Chương 4. Giấc mộng tình yêu.


Mấy ngày sau khi cô Xuân tâm sự với Nam, cô thấy cuộc sống mình thoải mái hẳn. Từ dạo không còn nghĩ việc mình làm sẽ gây trở ngại cho con, cô dễ thở hơn rất nhiều. Nam nói đúng, con cô không hề dị nghị công việc làm của cô, cậu còn nói rằng chỉ cần kiếm ra đồng tiền lương thiện, vậy thì làm gì phải sợ sệt mà dấu giếm. Con cô còn nói, con sẽ ráng học cho thành tài, mai sau tìm công việc hái ra tiền đầy túi, sẽ nuôi mẹ, sẽ dẫn mẹ đi khắp thế gian, đưa mẹ đi ăn những món mà mẹ chưa từng được thưởng thức. Còn hiện tại, con cô nói sẽ tranh thủ tìm việc làm thêm hoặc việc làm tại nhà để cô có thể bớt lo một phần. Cô Xuân tiết lộ thêm, nó nói cô đừng lo, người yêu nó thương nó lắm.


Nghe xong Nam cũng cười, cảm thấy hạnh phúc dùm cô Xuân. Nam đoán là thằng nhỏ có hiếu, thương cô Xuân nhiều lắm. Nam cũng thương ba, nhưng Nam sợ ba nhiều hơn.


Vẫn là những hôm mưa to không có khách, Nam ngồi tán dóc cùng cô Xuân. Trời mưa, rảnh rỗi không có gì làm, Nam kể câu chuyện về cuộc đời mình cho cô Xuân nghe. Dĩ nhiên khi nghe xong, cô Xuân cũng xót lắm cho phận đời bất hạnh của Nam. Cô bảo:


“Thôi thì bây giờ coi như con đang được sống cuộc đời mới tạm thời đi, khi nào con làm con gái rồi, con thành cô Nữ luôn thì khi đó con chính thức sống lại lần hai.”


Nam cũng thích khi được nghe người ta nói rằng mình đang sống đời cô Nữ. Nghe cứ ngờ ngợ như một vở cải lương nào đó mà Nam từng nghe được lúc còn nhỏ xíu nhỏ xiu. Có lẽ vì còn bé nên ký ức ấy đã trở thành một phần trong tiềm thức của mình.


Hồi xưa ông Sáu với bà Sáu thích nghe cải lương lắm. Cứ hễ khi chiều tà hai vợ chồng đều mở máy cát sét, vừa nghe tiếng hát của những nghệ sĩ gạo cội vừa ngồi nhâm nhi mâm cơm chiều. Bà Sáu tấm tắc khen giọng cô này hay quá, trong trẻo quá. Ông Sáu thì rỉa xương cá, lấy thịt để vào chén bà Sáu, lấy phần bụng cho vào chén của Nam. Thời còn nhỏ, chả hiểu sao Nam lại thích ăn bụng cá, vì thế mà mỗi khi nhà làm thịt cá thì phần bụng luôn luôn được Nam ăn sạch. Tối đến, khi ngủ hai ông bà cũng bật cát sét, nghe tiếng cải lương ngân nga thì cả nhà mới ngủ ngon. Và dường như trong những mảnh ký ức vụn vỡ còn sót lại trước khi sống trong ngày tháng khổ đau, đấy là điều mà Nam cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhớ về.


Cô Xuân có nói, dù như thế nào thì đó cũng là ba của Nam. Cô hiểu rõ câu cha mẹ sanh con, trời sanh tánh. Nam nghe cô Xuân ân cần nói về gia đình mà không sót một chữ nào.


“Dù gì thì con vẫn là con của anh Sáu, của chị Sáu. Cha mẹ sanh con ra là cho con hình hài, tứ chi lành lặn. Còn chất bên trong con là do trời cao ban phát. Con có sống nhầm giới tính thì con vẫn đang sống, vẫn là máu mủ ruột rà với cha con. Cho nên dù có như thế nào cũng đừng ân hận cha, lỡ mà làm gì sai quấy thì con phạm vào tội bất hiếu với đấng sinh thành nữa.”


