Thương người ta, hại người nhà
Con thì không ngó, lo xa lo gần
Để con một xó chẳng cần
Nữa già lại muốn người thân lo mình.
***
Mặt trời dần lên cao, nắng xuyên qua cửa sổ rọi vào hàng ba.
Má chồng nằm trên chiếc ghế lắc thư giãn, đợi Hạnh pha cho ấm trà sâm nóng hổi để nhâm nhi ngắm vườn cây.
Từ lúc hơn năm giờ sáng Hạnh đã tất bật dậy để nấu cơm cho cha chồng mang đi ruộng. Mặc con cháu cứ hết lời khuyên bảo ông nên ở nhà, tuổi già sức yếu mà làm lụng cực nhọc rất nguy hiểm, nhỡ có chuyện gì, đồng không mông quạnh chẳng ai hay biết, tới ông trời cũng bó tay. Nhưng cha chồng Hạnh là một người bảo thủ và ngoan cố, lời người khác nói ông nghe không lọt tai nửa chữ, cứ thích làm theo ý mình mới vừa bụng.
Hạnh lại quay qua lo bữa sáng cho thằng Bo ăn để nó còn đi học. Xong cặm cụi bấc ấm nước pha trà cho bà má. Chẳng biết hồi con gái, ở nhà má ruột có được hầu hạ như nào, nhưng bây giờ bà ấy xem Hạnh như một con ở đích thực mà sai làm trăm ngàn chuyện vụn vặt.
Hạnh bưng ấm trà để lên bàn cạnh chỗ má chồng nằm, chầm chậm rót một ly chờ cho bớt nóng. Khéo bà ấy uống vào phỏng lưỡi lại chửi om sòm tét tát.
“Má không có gì dặn nữa thì con đi chợ nghen.”
“Ừ. Mà mày mua mớ tôm về nấu canh cho sấp nhỏ ăn.”
Hạnh lí nhí đáp dạ rồi quay ngoắt bỏ đi.
Tức cười, tiền thì chẳng đưa một xu mà mồm chỉ ăn thịt cá tôm cua.
Nhà này được mấy đứa mà sấp với chả nhỏ. Chắc là nấu cho thằng con yêu dấu của bà mà chẳng dám nói ra, mượn cớ bảo nấu cho thằng Bo. Trong mắt bà má thì con trai và cháu đều là “nhỏ” rồi. Con lớn ra sao vẫn là con của mẹ kia mà.
Mãi đến lúc nắng gần lên tới đỉnh đầu, Hạnh mới đi chợ về. Lạ thay, từ ngoài sân Hạnh đã trông thấy thằng chồng đang xun xoe bên cạnh má nó, mặt mày hớn hở, miệng mồm liến thoắng.
Hôm qua về nhà hắn còn say quắc cần câu, bây giờ tươi tỉnh hẳn ra. Chắc bụng dạ lại đang toan tính chuyện chi rồi.
Hạnh gặp hắn, gật đầu qua loa rồi đi thẳng vô bếp chuẩn bị nấu cơm trưa.
Ngoài vườn tiếng chim ríu rít liên hồi, lát sau lại nghe tiếng má chồng hét lên.
“Mày nói cái gì? Làm ăn?”
Hạnh loáng thoáng dỏng tai nghe xem chuyện gì, nhưng không buồn chạy lên coi.
Tình mẹ con có chắc bền lâu, đằng nào cũng có ngày thằng con trai yêu dấu và hư đốn sẽ chọc cho má già điên lên.
“Con nói cho con mượn ít tiền, con với mấy đứa bạn hùn vốn lại mần ăn. Chừng mấy tháng sau là sinh lời rồi con trả má.” Hiền bày thói nhõng nhẽo với bà má.
Má chồng nheo mắt, hoài nghi nhìn hắn.
Con trai biết làm ăn là tốt, nhưng thằng Hiền mà làm ăn thì mười kèo bể hết mười một. Bà nửa tin nửa nghi. Cho thì lo, mà không cho thì tội.
“Mày chơi hụi hay gì mà mấy tháng sinh lời. Má tin mày được không?”
Tiền của bà ấy là tiền quý tiền giá, bà còn chẳng dám xài, tội tình gì mà đem cho người khác dễ dàng như vậy. Con trai cũng không được, chớ nói gì con dâu, càng không. Dầu bụng dạ nghĩ vậy nhưng lần nào bà cũng móc tiền ra cho Hiền.
“Có đâu má. Không lẽ nhìn mặt con không uy tín hả má?”
