Đêm càng về khuya càng trầm mặc. Gió ngưng tiếng thổi, rừng thôi tiếng vọng như thể tất cả âm thanh trên thế gian đều bị “nàng đêm” nuốt trọn vào lòng. Sương đêm lạnh lẽo, trong như ánh mắt thi nhau rơi xuống. Giọt đọng mái đầu, tán lá; giọt sa vai áo; giọt rơi nền đất. Dao đứng đó, nhắm nghiền đôi mắt, mặc cho mấy giọt sương bông đùa vai áo.
Một nhóm người ngựa nương theo bóng đêm chậm rãi tiến lại. Trịnh Khả ngồi riêng một ngựa dẫn đường, theo sau là một nhóm kỵ binh cùng một cỗ xe ngựa. Đập vào mắt danh tướng là hình ảnh cỗ xe hoàng ốc tả đạo sáng rực giấu mình dưới lớp áo lĩnh đen tuyền của nàng đêm kiều diễm.
Trịnh Khả nhắm hướng cỗ xe, thúc ngựa chậm rãi tiến tới. Đến khi nhìn thấy bóng dáng người thiếu phụ nghiêm trang đứng bên cạnh xe và vợ chồng Nguyễn Trãi phía sau thì mới cởi bớt tâm tư cho ngựa tiến nhanh hơn. Khả xuất thân võ tướng đã quen với việc hành quân trong đêm nên tâm tư luôn cẩn thận dè chừng, tránh nguy hiểm rình rập. Nào ai biết được dưới màn đêm u tịch đó là bao nhiêu bóng dáng kẻ thù rình rập, tập kích. Đời danh tướng chinh chiến biên ải nếu không có tâm dè chừng, không biết phải đổi bao nhiêu mạng. Điều Trịnh Khả không ngờ là chút tâm tư dè chừng này của ông lại bị Nguyễn Trãi nhìn thấu. Cỗ xe nổi bật của Nguyễn Trãi chẳng phải đã giúp ông yên tâm tiến bước hay sao? “Hỡi ôi, Nguyễn Trãi! Tài trí cả đời ông đều dùng để tính toán liệu sự nhưng sao không dùng để đổi mệnh cho mình lại tổn hao trên vai Trịnh Khả?”
Ngựa đến điểm dừng, Trịnh Khả trầm tư một lúc rồi phất tay ra hiệu đám người đi theo dừng lại rồi nhanh chóng bước xuống, tiến đến sau lưng Dao cung kính ôm hai tay hành lễ:
- Bẩm lệnh bà! Trịnh Khả vâng mệnh đưa lệnh bà đến Dục Khánh tự. Xin lệnh bà dời gót ngọc theo cùng.
- Cảm ơn Đồng tổng quản có lòng giúp đỡ. Tôi còn vài lời muốn nói riêng với lão… à… với Hành khiển và Học sĩ. Phiền Đồng tổng quản tránh mặt giây lát.
Trịnh Khả nghe xong tuy vẻ mặt vẫn bình thản nhưng giữa đôi mày lại lộ chút nếp nhăn cứ co lại giãn ra rồi lặng lẽ quay về yên ngựa của mình, thong dong đánh ngựa tiến thẳng phía trước một đoạn tầm ba mươi bước chân. Khoảng cách vừa đủ xa để Dao yên tâm nói chuyện nhưng cũng đủ gần để quan sát tình hình xung quanh.
- Lão tiên sinh! Dao tuy con nhà nông gia bụng không đầy chữ như Học sĩ càng không dám so mình với bậc tài học như ông nhưng từ nhỏ Dao đã được dạy “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi”… Nay phải rời đi vì hoạn nạn, Dao không biết ngày sau có được đúng như lời lão tiên sinh: con nhỏ vinh hiển lá rụng về cội nhưng ơn cứu giúp Dao tuyệt không dám quên. Hôm nay giã biệt, ở đây xin lập lời thề nếu ngày sau trẻ nhỏ may mắn lá rụng về cội còn được đèn trời soi tỏ tấm lòng trung trinh, Dao vẫn không quên người ơn, quyết lòng “trả nghĩa thâm ân”.
