Đường Vĩnh Hằng, thành phố Yên Bình, một ngày thu năm 2016.
Không rét mướt như tiết trời mùa đông, cũng không nóng nực chảy mỡ như cái lò mùa hạ, thu sang mang đến cho con người ta cảm giác thư thái và dễ chịu. Nắng thu nhàn nhạt xuyên qua từng tán lá đã bắt đầu chuyển màu úa vàng, gió chiều nhẹ nhàng dạo chơi nơi những lọn tóc của các cô cậu học trò đang đạp xe cười đùa trên đường tan học.
Thời tiết này thật lý tưởng để mọi người thò đầu ra ngoài tụ tập, ôn lại chuyện cũ, hoặc đơn giản là cùng nhau tận hưởng không khí nôn nao đầy thi vị.
Tiệm Cà Phê Sách những ngày này đông đúc hẳn, một phần vì tọa lạc ngay khu vực đắc địa, mặt tiền đối diện với hồ Hoài Niệm, không khí cực kỳ trong lành. Từ đây có thể ngắm nhìn ra hồ nước trong xanh với từng đàn bồ câu chao liệng, một khung cảnh thơ mộng, yên bình như vỗ về lòng người.
Cà Phê Sách chia thành hai tầng. Tầng dưới thường là nhóm thanh niên, trung niên ngồi dàn hàng từ trong tiệm ra tận đến vỉa hè cắn hạt dưa, uống nước chém gió. Tầng trên là phòng đọc sách với phần kính có thể nhìn xuyên ra cảnh quang bên ngoài, là nơi cho lũ học sinh tụ tập học nhóm, đọc sách, hoặc cũng có thể là chụm đầu lại ôm điện thoại đánh Liên Quân.
Hòa cùng với khung cảnh hết sức nên thơ ấy, lâu lâu mọi người cũng sẽ giật nảy mình vì mấy tiếng "đậu má" phát ra từ những cậu học sinh trên ngực vẫn còn đeo huy hiệu Đoàn này.
Ngô Lệ Quỳnh như thường lệ, trước khi đẩy cửa đi vào đều tiện tay cầm bình tưới nước cho mấy chậu hoa dạ yến thảo nhiều màu sắc được trồng trước cửa tiệm, anh Sinh - một nhân viên cũ của quán từng có lần nói: hoa dạ yến thảo nở quanh năm, bốn mùa khoe sắc, loài hoa này thể hiện cho hy vọng, niềm tin và sự vươn lên không mệt mỏi. Con người ta sống trên đời cũng nên như thế.
Con người ta sống trên đời cũng nến như thế, câu nói bâng quơ giữa một buổi chiều hè còn chẳng nhớ thứ tuần, vậy mà cứ thế len lỏi vào trong huyết quản của cô gái bé nhỏ Ngô Lệ Quỳnh, nó đem theo ý nghĩa của loài hoa này cứ vậy khôn lớn, lặng lẽ vươn mình trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
Trong đó có cả việc ngày nào Quỳnh cũng tới Cà Phê Sách, nhưng nó đến không phải để lập nhóm đánh Liên Quân, cũng không đến để thả hồn vào vẻ đẹp của hồ Hoài Niệm, mà nó đến để nhìn sắc mặt khách và giữ nụ cười tươi tắn mỗi khi nghe họ chửi.
Đúng rồi, Quỳnh là nhân viên phục vụ, mỗi ngày đều như vắt tranh năm giờ chiều vừa tan trường là hớt hải lên ca, áp lực về sự trưởng thành của một đứa trẻ mười bảy tuổi không ai nương tựa từng chút một đè lên lồng ngực nó. Đi học rồi lại đi làm thêm, thời gian biểu tựa cái bao nhét đầy gạo, không để chừa một chỗ trống nào, nó thả mình vào sự bận rộn đến bù đầu bù cổ.
Quỳnh cất cặp sách, thay xong bộ đồng phục là bắt đầu nghe giọng khách giục như giục tà:
"Bàn chị đồ ra chưa em ơi? Sao hôm nay lâu thế?"
Nó quay đầu theo hướng theo âm thanh lảnh lót phát ra ở gần cửa tiệm, do vừa mới giao ca nên cũng chẳng kịp nhìn xem chị xinh đẹp này vừa mới gọi món gì. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm nhắm mắt nói xằng của đám nhân viên cũ truyền lại, Quỳnh vẫn đáp:
"Đang làm rồi đây ạ. Phiền chị chờ một chút ạ."
Trả lời xong xuôi nó mới đi về phía quầy pha chế hỏi han xem bàn họ gọi món gì và làm đến đâu rồi.
