Dạo gần đây Sài Gòn mưa quá, mưa lớn đến độ tôi chẳng thèm bước chân ra ngưỡng cửa. Tôi lười nhác ngồi bên trong nhà, liếc mắt đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa sổ, mưa trắng xóa trời, vài giọt nước đọng lại chạy dọc xuống bệ cửa.
Tôi thở dài thườn thượt với sự nhàm chán và trầm buồn của tiết trời lúc bấy giờ dẫu vậy lại không thể rời mắt khỏi cảnh trời ngày mưa. Cây cối xung quanh cứ ngả nghiêng, mấy sạp hàng quán cũng vội dọn.
Mưa thưa dần nhưng vẫn còn đó. Tôi thấy rõ từng hạt mưa rơi từ trên xuống, tưởng chừng như rơi rất chậm, tưởng chừng như dừng lại giữa không trung, chúng long lanh tựa như viên ngọc quý, tôi tập trung vào những hạt mưa nhỏ rồi cứ ngồi đó nhìn xa xăm.
- Thằng kia trả mười ngàn cho tao!
Con bé đó hét lớn, nó kêu gọi trong thảm thiết dù có vẻ tiếng mưa lấn át giọng của nhỏ. Nhỏ độ chừng năm, sáu tuổi. Da con bé sạm đen, quần áo cũng đã cũ, lem nhem. Trên người đeo cái túi đeo chéo. Nó dí theo thằng oắt con trước mặt, thằng đó chắc cũng tầm tuổi nhỏ, người ngợm cũng đen đúa, lem luốc giống con bé. Thằng nhỏ giật mười ngàn trên tay con bé, chạy thục mạng mặc kệ cho nhỏ cứ dí theo.
- Trả tiền cho tao không tao méc mẹ! - Giọng nhỏ lạc hẳn, mắt rưng rưng như sắp khóc.
Thằng nhóc thấy vậy thì dừng lại, quay đầu nhìn con bé, nó hơi ngập ngừng nhìn tờ mười ngàn trên tay. Nhỏ kia không chịu nổi nữa mà chạy về nhà, thằng nhóc cũng chạy đi, nó quyết định không trả lại tờ mười ngàn cho con bé ấy.
Hai đứa trẻ đó làm tôi nhớ đến một chuyện từ rất lâu về trước, vẫn là ở đây nhưng cảnh vật có chút đổi khác. Nhớ hồi đó tôi cũng tầm tuổi bọn nhóc, sống với mẹ dưới căn nhà đơn sơ, một thời tuổi thơ dữ dội ở xóm Nam La.
Tôi còn nhớ ngày xưa xóm Nam La là nơi tập trung mọi thành phần trong xã hội, từ nghèo khó, gia đình hàng trung hay những đứa giàu nứt đố đổ vách. So với bây giờ thì cũng không khác biệt gì lắm, nếu có khác thì chắc là vì nhà tôi giờ đây không còn nghèo như trước nữa.
-Trang, Trang, Trang, thằng Mẹo ở xóm trên lại kéo người sang đánh thằng Tí kìa. - Thằng Phú hớt hải, thở hồng hộc, người ướt đẫm mồ hôi, bùn đất thì bám chặt lên người nó. Mắt Phú thâm đen, tôi nhìn thoáng qua thì đã biết chắc nó lại bị đấm cho một phát rồi hèn nhát bỏ thằng Tí lại chịu trận đây mà.
- Mày đi kêu thằng Mùi đi, tao tìm thằng Mập với thằng Hến, kêu nó mang theo ná bắn chim, được thì cầm theo súng phốc, biết chưa? - Sau khi “nhận lệnh” thì thằng Phú mất dạng, tưởng gì chứ mấy chuyện này với tôi như cơm bữa, dù là con gái nhưng tôi là “thủ lĩnh” của xóm Nam La, “bảo vệ hòa bình” cho cái xóm này. Dẫu vậy nhưng người lớn trong xóm không thích tôi cho lắm, vì là con gái mà cứ long nhong ngoài đường với mấy thằng con trai, đã vậy còn thường xuyên “tỉ thí” với tụi xóm trên, chân tay lúc nào cũng có chỗ trầy xước, sẹo đầy ở hai bên đầu gối.
Tôi chạy sang nhà thằng Mập, đập cửa rầm rầm trước nhà nó. Thằng Mập là Mập vì nó mập thật, nhà thằng oắt là đại lý vé số, mẹ nó cưng như cưng trứng, đặt hết niềm tin vào thằng con để sau này nó sẽ thừa kế cái đại lý ấy. Chắc vì vậy mà nó mập, đôi lúc tôi thấy tội cho Mập vì nhà nó giàu nên nó ra nông nổi này đồng thời mừng thầm trong lòng vì nhà tôi nghèo để tôi khỏi phải ục ịch và u lì như nó.
- Mày ra chỗ gần bãi đất trống, mang theo cây ná để giúp thằng Tí, mày thấy tụi nó đông quá thì cứ ở yên đó chờ tao, lụm được cái gì thì cứ chọi vào người tụi Mẹo. - Nói rồi tôi phóng đi sang nhà thằng Hến.
- Thằng kia! Ra đây coi! - Tôi đứng trước sân nhà nó hét lớn, thằng Hến là thằng hiền nhất trong băng của tôi, nhà nó không giàu cũng chẳng nghèo, gia đình nó đúng chuẩn dân lao động tuy vậy nhưng cha mẹ Hến quan trọng chữ nghĩa, rèn nó học từ bé nên Hến cũng chẳng thể đàn đúm với chúng tôi thường xuyên được, cũng vì vậy mà nó ốm tong ốm teo, chả đánh đấm được với thằng nào cả. Nhưng Hến rất hết mình với chúng tôi, bận rộn học hành là vậy nhưng chỉ cần tụi tôi gọi thì nó lúc nào cũng có mặt.
- Hến! Hến ơi! - Tôi gọi giật.
- Trang hả? Có chuyện gì vậy?
- Mày tới gần bãi đất trống rồi núp ở cái bụi nào đó yểm trợ cho tụi tao. Tao về lấy súng.
- Ờ, mà có chuyện gì hả?
- Thằng Tí bị thằng Mẹo tẩn cho một trận rồi.