- Lời của lệnh bà khuôn vàng thước ngọc, Trãi xin ghi nhớ. Sống chết nghe mệnh trời, Trãi tôi đem lòng trung khắc lên núi sông nên từ lâu đã xem nhẹ cái chết dù thác cũng không than, chỉ xin lệnh bà nếu có lòng ghi tạc thì ghi tạc cho tròn: hiếu cha mẹ, tình vợ chồng, lòng sinh thành, nghĩa non sông…
- Lão tiên sinh! Cáo chết ba năm cũng phải quay đầu về núi, nói chi con cháu hoàng gia gánh trên vai trọng trách non sông? Dao… sẽ cố giữ gìn… - lời đến đây như nghẹn lại, từ trong khóe mắt nàng lại rơi ra một dòng châu - chờ ngày bình minh ló dạng…
- Lệnh bà! - Từ bên cạnh Trãi, Nguyễn Thị Lộ bước lên một bước cung kính vái chào – đường xa nguy hiểm xin lệnh bà cẩn thận. Dù rằng nơi cửa Phật là chỗ an lành nhưng lòng người điêu bạc, chỉ sợ sóng giăng ba đào nhấn chìm kiếp người… lệnh bà… xin lệnh bà… cho… Lộ tôi đồng hành tiện bề chăm sóc.
- Bà Học sĩ chớ lo. Đồng tổng quản sẽ biết cách giúp đỡ cho mẹ con tôi bằng an. Ngược lại là bà, lần xả thân này chỉ sợ phải vì Dao mà liên lụy… nay Dao rời đi, bà Học sĩ lại đột nhiên mất tích… Cấm thành chỉ sợ được một thể viện cớ gây chuyện phiền hà, khi đó há chẳng phải uổng phí sự nhọc lòng cứu giúp của vợ chồng bà hay sao? Bà Học sĩ cứ về trước đã, Dao sẽ cố giữ gìn.
- Nhưng thưa... Chín tháng cưu mang, thai bào khó nhọc, đàn bà lâm bồn thân thể hao gầy… Lệnh bà cũng cần có người bên cạnh chăm nom than lửa…
- Được rồi, bà Học sĩ! Tôi biết tấm lòng của bà. Nhưng bà hãy nghe tôi về đi đã. Bà… cũng nên để tôi nhẹ lòng chứ!
Lộ trầm mặc không đáp. Nếu ý của Dao đã quyết, Lộ cũng không thể nói thêm gì chỉ đành cung kính hành lễ tiễn chân nàng Tiệp dư không may phụng rời cành cao ở trước mắt mà lòng nặng như đá tảng.
Dao đi thẳng một mạch đến cỗ xe ngựa của Trịnh Khả rồi biến mất vào trong. Trịnh Khả thúc roi, ngựa hí lên một tiếng dài giữa không gian tịch mịch như gởi một lời tạ từ đến đôi vợ chồng Nguyễn Trãi. Và có lẽ đây cũng là lời sau cùng của nàng đêm gởi lại cho non sông Đại Việt. Tuổi già rồi đôi mắt cũng mất đi sự tinh anh nhưng trái tim có lẽ còn sáng hơn cả sao Khôi; lòng Trãi lòng Khả, lòng Dao lòng Lộ… ai cũng có những nỗi canh cánh riêng nhưng chung quy cũng đều không thoát khỏi số trời đã định.
Đoàn người của Trịnh Khả lao dần vào đêm đen rồi khuất hẳn. Nguyễn Trãi thả tai nghe tiếng chân ngựa dồn dập cho đến khi không còn thanh âm nào vang bên tai mới từ tốn xoay người về phía cỗ xe của mình, nhắc nhẹ Lộ:
- Chúng ta về thôi!
- Dạ vâng! Phu quân đi trước, thiếp xin theo sau phu quân vài ba bước chân!
- Đi cùng đi. Chúng ta là vợ chồng, nàng cần chi phải lễ tiết như thế.
