Lúc tôi về đến nhà thì bố đang nằm trên giường nghỉ ngơi để chiều nay còn đi làm. Tôi vào phòng hưởng ké điều hòa của bố rồi ôm bố khiến bố tôi tỉnh giấc, bố vừa ngái ngủ vừa ôm lại tôi rồi thắc mắc hỏi: "Trưa nay không ăn cơm trong bà mà lại đi ăn ở ngoài à?"
"Nãy con đi ăn mỳ cay với bạn nên hôm nay con không ăn trưa trong bà". Tôi đáp.
Nghe thấy vậy, bố tôi liền nhắc: "Thế chiều nay đi học về thì vào thẳng trong bà luôn nhé, hôm nay ngày rằm nên tối nay bố vào trong bà ăn cơm".
Bố không biết tuần này thầy Cường cho lớp nghỉ, tôi bảo với bố: "Chiều nay thầy Cường cho nghỉ, khi nào bố đi thì con cũng đi chung".
"Thế chiều nay rảnh rỗi con vào giúp bà nấu cơm đi". Bố ngái ngủ dặn: "Chứ để một mình bà chuẩn bị cơm cháo lại vất vả cho bà. Nay nhà bác Hoa cũng vào nữa".
Tôi nghe lời bố rồi đáp vâng ạ. Vậy là tối nay lại được dịp đi gặp đám Lan, Bình rồi. Không biết tối nay chúng nó có rảnh để đi ra công viên chơi với tôi không, nhưng hôm nay là khai giảng, nếu có lịch học thì có lẽ phần lớn các thầy cô cũng sẽ cho nghỉ thôi.
Tôi ở nhà ngồi chơi đến tận 4 giờ chiều mới bắt đầu xách xe đi vào trong bà như bố dặn. Bọn con Lan, Bình hôm nay không đi học nên lúc tôi đến thì chúng nó vẫn còn đang ngồi chễm chệ trên ghế trường kỷ của ông xem ti vi với nhau. Vừa thấy tôi bước chân vào cửa thì nhỏ Bình đã ngạc nhiên hỏi: "Ủa! Sao hôm nay mày vào trong bà sớm vậy?".
"Bố bảo chiều nay được nghỉ học thì vào nấu cơm cho bà". Tôi cười đáp, rồi tôi ngó thử vào trong bếp thì chẳng thấy bà đâu. Nhà để xe lúc tôi đến thì cũng không thấy có xe của bà, có lẽ là bà đang đi đâu đấy, tôi thắc mắc hỏi bọn nó: "Bà đâu?"
Con Bình nhanh nhảu bảo: "Trước lúc mày vào thì bà đã đi chợ rồi, có mỗi mình bọn tao ở nhà trông nhà thôi à".
Vậy là chỉ có mỗi ba chị em ở nhà trong nhà tầm này thôi sao! Chắc tí nữa tầm 4 rưỡi là bà về đến nhà rồi, thường thì bà đi chợ cũng không lâu lắm, còn ông thì chiều nào cũng đi bộ loanh quanh chỗ công viên đến sát giờ cơm mới về. Đang tranh thủ không có người lớn ở trong nhà, tôi ngồi xuống cái ghế đối diện bọn nó rồi hỏi: "Tối nay bọn mày có rảnh không? Đi ra công viên chơi đi?"
Con Bình nghe vậy thì hí hửng bảo: "Được nha, hôm nay cô Tiến cho lớp tao nghỉ tại tối nay cô đi ăn với mấy thầy cô trên trường nên tối nay tao không cần phải đi học. Còn Lan thì sao?"
Con Lan cũng gật đầu đáp: "Hôm nay em không phải đi học mà, nên tối nay em đi được. Tối nay Bình chở em đi nhé?".
"Ủa nhưng mà Lan có xe đạp riêng rồi mà, cần gì phải để chị chở đi nữa". Con Bình thắc mắc.
Mắt con Lan bắt đầu nhấp nháy, nó chớp mắt nhìn Bình rồi cười bảo: "Tại em lười đạp xe đó, tối nay Bình chở em đi đi".
"Thôi cũng được". Con Bình quay sang tôi rồi rủ: "Tối nay ra Mr Good Tea mua trà sữa đi, tao đang thèm trà sữa quá".
Mr Good Tea thì tôi cũng đang thèm đấy, nhưng mà tôi còn phải để dành tiền thứ 7 đi chơi nữa, sáng nay vừa đả hết 75 nghìn rồi nên giờ tôi cũng bắt đầu thấy hơi xót ví: "Thôi, đang nghèo, sáng nay vừa đốt tiền ăn mỳ cay, thứ 7 còn có hẹn đi ăn nướng nữa".
Con Lan quay sang bảo với tôi: "Hay là đi uống trà sữa 10 nghìn ở Bobby Tea cũng được. Không nhất thiết phải ra Mr Good Tea đâu".
"Cũng được, lâu rồi tao không uống trà sữa cam ở đấy". Tôi đáp. Từ hồi nhỏ đến lớn tôi rất thích uống nước cam, nên bao giờ mà có đi uống gì đấy có vị cam là kiểu gì tôi cũng ưu tiên chọn. Ngoài vị cam ra thì tôi còn thích sô cô la nữa. Cơ mà mấy tháng nay đi uống trà sữa ở Bobby Tea thì tôi toàn gọi sô cô la tại thèm, mà ở Mr Goodtea thì không bán trà sữa cam nên mấy tháng rồi tôi không uống vị này.
Bọn tôi ngồi buôn chuyện được một lúc thì nghe thấy tiếng xe đạp của bà. Nhà nào ở trong cái ngõ này cũng có một tiếng xe rất là đặc trưng, chỉ cần nghe tiếng xe là biết ai đang ở bên ngoài liền. Mà người dân ở đây ai nấy cũng đều đi xe máy, có mỗi bà là dùng xe đạp. Lần nào đi chợ bà cũng mặc chiếc áo chống nắng màu xanh mà bà tự may với đội chiếc nón lá bà mua từ hồi tôi còn học tiểu học. Lúc bà vừa mở cổng dắt xe vào nhà tôi liền ngó ra cửa chào bà một tiếng. Bà vừa trông thấy tôi thì ngạc nhiên hỏi: "Nay vào trong bà sớm ghê nhỉ! Tưởng tối nay hai bố con mới vào".
