“Về đến nhà rồi à?”
Trưởng vừa gửi tin nhắn đi xong, còn đang tần ngần không biết nên bỏ điện thoại vào túi rồi đi tiếp hay cứ cầm luôn trên tay mà đi thì đã thấy có tin nhắn của Nhân gửi đến. Cậu bật cười, không trả lời tin nhắn mà nhấn gọi cho Nhân.
“Ơi. Làm sao thế?” Nhân vừa nhấn nhận cuộc gọi đã hỏi ngay. Giọng cậu hoàn toàn tỉnh táo, không có chút ngái ngủ nào cả.
Từ trước đến giờ Trưởng vẫn luôn cảm thấy cách trả lời điện thoại của Nhân quá dịu dàng. Kiểu dịu dàng ấy phù hợp để trả lời con gái hơn.
Nếu như cậu thường trả lời bạn bè bằng vai phải lứa kiểu “A lô”, “B lô” hay “Nói đê!” thì Nhân lúc nào cũng bắt đầu bằng kiểu “Tớ nghe đây A ơi”.
Với người lớn hơn, Trưởng thường trả lời kiểu “A lô, em nghe” thì Nhân luôn nói “Em nghe đây chị B ơi”.
Thậm chí với những người xa lạ không được lưu tên trên danh bạ, Nhân cũng bắt máy bằng giọng nói hết sức dịu dàng. Nếu như Trưởng chỉ “A lô” một tiếng rồi chờ người ta nói tiếp thì Nhân lại nói “Alô, Nhân nghe ạ.”
Luôn lễ phép và dịu dàng, đôi khi hơi dè dặt nhưng với những thứ mình cho là đúng thì cũng vô cùng quyết liệt. Nhiều khi Trưởng còn thầm tự hỏi không biết bà của Nhân làm cách nào mà dạy ra được cậu trai lễ phép, dịu dàng đến thế. Nhân không hề bộp chộp, ngông nghênh, nổi loạn như phần lớn con trai cùng lứa tuổi mà ngoan ngoãn, hiểu chuyện hơn nhiều. Đôi khi Trưởng nghĩ có lẽ chính hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn của hai bà cháu Nhân đã rèn cho Nhân đức tính khiêm nhường, đã khiến Nhân phải trở nên trưởng thành sớm hơn về tư tưởng so với những đứa trẻ khác. Còn mình, Trưởng nghĩ, hoàn cảnh sống “chả ra làm sao” trong lời bác gái hàng xóm năm nào đã rèn cho mình cái gì? Có lẽ chỉ có bình thản và bất cần mà thôi. Nghĩ đến đây, Trưởng nhếch mép cười nhạt, nhịn một tiếng thở dài trong ngực.
“Ê, sao với người khác thì mày nói “Tớ nghe đây người khác ơi” mà với tao mày nói mỗi chữ “Ơi” thế?” Trưởng đột nhiên nhận ra từ trước đến giờ, Nhân chẳng bao giờ gọi tên cậu như những người khác nên thắc mắc ngay.
Bên kia, Nhân ngớ ra mất mấy giây rồi mới phá ra cười.
“Mỗi chữ “Ơi” đâu, tao hỏi cả “Làm sao thế?” nữa mà.” Cậu vừa cười vừa nói.
“Tao cứ cảm thấy cái kiểu “Tớ nghe đây người khác ơi” của mày nó nhẹ nhàng quá! Nói thế nào nhỉ? Nó sến súa quá lắm luôn. Nói với con gái thôi thì đẹp.” Trưởng cũng cười.
“Thế mà mày còn trách tao nói với mày mỗi một chữ “Ơi” nữa hả?” Nhân lại cười rộ lên.
Trưởng cũng vừa đi vừa cười nhưng cũng không dám cười quá lớn tiếng. Cả con đường dưới nắng trưa tĩnh lặng, không một bóng người nhưng ngay bên đường đều là nhà người ta. Trong mỗi ngôi nhà, giờ này có lẽ người ta còn đang tranh thủ ngủ trưa, cậu mà cười to quá có khi lại làm phiền đến người ta. Mà cậu thì từ trước đến giờ đều ngại phiền phức nên nếu tránh được thì sẽ tránh triệt để.
