng ba má nó lấy muộn, ông bà già cả mới ráng được thằng cháu đích tôn, nên cả nhà cưng thằng Tư lắm. Tự dưng thằng Tư lại nói với ba má nó muốn nhập ngũ, ba má nó không tức sao được.

Sau, thằng Tư với ba má nó có nói qua nói lại mấy lần, không ai nghe ai, nhưng cuối cùng nó cũng nhập ngũ. Ba nó muốn từ mặt thằng Tư, nhưng ông thương nó lắm, sao ông nỡ nói ra những lời đó, ông chỉ dám thủ thỉ điều đó với má nó và bị cái Hai nghe được thôi. Còn má nó cứ sụt sịt miết, má nó sợ thằng Tư đi luôn không về được. 

Ngày thằng Tư nhập ngũ, ba má nó ngồi trong phòng, ai cũng buồn thiu, không ai dám ra tiễn nó, ba má nó sợ. Chỉ có Hai có mặt. Hai nó nắm lấy tay nó, dặn:

- Ba má nói vậy thôi chứ ba má thương Tư lắm, Tư nhớ ăn uống đầy đủ, Hai để thuốc than trong cặp, Tư nhớ đừng gây lộn với người ta nghen, nếu có xích mích gì cũng ráng nhịn nghen.

Hai nó rưng rưng nước mắt, nó ôm chầm lấy Hai. Nó giận Hai lắm, Hai nói thương nó mà Hai chẳng chịu nói đỡ nó với ba má gì hết, nó tính giận Hai dài dài cho Hai buồn chơi vậy đó, mà giờ nghe Hai dặn dò vậy, sống mũi nó cay cay, nó không muốn giận Hai nữa, nó không muốn mỗi lần nghĩ tới nó là Hai lại buồn, nó sợ lần này lần cuối nó được nhìn thấy Hai. Vì nó thương Hai hơn, như Hai thương nó vậy.

Và rồi thằng Tư nhập ngũ, ba nó cũng ngã bệnh. Tháng tám năm đó, cả nhà nghe tin cách mạng thành công, ai cũng mừng rơn, ba nó đang bệnh cũng đỡ hơn phần nào. Ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập, thằng Tư trở về, nó dẫn theo một người đồng chí, đó là anh Mạnh.

Anh Mạnh là chỉ huy của thằng Tư, anh xin về phép hai tuần để thăm hỏi gia đình thằng em mình quý mến. Trong ấn tượng của anh, thằng Tư là một đứa lì lợm và cố chấp, nhưng nó cũng siêng năng và kiên trì không kém gì những người hơn tuổi, anh chúa ghét cái kiểu nói mãi không nghe của nó, nhưng cũng khâm phục lý tưởng và tình yêu của nó. Anh Mạnh nghe thằng Tư kể về cái Hai dữ lắm, anh tò mò về cô gái đó, một cô gái dịu dàng, đằm thắm mà lại thương cái thằng cứng đầu cứng cổ là thằng Tư vô cùng. Ngày anh gặp cái Hai, anh chỉ yêu quý và ngưỡng mộ cô như một người bạn, nhưng đến khi anh trở lại quân ngũ, anh đã yêu cô từ khi nào.

Và thế là anh Mạnh lại xin nghỉ thêm hai tuần phép nữa. Ngay chiều hôm ấy, anh chạy sang nhà cái Hai. Vừa đến, anh thấy cái Hai đứng quét sân, lòng anh hồi hộp, tim đập thình thịch như trống. Anh tiến gần đến chào hỏi:

- Hai đang quét sân hả?

Cái Hai ngạc nhiên:

- Sao anh Mạnh đã về rồi? Anh kiếm Tư hả? Để Hai gọi Tư cho.

Nó xoay người toan bước vô thì anh Mạnh nắm lấy tay nó. Nó sửng sốt nhìn anh, hai má ửng đỏ:

- Anh Mạnh làm gì vậy? 

Anh Mạnh nhìn vào mắt nó, nói:

- Anh không tìm Tư đâu, anh tìm ba má Hai đó.

Nó chớp mắt nhìn anh, nom ghét vô cùng.