Tôi chạy về, ra sau nhà lấy cây súng phốc làm bằng cây trúc được giấu ở một góc khuất tầm nhìn. Súng phốc được chúng tôi “chế tạo” bằng việc cưa ống trúc ra làm hai, lấy đũa ăn nhét vào phần ngắn hơn và thế là súng phốc của chúng tôi ra đời, đám bọn tôi thường dùng giấy ngâm rồi vo viên lại tạo thành đạn hoặc từ các loại trái cây nhỏ. Tôi sử dụng loại đạn khác nhau tùy vào đối thủ của mình là ai, nếu đó là một trận “tỉ thí” giữa cả hai thì sẽ dùng trái trâm hay giấy nhưng nếu tôi cảm nhận đó là trận chiến sống còn thì tôi sẽ dùng trái mây với mức sát thương cao hơn đáng kể. Cũng vì cây súng phốc này mà tôi đã phải chịu đựng biết bao đòn roi của mẹ.
Tôi bỏ một vài trái mây vào trong túi rồi chạy đi tìm đồng bọn. Đi từ xa lại đã thấy thằng Mập với Hến đang lén lút ở phía ngoài, thằng Mùi với Phú thì xong hẳn vào trong lồng giặc nhưng nực cười là hai đứa đi mà chỉ có mình thằng Mùi cùng Tí xông vào cân bốn, Phú lại đứng nhìn rồi lâu lâu lại dùng ná bắn vào mông tụi xóm trên. Sự hỗ trợ yếu ớt của Phú làm tôi phát điên, tôi nắm chặt súng phốc trong tay, chạy nhanh đến chỗ chúng nó. Mập với Hến thấy tôi lại thì cũng hiểu rõ rằng kế hoạch của chúng tôi đã bắt đầu.
Tôi xông xáo lao vào, kéo một thằng trong đám ra ngoài rồi đấm vào mặt nó, đúng lúc này Mập và Hến núp ở bụi rậm thi nhau nả vào người thằng nhãi vài phát khiến nó đau điếng rồi bỏ chạy. Tôi nhét trái mây vào ống thụt sau đó bắn vào người thằng Phú khiến nó hoảng sợ nhảy dựng lên, co giò chạy ra vòng ngoài, tướng thì rõ đô con vậy mà nhát như thỏ khiến tôi bực bội nên phải dạy nó một bài học, tôi quăng cái ná của mình cho Phú để nó tự xử lý. Giờ đây thế trận đã cân bằng hơn một chút, ba chọi ba cùng với ba nhóc ở vòng ngoài sẵn sàng nã đạn một cách chính xác vào bất cứ đứa nào trong bãi đất này mà không ai hay biết. Chúng tôi lao vào cấu xé nhau, thằng quỷ vật tôi xuống đất làm đầu gối cũng như khủy tay xuất hiện những vết thương đổ máu, Mùi với Tí cũng chẳng khá hơn là bao khi đã bị thương ở tay và bầm một bên mắt, tụi nó giằng co khốc liệt hơn, không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để cho đối phương một cú trời giáng.
Tôi lách sang trái thì bọn Hến bắn bên phải, tôi gạc dò đối thủ thì tụi nó chụp lấy thời cơ bắn tới tấp vào bụng, vào mặt của thằng nhãi ấy. Đúng lúc đối thủ đang hoảng loạn vì không xác định được hướng đạn, tôi nhanh chóng nhét trái mây vào súng phốc rồi bắn một phát để đời vào bụng nó. Lúc trái mây tiếp xúc với bụng thằng nhóc cũng là lúc nước mắt nó rơi, ý tôi là mắt nó ướt còn long lên sồng sộc rõ tức, nhưng tôi mặc kệ, nó đã dám động đến người nhóm tôi thì không thể tha thứ được, chúng tôi quyết định không khoan nhượng mà tiếp tục tấn công cho đến khi nó cùng đồng bọn cụp đuôi bỏ chạy rồi thả lại một lời thách thức:
- Tụi mày đợi đó, tao méc mẹ tao!
Trời, tưởng gì, đánh không lại thì chạy về méc mẹ. Đúng là đồ con nít, tôi khinh, nói vậy chứ cũng hơi sợ, sợ mẹ nó lại sang mắng vốn mẹ tôi thì lại chết dù vậy nhưng tôi vẫn ương bướng chống nạnh ưỡn ngực, mặt kênh kênh đáp lại lời thách thức.
Đám Hến từ trong bụi nhảy ra ngoài, bọn tôi kéo nhau về nhà thằng Mùi vì mẹ nó khéo lắm, tất cả thương tích từng có trên người tôi đều do một tay dì chăm sóc, dì hay trách mắng nhưng cũng vì thương tụi tôi mà che giấu biết bao vụ đánh đấm thảm khốc hơn cả như này.
Tay và đầu gối cứ vết thương mới chồng vết thương cũ, máu chảy ra khắp cả, người thì dính đầy đất cát, quần áo xộc xệch thấy tội. Dì Hương xoa ít thuốc lên người tôi làm bao nhiêu nỗi đau được tôi giấu giếm giờ lại bị lột trần hết thảy, tôi la lên một tiếng, thằng Mùi bên cạnh thấy vậy thì cười khanh khách.
- Mày ngứa đòn à? - Tôi cau mày, khó chịu nhìn Mùi.
- Mỗi lần tao thấy mày khổ sở vì chịu đau làm tao cứ buồn cười. - Nó cười phá lên nhìn phát ghét.
Tôi tặc lưỡi, trong nhóm chắc có mình thằng Phú với thằng Mập là phải cụp đuôi khi nói chuyện với tôi chứ còn Hến và Mùi thì khỏi nói, mấy đứa này nhây như quỷ, Hến tuy hiền nhưng nó không phải dạng vừa đâu, tụi nó không bỏ sót bất cứ cơ hội nào để trêu ghẹo, nhất là những lúc như này nhưng hai đứa nó lại được việc và ăn ý với tôi nhất trong cả đám.
- Thiệt tình mấy cái đứa này, cứ đi đánh lộn miết vậy, có ngày dì nói với mẹ của mấy đứa đó nhen.
Tôi không nói gì mà chỉ cúi gằm mặt xuống bĩu môi, dì cứ dọa chúng tôi hoài nhưng chưa bao giờ chúng tôi không sợ vì những lời hù dọa ấy. Thằng Mùi nhìn nó bây giờ cười cười vậy đó chứ tụi tôi về thì nó chỉ có nước ăn đòn no mà thôi.
