“Chàng không về với chàng Katopodis à?”
Nàng vẫn gọi chàng bằng họ. Tốt. Nàng vẫn là Petra của họ Zenon, không phải họ Katopodis, hay thậm chí là họ Zafeiriou – họ thời con gái của nàng. Cơn mơ đánh mất nàng hoá ra cũng chẳng đả động tới gã sâu đậm như gã tưởng. Cảm giác khoan khoái thấy lạ bất chợt trào dâng trong lòng tay đàn ông đương say trong hơi men thoang thoảng, trong hương thơm tươi mới của mái tóc nâu lượn sóng. Lâu rồi gã mới gặp lại nàng. Ít cũng phải hơn ba tháng. Một chuyến du ngoạn thảm hại, với những trải nghiệm đáng quên, và rất nhiều khoảng thời gian bị lãng phí. Nhưng đôi mắt nàng không còn nhìn gã say đắm như xưa nữa. Đâu đó trong sắc xanh hiền hoà thiếu đi sự nồng nhiệt của mối yêu đầu. Dẫu vợ vương nét cười trên môi, song gã chẳng cảm nổi niềm vui trong lòng nàng. Dường như nàng đương diễn chính trong một vở bi kịch giả hài kịch, với những buồn thương khôn xiết nguỵ trang dưới tràng cười. Không phải Zenon chưa từng thấy kiểu vờ vịt của Petra (thực chất gã gặp nhiều hơn thế), ấy vậy mà gã vẫn hoàn bất ngờ. Hoặc giả nhiều năm ăn ở với nhau khiến lương duyên nhạt phai. Hoặc do nguyên nhân nào khác. Hoặc do gã. Hoặc do việc gã về sớm hơn dự định khiến nàng không vui. Từ bao giờ nhỉ? Sao nhất định phải là rày gã mới nhận ra?
Gã phải thừa nhận, so sánh những ngày tháng thân thiết trước kia với hiện tại thì khác gì bảo gã đem cây đuốc cháy hừng hực đặt cạnh đống tro tàn. Quả thật, xưa kia, quan hệ thân thương giữa Zenon và Katopodis rực cháy tưởng chừng tới miền miên viễn. Họ nắm chặt tay nhau vượt qua núi rừng, song hành cùng nhau chạm tới đỉnh nghệ thuật. Cứ mỗi buổi chiều, người vợ sẽ lại thấy chồng mình vui vẻ rời nhà đi đến một vùng đất nào đó, nơi chỉ có mỗi gã và bạn tri âm chú tâm giảng giải muôn niên chữ nghĩa. Ấy vậy, sau cùng, họ vẫn chọn tách đôi đống lửa thành mớ bụi tro điêu tàn. Tự bao giờ nhỉ? Thiết tưởng Petra phải nắm rõ hơn trở bàn tay chuyện quan hệ tế nhị của chồng, ngoại trừ trường hợp gã gạt nàng sang một bên và giấu nhẹm đống tro sau lưng. Có vẻ là vế cuối.
“Hắn bảo hắn có việc gấp. Chẳng biết, có khi do tiện đường.” Zenon lười nhác đáp lại. Đôi co với người đàn bà sẽ vô ích, nếu nàng đã quyết nghi ngờ chồng tới cùng. Tốt hơn hết là gã nên rút lui trước, để hành động lúc rối ren tự phản bội chủ nhân nó.
Quả đúng như Zenon nghĩ, cô vợ bất động vài giây, vẻ mặt nàng giãn ra hẳn, trông có vẻ bất ngờ lắm. Đôi mắt to tròn trợn lên nhìn chồng, tựa hồ gã và nàng là kẻ thù không đội trời chung. Bàn tay đặt hờ trên bàn run nhẹ, nhưng cũng chỉ được tầm vài giây. Nàng đương sợ, hẳn là thế. Sợ cái gì, không ai hay.
“Lạ thật nhỉ…”
“Sao lại lạ?”
Như thể nàng chợt nhận ra mình nhỡ lời (đúng hơn là nhỡ nói quá to), Petra liền lúng túng chữa sai: “Không có gì đâu.”
Gã biết nàng nói dối. Dễ thường trong lúc chồng vắng nhà, nàng đã có những phút giây hối hận vì theo họ Zenon. Suy cho cùng, nàng thân thuộc với Katopodis hơn là gã. Từ khi nàng bắt đầu dệt vải đem ra chợ buôn bán, chàng trở thành khách quen của nàng, bởi, theo nàng giải thích, chàng mến tài phù phép vải trắng trơn thành vải văn hoa. Đàn bà xiêu lòng sớm muộn. Thi sĩ tưởng rằng nàng khác. Ít nhất là khác hơn ả tình nhân xưa, khi ả chọn vàng ngoài hơn trong. Hoặc cũng có thể công việc bếp núc, đứng quá gần với củi bén khiến nàng kiệt sức, chưa rõ. Chú mục thì nàng kém tươi hơn thường ngày, mồ hôi nhiễu nhại thấm đẫm áo chiton, làm bết hẳn mái tóc uốn lượn tuyệt đẹp. Nhưng lắm lúc nàng mệt nào phải do nấu nướng, mà do vật vã trong ái tình với người đàn ông khác. Bất cứ điều gì cũng xảy ra được.