Nam gật gù. Nam vẫn thương ông Sáu, Nam biết ông Sáu cũng lo cho mình nhiều lắm. Chỉ là Nam sợ những cái đánh đau điếng, nó kinh khủng và hình thành nỗi ám ảnh sâu thẳm trong góc khuất của Nam thôi.


“Con làm gì mà dám làm mấy chuyện tày trời.”


Cô Xuân ngồi bó gối, “Đời này ai nói trước được cái gì đâu con.”


Nam mỉm cười, nâng mắt nhìn mấy ngôi sao lẻ loi đang cố phát sáng trước những ánh đèn rực rỡ trong thành phố. Sao trời ở đây không như ở quê, lưa thưa nhấp nháy vài chỗ. Còn ở quê mỗi khi nhìn lên trời đều thấy sao và sao, đẹp lắm.


Cũng có mấy khi, Nam nhớ nhà, dù đã chọn cách đi xa, trốn chạy khỏi điều xưa cũ.


***


Thấm thoắt cũng đã sáu tháng trôi qua, từ ngày mới vào làm còn ngây thơ bỡ ngỡ, nay Nam đã được quản lý cho trở thành giám sát ở đây. Ai cũng nói Nam giỏi giang, làm việc rất chăm ngoan và nghiêm túc. Cũng đúng, vì từ khi mới vào làm, Nam chỉ biết vùi đầu vào công việc, làm đúng phần trách nhiệm của mình, xong xuôi lại quay ra phụ giúp những bạn khác, thế nên mới được tín nhiệm, leo chức vụ như thang máy vù vù.


Mặc dù đã trở thành giám sát của quán nhưng tiền lương vẫn không được bao nhiêu, chi tiêu đủ thứ thì số tiền còn lại cũng khá ít ỏi. Dành dụm kiểu này chắc phải chôn mình cả đời ở đây thì mới có thể có đủ số tiền mà sống với hình hài và tâm hồn cô Nữ. Nghĩ như thế, Nam dần quay trở lại với niềm đam mê của mình ngày xưa.


Đứng trước cơ sở dạy thiết kế thời trang nhỏ trong lòng thành phố, Nam không khỏi bồi hồi. Chỉ cần bước vào bên trong cánh cửa, anh sẽ được sống tiếp với ước mơ dang dở của mình. Nam thích chạm vào những cuộn vải, thích vẽ những bộ đồ, thích may ra sản phẩm để người sở hữu mấy chiếc váy đó mặc vào thêm phần lung linh. Chỉ nghĩ và mường tượng thôi, Nam cũng thấy sướng rơn trong lòng. Nam đi đến, đẩy cửa bước vào, vừa qua khỏi cánh cửa Nam tưởng mình lạc vào một vườn hoa, đầy màu sắc và ngát hương thơm. Cứ thế, Nam dùng hết số tiền mình dụm được để đóng học phí, bắt đầu hành trình trở thành nhà thiết kế như mình đã từng mơ.


Đóng học phí và làm thủ tục xong xuôi, tuần sau Nam có thể đi học. Cuối cùng cũng có thể bước chân trên con đường tơ lụa của riêng mình, Nam nghĩ đây là mơ, một giấc mơ đầy hoài bão. Thấy tâm trạng đang vui, Nam sẽ đi dạo mấy vòng trước khi quay về trọ. Trời hôm nay đẹp, mây bay giữa nền xanh biếc, tiếng chim líu lo trên những cành cây, người ở đây cũng đẹp, gặp ai cũng mỉm cười, gặp ai cũng chào hỏi. Thì ra, Sài Gòn đẹp đến thế! Nam đi đến một quán nước nhỏ trong hẻm sâu, thấy bên trong có nhóm học sinh đang làm cái gì đó, vì hiếu kỳ mà Nam rê chân bước vào trong.


