Rạng đông thật đẹp trước mắt Nam và chị Thi, như báo hiệu cho một ngày mới nắng lên đầy tuyệt vời.
Gió vẫn lướt qua khe cửa từng tiếng xì xào. Nam nghiêng người, khẽ đưa tay ra khỏi ô cửa xe để hứng miếng gió trời. Gió trìu mến nắm lấy tay Nam, như một cô bạn thân thiết tự bao giờ. Thỉnh thoảng Nam thấy gió có cuộc đời thật tự do, muốn phiêu mình đến đâu thì đến, muốn ghé thăm nơi nào thì thăm, mỏi mệt thì dừng lại, trú ngụ bên một vệ đường nào đó, ngồi ngó dọc ngó nghiêng, trò chuyện với lá và chim trên cành. Không như Nam, lúc nào cũng ở trong chiếc lồng sắt cũ kỹ, anh thấy mình có cánh mà không thể bay, có chân mà không thể chạy, đến khi chạy được rồi thì không biết bản thân nên đi về đâu, nên tìm nơi nào để cư ngụ.
Từ nãy đến giờ chị Thi vẫn nhìn chằm chằm Nam, miệng rất muốn nói gì đó nhưng lời vừa ra chị lại giấu nhẹm vào trong lòng. Thấy mấy vết thương trải đầy trên cơ thể Nam như thế, chị thương, chị xót lắm. Nó làm chị nhớ lại bản thân mình từng sống trong căn nhà bạc bẽo, cũng từng bị đánh đập mấy lần, may sao lúc đó bầu bì không ảnh hưởng, chỉ có thể xác và tâm hồn bị giày vò méo mó mà thôi.
Chơi với gió được một lúc cũng chán, Nam nhẹ xoay đầu, mắt anh va chạm với mắt chị Thi. Bây giờ trời đã sáng hơn tí xíu nên Nam có thể thấy được gương mặt đầy đặn của chị. Mắt hai mí nhưng không to lắm, mũi nhỏ hơi hơi cao, đôi môi có vẻ như thiếu nước nên nứt nẻ mấy đường. Chị Thi búi tóc, mái tóc trông xốc xếch, luộm thuộm vô cùng. Nam để ý kỹ mới thấy, chị Thi có trang điểm, nhưng đường kẻ mắt không đều, bên dài bên ngắn làm Nam thấy rất buồn cười. Nhịn không nổi, Nam đành cúi mặt, phì cười một tiếng.
Chị Thi thấy Nam tự dưng nhìn mình rồi cười, thầm nghĩ trong bụng chắc mặt mình dính cái gì đó ngộ lắm nên Nam mới không giấu được cảm xúc như thế. Nghĩ xong, chị vội lấy cái gương nhỏ trong túi ra để soi, vừa ngắm nghía vừa đổi góc mặt liên tục, trong lúc săm soi thứ làm Nam cười chị vẫn không quên tạo vài nét, như tự hào vì khuôn mặt đang phản chiếu trong gương chẳng khác gì một thiên thần. Dù cố gắng soi đến từng vết nứt trên da cũng không thấy gì khác, chị đành nhìn Nam thắc mắc: “Sao em cười? Mặt chị đâu có dính cái gì đâu?”
Nam lắc đầu: “Không, mặt chị không dính gì hết. Mà, chị có thích trang điểm không?”
Chị Thi chớp mắt, chu môi, ngẫm nghĩ vài giây rồi đáp: “Thích chứ em. Đàn bà con gái ai mà không thích! Chị trang điểm từ hồi còn nhỏ xíu. Hồi đó chị còn trộm đồ của mẹ để chị làm mặt đó, thấy mẹ làm như thế nào thì chị làm y như vậy. Mà mẹ chị làm đẹp, chị làm thấy ghê.”
Có vẻ như năm tháng còn trẻ, hẳn cô bé nào cũng từng lén lút lấy son phấn của mẹ hay dì để tự họa mặt mình.
“Đến giờ chị vẫn chưa học được hả?” Nam tiếp tục hỏi. Ánh mắt Nam không còn vô hồn nữa, bây giờ nó hiền hòa, lấp lánh, có khi còn chứa cả bầu trời vạm vỡ bên trong. Dường như sau khi buôn chuyện với chị Thi, tâm tình Nam cũng giãn nở đôi chút.
