Chẳng mấy chốc màn đêm đen đã được thay áo bằng ánh đỏ cam nhè nhẹ nơi chân trời phía Đông. Sương sớm đọng lại trên những phiến lá còn chìm trong giấc ngủ nồng, khối không khí ẩm ẩm như thế này có một chút cảm giác se se lạnh.
Phố đã sáng đèn, hay là đêm qua đèn đường không tắt. Những chuyến xe chạy ngược lối nhau băng băng trên hành trình riêng của mình, xuôi ngược tứ hướng. Không biết họ vừa thức dậy và chạy đi kiếm kế sinh nhai, hay họ vừa rong chơi suốt cả đêm dài để rồi bây giờ tìm đường về nhà thu mình vào giấc ngủ.
Nam ngồi trên chiếc xe đò cũ kỹ, anh giương mắt nhìn ra những hàng cây cao ẩn mình trong dải sương mù mờ ảo, cảm tưởng rằng cảnh tượng trước mắt như một vùng đất cổ tích nào đó mà anh thường vu vơ nghĩ ngợi lúc còn ấu thơ. Gió theo đường gió từng cơn len lỏi giữa các khe cửa kính, như con dao sắc lạnh cứa vào từng thớ thịt làm anh khẽ rùng mình. Anh đan hai bàn tay vào nhau, trên cánh tay còn hằn vài vết sẹo ngắn dài, thậm chí có cả những vết thương đang rỉ máu.
Cạnh bên Nam là một người phụ nữ đang mang thai, bụng nàng ấy đã thấy rõ nên có lẽ sớm thôi một sinh mệnh mới sẽ được chào đời. Cũng chỉ vì chiếc xe cà tàn bon bon trên con đường loang lổ mà người phụ nữ cảm nhận được vùng bụng có hơi đau, nàng khẽ chau mày, một tay bám víu vào ghế, một tay ôm lấy bụng mình. Đâu đó trong tiếng gió thoảng, Nam còn nghe được tiếng rên khe khẽ của nàng.
Nam thoáng nhìn qua, ánh mắt anh vô hồn trông cô độc thê lương, đuôi mắt còn có một vết bầm tím ẩn hiện sau những lần xe chạy qua mấy cột đèn ven đường. Cũng chẳng hiểu vì sao, anh cảm thấy bản thân mình có điều gì đó đồng cảm với chị gái này, một loại đồng cảm từ tận đáy lòng, rất sâu sắc.
Người phụ nữ thấy Nam đang nhìn mình, nàng vội cong khóe môi cười lên, nụ cười trong veo như ánh trăng khuyết treo lơ lửng giữa màn đêm tối. Nàng xoa xoa bụng mình, vu vơ nói: “Khổ thật đấy, bầu bì như thế này mà lại đi xe, đường xấu quá nên chắc thằng nhỏ trong bụng hơi khó chịu!”
Nam không đáp, ánh mắt vẫn chớp đều.
Ngoại trừ tiếng gió thổi vi vu, tiếng cót két của những hàng ghế cũ kỹ cọ sát vào nhau thì hiện tại trong chuyến xe đò không còn một loại thanh âm nào khác. Để phá tan bầu không khí ấy, người phụ nữ tiếp tục cất lời: “Hình như hai chị em mình ở cùng quê nhỉ? Chị thấy em quen lắm mà không biết có gặp em lần nào chưa.”
Nam nhìn xuống đôi bàn tay đang run lên vì lạnh, không lâu sau đó anh đáp: “Em thì thấy chị lạ lắm, chưa gặp nhau bao giờ.”
Người phụ nữ lại phì cười, nàng khịt khịt mũi, bàn tay khô ráp của mình vẫn mân mê chiếc bụng to tròn. Nàng nói: “Thường thì chị dùng câu đó để bắt chuyện với người lạ, chị thích được nói chuyện lắm. Mà… em tên gì? Chị tên là Thi.”
Thi?
Nam nghe được người phụ nữ ngồi cạnh tự giới thiệu tên của mình. Thi, mỗi khi anh nghe thấy tên này đều tự nhẩm trong đầu lời bài hát “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi”, hiện tại cũng vậy. Có lẽ anh thích câu chuyện đó, cũng có lẽ anh xót thương cho số phận và cuộc tình của nàng trinh nữ tên Thi kia.