“Vì mày là người nhà đấy.” Nhân cười rồi không đợi Trưởng nói gì đã tự nói tiếp. “Người nhà thì không thể khách sáo giống như người ngoài được.”
“Ơ... Thế nếu bố mẹ tao gọi thì mày định nói...” Trưởng chẳng kịp nghĩ ngợi đã hỏi luôn nhưng hỏi đến nửa chừng thì dừng lại.
Bởi bỗng nhiên nói đến bố mẹ, cậu lại thấy lòng mình hơi chùng xuống.
Không biết giờ này bố mẹ cậu đang làm gì nữa. Không biết đã đi ngủ trưa rồi hay vẫn tiếp tục trận khẩu chiến mà lúc vừa về đến đầu ngõ cậu đã nghe thấy.
Trưa nay, vừa đi bộ về đến đầu ngõ, Trưởng đã nghe thấy tiếng bố mẹ cậu cãi nhau. Lý do thì vẫn là “vô văn hoá, mù thể thao”, vẫn là “mèo mả gà đồng” như hàng trăm lần trước đó. Vừa đói vừa mệt lại phải nghe tiếng cãi vã nên Trưởng cảm thấy vô cùng chán nản, như thể bầu trời xanh cao, chói nắng trên kia dường như chỉ trong phút chốc bỗng nhiên trở nên xám xịt hơn, nặng nề hơn rồi thình lình đổ ụp xuống đầu cậu, ép cậu đến mức không thở nổi vậy.
Trưởng đứng im, cúi đầu tần ngần đến hơn mười phút vẫn chưa nhấc chân lên mà đi vào nhà được. Cậu cũng không biết có nên bước vào không nữa. Dù việc bố mẹ cãi vã đã là quá bình thường, bình thường đến nỗi nếu bỗng dưng có một ngày không thấy nữa thì mới là chuyện lạ, dù đã từ rất lâu rồi cậu chỉ hững hờ nhìn, chỉ bình thản làm việc của mình chứ chẳng có phản ứng lớn lao nào khác nhưng lòng cậu cũng vẫn nặng trĩu. Trưởng thở dài thườn thượt.
Vừa dợm nhấc chân bước vào thì trong nhà vang lên một tiếng “xoảng” rất lớn cùng với tiếng bát đĩa đổ vỡ. Lại có người hất đổ mâm cơm rồi. Tâm trạng vốn đã đang là tà trên ngọn cỏ của cậu bị một tiếng “xoảng” này đánh cho tan nát. Trưởng quay lưng đi thẳng sang nhà Nhân.
Nghĩ đến đây, Trưởng lại thấy phiền não nhưng vẫn cố nén tiếng thở dài vào lòng. Cậu không muốn để nỗi phiền muộn của mình lây sang cho Nhân. Ban nãy khi sang nhà Nhân cậu cũng không nói cậu về nhà trước rồi nhưng cậu biết chắc là Nhân đã đoán được. Chỉ là cả hai đều không nhắc đến, cả hai đều giả vờ như không có chuyện gì mà thôi.
“Này…” Trưởng nói một tiếng rồi thôi bởi đột nhiên cậu không biết nên nói gì thêm nữa.
“Cháu nghe đây bác Đương, bác Diên ơi.” Nhân bên kia bỗng nhiên cất giọng nói khiến Trưởng ngớ ra.
“Hả?” Trưởng mờ mịt hỏi.
“Bố mẹ mày mà gọi thì tao nói thế.” Nhân vừa nói vừa cười khe khẽ. “Tao là người nhà của mày thôi chứ có phải là người nhà của bố mẹ mày đâu mà.”
“Giời ạ!” Trưởng phì cười. “Cơ mà cũng đúng nhỉ?”
Trưởng nói linh tinh với Nhân thêm vài ba câu nữa rồi mới tắt máy, bỏ điện thoại vào túi rồi tiếp tục bước đi. Đi thẳng đường này, qua cầu Thiêng với một ngã ba phía trước kia nữa là đến đầu ngõ nhà cậu rồi.