Nghe Nam hỏi, chị Thi ngơ ngác: “Hả? À, chị học hết cấp ba thì nghỉ, tại nhà không có tiền cho chị đi học.”
Nam lại cười, lần này Nam cười đến nỗi lộ cả hàm răng đều và trắng. Chị Thi thấy nụ cười ấy đẹp biết bao, trong mấy giây đầu còn bừng lên nỗi xao xuyến. Phải đến tận bây giờ chị mới có thể chiêm ngưỡng được từng đường nét trên gương mặt Nam. Mặt gì mà nhỏ, nhỏ lắm, nhỏ bằng bàn tay của chị thôi. Mắt thì to, long lanh, để so sánh thì tròng đen chừng như hạt nhãn bóng loáng. Mũi cao sáng, thon lại thẳng, chóp mũi hồng hồng, trông hay hay. Chị nhớ trên mạng người ta hay nói rằng, đây là nét đẹp phi giới tính. Tuy có vài nơi lĩnh vết thương sâu sắc, nhưng nó vẫn không làm giảm đi sự đẹp đẽ trong mắt chị. Cái đẹp tựa sương mai, thuần khiết và lung linh.
“Sao em cười nữa?” Dường như chị Thi cũng quên cơn đau trong khi chuyến xe vẫn bon bon trên cung đường đầy sẹo rỗ. Không đợi Nam trả lời, chị lại nói: “Mà em cười đẹp lắm, từ khi lên xe ngồi tới bây giờ chị mới thấy em cười đó.”
Nam mím môi, cúi đầu thay cho lời cảm ơn, “Dạ. Em cười vì chị hiểu nhầm ý em hỏi. Em muốn hỏi chị vẫn chưa học được cách trang điểm đẹp như mẹ chị hả?”
“À.” Chị Thi cũng cười vì câu trả lời trước của mình có phần ngây ngốc, vội nhẹ giọng: “Chị chưa học được, chắc do chị vụng về. Với lại từ hồi cúi đầu vào học hành, chị quên béng đi mấy cái đó, nó xa xỉ lắm em. Rồi chị lấy chồng, có bầu con nhỏ, chị bỏ luôn cái việc học làm cho mình đẹp.”
“Thảo nào.” Nam đáp. “Lúc nảy em cười vì thấy đường kẻ mắt chị kẻ không đều. Bình thường thì chắc không ai để ý đâu, tại em cũng đam mê cái đẹp nên nhìn có hơi buồn cười.”
Nghe xong, chị Thi lấy cái gương nhỏ ra soi tiếp. “Đúng nè, bên dài bên ngắn thật. Mà không sao, vẫn còn có thể tôn lên nét xinh nét đẹp mộc mạc của chị là được rồi.”
Chị Thi cười ha hả. Nam thấy chị rất vô tư, cái gì buồn buồn hay không thuận mắt rất dễ làm Nam đắm chìm trong khoảng lặng vô hình, vậy mà chị vẫn biến nó thành niềm vui. Nam còn nghĩ trong bụng, hẳn cuộc sống chị thoải mái và hạnh phúc lắm.
“Lúc trước mẹ chị có nói với chị, trang điểm cũng chỉ giống như việc đeo lớp mặt nạ lên mắt, mũi, miệng của mình thôi. Trang điểm là cách mà mình muốn trưng ra cái đẹp đẽ cho người ta thấy, trưng ra cái mình muốn người ta nhìn nhận nó. Còn đằng sau lớp mặt nạ vẫn là gương mặt thật của mình, vừa là cái gốc, vừa là cái mà mình không muốn cho mọi người nhìn thấy.”Chị Thi nán nhìn mình trong gương một tí, vẫn làm mấy biểu cảm nhẹ nhàng. Sau khi cất cái gương vào túi, chị nói thêm: “Từ ngày nghe mẹ chị nói vậy, chị cũng không còn quan trọng việc trang điểm cho bản thân mỗi ngày nữa, gần như là không thèm trang điểm luôn. Tại chị muốn mọi người luôn nhìn thấy gương mặt thật của chị, chị sợ người ta lãng quên chị lắm.”
