Chương 3: Mùi cổ xưa


Đã đến lúc cần vài miêu tả sơ lược về nơi ở của Thủy.

Đó là một khoảng đất trống nằm sau lưng một ngôi chùa khá cô lập ở ngoại thành Sài Gòn. Khoảng đất này nằm khuất phía sau chùa, ngăn với sân trước bằng vườn rau và nhà bếp của chùa.

Ngôi chùa này có lẽ đã được xây từ giữa thế kỷ 19, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử đã được trùng tu, xây sửa lại vài lần, nhưng riêng phần chính điện là nơi phát tích đầu tiên thì vẫn được giữ nguyên vẹn. Lúc đầu khuôn viên chùa chưa bao gồm khoảng đất trống phía sau này, vì nó trước đây vốn là đồng ruộng tươi tốt, nhưng vì chiến tranh loạn lạc nên người người rời quê, rời làng đi rồi không quay về; cho đến khoảng đầu thế kỷ 20, khi chùa xin tu sửa lại, không hiểu thế nào sổ đất của chùa được cấp lại vẽ thêm vào khu đất này, sau này trụ trì muốn truy tìm lại nguyên nhân cũng không thể biết được nữa. Có lẽ ai đó đã đăng ký cúng đất cho chùa, hoặc cũng có khi vì lúc ấy không có tiền quy hoạch đất nên trưởng làng cứ đưa vào đất chùa để tránh báo cáo phát sinh thêm ngân sách,... Không ai biết lý do nhưng từ lúc đó, chùa chính thức có thêm khu đất này.

Được mở rộng diện tích, lẽ ra là tin vui, nhưng vì chùa cũng không có tiền để xây dựng gì nên đành để trống. Có đợt, những Phật tử vô gia cư xin dựng lều ở đây suốt nhiều năm, rồi thời gian trôi qua, mảnh đất ấy lại trống không hoang tàn cỏ dại. Khoảng hơn 10 năm trước, có hai người là ông Sâm và ông Khảm đến làm lễ quy y Tam bảo dành cho Phật tử, khi biết tình hình mảnh đất này bèn bàn với thầy trụ trì xin phép cho họ phát quang cỏ dại, quy hoạch lại thành khu sinh sống của họ tại chùa. Từ đó, khu đất này mới được như ngày nay. Hiện tại có 6 căn nhà gạch nhỏ quây quần với nhau dành cho Phật tử phát nguyện làm công quả thường trực cho chùa, nhưng từ nhiều năm nay, chỉ có 5 người sống tại đây, còn một căn nhà được dùng làm nhà kho.


Bốn người lớn tuổi là: bà Năm chuyên nấu đồ chay hàng ngày và cho các buổi lễ của chùa; bà Chín chuyên lau chùi, dọn dẹp chùa, lúc rảnh lại phụ bà Năm nấu ăn; ông Sâm thợ mộc chuyên khắc đẽo tượng Phật, chế tác những đồ lưu niệm bằng gỗ cho chùa; ông Khảm, thầy thuốc kiêm thầy giáo cho lớp học ở chùa dành cho trẻ mồ côi, trẻ đường phố, gia đình khó khăn trong vùng.

Ông Khảm được sư thầy trong chùa và những Phật tử khác rất tôn trọng, kính nể vì ông người trí thức, hiểu biết nhiều, vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy giáo, lại làm luôn cả thầy gieo quẻ Kinh Dịch rất có tiếng trong vùng. Ông Khảm cũng có mối thân tình khá đặc biệt với thầy trụ trì, đôi khi nghe nói họ từng có chung một quá khứ đặc biệt nào đó, nhưng việc đó giờ đã không còn quan trọng nữa, trong chùa không ai quan tâm.

Bốn người bọn họ, mỗi người đều có quá khứ riêng, nhưng khi vào khoảnh đất trong chùa này rồi, họ đều đơn thân, không ai hỏi và nhắc lại quá khứ của chính mình lẫn của người khác.


Và người thứ năm là Thủy, sống chung nhà với bà Năm.

Hàng ngày, Thủy học chữ với ông Khảm – người vừa là thầy, mà cũng vừa như cha nuôi. Lúc nhỏ, Thủy gọi ông là "sư phụ" vì thường nghe mọi người gọi như thế nên bắt chước theo. Đến khi cô hiểu ra nên gọi ông là "thầy" thì cách gọi "sư phụ" đã hoàn toàn thành một thói quen trong cuộc sống của ông và cô. Thủy là đứa trẻ duy nhất được nuôi trong chùa từ nhỏ, cô lớn lên giữa vòng tay chăm sóc, yêu thương của bốn người lớn này, cũng như của thầy trụ trì và các sư tăng. Thủy theo học các lớp bổ túc gần chùa, nhưng những gì ông Khảm dạy cô tại chùa đều nhiều hơn chương trình học. Thủy chăm học, ngoan ngoãn, ngay cả mùa hè cũng vẫn siêng năng làm bài tập mỗi ngày theo hướng dẫn của ông Khảm.


