Hiên vẫn khép nép:
- Con không dám.
- Không nói thì mới là trái lời.
Nàng hít một hơi thật sâu, trước khi thực sự có đủ dũng khí khuyên can:
- Con mong đức ông lấy việc bảo trọng làm đầu. Biết rằng việc nước cấp bách, nhưng hao tổn sức lực xong thì cũng cần nghỉ ngơi, vậy mới có thể lâu dài.
Nguyên Trừng chẳng mảy may, đáp:
- Tam thập nhi lập (5), hiển nhiên là phải chuyên chú hết sức. Mọi chuyện ta làm vẫn thuận theo chức phận đấy thôi.
- Dạ. - Nghe vậy, Hiên chỉ biết gật đầu.
Hắn nhìn sang, dường như có vẻ gì không hài lòng:
- Ngươi vẫn còn có gì muốn nói sao?
- Đức ông dạy phải, con không...
Chưa kịp để nàng nói hết câu, Nguyên Trừng đã ngắt lời:
- Ngươi biết chuyện viên tịch của Trúc Lâm đại sĩ (6) chứ?
Hiên hiểu rằng người trước mặt đang muốn giãi bày:
- Phận con ngu tối, xin đức ông chỉ dạy thêm.
Giọng hắn chậm rãi, ngữ điệu không lên không xuống, như thể đang kể một câu chuyện đã nhàm:
- Ngài ấy biết lúc nào mình sẽ cưỡi hạc quy tiên, còn lường trước để dặn dò người chị gái đang hấp hối của mình. Kết quả là hai người mất vào cùng một ngày. (7)
Hiên im bặt, đến lúc này, hắn mới nhàn nhã gắp thức ăn đưa lên miệng:
- Sống chết có số, mọi chuyện đã được an bài, sao phải tốn công nghịch mệnh?
- Đức ông dạy phải, con xin nghe.
Nguyên Trừng không nhìn qua phía nàng, chỉ cười trừ, thừa biết người kia vẫn còn đang nghĩ ngợi. Hiên sớm đã mất cha mất mẹ, được hắn cho phép nên một vị gia nô già mới dám cưu mang, đến nay thì bà ấy cũng chẳng còn, nàng vẫn lớn lên cùng những người khác trong phủ. Chỉ là chẳng hiểu sao, theo thời gian, hắn cảm thấy Hiên có gì đó rất bướng bỉnh, dù bên ngoài thì vẫn là người hết lòng tận tụy.
Quả vậy, đêm đó, khi gian phòng nghỉ ngơi của hắn chỉ còn ánh đèn leo lét, nàng vẫn không yên tâm mà đứng bên ngoài canh chừng. Không gian thinh vắng, những tiếng xào xạc nhỏ nhoi cũng không thể xua đi vẻ cô quạnh. Hai canh giờ sau, khi đã suýt gà gật, nàng vẫn nghe thấy tiếng hắn hét lên vì ác mộng, xé toạc chút yên tĩnh buổi khuya.
Hiên vội chạy vào, mặc cho hắn tỏ ra không cần:
- Ngươi ra ngoài ngay đi!
- Đức ông hãy cố thở ra bình thường. Từ từ thôi ạ.
Hiên mặc kệ, vẫn ở bên giúp hắn ổn định lại hô hấp. Giây phút ấy, màn đêm dường như lại đặc hơn, cơn gió đông heo hút cũng cựa mình rồi chiếm lấy cái oi nực nơi thân thể hắn. Trong khoảng không tranh sáng tranh tối, ngay cả việc phân biệt xem mình đang mơ hay tỉnh cũng đột ngột trở nên khó khăn gấp vạn lần. Khoảnh khắc thực sự thấy bản thân rã rời, Nguyên Trừng mới chấp nhận cho gia nô đi mời thầy thuốc bên ngoài.
Kìa mắt mờ trông ngật ngưỡng thu
Lửa thiêu, cỏ đốt, tiếc người tu
Mưa đày, lũ chạy, trời tăm tối
Rỏ máu vượn kêu khóc kẻ mù.