- Tụi mày lại đi đánh nhau à? - Hưng tặc lưỡi
Hưng mới gia nhập vào băng của tôi không lâu, nó bằng tuổi chúng tôi và là con nhà có điều kiện. Còn tại sao chúng tôi lại kết nạp được một thành viên chất lượng như vậy thì đó là câu chuyện cách đây vài tuần trước thì phải?
- Mày để dành nhiều tiền vầy làm gì? - Phú hỏi tôi.
- Mày ngu, tiền thì để xài chứ hỏi làm gì? Gia đình Tỷ Phú mà hỏi tiền để làm gì - Mùi lấy cây lau sậy quẳng vào người Phú
Lúc tôi phát giác ra cái tên này cũng cảm thấy buồn cười. Nhà thằng nhãi ôm mộng làm giàu, ba nó tên Tỷ nên đẻ con ra đặt tên Phú, cho rằng cái tên ấy nó sẽ vận vào gia đình khiến nhà của chú một bước mà lên mây. Nhưng mà sau bao năm thì nhà chú vẫn vậy, vẫn là tiệm sửa xe nhỏ ở góc xóm cho đến tận bây giờ.
- Nếu có nhiều tiền thì sẽ giống nhà thằng Mập, mấy người như vậy gọi là những người giàu. - Hến giảng giải, cậu ta luôn đóng vai trò như cuốn bách khoa toàn thư trả lời cho những câu hỏi không đầu không đuôi của bọn tôi.
- Thôi dẹp, tao không muốn giống thằng Mập đâu. Tao tiết kiệm tiền để tìm ba tao đó. - Tôi hớn hở
- À, mà ba mày bỏ mày m… - Phú chưa kịp nói thì thằng Mùi đã bay xuống kẹp cổ nó, trấn áp như tội phạm đè nó xuống đất.
- Mẹ tao nói ba tao đi kiếm tiền xa ơi là xa chừng nào có đủ tiền sẽ về gặp tao. Tao thì muốn nhanh nhanh được gặp ba nên tao quyết định sẽ để dành thật nhiều tiền để ba khỏi phải đi nữa. - Tôi cầm con heo đất nhỏ giơ lên trời.
- Ừm, được đó. Tao cũng phụ mày nữa. - Mùi xếp bằng trên người Phú, chống cằm nhìn tôi rồi cười.
- Mà sao mày kiếm được tiền vậy? - Mập hỏi.
- Đi trấn lột mấy đứa xóm trên chứ đâu, bữa bắt được con dế lửa đem đổi ba đồng bạc với tụi nó nữa.
- Ê, nhìn kìa. - Mùi hất mặt về phía chiếc xe hơi đang chạy luồn lách qua con hẻm nhỏ.
- Xe hơi? - Tôi nhìn bọn nhóc, chúng nó như hiểu ý tôi mà đồng loạt gật đầu.
Bọn tôi bám theo chiếc xe ấy đến khi nó dừng lại phía trước một ngôi nhà cũ, mái hiên đã gỉ sét được lấp liếm bởi hàng hóa giấy phía trên làm nó có vẻ thơ mộng. Chúng tôi chỉ dám nép vào bên góc đường để theo dõi chiếc xe ấy từ xa.
- Ai vậy bây?
- Đi xe hơi chắc nhà giàu á mày. - Tôi cảm thán.
- Ừ, nhưng trong xóm này làm gì có ai mua nổi xe hơi?
- Ờ, cũng phải, giàu cỡ thằng Mập là hết cỡ rồi.
Chúng tôi cứ xì xào như vậy cho đến khi cánh cửa xe mở ra và một người đàn ông trung niên đeo chiếc kính đen chỉnh trang lại phần vạt áo. Theo sau là một người phụ nữ và đứa con nít nào đó, người phụ nữ kiêu kỳ với đôi môi đỏ rực, vóc dáng thanh cao cùng đôi giày cao gót càng toát ra vẻ quyền lực. Thằng nhóc đi theo cũng tươm tất không kém, người nó mặc một chiếc sơ mi trắng nhìn có vẻ chững chạc đến lạ thường. Vẻ ngoài hào nhoáng ấy khiến chúng tôi bất giác cảm thán. Cả ba trở vào trong nhà, không lâu sau thì tôi lại thấy thằng nhóc đang lang thang ngoài đường cầm theo ba ngàn trên tay.
Chúng tôi bám theo nó được một lúc, bọn tôi nấp trong bụi rậm như những con mèo đang rình chuột, Mùi chạy ra giữ chặt người thằng nhóc khiến nó hoảng hồn mà giãy dụa không ngừng cũng giống như cách mà bọn chuột chống cự khi bị mèo tóm được, tôi chớp lấy thời cơ xông ra giật tiền trên tay nó. Cuối cùng, Mùi xô Hưng ngã xuống đất, cả bọn dọt lẹ trong tích tắc. Tôi thấy thằng nhỏ ngã mạnh xuống đất trông cũng tội nhưng kệ, trầy xước ngoài da thì lo gì. Thế là tôi chạy thục mạng mà trong tay cứ nắm chặt ba ngàn bạc.
- Bữa mày kêu không ăn cắp nữa mà? - Tôi hỏi Mùi.
- Trời, mày giật chứ tao có giật đâu.
- Tại mày giữ nó lại chứ bộ, tao đâu có muốn đâu. - Tôi bĩu môi
- Mày ngộ, không thì trả lại cho nó đi.
Nghe Mùi nói vậy tôi cũng hơi chần chừ, tôi chỉ lẳng lặng nhét tiền vào trong heo đất, vỗ vỗ mấy cái rồi lại ôm chú heo trong lòng. - Sau này tao sẽ trả…khi tao tìm được ba tao.
- Ừ.
- Trả tiền đây mấy đứa kia!
Thằng Hưng nó chạy từ xa lại, chỉ thẳng vào mặt sáu đứa bọn tôi. Chưa kịp phản ứng thì Hưng đã túm cổ áo Mùi, cả hai đứa chúng nó đều ngã nhào xuống đất, Hưng là người ra đòn trước, nó đấm vào má phải của Mùi khiến thằng oắt nổi điên lên dùng chân đá vào lưng nó rồi đè ngược lại, Mùi không khoan nhượng mà đấm vào mặt khiến khuôn mặt như búp bê sứ của Hưng bị trầy xước. Tôi cùng với những đứa khác chỉ biết đứng ngoài nhìn vào vì chúng tôi là kẻ ăn cắp, tôi không thể đánh nạn nhân của chúng tôi được. Mấy đứa còn lại đứng ở ngoài xem, riêng tôi và Hến chạy lại, đứa thì túm cổ thằng Mùi, đứa thì túm áo thằng Hưng lôi ra. Hai đứa nó cứ giãy giụa, quờ quạo thấy mà khó chịu, riêng thằng Hưng thì cứ như con thú hoang bị đe dọa, nó vẫy vùng, vùng vẫy làm rơi mất con heo đất tôi đang cầm trên tay.
