Lan vét túi chỉ còn đúng ba trăm ngàn để mua vé tàu về Hội An. Mười năm ở Sài Gòn nhưng nó thấy mình còn thảm hại hơn cả, giờ trở về quê cũ nhưng hành lý lót dưới chân còn chưa đầy chiếc vali xám 20 inch. Ở ga tàu, từng tốp người đua nhau lướt ngang qua nó.
Có thể họ cũng đến Hội An, hoặc không. Lan chẳng còn hơi sức quan tâm nữa. Ánh đèn Sài Gòn lúc tám giờ đêm sao mà cũng ảm đạm quá, chẳng còn rực rỡ như những ngày đầu nó đến thăm thú nơi đây.
Lan về Hội An để thăm ông nội mình, dù suốt hai mươi tám năm cuộc đời nó chẳng bao giờ gọi nổi một tiếng “ông nội”, chỉ theo lũ trẻ quỷ sứ trong làng gọi ông nội mình là “ông điên”.
Tháng Năm mưa và giông nhiều, Sài Gòn vốn tràn ngập ánh nắng cũng không tránh khỏi. Mọi năm mùa này nó đã thủ sẵn một cái áo mưa và một cây dù trong cái cốp xe cũ. Nhưng mới tháng trước nó té xe, áo mưa rách be bét, cây dù cho đồng nghiệp mượn cũng không biết đi về nơi đâu.
Còn năm nay, ngày đầu tiên của mùa mưa nó đã ngồi trong khoang tàu lửa. Mưa xối vào kính của con tàu cũ, mờ mịt, nhạt nhòa, chẳng thấy gì. Một đứa trẻ ở ghế trên đứng nhòm lên để ngắm cảnh, chỉ chỏ gì đó với người cha đang ngồi kế bên. Lan không thấy hâm mộ, chỉ nhớ lại vài chuyện.
Mười mấy năm trước, khi cha mẹ Lan hạ mồ cũng vào mùa mưa gắt thế này.
Lan mười tuổi chuyển về làng sống với ông nội sau cái chết của cặp vợ chồng xấu số. Thời đấy người ta còn nói nhiều, bàn nhiều. Khi sống thì hâm mộ người có của ăn của để, khi lạnh cốt thì trề môi bảo âu là do cái số.
Còn ông nội Lan, người ta cũng bàn tán đấy thôi. Chắc lão cũng có tên nhưng người ta chẳng buồn gọi. Họ thích gọi lão là ông điên. Đó là gã đàn ông già góa vợ góa con, thỉnh thoảng lẩm bẩm gì đó trong miệng, mắt trợn to lòng trắng thì nhiều, lòng đen thì ít. Lão mặc bộ bà ba nâu sờn vải với phần cổ và nách bị phai màu, cổ khoác khăn rằn. Tóc bạc phơ xõa lung tung và hàm răng đen nhẻm do nhai trầu.
Lão là một người bán tò he. Trong khi người bằng tuổi ông chắc chẳng còn làm mấy. Người ở xóm thích đi làm công ăn lương, đổ xô đi làm công nhân ở huyện trên, như cha má Lan ngày xưa.
Lan không nhớ gì nhiều về lão, chỉ nhớ lão không hay nói, cũng chả hay cười, mắt trợn tròn, cằm nhọn hoắc và mái đầu rũ rượi, thường hay ngủ trên cái sạp trước hiên nhà. Dáng vẻ lom lom đó khiến trẻ con phát sợ. Khi tỉnh lão nhìn ra ngoài lộ, ngẩn người, không thì làm tò he, sau đó bày ra trước cổng làng bán, đôi khi đi tuốt trên chợ huyện.
Đám trẻ trong làng ngày đó sợ lão, nhưng vẫn mê mẩn tò he mà lão làm. Đôi khi chúng còn quấy khóc, đòi má mua “tò he của ông điên”.
Mà Lan thì không còn má để đòi. Thế nên mỗi khi trông thấy ông điên làm tò he, nó chỉ dám núp ở một góc để nhìn.
