Nào ai được chọn mẹ cha? Nào ai được chọn sinh ra trên đời?


“Đừng nghĩ ngợi linh tinh nữa. Không phải là lỗi của mày đâu!” Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu Nhân nói điều này với Trưởng rồi. 

Gần như mỗi lần Trưởng về nhà là một lần chứng kiến cảnh bố mẹ mình cãi vã. Đương nhiên là lần nào cũng bởi những lý do vụn vặt, tầm thường, vô nghĩa. Từ khi còn học cấp ba đến giờ, mỗi lần thấy bố mẹ cãi nhau, Trưởng lại lặng lẽ bỏ sang nhà Nhân. Thế nên, đã từ rất lâu rồi, nhà Nhân gần như đã trở thành cảng tránh gió của cậu. Thậm chí, nhiều lần từ trường về, cậu chẳng về nhà mình mà đi thẳng sang nhà Nhân, ăn một bữa cơm thật no, ngủ một giấc thật ngon trước rồi mới trở về nhà mình. 

Rất nhiều lần Trưởng chia sẻ ý nghĩ mình chính là nguyên nhân của mọi cuộc cãi vã, là lý do dẫn đến cuộc sống gia đình không bình yên, là khắc tinh của bố mẹ mình với Nhân. Lần nào Nhân cũng nói không phải thế đâu, không phải là lỗi của cậu đâu. Thế nhưng ý nghĩ ấy vẫn không ngừng lởn vởn trong tâm trí Trưởng. Dù Nhân có phủ nhận bao nhiêu lần thì nó cũng vẫn ở đấy, không làm sao mà mất đi được. Có lẽ bởi vì từ khi còn rất bé, Trưởng đã bị người lớn tiêm nhiễm những ý nghĩ tiêu cực ấy vào đầu nên dần dần nó trở thành một loại dấu ấn, một bóng ma, thoắt ẩn, thoắt hiện trong tâm trí cậu mà không bao giờ biến mất.

 “Nhiều khi tao cũng không muốn nghĩ tao chính là ngọn nguồn của tội lỗi đâu. Tao không hề muốn nghĩ rằng tất cả đều là lỗi của mình.” Trưởng nằm ngửa trên giường, vơ lấy cái gối mà từ lâu Nhân đã để dành riêng cho cậu, ụp lên mặt rồi im lặng một lúc lâu, sau đó lại nói tiếp: “Nhưng cũng có khi là lỗi của tao thật đấy chứ.” 

Nhân chỉ liếc nhìn cậu, không trả lời mà tiếp tục gọt quả táo rồi cắt ra thành từng miếng nhỏ, mỗi miếng nhỏ đều xiên một cái tăm vào để khi ăn chỉ cần cầm tăm thôi, không chạm tay vào miếng táo. Trong lòng cậu thầm nghĩ “tội lỗi cái gì mà tội lỗi? Có tội thì cũng không thể là mày có tội được. Là mày phải chịu tội thì có”.

“Có mấy lần mẹ tao đi xem bói, người ta đều bảo tại bát tự, mệnh căn của tao xung khắc với bố mẹ tao nên từ khi sinh ra tao là nhà cửa nháo nhào hết cả. Cái gì mà “tam hợp biến tam tai” ấy.” Trưởng vẫn để nguyên chiếc gối trên mặt, đã thế còn vòng hai tay lên vắt ngang chiếc gối khiến giọng nói trầm ấm của cậu từ dưới gối phát ra nghe cứ phập phà phập phù. “Mày mới đổi nước giặt đấy à?” 

“Ừ, thơm không?” Nhân cười cười, đưa tay kéo chiếc gối trên mặt Trưởng ra. “Dậy ăn táo này.” 

Trưởng chống tay xuống giường ngồi dậy. Nhìn đĩa táo cắm tăm tua tủa, cậu không nhịn được bật cười. 

“Làm sao mà mày mãi vẫn không bỏ được cái sở thích quái dị này thế?” Cậu cầm lên một que tăm đã xiên sẵn miếng táo ngon lành bỏ táo vào miệng nhai rộp rộp. “Trông đĩa táo có khác gì con nhím không?” 

“Con nhím đáng yêu mà.” Nhân vừa nói vừa cười tít mắt rồi cũng cầm tăm xiên táo lên ăn. 