Con heo rơi xuống đất vỡ thành những mảnh lớn làm lộ ra biết bao tờ tiền lẻ bên trong nó, lúc con heo rơi xuống đất thì cũng là lúc chúng nó ngừng giãy giụa, Mùi hất tay Hến, nó chạy lại rồi nhặt từng tờ tiền, góp nhặt từng mảnh vỡ. Tôi đẩy thằng Hưng sang một bên, đưa luôn cả số tiền mà chúng tôi cướp được từ nó. Tôi ngồi xuống, khẽ chạm vào một tờ tiền, tôi chạm vào mảnh vỡ của con heo đất. Thấy tôi như vậy thì bọn còn lại cũng chạy đến, chúng nó lom khom nhặt tiền, tôi cũng nhặt, nhặt thì nhặt nhưng mắt tôi chợt nhòe đi, cổ họng tôi nghẹn lại, tôi cúi gằm mặt xuống mà tay vẫn khư khư nắm lấy số tiền chúng nó đưa lại cho. Tôi đi về nhà, mắt cứ ươn ướt, tôi lê thê trở về nhà. Số tiền đó tôi tìm một nơi bí mật khác để cất giữ, tôi mang tiền bỏ vào một chiếc hộp nhỏ rồi đem chôn xuống đất. Trong lòng cứ thủ thỉ rằng tôi không thể ghét thằng Hưng vì vốn dĩ tôi ăn cắp tiền của nó đã là chuyện xấu. Tôi cứ nghĩ như vậy mà lấy làm ân hận mãi. Sáng hôm sau Hưng và Mùi cùng Hến đã đứng ngay trước cửa nhà. Trên tay chúng nó là một con heo đất lớn hơn cả con cũ.
- Xin lỗi vì làm bể heo đất. - Hưng ậm ừ.
- Không cần, tao ăn cắp tiền của mày còn gì.
- Tao có kể chút xíu chuyện của mày cho thằng Hưng. - Hến lên tiếng.
- Nó dùng tiền tiêu vặt của nó để mua đấy. Mày không nhận thì tao đánh nó thêm một trận nữa. - Mùi bày ra vẻ mặt nghiêm trọng.
Tôi chợt cảm thấy áy náy với số tiền tôi đã ăn cắp ngày hôm qua, cũng xấu hổ vì ai đời thằng bị cướp lại trả đồ cho thằng cướp chứ, nếu có trả thì chỉ có bọn tôi, những thằng ăn cắp trả mà thôi. Tôi chần chừ cầm lấy con heo đất trên tay Hưng, chưa kịp chạm vào thì thằng nhóc đã đặt con heo vào tay tôi. Cũng từ dạo ấy Hưng trở thành một thành viên trong nhóm của chúng tôi, con heo đất có ghi tên của cả bọn đến bây giờ tôi vẫn đang còn giữ, mỗi ngày cứ nhìn thấy chú heo đất tượng trưng cho tình bạn keo sơn của chúng tôi mà trong lòng không khỏi thấy phơi phới.
- Ê, xoài nhà bà Nam nhiều ghê ha mày? - Mùi đánh mắt sang căn nhà đối diện. - Sao? Trộm không?
Ý định chỉ mới nhen nhóm mà đã bị dì Hương cóc đầu một cái rõ đau khiến thằng Mùi im bặt, hổ báo vậy thôi chứ mẹ nó thở một tiếng thì nó chỉ biết tự giác nằm lên phản đưa mông cho mẹ nó đánh.
- Thôi đi ông tướng, coi người ngợm con có thấy gớm không? Sẹo lớn sẹo nhỏ chi chít trên người, tay chân còn chưa lành lặn mà đòi leo trèo trộm cướp nhà ai? Mẹ mà nghe bác Nam mắng vốn là mấy đứa chết chắc, biết chưa?!
Chúng tôi chỉ biết thụt cổ lại mà ậm ừ. Vậy là kế hoạch của bọn tôi đã tan thành mây khói rồi.
- Ê mày, xong chưa chứ vai tao đau quá. - Thằng Mập ở dưới than trời.
- Đợi xíu đi, hái nhiều nhiều chút. - Mùi đứng thẳng trên vai Mập, nó đi tới đi lui một cách đầy khảng khái.
- Hái vừa đủ cho bảy đứa thôi! - Mập gào mồm - Mày ỷ tao bự mà tưởng tao khỏe, người tao mập là tại tao ăn nhiều chứ có đi đánh lộn để có múi giống thằng Mẹo đâu!
- Ê Trang, bắn mấy trái xoài đi, mày bắn giỏi hơn tao mà.
Tôi giơ ná lên, bắn vào trái xoài sẫm đang lủng lẳng trên cây, viên đạn của tôi hoàn hảo bắn hạ mục tiêu, nó xoẹt qua tán lá, rơi thẳng xuống mái nhà bà Nam như sấm trời nghe mà thấy thích. Trái xoài rớt xuống, thằng Mùi với tay chụp được rồi thảy cho Hưng, nó vừa chạm vào trái xoài thì phía trong nhà bà Nam đã lao ra ngoài.
- Đứa nào đó? - Bà ta ngó nghiêng đông tây rồi dừng mắt ở phía cây xoài. Tôi cá là bà ta đã thấy được cái khuôn mặt của thằng Mùi thụp xuống hàng rào, ngã ngửa, nằm sõng soài trên đất vì thằng Mập đã vội vàng chạy trước.
- Thằng này! Sao mà chơi chạy trước vậy trời. - Mùi cằn nhằn.
- Thì ra là tụi mày, đứng lại!
Thằng Hưng lúng túng, nó chẳng biết nó nên chạy hay dừng lại để trả lại trái xoài nó cầm trên tay, người nó đầm đìa mồ hôi vì hoảng sợ nên chúng tôi đành phải kéo nó chạy đi.
- Chạy! Chạy! Chạy đi! - Mùi nó hô to như nó đang điều khiển một đội binh hùng hậu trở về căn cứ.