“Ừ. Mặt mày gian lắm.”
Chẳng biết giống ai, nhưng cái mặt nó chả có tí uy tín nào để người ta tin tưởng. Bình thường tiền bạc vòi được đều đem cung phụng cho bầy bợm rượu, không thì cũng đem đổ vào cúng cho mấy sòng bạc, rồi bị người ta hăm đánh què chân lọi tay. Ông với bà biết tỏng nhưng mắt nhắm mắt mở làm ngơ, dẫu sao thằng Hiền cũng chỉ ăn chơi, hắn chưa dám làm chuyện gì quá đáng như hại người.
“Con hứa với má là con làm ăn đàng hoàng, tới Tết con sẽ lì xì má lấy lộc. Nếu con mà nói dóc, trời đánh thánh…”
Hiền chột dạ, cảm thấy thề thốt quá nặng nên ngập ngừng không dám nói tiếp.
Má chồng thấy hắn chân thành nghiêm túc, ngỡ hắn quay đầu là bờ biết ăn năn hối cải, bụng dạ lại mềm ra.
“Bao nhiêu?”
Hiền lờ mờ đoán được mục đích sắp thành, hắn càng cười càng tưng bừng như pháo hoa. Rồi, hắn giơ ba ngón tay lên.
Má chồng thở phào, tưởng ba triệu, chừng này thì cũng không có bao nhiêu, bà có thể cho được.
“Để má đi lấy tiền.”
Bà chống tay đứng dậy đi, hắn lập tức đỡ dìu bà, miệng mồm không ngừng nịnh hót.
“Biết ngay má tốt nhất. Tới ba mươi triệu mà cũng có…”
Hiền còn chưa nói xong, má chồng đã liếc hắn một cái làm hắn sựng người.
“Gì hả? Mày nói bao nhiêu tao nghe không rõ?”
Hiền lắp bắp lặp lại: “Dạ… dạ ba chục.”
“Trời trời trời… Trời ơi.” Bà nghe xong choáng váng, hai chân nhũn đi loạng choạng lùi về sau. Nghe như sét đánh ngang tai!
“Thằng quỷ! Mày… mày cút đi, cút đi. Cái thân già của tao không có dư tiền cho mày đem đi làm ba cái chuyện khơi khơi.”
Bà đánh chát chát vào vai hắn, vừa chửi vừa đuổi. Chưa mắng được mấy câu đã cảm thấy tim đập dồn dập liên hồi, hoa mắt chóng mặt. Cái thằng ôn này còn ở đây để bà nhìn nó thêm giây nào, có lẽ bà sẽ lên cơn đau tim rồi lăn đùng ra chết.
“Cút! Mày biến khuất mắt tao!”
“Má làm gì ghê vậy. Không cho thì thôi chớ.”
“Mày nói vậy với má mà nghe được hả con?”
Hiền nghiến răng ken két, trừng mắt nhìn má nhưng chẳng dám hé môi nửa lời. Hắn không nói không rằng xách đít bang bang vào nhà dắt chiếc xe chạy đi.
Má chồng thở hồng hộc, vuốt vuốt ngực cho thông hơi, bà tức đến độ phổi sắp tắc nghẽn. Con với cái, trời đánh!
Hạnh nghe hết thảy đầu đuôi câu chuyện, trong bụng lờ mờ đoán gã chồng lấy cớ mượn tiền làm ăn để đi đánh bài mới đúng. Hắn còn một đống nợ nhỏ lẻ trả mới không hết, dồn mãi thành nợ nhỏ đẻ nợ to.
Thế rồi, Hạnh tưởng hắn chỉ giận dỗi bỏ nhà đi chơi đâu đó, đằng nào đến tối cũng vác mặt về, có bao giờ mà bỏ đi được lâu.
Nhưng lần này lạ thay, gần mười giờ tối vẫn chưa thấy hắn về. Hạnh ngóng mãi, ngóng mãi, ruột gan bồn chồn, đứng ngồi thấp thỏm không yên.
Nếu là ngày thường, hắn có đi đến mấy ngày Hạnh cũng chẳng quan tâm, nhưng nay lại khác, Hạnh mong hắn về sớm một chút.
Mới giấc nãy thôi, thằng Bo nóng sốt dữ tợn, nó ăn cái gì vào bụng cũng ói ra. Chẳng lâu sau nó khóc ầm lên bảo với Hạnh rằng nó đau đầu dữ dội, cả người nóng hừng hực như mới đun trên lò lửa.