- Anh tìm ba má Hai làm gì vậy?

Đến lúc này thì tới lượt anh Mạnh đỏ mặt, anh né ánh mắt Hai, ngập ngừng:

- Anh định hỏi cưới Hai, nếu Hai chịu thì Hai cho anh vô thưa chuyện với ba má nha.

Hai ngượng chín mặt, nó cúi đầu cười:

- Anh thích vô thì anh vô đi, Hai sao mà dám cho hay không cho.

Rồi nó chạy vụt vô nhà. Nó tới bên giường bệnh nơi má nó đang ngồi lau tay cho ba nó, nó thỏ thẻ:

- Má ơi, có anh Mạnh qua.

Má nó ngẩng lên nhìn nó rồi lại cúi đầu:

- Thì lên lầu gọi thằng Tư cho cậu Mạnh đi.

Cái Hai ngượng ngùng nói:

- Anh Mạnh nói qua hỏi cưới con.

Má nó ngẩng phắt đầu lên, hỏi lại:

- Hỏi cưới mày?

Cái Hai gật đầu. Má nó lại nhìn xuống ba nó:

- Ba nó, ông có nghe rõ không? Cậu Mạnh sang hỏi cưới cái Hai đó.

Ba nó yếu ớt gật đầu, môi mấp máy. Cái Hai đỏ mặt, nó đọc được là:

- Tác thành cho chúng nó đi.

Thế là cái Hai gả đi. Đôi vợ chồng son bên nhau vài ngày thì anh Mạnh phải quay lại quân ngũ sớm vì Pháp quay trở lại miền Nam, lần này anh đi cùng thằng Tư. Còn cái Hai vẫn ở với ba má như thời con gái vì anh Mạnh là trẻ mồ côi, ba má anh tử trận từ khi anh còn nhỏ. Ba má nó biết vậy còn quý anh hơn nữa.

Cuối năm đó, cái Hai phát hiện mình có thai, cái thai đã hơn hai tháng, nhưng tình hình quân sự rất căng thẳng, Hai không định báo cho anh Mạnh. Tháng sáu năm sau, Hai hạ sinh một bé trai, lúc này Hai mới báo cho anh Mạnh. Nơi quân ngũ, anh Mạnh nhận tin, anh muốn chạy ngay về nhà nhưng bị đồng đội cản lại, anh chỉ đành viết thư cho vợ con. Hai vợ chồng gọi con là Hải vì anh Mạnh nói đọc nghe như “Hai” vậy. Lúc nghe tên con, Hai ngượng dữ lắm, bị cái Năm với má trêu hoài.

Hơn một năm sau, một chiều mùa đông năm 1947, cái Hai đứng nấu cơm trong bếp thì nghe giọng thằng Hải bập bẹ:

- Má! Má!

Cái Hai vội chạy ra, tưởng chuyện gì, ra là đưa thư từ chiến trường, nó lườm thằng Hải:

- Con làm má hết hồn hà.

Cái Hai mang thư vô giường bệnh, ba nó ngã ốm mấy năm liền, lúc nào cả nhà cũng lo lắng, may là dạo gần đây ông đỡ hơn rồi, còn đi qua đi lại được nữa. Nó đưa thư cho ba nó, vừa quay người bước ra thì nghe một tiếng “rầm”, nó quay người lại thấy ba nó nằm bất tỉnh trên sàn. Cả nhà nó cuống quít đưa ba nó vô bệnh xá. Lá thư đó không phải là thư từ chiến trường, nó là thư báo tử, không chỉ một mà là hai người.

Chỉ trong một buổi chiều, cả nhà nó đã bị vây hãm trong tiếng nức nở đau thương.

