Chương 3. Tôi là ai?


Dù phần đời trước Nam sống trong nỗi khốn cùng của đau thương, thậm chí từng mấy lần nghĩ đến chuyện kết thúc vòng đời. Nhưng khi đi trốn trên chuyến xe định mệnh giữa trời đêm, Nam gặp được chị Thi, người đã cho Nam một lời động viên thật đẹp. Và có thể nói rằng rạng đông ngày hôm ấy, chị Thi đã tiếp thêm niềm tin, giúp Nam tung đôi cánh hồng, sẵn sàng chao liệng trên nền trời hy vọng.


Sao chị Thi biết hay thế nhỉ? Nam nghĩ thầm. Chị ấy biết Nam như đang lênh đênh trên con nước vô tận, thậm chí còn biết Nam có ý định rời đoạn nhân sinh trong khi mới gặp nhau một lần. Hay chị ấy cũng từng mắc kẹt trong chuỗi ngày buồn không tên nên hiểu được tâm trạng của Nam hôm ấy? Nhưng suy cho cùng, mọi lời nói của chị Thi như thổi bùng ngọn lửa, đốt cháy đi hết mớ bòng bong trong đầu Nam. Nam chỉ muốn cảm ơn chị, một lời cảm ơn chân thành sâu sắc. Anh mong, một khoảnh khắc nào đó cả hai có thể tương phùng.


Khi chuyến xe đưa Nam lên đến Sài Gòn, anh vẫn cảm thấy nơi này không an toàn lắm cho việc thu mình trú ẩn. Nhưng ngoài đất Sài Gòn ra thì còn nơi nào có thể dễ dàng tìm nghề hay xin việc đâu. Nghĩ như thế nên Nam đành bấm bụng, tạm thời sinh sống ở đây. Người ta nói Sài Gòn là miền đất hứa, Nam cũng mong mảnh đất sẵn sàng chứa mình sẽ là khởi đầu mới cho cuộc đời của cô gái đã sống ẩn mình trong vỏ bọc của anh.


Sau hơn hai tuần chật vật nơi xứ lạ, cuối cùng Nam cũng có thể ổn định được nhịp sống của mình. Nam ở một căn trọ nhỏ trong hẻm sâu, phải cua mấy vòng mới có thể tới. Nhà trọ có ba lầu, phòng của Nam ở trên tầng cao nhất, để đi lên phải leo bộ bằng cầu thang sắt, bậc thang khá nhỏ nên rất dễ trượt té nếu không đi đứng đàng hoàng. Phòng có cửa sổ, thông thoáng, nhưng chung quanh phòng nhìn có hơi cũ kỹ, chắc là lâu rồi không ai cư ngụ ở đây. Vì tiền trọ rẻ nên chủ trọ không gắn máy lạnh, thời gian đầu Nam còn chẳng có quạt máy nên chỉ dùng quạt tay.


Hôm nay là ngày mà Nam đi kiếm việc làm, từ sáng đến giờ cũng ghé chân qua nhiều nơi, nhưng vẫn chưa chỗ nào chắc chắn sẽ ngỏ lời nhận. Có chỗ nói nơi này làm khá cực, có chỗ nói nơi này sợ anh không đủ sức khỏe, cũng có chỗ nói nơi này chỉ tuyển nhân viên là nam mà thôi. Mỗi lần đi đến một hàng quán đang tuyển nhân sự, Nam đều cố gắng thể hiện bản thân mình, nhưng có vẻ do cơ thể ốm yếu lại còn bộc lộ phần nữ tính ra ngoài, nhiều nhà tuyển dụng đã e ngại nếu giao cho anh việc.


