Hồn Bướm Mơ Tiên là tác phẩm đầu tay của tác giả Khái Hưng, cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn, đây là một tác phẩm chỉ vỏn vẹn trong chừng trăm trang sách với giọng văn trữ tình nhuốm màu hiện đại quen thuộc của những cây bút mới trên văn đàn Việt Nam những năm 1930.

Qua từng trang sách của Hồn Bướm Mơ Tiên, những hậu nhân như chúng ta có dịp được thấy một góc nào đó bức tranh Việt Nam giữa cơn chuyển mình của thời đại - khi Nho giáo là lớp tro tàn trải bên dưới những con chữ quốc ngữ, khi tư tưởng phong kiến là lớp sương mờ dưới vòm trời Âu hóa. Và cái cảm giác cũ mới đan xen ấy trở nên dai dẳng như thể đó là hơi thở của tác phẩm khi Khái Hưng chọn dùng những ngôn từ đậm chất cổ điển để bộc lộ những tư tưởng hiện đại về hạnh phúc và tình yêu trong sự hài hòa với những lẽ xưa và giáo lý của nhà Phật:

"Yêu là một luật chung của vạn vật, là bản tính của Phật giáo. Ta yêu nhau, ta yêu nhau trong linh hồn, trong lý tưởng, Phật Tổ cũng chẳng cấm đoán đôi ta yêu nhau như thế."

Toàn bộ câu chuyện chủ yếu chỉ xoay quanh hai nhân vật chính là Ngọc và Lan. Chàng Ngọc là sinh viên chốn Hà Thành, một mình tìm đến chốn chiền am hòng tự chữa lành sau những sự tình đau lòng mà chàng gặp phải. Chàng chính là đại diện cho lớp người tri thức mới lúc bấy giờ, những người đã ít nhiều được tiếp xúc và tiếp thu tư tưởng bình đẳng, tự do của phương Tây. Còn chú tiểu Lan là một cô gái với tâm hồn thanh cao và thuần khiết. Nàng từ nhỏ đã được dạy những tư tưởng của Nho giáo và Phật giáo, thế nên tờ giấy trắng ban sơ của tâm hồn con người nơi nàng cứ thế được giữ gìn không vướng bụi trần. Đối với nàng tình ái nhân gian là nhỏ nhen và tầm thường, thân tâm tĩnh tại chong ngọn đèn xanh mới là thanh tao. Nàng chính là đại diện cho lớp người tri thức thời phong kiến.

Họ gặp nhau và đồng điệu lẫn nhau, để rồi từ đó sinh ra bao dằn vặt và khổ đau trong cả hai linh hồn, mà trớ trêu thay tất thảy những khổ đau đó đều là tự họ gây nên. Bởi cả hai người họ đều là những người có lý tưởng và đáng sợ hơn là thứ lý tưởng đó đã hóa thành chấp niệm, như một tảng đá lớn nơi đáy giếng, chẳng có cách nào nhấc đi được.

Nếu như lý tưởng của Ngọc chính là ái tình, thì lý tưởng của Lan lại là tôn giáo. Nếu như hạnh phúc của chàng là trần gian trước mắt, thì hạnh phúc của nàng là Bồng Lai tiên cảnh. Chàng có bao nhiêu cố chấp đối với lý tưởng của chàng, thì nàng cũng có bấy nhiêu cố chấp dành cho niềm tin của nàng.

Cứ như thế một người không muốn buông, một người không thể buông. Rõ ràng là trong lòng có nhau nhưng lại chẳng thể ở bên nhau.

Giá như cả hai đều bớt cao thượng, giá như họ đều là những kẻ tầm thường, chịu nghe theo bản năng, chịu trở về đúng nghĩa trái tim mình, thì có lẽ họ đã tìm ra lối thoát cho chính mình và cho cuộc tình đầy tính bi kịch đó.

