Ai ơi nhớ lấy cho rằng:
“Dâu con khác họ, chớ thân nhà chồng.”
Đời bảo khác máu tanh lòng
Họ thương con họ, chớ mong thương mình.
***
“Con Hạnh đâu rồi? Mày chết đâu rồi hả con kia?”
Hạnh đang loay hoay nấu dở nồi canh thì nghe tiếng quát tháo giật ngược giật xuôi của má chồng ở nhà trước.
Ngày một già lại càng thêm khó tính. Chẳng bao giờ thấy bà ấy gọi thằng con trai út yêu quý của bà bằng cái giọng chua ngoa, đanh đá như vậy cả.
“Dạ.” Hạnh cất cao giọng đáp rõ to, nhưng má chồng cứ gọi í ới xuống.
Có trời mới biết bà ấy lại giở chứng gì.
Từ lúc Hạnh về nhà này đến giờ cũng hơn hai chục năm, thế là má chồng có hơn hai chục năm chẳng động móng tay, vậy đó chớ ngồi không cũng phải đày đọa Hạnh cho bằng được.
Hạnh vặn lửa nhỏ, đậy nắp nồi rồi chạy ra nhà trước xem có chuyện gì.
Thấy cảnh má chồng đang nằm võng phè phỡn xem chương trình ca nhạc trên tivi, quạt gió hiu hiu mát rượi, Hạnh đứng hình.
“Má kêu con chuyện gì?”
“Cái con này, tao kêu cả buổi trời mà lâu lơ lâu lắc vậy?” Má chồng còn chẳng cảm thông cho sự bận rộn của Hạnh, chăm chăm vào cái sai mà mắng nhiếc. “Lại đây bóp chân cho tao coi, lại bị vọp bẻ rồi.”
Hạnh len lén bĩu môi, chần chừ không muốn lại nhưng vẫn phải đi lấy chai dầu gió xanh bóp chân cho má chồng.
Cái bà này hay trở bệnh thế nhỉ? Cứ mấy tháng gần Tết là bà ấy lại than đau nhức khắp người.
Ấy thế mà…
Mỗi tháng con trai lớn đều mua sữa canxi cho bà uống, nhưng bà nào có dám động vào đồ quý đồ ngon. Bao nhiêu đồ bổ dưỡng đem cất hết vào tủ, quà bánh người ta mang đến biếu cũng chẳng đem ra mà dùng. Ngày này qua tháng nọ, đồ thì chất đầy tủ, còn người thì ngày càng yếu đi. Bà ấy không ăn cũng không muốn cho ăn động vào, lúc lấy ra lại hết hạn sử dụng quá nửa.
Từ hồi mới về làm dâu, Hạnh đã nghe láng xóm mách tai cái tật “ki bo, bủn xỉn” của má chồng, nhưng nghe cho vui rồi cười cho qua, nào có tin đó là sự thật. Cho tới khi ở trong chăn mới biết chăn có rặn, không những keo kiệt mà còn mắc bệnh tiểu thơ đài các.
Bóp mãi, bóp mãi má chồng mới chịu thôi cho nhờ. Hết đau cái chân liền đi ra vườn ngắm hoa ngắm cỏ. Hạnh quần quật suốt buổi sáng, tới gần trưa cũng chưa nấu xong bữa cơm. Thế nào lúc cha chồng đi đồng về chẳng quở cho.
Gần mười một giờ trưa, mấy người trong nhà lúc sáng đã di tản khắp mọi nơi, tới giờ cơm liền quy tụ trở về. Hạnh tất bật dọn mâm, bận luôn tay luôn chân như thể đang tiếp đãi khách quý - những vị khách mỗi ngày đều ngồi mát ăn bát vàng.
Má chồng ngồi chễm chệ, khí chất tiểu thơ ngày xưa toát ra từ người bà. Bà nhìn hạnh như nhìn kẻ tôi tớ đang hầu hạ bữa trưa cho gia đình.
Mâm cơm vừa dọn xong đủ đầy, thằng út quý tử của má chồng - chồng Hạnh chạy con xe độ bô về tới. Hắn lúc nào cũng ồn ào, đi tới đâu chứng tỏ sự tồn tại của bản thân tới đó, như muốn cả thế giới này phải biết đến hắn và trố mắt nhìn.
“Hiền về rồi hả con? Cơm mới dọn còn nóng nè, vô ăn cho ngon.”
“Nay nhà ăn cơm trễ dữ ta.” Hiền tỏ thái độ móc mỉa, nói bâng quơ trúng ai thì trúng.
“Vợ mày lề mề tới giờ mới xong đó.”
Hạnh xoay người nhìn gã chồng, gật đầu chào một cái. Lại vô tình trông thấy biểu cảm của má chồng lúc nhìn con trai cưng của bà, sao mà khác xa một trời một vực. Cũng mấy chục năm, nhưng hễ nghĩ đến lại không khỏi chạnh lòng chua xót.