Tôi cũng thành thật đáp: "Bố con bảo nay được nghỉ thì vào nấu cơm hộ bà".
Nuôi cháu trai lớn tồng ngồng thế này mà chẳng mấy khi thấy nó phụ bà nấu cơm. Bà nghe vậy thì niềm nở cất xe ở nhà để xe rồi nói: "Thế tí nữa bà quay thịt xong thì vào rán nem với xào thịt bò hộ bà nhá".
"Dạ vâng ạ". Tôi đáp, rồi tiếp tục quay mặt về hướng ti vi xem phim. Có một điều rất là kỳ lạ mà tôi hay để ý ở ba đứa chúng tôi, đó là chỉ cần trong nhà có người lớn thì tự động cả ba đứa đều không biết nói cái gì. Có lẽ do trong nhà có người lớn nên cả ba đứa nói chuyện không được thoải mái lắm. Đây là lý do lớn nhất mà tôi có thể cảm nhận được mỗi khi chúng tôi im lặng. Này thì cũng phải thôi, có người lớn ở bên cạnh thì làm sao bọn tôi có thể thoải mái nói tục chửi bậy được chứ.
Bây giờ mới có hơn 4 rưỡi chiều, thường thì đến giờ này bà sẽ đi nhóm lửa bếp than để tí nữa bà nấu cơm. Tôi để ý thấy là trong ngõ này chả còn mấy ai dùng bếp than để nấu cơm nữa, có mỗi nhà bà với nhà cô Hằng là vẫn còn dùng. Nhà cô Hằng bao giờ cũng nhóm bếp từ tầm 3 rưỡi để đun nước, nên trong ngày kiểu gì cũng phải hai lần ngửi thấy mùi than. Bao giờ chuẩn bị nhóm bếp là kiểu gì bà với cô Hằng cũng gọi mọi người đóng hết cửa nẻo để khói không bay vào nhà.
Việc đóng cửa cũng chỉ ngăn khói không bay vào làm cay mắt, chứ mũi thì vẫn ngửi được cái mùi than cháy khét lẹt. Không hiểu động cơ nào làm cho bà với nhà cô Hằng ngày nào cũng đều đặn đi nhóm than như thế dù nhà có bếp ga, nhưng có lẽ lói quen này được duy trì từ ngày xửa ngày xưa lận.
"Mở cửa được rồi đấy". Bà gọi với ra từ bên ngoài. Tôi ngồi ngay cạnh cửa hông nên chỉ cần với tay tới nắm cửa là đã mở được rồi. Lúc mở cửa ra thì mùi than đã bay hết, trên bếp than là nồi nước bà đang đun để chuẩn bị làm thịt quay. Bà cũng tranh thủ đang đun nước thì vào bếp gọt vỏ rau củ để trộn nem.
Lúc bà đang ở trong bếp thì tôi nói vọng ra từ trên ghế: "Tí bà trộn nem bà cho nhiều thịt nha bà!".
"Thích ăn nhiều thịt à?". Bà ở trong bếp hỏi.
"Dạ vâng ạ". Tôi trả lời.
Bà cũng vui vẻ bảo: "Thế để tí bà trộn nhiều thịt hơn mọi hôm".
Được đâu đó tầm 6, 7 phút thì thấy tiếng rửa rau ở trong bếp, bà nói vọng từ trong bếp ra với bọn tôi: "Đứa nào ra xem nước sôi chưa rồi thả thịt vào nồi hộ bà với".
Tôi chạy ra xem thử thì thấy nước đang sôi rồi, tôi gắp hai miếng thịt ở trong thau ra rồi thả vào nồi. Lúc ngó qua bếp từ cửa chính lúc chạy vào thì tôi thấy bà đang gọt rau củ vào rổ.
Nem rán với thịt quay là hai món tôi thích ăn nhất vào mấy mùa lễ, Tết. Hôm nay làm rằm tháng 7 nên cũng là dịp tôi được ăn hai món này. Thỉnh thoảng có những hôm tôi không biết làm gì nên ngồi xem bà nấu cơm, thế là cũng học lỏm được cách làm thịt quay với nem rán. Có một lần hồi lớp 9 học Công nghệ có bài làm nem, cô cho cả lớp bưng bếp ra sân trường làm. Tôi học lỏm được từ bà nên cũng biết mỗi bước thì sẽ phải làm gì, chỉ có bước cuốn nem là tôi không biết cuốn sao cho nem nó nhìn đẹp, cuốn thử một miếng thì thấy nó xẹp lép nên phải đứng sang một bên cho con Hương nó cuốn hộ.
Nem rán thì tôi không biết cách cuốn, còn quay thịt thì tôi ngại nhất là lúc cho thịt vào chảo dầu. Nếu mà không dùng vung đậy nắp bếp lại thì dầu mỡ bắn tung tóe khắp người. Đấy cũng là lý do bao giờ quay thịt bà cũng làm ở ngoài sân, cho lên bếp ga nấu thì tường nhà dính đầy mỡ bẩn không chịu nổi. Lúc thịt được trần sơ qua thì tôi ngó thấy bà bê thịt ra bát ô tô rồi tẩm ướp gia vị. Cơ bản là ướp thịt cũng không mất nhiều thời gian cho gia vị ngấm như ướp gà lắm nên vừa nêm gia vị xong thì bà cũng cho thịt vào chảo dầu. Mới thả có miếng thịt mà chảo dầu đã kêu lách ta lách tách tiếng mỡ nổ.
Phía bên kia hàng rào nhà cô Hằng tôi cũng nghe thấy tiếng lép bép của dầu mỡ. Hôm nay ngày rằm toàn món phức tạp nên cô Hằng cũng không sai thằng Thành đi nấu gì, thường thì tôi để ý thấy nó hay đi nấu canh hoặc rán đậu. Bà với cô Hằng vừa nấu cơm vừa tranh thủ nói chuyện phiếm cho đỡ chán.