Cầu này sở dĩ có tên là cầu Thiêng vì nó là nơi để người ta đặt xác của những người chết đường chết chợ, chết trôi trên sông hay người chết mà chẳng biết quê quán, chẳng có thân thích họ hàng trước khi chôn cất. Quê cậu có lệ chỉ người chết ở nhà mới được đặt xác trong nhà trước khi đưa đi chôn. Người chết đường chết chợ thì phải khâm liệm ngoài cầu Thiêng vì sợ mang xác vào nhà thì linh hồn sẽ quyến luyến ở nhà, không đi đầu thai được, sẽ làm giảm phúc phận của cả nhà. Cầu Thiêng này cũng là chỗ xảy ra rất nhiều chuyện linh thiêng, ma quái, cứ vài ba hôm lại thấy có người nói đi qua bị vong trêu, đi xa xa thì thấy rõ là có cô gái ngồi vắt vẻo trên thành cầu nhưng đến gần thì biến mất. Rồi lâu lâu lại thấy người ta nói có con nhà nào đấy ban ngày đi qua cầu, tối về bị ma giấu. Cũng vì thế mà tầm giữa trưa hay khi trời đã tối là hầu như không có ai qua lại chỗ này.
Trưởng vừa nghĩ vừa bật cười. Cậu không tin vào mấy chuyện ma quái. Thấy người ta nói đến chuyện hồn ma bóng quế cậu cũng chỉ cười trừ cho qua. Cậu cảm thấy mấy chuyện đó đều là người lớn bịa ra để doạ bọn trẻ con cho chúng nó không ra đây nhảy xuống bơi lội mà thôi. Ma thì có khi chẳng có thật bởi chưa ai gặp bao giờ nhưng dòng nước dưới chân cầu Thiêng thì sâu thật. Ngày trước người ta hút cát từ sông này lên để làm con đường nối liền mấy làng nên sông bây giờ rất sâu. Ngay dưới chân cầu Thiêng còn có mấy cái hố sâu hoắm. Người ta đã mấy lần đổ gạch đá vào đấy rồi mà một thời gian sau đều bị nước cuốn trôi đi đâu hết. Đứa nào bơi không giỏi mà nhảy từ trên thành cầu xuống thì quả thực rất dễ bị đuối nước.
Về đến đầu ngõ, bước chân Trưởng tự khắc đi chậm lại. Không thấy có tiếng cãi vã từ trong nhà vọng ra nữa. Chắc là bố mẹ cậu nghỉ rồi.
Trưởng đi vào trong ngõ, nhẹ nhàng thò tay mở then cài cổng ra. Con chó từ phía trong không biết là vì nghe thấy tiếng động hay vì đã ngửi được mùi của cậu mà chạy vọt ra ngay. Thấy người bước vào là Trưởng, nó rít lên mừng quýnh. Nó nhảy bổ lên người cậu, lưỡi thè ra định liếm láp, đuôi thì vẫy điên cuồng, vẫy như muốn cho đuôi rụng xuống luôn.
“Ki… Bình tĩnh, bình tĩnh đã.” Trưởng phì cười, đưa tay lên đỡ để không bị con chó liếm vào mặt. “Mày nghĩ mày vẫn bé lắm đấy à?”
Bị con chó cao lớn lừng lững nhảy bổ lên người, Trưởng phải choãi cả chân ra chống đỡ mới không bị nó xô cho ngã ngửa ra đất. Lưng cậu đập mạnh một phát vào cánh cổng khiến cánh cổng sắt già nua cũng lạch cạch rung lên.
Con chó này là con chó mà cậu nhặt được, nói đúng hơn thì là cứu được từ hồi cậu mới lên lớp Mười. Ngày đó, cậu cũng không nhớ là mình đi đâu mà tầm giữa trưa thì về qua cầu Thiêng. Vừa lúc đến đấy thì thấy có mấy người đang giữ một con chó con cho nó nằm yên trên cái bè chuối chòng chành, bỏ thêm chút hoa quả, gạo muối, vàng hương rồi thả tất cả xuống dòng nước dưới chân cầu. Thả xong còn đứng chắp tay lầm rầm khấn vái gì đó một lúc rồi mới kéo nhau đi.