Năm người họ sống cùng nhau trong khu đất này từ mười năm nay như một xóm nhỏ. Những căn nhà nhỏ và đơn giản đủ kê giường, bàn ghế ăn, tủ quần áo, kệ đựng vật dụng, sách vở,… Bên ngoài có hai bên nhà vệ sinh và nhà tắm, tự động được phân chia một bên cho nữ, một bên cho nam.


Hàng ngày, mọi việc như một guồng máy tự động, cứ thế tuần tự thực hiện: bà Năm và bà Chín nấu ăn cho chùa; ông Sâm hì hục ở xưởng chạm khắc gỗ; ông Khảm ngoài giờ dạy học cố định sẽ đi thăm hỏi các gia đình nhờ ông đến xem bệnh, nói chuyện với các sư thầy trong chùa, còn lại thời gian rảnh, ông ngồi nhà nghiên cứu sách vở. Thủy luôn ở khu sân sau, ai cần gì, cô làm nấy; nhưng thật ra, mọi người đều xem cô vẫn bé bỏng, nên chỉ nhờ những công việc rất nhẹ nhàng, nhàn hạ. Bà Năm và bà Chín đều ưu tiên cho việc học và đọc của cô, nên nhiều khi cũng không nhờ gì mấy. Ông Khảm xem Thủy như con gái, luôn nhờ cô pha trà, dành thời gian hàn huyên với cô về các loại thuốc dân gian, về gieo quẻ, hoặc đưa sách cho cô đọc.


Thế giới của Thủy vì vậy gói gọn trong khuôn viên sân sau. Khu đất này khá xa sân trước của chùa, không phải khu vực tiếp khách nên luôn vắng người lạ. Do đó, việc có tiếng động là rất bất thường, nhất là vào một ngày mà chùa không có lễ và ông Khảm không ở nhà hẹn ai, nên càng không có lý do gì để có người lạ đến khu sân sau này.


Thủy ngồi bên cái bàn tròn duy nhất trong nhà ông Khảm, vừa là bàn học của hai thầy trò, vừa là bàn ăn của ông. Cô đang theo dòng suy nghĩ với lời giải cho quẻ Thủy Thiên Nhu, bỗng nghe tiếng động lạ ngoài cửa, rồi vang lên tiếng rì rầm nói chuyện.

Cô nhìn qua cửa sổ, vô cùng ngạc nhiên thấy một người đàn ông và một người đàn bà đang đứng bên cạnh mộ cổ trước lối vào nhà ông Khảm. Họ vừa nói chuyện vừa ngó nghiêng xem xét ngôi mộ. Thỉnh thoảng, người đàn ông giơ máy lên chụp hình từ các góc khác nhau.


Khá bối rối, Thủy không biết nên để mặc họ hay bước ra hỏi chuyện. Đúng lúc đó, qua khung cửa sổ, hai người khách lạ cũng thấy Thủy ngồi trong nhà đang rướn cổ nhìn ra ngoài, họ ngạc nhiên gọi:

- Chào con. Cô chú có thể hỏi con vài câu được không?


Tình thế chẳng đặng đừng, Thủy bước ra cửa:

- Dạ. Cô chú là ai? Cô chú muốn hỏi gì?


Người đàn ông có trang phục của một nước châu Á khác Việt Nam, còn người phụ nữ Việt với gương mặt tròn hiền trả lời Thủy:

- Cô chú là khách vãng lai, đi ngang đây thấy chùa đẹp nên vào xin tham quan, các sư thầy đã cho phép rồi.

- Dạ… uhm… Chào mừng cô chú đến chùa. - Thủy hơi cúi đầu, không biết nói gì thêm ngoài những câu đón tiếp thường nói với khách.


Người đàn ông hỏi Thủy:

- Con tên gì? Con sống ở đây à? Hay con cũng là khách đến chùa? Con có biết những người sống ở đây không?


Trước câu hỏi dồn dập và đi sâu vào cuộc sống riêng tư, Thủy nhíu mày hỏi lại:

- Con tên Thủy. Cô chú muốn hỏi về điều gì?