Khi đó trẻ con vẫn chưa có nhiều thức quà và trò chơi, những viên bi mắt mèo nằm trên kệ hàng của bà Hà và tò he của ông điên trở thành những màu sắc rực rỡ và đẹp đẽ duy nhất trong ngày tháng tuổi thơ của con Lan. Lão nấu bột, trộn màu, và tạo hình. Rõ ràng đôi bàn tay kia nhăn nheo, khô quắc và xấu xí kia lại có thể tạo ra muôn hình vạn trạng. Có cô tiên, con mèo, con chó, con heo. Có cả con rồng và hình cậu bé ngộ nghĩnh đang chơi trống.
Những lúc làm tò he, lão dường như bớt đáng sợ hơn. Đôi mắt lão cụp xuống, không còn trợn tráo nhìn Lan nữa.
Lão nắn một một cục bột màu hồng, xoa đều rồi lại áp lên que gỗ. Sau đó lại nặn những miếng dẹp ngắn có màu đậm hơn, sau đó dính lên cục bột màu hồng phớt kia. Đồng tác của lão chậm rãi, nhưng tò he dưới tay ông lại càng lúc càng sống động như thật. Một chú heo con mũm mĩm và mập mạp ra đời, Lan trốn ở bên cạnh vừa thấy đã thích mê.
Ồ, cây tò he màu sắc rực rỡ trái ngược với vẻ bê bết, thảm hại của một ông điên.
Nhìn dáng vẻ lầm lũi của lão, Lan không dám mở miệng xin. Nó cứ thèm thuồng nhìn như vậy, cho đến khi ông điên gánh cái gánh tò he ra chợ huyện, chỉ để lại tò he con heo hồng trên sạp.
Nó bẽn lẽn lấy mất, vui đến mức không nỡ ngậm vào miệng. Nhưng rồi trước khi trời sập tối, nó liền ăn mất, sợ rằng ông điên sẽ đòi lại cây tò he heo hồng mà lão đã bỏ quên.
Đến chập tối, ông điên chỉ liếc qua cái sạp rồi vào phòng. Lúc đó Lan còn thầm vui mừng, nghĩ rằng lão đã quên mất.
Trước nhà ông điên có cây cau cao lắm, hay thuở đó trước nhà nào cũng có vài cây. Cây cau cao thẳng, lá rộng, trái xanh mà cũng cứng kinh. Lan không biết ăn cau, cây cau lại lắm kiến, khi đó nó thích mê cây chôm chôm nhà bà Hà kế bên hơn. Về sau lão gom tiền làm cái xích đu nhỏ dưới cây cau, để đèn cho nó chơi vào buổi tối nhưng nó cũng chỉ chơi được vài hôm rồi bỏ. Bởi vì mỗi khi nó chơi đánh đu, ông điên lại ra trước hiên nhà ngồi nhìn.
Mà Lan cũng sợ lão, thế nên xích đu trước nhà cũng bỏ ngỏ. Ông điên như biết, nhưng cũng không dọn đi. Cho đến một ngày mưa cũng lớn như ngày mưa con lão chết, xích đu gỗ bị quật đứt dây, bể một mảng.
Lão không làm xích đu nữa, cũng không nhai trầu cau nữa. Ông điên chặt cây cau, trồng một cây nhãn. Đến khi Lan rời Hội An, cây nhãn đó vẫn chưa có trái.
Những tháng ngày cứ thế trôi qua, Lan không nói chuyện với lão nhiều, thường đi học vào sáng sớm và về vào buổi chiều tối. Đôi khi nó không có lớp nhưng cũng không muốn về nhà, lon ton theo đám bạn cấp hai mà ông điên vẫn thỉnh thoảng chửi đổng là bọn láu cá.
Lan chẳng còn nhớ tên của bất kỳ đứa nào trong đám bọn chúng, chỉ nhớ là bọn chúng thích khoe. Chúng khoe cái điện thoại bấm số mà ba mẹ mua cho, hay chiếc xe đạp mới tậu được. Loại xe đạp mà chẳng có thắng tay mà phải thắng bằng chân, chạy thời gian dài có thể mài rách cả đũng quần. Nhưng chúng vẫn cứ khoe, nhất là khoe với những đứa không có.