Trưởng đứng ngẩn người nhìn người ta làm lễ. Cậu nghe loáng thoáng thấy có ai đó nói con nhà nào kia tai nạn chết vào giờ độc, bị trùng tang nên thầy cúng bảo phải thả chó con xuống nước để nó mang vận hạn đi, khỏi làm hại đến người nhà.
Người ta làm lễ xong đi cả rồi mà Trưởng vẫn ngẩn ngơ. Nhìn con chó con kêu mấy tiếng ăng ẳng yếu ớt, run rẩy đứng trên cái bè chuối con con mà cậu mủi lòng. Lễ lạt gì mà mang cả con chó con còn sống nguyên thả trôi sông thế này?
Bè chuối càng lúc càng trôi ra xa. Con chó con trên bè không biết vì quá sợ hãi hay đã chấp nhận số phận mà nằm rạp xuống bè, mũi gần như thò sát ra mép nước. Cả người nó vẫn không ngừng run rẩy. Trưởng thương xót vội nhảy từ yên xe đạp xuống, chạy xuống mố cầu nhặt một cành cây dài kéo bè quay vào bờ. Con chó con lúc đầu thấy có cành cây chĩa về phía bè thì hoảng sợ, vội đứng lên, sủa vài tiếng yếu ớt nhưng lát sau, có lẽ do nó nhận ra Trưởng đang cố cứu nó nên lại ngoan ngoãn nằm im trên bè.
Lúc được Trưởng ôm lên, toàn thân con chó vẫn không ngừng run lẩy bẩy. Từ trong họng nó cũng phát ra những tiếng rên ư ử não lòng. Trưởng đẩy bè chuối chở hoa quả, gạo muối, vàng hương kia ra xa rồi mang chó về nhà. Bố mẹ cậu cũng chỉ biết cậu nhặt được là thôi, chẳng hỏi cậu nhặt được ở đâu. Mà nói đúng ra là lúc đó họ cũng chẳng có thời gian để hỏi. Họ còn đang bận cãi nhau.
Mới đó mà đã hơn bốn năm rồi. Con chó con chẳng được đặt tên, chỉ tuỳ tiện gọi là Ki ngày ấy giờ đã cao lớn lừng lững rồi. Thế nhưng nó vẫn bám Trưởng như từ ngày đầu tiên được cậu cứu về. Trưởng mà ở nhà thì đi một bước nó theo sát một bước. Lúc cậu đeo ba lô lên vai thì như thể nó biết cậu sắp xa nhà, cứ liên tục quấn lấy chân cậu, chạy theo cậu đến tận khi thấy cậu lên xe khách thì mới buồn bã quay về.
“Ki, vào!” Có lẽ vì nghe thấy tiếng cánh cổng mở nên bà Diên cũng từ trong nhà lẹp kẹp đi ra.
“Mẹ.” Trưởng chỉ nói với mẹ một tiếng rồi tiếp tục chặn cái lưỡi của con chó đang chực liếm vào mặt.
“Về muộn thế con?” Bà Diên hơi ngạc nhiên. “Ăn uống gì chưa?”
“Con ăn bên nhà thằng Nhân rồi.” Trưởng khẽ liếc mắt nhìn mẹ rồi nói.
“Ừ, ăn bên đấy cũng được.” Bà Diên thở dài, vừa lẹp kẹp đi vào vừa nói. “Cơm nhà, bố mày cũng hất đổ hết rồi.”
Trưởng không biết cảm giác trong lòng cậu lúc ấy có thể gọi tên là gì. Là khổ sở, là tủi hờn, là ấm ức, là bất lực, là chán nản hay là cái gì, cậu cũng không biết nữa. Dù chuyện này ở nhà cậu không có gì là lạ nhưng trong lòng cậu vẫn có một chút thất vọng, có một chút mất mát, có một chút thương tâm. Cậu thở dài, cài cổng lại rồi kéo cả con chó đi vào.
Bình luận
Chưa có bình luận