Người đàn ông nhìn Thủy, ánh mắt điềm đạm, không biểu lộ cảm xúc, sau đó quay qua nói với người phụ nữ vài câu tiếng nước ngoài, người phụ nữ mỉm cười gật đầu. Thủy không hiểu họ nói gì, nhưng sự cảnh giác càng tăng lên, cô thầm nghĩ: "Họ chắc không phải khách vãng lai đơn giản, mà có thể là ăn trộm; nếu không, sao lại muốn dò hỏi về cuộc sống riêng tư ở đây nhiều vậy".


Người phụ nữ nhìn Thủy, giọng dịu dàng:

- Cô, chú không có ý gì xấu. Chú là người Việt sống lâu ở nước ngoài, sợ nói tiếng Việt không tốt sẽ làm con hiểu lầm nên nhờ cô giải thích. Cô, chú muốn biết con sống ở đây hay chỉ ghé chơi hôm nay, vì câu hỏi của cô chú liên quan đến khu đất này, người thường ở đây chắc mới biết. Cô, chú không có ý tò mò về cuộc sống riêng của con.


- Con sống ở đây mới 10 năm thôi, không biết nhiều về khu đất này, cô chú hỏi các sư thầy đi.


- Con sống ở đây 10 năm à Thủy? Vậy đủ lắm rồi, câu hỏi liên quan thời gian gần đây, khoảng từ một tuần hay 10 ngày trở lại thôi.


Thủy ngơ ngác không hiểu, nếu hai người này muốn hỏi về khu đất hay bất kỳ điều gì thuộc về chùa cũng nên gặp thầy trụ trì, nhưng họ lại cứ muốn hỏi mình, điều này không bình thường lắm.


Người phụ nữ hỏi Thủy:

- Con ơi, câu hỏi đơn giản lắm. Từ khoảng một tuần hay 10 ngày nay, con có thấy hiện tượng gì đặc biệt ở đây không?


- "Hiện tượng gì đặc biệt ở đây"? - Thủy lặp lại.


Người đàn ông đưa tia mắt nhìn người phụ nữ như trao đổi ý, sau đó ông chậm rãi nói với chất giọng ấm áp, trầm trầm nghe ra độ quan trọng mà ông muốn truyền đạt, nhưng với Thủy, ông chỉ lặp lại câu hỏi của người phụ nữ:

- Cô gái nhỏ, con có thể cho chú biết, từ vài ngày nay, có hiện tượng gì lạ xảy ra hay xuất hiện quanh ngôi mộ này không? Chỉ ở phạm vi mộ này thôi.


- Hiện tượng lạ? – Thủy càng nghe càng mờ mịt.


- Đúng, hiện tượng lạ, là những gì trước nay chưa từng xảy ra. – Người đàn ông gật đầu xác nhận.


Có vẻ họ càng muốn giải thích, Thủy càng rơi vào mê cung của câu chữ. Mỗi từ mà họ thốt ra, cô đều hiểu, nhưng khi ghép các từ này lại với nhau, cô không thể hình dung nổi điều họ muốn hỏi là gì.


Nếu liên quan đến ngôi mộ, Thủy nghĩ đến bức tượng và ba đồng xu, nhưng với cô, đó không phải là một "hiện tượng lạ", mà chỉ là một sự "đương nhiên" - kết quả sau nhiều ngày mưa bão và đất bị sụt xuống. Ngoài việc đó ra thì…


- Không có hiện tượng gì đặc biệt ở ngôi mộ này cả. - Thủy khẳng định chắc chắn.


Người đàn ông và người phụ nữ nhìn nhau, nét mặt thất vọng, lại như nghi ngờ. Rồi người phụ nữ cảm ơn Thủy ngắn gọn.

Thủy thở phào. Khu đất trống này có khách đến tham quan trong ngày thường khi sư phụ không có ở nhà vốn đã là chuyện lạ, họ lại còn quan tâm đến ngôi mộ cổ, rồi hỏi về hiện tượng lạ gần đây. Mọi việc nằm ngoài sự hiểu biết và tưởng tượng của Thủy, nên cô chỉ mong cho câu chuyện này nhanh chóng kết thúc. Vì vậy, khi nghe người phụ nữ cảm ơn để kết thúc câu chuyện, Thủy vui vẻ gật đầu cúi chào, chờ họ quay đi, cô mới vào nhà theo đúng lễ phép mà ông Khảm đã dạy.


Nhưng người đàn ông bỗng đưa ánh nhìn vào bàn tay Thủy, lông mày ông nhíu sâu suy nghĩ, sau đó nhắm mắt lại vài giây, hít hà sâu vài hơi. Ngay khi mở mắt ra, ông hỏi Thủy:

- Tôi xin phép… có thể nắm bàn tay phải của cô không, cô bé?


Thủy giật mình, người phụ nữ cũng giật mình. Thủy bất mãn:

- Để làm gì?


