“Sột soạt”, “sột soạt”

Từ dưới bàn trang điểm, một bàn tay thò lên quờ quạng…

“Xoảng”

Tiếng rơi vỡ khá to, từ phòng ngủ bay thẳng ra ngoài sân. Chị Sứ vừa nghe, hộc tốc chạy vào, bỏ quên cái thau quần áo mới giặt chỏng chơ ngoài sân. Vào đến phòng ngủ, đôi mắt chị Sứ như phản xạ tự nhiên dán chặt vào một thân hình nhỏ bé đang cúi đầu nhận lỗi - nguồn cơn của trận đổ vỡ. Bị mẹ nhìn khá lâu cô bé con tám tuổi cũng chột dạ, cứ vậy mà nước mắt giàn giụa. Thiệt tình. Đúng là trẻ con. Cứ như cái máy cài sẵn chế độ, bấm nút là khóc. Chị Sứ thấy con gái như vậy cũng không nỡ rầy, cứ “chậc” một tiếng rồi lại cúi xuống dọn dẹp mấy mảnh vỡ.

Một chiếc hộp gỗ mài kiểu dáng xưa màu đen tuyền, bên trên mặt hộp khảm trai cánh bướm, bên trong hộp lót một miếng vải nhung đỏ nhìn vừa cổ kính vừa sang trọng - kiểu hộp trang điểm của phụ nữ xưa - bị bật tung, văng trên sàn đất. Chị nhìn nó hồi lâu rồi lại cẩn thận nhặt lọn tóc đen đang nằm bên cạnh hộp, bỏ vào trong, đóng lại.

****

“Ọe… ọe… ọe” tiếng con Sứ nôn mửa từ nhà vệ sinh bay thẳng vào lỗ tai người đàn ông đang nằm trên chiếc giường tre trong phòng ngủ làm ông cũng bị giật mình, chua xót. Hai cái tay cứ nắm dí cái mền bông ngả màu đến bạc phếch, căng cứng. Mùi khai của nước tiểu, mùi thối của phân, mùi tanh ngấy của các loại thuốc đã tan từ trong ruột bị xử lý thải vào phân tạo thành cái mùi hăng hắc xộc lên mũi xông thẳng lên đỉnh đầu. Tanh ói. Con Sứ ngày nào cũng tiếp xúc cứ tưởng quen mùi nên nghĩ cũng dễ chịu đựng hơn tí. Ai ngờ hôm nay lại nôn thốc nôn tháo. Cái con bé mười hai tuổi đầu khệ nệ duỗi thẳng tay, đưa cái bô vào bồn cầu, nhanh tay đổ xuống, xả nước; vừa làm vừa nghiêng nghiêng né né, mặt mũi nhăn hết lại như thể gặp đại hạn. Thao tác nhanh vậy mà vẫn không lấp nổi cái mùi nồng nặc. Cố nhịn lắm mà cuối cùng vẫn mửa lấy mửa để. Ói xanh ruột gan hết gạo thóc rồi thì nó nhanh chân đạp cái bô sang một góc, đứng trước cửa nhà vệ sinh thở hổn hển. Nước mắt nước mũi túa hết ra mặt mà nó có dám lau đâu; sợ tay bẩn dơ cả mặt cứ dúi dụi mặt vào vai áo…

Trời trưa nắng gắt, giờ Ngọ đứng bóng mà phải lang thang ngoài nắng buôn gánh bán bưng thì đúng là hành xác. Má con Sứ thì phải thế đấy. Bà Sáu – má nó vai gánh cái gánh tàu hủ nước đường vừa đi vừa rao inh ỏi “aiii… tàu hủ nước đường hôn”. Cái giọng má con Sứ đã cao rồi còn văng vẳng. Làm như bán tàu hủ nước đường riết cái giọng cũng trơn như tàu hủ ngọt như nước đường. Đó, cả xóm làng ai cũng đùa thế riết thành quen. Má con Sứ tự nhiên có cái tên Sáu Ngọt. Mà ngọt thiệt. Ngọt lắm luôn. Cái nết thiếu phụ miền quê ít ăn học chứ nói chuyện dễ chịu lắm.

- Sáu Ngọt bán về rồi đó hả bay?