Zenon nghĩ ra rất nhiều giả thiết hợp lý, song gã ngậm chặt miệng. Petra đã đi khuất tự bao giờ. Cách đó chừng một giây, nàng giấu khẽ vẻ ngượng ngùng sau nụ cười gượng tươi, rồi lại quay lưng về bếp. Chẳng hiểu sao cõi lòng gã mãn ý thấy lạ. Lệ đã chép rằng nếu người vợ cố gắng ngồi lại ăn với chồng, thây nàng sẽ không còn toàn vẹn nữa. Chẳng may ai đó đi ngang qua nhà, trông thấy cảnh vợ chồng, nàng chắc chắn sẽ bị ném đá tới chết vì thất lễ. Thường ngày họ thân mật hơn thế. Vợ ngồi đối diện, chồng nâng ly, mời ăn chung miếng bánh mì. Một ngày ba bữa, không bữa nào là đủ đầy. Ấy mà họ ổn. Sống hạnh phúc nữa là đằng khác. Mối tương giao giữa cặp vợ chồng này thậm chí còn vượt trên cả muôn luật lệ lẫn hoàn cảnh, bởi lẽ trong họ có tình yêu nồng cháy. Hôm nay lại khác. Mỗi lần trông thấy nét mặt Petra thay đổi (dẫu có là bao), Zenon đều thấy trống ngực đập thòm thòm ra lệnh cho gã đuổi nàng đi. Cút ngay, con phản bội. Ngươi dám coi trọng tên Katopodis đó hơn cả chồng mình à? Nào gã dám nói với nàng muôn lời cõi lòng mình rủ rỉ. Ta vẫn yêu nàng hơn ngươi, gã nạt nộ. Do ngươi chưa chịu nhìn vào sự thật thôi, giọng nói lại tiếp. Chẳng có cái sự thật nào ngoài lời nói dối của Thần Địa Ngục cả.
Đó là đoạn đối thoại cuối cùng giữa thể xác và vong linh (tạm gọi). Sau đó, khoảng không thinh lặng nuốt trọn người đàn ông, đưa gã vào cõi suy tư. Nhiều chuyện xảy đến cùng lúc khiến gã đâm ra bải hoải, lạc lõng giữa cuộc đời xuôi dòng. Xem như là dấu hiệu cho thấy gã nên để đầu óc nghỉ ngơi vài bận. Nhiều khi do thi sĩ quá mệt mỏi sau chuyến hành trình dài, đâm ra sinh ảo giác. Thật quả gã mệt từ trong hồn mệt ra. Từng cử chỉ trên khuôn mặt Petra, dưới cơn khốn khổ chạm đáy, bỗng trở nên quái đản, cơ hồ như nàng có bí mật khó nói, và ắt hẳn định chôn tới chết.
Tối hôm đó, Zenon nằm mơ. Một cơn mộng huyền ảo dẫn dắt chàng trai ưu phiền vào thời đại sụp đổ.
Nhưng nội dung trong giấc mơ hoàn toàn là sự thật.
Hằng năm, thanh niên nuôi mộng văn chương ở Lạp Khắc đua nhau đổ về thành Daxlir để tham dự lễ hội thần Yladir. Ghi tên mình trên bảng vàng đồng nghĩa với việc tên tuổi chàng thi sĩ sẽ vang vọng ít nhất ba đời, cùng với một phần thưởng lớn lao hơn: thưởng thức vở bi kịch mình chấp bút. Văn chương vốn chẳng phải trò tiêu khiển của tên hề, mà là sự nghiệp cả đời. Triều đình tuyển chọn thi sĩ thông qua ba vòng thi khắc nghiệt, thành thử ra biết chữ trở thành biểu tượng của tài năng kiệt xuất. Sau đó, các anh tài có hai con đường để chọn: tiếp tục dấn thân vào thi cử, bày biện cái tốt cho Đại hội nhân dân bầu làm viên chức nhà nước, hoặc rẽ sang đường sáng tác thi văn.