Chúng tôi chạy thục mạng, dù chạy mệt muốn đứt hơi nhưng miệng đứa nào đứa nấy cũng toe toét dù cho chân tay vẫn còn đau vì mấy vết thương ngày trước. Lời dặn của dì Hương cũng chỉ là nước đổ đầu vịt với chúng tôi mà thôi. À mà tên xóm của chúng tôi là Nam La cũng vì bà Nam mà ra đời, bà Nam là người hay lớn tiếng, hay la, nói chuyện cứ như đang chửi, tính bà cũng khó nên con cháu không muốn về thăm, cả xóm ai cũng ngán nói chuyện với bà trừ bọn tôi, nói đúng hơn là nguyên xóm chỉ có mình chúng tôi ngày đêm chọc bả chửi bằng cách ăn trộm xoài nhà bà.
Bọn tôi chạy và mang theo những trái xoài tuy nhẹ nhưng giờ đây chúng lại nặng trĩu như kéo bước chân chúng tôi lại. Hưng nó nắm chặt trái xoài trên tay lo sợ rằng công sức nãy giờ sẽ đổ sông đổ biển, đã chạy thì phải chạy sao cho thoát. Mấy đứa tôi nhảy vào một bụi rậm gần đó để núp khỏi bà quỷ kia, bọn tôi ở trong bụi rậm mà cứ thấp thỏm không yên, bà Nam nhìn ngó khắp nơi không thấy thì cũng chạy đến nhà dì Hương để hỏi chuyện lúc này mặt đứa nào đứa náy tái mét, xanh lè như trái xoài trên tay, thấy bóng bà đã đi xa thì chúng tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm, chưa được bao lâu thì chúng tôi rơi vào hoảng sợ vì bà Nam lại đi nói chuyện với dì Hương nên chúng tôi chỉ có đường chết, bọn tôi bắt đầu hoảng loạn như ong vỡ tổ.
- Giờ sao mày? - Mập nó lúc nào cũng hỏi những câu hỏi vô nghĩa trong hoàn cảnh thế này.
- Còn sao nữa, xoài lấy cũng lấy rồi, giờ hổng lẽ trả lại - Phú gằn giọng.
- Ừ, phóng lao thì phải theo lao chứ - Tí nói.
- Mà có gì thì trả lại một hai trái thôi còn nhiêu mình ăn hết đi, cây nhà bả đầy trái bả có đếm đâu mà biết. Ở đây có bốn trái tụi mình ăn hai trái trả bả hai trái, bả không phát hiện đâu ha? - Tôi hỏi chúng nó.
- Ừ, tao thấy cũng được đó. Vậy đi - Hến đáp.
- Nhưng mà lỡ bị phát hiện thì sao? Ba mẹ tao khó lắm… - Hưng bồn chồn.
- Có gì tụi tao ăn đòn chung với mày. - Tôi vỗ ngực.
- Mày hay quá, tới lúc đó có khi mày chạy từ đời nào rồi. - Hưng bĩu môi.
- Có khi vậy cũng nên. - Tôi cười.
- Nhỏ này!
- Mà nếu mày khóc lớn thì tụi tao sẽ suy nghĩ lại, ha? - Tôi đánh mắt sang tụi bên cạnh.
- Ừ, con Trang nói đúng đó - Mùi gật gù.
Lúc vừa nói xong thì cây chổi đã kề cận bên lưng tôi, chổi đâu ra? Dì Hương đấy, dì cũng núp ở trong bụi cùng chúng tôi nãy giờ, dì nghe và dì chứng kiến hết thảy. Dì giận đến nỗi mắt như hóa đỏ, nói không thành lời mà phét thẳng vào mông của cả bọn, riêng thằng Mùi dì đánh hẳn hai cái, bây giờ đây tôi mới thấm thía câu nói không ai thương con bằng mẹ. Dì xách tôi và Mùi như xách bịch xoài, mấy đứa khác thì bám lấy chân dì, lết trên nền đất, chỉ riêng thằng Mập là không thể, nó chỉ có thể lăn chứ không lết nổi.
- Dì ơi! Con xin lỗi mà. - Tôi khóc bù lu bù loa, rên rỉ như heo bị cắt tiết, đung đưa trên tay dì.
- Mẹ ơi! Con xin lỗi
- Mấy đứa đợt này chết với dì.
Dì đưa tôi về nhà, mẹ liếc mắt một cái đã biết tôi lại gây chuyện nên chỉ biết tặc lưỡi. Dì Hương đưa từng đứa về nhà rồi kể không sót chuyện chúng tôi đã gây ra, từ đánh nhau đến ăn trộm xoài, riêng thằng Hưng thì dì chỉ dặn dò nghiêm khắc chứ không nói năng gì với mẹ nó. Ngày hôm đó chúng tôi đứa nào đứa nấy cũng bị ăn đòn thay cho cơm, dù đã cố trốn tránh bằng việc nhét cuốn tập ở trong nhưng mẹ vừa nhìn đã biết tôi có mặc “giáp” nên nổi trận lôi đình. Bà kéo quần tôi xuống, quẳng cuốn tập sang bên rồi đánh tôi còn dữ hơn những lúc bình thường, hồi đó thấy đau, bây giờ tôi cũng đau nhưng đau vì mẹ không thể đánh tôi như ngày xưa nữa nên tôi càng đau hơn nhiều.
Chúng tôi trả lại xoài đã trộm cho bà Nam và xin lỗi, chúng tôi phải tự đi vì đó là việc do bọn tôi gây ra, một phần vì các bậc phụ huynh cũng không muốn nghe bả chửi nên không thấy bóng dáng đâu.
- Đau quá mày, giờ còn đau luôn á. - Mùi khẽ chạm vào mông, nó xuýt xoa.
- Đau thật, nghĩ nó chán, trộm xoài bằng cả mạng sống mà cuối cùng chẳng xơi mút được miếng nào. - Tôi tặc lưỡi, người cứ xiêu vẹo vì đau đến nỗi không thể ngồi đàng hoàng.
- Mà thằng Hưng đâu không thấy? - Hến hỏi.
- Hồi hôm qua về nhà mẹ nó biết nó gây chuyện bữa giờ nên cấm nó ra ngoài đường, cấm nó đi chơi với tụi mình luôn rồi. - Phú nói.
Nghe xong thì tôi cũng hơi buồn, cũng khó hiểu vì sao mẹ Hưng lại cấm nó chơi với chúng tôi.
- Hay qua nhà nó thử không tụi mày? - Tôi hỏi.
- Làm gì? - Mùi nói.
- Xin cho nó đi chơi với tụi mình.