"Khiếp! Nay đi chợ có hàng thịt bò bán thịt đỏ tươi roi rói nhìn thích lắm Hằng ạ. Lúc đến xem miếng thịt vẫn còn đang co giật thế là phải mua vội".
"Nay con đi chợ nhiều hàng bán thịt mới mổ lắm bà ạ. Nay ngày rằm nên con cũng phải tranh thủ đi chợ sớm".
Quay thịt xong thì bà gọi tôi rồi bảo: "Thanh ơi ra đây rán nem hộ bà cái". Tôi cũng lóc cóc chạy ra sân với bà. Hai miếng thịt quay thơm lừng sực vào mũi tôi làm tôi thèm nhỏ dãi. Điều làm tôi tiếc nhất ở thịt quay là bao giờ bà cũng để nguội rồi mới thái thịt, thành thử lúc thái xong thì thịt trông cũng không còn được mọng nước như lúc mới vớt ra nữa, nên lúc ăn sẽ cảm thấy thịt khô hơn lúc mới vớt khỏi chảo.
Bên cạnh đĩa thịt là rổ nhân nem mà bà trộn lúc luộc thịt. Bên trên là gói bánh đa nâu để cuốn nem. Bà vừa cuộn nem vừa cho vào chảo dầu để tôi ngồi lật, miếng nào chín tới thì vớt ra đĩa.
"Tí nữa cúng xong thì bà rán lại nem cho nó chín. Giờ con thấy miếng nào vàng vàng một tí là vớt ra được rồi". Nói xong, bà trộn trứng trong rổ rồi lấy một ít nhân thoa đều mặt bánh đa để cuộn. Cuộn xong thì bà thả thẳng vào chảo dầu. Chỗ nem hôm nay bà cuộn khá nhiều, cũng phải hơn hai gói bánh đa mới cuộn được hết. Có một số miếng lúc tôi lật thì bị rách đoạn nhỏ, cũng may là không bị rơi nhân ngoài. Chỉ mong đến giờ cơm nhanh nhanh để còn ăn bánh đa nem.
"Nhìn hộ bà xem mấy giờ rồi". Bà nói xong thì tôi giở điện thoại ra xem, bây giờ đã gần 5 giờ rưỡi. Giờ này chắc bố cũng mới về đến nhà không lâu.
"Mấy phút nữa bố mày vào làm thịt gà. Bác Hoàng thì 6 giờ mới vào. Không biết hôm nay bác Hoa có đi trực ở bệnh viện không, nếu mà đi trực thì để phần cơm cho bác Hoa". Rồi bà quay sang gọi với về phía đám Lan, Bình: "Hai đứa gọi cho mẹ hộ bà xem hôm nay mẹ có phải trực ở bệnh viện không, để bà để phần".
Ở trên sân thượng nhà bà có một chuồng gà bà nuôi để hôm nào đến lễ, Tết thì bà đem đi thịt. Dạo này bà nuôi một cặp gà trống với gà mái nên số trứng trong nhà toàn là sản lượng tự cung tự cấp. Rán xong hết đĩa nem thì vẫn còn thừa ba cuộn bánh đa, lúc tôi bưng đĩa đem cất trong bếp thì con Lan bảo với bà: "Nay mẹ con không phải trực ạ".
"Thế cũng đỡ phải để phần, tí nữa cúng xong thì Thanh xào thịt bò nhá". Bà quay sang dặn tôi.
Tôi đáp vâng ạ rồi ngồi xem tivi cùng với đám Lan, Bình. Bà lại cặm cụi ở trong bếp nấu canh măng. Trên cái bếp than bà để một cái siêu nước. Bên ngoài trời cũng bắt đầu tắt nắng, ánh nắng chiếu xuống sân cũng bắt đầu nhạt dần, thời tiết lúc 5 giờ vẫn dễ chịu, mát mẻ hơn so với lúc 3 giờ.
Vừa mới ngồi được không lâu thì tôi nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc, rồi sau đó là tiếng mở cổng. Tôi ngó ra nhìn thì thấy bố bước vào cùng với túi bún rối. Hôm nay bố mặc áo polo màu xám với quần âu màu nâu đậm trông khá hợp với tuổi trung tuần.
Mới nghe thấy tiếng mở cổng, bà đã hỏi vọng ra từ trong bếp: "Ai đấy? Cậu Sơn vào à?".
"Bố con vào ạ". Tôi nói vào trong bếp.
Bố tôi đổi sang dép đi trong nhà rồi vào cửa, lúc bố bước vào trong nhà thì tôi gọi "bố" một tiếng. Bọn con Lan, Bình cũng mở mồm ra chào: "Con chào cậu ạ".
Bố quay sang bọn tôi khẽ gật đầu rồi "ừ" một tiếng. Bố vào thẳng trong bếp rồi bảo với bà: "Bà! Nay con mua thêm ít bún cho cả nhà cùng ăn".
Mặc dù tôi không ở trong bếp, nhưng qua giọng của bà thì tôi có thể cảm nhận được bà đang nhìn túi bún rồi bảo: "Ối dồi! Thế mà không bảo trước. Lại lỡ cắm nhiều cơm mất rồi".
Bố tặc lưỡi vui vẻ bảo bà: "Bà cứ lo làm gì! Cơm thừa thì sáng sớm mai bà rang cơm cho bọn trẻ con ăn. Thằng Thanh thích ăn bún với nem nên con mới mua thêm bún chứ". Rồi bố hỏi: "Mẹ bắt gà chưa? Để con chuẩn bị thịt".
"Chưa, đã bắt đâu. Giờ mới bắt đầu nấu canh măng đây này". Bà đáp.