Thấy chị Thi đang chờ đợi lời hồi đáp của mình, Nam hít một hơi rồi nói: “Em tên Nam.”
“Chà, tên nghe hay nhỉ?” Thi mỉm cười, chị tiếp tục xoa xoa bụng mình, “Chị cũng định đặt tên cho thằng nhỏ cái gì đó mạnh mẽ một tí. Chứ từ hồi chị có bầu, người chị lúc nào cũng yếu yếu. Hay chị đặt tên nó giống em, Thành Nam?”
Nam im lặng một lúc, trong đôi mắt đen huyền sâu vút ấy như chất chứa cả ngàn nỗi buồn không tên. Chỉ là Nam cảm thấy đứa bé kia không nên có tên giống mình, vì anh tự thấy cuộc đời mình chẳng có gì tốt đẹp cho cam, nếu chị Thi đặt tên con chị ấy giống cái tên Nam thì có khi số phận của đứa bé cũng lênh đênh vô vị. Nghĩ thế anh nhẹ giọng: “Đừng đặt tên con chị giống em. Không khéo nó lại có một kiếp người giống như em nữa.”
Nghe xong, Thi cũng lặng người đi. Chị thoáng nhìn qua những vết sẹo chi chít trên người Nam, bây giờ chị mới để ý đến ánh mắt u buồn cùng vết bầm tím có vẻ như chỉ vừa được gửi tặng ngày hôm qua, ngầm đoán là Nam đã sống trong tháng ngày bị bạo hành nên cơ thể mới lưu lại nhiều vết tích đậm màu máu như thế. Giây phút ấy, chị thầm nghĩ hẳn Nam đã trải qua biết bao nhiêu điều tồi tệ nhất trong cuộc đời của mình. Chị hiểu, vì chính chị cũng đã từng kinh qua tháng ngày sống cùng nước mắt.
Nam lại nhìn xa xăm ra ngoài cánh đồng mênh mông trong sương sớm, gió thổi qua tai nghe vù vù, thoáng chốc một vài hình ảnh thời thơ ấu vụt qua, tựa như thước phim được phát lên trong miền ký ức. Khi ấy Nam còn là một đứa trẻ, tự do chạy nhảy giữa ruộng đồng. Nam cùng những đứa bạn khác, chơi bắn bi, chơi nhảy lò cò, đến cả chơi trò gia đình Nam cũng hăng hái.
Ngày xưa, hẳn ai cũng từng một lần chơi trò gọi là trò chơi gia đình, một đứa thủ vai chồng, một đứa thủ vai vợ, vài đứa thủ vai con. Cách chơi cũng đơn giản, mọi việc trong gia đình sinh hoạt hằng ngày như thế nào, tụi mình đều làm y như thế. Thông thường đứa vào vai vợ sẽ là một bạn nữ, nhưng tụi bạn Nam chơi lại khác, tụi nó sẵn sàng để Nam vào vai vợ hiền, thằng Hòa sẽ vào vai anh chồng may mắn. Vì khi đó tụi nó chỉ nghĩ đơn giản, Nam mảnh khảnh dịu dàng như con gái, còn thằng Hòa lại là đứa bạn thân nhất của Nam, không phải Nam vào vai vợ thì nó không bao giờ chịu chơi trò này.
Kể đến, khi đó Nam cũng thấy thích. Thích vì được làm vợ hiền, thích vì được thằng Hòa “sủng ái” như thế. Cái cảm giác thích đó Nam không biết phải diễn tả như thế nào cho đúng. Chỉ là khi tụi bạn bảo Nam mềm mại không khác gì tụi con gái trong xóm, Nam cười không khép được mồm. Khi thằng Hòa làm những trò lãng mạn như một gia đình, Nam cũng mộng mơ về ngôi nhà và đàn con ngây dại. Dĩ nhiên, là một gia đình trọn vẹn với thằng Hòa.
Ở lứa tuổi đó, có lẽ những đứa trẻ sẽ không thể gọi tên được cảm xúc trong lòng của mình là như thế nào.
Đến khi lớn một chút, Nam xách cặp đi học. Bà Sáu dắt tay Nam đến trường, dặn dò Nam phải chăm ngoan, phải mạnh mẽ và tuyệt đối không được lại gần Hòa. Nam chỉ biết nghe theo lời của mẹ mình mà thôi, chứ lý do sâu xa thì Nam không biết được.