Chính bản thân chàng Ngọc cũng bất lực khi nhận ra điều đó:

"Chỉ vì tôi không quên được lời thề, nên tôi mới khổ. Bản tính con người là quên. Mà muốn đi tới hạnh phúc thì càng phải quên. Nếu tôi quên được hết, quên lời thề, quên cái đêm trăng rọi trên đồi, quên lời ăn tiếng nói của chú, quên sự gặp gỡ của đôi ta, quên chú, quên hết, thì đâu đến nổi... Nhưng trái lại, tôi nhớ, tôi tưởng tượng như mọi sự vừa mới xảy ra hôm qua, nào phải chăng tôi sống trong cảnh mộng?"

Và không những thế, chàng còn nhận ra cả những dằn xé của tâm hồn Lan:

"Tôi thương hại chú quá. Tôi cũng đáng thương, nhưng chú còn đáng thương gấp trăm, gấp nghìn lần. Linh hồn chú bị ái tình và tôn giáo, hai bên lôi kéo, mà lạy Trời, lạy Phật, hai cái mãnh lực ấy lại tương đương, nên tâm trí chú càng bị thắt chặt vào hai tròng."

Ngọc và Lan, tựa cánh bướm mơ giấc mộng hóa thành Trang Chu, mơ miết mơ mãi, mơ đến chẳng biết là Trang Chu mộng hồ điệp hay hồ điệp mộng Trang Chu. Cả Ngọc và Lan đều quên mất nơi bắt đầu của lý tưởng, họ không còn biết được rốt cuộc bản thân bám lấy chấp niệm là để cầu hạnh phúc hay bản thân hạnh phúc khi giữ được chấp niệm.

Dù là tịch mịch, dù là khốn khổ, nhưng cả hai đều chẳng thể buông bỏ được lý tưởng của mình, hay đúng hơn là chấp niệm. Bảo vệ chấp niệm là bảo vệ lõi sống của linh hồn.

Sự ngoan cố của cả hai cuối cùng đã được đưa lên đến đỉnh điểm khi Ngọc quyết tuyệt bảo vệ cho tình cảm cao đẹp của hồn mình bằng lời thế trước Lan và Đức Phật:

"Tôi xin thề với Lan rằng tôi giữ được mãi như thế. Tôi xin viện Phật tổ tôi thề với Lan rằng suốt một đời, tôi sẽ chân thành thờ trong tâm trí cái linh hồn dịu dàng của Lan… Nghĩa là suốt đời tôi, tôi không lấy ai, chỉ sống trong cái thế giới mộng ảo của cái tình lý tưởng, của ái tình bất vong bất diệt… Tôi không có gia đình nữa. Ðại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình của tôi là... Hai linh hồn đôi ta, ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ."

Còn Lan đáp lại chàng chỉ bằng dáng vẻ hững hờ “chắp tay tụng niệm, mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh co, lượn khúc dưới chân đồi,” xem tất thảy tình cảm và rung động dành cho chàng đều là chiếc lá vàng phải rụng theo mùa thu.

Một quyển tiểu thuyết bắt đầu bằng lý tưởng và đến cuối cùng được khép lại bằng chấp niệm.

Khi chiếc lá cuối cùng trong tác phẩm rụng vào dấu chấm lặng của mối tình tội nghiệp, tội nghiệp vì đã mang một hình hài hoàn hảo nhưng lại chẳng được thấy ánh sáng mặt trời. Mình đã ngỡ ngàng cảm khái: Hóa ra giữa lý tưởng và chấp niệm cách nhau một lằn ranh mỏng manh đến thế. Và một khi lý tưởng đã hóa thành chấp niệm thì có thể mang lại cho người ta sức mạnh mãnh liệt đến thế.

Chấp niệm thật giống một giấc mộng, lý lẽ hay quy luật đều bị quên bẵng trong đó, thân như cánh bướm mỏi mòn vỗ đều chỉ những mong được lượn lờ hoài chốn cõi tiên.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}