Chúng khoe với Lan, khoe nhiều, Lan tủi nhiều.
Lan không có điện thoại hay xe đạp, cũng không có nhiều đồ chơi hay quần áo mới. Nó chỉ có tò he ông điên làm dư bán không được, nhấm nháp qua những buổi chiều dài.
Có lần chúng khoe chúng có cha mẹ, khiến Lan tức điên, Lan ghen tỵ.
Nó già mồm gào lên: “Tao còn có ông, ông tao còn làm tò he được đấy! Ba má tụi bây có biết làm tò he không thì bảo?”
“Má tao cấm tao ăn tò he của ông điên nhà mày đấy!” Có đứa khinh khỉnh: “Tò he nặn tay, nhạt nhẽo gớm chết, lại còn dơ! Chú tao đi Mỹ, có sô cô la ăn ngon hơn!”
Lan không biết sô cô la Mỹ là gì, chắc là một thức quà hấp dẫn mà cả đời này một đứa được nuôi từ ông điên bán tò he sẽ không bao giờ nếm được. Có đứa còn trêu tức: “Ông mày điên, sau này mày cũng điên nhỉ? Đúng là cháu của ông điên!”
“Khi đó mày sẽ tiếp tục bán tò he, trong khi tụi tao sẽ theo ba má lên xóm trên làm công nhân!”
Lan không thích đám bạn cùng lớp thì thầm gọi nó là cháu của ông điên, cũng không thích chúng bảo sau này nó cũng sẽ mặc bộ bà ba nâu sờn cũ đó, quàng khăn rằn ri và bán tò he.
Tò he tràn ngập sắc màu trở thành thứ gì đó khiến nó xấu hổ, nhất là khi trông thấy cha mẹ của đám bạn đi làm công nhân ở xóm trên. Nó không có cha mẹ, nó chỉ có ông điên. Và đám tò he nặn tay mà người lớn bảo là dơ bẩn.
Cô gái bé nhỏ khóc tức tưởi, chạy về nhà, bỏ học cả chiều đó.
Đó cũng là lần đầu tiên ông điên tận tay dúi cây tò he cho nó. Lão già khô khan, không hay cười, cũng không hay nói, đôi mắt lại ánh lên vẻ cố chấp đến lạ. Lan thấy tủi, âu do cái tuổi nó còn bồng bột, nó hất cây tò he xanh đỏ kia đi rồi gào khóc, đuổi ông điên đi, rồi ngủ mất.
Đến lúc nó tỉnh dậy, cây tò he nằm dưới đất đã biến mất, trên bàn là một bát cơm trắng và một dĩa cà tím dầm tương, cùng với một đĩa cá kho.
Toàn là món nó ghét, Lan vừa ăn vừa ứa nước mắt, lẩm bẩm: “Con ghét cá, cả cà tím…”
Khi đó gần nửa đêm lão mới về, Lan không hỏi lão đi đâu, cũng không bận tâm mấy. Nó chỉ để ý đến đám hay khoe trong lớp đã không còn khua môi múa mép trêu chọc gọi nó là cháu của ông điên nữa.
Mà dường như Lan cũng thay đổi từ khi đó. Nó không còn háo hức nhìn lão làm tò he mỗi chiều. Ấy thế mà thỉnh thoảng nó vẫn thấy những cây tò he ấy nằm trên sạp, khi là con heo hồng, khi là một bông hoa, thậm chí có lần còn là một con rồng nhỏ. Nhưng đáng tiếc nó không còn muốn ăn nữa.
Nó đâm đầu vào học, khát vọng thứ gọi là sô cô la Mỹ trong miệng của đám bạn cùng lớp.
Rồi nó cũng ngày càng lớn lên, ông điên cũng ngày càng già đi. Có điều dường như họ chẳng thay đổi gì, vẫn là căn nhà vắng lặng đó, không có một tiếng nói chuyện. Chỉ có tiếng thổi cơm đều đặn và âm thanh của những que gỗ lăn dài trên sạp.
Nó đăng ký thi đại học vào một trường trên Sài Gòn. Rồi suốt mười năm, cũng chẳng mấy khi về nhà. Nó cũng chật vật xin việc suốt mấy năm, rồi được nhận vào làm một công việc văn phòng cách khu trọ phải đi xe một tiếng rưỡi mỗi ngày.