Nó lại ra trước hiên đứng. Nó nhớ lại những ngày chị em nó còn nhỏ, ba má nó thương con trai hơn, thằng Tư biết điều đó, nên mỗi lần được quà vặt, nó lại để dành cho cái Hai và út Năm, nó sẽ nhét mấy cục kẹo hay miếng bánh vô miệng cái Hai, miệng cười thiệt tươi, mắt nó cong cong trông phát ghét. Nó nhớ buổi chiều ngày anh Mạnh sang hỏi cưới nó, mặt anh cứ hí ha hí hửng nhìn gian thấy sợ, mà lúc anh nhìn nó mắt anh vui lắm, nó cũng vui, vì nó thương anh, và nó biết anh cũng thương nó. Nó nhớ buổi tối ngày thằng Tư cãi nhau với ba má nó, mặt thằng Tư buồn xo, đáng ra nó nên ủng hộ em mình khi còn có thể, vì nó chỉ có một đứa em trai, và thằng Tư cũng chỉ có một đứa chị gái. Nó cũng nhớ ngày nó sinh thằng Hải, nó đã nghĩ tới anh Mạnh, nó từng sợ nếu nó sinh con gái anh sẽ không vui, nó sợ anh giống ba nó ngày xưa, nhưng nó biết anh sẽ vui lắm, vì nó tin anh sẽ thương con như anh thương nó vậy, vì nó cũng đã thương con như nó thương anh, vậy mà anh chưa một lần được gặp con mình. Nó nghĩ nghĩ rồi bật cười, xong rồi bật khóc. 

Nó hối hận lắm, vì đã không đối xử với hai người tốt hơn, đó là hai người đàn ông thương nó nhất trên đời, hơn cả ba nó nữa, vậy mà nó không có mặt lúc hai người ra đi, mà ký ức cuối cùng của nó với hai người chỉ toàn là tiếc nuối và hối hận. Nó giận mình lắm, giận hai người vì đã bỏ nó lại, giận cả chiến tranh đã bắt họ đi, rồi nó lại giận mình.

Ba nó nghe tin con tử trận thì lên cơn đau tim đột tử, má nó suy sụp một tháng rồi đi theo. Nhà nó bất ngờ rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”. Nó đành phải đứng ra lo hậu sự cho ba má, em trai và chồng. 

Sau biến cố, hai chị em nó xin vào nhà thuốc trong xã làm, út Năm theo thầy học nghề y còn nó vừa trông con vừa bán thuốc cho thầy. 

Thầy y có một đứa con trai, gọi là cậu Sơn, người yêu của cái út. Cái Hai phát hiện ra điều đó trong một buổi tối thằng Hải lên cơn sốt, nó để con cho cái út trông rồi hớt hải chạy tới nhà thuốc để phát hiện ra cái khăn mùi xoa của cái út vắt trên ba lô cậu Sơn. Năm đó cái út vừa tròn đôi mươi, còn cậu Sơn nhỏ hơn nó tận mấy tuổi. Cậu Sơn khóc lóc xin nó đừng nói với thầy, cậu sợ thầy không cho cậu yêu cái út.

Tháng năm năm 1950, Mĩ tham gia vào tình hình quân sự Việt Nam, cái Năm đứng trước cửa, thập thò nhìn chị nó đang cho thằng Hải ăn. Nó cúi đầu nhìn tờ giấy đăng ký làm quân y.

Đêm hôm đó, nó ngồi trong phòng, nhớ về những gì hồi chiều xảy ra. Nó nhớ vẻ mặt buồn bã của Hai nó, nó nghe tiếng Hai còn vang vẳng đâu đây:

- Hai xin út, út đừng đi mà, Hai chỉ còn có út với thằng Hải thôi, nếu út cũng đi theo anh Mạnh với thằng Tư thì Hai biết sống sao.

Nó nhìn tấm ảnh gia đình đặt trên bàn, thở dài. Nó tự hỏi nếu Tư còn sống thì Tư có ủng hộ nó không. Nó nghĩ thầm, sống mũi cay cay, tầm nhìn nhòe đi, nó nhớ anh nó. Nó nhớ lúc Tư nó còn sống, Tư thương nó lắm, nó mỉm cười, lúc nào Tư cũng bênh nó, cũng cổ vũ nó, hẳn là Tư cũng sẽ đồng tình với nó thôi, vì Tư thương nó mà, nó cười, mặt đầy nước mắt.