Chuyện này làm Nam nhớ tới khoảng thời gian học cấp ba của mình. Khi ấy khắp nơi đều đang dần cởi mở hơn trong việc chấp nhận những người thuộc cộng đồng, tuy nhiên trường Nam học ở trong huyện nhỏ, nên việc tiếp cận còn hơi xa xăm. Có mấy hôm trường tổ chức sự kiện để học sinh tham gia thi thố, Nam biết rõ bản thân mình có tài, nhưng khi hăng hái giơ tay, thầy chủ nhiệm đều cố tình lảng tránh. Thầy nói mấy cuộc thi đều dành cho nam và nữ, không phải nam nữ không được tham gia, tránh việc làm mất giải thưởng. Kể ra khi đó ban giám khảo đều là những giáo viên kỳ cựu ở trường, ai cũng có thâm niên trong nghề, nghe danh bao khối học sinh đều sợ hãi. Và cánh chấm điểm của họ cũng nghiêm nghị như vậy, dù mang đến phần trình diễn gì, hay tham gia bất cứ phong trào nào, nam phải ra nam, nữ phải ra nữ. Cứ như thế, những mầm non tài năng cố gắng vươn mình đến mấy cũng đều bị nhổ ra khỏi vườn hoa. Đó là điều mà Nam đã trải qua trong thời niên thiếu.


Thật ra trong trường không chỉ có một mình Nam là người thuộc cộng đồng, lớp cạnh bên Nam có một chú nhộng, lớp chuyên cho học sinh giỏi cũng có một chú bướm chờ thời. Còn lại có lẽ vẫn còn mấy bạn mang xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng đa phần đều giấu nhẹm đi để dễ thở với đời. Chỉ là khát khao trong Nam quá lớn, Nam không thể giấu nó, vì Nam xem đó là một phần của mình, mà đã là một phần thì Nam nghĩ tại sao phải giấu. Cho nên, Nam thường là đối tượng của những cuộc trêu chọc từ bạn bè đồng trang lứa, hay những lời miệt thị từ những vị có tuổi hơn mình.


Hỏi Nam có buồn không, Nam buồn chứ. Vì Nam xem đó là con người thật của mình. Nhưng hỏi Nam có hờn trách họ không, Nam không hờn trách. Vì suy cho cùng, Nam nghĩ những gì khác với lẽ bình thường, họ mặc nhiên xem nó là cái gì đó rất lạ lẫm. Mấy hôm ngồi nghĩ vu vơ, Nam đều cố gắng phủi đi sự tiêu cực và nhớ tới lời khẳng định của Hòa. Hòa nói Nam bình thường, vẫn như bao người khác, chỉ là Nam có thêm một con người khác tồn tại trong mình thôi. Thậm chí Hòa còn nói: “Ai mà ăn hiếp mày, mày cứ việc gọi anh, anh đây bảo kê tất!”


Đáng tiếc là, đến cấp ba thì Hòa đã học ở trường khác, không thể mỗi ngày đứng ra bảo vệ đứa bạn thân của mình. Dù vậy, hắn cùng Nam vẫn còn chơi chung, vẫn thân thích như những ngày còn dầm mưa dãi nắng. Có hôm Nam bị ba đánh, ông Sáu đánh nặng lắm, bây giờ Nam chẳng còn nhớ lý do mà mình bị đánh là gì, nhưng toàn thân Nam đều đỏ rực vì những đòn roi, đau và xót. Đêm đó mưa rơi tầm tã, độ vào ngày cuối tháng mười. Nam quỳ gối xin lỗi ba, năn nỉ ba đừng đánh mình nữa, tay chân Nam đau hết cả rồi, không còn sức chống chọi, vậy mà ông Sáu vẫn không nghe. Bỗng Hòa từ đâu đó xuất hiện, lấy thân mình che chắn cho Nam, bị ông Sáu quất mấy roi liền. Ông Sáu quát lớn bảo Hòa tránh ra nhưng Hòa không tránh.


“Tao đang dạy con tao, mày đỡ cho nó làm gì?”


“Ông dạy nó mà ông đánh nó muốn chết như vậy đó hả?” Hòa gằn giọng, cố gắng kéo Nam dậy và chạy ra khỏi nhà.


Ông Sáu định đuổi theo nhưng lại sợ thân mình dính mưa, đành đứng trong nhà lớn tiếng: “Có giỏi thì đi luôn cho khuất mắt tao! Đừng có làm cho tao xấu mặt với xóm giềng!”


Dưới mưa, Hòa nắm tay Nam chạy thật nhanh, thật nhanh. Chạy cho đến khi thấm mệt, Hòa lại kéo Nam trú vào một ngôi chùa gần đó. Tiếng chuông chùa vang vọng, đưa tâm Nam đi vào miền an nhiên. Nam cảm động lắm, không ngờ Hòa xả thân vì mình như thế, công ơn này Nam biết đền đáp thế nào đây?