Lúc này, ngoài cửa vang lên một hồi chuông gió leng keng. Vài nam sinh cấp ba tháo mũ bảo hiểm, khoác theo ba lô bước vào tiệm. Tổ hợp này nhìn thoáng qua là biết con ngoan trò giỏi, tuy nhiên thông qua phù hiệu trên tay áo trắng, có thể đoán được họ không học chung một trường.
Trong mấy cậu học trò mặt mày sáng láng này có một người là khách ruột của quán, Quỳnh cũng không lạ gì cậu ta.
"Một sinh tố mãng cầu, một cà phê nâu đá, một soda chanh, và một cacao nóng nhé."
Anh bạn này vừa đọc món cho Quỳnh xong, cái tên đầu húi cua mặc áo trắng phù hiệu THPT Chiến Thắng ngồi đối diện cậu ta liền réo lên như mới bị ai úp sọt:
"Vãi cả ca cao nóng, mày đến tháng hả Lâm? Sao hôm trước ở Bảy Hằng Đẳng Thức mày bảo đồ uống không lạnh, không cồn thì không kích thích? Còn đách cho anh em uống nước ngọt."
Nam sinh gầy gò bên cạnh đập hắn ta một cái: "Đầu mày có đạn hả? Kính thưa, đây là quán cà phê ạ, không phải KTV ạ, mày thấy ai vào KTV mà uống ca cao không?"
"Thì... thì tại lúc nãy Lâm Tặc than trời nóng nên tao mới thắc mắc. Chứ làm đếch có ai uống đồ nóng cho đỡ nóng bao giờ."
Bỏ ngoài tai tiếng chó mèo quấy nhau, Quỳnh kiên nhẫn nhìn Lâm chờ đợi, sau cùng chỉ thấy cậu ta lời hay ý đẹp một đường trơn tru thốt ra khỏi miệng:
"Chúng mày im mẹ mồm vào, sủa lắm. Nhìn lên kia."
Hai đứa kia theo cái hất mặt của Lâm nhìn lên tường, một cái bảng ghi chú với hai dấu gạch chéo, tức thì uất hận nghẹn cả cổ. Trên bảng ghi:
Yêu cầu khách hàng không đem theo cún cưng làm ồn đến không gian quán.
Sau đó Lâm quay sang Quỳnh xác nhận lần nữa: "Không có gì thay đổi đâu." Nghĩ vài giây lại thuận miệng hỏi: "Quán nay bận không?"
Quỳnh quay ngang quay ngửa một hồi, trả lời: "Chắc sẽ phải chờ hơi lâu một chút."
Lâm gật đầu, chẳng nói chẳng rằng tiến tới quầy pha chế, đưa tay bưng khay đồ uống chưa kịp đem cho khách ở trên bàn đi. Quỳnh nhảy đong đỏng, vội vã ngăn cậu ta lại:
"Lại nữa, mày có thôi đi không, tính đá bát cơm của tao đấy à. Để xuống đó cho tao, khách khứa đâu có đông lắm, đi ra kia mà chơi với bạn, xùy..."
Câu "khách khứa đâu có đông lắm" vừa đi ra khỏi miệng, ngoài cửa tiệm bỗng truyền tới một hồi chuông gió dai dẳng, một nhóm khách mười mấy người lần lượt đi vào, ồn ào không tả được.
Đoàn Trung Lâm trên tay vẫn đang bê khay nước, trên mặt bày ra nụ cười rất không đứng đắn, hất cằm về phía cửa chính:
"Khách vào kìa, ra đón khách đi."
Nói rồi cậu ta cúi đầu xem ghi chú số bàn, một mạch đem nước đi thẳng.
Cuối cùng Quỳnh vẫn phải bất đắc dĩ để cho Lâm giải quyết mấy khay nước đang chờ ở quầy pha chế, còn nó thì lăng xăng xếp bàn cho đoàn khách mới.
Nhân viên trong quán đã quá quen với cảnh này, cũng chẳng buồn cản cậu ta lại, bởi ông trời con này sớm đã coi Cà Phê Sách là nhà của mình. Anh chủ quán dặn dò nhân viên cũ, nhân viên cũ lại truyền đạt cho nhân viên mới, đại khái thì cứ tập đánh vần ba chữ "mặc xác nó" mỗi khi nhìn thấy Đoàn Trung Lâm, kệ cho tên nhãi này muốn làm gì thì làm, chỉ cần canh chừng đừng để cậu ta buồn chân buồn tay vặt hết đám hoa dạ yến thảo của quán đi là được.