- Đành rằng là vợ chồng nhưng phu quân là người sang trong nước, thiếp là vợ lẽ thì cũng nên…
- “Trượng phu” trong một trượng là phu. Ba bước chân vừa bằng một trượng? Nàng khéo lễ tiết. Ngặt nỗi nàng xuân sắc tươi trẻ, bụng nhiều hơn phụ nữ thôn quê mấy bậc chữ nhưng lại gán đời mình vào Nguyễn Trãi… ngày sau lỡ may oan thác… hóa ra tôi lại nợ nàng!?
- Phu quân nặng lời. Lộ xuất thân hàng chiếu thôn quê may thay gặp được bậc tài danh được theo tháp tùng cùng chung vai đấu cật, dốc lòng theo họ Lê gìn giữ san hà cũng xem như thỏa chí một đời của kẻ sĩ. Đều là phận chuyết kinh [i] nhưng thiếp tự thấy mình may mắn hơn các phụ nữ thôn quê suốt đời chỉ có thể phía sau gian bếp nâng khăn sửa túi thờ chồng dạy con. Đầu có thể rơi máu có thể chảy vì giang sơn thì làm sao nói là phu quân nợ thiếp?
Nguyễn Trãi không đáp chỉ lặng lẽ nhìn người bên cạnh rồi thả đôi mắt già cỗi của mình lên gương mặt tứ tuần còn ẩn chứa sắc xuân rạng rỡ của nàng, vỗ nhẹ lên mu đôi tay còn đan trước bụng:
- Nói đến hàng chiếu… không biết có phải con người khi già đi rồi sẽ bất giác nhớ nhiều hơn về những chuyện đã cũ. Tôi mấy ngày nay đều hay nhớ đến rất nhiều chuyện nhưng nhớ nhiều nhất là bài ca chiếu gon của nàng cũng nhớ dáng vẻ thiếu nữ mắt sáng như sao, trí tuệ như mặt trời ban trưa giữa nơi phố chợ đông người sống nếp đảo điên. Than ôi! Lời người xưa dạy “trai khôn kén vợ chợ đông” đúng thật không sai. Đi gần hết một cuộc đời, có lúc tôi lại thèm khát cảm giác về lại Côn Sơn uống chén trà nhạt họa bức thanh nhàn.
- Côn Sơn cảnh sắc yên bình, thiếp cũng muốn về…
Lộ nói đên đây giọng như lạc hẳn, dường như có gì đó chặn ngang ngực khiến nàng không thể thốt thêm lời nào. Trãi cũng thế. Gương mặt già cũng bị nuốt vào triền cảm xúc. Người già rồi tự khắc hay nhớ chuyện cũ. Trước mắt là rừng đêm thăm thẳm nhưng dường như trong đôi mắt kỳ lão lại là Côn Sơn thanh bình.
Nguyễn Trãi nhìn thẳng về hướng cỗ xe hoàng ốc tả đạo, chậm rãi bước lên phía trước, hai tay chắp ra sau lưng. Vừa đi vừa ngân mấy câu thơ. Giữa đêm tịch mịch, bóng người hòa vào bóng thơ - vang vọng, day dứt:
Am cao am thấp đợt đòi tầng
Khấp khểnh ba làn trở lại bằng
Quét trúc bước qua lòng suối
Thưởng mai về đạp bóng trăng
Phần du lẽo đẽo thương quê cũ
Tùng cúc bù trì nhớ việc hằng
Một phút thanh nhàn trong thuở ấy
Thiên kim ước đổi được hay chăng?[ii]
Ngàn vàng khó đổi được thanh bình khi kiếp người phủ trong dâu bể…
[i] Từ tiếng Hán: 拙荊 là từ dùng để chỉ vợ của các bậc Nho học, tri thức xưa.
[ii] Bài thơ số XV thuộc “Quốc Âm thi tập (Nguyễn Trãi di tập) - phần vô đề: Thủ vĩ ngâm.
Bình luận
Chưa có bình luận