"Thế để con lên tầng bắt gà". Bố vừa nói xong thì lên thẳng trên tầng 3. Im lặng được một lúc đã nghe thấy tiếng gà kêu ầm trời. Lúc bố đi xuống thì đã thấy trên tay cầm con gà chắc nịch, không cựa quậy nổi. Con gà cũng chỉ biết nằm im chịu trận. Bố đem hẳn con gà ra ngoài sân rồi lấy dao cắt tiết.
Sao người lớn có thể cầm dao cắt tiết gà mà không thấy ghê tay được nhỉ? Tôi ngồi nhìn con gà cựa quậy, chết dần chết mòn mà không khỏi cảm thấy rùng mình. Máu từ vùng tai con gà chảy ra như thác nước, lúc còn róc rách một tí tiết thì bố gọi tôi: "Thanh ơi, ra đổ nước sôi vào thau hộ bố với".
Tôi chạy ra sân lấy khăn tay rồi đổ nước sôi vào thau, khói chảy ra che hết kính tôi làm tôi gần như không thấy gì cả. Sau đó bố bảo tôi vặn ít nước từ vòi để nước không bị sôi quá.
Tôi ngồi nhìn bố thả hẳn con gà đã chết vào thau nước nóng rồi vặt lông vô cùng thành thạo. Hồi bố còn chưa làm việc ở văn phòng thì mấy ngày lễ, Tết bố bận liên miên, hiếm lắm mới có dịp được ăn cùng cả nhà, nhưng mà mỗi lần bố ở nhà thì kiểu gì cũng giúp bà làm gà luộc. Ngày thường bố tôi cũng hay làm gà xào, gà rán, nhưng chỉ có ngày lễ ở trong bà bố mới tự đi giết gà mà thôi. Mỗi lần ăn gà ở nhà thì bố toàn ra chợ nhờ người ta vặt hộ cho nhanh.
Bố vừa vặt lông gà vừa hỏi: "Nay có giúp bà được gì không con?".
Tôi lấy cái ghế ở gần đấy ra ngồi nhìn bố rồi bảo: "Có ạ, nãy con vừa rán nem hộ bà. Tí nữa bà cúng xong thì con xào thịt bò".
Bố hài lòng bảo: "Thế cũng được. Vào giúp được bà cái gì thì hay cái đấy. Thế biết cách làm nem rán chưa?"
Tôi bĩu môi đáp: "Có cuốn nem là con không biết cuốn thôi".
"Cuốn nem đơn giản mà, có gì khó đâu". Bố tôi ngạc nhiên đáp, rồi nói với tôi: "Thế để hôm nào ở nhà ăn nem thì bố dạy cách cuốn cho. Sau này lên đại học mà có thèm thì vẫn tự làm được".
Rồi bố tôi lại hỏi thêm: "Tí nữa xào thịt bò có cần bố hướng dẫn cho không?"
Tôi cũng thành thật đáp: "Chắc là không cần đâu ạ. Có mấy lần con ngồi nhìn nên cũng biết cách làm rồi".
Bố tôi tặc lưỡi khen: "Giỏi ghê! Mới ngồi nhìn thôi mà đã biết cách làm rồi".
Con gà chẳng mấy chốc đã trần trụi không còn miếng lông nào che thân. Bố tôi bắt đầu cầm dao ra mổ để moi hết nội tạng nó ra. Thật sự là tim, gan, mật các thứ lúc bố lôi ra nhìn nhớt nháp kinh khủng khiếp, tôi không muốn phải chạm vào mấy cái này một tí nào. Không biết sau này lấy chồng có phải tự tay làm thịt gà như thế này không, nếu có thì xin phép nhường hết công đoạn này cho chồng, mình chỉ phụ trách đoạn ngồi ăn thôi.
Tôi vừa ngồi nhìn bố móc nội tạng gà vừa thắc mắc hỏi: "Ở chợ người ta có bán sẵn thịt gà mổ sẵn như này không bố?".
Bố tôi liền đáp: "Có chứ, nhưng mà thịt gà sẵn thì đắt hơn gà tự mổ. Mà đi ra chợ mua gà sẵn thì khó phân biệt gà nào khỏe, gà nào bệnh. Tự chọn gà rồi tự mổ vẫn an toàn hơn con ạ".
Tôi liền cười bảo bố: "Thế sau này làm cơm cúng đỡ phải tự đi mua. Mổ gà như này nhìn mệt lắm".
Bố vừa rửa tay vừa đề xuất: "Không biết mổ gà thì sau này yêu đương với đứa nào biết mổ ấy, khi nào đến Tết thì bảo nó mổ cho".
Trên đời này đúng là chỉ có bố mới hiểu được mình, nghe phát là đã hiểu ý mình ngay. Mãi yêu bố nhất!
Nồi nước luộc đã được bà chuẩn bị sẵn, tôi lóc cóc theo sau bố vào bếp bỏ gà vào nồi. Bà đã thái xong thịt quay để lên mâm, bàn ăn thì gần như đã đầy đủ thêm nào miến, nem rán, xôi gấc rồi giò. Nồi canh măng bà nấu cũng đang chuẩn bị sôi. Tôi ngồi ở trong bếp chờ bà nấu canh măng, còn bố thì vào nhà vệ sinh rửa tay.
"Mấy giờ rồi". Bà hỏi.
"5 giờ 45 rồi ạ". Tôi nhìn điện thoại rồi đáp
Ông với nhà bác Khoa về cùng một lúc. Bác Hoàng vẫn còn mặc bộ đồ công sở áo sơ mi quần tây đen như ngày đi làm bình thường, còn bác Hoa thì thay bằng chiếc áo thêu hoa hồng với chiếc quần jeans màu xanh.
"Con chào bố, con chào mẹ, con chào ông". Cái Lan, cái Bình cùng đồng thanh chào, còn tôi thì chỉ mấp mé môi vừa đủ để mọi người biết là tôi có chào.
Mọi người cùng thay giày ở cửa rồi bác Hoa suýt soa: "Úi dời! Nhà mình vào đông đủ ghê nhỉ! Bố Thanh đâu?".
Tôi ngồi ở trong nhà bếp đáp: "Bố cháu đang đi rửa tay ạ".