“Cốc, cốc”

Nó xoay đầu nhìn, cái Hai bước vô. Cái Hai tiến tới ôm nó, ngón tay lau đi những giọt nước mắt trên mặt nó. Nó thì thầm:

- Hai cho em đi nha, em nghe tin nói thương binh nhiều lắm mà không đủ quân y, em cũng muốn giúp những Tư và anh Mạnh của những gia đình khác nữa.

Cái Hai nhìn em nó, cổ họng nghẹn ứ. Nó nói tiếp:

- Nếu Tư và anh Mạnh còn sống, hẳn là hai anh cũng sẽ ủng hộ em đó. Hai nhớ lúc Tư cãi nhau với ba má để đi nhập ngũ mà phải không?

Cái Hai gật đầu, cười khổ. Nó ôm Hai:

- Em muốn tiếp tục điều còn dang dở của hai anh.

Cái Hai buông nó ra, lấy ngón tay dí vô trán nó, cưng chiều nói:

- Cô muốn đi thì cô đi đi, cô lại dám lấy hai anh của cô ra làm lý do nữa, anh Tư của cô thì hay lắm đấy.

Cái Năm cười khì khì, nó biết nói vậy là Hai nó ủng hộ nó rồi. Nó hôn chụt lên má Hai rồi chạy ra nhà thuốc. Cậu Sơn bước ra, nó ôm lấy cậu, thì thầm:

- Năm sẽ đi bộ đội, Sơn chờ Năm được không?

Cậu Sơn sửng sốt nhìn nó, không nói không rằng, cậu chạy sang nhà nó, để nó đứng bơ vơ như vậy. Trong nhà, thầy y thở dài lắc đầu, thầy nghĩ thằng Sơn sẽ làm khổ cái Năm, mà cái Năm là học trò cưng của thầy, thầy quý nó từ tính cách tới suy nghĩ, thằng Sơn lại là đứa trẻ người non dạ, tính cách bốc đồng, hai đứa nó cứ tưởng mình lén lút không ai biết, chẳng qua là thầy không nói thôi.

Cậu Sơn chạy sang tìm cái Hai đang trông con ngủ, cậu hỏi:

- Chị biết chuyện Năm định đi bộ đội không?

Cái Hai gật đầu. Cậu Sơn ngạc nhiên, cậu hỏi tiếp:

- Chị đồng ý để Năm đi sao?

Cái Hai khẽ cau mày, nó thấy câu hỏi của cậu Sơn sao mà kì quá, nhưng nó vẫn gật đầu. Cậu Sơn lớn tiếng hỏi:

- Chị tính để cho Năm giống em trai và chồng chị hả?

Lúc này cái Hai hết nhịn được rồi, nó nhìn thẳng vào mặt cậu Sơn, gằn giọng:

- Nếu cậu thật sự thương nó, cậu sẽ ủng hộ điều nó mong muốn, chứ không phải đứng đây chất vấn tôi một cách vô lễ và vô giáo dưỡng như vậy, thầy y dạy cậu như thế hả?

Cậu Sơn tái mặt, cậu lững thững đi về, đầu cứ loanh quanh câu nói của cái Hai, mẹ cậu mất đã lâu, bố cậu không hề dạy những chuyện thế này, nhưng cậu chắc một điều, là cậu thương cái Năm, dù cho cậu sợ mất nó, nhưng cậu thương nó thật lòng.

Ngày cái Năm đi, vẫn chỉ có cái Hai ra tiễn. Nó khóc dữ lắm, nó ôm cái Năm thật chặt, và dặn dò thật nhiều thứ. Vì nó nhớ tới ngày nó tiễn thằng Tư, nó đã kiềm nước mắt và cảm xúc lại, nhưng nó không muốn nếu đây là lần cuối gặp cái Năm, nó sẽ hối hận, nên nó xả hết những gì nó muốn, và nó thể hiện tình yêu của nó hết sức có thể. Thằng Hải đứng bên cạnh nhìn mẹ và dì khóc bù lu bù loa một hồi, nó cũng khóc theo. Thế là hai người phụ nữ lại quay sang dỗ nó. Từ phía xa, cậu Sơn đi tới, hai mẹ con cái Hai biết ý vô nhà trước. Cậu Sơn ôm cái Năm, thủ thỉ:

- Năm đi sớm về sớm nghe, Sơn đợi đó.