Hạnh gọi cho thằng Tùng - con trai lớn đang làm việc trên trạm xá của xã, mãi mà thằng Tùng không nghe máy.
Khổ nỗi, Hạnh mới đành gọi cho Hiền. Cha nào con nấy, chẳng một người chịu bắt máy cho nhờ. Lòng Hạnh sốt lên như bếp than hồng, ruột gan bồn chồn đi ra đi vào lấy nước chườm cho thằng Bo, sẵn ngóng Hiền về.
Má chồng thấy cháu trai bệnh lặt lìa, cơm ăn không vô cháo nuốt không trôi, bụng dạ cũng xót. Bà ngồi bên mép giường, nắm lấy bàn tay nhỏ bé nóng ran của thằng Bo, chốc chốc lại vắt khăn ướt đắp lên trán nó. Quần quật suốt nửa tiếng nhưng nó vẫn chưa có dấu hiệu hạ sốt.
Hạnh lấy nhiệt kế đo lại lần nữa, hốt hoảng nhìn nhiệt độ từ ba mươi sáu giờ đã lên gần ba mươi chín.
“Trời ơi, sao nó sốt cao dữ vậy?” Má chồng cũng giật thót cảm thán. “Con mày giống bị sốt xuất huyết rồi Hạnh ơi, gọi thằng Hiền về liền đi.”
“Con gọi anh Hiền không nghe máy. Má gọi ảnh về gIùm con đi.”
Sau đó, má chồng lấy điện thoại gọi cho con trai, giờ này nó chết ở cái quán nhậu nào không biết. Liên tiếp mấy cuộc đều máy bận. Đến cuộc thứ mười một, Hiền mới chịu bắt máy cho nhờ.
Hạnh mừng rỡ như tóm được cọng rơm cứu mạng. Đang tình cảnh dầu sôi lửa bỏng mà chẳng có lấy mống đàn ông trong nhà được việc. Cha chồng tuổi già sức yếu, nửa đêm nửa hôm chẳng nhẽ phiền hà đến ông.
“Ông đang ở đâu đấy? Thằng Bo sốt sắp phát rồ rồi. Mau về chở con đi bệnh viện đi.”
“Cái gì? Nghe không rõ.”
Hạnh loáng thoáng nghe bên ấy ồn lắm, còn có tiếng còi xe cấp cứu.
Còn chưa đợi Hạnh nói lại, Hiền gấp gáp bảo: “Chuyện gì đợi tôi về nói sau đi. Bận chạy xe cấp cứu rồi.”
Rồi Hiền cúp máy ngang xương, tiếng bíp ngắn ngủi còn văng vẳng bên tai Hạnh, chết lặng.
“Nó nói gì?” Má chồng lo lắng hỏi.
Sắc mặt Hạnh trở nên tăm tối, u tịch. Hạnh chùng giọng: “Bận chạy xe cấp cứu rồi ạ.”
“Trời đất, cái thằng này!”
Đến má chồng còn cảm thấy bất bình thay cho cháu trai, vậy mà người cha ruột nào đó có thèm ngó ngàng đến đứa con tội nghiệp đang đau đớn vì bệnh tật. Một đứa trẻ sốt đêm là đáng thương nhất, vì biết đâu khi trời sáng lên, cuộc đời của nó sẽ kết thúc.
Nhìn Thằng Bo sốt đến mê man, lòng Hạnh nhói như bị ai lấy dao cắt đi từng khúc ruột. Nhưng người ta có biết đau là gì, vì người ta đã bao giờ sinh ra nó, yêu thương và quan tâm nó như một đứa con ruột rà máu mủ của mình.
Trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc của giữa người nhà và người lạ, hắn lại chọn cứu lấy một người dưng không thân cũng chẳng quen. Phải nhỉ, hắn là thành viên tận tụy cống hiến vì Hội chữ thập đỏ trên xã, bởi vì mắc nợ thiên hạ, nên hắn phải đi trả nghiệp đời.
Nhưng rồi…
Lúc con còn nhỏ không lo, đến khi ốm yếu mong cho lo mình.
Hạnh thấy lòng đắng chát, cố nuốt ngược nước mắt vào trong.
Mãi đến gần nửa đêm, thằng Tùng mới gọi lại cho Hạnh. Hạnh mừng phát khóc, bảo nó về nhà gấp trong đêm để chở em đi bệnh viện tỉnh.
Bình luận
Chưa có bình luận