Độ mười tháng trước, có chàng thi sĩ Zenon trượt khỏi bảng vàng danh vọng. Đã là thứ ba nếm trái đắng rồi, đâm ra bất ngờ nào khuấy nát nổi phần hồn. Gã điềm nhiên thưởng rượu vang, nâng ly chúc mừng thất bại đã tiên liệu. Lấy làm khoái chí rằng mình đi trước ý trời định một bước, gã thoải mái tận hưởng thời khắc tuổi xuân thì mỉm cười. Dẫu đã hơn một tuần hai vợ chồng chưa được ăn thịt, thậm chí bánh mì còn bữa đực bữa cái, chàng thi sĩ hãy còn hoan lạc lắm. Hàm răng gã nhai từ từ, cho trọn vị trơ trọi của cháo, vị đăng đắng của rau rừng. Bỗng hai thứ ấy hoa cao lương mỹ vị. So với Zenon, thoạt trông Petra cằn cỗi chẳng kém gì những cây gỗ khô chờ chết; tóc nàng rũ rượi, cặp mắt mở toang hoác, quầng thâm phá huỷ nhan sắc thần diệu tới mức ít ai đoán được nàng là vợ gã thay vì là mẹ ruột. Ngón tay nàng chai sạn, rươm rướm máu vì nhiều đêm thức trắng dệt vải. Tấm vai nàng gầy rộc đi vì phải vừa gồng gánh cuộc-bỏ-rơi-mình của chồng, vừa lo toan việc trong việc ngoài. Quen thuộc với nỗi khổ khiến con người ta bớt thoái thác đối diện. Thách đấu một kẻ thù ta từng gặp cho ta vị thế của kẻ bề tôi, trong trường hợp hắn hết mưu kiệt kế. Một cuộc chiến thong thả, địch khoan vội, ta cũng khoan đánh. Đầu lưỡi đắng chát vị thất bại trên hai lần, không còn cơn khốn khổ nào khiến gã lao tâm khổ tứ nữa. Zenon ổn với việc đốt bỏ vở bi kịch bị loại khỏi bảng vàng, ổn hơn bình thường.
Sự sụp đổ đến xuất kỳ bất ý*, ngấm ngấm lèn sâu vào từng thớ thịt. Nếu Petra thể hiện rõ sự mệt mỏi rũ xác qua ngoại hình lao dốc thì Zenon lại hứng chịu cơn bão tuyết dưới đáy lòng, từ từ xâm chiếm các ngách tim. Trong một lần dùng bữa, vợ bảo rằng gần đây nàng thấy sắc mặt gã kém hẳn ngày trước. Nhìn từ xa, thật quả người ta sẽ nghĩ rằng gã đương hồi xuân, song le bước gần lại ngắm nghía kỹ càng, họ mới thấy rừng tóc thẳng thưa bớt bao nhiêu. Gần trụi. Chắc hẳn gã đã vô thức đầu bứt tóc mình, dưới đất hãy còn nhiều bụi nâu rải rác – tàn tích của cuộc xâm lăng buồn thương vào trí óc. Thi sĩ đau khổ chứ. Lại chẳng! Mộng văn chương là nguyện ước ngàn đời. Ví bằng ta thất bại một lần, thì thua keo này bày keo khác. Sự thưởng thức đồ ăn nghèo nàn nằm ở cách nó chẳng khiến nỗi đau nguôi dịu. Theo lẽ đương nhiên, gã chịu khổ hình trong âm thầm, tới nước mắt chưa kịp rơi xuống đã bị kẹt ngay cuống họng, nghẽn tắc cả sự tiếc thương tài nghệ.
Sau một thời gian dài chịu đựng cơn bão tuyết ngầm, cuối cùng Petra cũng chất vấn Zenon: “Chàng nên đi đâu đó cho khuây khoả đi.”
Nhưng họ đã không còn khổ nữa. Mãi tới lúc vợ lên tiếng phàn nàn thì ngày nào họ cũng có thịt ăn, bánh mì chất đầy trong bếp, áo quần cũng đẹp đẽ hẳn. Tức là đã qua giai đoạn khủng hoảng rồi. Không rõ vì đâu mà họ giàu lên, nhưng đã là một bước tiến lớn. Trong cái đủ đầy của vật chất, thi sĩ thoái thác khỏi nhu cầu về tinh thần.
"Nàng biết ta không thích ra ngoài mà." Tên đàn ông phân bua. Chưa bao giờ gã ước miệng nàng bị thần linh khoá chặt như hiện tại. Gã thấy nàng đương lo lắng thái quá, vì chưng gã đinh ninh trạng thái của mình hết đỗi bình thường. Một người vợ tốt nên để mặc chồng mình tự do hoà nhập vào tâm cảnh. Đàn ông không tự dưng mà đau khổ. Trái tim họ bị ép mặc lấy lớp gai góc trong khi phần thịt đã nhẽo nhoẹt từ lâu. Chịu đựng quá nhiều sức ép ngoại vi và cả nơi tâm khảm khiến mọi thứ của họ vỡ nát bươm. Cách xoa dịu tốt nhất là để một ngươi đương lao tâm khổ tứ tự tìm đường thoái lui, bằng không họ sẽ oán bạn đời hơn ai hết.