Cứ hễ má con Sứ gánh cái gánh tàu hủ nước đường trứ danh Sáu Ngọt đi ngang nhà ai là đều được hỏi cái câu đấy, mười người hỏi hết mười. Mà Sáu Ngọt duyên lắm, ai hỏi cũng “dạ, con mới về” kèm cái giọng cao thanh, văng vẳng trên mây nữa thì nghe sướng cả tai. Hôm nào đắt cũng nói thế, ế cũng nói thế nên Sáu Ngọt có tên Sáu Ngọt có sai miếng nào đâu. Hàng xóm bảo thế nên má con Sứ cũng nhận luôn cái tên cho vui xóm vui làng.

Con Sứ sau một hồi hì hục rửa cái bô tanh ói mà nó đã đạp sang một góc trong nhà vệ sinh thì cũng như trút được gánh nặng. Nó chạy vội ra sau hè, chỗ cái khạp nước mưa to ụ, rửa sạch mặt mũi chân tay rồi lấy từ trong túi áo ra một cái lược bí vừa tự chải tóc vừa tự soi mình trong khạp nước, mỉm cười. Mái tóc con Sứ dài đến thắt lưng, đen nhánh. Đẹp lắm. Tóc nó nuôi từ nhỏ chưa từng đụng qua hơi kéo nên óng ánh lạ thường. Cả làng nó đám con gái mới lớn ai cũng thích cắt tóc kiểu này kiểu nọ mỗi mình nó được má “đặc cách” cho nuôi tóc dài còn tặng nó cái lược bí để dành chải đầu. Í, đừng có ai nói đầu nó có chấy mới kè kè cái lược bí nhe. Nó giận đó. Lược bí của má nó tặng là “của gia truyền”. Bà ngoại nó tặng má nó, má nó tặng lại nó. Bà ngoại nó nói tóc con gái dài mượt như suối phải chải lược bí cho lược chạy hết da đầu, trượt dài hết mái tóc đen thì tóc mới lên màu óng ánh. Gia đình con Sứ có cái nết truyền thống chỉ gội đầu bằng bồ kết hay lá bưởi cho đẹp tóc thôi. Bởi vậy tóc ngoại dài, tóc má dài rồi đến tóc con Sứ cũng dài nốt. Con Sứ tự hào nhất là cái nết “nuôi tóc dài ba đời” nhà nó.

Chiều làng quê trong ngần như ánh mắt. Nàng gió đỏng đảnh lướt đôi tay ve vuốt những rặng tre tạo thành những tiếng âm thanh gần gũi, đậm vị quê. Con Sứ kê đôi dép lưới làm ghế ngồi rồi phịch mông xuống, xõa mái tóc đen nhánh ra sau gáy cho gió vần vũ, mát rười rượi. Má nó “bắc” cái ghế đôn tre ngồi sau lưng nó, chải một đường dài từ chân tóc đến hết đuôi tóc. Chải đến đâu bà nâng suối tóc nó trong tay đến đấy. Cảm giác mềm mượt, mát lạnh hòa cùng mùi bồ kết thơm thơm ngọt ngọt cứ chạy trong lòng bàn tay rất “thỏa”. Con Sứ như bị trúng thuốc mê mắt cứ lim dim, tai cứ bùi bùi cái tiếng nàng gió; gặp thêm má chải tóc êm quá nên nó cứ gật gù đổ người về trước. Làn tóc đen trong tay má cũng bị giật lên giật xuống cứ như mấy tấm lụa mỏng người ta phơi trên sào bay phần phật rồi bị mấy cái chốt dây chì ghì lại, nằm im. Không phải chỉ mỗi tóc con Sứ đẹp. Tóc má nó cũng đẹp. Má con nó thích nhất là ngồi sau nhà để mặc tóc vần vũ với nàng gió tinh nghịch. Mỗi lần má chải tóc cho nó, nó lim dim vừa kể chuyện trường lớp cho má nghe. Má nghe, cứ cười hiền, đôi khi trêu nó mấy câu rồi thôi. Nó mà bị má trêu thể nào cũng giãy nảy lên đòi chải tóc cho má. Đòi chi hả? Đòi để vừa chải tóc vừa nhổ tóc bạc rồi giả bộ nhìn nhầm nhổ luôn cọng tóc đen để trêu má nó chứ chi nữa. Cái con bé! Nhỏ mà tinh tướng gớm. Má hay mắng nó vậy mà nó “khoái”.