Anh Bình kể, thằng oắt này từ nhỏ đã thường xuyên tới đây chơi, lúc đầu thì thấy đi cùng anh trai, sau này thì tới một mình, lịch sử cắm cọc ở quán còn dài hơn cả nhân viên làm việc lâu năm nhất. Mà thằng Lâm này tính tình vô cùng kỳ quái, thông thường người ta lúc nhỏ thì bốc đồng, lớn lên mới biết điều. Nhưng riêng cậu ta thì phát triển ngược, hồi bé đáng yêu bao nhiêu, càng lớn lại càng cư xử tùy hứng, tâm trạng tốt thì tới giúp một tay, tâm trạng xấu thì tới trêu mèo chọc chó, đã vậy còn chẳng biết học đâu được cái lối sống cần kiệm một cách quá thể đáng, dám nói: tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm mới là lối sống đúng đắn của thời buổi hiện đại.
Nào chỉ có quán cà phê của anh Bình, ngay cả hàng xóm xung quanh khu vực này thằng Lâm cũng không buông tha, từ ông bán tạp hóa đến bà bán hoa quả, cậu ta tới lui chào hỏi nói chuyện đến nhẵn cả mặt, lúc tám chuyện hăng say còn tiện tay thó bánh trái, đồ ăn vặt nhà người ta rồi xin túi bóng đóng gói đem về, bị mấy cô chú gọi là Lâm Tặc còn lấy làm tự hào, cười ha hả.
Tất nhiên thì cái giá của việc đi ăn không trả tiền là phải ở lại rửa bát, Lâm Tặc không dưới một lần cầm loa kéo rao bán hàng ầm ĩ ở tiệm trái cây nhà bà Tuyết đối diện quán anh Bình. Có lần nói xằng nói xiên báo giá bậy bạ mà bị khách chửi cho là đồ gian thương bán hàng cắt cổ.
Bà Tuyết mấy lần nhịn hết nổi, ném cho cậu ta quả xoài rồi tống cổ đuổi đi, để thằng này bán hàng chỉ có mà mất hết khách.
Bôi bác là thế, nhưng không nói thì chắc chẳng ai biết Đoàn Trung Lâm là rich kid hàng thật giá thật có tiếng tăm của thành phố Yên Bình này.
Thật ra thì, cậu ta đến quậy là thật, đến giúp cũng là thật, chẳng thế mà bao nhiêu năm bạn bè Lâm đến khu này chơi ngày một nhiều, uống nước, mua bánh trái như cơm bữa, nhiều khi mới mở hàng đã bán hết veo, thế nên Lâm được mấy cô bác ở đây quý như gì, miệng thì mắng như tát nước, tay thì vẫn nhét cho đẫy đồ ăn vặt. Hôm nào thu hoạch tốt, cậu ta còn hào phóng chia cho Quỳnh một ít.
Một năm về đây, có lẽ do bài vở ngập đầu, lại kết giao thêm một đống bằng hữu bốn phương, thời gian hoàng thượng đại giá quang lâm mới ít hẳn, mấy năm cấp hai ngày nào cũng đến, sau này lên cấp ba tần suất rút lại còn một tháng chỉ đến sáu, bảy lần. Có lẽ bởi vì quán có thêm nhân viên mới nên chẳng có chỗ cho cậu ta mó tay vào nữa.
Ờ thì nhân viên mới này còn ai khác ngoài Ngô Lệ Quỳnh, Quỳnh mới đầu còn nghĩ tên này đến để đá chén cơm của mình thật, chứ làm gì có khách khứa nào mà cứ tranh việc với nhân viên như cậu ta đâu?
Tên Lâm này, chẳng lẽ lên lớp hành bạn thì chưa đủ, ra đường gặp bạn cũng muốn hành?
Nói thế sở dĩ vì Đoàn Trung Lâm là lớp trưởng lớp Quỳnh, được coi là bạn cùng lớp. Tuy nhiên quan hệ cũng chẳng phải thân thiết gì cho lắm, khoảng cách hai người xa lắc xa lơ như cá dưới nước, như chim trên trời. Nếu không phải có một điểm chung đều coi Cà Phê Sách là nhà, thì có lẽ suốt mấy năm cấp ba cũng chẳng tương tác với nhau được mấy chữ.
Sau từng đợt khách ra ra vào vào, Quỳnh cuối cùng cũng rảnh tay được một chút. Nhóm bạn của Lâm cũng bắt đầu rục rịch đứng lên thanh toán tiền đồ uống, trước khi đi khỏi, Quỳnh kéo Lâm lại rồi đặt vào lòng bàn tay cậu một nắm kẹo ngọt thay cho lời cảm ơn.