Nam lắng nghe từng câu nói của chị Thi. Anh cũng thấy mẹ chị nói đúng. Ngẫm nghĩ một chút, Nam nhẹ giọng hỏi: “Vậy là, bây giờ chị đang muốn che giấu cái gì đó đi nên mới trang điểm nhỉ?”
Chị Thi như bị bắt trúng tim đen, chị không cười rối rít như trước nữa, chỉ lẳng lặng nhoẻn nhẹ đôi môi một cách dịu dàng. “Chị muốn chồng chị để ý đến chị nhiều hơn.”
Xe dừng tại khu nhà trọ nhỏ, cánh cửa xe mở toang ra, một cặp vợ chồng trẻ bước lên, trên tay cô vợ còn bồng theo em bé. Thằng bé khóc oe oe, người mẹ vỗ về không ngớt, người chồng cũng muốn con bớt âu lo, miệng không ngừng bông đùa vui vẻ. Mấy người trên xe cũng vì tiếng khóc của bé mà tỉnh giấc. Ai cũng bảo đôi vợ chồng đẹp đôi, con nhỏ thì dễ thương, thừa hưởng hết nét đẹp của đôi trẻ. Bà lão ngồi ngang hàng chị Thi cũng bảo: “Tụi bây sau này sống hạnh phúc lắm, cầu trời cho bây như lời tao nói.”
Cặp vợ chồng cười đáp trả, sau đó cũng nhanh chóng ngồi xuống đôi ghế của mình.
“Dễ thương thật.” Chị Thi nói, ánh mắt dán ở đứa bé cùng vợ chồng kia.
Mắt chị sáng rực, như pháo hoa đêm ba mươi Tết. Nam thoạt nhìn đã biết hình ảnh trước mắt là cái mà chị Thi mong cầu. Lúc này anh mới để ý, chị Thi chắc cũng có cuộc đời không mấy suôn sẻ cho cam. Nam hỏi: “Chồng chị làm sao?”
Chị Thi nhìn Nam, mím môi trả lời: “Chồng chị thích uống rượu lắm.”
Chỉ với một câu nói thôi Nam cũng đã mường tượng ra được tháng ngày trước đây của chị Thi. Xem ra đời mỗi người ai cũng có cái khổ của riêng mình.
Thế rồi trong chuyến xe ấy, hai chị em thủ thỉ cùng nhau, kể cho nhau nghe về số phận , về nỗi buồn của cả hai người.
Chị Thi kể, thời còn trẻ chị được ngươi ta cho là đẹp nhất nhì ở huyện, bao chàng trai trong xóm làng đều xếp hàng để được trò chuyện với chị. Mà lúc đó chị bận yêu bản thân mình, từ chối tất thảy. Đến năm hai hai tuổi, chị dẫn tụi cháu đi rước đèn đêm rằm tháng tám, chị gặp hắn. Hắn đứng dưới những chiếc lồng đèn treo lơ lửng, ánh sáng nhẹ phảng phất lên gương mặt làm hắn trở nên đặc biệt lạ kỳ. Chị mê mẩn. Lần đầu tiên trong đời con tim chị biết rung động vì một ai. Từ dạo đó hắn cũng để ý chị, cố ngỏ lời với chị mấy lần. Rồi trong một đêm mưa mù mịt, chị cùng hắn mấp mấy vài ly, hơi men lâng lâng trong người, chị thấy nóng ran, khó chịu lắm. Trong căn phòng đơn sơ của hắn, chị trót trao thân, đê mê trong xúc cảm cuồng loạn. Chị như leo chín tầng mây cùng hắn, hơi thở nồng nàn hòa quyện vào nhau, thì thầm với nhau vài câu ngọt lịm.