Con Sứ ngưng lại động tác chải tóc hạ cái lược bí trên tay xuống, nhìn ra ngoài khoảng không dịu vợi, mắt đăm đăm. Bây giờ má con nó không chải tóc cho nhau nữa. Con Sứ hay cả nghĩ, mà nghĩ xong hay buồn. Nhưng buồn một tẹo thôi. Trời trưa rồi, khéo má bán về tới rồi, nó phải nhanh đi nấu cơm. Đấy! Nói có sai đâu. Má về kìa. Chưa vô nhà mà tiếng rao tàu hủ nước đường đã lanh lảnh từ tận đầu làng cách nhà nó chừng mười cái nhà. Giọng thanh thanh ngọt ngọt của má là êm nhất làng, hiếm nhất làng. Nó nghe, cười hì hì.

- Ợ… hức… ợ… thím Sáu, về sớm vậy thím? Còn hôn? Cho tôi chén chè mè đen coi. À à… một chén chí mè ph… ủ - Thằng Thìn, con ông Đa nát rượu nhất làng cứ chỏ cặp mắt ma men vô gánh tàu hủ nước đường của má con Sứ người liêu xa liêu xiêu hỏi mua. Mà đời nào nó mua. Nhưng được cái thích hỏi. Rượu hỏi chứ nó có ăn đâu mà hỏi.

- Cái thằng say xỉn chi mà quá trời mậy. Mày có ăn đâu mà hỏi. Sáu Ngọt bán tàu hủ nước đường. Thôi thôi, mày đi đi! Trưa trời trưa trật để con Sáu về lo cơm nước chồng con nó – bà Hoa hàng xóm cạnh nhà con Sứ thấy thằng Thìn nát rượu lại nói linh tinh nên ra mặt vừa mắng vừa đẩy thằng Thìn đi.

Thằng Thìn bị bà Hoa đẩy đi, vừa xiêu vẹo lướt qua má con Sứ vừa rảo rảo trong miệng “chí mè phủ, chí mè phủ… hức… cho tôi… ợ... một chén chí mè phủ”. Cái thằng xỉn rượu, giọng bét nhè cứ “nhờn” lên trong không khí nghe chối tai làm sao. Bà Hoa đi sau lưng cứ mỗi tiếng “chí mè phủ” của nó đe lên thì đập một phát lên lưng cho nó im, mà nó đời nào chịu im. Còn hứng chí nói thêm. Mấy thằng say rượu cứ hợm hĩnh thế đó. Má con Sứ bán tàu hủ nước đường, mới đây thôi. Trước kia bà bán chè mè đen. Chắc thằng Thìn nhớ chuyện cũ nên hỏi mua. Chuyện cũ ai cũng hay nhớ, má con Sứ cũng có chuyện cũ để nhớ. Mà cứ hễ nhớ thì đau lòng. Gánh tàu hủ nước đường hôm nay hết sớm nên gánh cũng nhẹ nhưng sao trong lòng thấy nặng nặng. Má con Sứ nhìn theo thằng Thìn, bà Hoa cho tới khi mấy chữ “chí mè phủ” tan hết trong không khí thì mới thở hắt một hơi cho nhẹ bớt tâm tình rồi rảo từng bước về nhà.

Con Sứ đón má bằng gương mặt hớn hở. Hôm nay má về sớm hơn mọi ngày nửa tiếng nên nó vui. Nó vui vì má bán đắt. Má xếp cái đòn tay vào sau cánh cửa cái để hai quang gánh vào dưới gầm bàn cho gọn rồi ngồi xuống ghế đấm đấm xoa xoa hai vai cho đỡ mỏi, thở hổn hển. Con Sứ biết má mệt đon đả rót ly trà đá mang ra mời má rồi đứng lặng đó nhìn má cho tới khi má gỡ cái nón lá xuống để lộ cái khăn rằn quấn ngang đầu thì nó mới cúi mặt đi vào trong. Con Sứ sợ nhất chính là nhìn má cởi cái khăn rằn trên đầu xuống. Đầu má trọc lóc. Nó xót. Nó lại lặng lẽ sờ vô túi áo chỗ cái lược bí đang nằm - buồn thiu.