Con trong nhà và con người ta, dễ biết bên nặng bên nhẹ.
“Thằng Bo đâu rồi? Kêu nó ra ăn cơm luôn.”
Má chồng nhắc Hạnh gọi thằng cháu cưng của bà ra ăn chung cho vui.
Thằng Bo - con trai út của Hạnh đã mười tuổi. Ngày lớn nó càng thích một mình trốn trong phòng chơi điện tử, thái độ hời hợt xa cách của nó khiến cho má chồng thấy không vui. Nhưng dẫu gì vẫn là cháu trai ruột trong nhà, lì lợm một chút vẫn không sao.
Hạnh gọi con trai ra bàn ăn chung với cả nhà, nó miễn cưỡng ngồi gần bà nội, nhưng trông mặt bí xị chẳng vui cho bà mừng.
“Học hành sao mà nay mặt buồn hiu vậy Bo?”
Bà gắp cục thịt toàn mỡ vào chén thằng cháu, làm giọng trìu mến ân cần hỏi han chuyện học tập của nó.
Thằng Bo cầm chén lên thu lại, tỏ ý không muốn nhận cục mỡ từ bà, nó lắc đầu, lí nhí: “Dạ, bình thường.”
“Bình thường cái gì, nhìn mặt mày là biết học ngu rồi. Mày mà để ông thầy gọi về mắng vốn là tao đánh chết, nghe chưa?”
Gã chồng vừa nhai miếng thịt nhồm nhoàm trong miệng, vừa hầm hầm răn đe về chuyện học của con trai.
Hạnh ngồi bên im lặng không hé môi nửa lời, lặng lẽ ăn vội chén cơm. Bên ngoài sự trầm tĩnh như không mảy may chuyện gì, nhưng bên trong ruột gan đã nóng bừng. Trong lòng Hạnh thầm rủa chồng là thằng khốn nạn. Ngày thường hắn có quan tâm đến con cái bao giờ. Bảo đưa đón con đi học cũng chẳng thèm đưa, còn nói rằng nó lớn rồi tự đạp xe mà đi. Lại từ đó kêu tập cho con chạy xe nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu. Thế đấy, chỉ cần thằng nhỏ làm sai cái chuyện bé tí mà hắn cũng gào mồm lên chửi cho hả lòng hả dạ, không thỏa lại cầm cây roi đánh nó khóc ầm lên.
Hôm nào sáng bảnh mắt ra hắn chỉ biết lo ăn bận bảnh bao, chải chuốt đầu tóc bóng bẩy, quần áo thì ủi cho mướt rượt, rồi lại lấy xe chạy khắp làng trên xóm dưới kiếm mấy thằng bợm nhậu làm hết kèo này tới kèo khác. Tối về người không ra người, ma không ra ma. Mình mẩy dơ dáy hôi thối, miệng mồm chửi rủa dậy trời, lại thêm thói động tay động chân với vợ. Thử hỏi có thằng chồng nào “sống chó” như thằng này nữa không?
Tóm lại mà nói thì, mỗi ngày hắn đều trong trạng thái “sáng tỉnh tối mơ”.
Nhưng biết làm sao, cha má hắn sống sờ sờ đó còn chưa nói gì, nói cũng chẳng thấm thía gì, thì một kẻ “người ngoài” như Hạnh sao dám lên tiếng phàn nàn. Cứ vậy mà lẳng lặng chịu đựng ròng rã hơn hai mươi năm.
Chồng đã tồi thì cũng thôi, thêm má chồng thích giở thói chèn ép con dâu, cuộc đời Hạnh coi như không còn gì để nói thêm. Trong cái rủi vẫn còn cái may, cha chồng rất thấu tình đạt lý, ông là người có tiếng nói nhất trong nhà nên lúc nào cũng mở lời che chở cho Hạnh. Bởi lẽ thường tình, cha chồng và cha ruột của Hạnh coi như là bạn bè giao hảo, cha chồng ngỏ lời hỏi cưới con dâu, cha Hạnh vì tình nghĩa nên cũng đồng ý, dẫu biết thằng Hiền nhà này chẳng được cái tích sự gì.
Từ cái ngày mà hai nhà hứa hẹn cưới gả, nhà họ Lê có thêm một con ở đợ miễn phí trọn đời, còn đời Hạnh thì đặt dấu chấm phẩy dở dang. Bỏ ngang thì dễ, muốn viết tiếp lại không biết viết thế nào.
Người ta hay bảo “cơm chan nước mắt”, nhưng Hạnh lại thấy cơm này chan dòng máu tanh. Lạnh lùng, tanh tưởi, nuốt mãi chẳng trôi.
Hai chục năm, bữa cơm nào cũng nhạt nhẽo và lạc lõng.
Bình luận
Chưa có bình luận