Từ trong thành bỗng vọng đến tiếng trống canh khô khốc, cái tiếng ấy dội lên, luẩn quẩn khắp nền trời u ám. Trên những bờ thành rêu phong, lính gác co ro trong gió lớn, tay nắm đốc kiếm, mắt mòn mỏi nhìn về hướng Tây – nơi mà tin báo giặc Chiêm đã vượt khỏi bãi Tam Kỳ, sắp sửa quét đến thành Thăng Long.
Kẻ trông thấy hết những cơ sự ấy – Lê Quý Ly – đang đứng lặng trên tường thành. Y khoác áo vải đen, mắt đăm đăm nhìn dòng người tị nạn bươn dài ra cửa sông như một con rắn lớn. Dưới dòng người ấy, chẳng ai rõ y đang nhìn gì. Liệu y đang nhìn một ông lão gù lưng, ốm đói hom hem gánh trên vai một chum nước đầy? Hay y đang nghe tiếng xích xe lọc cọc vọng ra từ góc thành – nơi ấy có những cỗ xe chất đầy các hòm gấm vóc và một viên quan béo tốt đang chỉ tay, thét đám gia nô sắp lại cho ngay ngắn?
Hoặc chăng, vị quan họ Lê nọ đang dõi mắt về buổi triệu khẩn mới đây. Khi y bước vào thư phòng của Hoàng đế, ngài Thượng Hoàng đang đi đi lại lại đầy bồn chồn. Phải thôi, nước nhà lâm nguy, bậc chí tôn lo nghĩ hơn cả. Nếu trận ở Quảng Oai mà quân Hoa Ngạch cầm cự được, tướng Lê Mật Ôn không bị bắt thì cũng không tới nước này, đó là những lời đầu tiên ông vua già nói với y. Nhưng hai người vua tôi hiểu rằng, chẳng có phép thần nào cho quân Hoa Ngạch, cho nước Đại Việt. Ngay từ giây phút người lính lấm lem phi nước đại, mang tin thua trận vào thành, họ biết đất nước này sắp sửa đối mặt với điều gì – một nỗi ê chề thân thuộc.
Đương lúc Quý Ly trầm ngâm, Nguyễn Đa Phương trong bộ giáp bạc thếch, hông đeo gươm bước đến gần, chắp tay vái chào. Mắt gã hấp háy thứ ánh sáng gan ruột của một kẻ nhiều tham vọng và cũng quen chuyện sinh tử:
– Các chốt phòng vệ đã được bố trí xong cả. Xin đại huynh nhanh chóng lên đường.
– Bẩm… tiểu đệ nghe thủ vệ dưới bến báo về, ngài đã lên thuyền rồng. Cùng đi có các tôn thất và quý tộc họ Trần. Thuyền xuôi trên sông, chẳng mấy chốc sẽ tới cung Bảo Hòa. Nhưng mà… Nhưng mà… có một việc…
– Khi thuyền rồng vừa rời bến, có một học trò nghèo lao ra, bám lấy đuôi thuyền mà khóc lóc van xin. Nó nài Thượng Hoàng hãy ở lại cùng dân chúng và binh sĩ, rằng ngài đi thì Đại Việt mất chỗ dựa…
– Việc ấy xảy ra khi Thượng Hoàng đã vào trong khoang. E là ngài chẳng hay biết gì. Chỉ thấy quân lính vội kéo gã học trò nọ lên bờ rồi quẳng sang một bên.
– Hạng võ biền như em nào dám luận chuyện của bậc Thánh nhân.
– Không, thưa đại huynh. Lần này em sẽ chẳng để bọn Chiêm được dễ dàng.
– Tốt. Tốt lắm. Vậy là Đại Việt ta sắp sửa có một đời tướng lĩnh kiêu hùng.
Gió lớn nổi lên, thổi tung vạt áo đen của y, tiếng gió rít như tiếng gầm thét của đất trời. Quý Ly ngẩng đầu nhìn mây đen cuồn cuộn, trán hằn một vết nhăn:
Đêm ấy cung Bảo Hòa sáng đèn như ban trưa. Quân lính tuần tra rậm rịch dưới hành lang, tiếng binh khí va vào nhau như gõ mõ. Giữa đêm, trong một căn điện nhỏ, ông vua già Nghệ Tông vùng dậy khỏi giấc ngủ chập chờn. Mặt ông đẫm mồ hôi, hai mắt đục mà sáng như người vừa về từ cõi tiên. Ông vội vàng cho triệu kiến Quý Ly.