Bây giờ vẫn chưa đến 6 giờ, bà thắc mắc ra cửa hỏi: "Tưởng 6 giờ mới vào mà. Sao hôm nay vào sớm thế?".
Bác Hoa ngồi lên giường đáp: "Nay anh Hoàng ở lại cơ quan một lúc nên thôi hai vợ chồng vào thẳng bà luôn. Bà nấu cơm đến đâu rồi?"
"Nốt con gà luộc đem đi cúng là ăn được rồi". Bà đáp, rồi bà lại lóc cóc chạy vào bếp chuẩn bị cơm cháo.
Ông đuổi hai con Lan, Bình ra khỏi ghế. Con Bình lóc cóc chạy lên trên tầng còn con Lan ở bên giường với mẹ. Bác Hoàng ngồi ở ghế đối diện ông còn bố thì giờ mới ra khỏi nhà vệ sinh.
Bác Hoàng vừa thấy bố ra thì hỏi: "Cậu Sơn dạo này thế nào rồi?"
Bố cũng ngồi ghế bên cạnh bác Hoàng rồi đáp: "Cũng được. Tuần vừa rồi bọn em mới bắt được thằng giết người ở đoạn gần nhà anh đấy".
Ở trong bếp cũng không có gì để làm, thế là tôi chạy thẳng lên trên tầng với con Bình ngồi cho đỡ chán. Con Bình đang nằm đọc quyển: "Án mạng đêm Giáng sinh" mà tôi cho nó mượn từ tuần trước. Tôi nằm bên cạnh nó rồi hỏi: "Đọc đến đâu rồi?"
Nó cười với tôi bảo: "Đang đọc đến đoạn nhỏ cháu gái thoát chết nè. Đụ má thấy ai cũng nghi nghi trừ nhỏ cháu gái".
Tôi ngó vào đoạn nó đang đọc rồi đùa: "Quyển này thủ phạm là Hercules Poirot đó".
Ngay lập tức nó đáp: "Cặc! Làm gì có chuyện Poirot là hung thủ. Ông đấy là thám tử cơ mà".
"Địt mẹ tao vẫn hối hận đợt năm ngoái bỏ tiền ra rạp xem án mạng tàu phương Đông". Tôi nhớ lại rồi kể: "Cái phim đấy phá nát hình tượng Poirot vãi lồn. Trong truyện Poirot bình tĩnh bao nhiêu thì Poirot trong phim sồn sồn bấy nhiêu. Xem phim mà không thấy ông đấy làm bật được lên cái am hiểu tâm lý của Poirot luôn á".
Con Bình lật sang trang khác rồi bảo: "Tao đọc truyện tao chỉ quan tâm ai là thủ phạm thôi à, chứ tao không có để ý nhiều đến Poirot lắm".
"Biết là vậy, nhưng mà tao bị mê Poirot á. Đi xem phim xong như bị dội cho gáo nước lạnh luôn". Tôi nằm tựa người vào nó rồi nói. "Mày nghĩ ai là hung thủ?"
"Thực sự là tao cũng không biết nữa. Kiểu đọc thấy ai cũng nghi nghi ấy". Rồi nó suy đoán: "Nhưng chắc chắn là không phải nhỏ cháu gái. Tại nó vừa thoát chết mà".
Tôi vẫn cố gắng hỏi: "Ừ, nhưng mà mày ai là người làm mày nghi ngờ nhất?"
"Nếu mà nghi nhất thì tao nghĩ chắc là David. Tại cái anh này có thù với bố từ lâu rồi"'. Rồi nó lại nghi vấn: "Nhưng mà tao thấy ai trong cái nhà này cũng không đủ động cơ để gây án ý. Kiểu nó cũng không đến mức phải đi giết cả bố mình. Chắc là tác giả vẫn còn che giấu động cơ nào khác".
Tôi tiết lộ cho nó: "Hung thủ là con của ông này. Đến chương cuối thì mày sẽ biết ai là hung thủ thôi. Đảm bảo không hối hận đâu".
"Đụ má! Ai trong cái nhà này mà chả là con của ông đấy". Nó cười đáp.
Tôi nằm yên lặng đọc sách cùng với con Bình. Quyển này tôi đọc từ hồi mới thi cấp 3 nhưng giờ vẫn ấn tượng mãi. Sách của Agatha lúc mới đầu tôi cảm thấy rất khó đọc vì rất ít quyển của bà vào thẳng vụ án mà phải rề rà đến nửa quyển mới bắt đầu có án mạng, nhưng sau này tôi đọc nhiều thì lại quen thuộc với văn phong của bà hơn.
6 giờ chiều trời bắt đầu tối dần. Dù rằng bây giờ ở ngoài trời vẫn còn sáng trưng nhưng mặt trời cũng chẳng đủ sức để chiếu thêm ánh nắng nào nữa. Tôi lặng lẽ nằm trên giường cảm nhận bầu trời lúc hoàng hôn thông qua cửa sổ, thầm cảm thấy kỳ diệu khi hoàng hôn cứ chậm rãi buông xuống.
Tôi nghe thấy tiếng bố đem mâm cơm cúng lên trên phòng thờ tầng hai. Ở nhà bà tôi có hai gian nhà nối liền nhau. Một là gian nhà cũ mà tôi đang nằm với con Bình hiện tại, một là gian nhà mới chỗ chúng tôi ngồi xem tivi ban nãy. Tôi không biết ông bà đã ở khu đất này từ bao giờ, tôi chỉ biết từ khi tôi được nhận nuôi thì bà đã ở đây lâu lắm rồi. Gian nhà cũ của bà có hai tầng, còn gian nhà mới thì có ba. Gian nhà mới được xây kể từ khi tôi bắt đầu lên lớp 2.
Đâu đó được một lúc, tôi thấy tiếng bà gọi từ dưới nhà bếp: "Thanh ơi, xuống xào thịt bò cho bà với".