“Em sửa lại cái này cho chị nhé? Trước sáng mai gửi vào hộp thư cho chị.” Tổ trưởng của Lan là một người phụ nữ đã ngoài ba mươi, hành động vứt tài liệu cho nó đã quen tay đến mức chị ấy nhắm mắt cũng có thể ném từ khoảng cách hai mét.
Lan nhìn số liệu khô khan chạy trên màn hình, bả vai gục xuống. Cảm thấy vô cùng mệt mỏi và mất năng lượng. Nhưng một cô gái xa quê, tốt nghiệp đại học với tấm bằng trung bình cũng chẳng thể đòi hỏi gì hơn ở công việc này.
“Vâng chị.” Nó cắn răng, biết rằng tối nay sẽ thêm một đêm tăng ca.
“Mệt thì ăn chút sô cô la.” Tổ trưởng lôi ra một cái túi từ trong ngăn bàn: “Anh trai chị mang từ Mỹ về đấy, chẳng mấy khi được ăn đâu.”
Lan khách sáo nhận lấy, sau đó bóc lớp giấy bạc nằm bên ngoài. Thỏi sô cô la màu nâu óng lên đẹp mắt và mùi thơm nức mũi, nó cũng chỉ im lặng cắn một miếng. Hương vị ngọt ngấy tràn vào cuống họng, chân răng cũng tê lên. Kéo theo đó là hậu vị đắng nghét.
Nó cụp mắt, gói một nửa thanh sô cô la lại vào trong miếng giấy bạc, rồi lại cất vào túi giấy. Đặt tay lên bàn phím, rồi bắt đầu cọc cạch gõ chữ.
Màn đêm ở Sài Gòn buông xuống nhanh hơn những ngày còn thơ bé, hoặc ít nhất chỉ mình Lan nghĩ vậy. Văn phòng tối om chỉ còn đúng ánh đèn tỏa ra từ máy tính bàn của Lan. Mọi người có laptop để làm việc ở nhà, còn nó thì không. Thế nên có những đêm nó cắn răng làm việc, hai giờ sáng mới rời khỏi tòa nhà.
Nó bất giác nhìn dáo dác, chỉ thấy một dãy CPU đen ngòm và những tài liệu vứt lộn xộn trên bàn làm việc của mọi người. Dường như hậu vị đắng nghét của thanh sô cô la vừa nãy vẫn còn đọng lại trong cuống lưỡi. Và trong cơn rùng mình khi cố đấu tranh với giấc ngủ, nó vẫn trông thấy màu sắc rực rỡ của những cây tò he.
“Cô gái, đến rồi.” Giọng gã lơ xe trên chiếc buýt trung chuyển lơ lớ khiến Lan bừng tỉnh khỏi cơn mơ. Trong một chốc, nó không biết mình đang ở đâu. Đang ở căn nhà nhỏ chẳng còn chiếc xích đu cũ và cây cau cao vợi, hay đang ở văn phòng tối đen phảng phất món ăn vặt có mùi ca cao.
Nhưng không, khi xách chiếc vali cũ lên nó đã bừng tỉnh, nó đang trên chuyến xe, về lại Hội An.
Chuyến đi dài ròng rã hơn một ngày đường khiến cả người Lan rã ra, nhưng rồi khi ánh nắng chiếu dài qua hàng cau bị đốn, nó cũng kéo vali về đến làng. Dường như người trong làng vẫn vậy, họ vẫn thích chỉ trỏ và soi mói, có thể có thiện ý, hoặc cũng có thể không. Nhưng Lan biết chắc đứa con gái bỏ xứ nhiều năm mới quay về cũng đủ khiến người dân phàn nàn.
Căn nhà gỗ cũ mèm, nơi ấp ủ một nửa tuổi thơ đang đứng trước mặt, bọc lên một màu xưa cũ. Nó không có cảm xúc gì, chỉ kéo cửa bước vào.