Gia đình con Sứ có bốn thành viên: ba, má, nó với em trai. Em trai nhỏ hơn nó bốn tuổi nhưng mất rồi. Ba là thợ hồ, má lúc trước bán chè mè đen. Ai cũng nói chè mè đen bà Sáu là ngon nhất làng. Chè ngon nhưng nóng, ăn không cẩn thận bỏng lưỡi như chơi. Bên hông nhà con Sứ có dựng một cái “trái” má để một lò củi trong đó dùng để nấu chè. Hôm đó, má nấu xong nồi chè còn để nguyên trên bếp. Bếp không có lửa nhưng nồi chè còn nóng nguyên. Em trai nghịch dại mở nồi chè ra nhìn, ngắm nghía hồi không biết sao lại té vô nồi chè, lật úp. Chè nóng phủ lên thân hình đứa bé. Bỏng rát. Vào đến bệnh viện bỏng nặng quá không cứu được. Vậy rồi em đi. Nồi chè mè đen của má cũng theo em mãi mãi dừng lại. Má chuyển sang bán chè trôi nước. Ai cũng nói má khéo tay chè trôi nước viên nào viên nấy tròn vo. Chất nước đường hòa trong mỗi viên chè tròn mịn, cắn vào có lớp đậu xanh tứa ra, ướt đẫm nước đường làm cái ngọt thêm thanh thanh, mát dịu. Chè nhà nó ngọt, dân làng càng thêm yêu cái viên chè tròn tròn má nặn. Mỗi lần ai khen má khéo tay má cười cho người ta vui chứ trong bụng héo hết ruột gan. Tại em mất vì nồi chè má lại phải gánh nồi chè mà nuôi tiếp mấy miệng ăn. Vậy mà chè nắn ra sao không méo như cái lòng héo hon của má lại cứ tròn vo. Đời này mấy ai được tròn mà chè cứ tròn. Tròn như đoàn viên.

Người đàn ông sáng nay nằm trên giường là ba con Sứ. Em trai mất hơn một năm thì ba bị giàn giáo công trình sập đè bị thương, liệt toàn thân. Nhà đã nghèo bây giờ thêm ba bệnh, nó lại phải đi học nên má lại thêm mấy phần gánh gồng. Đôi quang gánh của má cũng vì vậy mà nặng thêm ra, có lúc nhấn chìm luôn đôi vai gầy của bà. Người ta nói người nghèo hay bươn chải, lây lất cho qua phận người chứ nhà con Sứ thì không như vậy. Nhà nó muốn qua phận người thì phải sống quắt queo luôn. Bởi vậy, nó tự nhiên giận chính mình. Giận vì phải đi học cho má thêm phần lo. Bữa đó giận quá nó nghỉ học luôn, lên chợ bán cá. Mới đầu không quen nghe mùi cá tanh khắp mình, nó cừ nhờn nhợn. Nhưng quen rồi thì khác. Mùi cá tanh nhưng tiền thơm. Nó thích. Má thì vì chuyện này mà rượt nó chạy có cờ mấy lần nhưng ép mấy nó cũng không chịu về trường học. Má biết nó thương má nên không biết từ bao giờ cây roi mây của má cũng mất tiêu.

Má con Sứ cởi chiếc khăn rằn xuống để lộ cái đầu trọc lóc, nhem nhuốc mồ hôi. Cái khăn rằn trong tay cũng bị loang mồ hôi, ướt nhèm. Vắt khăn lên vai, bà đi một mạch vào nhà tắm sợ con Sứ thấy cái đầu không có tóc của bà – nó buồn. Lúc bà còn trẻ, má bà vẫn hay nói “cái răng cái tóc là gốc con người”, con gái đẹp nhất là mái tóc dài. Mỗi lần má con Sứ đòi cắt bà ngoại nó cứ rầy “ai nói tóc kiểu Tây kiểu Ta này nọ mới đẹp. Tóc con gái hé, xõa tự nhiên đi, dài tới thắt lưng rồi bay đứng trên ghe nhỏ chèo hai mái coi, tóc thả theo gió… đám trai làng này không mê đứ đừ tao thua bay một nồi mắm kho”. Ngoại nói má nghe rồi xui khiến ba vì mê mái tóc dài mà lấy má, ngoại tự nhiên thành nhà tiên tri. Má con Sứ cũng nuôi tóc theo ngoại, giờ đến con Sứ cũng “một tuồng” y vậy. Con Sứ thích nhất là cái cảnh ngồi sau nhà chải tóc cùng má. Bây giờ cảnh đó không còn con Sứ bầm hết ruột gan. May là ngoại mất rồi chứ ngoại còn chắc ruột gan bầm hơn con Sứ.