Thấy Nam vừa đau vừa lạnh, Hòa không ngại ngần, nhóm người tới ôm chầm lấy Nam. “Chạy gấp quá không có đem áo khoác theo, coi như tao lấy thân tao sưởi ấm cho mày đi.”


Nam mếu mặt, muốn khóc tới nơi. Chợt Nam hắt xì vài tiếng, nghi là bị cảm rồi. Hòa phì cười: “Mày đúng là giống con gái thật đó. Nếu hồi đó mẹ mày sinh ra mày là con gái thật, chắc tao không có thân với mày như bây giờ đâu.”


“Tại sao?” Nam ngước nhìn Hòa.


Hòa tặc lưỡi, “Vậy chứ mày coi, có đứa con trai nào với đứa con gái nào làm bạn thân không?”


Nam không đáp, chỉ lặng lẽ mỉm cười rồi giương mắt nhìn tượng Phật sáng bừng trong chánh điện. Mỗi lần nhìn Phật Nam càng thấy nhẹ tênh, như thể bao nhiêu muộn phiền đều được trút đi hết. Nam khẽ nhắm mắt, bắt đầu nguyện cầu. Nam ước rằng mai sau cuộc đời sẽ không còn dị nghị người đồng giới hay người mang tâm hồn trái ngược với giới tính nữa, Nam ước rằng những người trong cộng đồng có quyền được sống bình đẳng, được tự do, được khao khát và được thể hiện bản thân mình. Cuối cùng Nam mới ước nguyện rằng, tôi ơi sẽ không từ bỏ, cho dù tương lai đó có ra sao có như thế nào, tôi vẫn được một lần sống với chính tôi.


Mãi đắm chìm trong cơn mưa ký ức, tiếng điện thoại reo kéo Nam trở lại hiện thực cuộc đời. Hình như số gọi đến từ chỗ mà Nam vừa nhắn tin xin việc. Nam áp điện thoại lên tai, biết rằng đó là một quán ăn đang cần nhân sự. Không biết có cực hay không, nhưng việc tới tiền tới không cần phải nghĩ, Nam vội gật đầu, xác nhận tối nay sẽ đi làm ngay.


Nhớ lại đêm chạy trốn, Nam đã vứt bỏ sim cũ bên vệ đường, ngay cả những tài khoản mạng xã hội cũng khóa lại. Như thể lột bỏ con người cũ đi, thay vào đó là một cô Nữ mới mẻ, đầy dịu dàng. Việc này cũng đồng nghĩa rằng, Nam đã cắt đứt liên lạc với Hòa, và để mối quan hệ ấy dần trôi xa…


Tối đến, Nam rục rịch bắt xe đi làm. Cũng may là chỗ làm không cách xa nhà trọ mấy nên cuốc xe khá rẻ. Quán ăn này chuyên về các loại gà lẩu và gà nướng, doanh thu thuộc hàng khủng. Chị giám sát bảo rằng có những đêm quán bán đến tận trăm triệu, cho nên công việc của phục vụ khá là mệt, chị hỏi Nam chịu được không? Đương nhiên Nam trả lời được, hôm nay chạy cả ngày trời mà có chỗ nào nhận đâu, được chỗ này ngỏ ý nhận là may mắn lắm rồi. Chị giám sát gật đầu, bảo Nam có thể làm ngay.


Quả thật là quán này bán cháy! Chỉ mới thứ tư thôi mà doanh thu gom lại tận bảy mươi mấy triệu rồi. Sau một đêm không thôi chân chạy, Nam vừa mệt cũng vừa vui. Dù là người mới nhưng những bạn nhân viên khác luôn hướng dẫn Nam tận tình từng li từng tí, thi thoảng còn chọc cho Nam cười, nhờ vậy mà Nam cũng quên đi nỗi mệt nhoài bủa vây. Xem ra chỗ này có thể làm được.


Vậy là Nam đã có công việc rồi, từ giờ nên nghĩ đến việc tiết kiệm tiền để đi tìm lại chính mình thôi.