- Ừ, vậy đi.
Chúng tôi mon men đến căn nhà có hàng hoa giấy phía trước, dù căn nhà đã cũ nhưng tôi vẫn cảm thấy nét thơ mộng, bình yên của nó, dù đã cũ nhưng nhìn qua tôi cũng đã biết hẳn ngôi nhà này đã chứa đựng biết bao kỷ niệm quý giá của chủ nhân. Hẳn nó phải yêu thương, quý mến người chủ đến mức đồng hành cùng người suốt ngần ấy thời gian, nhìn có vẻ nó cũng đã già đi nhưng vẫn cố gắng đứng vững để che mưa, che nắng, để bảo vệ cho gia đình của riêng nó. Mẹ thằng Hưng mở cửa, cô ấy rất đẹp, một vẻ đẹp sắc sảo và hút hồn người, lúc này tôi mới thấy mặt thằng Hưng giống cô như đúc.
- Cô không có mua vé số. - Nói rồi mẹ thằng Hưng lùi vào trong sân định đóng cổng lại.
- Dạ con không có bán vé số, tụi con tìm Hưng. - Tôi nói.
- À, là mấy đứa hả? Hưng không có ở nhà, mà nay mai là nó lên lại Sài Gòn rồi, mấy đứa đừng có qua nhà rủ nó đi chơi làm gì.
- Dạ vậy ạ… - Tôi bày ra vẻ mặt không hài lòng thấy rõ, cứ tưởng cô sẽ nói thêm vài câu để an ủi chúng tôi nhưng không, cô cứ vậy mà bỏ vào nhà mặc kệ cho chúng tôi đơ người ngoài cổng.
- Bà cô khó ưa. - Tôi cau mày, tặc lưỡi.
Định xoay người bỏ đi thì tôi nghe thấy trong nhà có tiếng cãi vã.
- Mẹ, con đi chơi với mấy đứa đó một chút thôi. - Hưng la lớn.
- Không có đi đâu hết, ở nhà cho mẹ. Con không có được đi chơi với mấy đứa đầu đường xó chợ đó, hư người!
Tôi nghe vậy mà chạnh lòng, khi đó thấy buồn làm sao ấy. Sau này nhớ lại thì tôi lại thấy tiếc, thấy thương cho những đứa trẻ giống tôi hay thậm chí là khó khăn hơn tôi vì tôi hiểu đôi khi cái nghèo tàn nhẫn lắm, đôi khi nó lại đẩy con người ta đến đường cùng để rồi sinh nông nổi và phá hủy cả cuộc đời của một con người. Rảnh rỗi tôi vẫn thường nhìn trời nhìn mây để chiêm nghiệm về sự phân biệt giữa giàu và nghèo dù tôi chưa bao giờ hiểu được cảm giác của người giàu có.
Nhà Hưng có điều kiện không có nghĩa là nó mở đại lý vé số giống Mập, nhà Hưng giàu hơn vậy nhiều, nhà nó buôn bán gì đấy không biết nhưng giàu, giàu nứt đố đổ vách luôn, gia đình nó về để thăm ngoại vì bà đang bệnh nặng, ốm đau triền miên nên con cháu phải chăm sóc chứ bình thường cũng không thèm ngó ngàng gì đến bà lão, bà tuổi cũng cao nên chỉ loanh quanh trong nhà.
Nghe vậy thì chúng tôi còn biết làm gì nữa, chỉ có thể bỏ về mà thôi. Mùi vỗ vào vai tôi ý muốn an ủi.
- Ui da. - Tôi la lên.
Có một viên đá nhỏ từ sân thượng chọi vào người tôi, ngước lên nhìn thì tôi thấy thằng Hưng đang đứng trên đó. Hưng hớn hở vẫy tay với chúng tôi rồi ném bịch kẹo lớn xuống chỗ bọn tôi. Chúng tôi chụp được thì chia nhau ra, tạm biệt Hưng và chúng tôi ra về. Không bỏ cuộc, ngày hôm sau bọn tôi vẫn cắm rễ ở trước nhà thằng Hưng.
- Ê, hay mình qua nhà Thằng Hưng thêm lần nữa đi. - Mùi nói.
Ý kiến của Mùi được cả bọn phê duyệt, đứa nào đứa nấy cũng phải gật gù.
- Hình như không có ai đó mày. - Hến ngó nghiêng.
- Hưng ơi! - Tôi dõng dạc.
Chúng tôi bám vào hàng rào như bọn thạch sùng, ngóc đầu lên hàng rào để nhìn vào bên trong.
- Ai vậy? - Hưng từ trong nhà bước ra.
Chúng tôi vẫy vẫy tay để ra dấu cho thằng nhãi
Hưng vừa thấy sáu đứa tôi thì nó lại chạy ra để mở cổng, cổng chỉ mới hé mở thì chúng tôi đã nhào đến mà ôm thằng nhỏ, có thể nói dù chưa chơi được với nó bao lâu nhưng Hưng đã là một thành viên quan trọng trong nhóm của bọn tôi. Hoa giấy rơi cả trên quần áo khiến chúng tôi trông càng sặc sỡ.
- Đi chơi không mày? - Tôi hỏi.
- Tao phải nấu cháo cho bà nên đợi chút đi.
Hưng đưa bọn tôi vào nhà, nhà dù không phải nhà tôi nhưng tôi có thể cảm nhận được từng món đồ được đặt ở đây đều có một câu chuyện riêng về nó, nội thất chủ yếu làm bằng gỗ, có vài món đồ được điêu khắc rất tinh xảo, trong nhà có một cái tủ đựng đủ thứ đồ, từ hình ảnh đến những món quà lưu niệm như con búp bê bằng vải, tôi ấn tượng nhất với cái radio đã tồn tại dường như rất lâu, đến tận bây giờ cứ mỗi lần thấy radio thì đầu tôi lại hiện lên lời bài hát về Sài Gòn hay những bài nhạc ngày Tết của hồi đó.
- Mấy đứa là bạn của Hưng hả?
Bà của Hưng tập tễnh đi ra đón chúng tôi, lưng bà còng xuống, dáng người thì gầy guộc, tóc bà bạc phơ, dù tuổi đã cao, dù mắt bà đã phủ lớp bụi thời gian, da cũng đã nhăn nheo nhưng lại rất trắng, tôi chắc chắn trước đây bà hẳn là một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành.
- Con chào bà. - Tôi nói.