Em trai mất, ba bệnh. Má vừa đau vừa buồn. Rồi không biết có phải buồn quá không mà má quay ra tự trách. Má trách số, má trách trời, cái buồn cũng không vơi. Vậy là má quay sang trách chính mình… của kiếp trước. Tại má kiếp trước ở ác, kiếp này phải trả. Tại má ở ác, kiếp này con trai và chồng gánh thay nghiệp cho má. Vậy rồi má cạo đầu. Cạo đầu xin ông Trời thương giùm cho má bớt hành xác ba cho ba đỡ đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Đêm nào ba đau, quằn quại một mình trên giường bệnh rên tới gần sáng; tiếng rên bay sang phòng hai má con, má nằm ngủ bên con Sứ mắt nhắm chứ tai nghe rõ lồng lộng. Con Sứ nằm xoay lưng về má không dám trở mình. Giường tre trở mình phát ra tiếng động. Má nghe, lòng má thêm hiu hắt, ích gì.

Má cạo đầu gánh chè trôi nước cũng trôi theo mái tóc dài của má. Má cứ hay nói viên chè tròn như đoàn viên nhưng lòng má héo hết rồi nên chè cũng không đoàn viên. Chè ngọt, lòng má đắng nên nấu không ra. Nhưng má vẫn phải gánh đôi quang gánh rong ruổi những nẻo đường mưu sinh. Vậy là má bán tàu hủ nước đường. Tàu hủ trơn mịn, vị lạt; có thêm nước đường đủ ngọt, nước dừa đủ béo lại thêm một lát gừng cay đắng nồng vị. Cay đắng trong ngọt ngào. Vậy là ra cái lòng của má. Thời đầu má bán tàu hủ nước đường, nồi nước đường đầy gừng, làng xóm ăn cứ nhăn mặt sao má bỏ gừng nhiều. Nhưng trời mưa lạnh có bát tàu hủ nước đường của má tự nhiên thấy mưa ấm đến dịu dàng. Vậy là người ta cứ khen cái gánh tàu hủ nước đường của má “đủ mùi”. Con Sứ nghe khen, cứ tặc cái lưỡi “ừ đủ mùi đời”.

Thời mới cạo đầu, má đội độc cái nón lá, vai gánh đôi quang gánh rong ruổi mọi nẻo đường. Hễ ai mua tàu hủ nước đường nhìn xuyên dưới cái nón lá là trơ một cái đầu nhẵn bóng, lòng người ta ái ngại có mà thương cũng có. Má bán tàu hủ nước đường, người ta nhìn má tự nhiên bớt đi chút ngọt. Có hôm mưa to má trú mình dưới hiên nhà người ta, lạnh quá má tháo nón lá úp lên đôi đầu gối cho nước mưa đỡ tạt lạnh đầu gối. Con nhà người ta còn nhỏ bị cái đầu nhẵn bóng của má làm cho thót mình, má cũng ngại, gấp gấp vội vội đội nón đi về. Má gánh tàu hủ, mưa gánh mái tóc dài má đã đánh rơi. Con Sứ nhìn cái đầu của m, lòng nó cũng khó chịu lắm. Nó không ghét cái đầu của má nó chỉ xót cái gánh gồng chạy mưa của má. Nó đi bán cá có tiền mà. Dành dụm lắm mua tặng má hai cái khăn rằn một xanh một đỏ. Lúc tặng má, nó sợ má buồn nên bày ra cái trò “ban phong” như trong mấy tuồng cải lương phong công hầu khanh tướng. Nó nhỏ xíu con mà ưỡn ngực thẳng vai đứng lên trên cái ghế đôn tre rồi kêu má ngồi bên thành giường nghe “chỉ”. Nó phán như vua: “phụ nữ Việt Nam kiên cường bất khuất nên phải quấn khăn rằn. Má kiên cường bất khuất con trao tặng khăn” rồi trịnh trọng cầm đôi khăn rằn đặt ngang đôi tay đang duỗi thẳng của má y như “trao ấn soái” bắt má nhận. Cái con Sứ này nó mà theo đoàn văn nghệ tỉnh không khéo thành đào cải lương. Má vừa cười vừa mắng yêu cũng tiện tay nhận đôi khăn, quấn lên đầu. Chiều nghiêng nắng nhà nó ấm vầng dương.