– Ta vừa mộng thấy một ông tiên lạ. Tiên cư ngụ dưới gốc bồ đề trong chùa Vạn Phúc. Trông thấy ta, ông tiên gọi tôn hiệu rồi bảo: “Cơ đồ còn, nhưng chưa chắc giữ được. Phải cầu ở chỗ tĩnh mới mong được yên.” Thôi, mai khanh hãy lên chùa, thắp nén hương mà khấn cầu. May ra Trời Phật cho chút dấu hiệu.
Quý Ly cúi đầu vâng mệnh nhưng lòng thì thầm than. Dấu hiệu ư? Xoay vần ư? Thần Phật mà làm được gì khi cái khí hạo nhiên đã kiệt? Khi đất nước đã chẳng còn nổi những danh tướng kiệt hiệt để đứng ra đảm đương việc cơ đồ?
Thế là sáng hôm sau, theo lời Thượng Hoàng, ông quan Lê Quý Ly dẫn theo vài người thân binh rảo bước lên chùa. Gió hiu hiu, mây vẫn dày, cả cảnh chùa như phủ dưới một tấm màn tro xám ngắt.
Chùa Vạn Phúc nom sao mà tiêu điều. Nơi chánh điện im lìm tiếng gõ mõ tụng kinh, nhang đã tàn mà khói cũng tắt. Trong sân chỉ có một chú tiểu lom khom quét lá, chú đứng lúi cúi dưới đám bồ đề xơ xác. Hình như giống bồ đề đang đến mùa thay lá, bởi lá của chúng rụng lả tả như tóc người bệnh rụng dần trước cái chết.
Quý Ly bước vào chánh điện, châm hương. Y không quỳ mà đứng nhìn tượng Phật chăm chú. Pho tượng ấy ngồi tít trên cao, nhờ nhợt trong nguồn sáng mờ nhòe; những đường nét gò má, cằm, và trán trông như đang chuyển động, đang thay đổi. Có khoảnh khắc, Lê Quý Ly cứ ngỡ tượng Phật đang nhìn xuống mình – một ánh nhìn từ bi, dửng dưng; song, y biết ấy chỉ là chuyện viển vông chẳng đời nào xuất hiện. Cõi này nếu có Phật, thì Phật cũng sẽ đứng về phía kẻ mạnh.
Trong sân lại vang lên tiếng chổi tre lạt sạt. Lèn giữa cái tiếng ấy có giọng ngâm dài lâu tưởng một lời than thở.
Thơ ư, thơ sao mà lạ kì, mà trần trụi. Quý Ly ngạc nhiên trông đăm đăm vào chú tiểu còng lưng quét lá. Bóng chú ta dập dìu qua mảng sáng và mảng tối dưới những gốc cổ thụ, tiếng ngâm vẫn bảng lảng quanh tai.
Bỗng chú tiểu vung chổi xể gác lên vai, cái bóng lom khom dưng không thẳng tắp, khéo ngạo nghễ được dường như tướng Đa Phương. Chú ta giẫm xuống bậc thang đá, bước chân thoăn thoắt. Bài thơ chưa đến câu kết, Quý Ly bước theo, hòng được tường minh ý đồ kẻ làm thơ.
Chú tiểu đi nhanh như bay nhưng lời thơ thì thong dong, rỗi rãi. Quý Ly ráo riết theo sau, dẫu mau tới mấy vẫn không bắt kịp bóng áo xám, mà dần dần y tụt lại, sắp sửa mất dấu kẻ nọ. Băng qua những bậc thang trập trùng khúc khuỷu, những con đường mòn đá, chú tiểu chợt rẽ vào một khúc ngoặt kín kẽ. Tới đây, tiếng ngâm trở nên xa vời, mịt mùng rồi đứt hơi.
To gan, to gan quá. Ông quan Lê Quý Ly giật mình. Kẻ ấy là ai mà dám xướng những lời vô lễ, chẳng sợ chịu tội mất đầu? Y nóng ruột vượt qua khúc quanh hẹp kẹp giữa hai bức tường cao, xông vào một khoảnh sân khoáng đạt nhưng vắng tanh. Chú tiểu nọ đã biến mất kì lạ.
Bình luận
Chưa có bình luận