Lại là cảnh cuồng phong cũ, lại là những câu chữ hắn không muốn nhớ nhưng buộc phải thuộc lòng. Rồi đây, sẽ còn là bao nhiêu lần mộng dữ?
- Thời gian này, tướng quân nên nghỉ ngơi điều độ, thuốc thang đã kê, cái nào sắc ra sao thì hạ thần cũng đã dặn dò gia nô của người. Quan trọng là phải thật bình tâm mới được.
Nguyên Trừng gật đầu, dẫu trong lòng nghe đến hai chữ "bình tâm" thì đột nhiên cảm thấy chua chát. Chừng nào còn không hiểu ra được cơn mơ kia có nghĩa là gì, chừng ấy hắn còn phải quằn quại. Thấy Nguyên Trừng ngồi thừ người, thầy thuốc nói thêm:
- Nếu thâm tâm có vướng mắc thì thì tướng quân nên tìm người hầu chuyện cho khuây khỏa. - Vị tiên sinh còn nhấn mạnh. - Ngài cố kìm nén thì sẽ càng có hại về lâu về dài.
Nếu nói thì nói với ai được kia chứ? Hắn tự giễu cợt mình, ngồi cứ thế đưa mắt thẫn thờ nhìn ra những tán cây xơ xác bên ngoài. Trong khi tâm trí Nguyên Trừng lạc theo những suy nghĩ mơ màng, Hiên vẫn đứng đó, tuyệt nhiên chẳng dám hé một lời. Chỉ có điều, ngay cả sự im lặng của nàng cùng khiến hắn cảm thấy bị châm chọc.
- Ngươi lại có gì muốn khuyên bảo ta sao?
Giọng Hiên sốt sắng:
- Con không dám, xin đức ông đừng nói như vậy.
- Thầy thuốc dặn ta phải tìm cách để khuây khỏa, có lẽ là nên ra ngoài một chút. - Nguyên Trừng nói. - Ta muốn đi vi hành đến mấy phủ châu ngoài kinh đô để xem vài nơi dạy học. (8) Ngươi bảo Nhật Túc chuẩn bị giúp ta vài người để lên đường.
Thời họ Trần còn tại vị, nơi dạy chữ hầu như chỉ có nhiều ở phía kinh đô, thậm chí về sau có mở thêm cũng là chỗ quê vua. Chính cha hắn là người khiến cho các vùng khác cũng có nơi dạy học, để sau này còn có nhân tài đông đủ nhằm phụng sự triều đình. Có lẽ giờ này chỉ có cảnh tượng ấy mới khiến hắn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Hiên nghe theo rồi rời khỏi gian phòng, nghe tiếng khép cửa nói thay những xáo động trong lòng nàng.
Dưới mảnh trời, có người thầm mong mùa đông này sẽ dịu đi phần tê rét.
*
- "Vô dật" (9) tức là "không được nhàn hạ", ý nói người làm vua phải hết lòng chăm lo chính sự.
Trong gian nhà, vị thầy nho lật từng trang sách, vừa giảng giải vừa quan sát lũ học trò bên dưới. Một đám lớn nhỏ đủ cả, ấy vậy mà ai cũng chuyên chú lắng nghe.
- Vị kia là Truy Viễn, rất được coi trọng ở xứ này. - Nhật Túc nói với Nguyên Trừng. - Tướng quân thấy đấy, đúng là phong thái danh bất hư truyền.
Nguyên Trừng gật đầu, đến hắn cũng phải công nhận, người này mang một vẻ bình đạm, chẳng cần lớn giọng nhưng rất có uy. Ăn mặc giản dị, đúng với dáng vẻ bần nho trí lự, không màng phù hoa. Đáng chú ý hơn cả có lẽ là đôi mắt hơi chếch lên, con ngươi đen sâu hút. Dù chắc hẳn đã quá tuổi tứ tuần nhưng chẳng hiểu sao Nguyên Trừng vẫn thấy khí lực toát ra, thậm chí còn có cảm giác trẻ hơn hắn.