Thì ra tụi trẻ đang làm trang phục tái chế, đẹp quá. Nam vừa nhâm nhi ly nước vừa nhìn nhóm học sinh trước mắt vui đùa. Đúng là tuổi trẻ tài cao, mấy bộ tự tay làm mà trông chuyên nghiệp vô cùng, đẹp hơn hẳn hai bộ mà Nam từng làm ngày xưa. Trong số những bạn góp sức góp công có cả mấy người như Nam, nhìn thấy điều đó Nam không khỏi mỉm cười, Nam luôn cảm thán rằng cộng đồng mình có nhiều người tài năng quá. Và rồi Nam mong, điều mình ước nguyện đêm mưa năm ấy sẽ trở thành sự thật. Ai cũng được sống trọn vẹn đủ đầy, được tha hồ làm điều mà mình yêu thích. Nếu được vậy, thế gian này sẽ lộng lẫy biết bao.


Trong một khắc, Nam lại nhớ chính mình của thời học sinh.


Hồi còn ngồi ghế nhà trường, đêm hội trại ở trường cấp ba có tổ chức cuộc thi thiết kế trang phục tái chế, mỗi lớp chuẩn bị hai phục trang, một nam một nữ. Nam được cả lớp gửi gắm niềm tin để trở thành nhà thiết kế tài ba, thế là từ hôm đó Nam lao vào việc làm ra hai bộ đồ thật xinh thật đẹp để không phụ lòng bạn bè. Từ việc lên ý tưởng, ráp mẫu, may vá đều là một tay Nam kết thành. Nghĩ lại mới thấy, khi ấy thật tự hào. Liên là cô gái học chung cùng Nam từ hồi cấp hai, lên đến tận cấp ba vẫn dính nhau như cá với nước. Thầy chủ nhiệm chọn ra một nam một nữ để mặc và trình diễn, dĩ nhiên Nam cũng giơ tay để xin ứng cử vào vị trí mẫu nữ. Đáng tiếc là, thầy từ chối thẳng tay. Thay vào đó, thầy chọn Liên cùng một cậu bạn đẹp trai khác. Những tưởng thầy sẽ được ngắm Liên tỏa sáng với trang phục Nam làm và được nghe xướng tên Liên là người thiết kế tất thảy, vậy mà hôm ấy thầy lại thấy Nam sải bước trên sàn, từng bước vững chắc như một cô người mẫu chuyên nghiệp, bên dưới những đám nhỏ hò reo không ngừng. Thầy không thích, các vị ban giám khảo cũng chẳng hé môi cười. Tất nhiên, trang phục của lớp đẹp nhất khối nhưng lại trượt toàn bộ giải, lý do đơn giản chỉ vì để con trai mặc đồ nữ, uốn lượn trên sân khấu mà thôi.


Hôm sau, thầy chủ nhiệm mắng vốn ông Sáu, Nam tiếp tục bị đánh. Mà lần này bị chính giáo viên lời ra tiếng vào, ông Sáu không biết đem mặt giấu vào đâu. Và càng cảm thấy xấu hổ, ông càng đánh Nam mạnh hơn. Điều đáng buồn là, những năm còn học cấp hai, khi bị đánh ít ra còn có bà Sáu bên cạnh vỗ về, Nam cảm thấy bớt đau hẳn. Nhưng khi lên cấp ba rồi, bà Sáu đi xa, bỏ lại Nam một mình cùng ông bố nóng tính. Từ ngày đó, Nam bị đánh không thương tiếc, gần như là mỗi ngày. Nếu may mắn thì có Hòa đến cứu, hay chòm xóm xung quanh vội vàng giải vây. Còn không, Nam bị đánh đến rát da rát thịt.


Có người hỏi, thằng Nam nó đồng tính hay bóng gió bê đê, lỡ rồi thì thôi sao mà ông Sáu đánh nó dữ vậy? Ông Sáu chỉ nói rằng, cái đó là bệnh, đánh càng nhiều thì càng mau khỏi thôi. Với lại nó như thế làm xấu mặt gia đình, huống hồ gì ông còn làm tổ trưởng cho xóm làng noi theo, mà nó bóng gió như vậy cả làng học theo thì ông chết mất!