Hồi còn học cấp ba, tính Nhân cẩn thận, chỉn chu nên đã được đề cử làm lớp phó đời sống, chuyên phụ trách mấy mảng hậu cần của lớp. Cậu cũng vui vẻ đồng ý. Mỗi khi lớp có hoạt động gì là cậu cùng mấy bạn khác trong nhóm hậu cần đều chuẩn bị chu đáo đồ ăn, thức uống. Cậu rất để ý đến vấn đề vệ sinh nên dù đám con trai trong lớp chẳng ngại tu chung một chai nước nhưng lúc nào cậu cũng chuẩn bị đủ cho mỗi người một phần nước riêng, hoa quả nếu cần cắt gọt sẵn thì lúc nào cũng xiên mỗi miếng một que tăm để khi mọi người ăn, không ai phải chạm tay vào hoa quả. 

Nhiều lần Trưởng bảo Nhân làm thế tốn thời gian thì cậu nói thứ mà cậu có nhiều nhất chính là thời gian, nói cậu làm thế tốn công thì cậu bảo làm việc mình thích thì không coi là tốn công, bảo cậu làm thế tốn tiền thì cậu lại nói tiền tăm rất rẻ, lỡ như bị đau bụng, bị ngộ độc gì đó thì tiền thuốc còn đắt hơn nhiều. Trưởng nói, sau này Nhân chắc chắn sẽ bị ế vì quá kỹ tính. Có khi con gái nhà người ta muốn đút cho cậu một miếng đồ ăn thể hiện tình cảm, cậu lại chặn luôn đũa, nói ăn chung không sạch sẽ, rồi khi con gái nhà người ta muốn hôn một cái, Nhân lại đi hỏi em đã đánh răng chưa cũng nên. 

Khi ấy, dù Trưởng trêu ghẹo thế nào Nhân cũng đều cười. Hoặc là cười phá lên giòn giã hoặc là cười trừ cho qua. Và cho đến tận giờ khi cả hai người đều đã học đến năm thứ hai đại học rồi mà Nhân vẫn không bỏ thói quen chỉn chu, cẩn thận này. 

“Có tao với mày thôi mà mày còn phải cắm tăm tua tủa thế này nữa à?” Trưởng vừa nói vừa cầm chiếc tăm xiên trên miếng táo khác lên. “Sợ chạm tay không vệ sinh thì mỗi đứa một cái rồi xiên là được mà.” 

“Tao quen rồi. Với cả tao cũng thích thế. Có một mình tao cũng xiên thế này chứ đừng nói có cả tao với mày.” Nhân vừa cười vừa nói. 

“Đồ dở hơi. Bệnh này của mày chắc bác sĩ bó tay hẳn, không chữa nổi nữa đâu!” Trưởng cũng phì cười.

 Ăn thêm mấy miếng nữa, Trưởng dồn hết tăm xiên bỏ vào đĩa vỏ táo, đổ vỏ vào thùng rác rồi tiện tay mang dao và đĩa vào bếp rửa trước. Rửa xong, cậu lại lấy khăn lau sạch nước trên bệ bếp rồi mới đi ra. Lần nào cũng thế, lúc đến nhà Nhân ăn cơm cậu đều rất tự giác dọn dẹp. Cậu nói, Nhân nấu cơm rồi thì ăn xong cứ để cậu rửa bát. Nhân cũng không bao giờ có ý kiến gì đối với việc phân công nhiệm vụ này. Thậm chí nhiều khi cậu còn bắt Trưởng dọn dẹp lại những chỗ mà cậu thấy chưa vừa mắt. Những lúc ở cùng với nhau, giữa hai người bọn họ luôn có sự hoà hợp và ăn ý. Không phải là kiểu cố ý tỏ ra ôn hoà, nhún nhường để người khác cảm thấy dễ chịu mà là kiểu hoà hợp, ăn ý một cách tự nhiên như thể mọi chuyện vốn nên là như thế.

“Tao về qua nhà tí đây.” Ra phòng ngoài, Trưởng vừa thu dọn gọn gàng chăn gối trên giường vừa nói. “Nước giặt mới cũng thơm, nhưng tao vẫn thích cái cũ hơn. Mùi nhẹ, dễ chịu hơn.” 