Lâm không biểu lộ gì nhiều, cậu ta nhận lấy, nhét vào túi áo rồi bước theo bạn bè rời đi.
Tâm tư của Ngô Lệ Quỳnh tương đối đơn giản, người ta giúp đỡ mình thì mình phải cảm ơn, dù có là thói quen đi chăng nữa thì đó vốn cũng chẳng phải việc người ta bắt buộc phải làm, không thể coi lòng tốt của người khác là điều đương nhiên được.
Người giúp mình một lần, thì mình biết ơn người ta một lần, giúp hai lần thì biết ơn hai lần, nó cho rằng đạo lí này trong trường hợp nào cũng đều công bằng và đúng đắn.
Tuy nhiên, Lâm không phải người qua đường xa lạ, cậu ta làm những việc này chẳng phải lần đầu, một câu cảm ơn mà cứ lặp đi lặp lại thì cũng sẽ thành lời sáo rỗng. Mẹ Quỳnh dạy rồi, giữa người với người quan trọng nhất vẫn là lòng thành, dù nhiều hay ít cũng vẫn phải ghi nhớ.
Vì thế, thỉnh thoảng Quỳnh sẽ nhét kẹo vào tay cậu ta, dù sao Quỳnh cũng nghèo, đi làm một ngày được mấy chục nghìn so với tiền tiêu vặt của Lâm quả thực không thể bì nổi. Chẳng qua Quỳnh thấy Lâm hay uống đồ ngọt, chút "lòng thành" này của nó có lẽ là dùng được, hơn nữa Lâm chưa bao giờ chê, cho bao nhiêu thì cậu ta cũng vẫn lấy.
Giống như bà Tuyết, thỉnh thoảng cho cậu mấy quả nhãn, mấy quả chôm chôm, Lâm đều nhận tất chưa từng khách khí bao giờ.
"Nhỏ kia em gái mày hả Lâm, đáng yêu thế, đúng gu tao, cho tao cơ hội gọi mày bằng anh đi, anh Lâm!"
Lâm đang sờ soạng túi quần tìm chìa khóa, nghe tiếng Hưng sủa quá chói tai liền ngẩng đầu lên, cậu mỉm cười hiền từ, đưa tay xoa cái đầu chó của hắn, miệng chân thành khuyên nhủ:
"Bạn thấy đấy, tôi đây coi bạn như máu mủ ruột rà, giờ bạn lại xum xoe nhòm ngó em gái tôi. Thưa bạn, bạn muốn chết không toàn thây thì cứ trực tiếp đệ đơn lên cho tôi duyệt, hà cớ gì lại phải đi đường vòng vất vả thế này?"
Hưng lùng bùng nghe một mớ câu từ vô nghĩa, cuối cùng tự tóm gọn lại thành ý chính:
"Ý là bạn không gả em gái cho tôi?"
Lâm trả lời nhanh nhẹn, dứt khoát. "Không gả."
"Bạn tồi!"
Hưng khó chịu vuốt lại cái mớ lông chó trên đầu mình dù cái đầu húi của của hắn còn có được mấy cọng tóc, sau đó còn ngứa mồm hỏi thêm:
"Mà nhà mày giàu thế sao để em gái đi làm vất vả vậy? Nhìn thế mà cũng nhìn được luôn. Hay là anh em nhà mày đang làm bài nghiên cứu về cuộc sống mưu sinh của tầng lớp lao động nên ra ngoài trải nghiệm cho thực tế?"
Lâm không nói gì, trợn mắt chỉ tay về phía yên xe của hắn. Hưng hiểu ý ngậm chặt miệng lại, vội vã đội mũ bảo hiểm, phi lên con xe máy rồi rồ ga cút khỏi tầm nhìn của cậu.
Cả lũ giải tán hết, Lâm cũng không nán lại trước cửa quán nhà người ta nữa, cậu sờ soạng túi áo tìm thuốc, sau đó nghĩ gì lại thôi, thấy trong túi áo có thêm mấy viên kẹo liền tiện tay bóc vỏ một viên, bỏ vào miệng ngậm rồi điều khiển xe máy men theo đường bao của hồ Hoài Niệm, tiến đến địa điểm tiếp theo.
-
Sáu giờ chiều chẳng còn nắng mà cũng chưa sập tối, nhưng đèn đóm đã lên phủ một màu vàng kim trên từng con ngách phố phường, hai bên đường cây xanh rợp bóng, mùa thu lá vàng lìa cành theo chiều gió nhẹ bay khiến những kẻ độc thân đi dưới khung cảnh này cũng tựa hồ cảm thấy lãng mạn.