Nó về Hội An chẳng báo cho ai, chỉ báo cho bà Hà cạnh nhà. Người từng bán tạp hóa và khắt khe với những đứa nhỏ dám bỏ tiền chơi bi thay vì tiết kiệm giờ cũng đã xây được căn nhà tường nho nhỏ. Chỉ là chẳng thấy cây chôm chôm với những quả đỏ đung đưa ra ngoài hàng rào nữa.
Quả nhiên nó vừa đặt vali xuống, bà Hà nghe tiếng đã vội ghé qua. Những năm qua nó đều gửi tiền cho bà Hà, nhờ bà Hà chăm sóc cho ông lão.
Tiền hậu sự cũng là nó chuyển cho bà.
Bà Hà vừa vào nhà thấy nó đã thở dài một hơi, giọng quở trách: “Con cũng thật là, bận rộn cỡ nào cũng phải về nhà sớm một chút chứ?”
Tính tình ông điên vốn quái gở, không hợp một ai, bán tò he cả đời cũng chẳng góp được bao nhiêu tiền. Vậy nên hậu sự của lão diễn ra khá vội, vừa hết một ngày đã đem chôn.
Mà Lan về chuyến này, cũng là để ra viếng mộ phần của ông.
Có lẽ đứa trẻ nhút nhát trong nó vẫn sợ đôi mắt gườm gườm và cái lưng cong của ông lão, thế nên nó mới bất hiếu, không thể về được ngay trong ngày tang của lão. Lão chết quá đột ngột, ra đi trong giấc ngủ, không bệnh tật gì, âu cũng là cái may.
Bà Hà biết chuyện đến nước này rồi cũng không thể quở trách gì thêm, bà vốn biết hai ông cháu nhà này cũng không thân thiết gì nhiều, hơn nữa đây cũng không phải là chuyện nhà mình. Thế nên chỉ nhắc nhở: “Được rồi, con dọn dẹp nhà cửa trước đi đã. Sau đó thì đi viếng mộ ông ấy.”
Lan gật đầu, lại nghe bà Hà hỏi thêm: “Lần này tính ở lại bao lâu?”
Nó chỉ đáp qua loa: “Con cũng chưa biết, đợi tính sau đã.”
Bà Hà gật đầu: “Năm nay mày nhiêu rồi con?”
“Năm nay con hai tám.”
“Tuổi hợi à, vậy là bằng cái Quỳnh nha cô.” Nói đến con gái mình, nét mặt bà Hà mới giãn ra: “Tranh thủ cưới một người đàng hoàng, cho lão điên ấy an tâm.”
Nó khựng lại, không nói gì. Mãi đến khi bà Hà để lại một bao cá rồi rời đi, nó mời hoàn hồn lại. Đứng trước cửa một hồi lâu rồi mới xoay người đi vào bếp. Căn nhà hiu quạnh đến lạ, cũng chẳng có nhiều đồ dùng. Nhà ở làng không giống như ở thành phố, chịu cảnh hứng bụi mỗi ngày. Thế nên dù vài ngày không lau dọn trông vẫn còn khá sạch sẽ.
Lan ngơ ngẩn ngồi trên cái sạp, trông ra trước nhà. Cây nhãn đã trồng mười mấy năm rồi mà tới năm nay mới nay mới bắt đầu đơm hoa, chẳng biết khi nào mới có quả chín để ăn.
Rõ ràng làm tò he khéo thế nhưng lại không giỏi trồng cây chút nào. Chắc lão ấy chọn trúng giống cây hỏng nên mới thế. Nghĩ đến đây, không hiểu sao Lan thoáng bật cười.
Nếu ông điên đó biết chữ, chắc mẩm sẽ để lại cho cô một lá thư dặn dò chuyện hậu sự. Nhưng rồi nó lại cảm thấy chuyện đó thật vớ vẩn. Ông lão gần cả đời người lúc nào cũng im ỉm và đôi mắt gườm gườm, sao có thể nói nổi một lời yêu thương.
Rồi Lan lại đứng dậy, mang rổ cá tươi vào bếp. Thuở nhỏ nó ghét cá kinh khủng vì lắm xương, nhưng giờ lớn biết rằng cá tốt cho sức khỏe, thế nên cũng đã ăn nhiều hơn.