“Ừ, hết sẽ đổi lại loại ấy.” 

Nhân ăn nốt miếng táo cuối cùng trên đĩa rồi cũng đứng lên mang đĩa vào bếp rửa sạch. Lúc cậu quay ra thì Trưởng đã đeo ba lô lên vai, đang đứng chờ ở cửa rồi.  

Không biết từ bao giờ Trưởng lại có thói quen đứng ở cửa nhà, chờ Nhân ra tiễn rồi mới đi. Dù đã chào rồi nhưng nếu không có Nhân đứng đó nhìn theo thì cậu cứ thấy thiếu thiếu. Có Nhân đứng đó, dù cậu không mấy khi ngoảnh đầu nhìn lại nhưng vẫn thấy yên tâm. 

Đã rất nhiều lần Nhân nói Trưởng trái tính trái nết, rõ ràng là đi không bao giờ thèm quay đầu nhìn lại nhưng cứ bắt người ta phải đứng tiễn bằng mắt. Không những phải tiễn mà còn phải đứng nhìn cho đến khi cậu đi đến tận đầu đường. Những lúc ấy, Trưởng đều cười sằng sặc nói đó là phép lịch sự, còn nói nếu Nhân đến nhà cậu thì không chỉ tiễn bằng mắt mà có khi cậu còn tiễn bằng xe đạp, không những tiễn đến đầu đường mà có khi cậu còn tiễn về đến tận nhà luôn.

 Nhưng cũng chỉ là “có khi” thôi. Bởi thường thì chỉ có Trưởng sang nhà Nhân chứ chẳng mấy khi Nhân đến nhà cậu. Ngày còn học cấp ba, Nhân có đến mấy lần nhưng hầu như lần nào cũng gặp lúc bố mẹ Trưởng cãi nhau nên Nhân ngại, không đến nữa. Sau này, số lần Trưởng sang nhà Nhân nhiều ngang, thậm chí còn nhiều hơn cả số lần cậu về nhà mình nên Nhân càng chẳng có cơ hội sang nhà Trưởng nữa.

 “Đi đây.” Trưởng nói rồi bước ra ngoài. 

“Ừm. Tối có ăn cơm thì nhắn tao một câu.” 

Trưởng đi rồi, một mình Nhân lại đứng trước cửa thẫn thờ thêm một lúc rồi mới quay vào phòng. Ban nãy có thêm Trưởng ở đây nên dù không trò chuyện rôm rả nhưng căn phòng nhỏ của cậu vẫn ấm hơi người. Giờ này chỉ thiếu đi một người mà căn phòng dường như đã trở nên quạnh quẽ, vắng vẻ hơn rất nhiều. Thế nhưng dù sao thì cậu cũng đã quen với quạnh quẽ, vắng vẻ rồi. Nhiều người quá mới lại thấy mình lạc lõng, không quen. 

Nhìn đôi dép lê của Trưởng còn bỏ bên ngoài, Nhân chép miệng, cười khẽ rồi nhặt bỏ vào tủ giày. Rõ ràng, ban nãy Trưởng đã quần áo, giày mũ chỉnh tề, thong dong đứng ngay cửa lâu như thế chờ cậu ra tiễn mà không hiểu sao lại quên bỏ dép vào tủ giày được. Cậu tần ngần một lát rồi nằm lên giường, nhắm mắt lại. Giờ nghỉ trưa bình thường của cậu đã qua rồi. Cậu cũng không ngủ được mà chỉ nằm nhắm mắt nghĩ ngẫm một lúc thôi. 

Nhân nằm ngẩn người nghĩ, có nhà, có đầy đủ bố mẹ mà như Trưởng thì quả thực cũng chẳng khác gì không có. Có nhà mà chẳng muốn về, có đủ cả bố mẹ mà gần như ngoài tiền ra thì Trưởng chẳng còn nhận được thứ gì khác từ họ, những thứ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn. Là tình cảm gia đình, là tôn trọng, là sẻ chia, là yêu thương, là gắn kết. Có nhiều lúc Nhân nghĩ, có nhà như thế, có bố mẹ như thế chẳng thà làm trẻ mồ côi như cậu còn hơn. 