Cứ thế mấy ngày trôi qua, mỗi sáng Nam đọc sách, học vài điều hay, đêm đến lại lách chách chạy đi làm. Trong quầy rửa chén có mấy cô tạp vụ dễ thương lắm, thi thoảng Nam rảnh đều vào ngồi trò chuyện cùng mấy cô. Hình như cả ba cô đều ở miền ngoài, giọng nói có hơi khó nghe, Nam phải nghiền ngẫm một chút mới hiểu rõ lời mấy cô muốn nói là gì. Các cô hay kể về cuộc đời của mình, kể rằng mình đã gắn bó ở đây bao lâu, kể rằng đã gặp biết bao nhiêu người trẻ, nhưng không phải ai cũng dịu dàng thân thiện giống Nam. Bởi vậy mà mấy cô quý Nam lắm. Có cái gì ngon cũng tranh thủ chừa cho Nam vài miếng.


Những ngày sống ở Sài Gòn, hễ ai hỏi tên mình Nam đều mỉm cười, sau đó nói rằng mình tên Nữ. Mọi người hỏi vì sao lại tên Nữ, Nam đều nói rằng vì đó là tên mình. Mấy đêm trằn trọc không ngủ được, Nam cũng tự đặt câu hỏi rằng: Tôi là ai? Tôi đến thế giới này để làm gì? Nghe thì nghĩ hai câu ấy đơn giản, nhưng tìm ra câu trả lời lại hơi khó. Nam không biết vì sao.


Hôm nay Nam lại đi làm. Trời lất phất cơn mưa, một lúc sau thì mưa như thác nước đổ. Mưa to thế này ai mà đến quán. Nam cùng mọi người chán chường ngắm nhìn mưa rơi, thỉnh thoảng làm vài trò vui chọc nhau mỉm cười. Bỗng Nam thấy một trong ba cô tạp vụ ngồi trầm ngâm nơi cuối khu, ánh mắt trĩu nặng đếm từng giọt mưa tí tách rơi xuống thau nước. Đoán là cô ấy có chuyện buồn lòng, Nam đành rê chân đến cạnh cô ấy để mà hỏi han tâm sự.


Cô tên là Xuân, đã ngoài tứ tuần. Hôm nay con cô vừa thổ lộ rằng cậu thích con trai, cậu có cảm xúc và đang hẹn hò với một thiếu niên đồng trang lứa. Thoạt đầu nghe cô hơi bàng hoàng sửng sốt, không nghĩ rằng con mình sẽ nói sớm như vậy. Cô biết, biết hết, cách nó biểu đạt hằng ngày ra sao làm sao mà cô không biết được. Nhưng cô chưa chuẩn bị tâm lý để nghe con mình tỏ bày như thế, cô cứ nghĩ phải đến một lúc nào đó khi nó đã trưởng thành thì nó mới can đảm để ngỏ ý trong tâm. Vậy mà nó đã nói. Cô lo, lo là tương lai nó sẽ như thế nào. Thà là đừng nói để cô âm thầm bảo vệ nó, chứ nói rồi thì làm sao bảo vệ nó nổi đây? Thế giới này khắc nghiệt như thế nào, cô hỏi Nam thấu rõ đúng không? Rõ chứ, chính Nam cũng đã kinh qua tháng ngày của đàm tiếu, của miệt thị kia mà.


“Rồi, cô tính làm sao?” Nam ân cần hỏi.


“Làm sao nữa, nó nói rồi thì còn làm gì được nữa đâu.” Cô Xuân khẽ thở dài.


Nam nhìn mưa, nhìn cô Xuân, “Cô… không ghét em nó hả?”


Cô Xuân nhoẻn khóe môi cười cười: “Con mình làm sao mà ghét được, thương nó không hết, đứt ruột đẻ ra mà.”


Nghe xong, Nam chạnh lòng. Chính giữa lồng ngực nhói lên từng cơn. Sao gia đình người ta ấm êm thế? Con người ta là ai người ta đều thương, đều chấp nhận. Vậy sao ba mình lại không thèm thương mình? Ba ghét mình lắm, chỉ biết đánh đập mình thôi.