Mặc dù bà Sáu đã căn dặn kỹ càng đến thế, nhưng thỉnh thoảng Nam lại lén đi chơi cùng Hòa. Đi từ xóm trong ra xóm ngoài, gặp cái gì vui cũng tiện chân ghé lại, thỉnh thoảng còn rủ nhau đi phá làng phá xóm. Thật may vì lúc đó người trong xóm thấy có con nít qua lại cũng vui, cho nên không thèm mắng vốn ba mẹ tụi nhỏ làm gì.
Trong lúc ấy, Nam dần nhận ra bản thân mình có gì đó thật lạ. Nam không thích những bộ đồ nam tính mà ba mẹ mua cho mình, thay vào đó Nam lại thích mấy bộ váy xòe mà tụi bạn gái hay mặc để đi chơi. Có những hôm đứng trước gương, Nam cũng thử bày ra dáng vẻ là một đứa con gái thực thụ, tựa như mấy cô người mẫu in trên tờ lịch treo tường. Nam thấy đẹp, thích lắm! Kể cả việc mỗi lần đi tắm, Nam đều lấy trộm son phấn của mẹ mình để tự trang điểm. Trong nhà tắm có gương nhỏ, Nam thoa son, trát phấn, tô đôi mắt bằng màu xanh biếc, đánh má với màu hồng tươi. Vậy mà trông cũng ra ngô ra khoai.
Có lần, Nam bị ba mẹ phát hiện. Bà Sáu dù ngạc nhiên nhưng vẫn nhẹ nhàng bảo ban rằng đó là đồ của con gái, Nam không nên dùng lên mặt mình, chắc bà Sáu chỉ nghĩ là Nam tò mò về mấy món đồ đó thôi. Ông Sáu thì lại khác, ông quắc mắt nhìn Nam, thậm chí còn lấy roi quất vào mông Nam vài phát. Ông bảo, người ta nói cái đó là bóng gió bê đê, là dị hợm. Nam nghe được mấy câu đó, trong lòng thấy hơi nhói nhói, đau đau.
Lần phát hiện đó cũng là lần mà Nam dừng lại chuyện trộm son phấn, không còn dám nghĩ ngợi nhiều về áo dài hay váy hoa. Nam cho là ba mình nói đúng. Mãi đến khi lên cấp hai, môi trường mới được tiếp xúc nhiều hơn, đây cũng là lứa tuổi mà sự tò mò đạt đến đỉnh điểm. Nam tự mình đến trường, không còn được bao bọc trong vòng tay của bà Sáu nữa. Hòa học lớp khác, từ đó hai đứa cũng ít đi chung. Nam chơi với nhóm bạn nữ, vui vẻ đến mức quên đi những lời nói của ba mình khi xưa. Lúc chạm tay vào mấy sợi tóc thơm dài của cô bạn cùng bàn, Nam mân mê say đắm.
Nếu mình có mái tóc đen dài óng ả thì sao?
Nếu mình có vòng một, có vòng ba, phải chăng mình sẽ thật đẹp trong bộ váy công chúa màu hồng, hay bộ áo dài trắng tinh khôi. Nhỉ?
So với nhỏ Liên cùng bàn thì mình cũng được gọi là xinh gái đấy! Nhưng tại sao mình lại là con trai?
Nam vừa khó hiểu, vừa tò mò. Một lần nữa Nam lại cảm thấy mình thật lạ!
Ngày qua ngày, Nam mặc đồng phục đến trường, không hiểu vì sao mà Nam càng lúc càng ghét cái áo sơ mi nhăn nhúm, cái quần tây đầy thô kệch đến thế. Nam thấy nó không hợp với mình một tẹo nào! Nam muốn mặc áo dài, muốn đi trên đôi guốc cộc cộc như cô giáo, muốn được kẹp tóc lung linh.
Liên biết rõ trái tim cậu bạn bên cạnh mình muốn gì, hôm đó Liên tặng cho Nam bộ váy dài đến gót chân với bộ tóc giả màu đen mượt mà. Nam khoái lắm, vừa về đến nhà là vội đóng cửa phòng, mặc ngay những món đồ nữ tính đó lên người. Đứng trước gương, Nam xoay mấy vòng liền, vừa cười vừa vuốt tóc, trông yểu điệu thướt tha vô cùng. Đúng đó, Nam nghĩ mình là công chúa, cô công chúa xinh đẹp nhất trần đời.