Mà trong góc bếp, đôi mắt nó trông thấy những mảng màu chói mắt, dường như những màu sắc tối tăm và âm u nơi phố thị phút chốc bị đẩy lùi, chỉ còn lại một mảng màu kia. Lan nhìn kỹ lại, phát hiện là gánh tò he cũ. Chỉ mới vừa làm được vài cây, trên cái rổ là những cục bột đủ màu sắc, to nhỏ không đồng đều.
Giống như lão ấy chỉ vừa bắt tay vào làm sau đó lại để sang một bên, đi làm việc khác. Lan biết thói quen này của lão, dù bận làm tò he đến cỡ nào lão vẫn sẽ đúng giờ đi nấu cơm, dọn nhà, sau đó quay lại làm tò he.
Có hôm nấu những món cần đứng canh, cục bột khô quánh lại, lão phải bỏ cả mảng. Tự Lan cũng thấy mất công nhưng lão vẫn cứ thế, chưa từng quên nấu cơm bất kỳ một bữa nào.
Chỉ tiếc là mọi khi những cục bột này còn được se, nặn lại mỗi khi nó bị lão bắt đi rửa chén. Nhưng giờ thì không còn nữa rồi.
Nó đưa tay nắn cục bột đã khô cứng, cảm giác quen thuộc không hiểu khiến nước mắt nó ứa ra. Nước mắt trào dâng đột ngột khiến nó cũng sửng sốt.
Lồng ngực nó xoắn chặt lại như muốn gãy đôi, hệt như cái xích đu cũ vào mùa mưa năm đó. Trống rỗng và hiu quạnh đến kỳ lạ.
Nó đưa tay sờ gánh tò he, có vài loại nhưng nhiều nhất vẫn là những tò he con heo hồng của những ngày thơ ấu, như khi nó vừa gặm vừa nhìn ông điên chặt cây cau trước nhà.
Lan cầm tò he lên cắn một miếng, khô cứng, hơi sáp và bột. Nước mắt nó chảy xuống càng lúc càng nhiều, không thể nào kìm nổi. Nó cứ thế đứng trong bếp, vừa ăn vừa khóc như một đứa trẻ con. Mà đúng thật là nó vẫn còn trẻ con, mười năm xa xứ, đứa trẻ đó vẫn chưa kịp lớn.
Nhưng giờ, nó cũng phải lớn rồi.
Mà nhiều năm sau, nhiều năm đến nỗi những đứa trẻ đã lớn giờ đi xa xứ, như Lan ngày xưa. Và lại vài đứa trẻ ra đời, chúng không biết về ông điên, chắc cảnh một ông điên ngồi rũ rượi ở cái sạp trước nhà ngồi nặn tò he cũng chẳng còn đọng trong ký ức của mấy ai. Nhưng khi lũ trẻ đi ngang qua ngôi nhà cũ có cây nhãn trĩu quả, vẫn thích thú chỉ vào cái gánh đựng đầy sắc màu vừa được nặn xong, la lên: “A má ơi má, tò he!”
“Tò he bài vè
Ông điên ngày hè
Ngồi làm tò he
Trẻ con ngồi me
Thiệt là màu mè
Này bột ngồi se
Đủ màu đủ dạng
Ơ kìa tò he…”
Bình luận
Dại
Bảo Trân
Mình ít khi bình luận ở các truyện, nhưng mà khi đọc truyện này của bạn thì mình nghĩ là mình phải nói gì đó thôi.
Bạn viết rất hay luôn á, giọng văn gần gũi mà cảm xúc lắm. Dù truyện rất nhẹ nhàng và bình dị, nhưng mình vẫn không khỏi thấp thỏm và hy vọng rằng nhân vật ông điên vẫn còn sống😔 Hồi đầu mình cũng tính đọc truyện bạn, nhưng lại thôi vì cũng hơi lười, giờ cái thấy tiếc ghê sao mình không đọc sớm hơn:))
Ăn Cơm Với Cá
Ăn Cơm Với Cá
Hong biết sao mình không trả lời cmt của bạn Dại được... Cảm ơn bạn đã đọc nha 🤲❤️