"Vô dật".
Có lẽ bởi hai tiếng vẫn âm vang đến ám ảnh trong lòng Nguyên Trừng. Thời mà cha hắn vẫn phừng phừng chí khí lấp sông bạt núi, thể chất cương kiện, không ngày nào thôi nói với hắn rằng vì sao bậc quân tử lại phải "vô dật".
"Nhất là trước thời thế nhiễu nhương, càng chẳng thể là kẻ đứng ngoài chọn cái nhàn hạ cho mình."
Không phải vì phù hoa hư ảo, không phải vì võng áo ngựa xe, mà là tu chí sao cho tài kinh luân có thể gánh vác nghiệp lớn. Từng lời nói ra, sao có thể tràn trề phách lực tới thế? Trong một giây khắc, hắn còn cảm tưởng như mình được trở về thời được Thượng hoàng nắn từng nét chữ, cẩn thận cho mỗi một đường bút đều không thể chuyển xoay.
- Được diện kiến Tướng quốc, quả thực là niềm đặc hạnh của hạ thần.
Sau buổi dạy, khi đám học trò đã về hết, Truy Viễn mới xuất hiện trước Nguyên Trừng. Thầy nho cung kính:
- Thần chỉ vừa mới biết tướng quân quá bộ ghé thăm, chưa thể tiếp đón chu toàn. Mong được ngài lượng thứ.
- Thôi, ta không ở lâu, đứng đây cũng được. - Nguyên Trừng đáp. - Mà... "truy viễn" nghĩa là ngoảnh lại nhớ chuyện xưa sao? (10)
Người đối diện gật đầu, nét cười dường như có phần cảm kích:
- Tướng quân sáng suốt. - Truy Viễn nói. - Chỉ có điều...
- Sao vậy? Ta còn sót ý nào chăng?
Lời thầy nho chậm rãi:
- Ngài có thể đọc được thâm tâm người khác, sao không thể giải bỏ được phiền muộn của chính mình?
Nguyên Trừng cười khổ, hóa ra vẻ mệt mỏi trên gương mặt hắn lại rõ ràng tới thế.
- Cũng không có gì nghiêm trọng. - Hắn lảng sang chủ đề khác. - Mà chuyện dạy học vẫn tốt cả chứ?
Truy Viễn không đáp ngay, mà từ từ phóng tầm mắt ra xa, thu trọn vẻ bạt ngàn của trời đất:
- Năm xưa chưa có trường học, giáo hóa còn hạn chế, hạ thần dù chưa đến mức làu thông kinh sử nhưng vẫn muốn được góp sức mọn giúp triều đình khai mở dân trí. May có sự sùng thượng việc học của Thượng hoàng, ta mới được ưu hậu như thế.
Nguyên Trừng nhìn theo ánh mắt của Truy Viễn, nghe hắn nói tiếp về những gian đèn sách sắp được xây thêm, dưới những tán cây xanh rợp cả một vùng. Có lẽ thầy nho kia cũng không hiểu được ngọn lửa chảy ngầm trong cái nhìn ấy vốn quen thuộc với hắn thế nào. Thấy hắn trầm ngâm, Truy Viễn nói thêm:
- Thật ra tướng quân không cần băn khoăn. Chiêu hiền đãi sĩ là chuyện lâu dài, cũng như giang sơn gấm vóc không phải ngày một ngày hai mà dời đổi.
Dù đều là những lời nói phải, cớ sao lòng hắn vẫn nặng trĩu? Cái gọi là "lâu dài", rốt cuộc là phải đợi đến khi nào? Lời Nguyên Trừng trở nên dè dặt:
- Chỉ e nghiệp lớn chưa thành mà phúc phận đã hết.