Cái Năm vui mừng gật đầu, nó nói:

- Sơn ở nhà thay Năm để ý mẹ con Hai với thầy nha.

Cậu gật đầu, rồi cậu hôn lên môi nó, nước mắt thì rơi và lòng ai cũng nặng nề.

Những ngày sau đó, cậu Sơn như biến thành một người khác, cậu trở nên siêng năng hơn, cậu theo bố học nghề, không than vãn một câu, thầy y mừng lắm, thầy biết cậu cố gắng là vì ai, thầy cũng đau lòng nữa, thầy ủng hộ cái Năm đi lính nhưng thầy cũng lo nó đi luôn, vậy thì con thầy phải làm sao?

Có nhiều hôm, cái Hai lại ra hiên đứng sau khi thằng Hải đã ngủ, nó trầm ngâm nhớ người nhà, lòng buồn da diết, nó cô đơn lắm, lo lắng nữa, rồi nó lại buồn. Tâm trạng nó quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một chữ “buồn”.

Mùa xuân năm 1954, cái Hai lần nữa nhìn thấy tờ giấy đó, tờ giấy báo tử. Nó lặng người đọc từng dòng chữ. Hóa ra cái Năm đã tử trận từ lâu nhưng không tìm thấy xác, đến tận bây giờ người ta mới dám báo tử. Cả căn nhà lại lần nữa chìm trong tiếng than khóc, cái chết của cái Năm đã đánh quật cái Hai, nó ngã bệnh. 

Năm đó thằng Hải mới có tám tuổi, nó hỏi cậu Sơn:

- Dì Năm đi mãi sao chưa về vậy cậu?

Cậu Sơn ngẩng đầu, đôi mắt đỏ hoe, ôm nó vào lòng, cậu nghẹn ngào nói:

- Dì Năm không về được nữa con à.

Rồi cậu lại khóc, nước mắt cậu ướt cả vai áo nó. Nó muốn giãy ra nhưng nó nghĩ lại thôi, vì nhìn cậu buồn lắm, giống hệt má nó vậy. Thằng Hải cứ đứng như trời trồng như vậy cho tới khi thầy y kéo nó ra. Nó ngước mặt nhìn thầy, đôi mắt trong veo:

- Dì Năm đi đâu mà không về vậy ông?

Thầy y xót xa nhìn nó, lệ nóng quanh tròng:

- Dì Năm đi xa lắm con à.

Nó xụ mặt, hỏi:

- Sao dì lại đi một mình vậy ông? Sao dì không rủ con đi, đi một mình buồn lắm.

Thầy y trả lời, lòng đau nhói:

- Dì không đi một mình đâu con, dì tới chỗ của cậu Tư và ba con đó, có ông bà ngoại con nữa.

Thằng Hải nghe. Tối hôm đó nó tới bên giường má nó. Cái Hai nằm vật vờ, hai mắt nhắm nghiền nhưng nước mắt thấm ướt gối. Cái Hai đã nghĩ tới cái chết. Nó cảm thấy sự mất mát xâm chiếm lấy nó, và nỗi cô đơn gặm nhấm nó. Trái tim nó nhói lên từng hồi, mũi nó nghẹn ứ và mắt thì như khô cạn vì khóc. Nó cứ nằm như vậy, cho tới khi nó cảm thấy một bàn tay khẽ vuốt má nó. Nó mở đôi mắt sưng vù, nó nghe con nó nói:

- Má ơi, con nghe ông nói rồi, dì Năm xấu lắm, dì đi mà không rủ má con mình, mốt con mà đi đâu con cũng dẫn má theo, chứ không má lại khóc như vậy nữa.

Cái Hai vỡ òa, nó ôm thằng Hải, khóc tu tu như con nít. Thằng Hải thấy má khóc cũng muốn khóc theo, nhưng nó nhịn lại. Năm đó, lần đầu tiên thằng Hải nhận thức được việc dì Năm đi xa to tát tới cỡ nào. Cả má nó và cậu Sơn đều khóc, đôi khi nó cũng nhìn thấy thầy y khóc nữa. Nó không biết dì Năm đi đâu, nhưng nó tự hứa với lòng mình sẽ luôn ở bên má nó, nó không muốn má nó phải khóc thảm thiết như vậy lần nữa.