"Dạ vâng ạ". Tôi đáp, rồi lại lóc cóc đi xuống nhà bếp để hộ bà. Bố vẫn còn đang trên tầng 2 cúng bái, trên bếp có một bát thịt bò và một rổ nấm hải sản.
Bà đứng ở trong bếp chỗ bát nấm, rồi bảo với tôi: "Con xào qua thịt bò với tỏi trước, rồi múc thịt ra đĩa để xào nấm. Xào nấm xong thì cho thịt bò vào".
Bà đứng ở bên cạnh quan sát để có gì thì bà còn hỗ trợ được. Cái này thì tôi có từng nhìn qua một lần rồi nên lúc làm cũng khá là thạo. Công nhận mùi tỏi phi đã thơm, mà mùi thịt bò còn thơm hơn nữa. Cả nấm lẫn thịt bò đều ra rất nhiều nước, nên xào thịt bò cũng không sợ thịt quá là khô. Có lẽ điều khiến tôi lo nhất là phần nêm nếm, vì tôi không biết liệu mình có cho gia vị vừa đủ ăn không. Tôi cứ cho gia vị bằng linh cảm, còn mặn hay nhạt thì là do khẩu vị mọi người quyết định.
Thấy cháu mình xào thịt bò khéo tay quá, bà đứng cười rồi khen: "Được rồi, xào thịt bò khéo tay ghê. Lần sau lễ, Tết gì thì hộ bà xào thịt bò nhá". Rồi bà ra ngoài bảo với mọi người: "Cả nhà vào ăn cơm đi. Xong hết rồi đấy. Sơn lên lấy mâm cơm đi".
Bố tôi lên trên tầng bê mâm cơm xuống. Ông với nhà bác Hoàng cũng kéo nhau vào bếp. Cả nhà đã tập hợp đầy đủ thành viên trong gia đình, còn mỗi con Bình là chưa thấy đâu. Bác Hoàng bảo với con Lan: "Bình đâu? Lan gọi Bình xuống đi, đến giờ ăn rồi mà vẫn còn chưa thấy xuống".
Con Lan chạy ra chân cầu thang gọi: "Bình ơi, xuống ăn cơm đi".
"Ờ". Nó đáp, rồi tôi nghe thấy tiếng bước chân uể oải leo xuống cầu thang của nó. Bố cũng bê mâm cơm đầy ụ đồ ăn xuống cho mọi người.
Hầu như lần nào ăn cơm bà cũng ngồi ở góc trong cạnh nồi cơm đặt ở đầu bàn. Ngồi ở cạnh bà là ông, sau đó là bác Hoa và bác Hoàng. Bố ngồi ở đối diện phía bà, bên cạnh tôi rồi đến con Bình, con Lan. Mâm cơm đầy đủ sơn hào hải vị từ nem rán, thịt quay, thịt bò, canh măng cho đến miến, gà luộc, giò và cả xôi gấc. Trên bàn ăn món tôi không thích nhất là gà luộc, nhưng da gà thì tôi lại thích ăn.
Bà cũng tranh thủ rán lại nem cho chín hẳn. Nem gần chín tới rồi nên cũng rán lại không lâu, trên bếp còn có nồi nước luộc miến bên cạnh. Bà vẫn chưa đun sôi nước miến, mà để khi nào có người ăn bà mới đun. Đợi đến khi đĩa nem được bày ra thì cả nhà mới chính thức bắt đầu ăn.
"Con mời cả nhà ăn cơm". Bố tôi mờ cơm xong thì đến lượt con Lan, Bình đồng thanh mời. Bố gắp một miếng thịt bò ăn rồi khen: "Thanh xào thịt bò ngon ghê!".
Tôi cũng thử gắp một miếng thịt lên ăn thử. Công nhận là nó ngon thiệt! Thịt bò tuy có vị mặn nhưng cũng vừa phải, đủ đậm vị như bố tôi hay xào. Ở dưới đĩa thịt ăn vẫn còn rất nhiều nước thịt màu nâu, nhúng với nước thịt sẽ không bị khô quá. Tôi rất thích ăn thịt bò với nấm, kể cả nấm cũng có thêm tí vị mặn của mắm.
Bác Hoa vừa cắt nem vừa khen: "Bình thường Thanh nó không vào bếp thì thôi, chứ nấu cái gì cũng khéo ra phết. Mai mốt Lan với Bình lớn thêm tí nữa thì bảo Thanh dậy nấu ăn cho".
"Dạ". Bọn tôi cũng chỉ biết cười trừ chứ cũng không biết nói gì. Tôi nhìn vào đĩa bún thì thấy là bún lá mà tôi thích. Không hiểu sao những ngày lễ Tết như thế này nhìn nồi cơm mà đã thấy ngán, chỉ muốn bốc bún lên mà ăn.
Người duy nhất uống rượu trong nhà là ông. Hầu như trong bữa cơm đầy đủ người nhà như thế này đều là dịp để ông uống rượu. Cả bố với bác Hoàng đều không uống vì còn phải lái xe. Bố tôi thì không hay uống rượu lắm, vì bố thường hạn chế đi tụ tập ngoài giờ cùng đồng nghiệp, chỉ khi nào có dịp đặc biệt như cuối năm mà cơ quan tổ chức ăn liên hoan thì bố mới đi cho có. Mà mấy lần đi như thế này bố cũng chỉ chén chú chén anh vài chén cho có lệ rồi thôi chứ không uống nhiều, thành ra tôi ít khi thấy bố tôi say mèm khi về nhà.
Có lần tôi hỏi bố đi làm mà ít giao du như thế này thì có bị ảnh hưởng gì đến công việc không, bố bảo là bố chả sợ gì cả, lương tháng vẫn đủ nuôi thân với con cái ăn học đàng hoàng thì chẳng có gì để mà suy nghĩ. Rượu chè nhiều thì chỉ tổ hại thân.
Tôi để ý thấy nem rán bà làm thường cho rau chứ không cho su hào, nên vị thịt sẽ át đi mất vị của mấy nhân khác, trong khi bố thì hay cho su hào. Tôi vẫn thích ăn nem rán của bố hơn, vì kể cả bố có cho nhiều thịt hơn đi nữa thì tôi vẫn cảm nhận được sự đồng đều của các nhân khác.