Người kia chợt cười. Sau phút lặng im, giọng nói của Truy Viễn có phần quả đoán hơn:
- Rồi đây sử sách công bằng, những gì ta làm với đời đều sẽ có hậu nhân nhìn rõ.
Tối đó, ngay khi về đến phủ, Nguyên Trừng trải những tờ giấy ra, cặm cụi viết đi viết lại hai chữ "Vô dật". Bên ánh nến leo lét, từng nét nhịp nhàng nhưng người cầm bút thì vẫn phải kiểm soát lực tay rất chặt, ngay cả khi nét mặt dường như chẳng có chút suy chuyển gì. Hiên đứng cạnh đã mài mực đến rã rời mà hắn vẫn bị cuốn vào từng con chữ như thể thôi miên. Đến khi hắn tạm ngừng, nàng mới dám thỏ thẻ:
- Sao đức ông phải viết những chữ giống hệt nhau vậy ạ?
Nguyên Trừng không đáp, hoặc có lẽ là đang tìm câu trả lời sao cho thỏa. Một vài giây sau, hắn chợt lẩm bẩm:
- Những chỗ vẩy nhẹ chưa được tinh gọn, chỗ cố nhấn bút xuống thì lại hơi thô. Chưa kể hình như có mấy nét giãn cách hơi hẹp.
Hiên đôi tay trên thỏi mực, động tác này khiến Nguyên Trừng chú ý:
- Sao thế?
- Con... - Hiên dè dặt. - Con tưởng đức ông đang hỏi nên không biết phải gật hay lắc đầu. Dù sao cũng không hiểu...
Nguyên Trừng bật cười:
- Ta nói vu vơ thế thôi.
Hiên ngắm đi ngắm lại từng nét mực, chợt nói:
- Những người có thể hiểu chắc hẳn đã phải học rất nhiều.
- Còn phải bàn sao? Học là một chuyện, học cho thạo lại là chuyện khác.
Hắn đáp, mặc cho Hiên vẫn nhìn chòng chọc vào tập giấy mỗi lúc một dày, từng chữ thốt ra theo những mênh mang vô định trong đầu:
- Chỉ cần được học... Cho dù có không đi đến đâu...
Nguyên Trừng ngắt lời, ngoảnh sang nói một cách hết sức bình thản:
- Thường thì sẽ chẳng đến đâu.
_____________________
(5) Trích từ Luận Ngữ, nguyên văn: "Tam thập nhi lập, Tứ thập bất hoặc, Ngũ thập tri thiên mệnh." (Ba mươi tuổi lập thân, bốn chục tuổi không còn nghi ngờ, năm chục tuổi thấu được mệnh trời.) Ý nói giai đoạn tuổi 30 của một người bình thường nên ưu tiên ổn định chí hướng, sự nghiệp.
(6) Tức vua Trần Nhân Tông, vị hoàng đế anh minh và cũng là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.
(7) Chuyện được kể lại trong Thiên thứ hai - "Trúc Lâm thị tịch", thuộc cuốn "Nam Ông mộng lục" do chính Hồ Nguyên Trừng biên soạn.
(8) Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tháng 5 năm 1397, Quý Ly lệnh cho các phủ lộ xây thêm trường học.
(9) Là thiên thứ 43 trong sách Thượng thư, được cho là của Chu Công, công thần khai quốc nhà Chu, biên soạn để dạy cho Thành Vương. Người viết tham khảo ý nghĩa từ bản dịch "Kinh thư diễn nghĩa" (Lê Quý Đôn) của Ngô Thế Long và Trần Văn Quyền, phát hành năm 1993 bởi Nhà xuất bản TP. HCM.
(10) Hai chữ "Truy Viễn" trích từ câu "Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ" của Tăng Tử trong Luận Ngữ. Người viết tham khảo phần nghĩa từ lời bàn của dịch giả Phùng Hoài Ngọc trong cuốn sách dịch Luận Ngữ được xuất bản bởi NXB An Giang, 2011.
Bình luận
Chưa có bình luận