"Nhưng chàng cũng đâu thể ở trong nhà mãi. Em chỉ nghĩ thế này: nếu chàng đi ra ngoài một chuyến, chừng một tháng hơn thôi, em tin rằng chàng sẽ có nhiều ý tưởng hay ho hơn là cứ suốt ngày ủ rũ.” Petra đáp lời.
Hốc mũi nàng thở ra, như muốn gói ghém sự phiền muộn gián tiếp vào làn gió thoảng qua. Nửa gia đình hứng chịu cơn khốn khổ cùng cực, phận làm bạn đồng hành vô hạn cũng bị vạ lây. Nàng lao đao giữa lúc chồng chới với thoái thác cơn cám giỗ của tiêu cực. Nàng phiền muộn giữa đống tóc còn dính chút da đầu. Màu xanh đã tàn phai hy vọng, vào khoái lạc tuyệt đỉnh của cuộc đời, vào tình yêu vĩnh cửu.
“Có nhà sao phải đi? Điên vừa.” Gã hãy còn ngờ hoặc lắm, liền lên giọng chất vấn.
“Em nói thật mà. Giờ chàng không đi thì lễ hội thần Ylaldir đến chàng cũng chả có cái gì để nộp cả. Chàng ạ, bây giờ là tháng Vareus rồi. Còn mỗi bốn tháng nữa để chàng viết xong thôi đấy. Chàng định bỏ luôn ước mơ của mình hay sao? Em biết chàng sẽ không vui gì nếu phải bỏ cuộc tức tưởi như thế. Em cũng sẽ không vui nếu thấy chàng cứ suốt ngày đau buồn như thế. Chàng có thể vì mình, vì em, vì chúng ta một chuyến không?”
Nói đoạn, Petra ngồi phịch xuống ghế thở dốc. Trông nàng như vừa chạy thục mạng từ địa ngục lên trần thế, cốt chỉ để mang hồn người yêu trở về. Ánh mắt nàng lấp lánh những miền van xin. Môi nàng mím, song lòng nàng tỏ. Petra đương nỗ lực kéo gã khỏi vực sâu, quá xa khỏi nàng. Chợt Zenon thương thay công nàng lao lực níu kéo chút tinh thần nghệ sĩ mọn của gã. Bằng tất cả tấm lòng của một người vợ, nàng quỳ xuống trước dung nhan thi sĩ mộng ảo; cũng thật chẳng ngoa khi ví nàng như chiên con tuyệt vọng xin thần linh nghe lời mình đoái xin. Thân xác, tình cảm, phẩm giá, nàng sẵn sàng dâng hiến hết thảy, chỉ mong chàng buông tha cho chồng. Rốt cuộc bản chất ích kỷ đã phá gia đình này đến đâu rồi? Phải chăng văn chương nên thoát ly khỏi danh vọng? Phải chăng đất nước này gán ghép cho văn chương nhiều thứ gọng cùm tới nỗi dân tha hương cầu thực càng ngày càng nhiều? Những suy tư hậu thất bại lần hai lũ lượt ùa về – một điều hiếm gặp. Niềm hăng say thuở thiếu thời đã dần chìm vào quên lãng khi người đàn ông bước qua sườn dốc bên kia – triền núi của sự trưởng thành về tâm hồn. Gã không thể cứ mù quáng quăng giáo về phía trước rồi chạy theo như một con thú vô tri. Trên cán cân gia đình và văn chương, gã vẫn chưa ngẫm ra câu trả lời thích đáng. Có nhiều thứ để cân nhắc, cũng như có hằng hà sa số trở ngại cần được gọi tên.
“Đi kiểu gì?”
Trông ngắm môi nàng nhoẻn lên đường cong vui tươi, chàng thi sĩ mới đủ sức làm nguôi đi thâm tâm phiền muộn, dẫu chỉ là một thoáng qua mau. Bẵng đi một thời gian nàng ngừng tỏ rõ ánh cười. Lúc nào nàng cũng treo trên mặt vẻ trầm ngâm ưu phiền, phần vì bị xiềng xích cơm ăn áo mặc trói chặt, phần vì lo âu tột độ. Thế mà gã lờ hẳn. Hình ảnh tươi đẹp giản đơn – vợ cười cho chồng ngắm – bỗng trở nên lạ lẫm khác thường, ít nhất là trong con mắt chỉ thấy những dòng thơ. Giá gã không trao thân mình cho văn chương, nhiều khi gã nguyện sống mãi nơi khoảnh khắc này. Cõi lòng được nâng lên tận mây, gánh nặng được trút bỏ. Món quà tuyệt hảo.
*xuất kỳ bất ý: Bất ngờ, đột nhiên, hành động lúc người ta sơ hở, không ngờ tới
Bình luận
Chưa có bình luận