Bà nhìn mấy đứa bọn tôi gắp miếng nem chưa cắt rồi hỏi: "Mấy đứa này thích ăn cả miếng như thế à?"
Con Bình cười rồi đáp với bà: "Tại ăn cả miếng ngon hơn là cắt ra ăn ạ".
Để mà nói về khẩu vị thì cả bố với bà đều là dân ăn mặn, nên ăn cơm ai nấu thì đồ ăn cũng sẽ đều thơm mùi mắm. Chỉ có điều bà vẫn nấu vẫn mặn hơn so với bố tôi, và đồ ăn bà nấu thì sẽ khô hơn, nên tôi hợp mồm với đồ ăn của bố hơn. Tôi ít khi ăn đồ bác Hoa nấu, nhưng bác Hoa là người nấu nhạt nhất ở nhà. Từ lớn đến bé tôi ăn mặn quen rồi, ăn nhạt một tí là không ngon mồm nên tôi không quen ăn đồ bác Hoa làm lắm. Cả cái mâm cơm này không món nào là không mặn (trừ gà luộc) nên tôi ăn được rất nhiều.
Bố với ông, nhà bác Hoa ngồi bàn chuyện từ đời sống hàng ngày đến chính trị, xã hội. Có lẽ cái nhà này ai cũng làm ở nhà nước nên mấy chủ đề này cũng hay được đem ra thảo luận trên bàn ăn. Mấy đứa trẻ con bọn tôi thì chỉ tập trung ngồi ăn cho xong bữa, còn bà thì lâu lâu mới chêm vào vài câu.
Hai con Lan, Bình đều khoái ăn gà luộc, nên phần mâm cơm chỗ bọn nó đã chất đầy xương. Tôi gắp một miếng gà vào bát, cầm đũa tách da ra khỏi thịt rồi gắp miếng thịt vào bát bố tôi. Bà thấy vậy liền cười: "Thằng Thanh này kén ăn ghê nhỉ! Năm nay lên lớp 10 rồi còn không biết ăn gà luộc, ăn độc miếng da".
Bố tôi biết tôi thích ăn da, nên mỗi lần bốc thêm miếng gà là lại lột da cho tôi ăn. Thực sự thì tôi không có thói quen ăn chấm, nên với tôi mà nói thì gà luộc ăn nhạt nhẽo vô cùng. Nếu là gà rán thì cái đĩa gà này sẽ bay sạch trong phút mốt.
Cả nhà đang nói chuyện với nhau bình thường, đột nhiên bác Hoàng bảo với bố tôi: "Ở cơ quan của anh có con bé vào làm từ lúc mới ra trường được 3 năm. Mấy năm nay đi làm ổn định nên đang tính chuyện lấy chồng".
Tự nhiên tôi có cảm giác gì đấy không ổn lắm. Bầu không khí trong nhà cũng thay đổi thay đổi, mọi người cũng im lặng để chờ xem bố tôi muốn nói gì. Bố tôi cũng hiểu được bác Hoàng định nói chuyện gì, nên dò hỏi: "Ra trường đi làm được 3 năm, tức là năm nay mới 25 tuổi thôi à?"
"Ừ". Bác Hoàng đáp, rồi kể thêm: "Con bé này xinh lắm, ở chỗ anh làm ai cũng khen nó vừa đẹp vừa giỏi".
Bác Hoa cũng đệm vào nói thêm: "Phải cái Huyền ở cơ quan anh đúng không? Hôm trước đi ăn cùng cơ quan em thấy con bé này dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép phết. Hình như bố nó là giám đốc ở cơ quan anh à?".
"Ừ, là cái Huyền hôm trước ngồi cạnh em đấy!". Bác Hoàng xác nhận.
Bố tôi uống một ngụm nước cam xong, rồi bảo với bác Hoàng: "Gia cảnh nhìn khấm khá thế thì sợ gì không lấy được chồng. Bố lên đến giám đốc thì thiếu gì quan hệ làm ăn, kiểu gì chẳng tìm được một thằng hẳn hoi tử tế".
Có vẻ như bác Hoàng có hơi thất vọng, nhưng dường như bác cũng thừa biết câu trả lời nên cũng không muốn nói gì thêm về chủ đề này nữa. Ngay lập tức bà liền hỏi cả nhà: "Có ai ăn miến không để nấu miến?"
Tôi quay sang bà nói: "Bà nấu miến cho con với".
Ngay từ đầu tôi đã biết kết quả chẳng ra đâu vào đâu rồi, chỉ sợ là trong nhà có to tiếng với nhau mà thôi. Bà cũng chẳng trông mong gì vào bố nữa, nên bà cũng chẳng thấy thất vọng mà còn nhẹ nhõm vì không có to tiếng với nhau. Ông thì vẫn bình thản như mọi lần, vì ông chẳng mấy khi quan tâm tới con cháu trong nhà. Mọi người lại nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác.
Tôi là người ăn no sớm nhất, nên tôi ra khỏi bàn trước. Tôi vào nhà vệ sinh lau miệng rồi chạy thẳng lên phòng con Lan, Bình ngồi chờ. Được tầm vài phút thì con Lan cũng chạy lên phòng với tôi. Nó ngồi xuống giường cạnh tôi rồi hỏi: "Mấy giờ rồi?"
Tôi nhìn đồng hồ rồi đáp: "7 giờ 50 rồi".
Nó lấy dây buộc tóc ở cạnh gối rồi vừa cột tóc vừa bảo tôi: "Không biết hôm nay có kịp ra công viên chơi không? Bình thường mọi người còn ngồi chán chê không biết khi nào mới dọn".