Dường như ký ức xưa cũ lại nhen nhóm tìm về, trong vô thức Nam đưa tay lên ôm lấy mấy vết thương trên người. Nó rát, nó xót, nó đau quá. Sao ba lại tạo ra nó? Làm nó trở thành con mồi gặm nhấm con từng đêm, không ngủ được. Có mấy hôm con ngủ nằm mơ, con mơ thấy ba ôm lấy con, ba vỗ về con và nói mấy câu xin lỗi, ba âu yếm hôn lên từng vết thương rỉ máu, ba bảo rằng con gái của ba chịu thiệt nhiều rồi, ba không để con phải khổ sở thêm nữa. Nhưng đó chỉ là giấc mơ, mà giấc mơ thì làm sao có thể trở thành sự thật, ba ơi?


“Nó muốn cô đi ăn cùng với nó, với người yêu nó. Cô cũng định đi xem cậu kia như thế nào, mà cô sợ.” Cô Xuân tiếp tục trải lòng.


Nam sực tỉnh, vội hỏi lại cô Xuân: “Sao cô lại sợ? Thằng nhỏ nói ra là điều tốt mà. Với lại cô cũng nói cô đâu ghét hay kỳ thị nó đâu.”


Cô Xuân lắc đầu: “Con thấy cô là ai? Cô là một bà tạp vụ, suốt ngày ru rú trong cái khu rửa chén chật hẹp này. Làm sao cô dám đi gặp mặt người yêu nó.”


Nam lặng im đôi chút. Thì ra, có những người mẹ thương con tận đáy lòng, có những người bố thương con tận đáy lòng.


“Không sao đâu, cô đi gặp không chừng con cô còn vui mừng khôn xiết. Nó can đảm nói với cô nó là thằng nhóc đồng tính mà, chuyện công việc của cô chẳng là gì đâu. Với những người như tụi con, cái gì tụi con cũng trân trọng hết. Nghề nào cũng là nghề mà.” Nam nói xong liền mỉm cười, chầm chậm đưa bàn tay nhỏ bé của mình đến xoa xoa tấm lưng cô Xuân.


“Thảo nào, vừa gặp con cô cũng thấy con có cái gì đó giống giống con cô rồi.” Cô Xuân trước khụt khịt, sau phì cười.


“Vậy ra, ngay từ đầu cô cũng biết con là ai hả?” Nam lại hỏi.


“Nữ. Nguyễn Thị Tố Nữ chứ gì!” Nói xong cô Xuân cười ha hả, “Chứ mày nghĩ thử, có thằng con trai nào dạo hết cả quán bảo mình tên là Nữ không?”


Nam thấy cô Xuân cười cũng cười theo, toe tít cả hàm răng trắng xóa.


Phải, Nam là Nữ, Nữ rất là xinh, xinh lắm. Có lẽ từ giây phút này Nam cũng đã tự trả lời được cho câu hỏi mà hằng đêm anh trằn trọc rồi.


Tôi là ai?


Tôi là Nữ, Tố Nữ hay Ngọc Nữ, Tiên Nữ hay Thiếu Nữ. Cái nào cũng đẹp, cái nào cũng xinh. Tôi thích lắm. Mà quan trọng hơn hết, tôi là con gái, tôi sẽ mặc áo dài, mặc váy hoa. Tôi sẽ đi khắp nơi, ngân nga từng câu hát. Tôi hát “Là con gái thật tuyệt!”


Vậy tôi đến thế giới này để làm gì?


Chắc có lẽ trời cao muốn tôi đến thế giới này, trải qua khổ đau để rồi chữa lành nỗi đau cho người khác. Khi đưa ra lời khuyên nhủ cho cô Xuân, tôi cảm giác lòng mình nhẹ tênh. Tôi thấy thoải mái lắm! Tôi được băng thuốc vào vết thương tâm hồn, cô Xuân được nới lỏng cái suy nghĩ bám víu. Vậy xem ra, tôi là người có ích cho xã hội. Tôi muốn mang đến niềm vui, tiếng cười và niềm cảm hứng cho nhân loại. Tôi cần nhân loại, nhân loại cũng cần có tôi.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}