- Vì tôi thấy tay cô có đất…


- Có đất ? – Thủy ngơ ngác hỏi lại.


- Đúng, tay cô có đất, mà từ đất đó, tôi nghe có… mùi cổ xưa.


- Mùi cổ xưa? – Lần này, người phụ nữ lặp lại đồng thời với Thủy. Bà trợn mắt kinh ngạc nhìn người đàn ông và lập tức quay qua nói tiếng nước ngoài với người đàn ông.


Dựa theo phản ứng của người phụ nữ và tông giọng, Thủy hiểu rằng bà cũng ngạc nhiên không kém gì cô. Người đàn ông điềm tĩnh giải thích gì đó rất ngắn gọn bằng tiếng nước ngoài, người phụ nữ chăm chú lắng nghe, sau đó gật đầu ra dấu đã hiểu. Thủy thấy vậy, đâm ra hơi hoảng hốt, họ đã hiểu mà mình vẫn chưa có đầu mối gì từ cuộc đối thoại kỳ lạ vừa rồi. Cô lẩm bẩm "mùi cổ xưa từ đất", nó có nghĩa là gì? Thủy chợt nhớ ra, quả thật, tay cô vẫn chưa được rửa từ sau khi lau chùi bức tượng đá và ba đồng xu gỉ đen, cô chỉ lau nhanh bàn tay vào khăn ẩm trước khi tung xu gieo quẻ. Lẽ ra cô nên đi rửa tay trước khi gieo quẻ, sư phụ luôn làm như vậy. Thủy hơi lo lắng "Ai dà, không biết quẻ hồi nãy có đúng không khi tay mình bị dơ?", và cô có phần thất vọng khi nghĩ đến khả năng quẻ Thủy Thiên Nhu có thể không phải là quẻ đúng, chỉ vì mình chưa rửa tay cho sạch.


Giọng người phụ nữ vang lên, lần này khẩn khoản thuyết phục:

- Con có thể cho cô và chú cầm tay con một phút không? Chỉ một phút thôi là đủ, cô và chú đều cùng cầm mỗi bên bàn tay con, mục đích là… ừm… xem tướng cho con, không có ý gì khác.


Nghe đến "xem tướng", Thủy cảm giác háo hức ngay. Đối với một cô bé luôn tự hỏi về vận mạng cô nhi của mình, thì câu hỏi về số mạng càng mang tính hấp dẫn hơn bao giờ, vì nó có thể ẩn chứa câu trả lời về điểm xuất phát và điểm đến trong cuộc sống của cô.


Thủy bèn gật đầu, đưa tay ra. Người đàn ông cầm ngay tay phải của cô, người phụ nữ cầm tay trái. Người phụ nữ nhìn các đường chỉ tay trong lòng bàn tay Thủy, giống cách bà Năm và bà Chín thỉnh thoảng vẫn xem cho nhau hay cho những người phụ nữ khác mỗi khi rảnh rỗi ở chùa.


Trong lúc đó, người đàn ông lại có cách "xem tướng" vô cùng dị biệt. Ông nhắm mắt, dùng ngón tay cái ấn vào giữa lòng bàn tay Thủy, hít hà lúc mạnh lúc nhẹ; rồi ông mở mắt ra, khều lấy một mẩu đất vụn dính ở móng tay Thủy quan sát, và rất đột ngột, ông cầm bàn tay Thủy kéo lên mũi ngửi. Thủy cũng phản ứng nhanh không kém vì cô đã cảnh giác ngay từ đầu, ngay lập tức dằn tay ra, nhưng người đàn ông vẫn cầm cổ tay Thủy, cố kéo đưa lại gần mũi mình.


Diễn biến cực kỳ nhanh và phức tạp, không ai hình dung được ở khuôn viên sau lưng một ngôi chùa, có người đàn ông đang cố cầm bàn tay một cô bé mới lớn để kéo về phía mũi mình, còn cô bé thì bất mãn giằng tay lại. Bàn tay kia của Thủy bị người phụ nữ giữ lấy một cách vô thức vì bà, cũng như cô, đang há miệng ngạc nhiên trước cảnh tượng này.


- Ngừng lại. Có chuyện gì vậy?

Một giọng nói vang lên, ẩn chứa uy lực và sự trầm tĩnh khiến tất cả động tác giằng co ngưng lại. Người đàn ông buông tay Thủy ra.


Mái tóc phong sương, thân hình vuông vức, gương mặt vuông vức, giọng nói cũng vuông vức vững vàng, một người đàn ông bước rất nhanh đến đứng giữa người đàn ông, người phụ nữ lạ mặt và Thủy.


Thủy hồ hởi reo lên:

- Sư phụ…


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}