Mấy tháng sau chị biết mình có bầu. Nhà hắn cũng qua dạm hỏi, sau đó cả hai làm đám cưới. Ngày cưới, hắn cười nhiều lắm, uống rượu cũng say mèm đi. Đêm tân hôn, hắn nói lời yêu với chị, nói về kế hoạch sau này, vẽ ra một bức tranh mà ở đó chị là người hạnh phúc nhất. Nhưng sau hai tháng, chị không may trượt chân té, thế là sẩy thai. Từ ngày đó, hắn không ngừng nhâm nhi tách rượu đắng, khi say rồi thì buông lời trách mắng chị, bảo chị có bầu mà không biết giữ, để rồi con của hắn chưa kịp chào đời đã về thế giới bên kia. Chị buồn, có những hôm nằm khóc đến tận sáng. Trời rạng, có lẽ hắn biết trong cơn say mình đã nói lời không hay với chị, bèn làm cái này cái kia như muốn nói lời xin lỗi.
Không sao, lỡ đứa này thì coi như nó không có duyên làm con mình, việc có thể làm được bây giờ chỉ là cầu an cầu siêu cho nó thôi, mong rằng nó có thể đầu thai, thuận lợi sinh ra trong một gia đình đầm ấm. Hắn cùng chị Thi đã hủ hỉ như thế.
Một năm sau, chị lại có bầu, là cái bầu hiện tại của chị. Trong năm qua, hắn làm ăn lên xuống thất thường, vì tính sai đường mà thua lỗ trầm trọng. Những hôm ấy hắn lại càng uống rượu, rượu nồng và đắng chát. Hắn trách sao cuộc đời trớ trêu như thế, rồi hắn quay qua trách chị. Hắn nói tại sao chị lại không đi làm, ở nhà ăn uống thủ phê, no nê rồi ăn nằm với hắn. Nghe được mấy câu đó, chị vừa đau, vừa khó chịu. Sao hắn có thể nói với chị những lời như thế? Rõ ràng hắn từng nói sẽ làm chị trở thành người hạnh phúc nhất cái xóm này, vậy mà giờ đây lời nói ấy như gió thoảng mây bay. Có những hôm hắn say khướt, mặc chị đang bầu bì, hắn lôi chị ra đánh. Đánh đến nỗi tay chân chị bầm tím cả ra, hắn vẫn không tha. Như thể mỗi lần chìm trong rượu chè bê bết, hễ thấy mặt chị hắn đều muốn đánh, không hiểu sao khi men nồng điều khiển hắn, hắn ghét cay ghét đắng chị như thế.
“Vậy sao chị không bỏ anh ấy đi cho rồi?” Nam xót xa hỏi.
Chị Thi cười: “Chòm xóm đều kêu chị bỏ đi giống như em vậy đó. Mà chị làm không được.”
Trời đã sáng, chuyến xe cũng đã rời khỏi con đường mòn, chầm chậm rẽ vào đường cái rồi tiếp tục chạy về phía ánh dương đang dần lên.
“Tại sao?” Nam nhìn chị Thi, bày ra vẻ mặt muốn biết lý do là gì.
Chị Thi hít một hơi thật sâu, đáp lời: “Có nhiều lúc chị cũng muốn bỏ chạy, có đêm chị còn nghĩ hay là mình giống Mị, ăn mấy nắm lá ngón cho rồi. Nhưng mà chị không có can đảm như vậy, chị còn muốn sống, trời ban cho cuộc sống mà tự dập tắt đi thì chị không đành. Khó lắm mới có một kiếp làm người mà.”
Nam gật gù, “Cuối cùng Mị cũng đâu ăn lá ngón đâu, Mị cùng A Phủ trốn đi mà.”
“Mị còn có A Phủ, chứ chị có mỗi cái bụng bầu, chạy rồi chị biết đi về đâu?” Chị Thi cũng đáp, mím môi mỉm cười đầy chua xót, “Với lại, chị không muốn con mình sinh ra mà không có cha.”
Nam lại lặng người đi. Thì ra đó là một trong những lý do cao cả của người mẹ, của một người phụ nữ. Ai mà không muốn con mình có một gia đình trọn vẹn, ngay cả anh cũng từng mong cầu như thế mà.
“Cha nghiện rượu cũng được, cha xấu tính cũng được, cha có tệ hại như nào cũng được. Miễn là cha nó còn thương mẹ nó, với lại còn cha thì chị mới dạy nó gọi tiếng ba này, ba kia.” Chị Thi nói xong, nhẹ nâng mắt nhìn đôi vợ chồng đang ru con ngủ ở phía trước, sau đó chị lại nhìn xuống chiếc bụng căng tròn của mình, đưa hai tay xoa xoa nó đầy âu yếm.