******

Chị Sứ cầm cái hộp gỗ mài đã được đóng gọn đặt lên bàn trang điểm. Bé Linh – con gái chị mới tám tuổi thôi nhưng thích nhất là bắt chước người lớn tô tô trét trét. Vậy là cứ thỉnh thoảng vào phòng ngủ lục lọi mấy hộp phấn, cây son của chị để trét. Có hôm nó trét đến nhem nhuốc mặt mũi chị rầy hoài mà vẫn lì đòn. Hôm nay không biết sao quậy đến đổ hết đồ đạc. Con bé chắc cũng bị mấy mảnh sành sứ vỡ làm cho sợ. Nhưng sợ nhất chắc là cái lọn tóc chị giấu trong hộp sơn mài. Tóc má nuôi từ thời con gái lại nuôi bằng cái vị bồ kết, lá bưởi của miền quê nên vẫn đẹp sau bao năm tháng. Chị Sứ nhớ hoài cái lúc má mới cạo đầu về, hôm đó bước vô cửa… trời ơi! Cái đầu má… trọc lóc hà. Chị thấy, khóc nấc lên. Cái đầu má “dọa” lên tim chị những vết đau kỳ lạ. Má sợ chị khóc làm ba thức giấc nên bất lực: “muốn khóc ra sau vườn khóc. Khóc ở đây, ba bay mất ngủ”. Giọng má ngọt quá lòng chị cũng mềm oặt, chạy tót ra sau vườn, ngồi khóc với cây chuối. Vừa khóc vừa bụm miệng sợ khóc to ba nghe. Rồi tự nhiên cũng nín ngang. Chị tưởng hết nước mắt, ai ngờ tại khóc tới đau lồng ngực nên nín cho đỡ đau chứ nước mắt chị như mưa.

Trí nhớ chị Sứ xuyên thủng qua cái nồi chè mè đen, cái viên chè trôi nước đoàn viên, cái nồi tàu hủ nước đường nồng vị rồi ngừng trên chiếc khăn rằn năm nào má quấn. Từ hôm chị tặng khăn cho má, má xem nó như bảo bối. Mấy hôm đi mưa má không sợ ướt người mà sợ ướt khăn cứ hay trách “ông Trời ổng kỳ còn chút xíu nữa về nhà mà cũng mưa cho ướt cái khăn” rồi má cắt cái mền “rồng đỏ” cũ may thành cái nón vải đội lên đầu dùng để đi mưa chứ không dám quấn khăn rằn sợ mưa ướt thì tiêu hết. Má xem cái khăn của chị như báu vật trong nhà. Chắc do chị hay khen má quấn khăn đẹp nên má quý chứ lòng chị thỉnh thoảng vẫn thèm cái cảm giác chải tóc sau nhà lắm.

Chị cũng có báu vật. Hồi má mới cạo đầu chị xót quá nên ra tiệm xin lại người ta lọn tóc dài của má (chị vốn biết tóc má đẹp thể nào người ta cũng giữ lại bán) rồi chị lén chôn nó ở gốc cây chuối – cái nơi chứa mưa nước mắt của chị. Mấy hôm ba trở cơn đau nhức nằm trên giường rên rỉ thì hôm sau chị lại lén ra sau vườn, đào tóc lên, ngắm cho đỡ xót dạ. Cái bí mật này chị giấu mãi, giấu mãi cho đến ngày ba mất, chị lập gia đình, sinh con và cả khi má mất. Thời đó có lần sau khi ba mất, chị hỏi vụng má “sao má không nuôi tóc lại?” má cứ cười cười giải thích với chị ba mất rồi thì còn chị. Nhà bốn thành viên đời nó quật quá còn có hai, “thằng đời” nó hỗn má đánh không lại nên cạo đầu, nhịn nó cho nó bớt quậy để chị còn bình an sống hết đời. Má có niềm tin riêng của má, chị xót muốn khuyên má nhưng biết má không nghe nên chị chỉ biết cắn răng mắng “thằng đời” nó ác làm má cạo đầu.