Mấy ngày trôi qua, ông Sáu biết chuyện. Ông trói Nam lại dưới căn bếp, dùng roi đánh tới tấp vào người Nam. Tay, chân, mông ông đều đánh không sót một chỗ. Nam đau nhưng không khóc, vì Nam biết mình càng khóc thì ba mình đánh càng nhiều và mạnh hơn. Bà Sáu dù thương con nhưng cũng chỉ biết đứng bên cạnh sốt ruột nhìn con bị đánh, chứ bà cũng không dám lao vào can ngăn. Ông Sáu dọa nếu Nam còn làm như vậy, ông không cho Nam đi học nữa, sẽ đốt hết sách vở, đốt hết đống truyện chất đầy tủ gỗ kia. Nam thích học nên vội vàng xin lỗi ba mình, hứa sẽ không làm những chuyện khiến ông phải hổ thẹn nữa. Ông Sáu tin lời Nam, ông chỉ đem bộ váy với tóc giả đi đốt thôi. Lửa cháy lớn, thiêu rụi chiếc váy, Nam thút thít, cố nén nước mắt chảy ngược vào trong. Cũng từ hôm đó mà trên tay Nam hằn lên mấy vết sẹo ngắn dài.
Nam còn nhớ rõ, khi ấy Hòa hẹn Nam ra cánh đồng vắng, trên tay Hòa là chai dầu gió, ân cần thoa lên từng vết thương trên tay Nam. Không biết ai đã báo tin nhưng khi cả hai ngồi dưới ánh trăng tà, Nam thấy Hòa bày ra vẻ mặt xót xa lắm, hắn vừa thoa dầu vừa đưa miệng thổi vù vù vào tay Nam, làm trái tim Nam đập liên hồi.
Hẳn là rung động nhỉ?
Nam mơ hồ nghĩ trong đầu mình câu hỏi như thế, nhưng cũng vội vàng ném nó đi. Với Nam, Hòa mạnh mẽ và cá tính lắm, làm sao mà có cái gì đó với mình được, mọi chuyện nó làm cũng vì mình với nó là bạn thân từ thuở đóng khố, tè bô thôi. Vậy mà Nam vẫn mở miệng hỏi: “Mày… có thấy tao lạ không?”
“Lạ? Ý mày là lạ làm sao?” Hòa hỏi vặn, đôi bàn tay vẫn ân cần chăm sóc vết thương trên tay Nam.
Nam khụt khịt mũi: “Kiểu… tao khác người, tao dị hợm… giống như lời ba tao nói vậy á.”
Hòa ngước nhìn Nam, chớp mắt vài cái rồi lắc đầu: “Không. Mày vẫn là mày thôi, có cái gì mà dị hợm.”
“Vậy, tao bình thường đúng không?”
Hòa lại nhìn Nam. Ánh mắt Nam lúc này đã ngấn lệ, chỉ cần thêm vài ba giây là nước mắt có thể lăn dài trên má rồi. Dưới ánh sáng trăng mờ mờ ảo ảo, Hòa thấy Nam đẹp lắm, nét đẹp của một đứa con gái thực thụ. Trông Nam rất dịu dàng, Hòa còn tưởng rằng trước mặt mình là cô thiếu nữ nữa cơ. Một cô thiếu nữ đang dần đến độ tuổi trăng tròn, đầy thuần khiết và lung linh. Ngắm Nam đến chán chê rồi Hòa mới sực tỉnh, vội đáp lời: “Sao mày lại hỏi như vậy?”
Dù Nam cố gắng cách mấy cũng không kìm nổi giọt nước mắt đang trực chờ để lăn khỏi bờ mi. Nam mếu mặt, thút thít vài hơi, sau đó là những tiếng nấc không ngừng.
“Tại… tao cứ nghĩ tao khác người, tao… tao không giống ai. Ba tao nói tao là đồ dị hợm, nói tao bệnh hoạn nên tao sợ… tao sợ tao không được bình thường…”
Phải, có những khi Nam thấy mình như bao người khác. Nhưng có những lúc, Nam cũng thấy mình có gì đó thật lạ…
Bình luận
Chưa có bình luận