Hơn mười năm sau, đầu năm 1965, Mĩ mạnh mẽ tấn công vào hai miền Nam Bắc Việt Nam. Lúc này, thằng Hải ngày nào đã trở thành chàng thanh niên trẻ tuổi với nhiệt huyết thanh xuân đang sục sôi. Thằng Hải mê văn chương lắm, mà văn học những năm 60 mang đậm nỗi niềm xót xa của người lính, vì vậy nó là một trong những người hiểu rõ nhất sự ảnh hưởng của chiến tranh đối với quê hương nó. Tụi bạn thằng Hải ai cũng muốn đi lính, và ai cũng đi, chỉ có nó trơ mắt nhìn từng người bạn mình chia tay nơi bến xe, và cũng chỉ có nó tiếp tục trơ mắt nhìn gia đình bạn mình nhận thư báo tử của con. Vậy nên, nó càng muốn ra trận, nó càng phải ở lại.

Từ lúc vào trung cấp, thầy y và cậu Sơn đã kể chuyện nhà nó cho nó nghe, hơn ai hết, nó hiểu rõ má nó đã đau khổ thế nào sau năm lần tang sự. Đã mấy lần nó cầm giấy đăng ký đi lính trên tay, lòng tự nhủ sẽ nói với má, nhưng nó lại thấy má nó ngồi bần thần nhìn bức tường treo ảnh gia đình. Nó biết má nó đang nhớ, má nó nhớ ba má của mình, má nó nhớ đứa em trai bướng bỉnh mà hiểu chuyện, nhớ hai đứa em gái ngoan ngoãn lương thiện, và nhớ người mà má nó thương thiệt nhiều, người mà dù nó chưa gặp một lần, nó vẫn cảm nhận rằng người đó rất thương nó, và thương má nó nữa, chỉ thông qua việc đặt tên nó là Hải thôi. Vì lẽ đó, nó nuốt sự khao khát cống hiến vào trong bụng.

Đầu năm 1974, thằng Hải nghe tin Trường Sa trở thành chiến trường. Ngọn lửa nó chôn giấu suốt bấy lâu lại lần nữa bùng cháy. Lần này nó không thể dập tắt sự khao khát ấy nữa. Thằng Hải gần ba mươi tuổi quỳ trước bức tường treo ảnh gia đình, trên bàn là tờ giấy đăng ký ra trận. Lòng nó vừa xót xa vừa hy vọng, nó thầm mong dì, cậu và ba nó sẽ giúp nó thuyết phục má.

Cái Hai bước vô nhà, nó thấy cảnh đó, nó thở dài. Bản thân nó cũng căm hận giặc ngoại xâm và muốn bảo vệ đất nước, bản thân nó cũng đau khổ và bức bối khi từng người thân của nó ngã mũ hy sinh. Nhưng trước khi là một người dân Việt Nam, nó muốn làm một người mẹ. Nó cứ ngỡ thời gian sẽ nguôi ngoai, hóa ra suốt ba mươi năm nay, tinh thần chiến đấu của nó cũng chưa bao giờ biến mất, và nó cũng vui sướng đến lạ khi thằng Hải cũng như vậy. Hóa ra dòng máu cộng sản chưa bao giờ phai mờ trong gia đình này.

Nó đỡ thằng Hải dậy, nói:

- Đi đi con, thay má chiến đấu luôn nghen con.

Rồi má con nó ôm nhau, ai cũng khóc, vì ai cũng biết chắc chuyến này đi lành ít dữ nhiều.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh kết thúc. Ba mươi năm trôi qua thật nhanh, căn nhà đông con nay chỉ còn một người. Cái Hai lại đứng trước hiên nhà, nó ngước mặt nhìn lên bầu trời trong xanh, nó mỉm cười, lòng xót xa, nước mắt lăn dài, nó tự nói:

- Chiến tranh kết thúc rồi đó.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}