Từ ngày má mất chị cũng không còn nuôi tóc dài nữa. Bời vì mãi sau này chị mới hiểu má bận đánh thằng đời, nuôi bình an cho chị trưởng thành thì tóc bận nuôi… những hy sinh. Cái truyền thống “nuôi tóc dài ba đời” nhà chị cũng theo má đi đánh nhau với “thằng đời”…




Bình luận

  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Lãnh Vân (24/08/2022): Tuy là còn 1 số lỗi typo nho nhỏ nhưng mà huhu truyện hay quá trời ơi. Từng con chữ nó đẹp nao lòng, cái thằng đời hành má chị Sứ mà người đọc tới đâu là như cứa vào tim. Sao không dự thi tác giả ơi tiếc quá…
  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn N2 (24/08/2022): Khá ấn tượng với tên truyện đến khi đọc truyện bị cuốn hút bởi giọng văn. Nhờ những câu văn dài ngắn đan xen và phong cách viết khiến cho không khí làng quê trong bài được thể hiện rõ. Nhan đề cũng như một lần khẳng định lại “tóc bận nuôi” đời nên không còn giữ lại được. Câu văn cuối cùng càng trở nên đắt giá. Cảm ơn và chúc mừng tác giả ạ. P/s: Tính chúc đạt giải cao mà TP lại không dự thi. Tiếc ạ.
  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Andrea Ngo (26/08/2022): Cô Sứ thương con như má Sáu của cô thương cô, chẳng nỡ mắng, chẳng nỡ trách. Bà Sáu cả cuộc đời dường như gắn với vị ngọt, từ bát chè chí mà phù cho tới chè trôi nước, rồi tới bát tào phớ gừng ngọt mát, chỉ là dường như vị ngọt cứ qua mỗi đận long đong lại bớt đi một chút, rồi dần dần có thêm chút gừng cay. Thế nhưng dù đời có cay đắng với bà đến đâu thì bát chè mà bà mang cho đời trước tiên vẫn phải ngọt, ngọt như giọng nói của bà vậy, bao năm vẫn vậy. Chẳng thế mà sau bao biến cố, làng xóm vẫn yêu quý gia đình bà, một tay bà vẫn trang trải được gia đình để cô Sứ trưởng thành bình an. Truyện đẹp, đọc cứ như có ngón tay cứ ấn nhẹ, rồi thêm một tí, thêm một tí nữa, vào chỗ nào trong tim rất mềm, lòng dạ cứ nhũn ra. Bảo là thương thì ừ, cuộc sống mà, khó khăn nhiều, thương lắm. Nhưng cũng thấy phục, bởi người phụ nữ, đâu phải ai cứ ăn cay đắng rồi vẫn làm ra ngọt bùi được đâu? Bà Sáu bận đánh nhau với thằng đời, chẳng còn tâm sức mà nuôi tóc, cô Sứ rồi cũng chẳng nuôi tóc nữa. Nhưng có lẽ, cái truyền thống “nhà nuôi tóc ba đời” của mẹ con cô giờ đã quện với cái nếp “nhà thương con nhiều đời” rồi. Chỉ mong cuộc đời cô Sứ sau này nuôi con, mà tóc cô chẳng cần bận nuôi hy sinh nữa. Tôi thích chi tiết cái khăn rằn, má cô Sứ thương cô thương quá cơ!
  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Bích Phạm (13/02/2023): Đọc truyện mà thấy vừa xót xa vừa cảm động. Xót xa cho gia đình chị Sứ, nhất là cho sự hy sinh của má chị cho gia đình. Má chị được mọi người gọi là Sáu ngọt mà sao đời bà đắng quá. Tình cảm gia đình trong truyện được miêu tả giản dị và cũng thật gần gũi nên càng làm mình thích truyện hơn.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}