Mấy người nghe xong, dù bản thân họ chưa thật sự chấp nhận cái gọi là giới tính khác kia cũng lắc đầu ngao ngán. Xì xầm rằng ông Sáu không nương tay, dù có kỳ thị nhưng việc đánh con mình như vậy không phải là quá đáng lắm sao? Ông Sáu nghe, nhưng không thèm để ý. Con tôi tôi dạy, mấy người bận tâm chi?


Quá khứ đau thương như thế, dù cho Nam cố lục lọi cách mấy cũng không tìm được nhiều ký ức gọi là vui vẻ để lấp đầy thương đau. Có chăng những cái vui chỉ là vài giây phút ngắn ngủi mà Nam ở bên cạnh Hòa. Còn lại, hễ nhắm mắt nghĩ suy, Nam chỉ toàn thấy roi cây và những lời mắng nhiếc.


Không để bản thân chìm trong ác mộng ngày xưa nữa, Nam vội lắc đầu, rục rịch soạn đồ định rời khỏi quán. Ngay khi chuẩn bị ra khỏi cửa, Nam va chạm với một chàng trai khác. Anh ta thơm, cao ráo, cơ thể lại vạm vỡ kiên cường. Vì va chạm với cơ thể kiên cường mà Nam ngã lăn ra đất, trông thảm thương. Anh ấy đưa tay ra kéo Nam dậy, vội nói lời xin lỗi và cười trừ. Lúc ấy, mắt hai người chạm nhau, tựa như tia sét khiến cả hai đứ đừ. Lạ!


Nam lấy lại tinh thần, đưa mặt đi chỗ khác, “À… xin lỗi anh, em không lo nhìn đường.”


“Không sao, mà phải là anh xin lỗi mới đúng chứ, anh làm em té mà.” Chàng trai kia mỉm cười, nụ cười cũng xinh không kém Nam.


“À, à vậy thôi. Em xin phép đi trước.” Nam cúi đầu chào một cái rồi nhanh chóng chạy đi, dáng người lỉnh kỉnh trông hài hước vô cùng.


Chợt anh trai gọi Nam lại, “Này em, cho anh làm quen được không?”


***


Sau ba tháng kể từ ngày gặp được Phương, Nam sống trong rung động bởi tình yêu nồng thắm mà Phương muốn gửi trao. Phương là một chàng trai làm nghề hớt tóc, gốc dân Sài Gòn, từ nhỏ đã sống cùng gia đình ở đây, đến khi lớn lên mới đòi gia đình cho mình ra ở riêng để mà sống độc lập. Phương cũng đẹp trai, chăm tập thể hình nên thu hút cả nam lẫn nữ. Thật ra Phương rất ít khi ngỏ lời với ai, vậy mà trong cuộc chạm trán với Nam hôm ấy, anh lại bị hớp hồn bởi vẻ đẹp dịu dàng của Nam. Cũng từ cái nhìn đó mà Phương cưa cẩm Nam không ngừng. Thời gian qua Nam đã nhiều lần từ chối, phải đến mấy ngày hôm nay mới nói lời chấp thuận yêu đương. Phần vì Nam sợ Phương không thích nếu mình chọn cách đi chuyển giới, phần vì Nam vẫn còn luyến tiếc với người cũ năm xưa, dù rằng Nam và Hòa chẳng là gì cả.


Suốt ba tháng qua, Nam được sống trong những ngày ngọt ngào thấm thía. Phương quan tâm và chăm nom cho Nam lắm. Chăm từng cái ăn cái mặc, chăm cả những giấc ngủ say. Có lúc Nam còn thấy rằng mối tình này đã vực dậy mấy ngày tăm tối, là liều thuốc đưa Nam dạt mình ra biển xanh vời vợi. Phương cho Nam cảm giác như Hòa năm ấy, nhẹ nhàng êm ái, không là rượu nhưng dễ đắm say. Có người nói những bạn trong cộng đồng rất dễ động lòng, thật ra Nam thấy điều đó đúng, vì chính Nam hiện tại cũng như vậy mà.