- Chào mấy đứa. Hưng ơi, con dẫn bà lên trên tầng thượng để bà hít miếng khí trời chứ trong nhà ngột ngạt quá. - Bà vừa nói vừa lê từng bước đến bên chiếc tủ kính, bà mở cửa tủ rồi lấy ra một xấp ảnh đã phai màu.
Bà cầm xấp ảnh đấy lên sân thượng còn kéo cả chúng tôi theo, bà dựa vào thành ghế kể cho chúng tôi về những câu chuyện ngày xưa, bà và ông đã gặp nhau ra sao, thời trẻ của bà thế nào.
- Đây, đây là tấm bà với con My ngày xưa, lúc đó nhìn nó cưng lắm, lúc nào cũng là cái đuôi của ba mẹ, lẽo đẽo theo sau vậy đó. Ngày xưa bà bán hàng rong, cứ hay đội cái nón lá cùng cái gánh hàng rồi đi rao “ai mua chè hôn” - Bà nhìn chúng tôi rồi nhìn hàng hoa giấy như nhớ về những năm tháng ấy. - Nhớ lúc bà còn bán hàng rong, giặc đặt mìn ở Việt Nam, vừa đi bà vừa phải né mìn, con My không biết nên cứ đòi xuống vì thấy bà nhọc, bà mới nói nó là con cứ ở trên đó, đừng có xuống, dưới này toàn mìn không hà, con đi không biết đường mà đi đâu, dẫm vô mìn chỉ có mà chết. Gánh hàng nặng lắm vì một bên là chè còn một bên là con, nặng thì nặng nhưng phải chịu thôi, con My nó nghe vậy chỉ biết giữ chặt gánh hàng để khỏi ngã. Bà cứ đi vậy đó, đội cái nón lá mà đi, mồ hôi nhễ nhại, vừa phải rao chè nhưng cũng vừa phải ầu ơ ví dầu để ru con ngủ.
- Sau đó bà chuyển vào Nam, hồi đó nhà ai cũng đẻ nhiều nhưng riêng nhà bà thì không, không đủ tiền để mua gạo chứ nói chi là chăm con, nhà hồi đó nghèo mà con My hay bệnh vặt nên tiền bạc càng túng quẫn hơn nữa. - Bà đưa tấm ảnh cho chúng tôi.
- Còn đây, đây là lúc bà mới quen ông, ông hồi đó trẻ đẹp dữ lắm - bà nghẹn ngào - Năm đó còn giặc, ông phải ra đi vì Tổ Quốc, bà và ông thương nhau nhưng đâu dám nói vì lỡ ông có chuyện thì bà biết làm sao, dù vậy nhưng trước khi đi ông vẫn đưa lại chiếc khăn tay cùng nhẫn cỏ để bà đợi ông. Ông nói: “Khi anh về, anh sẽ ở bên em.” bà nghe vậy cũng lo, bà ôm ông, cho ông đi mà thấy tiếc thấy thương nhưng bà hiểu cho ông vì đất nước, ông yêu nước thì bà cũng yêu nước, bà chỉ sợ không biết có còn cơ hội đeo nhẫn cỏ cho nhau hay không. Bà hôn vào má ông thay cho lời tạm biệt cũng thay cho câu hứa hẹn trở về. Ông đi thì bà ở nhà cứ ngóng chờ, có những đêm bà buồn lắm chứ, nhớ nhung thì cũng có nói được với ai đâu, bà chỉ biết ôm ấp một hy vọng, hy vọng vào tình yêu giữa ông và bà, dù là cỏn con nhưng lại rất nồng cháy, hy vọng tình yêu nước sẽ là động lực để ông trở về. Cho nên là tụi bây mai mốt lớn phải có trong mình hai tình yêu, một tình yêu dành cho người mấy đứa thương, một tình yêu dành cho đất nước. Nghe chưa?
- Nhưng chỉ dành cho đất nước chứ không dành cho gia đình hả bà? Mẹ con nói con phải hiếu thảo, yêu thương gia đình. - Tôi hỏi.
- Mấy đứa yêu gia đình thì mới có trong mình tình yêu quê hương, tình yêu đất nước. - Bà nói.
- Người thương là gì vậy bà? - Phú hỏi.
- Người thương là người yêu thương mấy đứa nhưng không phải ba mẹ, sau này tụi bây sẽ hiểu thôi. - Bà nhìn chúng tôi cười.
- Ông đâu rồi bà? - Mùi hỏi.
- Ông mất rồi, bà còn nhớ ngày trước ông rất thích hoa giấy nên bà với ông mới trồng hoa giấy ở phía trước, ngày ông mất hoa giấy trải đầy một đoạn đường. - Bà mang ra một tấm hình nhìn có vẻ là được chụp gần đây, trong hình là đám tang của ông ngoại thằng Hưng cùng với sự đau buồn của bà con xung quanh.
Hồi còn nhỏ tôi không hiểu vì sao những người lớn tuổi lại hay kể cho tôi nghe về những câu chuyện ấy, đến khi lớn hơn một chút thì tôi mới thấy người lớn tuổi thường sẽ không nhớ được những ký ức ở thời điểm hiện tại mà họ tìm về một miền ký ức xa xăm hơn, càng lớn thì con người lại càng nhớ về những ký ức lúc nhỏ hoặc ký ức thời thanh xuân. Tôi cứ băn khoăn liệu có phải đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất, tươi đẹp nhất của một đời người hay không? Đôi khi vì quá cô đơn nên lại muốn tâm sự, bộc bạch cùng với con cháu, con thì đi làm, bận rộn với vòng xoáy cuộc sống mà họ chỉ còn biết kể cho cháu chắt nghe. Nhưng dù là gì đi nữa thì tôi vẫn lớn lên trong lời kể ấy, những câu chuyện ấy, tôi luôn trân trọng miền ký ức, một miền ký ức của riêng họ vì chắc vài năm nữa thôi những câu chuyện ấy sẽ trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết.
- Hưng ơi! - Từ dưới nhà vọng lên tiếng gọi.
Chúng tôi nghe thì biết đấy là giọng của mẹ thằng Hưng, mẹ nó trở về trong sự ngỡ ngàng của cả bọn, chúng tôi cuống cuồng, luống cuống như ong vỡ tổ. Chúng tôi lo sợ chạy tán loạn trên sân thượng cho đến khi mẹ thằng Hưng cũng đi lên, mẹ nó thấy chúng tôi thì mặt biến sắc, nổi giận đùng đùng mà quát mắng.