Có lúc chị Thi nghĩ mình là thiên thần, vì cái gì chị cũng dễ dàng cho qua. Và chị thấy, cuộc đời mình đẹp khi biết thứ tha.
Nam nhìn lại đôi bàn tay của mình, vết thương vẫn còn hiện hữu ở đó, từng vết là từng đòn roi gắt gỏng của ông Sáu, Nam nhớ rất rõ. Nhưng Nam không thể ở mãi trong một nơi giam cầm chính mình, Nam muốn được sống đời tự do, Nam muốn được đưa con người thật bên trong của mình ra ánh sáng. Mà ở nhà có ba, Nam không thể làm được như thế.
Nghe chị Thi kể về con mà đôi mắt chị sáng rực, Nam cũng muốn bản thân mình được một lần mang bầu, đẻ con, bế nó trên tay rồi ầu ơ mấy tiếng. Nhìn nó giống mình hay giống bố nó, chắc là hạnh phúc lắm. Chỉ tiếc là, đời này kiếp này, Nam vẫn mãi là nam, dù Nam có thay đổi bản thân mình để trở thành Nữ, Nữ vẫn là nam.
Buồn không?
Buồn chứ!
Chị Thi nói khó lắm mới được sống một kiếp làm người. Tiếc không?
Tiếc chứ!
Nhưng biết làm sao bây giờ? Kiếp này được sống một lần, đến khi phá kén trở thành bướm, coi như được sống thêm lần thứ hai.
“Em định đi đâu?” Chị Thi bất ngờ hỏi.
“Dạ?”
Chị Thi mỉm cười, “Chị thấy em xách theo đống đồ lỉnh kỉnh nên nghĩ em đi đâu đó. Xe này chạy lên Sài Gòn, chắc em cũng lên đó hả?”
Nam không đáp. Anh còn chẳng biết mình đang đi đâu, chỉ biết là bản thân muốn chạy thôi, chạy càng xa càng tốt, trốn khỏi nơi mang lại niềm đau, thế là đủ rồi. Nam nhìn chị Thi, thấy chị vẫn đợi câu trả lời, anh bèn nói: “Em đi trốn. Cũng không biết đi đâu nữa, xe đi tới đâu thì em đi tới đó.”
Chị Thi nhìn Nam với cặp mắt trìu mến, “Chị biết em đi trốn mà. Đừng hỏi sao chị biết, người trong cuộc nên hiểu người trong kẹt lắm. Mà, trốn vậy em có đem theo tiền gì không? Với lại khi đến nơi em nên đi bác sĩ đi, vết thương mà nhiễm trùng là mệt lắm đó!”
Nam khẽ cười, anh nhìn xuống vết thương chi chít, có nơi còn máu đỏ vừa khô, đáp: “Sống trong cái khổ, Mị đã quen rồi.”
Chị Thi phì cười vì câu bông đùa của Nam. Bỗng tài xế hô to mấy chữ, chị lật đật khom người gom túi đồ cạnh bên. Đoán là chị đã đến nơi cần đến, Nam cũng phụ chị một tay: “Chị ra cửa đi, để em xách đồ ra cho.”
“Cảm ơn em.” Chị Thi cười lên, lúc bấy giờ nụ cười chị đẹp như hoa tươi giữa nắng.
Chị bước xuống xe, Nam đứng bên trên, một tay vẫy vẫy như lời tạm biệt. Bất chợt chị Thi dúi vào túi áo Nam một ít tiền, cũng hơn mấy trăm. Nam bất ngờ với hành động ấy, nhưng chưa kịp móc ra trả thì tài xế đã cho xe lăn bánh chạy đi.
Chị Thi đứng tại chỗ, hướng tới Nam mà cất giọng nội lực của mình: “Phải sống cho thật tốt đó! Đừng có nghĩ mấy chuyện tào lao, đời còn đáng sống lắm!”
Bình luận
Chưa có bình luận