Công viên đóng cửa vào lúc 10 giờ, hôm nay lại đến lượt con Bình rửa bát. Thường thì mấy lần ăn cơm thế này bao giờ mọi người cũng phải ngồi ăn đến gần 8 rưỡi. Mà một mình con Bình rửa bát cũng lâu, khéo khi phải đến 9 giờ mới đi ra ngoài được. Tôi thì lại thích cả bọn đi lang thang bên ngoài lâu, nên chỉ ở công viên chưa đến một tiếng cũng không thấy thích lắm. Tôi đề xuất với nó: "Nếu mà đến 9 giờ mới đi được thì thôi ngồi ở Bobby Tea cũng được, đến lúc nào quán đóng cửa thì đi về".
"Ờ, cũng được". Nó cũng đồng tình, rồi bảo với tôi: "Lâu rồi tao cũng không uống ở Bobby Tea, lần cuối bọn mình ăn với nhau ở đấy là từ khi nào nhỉ?"
Tôi cố nhớ lại rồi đáp: "Tao cũng không biết nữa, hình như là từ hồi trường mình thi cuối kỳ xong thì là lần cuối bọn mình ra đấy".
Nó bảo với tôi: "Ừ, hình như là đợt đấy thật. Hôm thi cuối kỳ xong bọn tao về nhà chứ không có ở trong bà. Cả đợt nghỉ hè bọn tao ở mãi dưới nhà bà nội nên cũng đâu có xuống thành phố lần nào đâu. Xong đến mấy hôm đi học vừa rồi thì cũng tranh thủ uống Mr Goodtea chứ không ăn ở Bobby Tea
Tôi nằm xuống giường rồi bắt đầu kể: "Từ hồi thi cấp 3 xong đến giờ tao mới đi ăn ở Bobby Tea có một lần, đợt đấy là đi ăn với mấy con em kết nghĩa của tao. Hè vừa rồi tao có đi ra ngoài ăn mấy đâu, toàn ở rịt trong nhà chứ cũng chả biết làm gì. Có đám con em thỉnh thoảng mới đi cùng thì mỗi bữa lại ăn một chỗ".
Nó cũng nằm xuống than thở với tôi: "Thỉnh thoảng mày mới đi ăn một lần là còn đỡ đấy, chứ bọn tao ở trên đấy còn chả có cái đéo gì để ăn cơ". Rồi nó bật cười bảo: "Nhiều lúc bọn tao thèm mỳ cay dưới này bỏ mẹ nhưng mà đéo có quán ăn nên phải úp mỳ ăn tạm".
"Ở trên đấy chả có cái mẹ gì thật à?". Tôi hỏi nó.
Con Lan xác nhận với tôi: "Ờ, tại vì khu đấy làm gì có đông người được như ở trên thành phố đâu. Trên đấy có mỗi trà sữa thôi à. Mà trà sữa trên đấy được cái rẻ, một cốc như ở dưới này hết có 8 nghìn thôi".
Tôi bảo với nó: "Nhưng mà một cốc như thế chắc cũng uống giống hệt Bobby Tea chứ. Nó là trà sữa truyền thống chứ có phải trà sữa của thương hiệu đâu".
"Ừ đấy, nó cũng là trà sữa truyền thống nhưng mà trân châu của nó ăn không được ngon như trân châu dưới này". Nó giải thích cho tôi: "Trân châu đen ở trên đấy ăn nó bị cứng ấy, nó không có mềm như là trân châu Bobby Tea".
"Thôi ở dưới quê thì cũng chỉ được vậy thôi chứ biết làm sao giờ". Tôi cười bảo.
Bọn tôi ngồi nói thêm một lúc thì nghe thấy tiếng cả nhà dọn mâm cơm, tầm này con Bình bắt đầu rửa bát rồi. Tôi mở điện thoại ra xem thì là 8 giờ hơn, mọi người ăn xong sớm hơn tôi tưởng. Hy vọng con Bình rửa bát nhanh nhanh còn đi chơi.
Đến 8 rưỡi thì con Bình lạch bà lạch bạch leo lên chỗ bọn tôi rồi hí hửng bảo: "Vừa rửa bát xong rồi đó, chuẩn bị đi chưa".
Ngay lập tức, tôi bật dậy rồi bảo: "Đi".
Tôi chạy xuống dưới nhà để chờ hai con kia đi thay đồ. Bà vẫn đang ngồi trên giường xem kênh TodayTV như mọi hôm, chỉ có điều hôm nay có bác Hoa ngồi ở bên cạnh bà. Ông thì ngồi trên ghế trường kỷ nói chuyện với bố và bác Hoàng.
Tôi chạy về phía đầu ghế trường kỷ rồi bảo bố: "Bố cho con đi ra công viên chơi một lúc với".
"Lan với Bình tí nữa cũng đi à?". Bác Hoa hỏi.
"Dạ vâng ạ". Tôi đáp.
"Thế có cần tiền không để bố cho thêm?". Bố tôi nói.
Tôi cười bảo với bố: "Dạ thôi ạ, con vẫn còn tiền".
Cái Lan với cái Bình cùng chạy xuống dưới, tụi nó xin phép bố mẹ rồi bác Hoàng hỏi: "Thế hai đứa làm bài xong chưa mà đã đi chơi?".
"Con với Lan làm xong bài rồi ạ". Con Bình cười đáp.
"Thế đi chơi nhớ về sớm đấy". Bác Hoàng nhắc.
"Dạ vâng ạ". Con Lan cười đáp, thế là bọn tôi lũ lượt kéo nhau xuống nhà để xe lấy xe đạp đi chơi.
Tôi dắt xe ra cổng trước rồi đến lượt con Bình dắt xe ra cùng với con Lan, tôi giật mình bảo với con Bình: "Thôi chết! Tao quên mất đồ rồi".
"Quên cái gì cơ?". Con Lan hỏi tôi.
Tôi cười đểu đáp: "Quên mất cái xích để đeo cho mày đó".
Con Lan nhăn mặt chửi: "Mẹ mày!". Con Bình cười hì hì rồi tiếp thêm lời: "Mày yên tâm, Lan nhà mình ngoan lắm, lúc nào mà chẳng bám đuôi hai đứa mình, không sợ bị nó đi mất đâu".
Bình luận
Chưa có bình luận