- Mấy đứa kia! Sao tụi mày dám vô nhà của tao, đi ra mau lên! - Cô ấy hét lên, nổi điên như con thú dữ hên là nhờ có thằng Hưng đứng ra nói đỡ nên chúng tôi mới thoát được.
- Mấy đứa nó là bạn con mà! Con muốn có bạn mẹ ơi, con muốn đi chơi với tụi nó. - Hưng bày ra vẻ mặt khó coi như muốn khóc.
- Không có bạn bè gì hết, mấy đứa nhà nghèo này không có chơi được. Sau này con không được xuống ngoại nữa biết chưa?!
Chúng tôi phóng xuống, thằng Mập cứ ục ịch mà cũng đến được trước cổng, chúng tôi tháo chạy.
- Ê mày ơi, tao khó chịu quá, chạy nhanh quá nên người tao cứ tưng tưng lên. - Mập vừa thở hổn hển vừa chạy theo bọn tôi.
- Lẹ lên đi, chạy lẹ lên, mày chạy chậm là mẹ thằng Hưng bắt mày làm thịt giờ. - Tôi chọc Mập.
- Thôi, thôi, đừng có bỏ tao, đợi tao với.
- Mấy đứa quỷ! Con sau này không có dính líu đến mấy đứa đó nữa, biết chưa?!
Hưng ôm tay mẹ nó, mắt rưng rưng nhìn theo bọn tôi.
- Con còn dám đưa ngoại lên tầng thượng hả? Sức khỏe ngoại đã không được tốt rồi, con phải biết chứ.
Sau đó chúng tôi cũng không thể qua nhà thằng Hưng được nữa, chỉ có lâu lâu đứng trước cổng mới thẩy đồ chơi chúng tôi tự làm vào cho nó. Được mấy tuần thì ngoại thằng Hưng mất, bà mất vào lúc đêm trên tay thì vẫn nắm chặt những tấm hình bà đưa cho chúng tôi xem, bà sống ở đây rất lâu rồi nhưng khi tuổi già ập đến, sức khỏe bà ngày càng yếu khiến bà không thể đi bất cứ đâu ngoài luẩn quẩn trong nhà, con cháu ở xa nên tôi biết bà rất cô đơn, đám tang của bà chúng tôi có lén đến xem dù chỉ là đứng nhìn từ xa. Sáu đứa bọn tôi đứa nào đứa nấy cũng sụt sịt khóc, không hiểu vì sao nhưng chỉ với vài phút ngắn ngủi mà chúng tôi đã xem bà như người nhà, ở bà cho tôi thấy sự ấm áp, ân cần và thân quen đến lạ. Bọn tôi hy vọng bà cũng xem chúng tôi như con cháu, chúng tôi vẫn còn muốn nghe thêm nhiều nữa những câu chuyện bà kể, bọn tôi vẫn còn muốn chạm vào đôi tay hao gầy, bọn tôi vẫn muốn dìu bà lên sân thượng thêm ít nhất là một lần nữa.
Hoa giấy rơi rụng khắp sân nhà, rơi lên chiếc hộp gỗ mà bên trong có bà, gió mơn man thổi hoa bay đến tay chúng tôi, từng bông hoa rơi trên tay mỗi đứa mà lòng thấy đìu hiu, màu hồng của hoa giấy như nhuộm màu cả trái tim của bọn tôi, có lẽ bà đang vỗ về và ôm ấp những đứa trẻ mà bà chỉ mới gặp lần đầu. Thằng Hưng là đứa buồn nhất khi nó không động đậy mà chỉ đứng yên một chỗ khóc lớn, chúng tôi cũng vậy, những đứa trẻ rách rưới chỉ biết nhìn từ xa mà rơi lệ trên cánh hoa giấy.
- Tao sắp về rồi. - Thằng Hưng ném mẩu giấy được buộc quanh viên đá cho chúng tôi.
Chúng tôi lặng lẽ ra về, bọn tôi không bất ngờ lắm vì mục đích chuyến đi là chăm sóc bà, bà nó không còn thì phải đi về thôi…
Vài ngày sau thì nhà nó đang chuẩn bị dọn dẹp để về lại thành phố, lúc nó vừa ra khỏi nhà thì bọn tôi đã chạy ngay lại để đưa một chiếc lồng có con chim sẻ trong đấy, chim sẻ do chúng tôi tự bắt được.
- Tao cho mày, nhớ phải chăm sóc nó cẩn thận, nó mà chết thì mày no đòn với tao. - Tôi chỉ tay vào Hưng.
- Nhớ quay lại thăm bọn tao. - Mùi ôm Hưng.
- Tao nữa, về thì mang kẹo rồi hẵng về. - Mập cười hề hề.
- Tao nghe nói trên Sài Gòn có nhiều sách hay lắm, về thì tặng tao một ít. - Hến vỗ vào vai Hưng.
- Mốt nhà tao thành tỷ phú thì mày không còn chơi với tao được nữa đâu. - Phú phán một câu làm cả bọn cười nắc nẻ.
- Gặp lại. - Thằng Tí nói chung là kiệm lời nên chỉ như thế là mừng rồi.
- Ừm, tao sẽ nhớ tụi mày lắm.
Bảy đứa chúng tôi ôm nhau, những giây phút chia tay lúc nào cũng bịn rịn hết cả.
Xe lăn bánh, hoa giấy lại rơi, sáu đứa bọn tôi đứng phía sau nhìn thằng Hưng đi thật xa, chúng tôi nhìn lại căn nhà cũ kĩ của bà rồi bỏ đi. Nhóm của bọn tôi vẫn là bảy người.
Thỉnh thoảng ba mẹ nó cũng về để dọn dẹp nhà cửa nhưng không thấy Hưng đâu, chúng tôi cũng hiểu cho nó mà không buồn bã gì. Đến năm nhất đại học thì bảy đứa lại tụ tập la cà, sau đó thì bọn tôi thường xuyên liên lạc lại với nhau nhưng không thể quậy phá như trước được nữa cũng có chút buồn. Tôi cũng chẳng biết làm sao tôi lại nhớ lại những câu chuyện ấy, ký ức cứ như đoàn tàu chạy, nếu lỡ mất chuyến tàu này thì không biết tôi còn bắt được chuyến khác hay không.
Sài Gòn vừa mưa giờ lại tạnh, trời tạnh thì đám đấy lại rủ tôi đi cà phê nữa rồi đây.
Bình luận
Eevee