Lâm điều khiển con xe Honda Super Cub 50 đời Tống thong thả lướt trên đường, sau khi rời khỏi Cà Phê Sách, cậu hướng xe quay trở về trường vì chợt nhớ ra còn chút việc vặt vãnh. Con đường từ hồ Hoài Niệm đến trường Trung học phổ thông Gắn Kết được nối liền bởi cây cầu Bình Minh vắt ngang con sông Mây dài hơn một cây số, mỗi ngày đi qua đi lại đến mòn cả đường.
Lúc phóng xe vào cổng, Lâm bắt gặp một thằng nhóc thân hình mảnh khảnh, mặc áo thun trắng, bên ngoài khoác một chiếc áo gió tối màu đang chống tay ngồi vắt vẻo trên bờ tường bao của trường học. Trên mắt tên này vẫn còn đeo kính, chẳng biết là kính thời trang hay kính cận, tay cầm xấp giấy như mấy tờ đề cương, vừa phe phẩy, vừa hướng mắt nhìn về nơi khác.
Lâm thầm thán phục: "Sáu giờ tối, leo tường học bài, quá đỉnh."
Cảm thán xong, Lâm đưa chân đi về phía phòng giáo vụ, sau đó phát hiện hôm nay không có giáo viên nào trực muộn, cậu lại quay đầu leo lên xe vòng về.
Con hẻm nhỏ nằm ngay cạnh trường học lúc này đang xảy ra một vụ ẩu đả quy mô bé tí, bốn nam sinh mặc áo trắng phù hiệu trường THPT Gắn Kết đang dùng nắm đấm để thân mật nói chuyện với nhau, mà đúng hơn là ba nam sinh dùng nắm đấm xúm vào hỏi thăm một nam sinh còn lại, kết quả là thằng nhóc đó bị thụi liên tục vào bụng, mặt cũng trúng thưởng một vết tím bầm, đau đớn ngồi xuống nền gạch, rên ư ử.
Ở góc độ này, Trần Thành Vũ không phân biệt được đứa nào vào với đứa nào, cũng có thể trông mong gì ở một thằng cận lòi bốn độ mắt còn đeo kính giữa cái bầu trời nhá nhem này cơ chứ? Mãi sau, hắn chỉ nghe thấy tiếng một trong ba tên có vẻ là "người trong giang hồ" kia cất giọng nạt nộ:
"Hôm nay đập mày coi như cảnh cáo. Mày về nói với thằng Hùng béo, cẩn thận với cái chân của nó. Còn dám đạp xằng đạp bậy thì bố đập cho què quặt khỏi phải đi học lại được luôn. Nghe rõ chưa?"
Cảnh cáo xong, mấy thằng đá thúng đụng nia kéo nhau rời khỏi con hẻm.
Vũ ngồi vắt vẻo trên cao, nhìn xuống với ánh mắt chờ đợi, cũng chẳng có ý định xen vào. Sau khi tiệc tan ai về nhà nấy rồi hắn mới nhổm người dậy, men theo bờ tường, bám vào cành phượng vĩ mà đu người nhảy xuống, ngay cạnh thằng nhóc mới bị đánh bầm dập kia.
Hắn chống hai tay lên hông, đẩy mắt kính liếc xuống nhìn nam sinh đang ôm bụng ngồi bệt dưới mặt đất.
Đối phương tưởng hắn muốn đỡ mình dậy định vươn tay ra, ai ngờ chỉ thấy tên chán sống này xòe ra trước mặt cậu ta một tờ thông tin học sinh, điềm nhiên hỏi:
"Ê, biết lớp 12A1 trường này học phòng bao nhiêu không?"
Nam sinh vừa mới bị đám người của 12A1 đánh bầm dập, nghe xong tức thì trợn mắt, chửi thẳng vào mặt:
"12A1 con mẹ mày, cút."
"Ơ hay."
Vũ ngẩn người, nhún vai rồi đến gần chiếc bảng tên của đứa nào đó trong đám kia vừa đánh rơi nằm chỏng chơ trên nền đất. Hắn cho hai tay vào túi quần, cúi xuống xem xét một lúc. Cuối cùng lạnh lùng dùng chân đạp văng ra xa, trong lòng trào phúng:
"Đập cho què quặt khỏi phải đi học lại được luôn cơ. Trường trung học phổ thông Gắn Kết, trái tim của thành phố Yên Bình. Trò cười!"
Bình luận
Chưa có bình luận