Cậu không bố không mẹ nhưng còn có bà. Bà yêu thương cậu, bà chăm lo cho cậu từng chút một. Cậu và bà không được ở căn nhà to như nhà Trưởng mà phải ở trong ngôi nhà cũ kỹ, ọp ẹp, ngày mưa thì dột, ngày nắng thì nóng nhưng ngôi nhà của bà vẫn là tổ ấm, là chốn về ấm áp của cậu. Tính toán chi li ra, có vẻ cậu vẫn sướng hơn Trưởng một chút, nhỉ? Một đứa bé bị bỏ rơi từ lúc vừa mới lọt lòng lại đi thương cảm cho đứa trẻ dù không có tổ ấm đúng nghĩa nhưng ít ra vẫn có “nhà”. Nhân ngẫm nghĩ rồi bỗng bật cười vì thấy ý nghĩ của mình sao mà ngây ngô, ngốc nghếch quá. Rồi cậu thở dài xa xăm.

Ngày xưa, bà cậu nhặt được cậu ngoài chân cầu lúc sớm tinh sương, trời còn chưa kịp sáng khi bà lần mò đi cắt rau muống về để kịp giao cho mấy người mua buôn trong buổi chợ sớm. Khi ấy, cậu chỉ còn nằm thoi thóp giữa bọc chăn gối rách nát mà nhà ai đó vứt đi chứ chẳng còn hơi mà khóc. Bà thương xót vội bế đứa trẻ còn nguyên dây rốn, da đã tím tái đi vì lạnh vào trạm xá. Sau khi được ủ ấm, được cho ăn chút sữa bò, cậu mới dần hồng hào trở lại. Mấy ngày sau, bà làm các thủ tục với bên ủy ban rồi ôm cậu về nuôi, còn đặt cho cậu cái tên Thiện Nhân. 

Đến năm Nhân học lớp chín thì bà cậu mất. Lúc này cậu mới chính thức phải sống cuộc đời của một đứa trẻ mồ côi. Thế nhưng ít nhất là trong mười lăm năm sống cùng bà, Nhân đã có được rất nhiều thứ mà Trưởng dù có nhà, có bố mẹ nhưng lại không có được.

Trong một số lần ít ỏi mà bà kể về chuyện ngày xưa, Nhân hỏi sao ngày ấy bà lại tìm thấy cậu? Khi ấy cậu không khóc lên được, nằm lọt thỏm giữa đống giẻ rách nát, trời thì lạnh lẽo lại tối tăm như thế. Bà cậu bảo có lẽ là do duyên nợ. Bà nói, có lẽ là do kiếp trước bà nợ cậu nên định mệnh kiếp này của bà là phải tìm thấy cậu, phải nuôi cậu lớn lên. Nhân hỏi tại sao không phải là ngược lại, là kiếp trước cậu nợ bà nên kiếp này phải đến để chăm sóc cho bà? Lúc ấy bà chỉ cười chứ không trả lời.

Khi bà nói đến câu chuyện “duyên nợ” ấy là khi Nhân mấy tuổi ấy nhỉ? Cậu không còn nhớ rõ nữa. Cậu chỉ còn nhớ y nguyên ánh mắt và nụ cười hiền lành của bà, ánh mắt gần như chưa từng thay đổi mỗi khi nhìn cậu trong suốt những năm tháng bà còn sống.

Lúc còn bé, cậu đã từng nghe thấy nhiều người bàn tán rằng bà một thân một mình thì chịu kham chịu khổ một tí nuôi cậu cũng được, sau này khi cậu lớn lên sẽ chăm sóc cho bà. Cậu vẫn luôn đồng ý với cách nghĩ ấy. Nhưng rồi sau này khi đã lớn, cậu lại cảm thấy việc bà nhặt cậu về, nuôi cậu lớn quả thực là nhặt một gánh nặng đặt lên vai bởi lúc nhặt được cậu, bà đã hơn sáu mươi tuổi rồi. Nếu không nhặt cậu về thì một mình bà trong những năm tháng cuối đời sẽ đỡ vất vả hơn, sẽ tự do tự tại hơn biết bao nhiêu.

Nghĩ đến bà, Nhân bùi ngùi trở dậy, thắp cho bà một nén hương trầm.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}