Hôm nay Phương nói sẽ chở Nam đi chơi. Vậy nên Nam đã xin phép nghỉ làm, ở trọ mặc đồ thật đẹp. Nam không trang điểm, không mặc váy, không đội tóc dài. Nam nghĩ Phương thích Nam vì Nam là con trai, nên lần này Nam sẽ để Nữ ngủ yên vậy. Chứ bình thường dạo phố phường, Nam đều mặc váy hoa, tóc giả thắt con rít, trở thành một cô gái dịu dàng trên từng góc phố. Ai đi ngang cũng ngước nhìn, ôi chao cô này xinh thế, đẹp thế!


Sáu giờ đêm, Phương đến trước trọ Nam, nhanh chóng gọi Nam xuống. Đèn đường hắt hiu bên con phố nhỏ, trông buồn tênh lạ thường. Nam bước xuống, nhoẻn miệng cười với Phương.


“Em cười đẹp lắm.” Phương nói, tiện thể đáp nhẹ nụ hôn lên mái tóc Nam.


Từ trước đến giờ, đây là lần đầu tiên Nam được một người nam khác hôn mình như thế. Nhưng Nam không chắc có đúng là vậy không, vì Nam nghĩ có khi Hòa cũng đã từng làm gì đó mà Nam không nhớ được. Không hiểu lý do gì, nhưng Nam cứ cảm giác rằng mình đã bỏ quên một đoạn ký ức trong quá khứ, cứ cố lục mãi mà chẳng tìm ra. Bây giờ cũng đã xa thằng Hòa, có chăng cũng chỉ còn trời biết đất biết.


Phương chở Nam đi ăn, rong chơi suốt khắp các quận nhất, quận hai, vi vu thêm mấy quận nữa mới trở về nhà. Khi về trời cũng đã tối muộn, Phương ngỏ lời hỏi Nam có muốn ở lại đêm nay không? Nam nghĩ ngợi, chưa đầy một phút đã gật đầu. Dù sao cũng trở thành người yêu của nhau, ngủ cùng nhau một đêm chắc cũng chả vấn đề gì. Nam nghĩ thế.


Đêm đó, trời không nóng nhưng phòng lại tràn ngập hơi nồng. Hơi thở dồn dập xen kẽ vào hư không. Nam thấy người mình nóng, nóng lắm, nóng một cách lạ kỳ. Là một loại cảm giác đầu tiên trong đời Nam biết được. Nam nằm trên người Phương, những bàn tay mềm thay nhau mò mẫm từng phương hướng. Lúc nắm chắc thành giường, khi nhàu nát chăn êm. Cái nóng ran vào ra từng nhịp một, trông mềm mại và đầy trơn tru. Cả hai không ai nói gì, đôi mắt nhìn nhau mà trìu mà mến. Đến một lúc tiếng chóp chép lại lên ngôi, ôi nghe sao thật thích! Nam ưỡn người nhìn ra ngoài ô cửa sổ, trăng rất sáng và sao trời lung linh. Chợt Phương rùng mình trong vài khắc, khẩu súng hăng bắn đạn vào hang sâu. Kết thúc một trận yêu, hai người hòa vào nhau nồng cháy, say giấc êm đến tận khi đêm tàn…


Có lẽ, cuối cùng Nam cũng biết cái đê mê mà chị Thi nói trên chuyến xe hôm ấy là cái gì.


Sau đêm đó, Phương phải đi ra Hà Nội cùng gia đình, rồi từ đó cả hai bắt đầu yêu xa. Giai đoạn đầu nồng ấm thiết tha, ấy vậy mà… Một tối muộn Nam vừa làm xong việc, như bao ngày Nam bật điện thoại lên, trên màn hình có dòng tin nhắn đến. Từ Phương: “Em ơi, anh dính HIV rồi…”


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}